“Với việc tạo dựng vũ trụ và con người, Thiên Chúa ban cho chúng ta chứng cứ tiên khởi và phổ quát về tình thương toàn năng và sự khôn ngoan của Người, cũng là lời loan báo đầu tiên về “ý định nhân hậu” mà cùng đích là công trình sáng tạo mới trong Đức Kitô” (GLHTCG số 315)
Thiên Chúa đã sáng tạo muôn vật muôn loài. Chúng ta có thể nhận biết Ngài qua công trình sáng tạo của Ngài. Vì thế, để hiểu biết hơn về Ngài, trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu về công trình sáng tạo của Ngài.
Loài người đã bắt đầu như thế nào? Khoa học và Thánh Kinh có trái ngược nhau không? Đâu là vị trí của con người trong vũ trụ? Chúng ta có tiếp tục sống sau khi chết không? Những thế giới khác: Thiên thần, ma quỉ là gì? Sách Thánh Kinh, đặc biệt cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh: sách Sáng thế sẽ trả lời những câu hỏi nền tảng này.
I. THIÊN CHÚA SÁNG TẠO CON NGƯỜI
1. Sự khởi đầu của loài người
a. Xuất xứ của câu chuyện về nguồn gốc loài người
Hơn ba ngàn năm trước, những người nô lệ Do thái ở Ai cập đã tiến đến núi Sinai sau một cuộc trốn thoát rất bi thảm, nhưng cũng rất hùng tráng khỏi Ai cập. Tại nơi hẻo lánh này, Thiên Chúa đã nói với Môsê, thủ lãnh của họ, đã cho họ làm dân riêng của Ngài và đã hứa với họ những lời chúc phúc lớn lao. Nhưng dường như Lời hứa của Thiên Chúa chưa làm họ thỏa mãn, họ bắt đầu thắc mắc về quá khứ mơ hồ và lo lắng về tương lai không chắc chắn của mình, họ đã hỏi Môsê những câu hỏi: Mọi loài mọi vật đã bắt đầu như thế nào? Thiên Chúa của họ là ai? Ngài có là Đấng toàn năng không? Nếu Ngài là Đấng toàn năng thì tại sao Ngài đã chọn họ? Họ đến từ đâu? Tổ tiên của họ là ai?
Câu trả lời của ông Môsê và những người khác đã hình thành câu chuyện về sự khởi đầu của loài người và vũ trụ. Câu chuyện này đã được soạn thảo công phu trong hàng thế kỷ. Cuối cùng, câu chuyện này có tựa đề là “Sáng thế” đã được viết ra. Đây là cuốn sách đầu tiên của bộ Thánh Kinh.
b. Thiên Chúa dựng nên mọi sự
Câu chuyện này có ý dạy chúng ta rằng Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự và những gì Ngài đã dựng nên đều tốt đẹp. Sách Sáng thế nói Thiên Chúa tạo dựng tất cả trong 6 ngày(1, 1-2, 4b), nhằm giúp người đọc hiểu rằng Thiên Chúa đã làm ra mọi sự, ngay cả những gì được các dân tộc khác tôn thờ. Bức tranh Thiên Chúa tạo dựng mọi sự trong 6 ngày và nghỉ ngơi ngày thứ bảy có ý dạy người Do thái phải nghỉ việc ngày thứ bảy, tức ngày Sabát.
c. Loài người là chóp đỉnh của công trình sáng tạo
Loài người là loài cao quý nhất trong các loài Chúa đã dựng nên vì Ngài đã dựng nên giống hình ảnh Ngài và được Ngài cho hưởng dùng mọi sự trong thế giới. Tác giả Thánh vịnh viết:
“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm,
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
Cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
Đặt muôn loài muôn sự dưới chân…” (Tv 8, 4-7)
d. Phẩm giá người phụ nữ
Qua bản văn tạo dựng người phụ nữ (St 1, 27. 2, 22-23), tác giả Thánh Kinh nhấn mạnh tới phẩm giá của người phụ nữ, người phụ nữ cũng là người như người nam. Quan điểm này chống lại quan điểm thịnh hành xưa kia coi phụ nữ chỉ là đồ sở hữu của người nam, là một đồ vật cho người nam sử dụng.
e. Nguồn gốc hôn nhân
Trình thuật này cũng nói về nguồn gốc hôn nhân. Thiên Chúa, tác giả của hôn nhân đã liên kết người nam, người nữ thành một gia đình. Hôn nhân là một phần chương trình của Thiên Chúa về con người.
Trình thuật tạo dựng không trái ngược với nghiên cứu khoa học
Trình thuật tạo dựng của Thánh Kinh có thể thích hợp với nghiên cứu của khoa học về tiến trình tiến hóa của vũ trụ, mặc dù Thánh Kinh không hề là một bản văn khoa học. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ không phải một lần là xong, nhưng cái cao hơn xuất hiện từ cái thấp hơn do tiến hóa. Ngày nay, Ngài vẫn đang sáng tạo vũ trụ như là xây dựng một tiến trình toàn thể, khổng lồ và trải rộng.
2. Con người là gì?
“Con người đã và đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau. Theo những quan niệm đó, thường con người tán dương mình như một mẫu mực tuyệt đối hay lại chê bai đến độ tuyệt vọng, từ đó con người hoài nghi và lo lắng”(HCMV12).
Kitô giáo xây dựng trên Mạc khải của Thiên Chúa, đã đạt được các kết luận về con người như sau:
a. Con người là một thực thể đơn nhất gồm hồn và xác
Với sự soi sáng của Mạc khải, chúng ta thấy trong câu chuyện về con người là con người được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa” và từ “bụi đất”. Đây là hai mặt của con người, hai sức mạnh, hai cách thế , trong đó con người có thể hoạt động.
– Linh hồn: nhờ linh hồn, chúng ta “giống Thiên Chúa” là một ngôi vị, có tự do và bất tử, có thể suy nghĩ về chính mình và hiểu được chính mình. Hiến Chế Mục vụ viết: “Bởi vì nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật. Khi con người quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ, và cũng nơi đó chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa. Như vậy, khi nhìn nhận mình có một linh hồn thiêng liêng bất tử, con người không phải là bị mê hoặc bởi một thứ ảo tưởng phát sinh do những điều kiện vật lý và xã hội. Trái lại, nhìn nhận như thế là con người đã đạt tới chính chân lý sâu xa” (số 14).
– Thân xác: do thân xác, chúng ta phải tùy thuộc vào những cái khác có giới hạn và phải chết, nhưng lại cũng nhờ thân xác mà con người có thể hoàn thành vũ trụ, làm cho các thọ tạo khác đạt tới tuyệt đỉnh của chúng. Hiến Chế Mục vụ viết: “Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố vật chất. Vì thế, nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và tự do dâng lời ca tụng Đấng Tạo Hóa” (số 14).
– Một thực thể duy nhất: Mỗi người chúng ta là độc nhất, là con người duy nhất. Linh hồn và thân xác của chúng ta không là hai phần nhưng là hai bình diện của một con người duy nhất. Linh hồn chúng ta tùy thuộc vào thân xác chúng ta, vào bộ óc não, cảm giác…, là cái chúng ta có thể suy nghĩ và hành động. Dù chúng ta có những suy tưởng cao siêu nhất hay làm những hành vi thú vật nhất thì đó là chính chúng ta, con người độc nhất, làm những việc đó.
b. Linh hồn là một thực thể
Linh hồn có thực như thân xác: linh hồn chúng ta hay sức mạnh tinh thần cũng thực như thân xác chúng ta là cái chúng ta có thể nhìn thấy, cảm thấy, sờ thấy. Linh hồn là phần cốt lõi của con người, là lương tâm, phần sâu thẳm nhất của chúng ta. Nó ngấm vào từng thớ thịt của chúng ta và làm cho chúng sống động. Nó làm cho chúng ta có khả năng suy nghĩ, tự do lựa chọn và yêu thương. Khi chúng ta suy nghĩ chúng ta gọi nó là trí tuệ, là trí khôn của chúng ta; khi chúng ta lựa chọn và yêu thương, chúng ta gọi nó là ý chí tự do của chúng ta.
Chúng ta có thể chắc chắn là có linh hồn, ngay cả khi không có giáo huấn của Thiên Chúa. Chúng ta có những ý tưởng thuộc tinh thần như chân lý, tình yêu…chúng ta có thể vạch ra các dự tính cho tương lai và suy nghĩ lại những hành vi quá khứ của mình. Chúng ta có những phán đoán trừu tượng. Chúng ta sản sinh ra văn chương, nghệ thuật, triết học, toán học…
Sự hiện hữu của linh hồn tỏ lộ rõ nhất qua sự chiến thắng của con người trên những bất nhân, đau khổ và sự chết. Nhật ký của em Anne Frank, một thiếu nữ Do thái, được tìm thấy ở nơi em trú ẩn tại Amterdam, Hòa Lan sau cái chết thảm khốc của em do bàn tay Đức Quốc Xã là một bằng chứng hiện đại nổi bật của linh hồn hay sức mạnh tinh thần.
c. Linh hồn con người do Chúa dựng nên
Linh hồn được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng chớ không phải do cha mẹ “sản sinh” ra. Linh hồn chúng ta không hiện hữu trước khi chúng ta hiện hữu như một con người.
Nếu thuyết tiến hóa là đúng thì thể xác con người biến hóa từ xác động vật, nhưng linh hồn con người là do Thiên Chúa tạo dựng nên. Theo cha Teihard de Chardin, một nhà khảo cổ học nổi tiếng, thì Thiên Chúa đã tạo dựng linh hồn và phú ban khi một động vật linh trưởng có thể suy nghĩ về chính nó. Ngay lúc đó nó trở thành người , có tự do, có thể suy nghĩ, lựa chọn và biết hướng tới người khác và Thiên Chúa.
d. Nhờ linh hồn, mỗi người có tương quan thân tình với Thiên Chúa
Đôi khi chúng ta tự hỏi: tại sao Thiên Chúa vô hạn lại quan tâm tới mình đến thế? Các nhà thần bí nói rằng Thiên Chúa gọi mỗi người chúng ta bằng tên riêng của mình, yêu thương đằm thắm và thân tình.
e. Linh hồn bất tử
“Hội thánh dạy rằng, linh hồn bất tử, không hư mất khi lìa khỏi xác trong giờ chết và sẽ tái hợp trở lại với thân xác trong phục sinh cánh chung” (GLHTCG 366).
Thật vậy, Đức Kitô đã dạy rằng, nhờ linh hồn, chúng ta sẽ tiếp tục sống mãi sau khi chết: “Quả thật, quả thật, Thầy nói với các con, ai giữ lời Thầy thì người đó không bao giờ phải chết” (Ga 8, 51).
Thông thường, loài người vẫn tin vào sự sống sau khi chết. Bản năng và ước muốn của con người luôn khao khát được hạnh phúc. Nếu con người không bất tử thì vũ trụ là một chiếc cầu thang chẳng dẫn tới đâu cả. Nếu cái chết phá hủy hoàn toàn cá nhân con người, thì đỉnh cao của tạo dựng chỉ là bất toàn. Thiên Chúa chỉ là một nghệ sĩ thông minh nửa vời, chỉ vui thích với những điều không có ý nghĩa tối hậu, khi dựng nên con người để tiêu diệt nó. Nhưng theo toàn bộ Mạc khải của Thiên Chúa về con người thì Ngài là Đấng tốt lành, công chính, và yêu thương, Ngài đã không để con người phải chết.
Sử gia Arnold Toynbee đã tổng kết niềm tin của con người vào sự bất tử cá nhân ngược với những người không tin như sau: “Đối với loài người là kẻ đã một lần thưởng nếm niềm hy vọng về sự bất tử cá nhân thì việc mất đi niềm hy vọng này xóa đi rất nhiều ánh sáng cho cuộc sống và những ý tưởng tồn tại qua giống nòi mà thời hậu Kitô cung cấp cũng không thể thỏa mãn được. Nếu tôi mất đi người vợ, người chồng, những đứa con hay cha mẹ thân yêu thì liệu quyền lợi của cộng đồng hoặc một phi hành gia đặt chân lên mặt trăng có thể an ủi tôi được không? Những chiến thắng của cộng đồng nhân loại là tuyệt vời nhưng chúng không thể làm cho người chết sống lại được và không thể an ủi tôi được khi người thân tôi mất đi…”
f. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình
Mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về điều sẽ xảy ra với mình sau khi chết. Chúng ta là những con người tự do và Thiên Chúa chẳng bao giờ can thiệp vào tự do của chúng ta. Vào cuối đời, chúng ta sẽ phải tường trình cuộc sống của mình cho Chúa về những điều tốt cũng như điều xấu chúng ta đã làm cách trung thực, không thể dối trá và gạt gẫm. Đức Kitô đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?” (Mc 8, 36).
Mỗi năm vào ngày thứ tư Lễ tro, khi bỏ tro lên đầu chúng ta, linh mục đọc: “Hãy nhớ rằng ngươi là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Đây là lời nhắc nhở chúng ta khi bước vào mùa chay, mùa ăn năn thống hối là thân xác vật chất của chúng ta sẽ bị hư hoại và phải làm thế nào để chúng ta được sống mãi mãi.
g. Tất cả chúng ta là anh em với nhau
Theo kế hoạch của Thiên Chúa thì mọi dân tộc đều là anh chị em với nhau, cùng một gia đình, cùng làm việc và chia sẻ cho nhau. Câu chuyện về một cha mẹ chung đầu tiên nói rõ rằng chúng ta tất cả đều bình đẳng và có bổn phận chia sẻ và có quyền được chia sẻ tài nguyên trên thế giới. Sự phân biệt xâm nhập vào con người sau này là hậu quả của tội lỗi.
3. Thiên Chúa vẫn tiếp tục sáng tạo
Thay vì nhìn công trình sáng tạo của Thiên Chúa như một cái gì đã hoàn tất, chúng ta hãy hiểu rằng sáng tạo là một tiến trình đang phát triển, tựa như một bức tranh vĩ đại, hoành tráng đang được hoàn tất từ từ và sẽ chỉ hoàn tất trong ngày tận thế.
a. Chúng ta được mời gọi cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa
Theo kế hoạch của Thiên Chúa, chúng ta là “những người đồng sáng tạo” với Ngài, cùng Ngài làm thế giới này phát triển . Thiên Chúa phán : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28). Rõ ràng là Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã kết giao chúng ta với chính Ngài và với các công việc của Ngài. Qua các hoạt động làm cho thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta làm “dưới sự hiện diện của Thiên Chúa ” để thực hiện kế hoạch hoàn thành mọi sự mà Thiên Chúa đã giao cho chúng ta.
b. Tôn trọng thiên nhiên
Loài người tuy là loài cao quý nhất nhưng chỉ là một phần của mầu nhiệm sáng tạo. Vì thế, chúng ta phải tôn trọng các loài thọ tạo khác, lưu ý tới sự quân bình của thiên nhiên và sống với thiên nhiên hơn là bóc lột nó, phải cẩn thận khi dùng sức mạnh của mình để hoàn thiện nó. Ngày nay, chúng ta phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta đã lạm dụng thiên nhiên, làm tổn hại thiên nhiên và như thế cũng đã làm tổn hại đến chính mình.
c. Thiên Chúa sáng tạo mọi sự vì yêu thương
Tình yêu là nguyên nhân của sự sáng tạo chúng ta và mọi vật mọi loài. Thiên Chúa là tình yêu đến nỗi Ngài muốn chia sẻ hạnh phúc của Ngài cho chúng ta và mọi loài ở một mức độ cao nhất.
Thiên Chúa không cần thiết phải tạo dựng sự gì. Ngài hoàn toàn hạnh phúc nơi chính mình và không cần sự gì bên ngoài. Nhưng Ngài là tình yêu, tình yêu tuyệt đối, không có giới hạn. Tình yêu tuyệt đối không khép kín lại nơi mình nhưng tuôn trào ra. Mọi loài thọ tạo là kết quả của tình yêu tuôn trào này. Mọi loài thọ tạo chỉ là một thoáng hiện lờ mờ, nhỏ xíu vẻ đẹp của Thiên Chúa và đỉnh cao của tình yêu con người chỉ là một chút hương vị của tình yêu mà Ngài muốn chia sẻ với chúng ta.
II. THIÊN THẦN VÀ MA QUỶ
“Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh truyền đều nhất trí như thế” (GLHTCG 328).
Ngày nay, mọi người đều nhìn nhận rằng thế giới của loài người chỉ là một phần rất nhỏ của một vũ trụ bao la. Mạc khải của Thiên Chúa cho ta biết ngoài các loài hữu hình, Thiên Chúa còn tạo nên các loài vô hình. Thánh Kinh đã đề cập nhiều lần đến loài vô hình này là các thiên thần.
1. Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần
Theo truyền thống Công giáo thì các thiên thần là các thọ tạo thiêng liêng, tốt lành, luôn thờ phượng Thiên Chúa, hoạt động như các sứ giả của Thiên Chúa, luôn canh giữ và cầu nguyện cho chúng ta. Là các trung gian hay các sứ giả giữa Thiên Chúa và chúng ta, các thiên thần được xem là những vị đi đi lại lại rất nhanh giữa Thiên Chúa và con người nên các ngài được vẽ có đôi cánh (x. HCMV số 12; Tv 103, 20)
2. Nguồn gốc của ma quỷ
Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần và ban cho họ hưởng hạnh phúc muôn đời. Thiên Chúa ban cho họ cơ hội để tỏ lòng biết ơn Ngài và ngược lại, Ngài ban cho họ hạnh phúc lớn lao trên trời. Nhưng đã có một vài thiên thần do Luxiphe dẫn đầu đã từ chối tình yêu của Thiên Chúa và muốn chiếm vị trí của Thiên Chúa trên trời. Vì thế, những thiên thần này bị đày ải xuống hỏa ngục trong tình trạng đau khổ đời đời và xa cách Thiên Chúa đời đời; Thánh Kinh và Truyền Thống gọi các thiên thần sa ngã là Satan hay ma quỷ (x. Is14, 12tt ; GLHTCG 391).
3. Chỗ đứng của thiên thần và ma quỷ trong thế giới chúng ta
Các thiên thần được nói tới nhiều lần trong sách Thánh Kinh. Trong các chuyện kể về họ có một số chuyện có vẻ huyền thoại, đặc biệt khi nói về hình thể, con số, phẩm trật.
Nhưng các thiên thần là có thật. Ngày nay, các ngài đang hiện diện để hướng dẫn, an ủi cũng như ma quỷ đang lừa gạt cám dỗ con người. Cho dù hình thể của các thiên thần hay ma quỷ là gì đi nữa thì họ vẫn là những tạo vật giới hạn của Thiên Chúa như chúng ta.
Trong thời kỳ niềm tin còn phôi thai, ma quỷ trở thành những nguyên do bào chữa cho tội lỗi của con người. Thật khó mà bác bỏ thực tại của ma quỷ vốn đã mọc rễ trong truyền thống lâu đời và trong phụng vụ của Hội Thánh.
4. Hiện tượng quỷ ám
Quỷ ám là hiện tượng ma quỷ hay thần xấu chiếm hữu thân thể của một người. Một vài nhà thần học ngày nay cho rằng quỷ ám đơn giản chỉ là sự kết hợp của nhiều tội ác xuất phát từ con người, tập trung nơi một người hay một nơi nào đó. Nghi thức trừ quỷ nhằm chống lại hiện tượng này với sức mạnh tình yêu toàn năng của Thiên Chúa.
III. NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH
Nếu có những tạo vật có lý trí ở các hành tinh khác, họ cũng được Thiên Chúa dựng nên, được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc. Thánh Tôma Aquinô nói họ cũng được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Họ sẽ giúp chúng ta thấy được một chiều kích khác nữa của sự khôn ngoan yêu thương vô hạn của Thiên Chúa.
Suy nghĩ về khả năng biết đâu vào một ngày nào đó, chúng ta đứng đối diện với các tạo vật có lý trí ở những hành tinh khác sẽ làm cho ta thấy nực cười thế nào ấy về những chia rẽ nhỏ nhen của chúng ta, những cuộc chiến tranh của loài người…Nhiều cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng của thời đại chúng ta cố gắng nói với chúng ta điều đó.
IV. ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY
1. Khi tin rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài, thì cảm giác tự nhiên nhất của chúng ta là kính sợ và ý thức mình là không trước mặt Ngài. Ngay từ thời xa xưa, con người đã luôn cảm thấy như thế trước mầu nhiệm bao la của Thiên Chúa. Chúng ta hãy khao khát biết nhiều hơn về Thiên Chúa, bày tỏ lòng thán phục Ngài và nhận biết giới hạn của mình.
2. Thờ phượng Thiên Chúa là cách thế chúng ta tôn vinh Thiên Chúa và cố gắng hiệp nhất với Ngài.
Thờ phượng Thiên Chúa là cách thế chứng tỏ rằng Thiên Chúa có giá trị với chúng ta, chúng ta tôn kính Ngài và cần Ngài. Thực ra, Thiên Chúa không cần việc thờ phượng của chúng ta. Nhưng sẽ là không tự nhiên đối với một người con không biết đến cha mẹ tốt lành của mình. Cũng vậy, thật không tự nhiên khi chúng ta không biết đến Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta có. Sống ích kỷ như thế chỉ mang lại nỗi bất hạnh cho chúng ta.
3. Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta cách vô hạn, thân tình, cá vị bằng một tình yêu tới cùng. Ngài muốn mỗi người chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài.
Thiên Chúa đã dựng nên bạn và tôi, Ngài hướng dẫn chúng ta tới cõi sống vĩnh cửu với Ngài. Mỗi người chúng ta được yêu thương cách độc nhất và mỗi người có sự đóng góp độc đáo của mình. Chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa theo cách thế riêng mà không ai có thể yêu. Phượng tự sẽ dần dần làm chúng ta nhận biết tình yêu cá vị, dịu dàng và khôn tả của Thiên Chúa.
4. Chúng ta có thể phụng thờ Thiên Chúa cách thinh lặng trong tâm tưởng của mình. Việc thờ phượng phải là nội tâm và thành thật. Chúa Giêsu nói: “Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và sự thật vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế” (Ga 4, 23).
5. Cũng rất là tự nhiên, khi chúng ta làm việc thờ phượng chung với những người khác vì chúng ta là thành phần của một gia đình nhân loại.
Chúng ta thờ phượng Chúa với tất cả con người của mình khi chúng ta đọc, hát, đứng, ngồi, quỳ trong sự tôn kính. Chúng ta nối kết với mọi tạo vật của Thiên Chúa trong việc phụng thờ khi chúng ta sử dụng các sự vật như nước, dầu, lửa, bánh, rượu, cành cây, tro… “Và Thiên Chúa thấy mọi sự mình dựng nên thật là tốt đẹp” (St1, 31).
6. Các nghi thức phụng vụï là những dấu chỉ diễn tả tình cảm thiêng liêng của chúng ta. Người ta nhìn cử chỉ bắt tay, cúi đầu của hai người, người ta nhận biết hai người là bạn bè với nhau. Cũng vậy, những nghi thức phụng vụ là ngôn ngữ của Hội Thánh diễn tả niềm tin của chúng ta cách sống động. Mỗi khi dành thời gian cho công việc này là chúng ta đào sâu thêm lòng tin của chúng ta.
Một vài người cảm thấy gần Thiên Chúa hơn khi ở một mình giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Thiên Chúa là Mỹ, là vẻ đẹp tuyệt đối, khi chúng ta tiếp xúc với cái đẹp, chúng ta bị cái đẹp lôi cuốn đến với Thiên Chúa. Họ có thể tìm kiếm Thiên Chúa nơi nào họ có thể tìm Ngài, nhưng họ cũng phải cố gắng quý mến, thích nghi với ý nghĩa của nghi thức phụng vụ và với cộng đoàn phụng vụ vì việc gặp gỡ Thiên Chúa cách cá nhân có thể để lại nhiều mơ hồ và vô nghĩa. Ngược lại, một phụng tự vụ hình thức cũng có thể trở nên ảo tưởng nếu không có tính nội tâm và chân thành.
7. Chúng ta phải nhớ rằng khi tham dự phụng vụ, chúng ta đang ở gần Thiên Chúa vô hạn nên phải có thái độ kính cẩn. Chúng ta thường tới gần Thiên Chúa vô hạn cách cơ hội, không thường xuyên và rồi ngạc nhiên khi không có gì xảy ra. Phụng vụ phải là một công việc đều đặn, kiên trì, cần có một thời gian đặc biệt và một chỗ đứng trong đời sống chúng ta.
8. Người Công giáo tin rằng Thiên Chúa đã cho chúng ta biết những cách thế thờ phượng và kết hợp với Ngài. Trong các phương thế đó, Thánh lễ được Đức Kitô để lại là phương thế tốt nhất.
(Trích Bản Toát Yếu sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo)
1. H. Thiên Chúa đã tạo dựng những gì?
T. Thánh Kinh nói: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất”(St 1, 1). Trong bản tuyên xưng đức tin, Hội Thánh công bố Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo muôn vật hữu hình và vô hình, mọi loài thiêng liêng và vật chất, nghĩa là các thiên thần và thế giới hữu hình, và đặc biệt nhất là con người.
2. H. Các thiên thần là ai?
T. Các thiên thần là những thụ tạo thiêng liêng, không có thân xác, vô hình và bất tử;đó là những hữu thể có ngôi vị, có lý trí và ý chí. Họ không ngừng chiêm ngắm Thiên Chúa diện đối diện và tôn vinh Thiên Chúa;các ngài phục vụ Thiên Chúa và là những sứ giả của Ngài để thực hiện sứ vụ cứu độ loài người.
3. H. Các thiên thần hiện diện trong đời sống của Hội Thánh như thế nào?
T. Hội Thánh liên kết với các thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa;Hội Thánh kêu cầu sự trợ giúp của các ngài và trong phụng vụ, Hội Thánh kính nhớ một số vị trong các ngài.
4. H. Thánh Kinh dạy gì về việc tạo dựng thế giới hữu hình?
T. Qua chuyện kể sáu ngày tạo dựng, Thánh Kinh cho chúng ta biết giá trị của thế giới thụ tạo, và mục đích của nó là để tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ con người. Mọi vật hiện hữu là nhờ Thiên Chúa, tất cả đều lãnh nhận từ Thiên Chúa sự tốt lành và hoàn hảo, lề luật và vị trí của mình trong vũ trụ.
5. H. Đâu là vị trí của con người trong công trình tạo dựng?
T. Con người là chóp đỉnh của các thụ tạo hữu hình, vì được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa.
6. H. Phải hiểu “con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa” theo nghĩa nào?
T. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa theo nghĩa họ có khả năng nhận biết và yêu mến một cách tự do Đấng sáng tạo nên mình. Trên mặt đất, chỉ có con người là thụ tạo đã được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ và mời gọi họ tham dự vào đời sống thần linh của Ngài nhờ nhận biết và yêu thương. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị;họ không phải là một sự vật, nhưng là một con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, tự hiến mình cách tự do và đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân.
7. H. Thiên Chúa tạo dựng con người với mục đích gì?
T. Thiên Chúa đã dựng nên tất cả cho con người, nhưng con người được dựng nên để nhận biết, phục vụ và yêu mến Thiên Chúa;hầu ở trần gian, họ dâng lên Thiên Chúa mọi thụ tạo mà tạ ơn Ngài, nhờ đó họ sẽ được nâng lên trời sống với Thiên Chúa. Chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể mà mầu nhiệm về con người mới thực sự được sáng tỏ. Con người được tiền định để phản ánh hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người, Đấng là “hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa vô hình”(Cl 1, 15).
CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN.
Đối với bạn, điều có ý nghĩa nhất trong các trình thuật về sáng tạo là gì?
Theo quan điểm Kitô giáo, con người có một vị trí vĩnh cửu và cao cả trong vũ trụ. Bạn nghĩ thế nào về quan điểm này?
Bạn có hiểu tại sao hành vi phụng vụ là một hành vi tự nhiên và cần thiết cho người tin?