Chương 1. Những quy tắc chung (Điều 35 – 47)
Điều 35
Một hành vi hành chính riêng biệt dù là một sắc lệnh, một mệnh lệnh, hay là một phúc chiếu, có thể được người có quyền hành pháp ban hành, trong giới hạn thẩm quyền của mình, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 76 §1.
Điều 36
§1. Một văn kiện hành chính phải được hiểu theo nghĩa đen của từ ngữ và theo ngôn ngữ thường dùng; trong trường hợp hồ nghi, những văn kiện hành chính liên quan đến tranh tụng, ngăm đe hay tuyên kết một hình phạt, hạn chế quyền lợi của cá nhân, xâm phạm quyền thủ đắc của người khác hoặc ngược với một luật có lợi cho tư nhân, thì phải được giải thích theo nghĩa hẹp; còn những hành vi hành chính khác phải được giải thích theo nghĩa rộng.
§2. Một hành vi hành chính không được nới rộng sang những trường hợp khác ngoài các trường hợp đã được nêu ra.
Điều 37
Một hành vi hành chính liên quan đến tòa ngoài phải được ghi trong văn bản; cũng vậy, nếu hành vi hành chính được ban hành theo hình thức ủy thác, thì lệnh thi hành cũng phải được ghi lại trong văn bản.
Điều 38
Một hành vi hành chính, dù là một phúc chiếu được ban dưới hình thức Tự sắc, cũng vô hiệu nếu xâm phạm đến một quyền lợi thủ đắc hoặc ngược với một luật hay một tục lệ đã được chuẩn nhận, trừ khi nhà chức trách có thẩm quyền đã minh nhiên thêm một điều khoản sửa đổi lại.
Điều 39
Các điều kiện trong một văn kiện hành chính chỉ được xem là chi phối sự hữu hiệu khi được diễn tả bằng những liên từ: nếu, trừ khi, miễn là.
Điều 40
Người phải chấp hành một hành vi hành chính sẽ không thi hành nhiệm vụ của mình cách hữu hiệu trước khi nhận được văn thư và trước khi kiểm chứng tính xác thực và sự toàn vẹn của văn thư, trừ khi nhà chức trách đưa ra hành vi hành chính đó đã thông báo trước cho đương sự biết nội dung của văn thư.
Điều 41
Người nào phải chấp hành một hành vi hành chính mà chỉ được ủy thác nguyên việc thi hành, thì không thể từ chối thực hiện hành vi đó trừ khi thấy rõ là hành vi ấy vô giá trị hoặc không thể chấp nhận được vì một lý do quan trọng khác, hoặc những điều kiện được đặt ra trong hành vi hành chính không thể thực hiện được; tuy nhiên, nếu việc thực hiện hành vi hành chính xem ra không thích hợp do hoàn cảnh con người hay địa phương, thì đương sự phải đình hoãn việc thi hành; trong những trường hợp này, đương sự phải thông báo ngay cho nhà chức trách đã đưa ra hành vi đó.
Điều 42
Người chấp hành một hành vi hành chính phải tiến hành chiếu theo quy tắc của sự ủy nhiệm; nhưng việc thi hành ấy sẽ vô hiệu, nếu người ấy không hoàn thành các điều kiện thiết yếu được đặt ra trong văn thư và nếu không tuân giữ những thể thức căn bản của thủ tục.
Điều 43
Tùy theo sự phán đoán thận trọng của mình, người chấp hành một hành vi hành chính có thể cử người khác thay thế mình, nếu việc thay thế đã không bị cấm hoặc nếu đương sự đã không được chọn do phẩm cách cá nhân hoặc nếu người thay thế đã không được chỉ định trước; tuy nhiên trong những trường hợp này, người thi hành vẫn được phép ủy thác cho một người khác thực hiện những việc chuẩn bị.
Điều 44
Người kế nhiệm người chấp hành hành vi hành chính cũng có thể thực hiện hành vi đó, trừ trường hợp người chấp hành đã được chọn vì phẩm cách cá nhân.
Điều 45
Nếu đã phạm sai lầm nào đó trong khi thực hiện hành vi hành chính, người chấp hành vẫn được phép thực hiện lại hành vi đó.
Điều 46
Hành vi hành chính không chấm dứt khi người ban cấp hết quyền, trừ khi luật đã minh nhiên dự liệu cách khác.
Điều 47
Việc thu hồi một hành vi hành chính do một hành vi hành chính khác của nhà chức trách có thẩm quyền chỉ có hiệu lực kể từ khi việc thu hồi được thông báo cách hợp pháp cho người mà hành vi hành chính đó được ban cho.
Chương 2. Những nghị định và những mệnh lệnh (Điều 48 – 58)
Điều 48
Nghị định là văn kiện hành chính do nhà chức trách hành pháp ban hành chiếu theo quy tắc luật định, nhằm đưa ra một quyết định hay một việc dự phòng trong một trường hợp đặc biệt; theo bản chất, việc quyết định và việc dự phòng này không giả thiết là phải có người yêu cầu.
Điều 49
Mệnh lệnh là sắc lệnh buộc cách trực tiếp và hợp pháp một cá nhân hay nhiều người nhất định phải làm hoặc bỏ một điều gì, nhất là để thúc bách họ giữ luật.
Điều 50
Trước khi ban hành một nghị định, nhà chức trách phải truy tầm các thông tin và chứng cớ cần thiết, và ngần nào có thể, phải lắng nghe những người mà quyền lợi của họ có thể bị tổn thương.
Điều 51
Sắc lệnh phải được ban hành bằng văn bản, nếu là một quyết định thì phải trình bày các lý do, ít là cách sơ lược.
Điều 52
Nghị định chỉ có hiệu lực đối với sự việc đã được ấn định và đối với những người đã được nhằm đến; nghị định ràng buộc những người này bất kỳ ở đâu, trừ khi đã rõ cách khác.
Điều 53
Nếu các sắc lệnh trái ngược nhau, thì nghị định có giá trị hơn sắc luật trong những điểm được nêu lên cách riêng; nếu cả hai sắc lệnh đều là nghị định hay sắc luật, thì sắc lệnh sau sửa đối sắc lệnh trước trong những gì ngược với sắc lệnh trước.
Điều 54
§1. Khi việc áp dụng một nghị định được ủy thác cho một người thi hành, thì nghị định có hiệu lực từ khi thi hành; nếu không, thì nghị định có hiệu lực từ lúc nhà chức trách ban hành nghị định thông báo cho đương sự biết.
§2. Để có thể thúc bách việc thi hành nghị định, phải thông báo nghị định bằng văn thư hợp pháp chiếu theo quy tắc của luật.
Điều 55
Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều 37 và 51, khi có một lý do rất nghiêm trọng ngăn trở việc trao văn bản, sắc lệnh vẫn được xem như đã được thông báo, nếu đã được đọc cho đương sự nghe trước mặt một công chứng viên hay trước mặt hai nhân chứng, sau đó phải lập biên bản và tất cả những người hiện diện phải ký tên vào đó.
Điều 56
Một sắc lệnh được xem như đã được thông báo, nếu đương sự đã được triệu tập cách hợp lệ để nhận hay nghe đọc sắc lệnh, nhưng đã không chịu đến hay không chịu ký tên, dù không có lý do chính đáng.
Điều 57
§1. Mỗi khi luật buộc phải ban hành sắc lệnh hay khi đương sự thỉnh cầu hoặc thượng cầu một cách hợp pháp để được một sắc lệnh, thì nhà chức trách có thẩm quyền phải phúc đáp trong vòng ba tháng kể từ khi nhận được đơn thỉnh cầu hay đơn thượng cầu, trừ khi luật đã ấn định một thời hạn khác.
§2. Hết thời hạn này, nếu sắc lệnh chưa được ban hành thì việc trả lời được suy đoán là bị từ chối đối với việc trình bày trong đơn thượng cầu sau.
§3. Dù việc trả lời được suy đoán là bị từ chối, nhà chức trách có thẩm quyền vẫn phải giữ nghĩa vụ ban hành sắc lệnh và cả nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu có, chiếu theo quy tắc của điều 128.
Điều 58
§1. Một nghị định hết hiệu lực do sự thu hồi cách hợp pháp của nhà chức trách có thẩm quyền cũng như do sự chấm dứt của luật vì đó mà nghị định được ban để thi hành.
§2. Một mệnh lệnh không được ban hành chính thức bằng một văn bản sẽ chấm dứt do sự mãn nhiệm của người đã ban hành mệnh lệnh.
Chương 3. Phúc chiếu (Điều 59 – 75)
Điều 59
§1. Phúc chiếu là hành vi hành chính do nhà chức trách có thẩm quyền hành pháp ban hành bằng văn bản; tự bản chất, phúc chiếu ban một đặc ân, một ơn miễn chuẩn hay một ân huệ nào khác, theo sự thỉnh cầu của một người.
§2. Những quy định về phúc chiếu cũng có giá trị đối với việc ban phép hay ban ân huệ bằng miệng, trừ khi đã rõ cách khác.
Điều 60
Tất cả những ai không bị cấm cách minh nhiên đều có thể xin bất cứ phúc chiếu nào.
Điều 61
Trừ khi đã rõ cách khác, có thể xin phúc chiếu cho một người khác, ngay cả khi người đó không đồng ý, và phúc chiếu có hiệu lực cả trước khi người đó chấp thuận, miễn là vẫn giữ nguyên những điều khoản trái ngược.
Điều 62
Một phúc chiếu không chỉ định người chấp hành thì có hiệu lực kể từ lúc ban văn thư, còn những phúc chiếu khác có hiệu lực kể từ lúc được chấp hành.
Điều 63
§1. Sự ẩn khai hoặc che giấu sự thật sẽ vô hiệu hóa phúc chiếu, nếu trong đơn xin đã không trình bày điều cần phải trình bày để thành sự, chiếu theo luật, theo cách thức hành văn và theo thủ tục giáo luật, trừ khi đó là một phúc chiếu ban ân huệ được ban dưới hình thức Tự sắc.
§2. Sự mạo khai hay khai điều giả dối cũng vô hiệu hóa phúc chiếu, nếu trong số những lý do được viện dẫn không có một lý do nào là đúng sự thực.
§3. Đối với những phúc chiếu không có người thi hành, thì lý do được viện dẫn phải đúng sự thực kể từ lúc ban hành phúc chiếu; còn đối với những phúc chiếu khác, thì kể từ lúc được chấp hành.
Điều 64
Miễn là vẫn giữ nguyên quyền của Tòa Ân Giải đối với tòa trong, một ân huệ đã bị một Bộ của Giáo Triều Rô-ma khước từ, thì không có Bộ nào khác của cùng Giáo Triều hay không có một nhà chức trách có thẩm quyền nào khác dưới Đức Giáo Hoàng có thể ban cách hữu hiệu được, nếu không có sự chấp thuận của Bộ đã cứu xét đầu tiên.
Điều 65
§1. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của §2 và §3, không ai được xin một Đấng Bản Quyền khác ban cho một ân huệ đã bị Đấng Bản Quyền của mình từ chối, trừ khi họ có đề cập đến việc từ chối ấy; nhưng cho dù việc từ chối đã được đề cập thì Đấng Bản Quyền khác không nên ban ân huệ, trừ khi được Đấng Bản Quyền trước cho biết các lý do từ chối.
§2. Ân huệ đã bị Tổng Đại Diện hay Đại Diện Giám Mục từ chối thì không có Đại Diện nào khác của cùng Giám mục đó có thể ban cách hữu hiệu ân huệ đó, cho dù đã biết được các lý do từ chối của vị Đại Diện trước.
§3. Ân huệ đã bị Tổng Đại Diện hay Đại Diện Giám Mục từ chối, sau đó lại được Giám mục giáo phận ban mà không đề cập đến sự từ chối này, thì vẫn vô hiệu; còn ân huệ đã bị Giám mục giáo phận từ chối thì Tổng Đại Diện hay Đại Diện Giám mục không có quyền ban cách hữu hiệu, cho dù có đề cập đến sự từ chối ấy, nếu Giám mục không ưng thuận.
Điều 66
Phúc chiếu không trở thành vô hiệu vì sự sai lầm về danh tính người nhận hay người ban hành phúc chiếu, hoặc về nơi cư trú hay về sự việc liên quan, miễn là theo phán đoán của Đấng Bản Quyền, không có hồ nghi gì về người hay về sự việc.
Điều 67
§1. Nếu trong cùng một vấn đề mà có hai phúc chiếu trái ngược nhau, thì phúc chiếu riêng có giá trị hơn phúc chiếu chung trong những điều có tính cách riêng biệt.
§2. Nếu cả hai đều là phúc chiếu riêng hoặc phúc chiếu chung, thì phúc chiếu trước có giá trị hơn phúc chiếu sau, trừ khi phúc chiếu sau minh nhiên đề cập đến phúc chiếu trước, hoặc người được ban phúc chiếu trước đã không sử dụng phúc chiếu vì man trá hoặc quá lơ đễnh.
§3. Nếu hồ nghi không biết phúc chiếu có vô hiệu hay không, thì phải thỉnh ý người đã ban phúc chiếu.
Điều 68
Một phúc chiếu của Tòa Thánh trong đó không nói rõ người thi hành, thì chỉ phải trình với Đấng Bản Quyền của người nhận phúc chiếu, khi điều đó được quy định trong văn thư, hoặc khi có liên quan đến các việc công, hoặc khi phải kiểm chứng các điều kiện.
Điều 69
Phúc chiếu nào không quy định thời hạn phải trình, thì có thể trình với người thi hành lúc nào tùy ý, miễn là không có lừa đảo và man trá.
Điều 70
Nếu chính việc ban ân huệ trong phúc chiếu được ủy thác cho một người thi hành, thì người này ban ân huệ hoặc từ chối tùy theo lương tâm và sự phán đoán thận trọng của mình.
Điều 71
Không ai bị buộc phải sử dụng một phúc chiếu được ban vì ích lợi cá nhân mình, trừ khi bị một nghĩa vụ giáo luật buộc sử dụng vì nguyên do nào khác.
Điều 72
Những phúc chiếu do Tòa Thánh ban đã hết hạn có thể được Giám mục giáo phận gia hạn một lần khi có một lý do chính đáng, nhưng không quá ba tháng.
Điều 73
Không một phúc chiếu nào bị thu hồi do một luật trái ngược, trừ khi chính luật đó đã dự liệu cách khác.
Điều 74
Cho dù một người có thể sử dụng ở tòa trong một ân huệ được ban bằng miệng, thì người ấy vẫn phải chứng minh ân huệ đó ở tòa ngoài, mỗi khi họ được hỏi cách hợp pháp.
Điều 75
Nếu phúc chiếu bao hàm một đặc ân hay một sự miễn chuẩn, thì còn phải giữ những quy định của các điều khoản sau đây.
Chương 4. Đặc ân (Điều 76 – 84)
Điều 76
§1. Đặc ân là ân huệ được ban bằng một hành vi riêng biệt vì lợi ích của một số thể nhân hay pháp nhân nào đó; nhà lập pháp cũng như nhà chức trách hành pháp đã được nhà lập pháp ủy quyền có thể ban đặc ân.
§2. Việc chấp hữu đặc ân từ trăm năm hay từ lâu đời cho phép Suy đoán là đặc ân đã được ban.
Điều 77
Đặc ân phải được giải thích chiếu theo quy tắc của điều 36 §1; nhưng phải luôn giải thích thế nào để những người hưởng đặc ân thực sự lãnh nhận được một ân huệ nào đó.
Điều 78
§1. Đặc ân được suy đoán là vĩnh viễn, trừ khi có chứng cớ ngược lại.
§2. Đặc ân tòng nhân, tức là đặc ân gắn liền với con người, chấm dứt khi người ấy chết.
§3. Đặc ân tòng sở chấm dứt khi sự vật hay nơi chốn bị hủy hoại hoàn toàn; nhưng đặc ân tòng sở được tái sinh nếu nơi ấy được phục hồi trong vòng năm mươi năm.
Điều 79
Đặc ân chấm dứt do sự thu hồi của nhà chức trách có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của điều 47, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 46.
Điều 80
§1. Không một đặc ân nào chấm dứt do việc từ chối, trừ khi nhà chức trách có thẩm quyền chấp nhận sự từ chối ấy.
§2. Bất cứ thể nhân nào cũng có thể từ chối một đặc ân được ban vì lợi ích cá nhân mình.
§3. Các cá nhân không thể từ chối một đặc ân được ban cho pháp nhân, hoặc được ban vì phẩm cách của một nơi chốn hay của một sự vật, và chính pháp nhân cũng không thể từ chối một đặc ân đã được ban cho mình, nếu sự từ chối đó gây thiệt hại cho Giáo Hội hay cho những người khác.
Điều 81
Đặc ân không chấm dứt khi người ban cấp hết quyền, trừ trường hợp đặc ân được ban với điều khoản “theo sở thích của chúng tôi” hay với một điều khoản khác tương đương.
Điều 82
Đặc ân nào không tạo gánh nặng cho kẻ khác thì sẽ không chấm dứt khi không được sử dụng hay khi được sử dụng ngược lại; còn đặc ân nào tạo gánh nặng cho kẻ khác thì sẽ chấm dứt, nếu thời hiệu hợp pháp xảy đến.
Điều 83
§1. Đặc ân chấm dứt do mãn hạn hay do hết số trường hợp đã dành để ban đặc ân, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 142 §2.
§2. Đặc ân cũng chấm dứt nếu, theo sự phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền, những hoàn cảnh đã thay đổi với thời gian, đến nỗi đặc ân trở thành nguy hại, hoặc việc sử dụng đặc ân trở thành bất hợp pháp.
Điều 84
Người nào lạm dụng quyền hành do đặc ân ban cho thì đáng bị tước bỏ đặc ân ấy; vì thế, sau khi đã cảnh cáo người hưởng đặc ân mà không có hiệu quả, Đấng Bản Quyền phải tước bỏ đặc ân do chính mình ban bị lạm dụng một cách nghiêm trọng; và nếu đặc ân do Tông Tòa ban, thì Đấng Bản Quyền phải thông báo cho Tông Tòa biết.
Chương 5. Miễn chuẩn (Điều 85 – 93)
Điều 85
Miễn chuẩn, hay là sự nới lỏng một luật thuần túy Giáo Hội trong một trường hợp đặc biệt, có thể được ban do những người có quyền hành pháp, trong giới hạn thẩm quyền của mình, cũng như do những người minh nhiên hay mặc nhiên có quyền miễn chuẩn, hoặc do chính luật, hoặc do một sự ủy quyền hợp pháp.
Điều 86
Không thể miễn chuẩn những luật ấn định những yếu tố thiết yếu làm nên các định chế hay các hành vi pháp lý.
Điều 87
§1. Mỗi khi xét thấy có lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu, Giám mục giáo phận có quyền miễn chuẩn cho họ khỏi phải giữ những luật có tính cách kỷ luật, dù là luật phổ quát hay là luật địa phương, do quyền bính tối cao của Giáo Hội đã ban hành cho lãnh thổ hay cho các người thuộc quyền mình, nhưng không được miễn chuẩn những luật hình sự hoặc tố tụng, cũng như những luật mà việc miễn chuẩn được đặc biệt dành riêng cho Tông Tòa hay cho một nhà chức trách khác.
§2. Nếu khó thượng cầu lên Tòa Thánh và đồng thời có nguy cơ thiệt hại nặng do việc trì hoãn, thì bất cứ Đấng Bản Quyền nào cũng có quyền miễn chuẩn những luật đó, ngay cả khi sự miễn chuẩn được dành cho Tòa Thánh, miễn là sự miễn chuẩn đó được Tòa Thánh quen ban trong những hoàn cảnh như vậy và vẫn giữ nguyên những quy định của điều 291.
Điều 88
Đấng Bản Quyền địa phương có quyền miễn chuẩn những luật giáo phận, và mỗi khi xét thấy có ích cho tín hữu, thì có quyền miễn chuẩn những luật do công đồng giáo miền hay công đồng giáo tỉnh hoặc do Hội đồng Giám Mục ban hành.
Điều 89
Cha sở và những linh mục khác hoặc những phó tế không thể miễn chuẩn một luật phổ quát hay một luật địa phương, trừ khi quyền đó được minh nhiên ban cho các vị.
Điều 90
§1. Không được miễn chuẩn một luật Giáo Hội khi không có một lý do chính đáng và hợp lý, sau khi đã cân nhắc các hoàn cảnh của trường hợp và tầm quan trọng của chính luật được miễn chuẩn; nếu không, sự miễn chuẩn là bất hợp pháp và, nếu sự miễn chuẩn đó không được chính nhà lập pháp hay cấp trên của người này ban cho, thì còn vô hiệu nữa.
§2. Việc miễn chuẩn vẫn được ban cách hữu hiệu và hợp pháp trong trường hợp hồ nghi có đủ lý do hay không.
Điều 91
Người nào có quyền miễn chuẩn, thì có thể thi hành quyền đó ngay cả khi ở ngoài địa hạt của mình, đối với các người thuộc quyền mình, cho dù họ không ở trong địa hạt, và đối với những lữ khách hiện đang ở trong địa hạt, nếu không minh nhiên ấn định ngược lại, cũng như đối với chính bản thân nữa.
Điều 92
Không những sự miễn chuẩn phải được giải thích theo nghĩa hẹp chiếu theo quy tắc của điều 36 §1, mà cả quyền miễn chuẩn được ban trong một trường hợp nhất định.
Điều 93
Sự miễn chuẩn với việc áp dụng kéo dài sẽ chấm dứt theo cách thức tương tự như những đặc ân, cũng như do sự chấm dứt chắc chắn và hoàn toàn của lý do xin miễn chuẩn.