I- LỊCH SỬ CỨU ĐỘ LÀ GÌ?
Mầu nhiệm cứu độ là ý định yêu thương từ muôn đời của Thiên Chúa, nhằm thông ban sự sống hạnh phúc của Thiên Chúa cho loài người. Ý định này được thực hiện qua công cuộc sáng tạo, nhưng vì loài người khước từ, mở đường cho sự dữ xâm nhập vào thế gian, gây nên đau khổ và sự chết. Thiên Chúa vẫn tiếp tục ý định yêu thương, nên đã sai Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc loài người. Ý định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua một chương trình, diễn ra ngay trong lịch sử loài người : lịch sử dân Israel.
Lịch sử cứu độ là lịch sử những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện từ sáng thế cho tới tận thế, qua những biến cố, lời nói, việc làm, để ban ơn cứu độ cho loài người.
Hay nói cách khác lịch sử cứu độ chính là :
– Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người,
– bắt đầu từ việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật,
– trải qua các bước thăng trầm trong thời gian ,
– nhưng luôn qui hướng về Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử ,
– và chỉ hoàn tất khi Chúa Kitô lại đến (ngày quang lâm tái giáng, ngày tận thế).
II- CÁI NHÌN TỔNG HỢP VỀ LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
Kinh Tạ Ơn IV trong Thánh Lễ cho ta cái nhìn tổng hợp về lịch sử cứu độ :
Lạy Cha chí thánh, chúng con xưng tụng Cha là Đấng cao cả, đã lấy thượng trí và tình thương mà sáng tạo muôn loài. Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và giao cho trách nhiệm trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Cha là Đấng Tạo Hoá, con người làm chủ mọi loài thọ sinh. Tuy con người đã mất tình nghĩa với Cha vì tội bất phục tùng, Cha cũng không đành bỏ mặc cho sự chết thống trị. Quả thế, Cha đã thương cứu giúp mọi người để những ai tìm Cha đều gặp Cha. Hơn nữa nhiều lần Cha đã giao ước với loài người. Và dùng các ngôn sứ mà dậy cho biết đợi chờ ơn cứu độ . Lạy Cha chí thánh, Cha quá yêu thương thế gian , đến nỗi khi tới thời viên mãn, đã sai Con Một đến cứu độ chúng con . Người đã nhập thể bởi quyền năng Chúa Thánh Thần , và được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, đã sống trọn thân phận con người như chúng con , chỉ trừ tội lỗi. Người đã loan Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ bị tù đày, đem lại niềm vui cho những ai sầu khổ. Để chu toàn ý định của Cha, Người đã hiến thân chịu tử hình, rồi từ cõi chết phục sinh, Người đã tiêu diệt sự chết và khơi nguồn sống mới. Người đã chết và sống lại vì chúng con, để chúng con không còn sống cho chính mình nữa, mà chỉ sống cho Người. Vì thế, từ nơi Cha Người đã sai Chúa Thánh Thần đến với các tín hữu như ân huệ mở đầu, để Chúa Thánh Thần kiện toàn sự nghiệp của Người trên trần gian, và hoàn tất công trình thánh hoá muôn loài | I- THỜI THIÊN CHÚA SÁNG TẠO Địa vị
SA NGÃ – Lời Hứa Cứu Độ
Giao ước với các tổ phụ Đối thoại qua các ngôn sứ
II- TÂN ƯỚC Chúa Kitô thực hiện ơn cứu độ
NHẬP THỂ
LOAN BÁO TIN MỪNG
TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH
III- CHÚA THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG TRONG GIÁO HỘI |
III- MẠC KHẢI TRONG LỊCH SỬ
Trước khi rảo qua các chặng đường của lịch sử cứu độ, chúng ta cần tìm hiểu cách thức Thiên Chúa đã tỏ mình ra và thông truyền cho cho con người ý định cứu độ của Người. Việc tỏ mình đó được gọi là mạc khải. Thiên Chúa đã làm công việc mạc khải đó qua hai cuốn sách :
– Cuốn sách vũ trụ : mạc khải tự nhiên.
– Cuốn sách Kinh Thánh : mạc khải siêu nhiên
1- Mạc khải tự nhiên :
Thiên Chúa ban cho con người có một khả năng lý trí tự nhiên, để có thể nhờ vào trí khôn và suy luận của mình mà khám phá ra sự hiện hữu của Thiên Chúa qua hai cách :
– Nhờ nhìn xem vẻ đẹp kỳ diệu và trật tự lạ lùng của vũ trụ và vạn vật mà nhận ra Đấng đã dựng nên chúng.
– Nhờ lắng nghe tiếng lương tâm trong lòng mỗi người luôn hướng về điều thiện, cũng như dựa vào những khát vọng tìm kiếm tự do, hạnh phúc vô biên để nhận ra Thiên Chúa là nguồn mạch mọi điều thiện hảo mà con người khao khát.
2- Mạc khải siêu nhiên :
Mạc khải tự nhiên có thể giúp con người nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa (nỗ lực tìm kiếm trong các tôn giáo), nhưng khả năng của trí khôn có giới hạn, nên con người không thể tự mình khám phá những mầu nhiệm siêu việt nơi Thiên Chúa được. Vì vậy mà chính Thiên Chúa đã phải đến để tỏ mình ra, đó là những mạc khải siêu nhiên (tôn giáo mạc khải) . (Vd: mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi).
Thiên Chúa đã tỏ mình ra qua :
– Các biến cố : như đưa dân ra khỏi Ai Cập, qua Biển Đỏ; ban manna trong sa mạc …
– Những lời nói : với các tổ phụ (Abraham, Isaac, Giacóp…), với những người lãnh đạo (Môsê, Giosuê, Đavít, …), với các ngôn sứ (Êlia, Natan, Isaia, Giêrêmia…)
3- Mạc khải trong Kinh Thánh :
Những mạc khải nói trên được ghi chép lại trong các sách của bộ Kinh Thánh, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Sự soi sáng này được gọi là ơn linh hứng. Như vậy có thể nói Thiên Chúa là tác giả chính, còn người được linh hứng để viết ra là tác giả phụ.
Vì là sách có ơn linh hứng nên Kinh Thánh chứa đựng chân lý cứu độ, không thể sai lầm và hướng dẫn chúng ta đến hạnh phúc chân thật vĩnh cửu.
Tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng : Thiên Chúa đã dùng tay con người để viết ra bản văn Kinh Thánh, theo những hình thức văn chương của con người. Vì thế muốn hiểu cho đúng điều mà các tác giả Kinh Thánh muốn nói, chúng ta phải nắm vững :
– Thời gian và không gian của bản văn
– Thể văn (văn vần, văn xuôi, ký sự, giáo huấn…) của bản văn cần tìm hiểu. “Vì sự thật được trình bầy và diễn tả khác nhau trong những bản văn thuộc về những thể văn khác nhau”. (MK 12)
– Hoàn cảnh, đối tượng và mục đích của bản văn.