“Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.
Bài Ðọc I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab
“Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.
Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.
Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.
Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện”.
Ðáp Ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16
Ðáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng
Xướng: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy.
Xướng: Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ.
Xướng: Ðể Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người.
Xướng: Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua.
Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26
“Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Ðức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan. – Alleluia.
Tin Mừng: Lc 1, 39-56
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.
40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét.
41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần.
42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.
43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?
44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng.
45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
LINH HỒN TÔI NGỢI KHEN CHÚA
“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa… Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,46.48)
Suy niệm: Nơi Đức Ma-ri-a kết hợp những thực tại xem ra rất khác biệt không thể dung hoà: nữ tỳ khiêm tốn trở thành “đối tác” với Thiên Chúa chí tôn; trinh nữ “không biết đến người nam” lại cưu mang Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; và nơi cung lòng của Mẹ, bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính con người trong con người Giê-su. Những sự kết hợp tuyệt vời ấy được diễn tả cách tuyệt vời qua lời tụng ca Magnificat. Mẹ cất tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa, với niềm vui và sự rung động sâu xa tận tâm hồn: vì Mẹ nhận ra tình thương Chúa đang cúi xuống trên những con người nghèo hèn bé nhỏ; vì Mẹ nhận ra rằng: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc,” không phải vì mình có công trạng khả năng gì, nhưng vì “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.
Mời Bạn: Vâng, lời ca tụng Magnificat không chỉ diễn tả tâm tình của Mẹ “hớn hở vui mừng” lúc bình minh ơn cứu độ, mà còn cảm nghiệm lòng thương xót Chúa khi đứng dưới chân thập giá và tôn vinh cánh tay Ngài biểu dương sức mạnh trong ngày Chúa Ki-tô phục sinh. Điều đó cho bạn và tôi thấy được tính chất ngôn sứ của Đức Ma-ri-a và của những ai dám theo Chúa đi vào đời với một niềm tin yêu hy vọng.
Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ Ma-ri-a, chúng ta hãy thể hiện niềm tin trong cuộc sống qua việc sống khiêm nhu và phục vụ để nâng cao phẩm giá những ai bé nhỏ, đói nghèo, bị khinh chê, bỏ rơi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con có được tâm tình sống như Mẹ để cuộc sống hôm nay là con đường đưa chúng con đến hạnh phúc thiên đàng.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Cách đây 50 năm, Các phi hành gia của phi thuyền Apollo 11 của Nước Mỹ lần đầu tiên đã đặt chân lên mặt trăng ngày 30/7/1969. Và Tổng Thống Mỹ lúc đó đã gọi: đó là một “bước nhảy vĩ đại của nhân loại”.
Sau chuyến bay lịch sử đó, nhiều người đã nghĩ đến việc sẽ có những cuộc du hành thường xuyên lên mặt trăng để tất cả những ai thích đều có thể mua vé lên nguyệt cầu. Nhưng dịch vụ du ngoạn nguyệt cầu đến nay vẫn chưa được thực hiện. Dù sao, việc con người vượt ra khỏi sự hạn hẹp của địa cầu để đặt chân lên một thiên thể khác vẫn là một thành quả đáng khâm phục. Nhưng dù có đặt chân lên nguyệt cầu, con người vẫn chưa được thỏa mãn hoàn toàn. Vì mặt trăng vẫn không phải là quê thật và không phải là cùng đích của loài người. Chỉ có Thiên Đàng hay Quê Trời mới là nơi mà mọi khao khát và trống vắng của lòng người mới được thỏa mãn và khỏa lấp hoàn toàn. Và như vậy, Ước mơ Thiên Đàng không phải là ước mơ hão huyền.
Và như vậy, mỗi người chúng ta ngoài địa chỉ trần thế này, chúng ta còn có một địa chỉ trên cao. Một địa chỉ bên cạnh Mẹ Maria của chúng ta. Đây không phải là điều huyền hoặc do trí tưởng tượng con người bịa ra trong một giờ cao hứng, đây cũng không phải là sản phẩm mang nặng cảm tính do lòng đạo đức của giới lớp bình dân.
Không phải vậy, mà Mẹ Lên Trời là kết quả suy tư lâu dài tìm kiếm của đời sống Giáo Hội. Trước năm 1950, người ta có quyền bán tín bán nghi, tin hay không tin cũng chẳng hề hấn gì; nhưng kể từ ngày lễ Các Thánh năm 1950, khi Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố sự kiện Đức Maria Lên Trời là một tín điều, người ta không còn có thể dửng dưng được nữa, mà nhất thiết phải reo lên vui mừng, vì đã sáng tỏ: trên cao, Đức Maria chính là địa chỉ của lòng tin Công Giáo.
Mẹ Lên Trời là chuyện rất thiết thân với mọi con người. Bởi vì Đức Maria về trời, nhưng không về với đôi bàn tay trắng, mà là mang theo nặng trĩu vận mệnh của cả Giáo Hội. Qua việc Đức Maria về trời, tín hữu nhận thấy rõ hơn vận mệnh đời mình.
Mẹ là người đi đầu cho ta được tiếp bước. -Mẹ được đưa về trời là tiền đề cho lòng tin người tín hữu: nếu sống như Mẹ, chúng ta cũng sẽ được về trời với Mẹ. Mẹ như người đi trước cho ta được dõi bước theo sau. -Mẹ được đưa về trời là khuôn mẫu cho niềm hy vọng: bên kia địa chỉ trần thế này là một địa chỉ trên cao của cuộc sống phong phú đời đời. Mẹ về trời xác lập một hướng đi cho lòng yêu mến: yêu trung thành hôm nay thì sẽ được dẫn tới bến bờ yêu thương vĩnh phúc. Vì thế, Đức Maria một địa chỉ trên cao rất thiết thân cho vận mệnh người tín hữu chúng ta hướng tới.
Vấn đề được đặt ra ở đây, là địa chỉ trên cao kia có để lại âm hưởng gì trong đời sống hằng ngày của chúng ta không? Hôm nay, khi tuyên xưng Đức Maria hồn xác về trời chính là lúc chúng ta phải nỗ lực tổ chức xây dựng lại đời sống nơi địa chỉ trần thế này sao cho phù hợp với địa chỉ trên cao mà ta tin yêu hy vọng.
Làm sao có thể về trời thanh thản khi cuộc đời này chưa thanh sạch tâm hồn, chưa thanh luyện ý chí, chưa thanh cao tình cảm, và chưa thanh thoả nhiệm vụ giữa người với người? Làm sao có thể về trời thênh thang khi cuộc sống hôm nay vẫn còn bỏ neo nơi những khuynh hướng đam mê sùng bái, như là dục vọng buông thả lòng tham không đáy hay quyền bính vô độ? Và làm sao có thể về trời với Mẹ khi hằng ngày vẫn còn gặp mình nơi những lo toan tính toán làm ăn, không chỉ dừng lại ở mức “lương thực hằng ngày” của Kinh Lạy Cha, mà còn mong có mọi sự nhiều thêm nữa, mà không có điểm dừng?
Muốn có địa chỉ trên cao, hãy tích cực đăng ký xây dựng ngay từ địa chỉ trần thế này. Chúng ta hãy biết dâng cao tin yêu hy vọng, để làm quen với địa chỉ trên cao ngay từ cuộc sống xem ra còn nhiều lũng thấp hôm nay.
Xin Đức Maria một địa chỉ trên cao, dạy cho chúng ta biết đường sống thánh từ nay, để ngày mai sẽ được thẳng bay về trời.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Đã từ lâu Hội thánh vẫn tin và mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Vấn đề Đức Mẹ hồn xác lên trời còn bỏ ngỏ cho các nhà thần học tranh luận vì Kinh thánh không nói rõ về vấn đề này. Tin hay không tin, tuỳ mỗi người, nhưng từ ngày 01.11.1950 Đức Giáo hoàng Piô XII tuyên bố thành tín điều thì không còn tranh luận nữa. Mọi người đều phải tin và hôm nay chúng ta hợp cùng toàn thể Giáo hội long trọng mừng lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời:
Nữ vương đến tuổi đầy ơn phúc
Thánh Tử Thiên thần đều xuống rước
Hồn xác lên trời rất tốt lành
Hưởng muôn muôn phúc ai hay được (Vãn Mân côi)
I. CHUNG QUANH VIỆC ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
Tại Giêrusalem ngày nay, bên sườn núi cây dầu, có một ngôi mộ, được lồng vào bên trong một ngôi Thánh đường. Đó là ngôi mộ của Đức Mẹ. Nhưng ngôi mộ ấy không có xác.
Thánh Gioan Damascenô, trong bài giảng về Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời năm xưa tại Giêrusalem có kể rằng: Năm 451 nhân dịp giáo chủ Juvenal, tổng giám mục thành Giêrusalem, đến viếng thăm thủ đô Constantinople: hoàng đế Marcien, trong cuộc triều yết, có nói với giáo chủ: “Ta nghe rằng tại Giêrusalem có ngôi thánh đường lớn nhất của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, nằm gần vườn Giệtsêmani, trong đó có ngôi mộ táng xác của Đức Mẹ. Vậy ta muốn rằng xác thánh ấy được đem về thủ đô, để Ngài phù hộ cho đế quốc”. Giáo chủ Juvenal trả lời: “Thật chúng tôi có ngôi mộ của Đức Mẹ, nhưng ngôi mộ ấy trống không từ đời các thánh Tông đồ”.
Ngôi mộ ấy trống không, vì Đức Mẹ sau khi qua đời đã được Chúa rước linh hồn và xác lên trời. Đó là lễ mà chúng ta long trọng mừng ngày hôm nay. (Lm. Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm A, tr 167)
Các sách Phúc âm không nói gì đến việc Đức Mẹ lên trời, Hội thánh dựa theo Thánh truyền và lòng sùng kính của giáo dân qua bao thế kỷ mà xác tín về điều đó. Theo Thánh truyền, sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Mẹ còn ở lại yên ủi và giúp đỡ các Tông đồ. Sau lễ Hiện xuống, tuy đã chia tay nhau đến các nơi giảng đạo, song các Tông đồ cũng thường có liên lạc với Đức Mẹ, và Đức Mẹ chia vui sẻ buồn với các ông, nhất là hằng cầu nguyện cho.
Lúc Đức Mẹ đến 64 tuổi (có người cho là 72 tuổi), được Chúa cho biết ngày hội ngộ với Con trên thiên đàng đã gần đến, thì Ngài đã cho thánh Gioan biết và nhắn cho các Tông đồ trở về. Nhận được tin, các Tông đồ vội vàng trở về Giêrusalem, và được gặp Đức Mẹ trước khi thở hơi cuối cùng, duy chỉ có ông Tôma chậm chạp không về kịp.
Tắt hơi đoạn, phòng để xác Đức Mẹ liền sáng và có mùi thơm tho lạ. Sau ba ngày kính viếng, các Tông đồ và bổn đạo Giêrusalem tẩm liệm và đưa táng trong một phần mộ khoét trong đá ở trong vườn Cây dầu.
Ông Tôma về muộn, muốn xem mặt Đức Mẹ lần cuối cùng; nể ông, các Tông đồ và giáo hữu đi ra phần mộ. Đến nơi, chỉ ngửi thấy phảng phất mùi hoa huệ thơm tho. Và khi mở hòn đá che huyệt ra thì không thấy xác Đức Mẹ đâu cả.
Giáo hội tin rằng Đức Mẹ đã được Thiên Chúa rước về Thiên đàng cả hồn cả xác. Nên từ thế kỷ thứ 6 Giáo hội đã mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày 15 tháng 8 hàng năm và còn giữ mãi đến ngày nay. Trong suốt 20 thế kỷ, vấn đề Đức Mẹ hồn xác lên trời đã bỏ ngỏ cho các nhà thần học tranh luận. Đến ngày 01.11.1950 Đức Giáo hoàng Piô XII với tông huấn Munificentissimus Deus mới định tín việc Đức Mẹ hồn xác lên trời: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, vô nhiễm và trọn đời đồng trinh, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên đàng cả hồn lẫn xác”.
II. MỘT HỒNG ÂN CAO QUÝ TUYỆT VỜI
Được lên trời là một hồng ân Chúa ban cho chúng ta, vì ta không có quyền đòi hỏi. Được lên trời cả hồn cả xác như Đức Maria thì cả là một hồng ân vô tiền khoáng hậu. Là loài người, chúng ta làm gì thường cũng có đủ lý do, phương chi là Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể tìm hiểu để suy nghĩ về lý do, mà Chúa ban cho Đức Mẹ được hồng ân cao quí tuyệt vời này, nhưng không bao giờ chúng ta có thể hiểu thấu được lý do hành động của Chúa. Chúng ta chỉ có thể nói rằng Chúa ban cho ai là do lòng thương xót của Chúa.
Trong kinh “Ngợi khen” Đức Maria đã nói lên tâm tình đó: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, vì Chúa đã đoái nhìn phận hèn tớ nữ… vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại”.
Theo Đức Giáo hoàng Piô XII, một số các thánh và các nhà thần học cho rằng: nguyên do chính của việc Đức Mẹ được đặc ân hồn xác lên trời là do thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và đức đồng trinh trọn đời của Mẹ. Mẹ được lãnh nhận những hồng ân thật trọng đại từ nơi Chúa, nhưng Mẹ không ngừng ở đó. Mẹ đã dùng cả cuộc đời dương thế của Mẹ sống sao cho phù hợp với những đặc ân Mẹ được lãnh nhận.
Theo Thánh kinh ai cũng phải công nhận rằng: Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu là Chúa Cứu thế (Lc 2, 6,11). Chúa Cứu thế là chính Con Thiên Chúa và cũng là chính Thiên Chúa (Lc 1,35). Vậy để chọn Đức Maria làm Mẹ sinh ra mình, Thiên Chúa đã phải làm một phép lạ cho đến nay phải kể là duy nhất, là làm cho Đức Mẹ thụ thai sinh Con mà còn đồng trinh, thì tại sao Thiên Chúa lại không đưa linh hồn và xác Đức Mẹ lên trời, để một đàng xứng hợp với tình mẫu tử, đàng khác thưởng công cho Đấng đã sinh ra mình, mà điều răn thứ 4 chính Thiên Chúa đã ban hành là phải thảo kính cha mẹ (Đnl 5,16; Mt 19,19).
Thánh Gioan Damascenô hạch hỏi một mình: “Đức Mẹ đồng trinh không vướng vít chútchi bụi trần dưới đất, cớ sao lại trả Người về đất?” Thánh nhân còn quả quyết: “Đức Mẹ chẳng chết như người thế gian, nhưng đã chết vì áp lực tình yêu – chết để về gặp gỡ Con cực thánh Người đang mong đợi”. Vậy nếu Đức Mẹ không lên trời, thì cuộc mong đợi ấy còn có nghĩa lý gì? (Lm. Nguyễn Duy Tôn, Phụ trương Lời Chúa, t.1, tr 59-60).
Ngoài ra Đức Maria còn có nhiều nhân đức khác làm cho Thiên Chúa được vui lòng:
1. Nhân đức Khiêm nhường
Mẹ Maria luôn coi mình là con người nhỏ bé trước mặt Chúa, không dám nhận những đặc ân của Thiên Chúa ban. Khi sứ thần báo tin cho biết là Thiên Chúa muốn chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu thế, Mẹ đã từ chối không dám nhận. Nhưng sau khi hiểu biết được thánh ý của Thiên Chúa thì Mẹ đã thưa: “Này tôi là tớ nữ của Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Tuy biết mình đã là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, một chức vị lớn lao tuyệt vời, mà Ngài luôn kín đáo, không hé mở cho ai biết điều đó để cho mình được đón rước, cung phụng, chiều chuộng, kính nể… mà cứ âm thầm và đành để cho mình và Chúa Giêsu phải thiếu thốn, khinh dể, bị gạt ra ngoài.
2. Tin tưởng phó thác cho Chúa
Ngài còn là người biết tin tưởng phó thác cho Chúa một cách trọn vẹn. Một cô gái đẹp chưa về nhà chồng mà đã có bầu, tự nhiên người chồng tương lai phát chán, và tụi thanh niên làm sao chẳng chế nhạo và có thể bị ném đá nữa. Song Đức Mẹ chẳng nói ra, cũng không làm gì, để ngăn ngừa sự dữ và tiếng tăm, cứ bình tĩnh, thản nhiên, phó thác mọi sự cho Chúa. Ở trong hoàn cảnh thế này mới biết Đức Mẹ nhân đức dường nào.
3. Hiền lành nhịn nhục
Ngài cũng rất hiền lành và nhịn nhục. Khi Chúa Giêsu Con Mẹ bị người ta khinh bỉ, hành hạ, Ngài không có nói gì hay là có thái độ nào như trách móc người thành Bêlem không cho trọ, chửi vua Hêrôđê toan giết Con, trách móc và nguyền rủa bọn quân dữ đánh đòn, đội mũ gai và đóng đinh Chúa. Chắc chắn Ngài đau buồn khôn xiết kể, nhưng không có một cử chỉ nào nóng nảy, giận dữ hay nói năng quá lời như người ta bình thường.
Bài đọc 1 trong thánh lễ hôm nay, thánh Gioan tông đồ đã nhìn thấy cảnh huy hoàng của một phụ nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, trên đầu có 12 ngôi sao sáng. Người phụ nữ ấy là ai? Theo các thánh Giáo phụ và lòng tin của Giáo hội, người đó chính là Đức Maria được Chúa đưa về trời.
Thánh Phaolô trong bài đọc 2 lại nói lên cho chúng ta một lý do nữa: Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại là hoa quả đầu mùa. Đức Mẹ là người đầu tiên và xứng đáng nhất để được ơn cứu rỗi, thì Đức Mẹ cũng là người đầu tiên được hưởng sự vinh quang sống lại ấy.
III. ƯỚC MƠ CỦA CHÚNG TA
Con người có khuynh hướng luôn vươn lên, vươn lên mãi, vươn tới Chân Thiện Mỹ, vì con người chưa bao giờ được thỏa mãn với những ước vọng đó.
Trước đây văn sĩ Jules Verne đã tưởng tượng ra những chiếc tàu bay trong vũ trụ đến những hành tinh xa lạ, làm cho trẻ con thích thú vô cùng. Với khoa học tân tiến ngày nay, những cảnh tưởng tượng như xa thực tế của Jules Verne đã được thực hiện. Vào ngày 20.07.1969 phi thuyền Apollo 11 với phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin đã đặt chân lên mặt trăng (còn Michael Collins ở trạm điều hành). Một bước nhảy vọt trong chương trình thám hiểm vũ trụ.
Sau chuyến bay lịch sử ấy, nhiều người đã nghĩ đến việc có những cuộc du hành thường xuyên lên mặt trăng. Nhưng dịch vụ du ngoạn nguyệt cầu đến nay vẫn chưa được thực hiện. Việc bỏ ra một món tiền lớn để được đặt chân lên một vệ tinh không có sự sống và dưỡng khí, rồi trở về địa cầu với ít đất đá vô hồn xem ra không đáng làm.
Nếu sau này người ta có thể thực hiện được những chuyến du ngoạn nguyệt cầu thường xuyên đi nữa, con người vẫn chưa được thoả mãn hoàn toàn. Vì mặt trăng hay bất cứ thiên thể nào trong thế giới vật chất này vẫn không phải là quê thật và chung cục của loài người. Chỉ có Thiên đàng hay Quê trời mới là nơi mà mọi khát vọng và trống vắng của lòng người mới được thoả mãn hoàn toàn.
Khát vọng của con người là muốn vươn lên tới Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, hay nói theo kiểu chúng ta là hạnh phúc thiên đàng. Nhưng có thiên đàng thật không và ước mơ thiên đàng là chân thực hay chỉ là ước mơ hão huyền? Thưa, việc Đức Mẹ được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn xác mà Giáo hội long trọng mừng vào ngày 15 tháng 8 hàng năm đã nói lên một cách hùng hồn rằng: ước mơ lên trời, ước mơ thiên đàng, là ước mơ chính Thiên Chúa đã gieo vào nơi thâm sâu nhất của lòng người. Ước mơ đó đã được thực hiện cách trọn vẹn nơi Đức Maria, và cũng sẽ được thực hiện nơi mỗi người chúng ta trong ngày chung thẩm, khi thân xác chúng ta được Chúa cho sống lại như thân xác vinh hiển của Chúa Giêsu phục sinh.
Chúng ta chỉ biết là có Thiên đàng, nơi quê hương vĩnh phúc của chúng ta: “Tôi trôngđợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” (Kinh Tin kính), nhưng chúng ta không biết hạnh phúc thiên đàng thế nào, đến ngay việc thánh Phaolô đã được nâng đến tầng trời thứ chín mà cũng không có thể tả được.
Không như nguyệt cầu là nơi vắng bóng sự sống, Quê trời là nơi đong đầy sự sống và tình yêu. Mẹ Maria được “lên trời” không có nghĩa là Mẹ được Chúa cất ra cho khỏi trái đất này, để đem đến một khoảng không gian xa xôi nào đó trong vũ trụ vật thể này. Vì nếu việc Đức Mẹ lên trời được hiểu như thế, thì việc lên trời của Đức Mẹ chẳng đáng ta ước mong, như lời của một bài tình ca nào đó:
Lên trời hai đứa hai nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian.
Có người hiểu thiên đàng hoàn toàn theo nghĩa vật chất, họ sẵn sàng ôm bom tự sát để rồi được lên thiên đàng, vì theo họ, thiên đàng là nơi có nhà cao cửa rộng, có vợ đẹp con khôn, có nhiều mỹ nữ kiều diễm và có đủ mọi thứ làm cho mình được sung sướng. Nhưng chúng ta phải có cái nhìn cao hơn: đặc ân Đức Mẹ được “lên trời” có nghĩa là Mẹ đã được Thiên Chúa cho tham dự vào chính sự sống của Chúa Ba Ngôi cách trọn vẹn, cả hồn cả xác. Mẹ được Thiên Chúa đưa ra khỏi thế gian tự nhiên hữu hạn này, để đi vào thế giới siêu nhiên vô hạn, thế giới thần linh của chính Chúa. Trong thế giới đó Mẹ được hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi và tất cả tạo vật đẹp lòng Chúa trong Tình yêu và Hạnh phúc viên mãn của chính Chúa (Viết theo Lm. Phạm Quốc Hưng).
Mẹ chúng ta đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn cả xác, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Nếu ngày xưa Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đi dọn chỗ cho các con và sẽ trở lại đón nhận các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy” (Ga 14,2),đó là lời Chúa phán với các môn đệ khi Ngài về trời, thì nay cũng là lời Đức Mẹ hứa với mỗi người chúng ta khi Ngài về trời.
Muốn được về trời cùng Mẹ, chúng ta cũng phải học đòi bắt chước Mẹ mà sống một đời lành thánh, trong sạch xác hồn, để sau này cũng có cái chết tốt đẹp như Ngài. Ta có thể ví đời người như một câu văn mà cái chết là dấu chấm hết tròn đầy:
. Có cái chết như một dấu phẩy (‘) tức tưởi không trọn vẹn.
. Có cái chết như một dấu chấm than (!) buồn hiu hắt.
. Có cái chết như một dấu chấm hỏi (?) băn khoăn ray rứt.
. Có cái chết như dấu 3 chấm (…) còn bỏ ngỏ.
. Và có cái chết như dấu chấm tròn (.) thật đầy đủ, trọn vẹn, tuyệt mỹ.
Cái chết của Đức Mẹ chính là dấu chấm tròn. Còn cái chết của chúng ta sẽ là gì (Lm. Carôlô, Lễ trọng và lễ đặc biệt, tr 89).
KẾT LUẬN
Hôm nay chúng ta họp nhau mừng lễ để cảm tạ Chúa, vì đã cho Mẹ chúng ta được hồn xác về trời, một hồng ân lớn lao chưa từng có và sẽ không bao giờ có. Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời là một niềm hân hoan, một nguồn hy vọng cho chúng ta. Mẹ lên trời, một ngày kia chúng ta cũng về trời. Chúng ta phải ăn ở làm sao để một ngày kia cũng được như Mẹ. Mẹ ở đâu, con ở đó, Mẹ nơi nào, con ở nơi ấy. Cuộc sống trần gian phải là con đường đưa con người chúng ta về Thiên đàng.
Vì thế, trên ngôi mộ của Đức Mẹ ở Giêrusalem ngày nay du khách còn đọc được mấy dòng thi văn do một văn sĩ và điêu khắc thời Trung cổ để lại như sau:
“Đây là thung lũng Josaphat,
Nơi con đường về Thiên cung xuất phát
Maria trong sạch được chôn cất nơi đây,
Nhưng cũng từ đây được đưa về trời.
Mẹ là nguồn hy vọng kẻ tù đầy,
Là đường hướng dẫn kẻ lòng ngay,
Là Ánh sáng, là Mẹ chúng con. Amen.
Ngày nay Đức Mẹ lên trời, ngày mai đến lượt mỗi người chúng ta.