I. Mục đích :
1. Đối với những người phụ trách Giáo lý giáo xứ :
Tổng hợp cái hay, cái sáng tạo của các Giáo lý viên để phổ biến cho tập thể Giáo lý viên. Thấy được cái yếu, khuyết điểm chung của các Giáo lý viên, những người phụ trách Giáo lý giáo xứ sẽ hướng dẫn, sửa chữa, tổ chức chuyên đề để khắc phục.
2. Đối với Giáo lý viên phụ trách tiết dậy Giáo lý :
Bồi dưỡng tay nghề.
3. Đối với Giáo lý viên dự giờ :
Học hỏi những cái hay, cái sáng tạo, phương pháp của bạn, tránh được những thiếu sót trong tiết dậy, nhờ đó dậy tốt hơn các tiết dậy của mình.
II. Các loại tiết dự giờ.
1. Tiết dự giờ minh hoạ :
– Trong các khoá huấn luyện Giáo lý viên : Sau khi đã học lý thuyết, nên có một tiết dậy Giáo lý minh họa ïđể áp dụng những điều đã học. Vì thế tiết dậy Giáo lý này phải được soạn thảo kỹ lưỡng, có đầu tư, có suy nghĩ kỹ hơn từ nội dung, phương pháp đến đồ dùng dậy học.
– Trong giáo xứ : Thỉnh thoảng nên tổ chức một tiết Giáo lý minh hoạ nhằm điều chỉnh, sưởi ấm, nâng cao phương pháp giảng dậy cho Giáo lý viên và việc học hỏi tích cực của học sinh.
Vì thế, Giáo lý viên đứng lớp minh hoạ này phải chuẩn bị tiết dậy thật chu đáo từ nội dung, phương pháp tới đồ dùng dậy học và chuẩn bị cho học sinh lớp của mình phương cách tham gia học hỏi cách tích cực như hăng hái tham gia phát biểu ý kiến – thảo luận sôi nổi – nghiêm trang trong cầu nguyện – nghiêm túc khi làm bài tập – hết mình trong sinh hoạt ….
2. Tiết dự giờ đột xuất :
Kết quả mà các học sinh học hỏi được ở Giáo lý là trong giờ Giáo lý hàng tuần. Giáo lý viên dậy với sự chuẩn bị bình thường, theo hoàn cảnh, thời gian và khả năng tiềm tàng mình có. Đó mới là thực chất giảng dậy của Giáo lý viên. Vì thế các ban điều hành Giáo lý cần có những buổi dự giờ đột xuất để :
– Nắm bắt năng lực qua thực tế giảng dậy của Giáo lý viên.
– Nắm bắt những yếu kém ở tiết học bình thường để lên chuyên đề bồi dưỡng, hướng dẫn, sửa chữa.
III. Phương pháp dự giờ và đánh giá một tiết dậy Giáo lý.
A. Phương pháp dự giờ.
Khi dự một tiết dậy Giáo lý, Giáo lý viên sẽ làm hai việc này : Theo dõi bài dậy và góp ý về bài dậy đó.
1. Theo dõi bài dậy.
a. Thời gian : Giáo lý viên dự giờ ghi nhận :
* Toàn bộ thời gian của tiết dậy Giáo lý : bao nhiêu phút ?
* Sự phân bố thời gian của mỗi bước trong 9 bước của một tiết dậy Giáo lý.
Ví dụ :
@. Cầu nguyện đầu giờ mấy phút ?
@. Dẫn vào Lời Chúa mấy phút ?
@. Giải thích Lời Chúa mấy phút ? …
Giáo lý viên đánh giá xem sự phân bố thời gian như thế có hợp lý chưa ?
b. Diễn biến bài dậy :
Ghi diễn biến tóm tắt. Nếu có câu nói nào hay hoặc chưa hay ghi lại để góp ý.
c. Ưu điểm :
Ghi những điểm hay đáng học tập.
d. Khuyết điểm (tồn tại ).
Ghi những khuyết điểm. Phần này nên đối chiếu với tiêu chuẩn đánh giá 1 tiết dậy Giáo lý sẽ trình bày ở phần sau, xem người dậy có khuyết điểm ở phần nào để cho điểm theo quy định.
Điểm chỉ là một cơ sở để đánh giá, cái chính là kết quả tổng thể của bài dậy.
2- Góp ý tổng quát :
Sau khi đã theo dõi bài dậy, Giáo lý viên dự giờ góp ý cách tổng quát về : nội dung, phương pháp và kết quả giảng dậy.
B. Tiêu chuẩn đánh giá một tiết dậy Giáo lý.
( In và phát cho mỗi Giáo lý viên 1 bản )