GIÁO XỨ CHÍNH TÒA
– Thông Tin Giáo Xứ:
- Bổn Mạng: Thánh Nicôla & Mẹ Thiên Chúa (01/01)
- Cha Quản xứ: Phaolô Phạm Công Phương
- Tổng số hộ gia đình : 927
- Tổng số nhân danh : 4.353 ( Kinh: 4350 + Thượng: 3 )
- Địa Chỉ: 17 Trần Phú, Phường 3, Đà Lạt, LĐ
– Lịch Phụng Vụ:
- Ngày Thường:
- Sáng: 05h15
- Chiều: 17h15
- Thứ Bảy:
- Sáng: 05h15
- Chiều: 17h15
- Chúa Nhật:
- Lễ 1: 05h30
- Lễ 2: 07h00
- Lễ 3: 08h30
- Lễ 4: 16h15
- Lễ 5: 18h00
– Lược Sử Giáo Xứ Chính Tòa Đà Lạt:
Họ đạo Đà Lạt được hình thành cũng nhờ sự quan tâm các đấng Giám quản Tông toà địa phận Tây Đàng Trong (sau là Giáo phận Sài Gòn) là các Đức cha Lucien Mossard, Đức cha Victor Quinton, Đức cha Isidore Dumortier, Đức cha Jean Cassaigne cùng các cha sở Fréderic Sidot, cha Céleste Nicolas, cha Jean Perrin, cha Fernand Parrel mà họ đạo Đà Lạt đã được thành lập và ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của cả Giáo hội Việt Nam. Các ngài thảy đều xuất thân từ Hội Thừa Sai Paris và đều đặt trọn niềm yêu mến cho Giáo xứ này.
- Dưỡng viện giáo sĩ và ngôi nhà thờ thứ nhất:
Đà Lạt ngày nay được biết đến từ năm 1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin một nhà khoa học tài ba, tận tụy và can trường, đã nhiều lần băng rừng vượt núi để khám phá vùng đất cao nguyên đẹp đẽ này. Đồng hành với ông, có một vị linh mục quản lý thuộc hội Thừa sai Paris là cha Robert. Sau khám phá của bác sĩ Yersin, vào năm 1899 toàn quyền Paul Doumer quyết định xây dựng nơi đây thành một nơi nghỉ dưỡng cho các quân nhân và viên chức. Cùng với mục đích ấy, cuối năm 1917, Hội Thừa sai Paris cử cha Quản lý của Hội tại Viễn Đông, cha Nicolas Couvreur, đến Đà Lạt, chuẩn bị xây dựng một nơi nghỉ dưỡng cho các giáo sĩ gọi là Sanatorium – Presbytère (Dưỡng viện giáo sĩ) và vào năm 1918 với sự chỉ đạo của Đức Cha Mossard, Giám quản Tông tòa Tây Đàng Trong (Sài Gòn) việc xây cất dưỡng viện được xúc tiến.
Trên tờ tuần san “Nam kỳ địa phận”, số 589, năm thứ 12, số ra ngày 10/6/1920, có bài viết của cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, lúc ấy đang là bí thư của Tòa giám mục, tựa đề là Sự tích Đức Cha Lu-xi-a-nô (Lucien) Mossard. Theo sự tích này, thì Đức Cha Mossard – Giám mục hiệu tòa Mêđêa, giám quản tông tòa trông coi địa phận Tây Đàng Trong – đã quyết định đến tận nơi để mà dọ coi có quả như thiên hạ đồn thổi chăng. Khi đã rõ phong thổ Đà Lạt chẳng kém gì bên nước Lang-sa, thì ngài nhất định cất nhà nghỉ dưỡng bệnh tại Đà Lạt… Đàng ra Đà Lạt, bây giờ cũng còn nhọc lắm. Mà Đức Cha đã chịu khó đi nhiều lần, và ở nhà quán, cho đặng coi sóc việc cất nhà. Nhà ấy cất rồi chừng một năm rưỡi nay… nhà cao rộng rãi, tốt, tiện, khỏe… cái gì cũng đủ, lại có thêm một phòng dài và rộng lắm làm nhà thờ, có để Mình Thánh Chúa…”.
Cứ theo tài liệu này thì nhà nghỉ dưỡng và nhà nguyện gắn liền với nhau thành một khối được xây dựng cùng một lúc vào năm 1918, chứ không phải do cha Sidot lên coi sóc nhà nghỉ và xây thêm gian nhà nguyện sau ngày 10/05/1920, như một số tài liệu quả quyết. Dưỡng viện giáo sĩ này có ngôi nhà nguyện nhỏ, bên cạnh nhà nguyện có hai phòng ở rồi đến hai gian phòng khách và tiếp đến là hai phòng ở nữa (phòng cha sở hiện nay). Trước nguyện đường có treo quả chuông nam rất nghệ thuật do Đức cha Lucien Mossard tặng, hiện nay treo ở phòng áo để báo hiệu chuông cử hành phụng vụ. Ngoài ra còn có dãy nhà hậu cần phía sau có ba phòng, ngôi nhà này đã được phá bỏ vào năm 2003 để làm sân nhà Giáo lý. Có lẽ dưới thời cha sở Parrel hoặc muộn hơn, ngôi nhà nguyện của Dưỡng viện khi xưa đã được ngăn thành 3 phòng ở cho các cha phó, chừa một hành lang thông ra phía sau. Dưới thời cha sở Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, hành lang phía trước được ráp gạch thông gió để bảo vệ an ninh ban đêm, xây lại bậc cấp lên xuống hai bên nhà nguyện. Năm 1994, cha sở Giuse Võ Đức Minh đã cho phục hồi ngôi nhà nguyện cổ làm thành phòng truyền thống để tiếp khách, và sắp xếp lại phòng ở của các cha phó.
Trước khi hình thành Họ đạo Đà Lạt, dưỡng viện này đã đón tiếp nhiều vị giáo sĩ lên nghỉ dưỡng và ban các bí tích tại ngôi nhà nguyện này. Chẳng hạn vào ngày 25/01/1919 Đức cha Mossard đã ban bí tích Rửa tội cho một em bé người Việt (Sổ RT quyển 1, số 1), hoặc đã làm chứng trong lễ nghi hôn phối do cha Francois Demareq cử hành ngày 13/6/1920 (Sổ HP quyển 1, số 1). Cha H. Bellemin ban bí tích Rửa tội ngày 28/09/1919 (Sổ RT số 6). Cũng trong Sổ Rửa tội này ở số 12, ngày 28/05/1920, người ban bí tích Rửa tội là linh mục Gioan B. Nguyễn Bá Tòng, (sau này là Đức cha Nguyễn Bá Tòng, vị giám mục người Việt Nam đầu tiên). Cha Isodore Dumortier – sau này là Đức cha Giám quản Tông tòa Sài Gòn – đã ban bí tích Rửa tội ngày 28/12/1919 (Sổ RT số 8, q1) và cử hành lễ nghi hôn phối ngày 29/12/1920 (Sổ HP q1, số 2).
- Thành lập Họ đạo Đà Lạt:
Cuối tháng 4 năm 1920, Ðức cha Quinton, Giám quản Tông Tòa tại Sài Gòn quyết định thành lập Họ đạo Dalat và cử cha Frédéric Sidot đến coi sóc dưỡng viện và thiết lập Họ đạo tiên khởi của Đà Lạt. Cha nhận nhiệm sở vào ngày 10/05/1920. Khi ấy, phạm vi của Họ đạo trải rộng đến tận Fyan, Fimnom và Dran (tức bao gồm huyện Lâm Hà, Ðức Trọng và Ðơn Dương ngày nay). Dưỡng viện chính là nhà xứ Chính Tòa Đà Lạt hiện nay, còn ngôi nhà nguyện là căn phòng đầu tiên, giáp với phòng áo của nhà thờ hiện nay. Về mặt lịch sử đó là ngôi nhà nguyện đầu tiên được xây dựng trên cao nguyên Lang Biang hoang sơ và được coi như ngôi nhà thờ thứ nhất của Giáo xứ. Nhà nguyện có chiều dài lọt lòng 15m, rộng 5,65m, trần cao 4m. Nhà nguyện và dưỡng viện hòa hợp với nhau thành một khối kiến trúc đồng nhất mà cha quản lý Nicolas Couvreur đã nhờ ông Marc de Sancti xây dựng vào năm 1918. Cửa chính nhà nguyện được cấu trúc theo hình vòng cung nhọn, bên trên có khắc dòng chữ Latinh: “HIC DOMUS EST DEI” (Đây là nhà của Thiên Chúa). Lúc đó, số tín hữu trong địa bàn rộng lớn của họ đạo không đến 200 người. Toàn khối công trình dưỡng viện này vẫn còn được bảo tồn đến ngày nay.
Bốn tháng sau, ngày 11/09/1920, một cha thừa sai trẻ, năm ấy chỉ mới 30 tuổi, cũng đến Đà Lạt ở cùng cha Sidot tại Dưỡng viện là cha Céleste Nicolas. Thoạt tiên, cha đến đây chỉ để dưỡng bệnh, nhưng với một sự an bài đặc biệt, non một năm sau – ngày 11/07/1921 – cha Frédéric Sidot chuyển đi sứ vụ tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) và cha Céleste Nicolas được cử thay thế làm cha sở Họ đạo Đà Lạt trong suốt 25 năm, từ năm 1921 đến tận cuối năm 1946.
- Ngôi nhà thờ thứ hai: Nhà thờ thánh Nicôla.
Cha Céleste Nicolas là một linh mục “tài ba lỗi lạc, có tâm hồn đạo đức, thêm đức tính cần cù, can đảm, sáng suốt”. Cha xây thêm hai ngôi nhà thờ nữa và ngôi nhà thờ sau chính là nhà thờ Chánh Toà Đà Lạt hiện nay.
Quả thật, chỉ sau vài năm, cùng với sự phát triển của Đà Lạt, số giáo dân của Họ đạo Đà Lạt tăng nhanh và ngôi nhà thờ đầu tiên trở nên quá nhỏ bé. Ngày 25/06/1922, Ðức cha Quinton cho phép xây dựng một nhà thờ lớn hơn. Ngôi nhà thờ thứ hai đặt phía sau khu dưỡng viện, nằm trên đường Nhà Chung, được khởi công ngày 5/7/1922 và hoàn thành ngày 21/1/1923 để đưa vào sử dụng nhưng mãi đến ngày 15/8/1923 mới xong tháp chuông. Nhà thờ kết cấu khá đơn giản, tường xây, mái lợp ngói nhẹ, tầng lầu, nơi cử hành thánh lễ được lát ván trên hệ đà gỗ, tổng chiều dài 26m, rộng 8m, tháp chuông cao 16m, trên đó có treo 4 quả chuông do hãng Paccard chế tạo, mua lại của Giáo xứ Hộ Diêm, Phan Rang. Chi phí xây cất cùng với bàn ghế và các quả chuông, tổng cộng là 15.000 đồng bạc thời ấy, do Tòa Giám mục Sài Gòn đài thọ. Đây là một ngôi nhà thờ theo đúng nghĩa, được khánh thành ngày 17/2/1924, đáp ứng cho khoảng 500 giáo dân. Họ đạo Đà Lạt từ nay chính thức mang tên thánh bổn mạng là Nicôla thành Bari. Khoảng năm 1969, sau khi hoàn tất việc xây dựng thêm các khối công trình mới của trường trung tiểu học tư thục Trí Đức thuộc khuôn viên nhà xứ (nay là trường THCS Quang Trung), ngôi nhà thờ thứ hai này vốn trước đó được tận dụng làm phòng học nay đã xuống cấp cần được tháo bỏ nhằm tạo cảnh quan thông thoáng. Một thời gian dài về sau, người ta vẫn còn trông thấy dấu tích bậc cấp lối vào chính của ngôi nhà thờ cũ ngay tại vị trí cổng chính trường Quang Trung bây giờ.
- Ngôi nhà thờ thứ ba: Nhà thờ Chánh Tòa hiện nay
Với tầm nhìn xa và lòng đạo đức sâu sắc, trước khi xây dựng ngôi nhà thờ thứ hai để sử dụng tạm tại đường Nhà Chung, cha Céleste Nicolas đã ấp ủ đề án xây dựng một ngôi nhà thờ khác nằm trên trục lộ chính, kiên cố hơn, tương xứng với sự phát triển ngày càng rõ rệt của thành phố. Sau khi được các Đấng bản quyền chấp thuận, sáng Chúa Nhật 19/07/1931, Ðức Khâm sứ Tòa thánh tại Ðông Dương và Thái Lan – Ðức cha Colomban Dreyer – chủ sự thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ thứ ba – tức ngôi nhà thờ hiện nay.
Công trình được xây dựng trong 11 năm, khởi công từ năm 1931 đến đầu năm 1942 mới hoàn thành, do công sức và lòng nhiệt thành của cha sở Nicolas cùng với sự đóng góp của nhiều người. Người ta nói, để xây dựng nên ngôi nhà thờ này, cha Nicolas phải đi gõ cửa từng nhà, chắt chiu từng đồng xu của những nhà hảo tâm.
Công trình được xây dựng thành ba giai đoạn:
– Giai đoạn một xây dựng trong 8 tháng gồm gian cung thánh, hậu tẩm, hai gian cánh và một gian đầu, được khởi công từ ngày 19/7/1931 đến ngày 17/3/1932 thì hoàn tất. Lễ khánh thành được cử hành trọng thể nhằm ngày lễ Phục Sinh 27/3/1932. Cha sở Nicôla đã cho bưng ván lại để cử hành phụng vụ cho đến khi trả hết nợ (1938) và lại kiếm tiền để tái khởi động (1940).
– Giai đoạn hai gồm việc xây dựng các gian lòng nhà thờ và phần móng của tháp chuông.
– Giai đoạn ba chủ yếu là việc xây dựng phần tháp chuông.
Cả hai giai đoạn sau kéo dài liên tục 15 tháng, được khởi công xây dựng từ ngày 7/10/1940 đến ngày hoàn thành 14/1/1942.
Nhà thờ có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Trên tháp chuông treo bốn quả chuông, được chuyển sang từ ngôi nhà thờ thứ hai vào ngày 15/01/1942. Chuông lớn đánh nốt ĐÔ, nặng 415kg, đường kính 0,75m, cao 1m. Chuông thứ hai nặng 185 kg, đánh nốt MI. Chuông thứ ba đánh nốt FA, nặng 117kg, do Ðức Cha Quinton làm phép ngày 17/02/1924 khi treo ở nhà thờ thứ hai. Chuông thứ tư đánh nốt SOL, nặng 120kg. Hai quả chuông này được Ðức Cha Grangeon làm phép ngày 08/07/1923. Các quả chuông được đặt ở độ cao 25m. Trong nhà thờ có 70 ô cửa sổ kính màu, trong số đó có 38 ô cửa sổ đã gắn tranh kính màu (vitrail), do xưởng chế tạo của họa sĩ Louis Balmet, thuộc tỉnh Grenoble bên Pháp, được các ân nhân dâng cúng. Vào ban ngày ánh sáng tự nhiên được lọc qua hệ kính màu này trở thành những sắc mầu huyền diệu, tạo cảm giác thánh thiêng, tĩnh lặng, an lành. Trên cửa cuối nhà thờ có đặt tượng thánh Nicôla bổn mạng nhìn lên cung thánh. Trước kia còn có một tượng thánh Nicôla màu đặt ở trên bục Nhà Tạm nhưng sau theo cải tổ phụng vụ của Vaticanô II đã thay bằng tượng thánh giá chịu nạn. Dọc các bức tường bên trong có đặt 14 bức phù điêu mô tả cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, mỗi bức được khắc chạm bằng hình nổi với kích thước chiều ngang 1,0m, cao 0,8m, do ông Xuân Thi, một nhà điêu khắc Việt Nam ở Hà Nội thực hiện.
Được xây dựng nửa đầu thế kỷ 20 với nhiều tiến bộ về kỹ thuật và vật liệu nên mặc dù theo phong cách kiến trúc Roman nhưng tính chất đã biến thể khá nhiều. Chỉ giữ lại những nét đặc trưng như kết cấu vòm cuốn hình bán nguyệt; mặt cắt điển hình với nhịp giữa cao hơn và hai nhịp biên đối xứng, thấp hơn; mặt bằng kiểu thập giá cùng sự kết dính chặt chẽ, cân đối giữa các mảng khối tạo nét uy nghiêm. Nếu mặt ngoài Roman thường thô ráp; ít yếu tố trang trí; cửa đi, cửa sổ có kích thước nhỏ thì ở đây lại xuất hiện các yếu tố Gothic như nhiều cửa sổ, kính màu cùng hoa văn, họa tiết được bố trí cách tao nhã. Có thể nói chất Roman mềm mại pha trộn nét Gothic tinh tế cùng việc sử dụng có phần tiết chế kỹ thuật bê tông cốt thép đã tạo cho công trình vẻ thanh thoát hiếm thấy.
Cũng cần nhắc đến hiệu ứng âm thanh rất đặc biệt bên trong thánh đường. Do cấu trúc nội ngoại thất đều mang tính đối xứng, hệ cột chia nhà thờ làm ba gian, gian chính cao nhất tạo sự tập trung và khuếch đại âm thanh, hai gian phụ có cửa sổ lấy gió tạo đối lưu không khí, đẩy khí nóng lên gian giữa và thoát ra theo gác chuông. Có lẽ chính tỉ lệ rất hài hòa, cân đối giữa các gian đã tạo nên độ âm vang tuyệt vời mà không phải kiến trúc thánh đường nào cũng có. Chính linh mục nhạc sĩ Phaolô Nguyễn Văn Hòa, phó xứ 1963 – 1968, sau này Giám mục Nha Trang 1975 – 2009, đã luôn nhắc đến cái độ vang kỳ diệu đó mỗi khi có dịp.
Có một chi tiết khá đặc biệt là tại cung thánh, dưới bàn thờ, có một khảm bạc lưu giữ một phần thánh cốt của 09 Thánh Tử Đạo Việt Nam. Qua năm tháng, cùng với Thánh Giám mục Nicôla, các ngài như là những người gìn giữ, bảo vệ ngôi nhà thờ và gia đình Giáo xứ qua mọi gian nan thử thách.
- Chi phí xây dựng ngôi Nhà thờ hiện nay
Chi phí xây cất ngôi nhà thờ Đà Lạt được hãng thầu SIDEC (Société Indochinoise d’Etudes et de Constructions, tạm dịch là Hội Nghiên cứu và Xây dựng Đông Dương) thông báo lần đầu, vào tháng 09/1930, là 200.000 đồng; tháng 05/1931, hạ xuống còn 182.000 đồng. Cha sở Nicolas kêu gọi sự quyên góp của giáo dân và bạn hũu từ ngày 01/02/1929 cùng với việc phát hành nguyệt san Bulletin Paroissial de Dalat mà số ra đầu tiên vào tháng 03/1930 nhằm ghi danh quý vị ân nhân ủng hộ việc xây cất Nhà Chúa. Kinh phí giai đoạn đầu của công trình là 67.000 đồng nhưng Họ đạo chỉ trả được cho hãng SIDEC 30.000 đồng lúc khởi công, còn trả dần đến đầu tháng 09/1938 mới hết nợ. Cha sở Nicolas lại tiếp tục kêu gọi sự đóng góp của mọi thành phần dân chúng ở khắp nơi để hoàn tất việc xây dựng thánh đường. Ngày 07/10/1940 – tám năm rưỡi sau khi hoàn thành giai đoạn một – hãng SIDEC lại tiếp tục giai đoạn hai và ba, mặc dù số tiền gom được mới chỉ khoảng 17.000 đồng, trên số tiền phải trả cho hai đợt xây sau là 133.000 đồng.
Theo Bản Tin họ đạo Đà Lạt, số tháng 03/1942, trong bài tường thuật của cha Nicolas về lễ Khánh thành ngôi nhà thờ mới: “Để kết thúc mục này, tôi nhắc lại rằng nhà thờ này tốn 200.000 đồng và cuộc lạc quyên mở ra từ ngày 01/02/1929, với các giỏ tiền ngày Chúa Nhật và lễ trọng, cũng từ ngày đó, đạt con số tổng cộng là 100.000 đồng, họ đạo còn khoản nợ 100.000 đồng phải trả. Tôi hy vọng rằng, nay được hưởng ngôi thánh đường này, hoặc biết rằng lòng quảng đại của mình đã không vô ích, thì các ân nhân và nhà hảo tâm gần xa sẽ không để cạn lòng quảng đại đó, nhưng tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trả xong món nợ qua cuộc lạc quyên vẫn còn để mở, và bằng những khoản tiền giỏ các ngày Chúa Nhật và lễ trọng, vì chúng tôi chỉ có thể trông chờ vào những nguồn trợ giúp đó mà thôi…”.
Trong Bản Tin họ đạo Đà Lạt số cuối cùng – tháng 12/1943, nơi trang cuối kê các khoản tiền quyên góp, cha sở Nicolas có ghi câu sau đây: “Nợ của họ đạo – đến ngày 01/11/1943 – là 85.897 đồng 16 xu”. Như vậy, trong gần hai năm, từ tháng 03/1942 đến tháng 11/1943, cha Nicolas thu góp chỉ không đầy 15.000 đồng! Đến nay, ít ai biết khoản nợ còn lại của họ đạo đã được thanh toán từ khi nào và những ai đã giúp thanh toán. Có người cho rằng Bà Nam Phương Hoàng Hậu – một giáo dân ngoan đạo của cha sở Nicolas mong muốn làm việc đó nhưng vì thời cuộc đã không cho phép bà thực hiện lời hứa. Cuối cùng, nhờ Đức Cha Jean Cassaigne qua sự trung gian của cha Fernand Parrel, Giáo xứ đã vay tiền của Hội Thừa Sai Paris (MEP) để trả hết số nợ còn lại. Thế mới biết, công lao và sự hy sinh của cha sở Nicolas cũng như lòng nhiệt thành của giáo dân và lòng hảo tâm của các ân nhân lớn lao đến dường nào.
- Xuôi dòng lịch sử.
Giáo Hội Việt Nam sau hơn 300 năm truyền giáo, trải qua ba thế kỷ bị bách hại nhưng vẫn tồn tại và phát triển đến mức trưởng thành. Ngày 24/11/1960, Tòa Thánh đã ra sắc chỉ Venerabilium nostrorum về việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam, giao cho Đức giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Đại diện Tông Tòa ở Sài Gòn với hiệu tòa Sagalassê, từ nay là Giám mục Chính tòa địa phận Đà Lạt; và ngày 27/11/1960 Đức Giáo hoàng Gioan 23 ký Tông hiến Quod Venerabiles Fratres xác định phần đất thuộc Giáo phận mới được thiết lập. Như vậy từ một phần đất chưa biết đến Tin Mừng đã hình thành Giáo xứ đầu tiên vào năm 1920 (Họ đạo Dalat) để rồi sau 40 năm phát triển lại trở thành Nhà thờ Chính Tòa của một Giáo phận mới – Giáo phận Đà Lạt.
Giáo phận Đà Lạt ban đầu gồm thị xã Đà Lạt và 3 tỉnh: Tuyên Đức, Lâm Đồng, Phước Long tách ra từ Giáo phận Sài Gòn và tỉnh Quảng Đức tách ra từ Giáo phận Kon Tum. Giáo phận mới được trao cho Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, nguyên Giám quản Tông tòa Sài Gòn (1955 – 1960), với 81 linh mục Triều và Dòng coi sóc 77.324 giáo dân trên tổng số dân là 254.669 người, trong đó có 1.547 giáo dân người Thượng trên tổng số gần 100.000 người dân tộc thiểu số. Đà Lạt được chọn là trung tâm đặt Tòa Giám Mục và Nhà thờ Nicôla Đà Lạt được chọn là Nhà thờ Chính Tòa của Đức giám mục Giáo phận với tước hiệu Nicolas Bari.
Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền về nhận Giáo phận Đà Lạt ngày 06/04/1961. Tòa Giám Mục tạm thời đặt ở số 03 Phạm Phú Thứ (nay là đường Pasteur) và năm sau chuyển về địa điểm hiện nay (số 09 Nguyễn Thái Học). Hơn một tháng sau (21/05/1961), Đức Cha đã bổ nhiệm cha Giuse Phùng Thanh Quang làm cha sở người Việt đầu tiên tại Giáo xứ Chính Tòa. Ngày 02/06/1967, hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức được tách khỏi Giáo phận Đà Lạt để sáp nhập vào Giáo phận mới Ban Mê Thuột. Một số công trình được xây dựng thời cha sở Giuse Nguyễn Ngà như: trường Trí Đức, tượng đài Chúa Chiên Lành 1968 và tượng đài Đức Mẹ Fatima 1969 thay thế hang đá Lộ Đức trước đó. Năm 1965, cha đã cho thiết kế lại cung thánh cho phù hợp với tinh thần canh tân phụng vụ do Công đồng Vatican II đề xướng. Vào khoảng năm 1970, Đức cha Simon Hòa, theo kiến nghị của các cha phụ trách Chánh Tòa, đã xin Tòa Thánh cho phép Nhà thờ Chánh Tòa nhận thánh bổn mạng là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa nhưng Tòa Thánh trả lời Nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt đã có tước hiệu thánh Nicôla thành Bari, nên lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa chỉ là tước hiệu thứ hai của Nhà thờ.
Nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt đã được làm phép vào dịp khánh thành năm 1942 nhưng chưa được cung hiến. Theo Giáo luật 1983, điều 1217, khoản 2: Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể nên đầu năm 1983, cha sở Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chỉnh trang cung thánh và xây bàn thờ mới để cung hiến nhà thờ và bàn thờ ngày 24/04/1983 do Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm chủ sự.
Năm 1991, cha sở Phêrô Nguyễn Văn Nhơn tôn tạo lại nhà thờ: mái ngói được đảo lại, tường trong ngoài nhà thờ được quét vôi màu hồng nhạt. Trước nhu cầu gửi hài cốt của các tín hữu đã qua đời ngày càng gia tăng vì các nghĩa địa bị giải tỏa nên vào năm 2001 cha sở Giuse Võ Đức Minh đã cho tân trang lại khu vực hầm nhà thờ và tháp chuông làm nơi gửi hài cốt, gọi là Từ đường Phục Sinh. Đồng thời cha cũng cho xây dựng thêm khu vực giáo lý phía sau nhà thờ với hơn 20 phòng học để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt của Giáo xứ. Đến năm 2008, cha sở Phaolô Lê Đức Huân tiếp tục tân trang trong ngoài nhà thờ một lần nữa bằng màu sơn vàng nhạt như hiện nay và năm 2013 cha tiến hành xây dựng Nhà mục vụ của Giáo xứ thay thế các khu nhà trệt phía sau thành ba khối nhà cao tầng như hiện nay. Năm 2021 cha sở Phaolô Phạm Công Phương đã tiến hành ráp mới 69 tấm tranh kính màu và phục hồi 38 tấm kính tranh cũ để ngôi nhà thờ được hoàn chỉnh theo như nguyện vọng của cha sở Nicolas và các bậc tiền bối.
- Các cha quản xứ:
I* Cha sở tiên khởi: Cha Fréderic Sidot (10/05/1920 – 01/07/1921)
II* Cha sở thứ hai: Cha Céleste Nicolas (11/07/1921 – 12/1946)
Các cha phó thời cha sở Nicolas:
- Cha phó Phêrô Nguyễn Vĩnh Tiên: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1936 – 1937
- Cha Phaolô Nguyễn Bá Kính: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1938 – 1939
- Cha Giuse Đức: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1939 – 1941
- Cha Micae Học: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1941 – 1942
- Cha phó Phaolô Võ Văn Bộ: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1946 – 1951
III* Cha sở thứ ba: Cha Jean Perrin (14/07/1947 – 22/04/1948)
Cha phó Phaolô Võ Văn Bộ: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1946 – 1947 – 1951
IV* Cha sở thứ tư: Cha Fernand Parrel (22/04/1948 – 21/05/1961)
Cha Quản nhiệm Họ Đạo: Cha Delbor Georges (1955 – 1956)
Các cha phó thời cha sở Fernand Parrel:
- Cha Phaolô Võ Văn Bộ: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1946 – 1948 – 1951
- Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu: Phó Xứ Nicôla Đà Lạt: 1949 – 1953
- Cha Phêrô Đặng Thành Tiên: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1949 – 1950
- Cha Tôma Lê Văn Hiếu: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1950 – 1954
- Cha Phêrô Trần Văn Thông: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1954 – 1957(?)
- Cha Giuse Phùng Thanh Quang: Phó xứ Nicôla Đà lạt: 1954 – 1957
- Cha Giuse Nguyễn Văn Chất: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1955 – 1956
- Cha Phêrô Lê Quang Nhung: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1955 – 1963
- Cha Rôcô Trần Hữu Linh: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1955 – 1962
- Cha Phêrô Trần Bảo Thạch: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1957 – 1967
- Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1957
- Cha Giuse Nguyễn Minh Luân: Phó xứ Nicôla Đà Lạt: 1958
V* Cha sở thứ năm: Cha Giuse Phùng Thanh Quang (21/05/1961 – 28/09/1962)
Các cha phó thời cha sở Giuse Phùng Thanh Quang:
- Cha phó Phêrô Lê Quang Nhung: Phó xứ Chính Tòa: 1955 – 1961 – 1963
- Cha phó Rôcô Trần Hữu Linh: Phó xứ Chính Tòa Đà Lạt: 1955 – 1961 – 1962
- Cha phó Phêrô Trần Bảo Thạch: Phó xứ Chính Tòa: 1957 – 1961 – 1967
VI* Cha sở thứ sáu: Cha Giuse Nguyễn Ngà (28/09/1962 – 30/03/1975)
Các cha phó thời cha sở Giuse Nguyễn Ngà:
- Cha Phêrô Lê Quang Nhung: Phó xứ Chính Toà Đà Lạt: 1955 – 1961 – 1962
- Cha Phêrô Trần Bảo Thạch: Phó xứ Chính Toà: 1957 – 1961 – 1967
- Cha Giuse Phùng Cảnh: Phó xứ Chính Toà: 1963? – 1968
- Cha Louis Phạm Văn Nhượng: Phó xứ Chính Tòa: 1962 – 1968
- Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa: Phó xứ Chính Tòa: 1963 – 1968
- Cha Giuse Đỗ Quang Biên: Phó xứ Chính Tòa: 1964 – 1966
- Cha Anphongsô Nguyễn Văn Luận: Phó xứ Chính Tòa: 1966 – 1968
- Cha Phêrô Trần Văn Khoát: Phó xứ Chính Tòa: 1967-1968
- Cha Giuse Vương Văn Điền: Phó xứ Chính Tòa: 1968 – 1970
- Cha già Giuse Phạm Văn Trần: Phục vụ Chính Tòa: 1968 – 2003
- Cha Phêrô Phan Năng Hưởng: Phó xứ Chính Tòa: 1968 – 1971
- Cha Phêrô Đào Đức Điềm: Phó xứ Chính Tòa: 1969 – 1973
- Cha Anphongsô Trần Đức Phương: Phó xứ Chính Tòa: 1968-1969
- Cha Bênađô Nguyễn Tiến Huân: Phó xứ Chính Tòa: 1971-1972
- Cha Giuse Nguyễn Văn Hân: Phó xứ Chính Tòa: 1971 – 1977
- Cha Gioan B. Nguyễn Văn Khang: Phó xứ Chính Tòa: 1972 – 1973
- Cha Giuse Nguyễn Văn Thư: Phó xứ Chính Tòa: 1972 – 1975
- Cha Giuse Trần Minh Tiến: Phó xứ Chính Tòa: 1972 – 1975
VII* Cha sở thứ bảy: Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (01/04/1975 – 20/06/1991)
Các cha phó thời cha sở Phêrô Nguyễn Văn Nhơn:
- Cha già Giuse Phạm Văn Trần: Phục vụ Chính Tòa: 1968 – 1975 – 1991
- Cha Giuse Nguyễn Văn Hân: Phó xứ Chính Tòa Đà Lạt: 1971 – 1975 – 1977
- Cha Mátthêu Đinh Viết Hoàng: Phó xứ Chính Tòa: 1975 – 1994
- Cha Giuse Nguyễn Viết Liêm: Phó xứ Chính Tòa : 1976 – 1987
- Cha Louis Nguyễn Ngọc Thanh: Phó xứ Chính Tòa: 1988 – 1992
VIII* Cha sở thứ tám: Cha Giuse Võ Đức Minh (20/06/1991 – 27/11/2005)
Các cha phó thời cha sở Giuse Võ Đức Minh:
- Cha già Giuse Phạm Văn Trần Phục vụ Chính Tòa Đà Lạt: 1968 –1991–2003
- Cha Mátthêu Đinh Viết Hoàng: Phó xứ Chính Tòa: 1975 – 1991 – 1994
- Cha Mátthêu Phạm Minh Thiên: Phó xứ Chính Tòa: 1992
- Cha Phêrô Trần Văn Hội: Phó xứ Chính Tòa: 1992 – 1999; 2004 – 2012
- Cha Gioan Nguyễn Anh Tuấn: Phó xứ Chính Tòa: 1994 – 1996
- Cha Giuse Trần Văn Chiến: Phó xứ Chính Tòa: 1994 – 2002
- Cha Phaolô Phạm Công Phương: Phó xứ Chính Tòa: 1998 – 2004
- Cha Phêrô Mai Vinh Sơn: Phó xứ Chính Tòa Đà Lạt: 2000 – 2006
- Cha Micae Nguyễn Quang Cường: Phó xứ Chính Tòa: 2004 – 2012
IX* Cha sở thứ chín: Cha Phaolô Lê Đức Huân (28/11/2005 – 31/07/2017)
Các cha phó thời cha sở Phaolô Lê Đức Huân:
- Cha Phêrô Trần Văn Hội: Phó xứ Chính Tòa Đà Lạt: 1992 – 2005 – 2012
- Cha Phêrô Mai Vinh Sơn: Phó xứ Chính Tòa : 2000 – 2005 – 2006
- Cha Micae Nguyễn Quang Cường: Phó xứ Chính Tòa: 2004 – 2012
- Cha Giuse Đinh Tấn Hoài: Phó xứ Chính Tòa: 2011 – 2017
- Cha Grêgôriô Nguyễn An Phú Đông: Phó xứ Chính Tòa: 2011 – 2015
- Cha Anrê Phạm Việt Sơn: Phó xứ Chính Tòa: 2011–2019
- Cha Đaminh Nguyễn Minh Quý: Phó xứ Chính Tòa: 2016 – 2017
X* Cha sở thứ mười: Cha Phaolô Phạm Công Phương (2/8/2017 – )
Các cha phó thời cha sở Phaolô Phạm Công Phương:
- Cha Anrê Phạm Việt Sơn: Phó xứ Chính Tòa Đà Lạt: 2011 – 2017 – 2019
- Cha Phêrô Phạm Minh Đức: Phó xứ Chính Tòa: 2017
- Cha Phaolô Nguyễn Hữu Phan: Phó xứ Chính Tòa: 2017 – 2019
- Cha Phaolô Nguyễn Bá Khánh: Phó xứ Chính Tòa: 2018 – 2019
- Cha Giuse Trần Văn Mạnh: Phó xứ Chính Tòa: 2019 – 2023
- Cha Giuse Lê Vũ Thành Trung: Phó xứ Chính Tòa: 2020
Căn cứ vào Sổ Rửa Tội mà Giáo xứ còn lưu trữ, kể từ năm 1919 đến cuối tháng 07/2020 có tất cả 26.182 người được Rửa tội, trong đó có 4.088 bé được Rửa tội tại Dân y viện Đà Lạt, 22.094 người được Rửa tội tại Nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt; có 4.848 đôi Hôn phối được chứng hôn tại Nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt.
Xuôi dòng lịch sử hơn 100 năm cho ta cảm nghiệm biết bao hồng ân nối tiếp hồng ân. Mỗi người con trong Giáo Xứ Chánh Tòa chỉ biết dâng lời tạ ơn: “Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, nhờ có Chúa luôn đồng hành và ban ơn, hướng dẫn và nâng đỡ, với lòng nhiệt thành của các vị mục tử, và các thế hệ tiền nhân của chúng con, Giáo xứ đầu tiên hình thành trên vùng đất cư dân bản địa / chưa được ánh sáng Tin Mừng soi dẫn / đã trở thành Giáo xứ Chính Tòa của Giáo phận” (Kinh năm Thánh 2020).
– Bản Đồ: