CHƯƠNG IV
DIỄN TIẾN MỘT TIẾT DẬY GIÁO LÝ
I. MỤC ĐÍCH VIỆC DẬY GIÁO LÝ.
Dậy Giáo lý là trình bày Lời Thiên Chúa một cách đơn giản, cụ thể, sống động để giúp tín hữu biết và sống đức tin. Dậy Giáo lý không chỉ là truyền đạt kiến thức đức tin nhưng còn là và nhất là truyền thông sự sống của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn “Dậy Giáo lý” (Catechesi tradendae) đã viết : “Mục đích tối hậu của khoa dậy Giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc nhưng còn thông hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô : chỉ một mình Người có thể đưa ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Thần Khí và làm cho ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh” (số 5).
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có nói tới lối dạy giáo lý, đôi khi quá lý thuyết và không thể đề xuất được cuộc gặp gỡ bản thân nào… Đúng, điều quan trọng là giáo lý đừng chỉ có tính lý thuyết. Điều ấy không đem lại hiệu quả. Giáo lý là đem lại cho người ta một lý thuyết sống và, do đó, nó phải bao gồm ba ngôn ngữ: ngôn ngữ của TRÍ, ngôn ngữ của TÂM và ngôn ngữ của TAY ( 3T).
Giáo lý phải bao gồm ba điều ấy: để người trẻ không những nghĩ và biết đức tin là gì, mà đồng thời, trái tim họ phải cảm nhận được ý nghĩa của đức tin ấy và đàng khác, họ phải làm sao thực hiện được sự việc nữa. Nếu giáo lý thiếu một trong ba thứ ngôn ngữ này, nó sẽ ứ đọng. Ba ngôn ngữ: nghĩ về việc phải cảm nhận ra sao và phải làm gì, cảm nhận điều mình nghĩ và điều mình làm, làm điều mình cảm nhận và điều mình nghĩ…
Nhưng quả thực, không có phương pháp nào là hoàn hảo. Ta phải tìm ra một phương pháp giáo lý có thể liên kết được ba điều: các sự thật cần phải tin, những điều cần cảm nhận và những điều cần phải làm, nên làm.
Ngoài ra, dạy Giáo lý còn là chia sẻ lý do hiện hữu của Hội Thánh là “Loan báo Tin Mừng” (EN 100; HDTQVDGL 46)
II. DIỄN TIẾN MỘT TIẾT DẬY GIÁO LÝ.
Để đáp ứng được mục đích của việc dậy Giáo lý như đã nói ở trên, chúng ta sẽ có một tiết Giáo lý gồm ba phần như sau:
PHẦN I : TRÍ KHÔN Những điều cần phải tin. (BIẾT : Kiến thức đức tin) | 1. Cầu nguyện khai mạc 2. Dẫn vào Lời Chúa 3. Công bố Lời Chúa 4. Giải thích Lời Chúa |
PHẦN II : TIM – TÂM HỒN Những điều cần cảm nhận | 5. Cầu nguyện giữa giờ (theo đề tài Giáo lý) |
PHẦN III : TAY – HÀNH ĐỘNG Những điều thực hành : + điều phải làm, + điều nên làm. + Loan báo Tin Mừng | 6. Sinh hoạt Giáo lý 7. Bài tập Giáo lý 8. Sống Lời Chúa (dốc lòng) 9. Cầu nguyện kết thúc. |
III- PHÂN BỐ THỜI GIAN CHO MỖI PHẦN.
– Lưu ý: Việc phân bố thời gian chỉ có tính tương đối.
- Thời gian 1 tiết dậy Giáo lý cho khối Sơ cấp : 50 phút.
- Phân bố :
1. Cầu nguyện đầu giờ : 2 phút.
2. Dẫn vào lời Chúa.
* Ôn bài cũ : 3 phút.
* Dẫn vào Lời Chúa : 2 phút.
3. Công bố Lời Chúa : 2 phút.
4. Giải thích Lời Chúa : 20 phút.
5. Cầu nguyện giữa giờ : 3 phút.
6. Sinh hoạt Giáo lý : 10 phút.
7. Bài tập Giáo lý : 5 phút.
8. Quyết tâm sống : 2 phút.
9. Cầu nguyện kết thúc : 2 phút.
IV- DẬY GIÁO LÝ THEO LỨA TUỔI.
Khi dậy Giáo lý theo diễn tiến trên, chúng ta hãy lưu ý đến đối tượng học sinh của mình là lứa tuổi Sơ cấp (7-8 tuổi) để việc giảng dậy phù hợp với lứa tuổi này.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết về điều này như sau : “Các phương pháp phải thích nghi với lứa tuổi, với văn hoá…”(THLBTM số 44 ) -và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã viết : “Khoa dậy Giáo lý có bổn phận thiết yếu phải tìm ngôn ngữ thích hợp với trẻ nhỏ và thanh niên thời nay nói chung và cho rất nhiêu lớp người khác …. “(THDGLsố 59 ).
Thánh Bộ Giáo Sĩ giải thích việc cần phải dạy Giáo lý theo lứa tuổi như sau: “Một đàng, đức tin tham gia vào sự phát triển của con người; đàng khác, mỗi giai đoạn trong đời sống đều gặp phải thách đố do các phong trào bài Kitô giáo và nhất là phải đương đầu với những bổn phận luôn mới mẻ của ơn gọi làm Kitô hữu”( HDTQVDGL 171)
Vì vậy, trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ tuần tự trình bầy các phương pháp giảng dậy theo diễn tiến một tiết dậy Giáo lý (9 bước) nói trên phù hợp với lứa tuổi khối Sơ cấp (7-8 tuổi).