Những bông đẹp kính dâng Đức Mẹ
Ngày 13 mỗi tháng là ngày rất đặc biệt đối với những Kitô hữu yêu kính Đức Mẹ trên khắp thế giới. Nhưng trong Tháng 5- tháng mà Giáo Hội dành riêng để tôn kính Mẹ, thì ngày này lại càng đặc biệt hơn!
Từ rất sớm trước giờ lễ, hàng ngàn bông hoa tươi thắm đủ màu sắc đã được chuẩn bị trước tiền đường Nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt.
Đúng 17 giờ 15, thánh lễ mừng kính Mẹ được Cha Quản xứ Phaolô Phạm Công Phương long trọng cử hành. Đồng tế với ngài có 2 Cha Phó: Giuse Lê Vũ Thành Trung và Giuse Ngô Viết Thụ. Tham dự thánh lễ có đông đảo tu sĩ nam nữ và giáo dân trong Giáo xứ Chính Tòa, đặc biệt là bà con giáo dân Giáo họ Fatima.
Mở đầu thánh lễ là nghi thức dâng hoa kính Mẹ Maria do Cha Quản xứ Phaolô và hai Cha Phó dẫn đầu, sau đó là toàn thể giáo dân. Từng đóa hoa tươi thắm lần lượt được dâng lên Mẹ như gửi trọn tình yêu thương kính mến của từng người con dâng lên Mẹ hiền của mình!
Thánh lễ trang trọng
Bước vào thánh lễ, Cha Quản xứ Phaolô trình bày ý nghĩa của ngày lễ linh thiêng hôm nay: Kỷ niệm 108 năm sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima (Bồ Đào Nha), để nhắn nhủ toàn thể thế giới hãy ăn năn đền tội, hãy tôn sùng Mẫu Tâm Mẹ và năng lần hạt Mân Côi. Cha Chủ tế cũng nói lời chúc mừng và cảm ơn Giáo họ Fatima nhân ngày lễ Bổn Mạng với lời kêu gọi hãy noi gương Mẹ – lắng nghe và đáp trả lại tiếng gọi của Chúa.
Trong bài giảng, Cha Quản xứ giới thiệu tước hiệu “Đức Mẹ Maria Fatima”. Đó là một trong những tước hiệu mà Giáo Hội dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Tước hiệu này phát xuất từ việc Đức Mẹ hiện ra 6 lần với 3 em bé chăn cừu làng Fatima từ ngày 13/5 đến 13/10/1917. Mừng lễ Mẹ Fatima, Bổn mạng Giáo họ Fatima hôm nay, Cha nhấn mạnh rằng Chúa đã làm cho Đức Maria những việc diệu kỳ, và nếu chúng ta cứ làm theo những mệnh lệnh của Mẹ Fatima, chúng ta sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa về những gì mà Chúa làm cho chúng ta.
– Chúa đã làm những việc diệu kỳ nơi Đức Maria! Đức Maria – một thụ tạo khiêm hạ và yếu đuối đã được chọn làm Mẹ Thiên Chúa. “Này đây! một trinh nữ sẽ mang thai, sẽ hạ sinh con trai và đặt tên là Emmanual” (Ngôn sứ Isaia), điều ấy được thực hiện nơi một trinh nữ tầm thường ở Nadaret, một vùng quê nghèo nàn. Đúng như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong bài đọc 2: Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai con Ngài sinh hạ bởi một người phụ nữ, để cứu chuộc và cho chúng ta được làm con Thiên Chúa.
– Chúa còn làm cho chúng ta những điều kỳ diệu hơn thế nữa!
Trước những lời hay ý đẹp của Đức Giêsu, một phụ nữ đã thán phục thốt lên: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”. Nhưng Chúa đã phán: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa!” hoặc như lời người từng khẳng định rõ ràng: “Mẹ Tôi và anh em Tôi chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Như vậy liên hệ máu huyết không phải là điều lớn, song liên hệ Đức Tin mới thực sự có giá trị. Nếu Đức Kitô chỉ có một người mẹ trong thân xác thì Ngài là hoa quả của tất cả mọi người trong lòng tin, bởi vì mọi tâm hồn đều có thể đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa khi dọn lòng để cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa, bằng cách lắng nghe và thực hành Lời của Thiên Chúa
– Làm thế nào để thụ thai và sinh hạ Chúa Kitô một lần nữa?
Có hai cách làm mẹ bất toàn: Thụ thai mà không sinh con và sinh con mà không cần thụ thai. Cả hai tình huống đáng buồn này đều có thể gặp thấy trên bình diện thiêng liêng của mỗi Kitô hữu. Thụ thai mà không sinh hạ Chúa Giêsu là đón nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành, cứ lập ra những dự định hoán cải nhưng không bao giờ đi đến cùng – cũng như đức tin mà không có việc làm – như lời Thánh Giacôbê – là “đức tin chết”. Ngược lại, sinh hạ mà không thụ thai là những người thực hiện rất nhiều việc tốt lành, nhưng không xuất phát từ tâm hồn, không từ lòng mến Chúa yêu người, mà từ thói quen, từ giả hình, nhằm tìm kiếm vinh quang cho mình.
Vì thế, sứ điệp Fatima có nội dung then chốt: “Nếu tiếp tục phạm tội thì các con sẽ phải gánh chịu những tai ương, nhưng nếu thành tâm hoán cải, các con sẽ tránh được những tai ương đó”. Từ đó, Đức Mẹ đã trao cho nhân loại 3 mệnh lệnh căn bản: Hãy ăn năn đền tội, hãy lần hạt Mân Côi và hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ, để cầu cho thế giới được hòa bình.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha Quản xứ thay mặt cộng đoàn nói lời cảm ơn đến Giáo họ Fatima đã có nhiều đóng góp cho giáo xứ. Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành cho tất cả anh chị em trong giáo họ qua lời chuyển cầu của Đức Maria và chúc mừng Bổn mạng giáo họ.
Ước gì mỗi người chúng ta biết yêu mến Kinh Mân Côi như yêu mến Đức Mẹ, tôn sùng trái tim Mẹ và biết ăn ăn hối cải, để qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, mọi dân tộc trên thế giới đều được hòa bình!
Vài nét về Giáo Họ Fatima
Giáo họ Fatima được thành lập vào tháng 3/1963 (thời cha xứ Giuse Nguyễn Ngà), lấy ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima 13/5 làm ngày lễ bổn mạng. Trưởng giáo họ hiện nay là ông Giuse Lương Văn Thuý.
Địa bàn của giáo họ gồm các đường: Trần Phú, Phạm Ngũ Lão, Bà Triệu , …
Giáo họ Fatima có 3 linh mục: Giuse Nguyễn Viết Đinh, Aimé Đỗ Văn Thông; Antôn Lê Xuân và 4 nữ tu: Agnes Nguyễn Thị Loan, Maria Lê Thị Tuyết, Catarina Nguyễn Thị Tuyết Lan, Têrêsa Võ Trần Sơn Nữ Duyên Sa.
Đồng hành với Giáo họ Fatima có hai cộng đoàn nữ tu: dòng Thánh Phaolô thành Chartres và dòng Mến Thánh giá Gò Vấp (Phát Diệm) đã gắn kết rất mật thiết và góp công phục vụ giáo xứ và nhà thờ Chính Toà Đà Lạt trong nhiều năm
Đã thành truyền thống, vào tháng 5 và tháng 10, Giáo họ Fatima cũng như các giáo họ khác trong Giáo xứ Chính Tòa, đều đọc kinh Mân Côi luân phiên từng nhà mỗi đêm. Những ngày gia đình có việc tang chế hoặc giỗ chạp, cộng đoàn giáo họ đều mau mắn đến để giúp đỡ và chung lời kinh nguyện.
Bài viết: Cecilia Thiên Lan; Hình ảnh: Martino Khánh Hoàng
Ban Truyền thông Giáo xứ Chính Tòa