GIÁO XỨ ĐẠI LỘC
Bổn Mạng: Lễ Đức Mẹ Mân Côi ( 07/10)
Cha Quản xứ: Giuse Phạm Văn Thống.
Tổng số hộ gia đình: 1.700 Hộ
Tổng số nhân danh: 6.900 Nhân danh. (4.670 Kinh + 2.230 Dân tộc)
Số Giáo họ: 15.
– Lịch Phụng Vụ:
Chiều thứ Bảy: 16g30
Chúa Nhật:
Lễ 1: 6g00
Lễ 2: 7g30
Lễ 3: 8g30
Lễ 4: 16g30
Ngày thường:
Sáng: 5g00
Chiều: 17g00
Ngày Thứ Năm:
Sáng: 5g00
Chiều: 17g30 + Đầu tháng Chầu sau Lễ.
– Lược Sử Giáo Xứ:
Giáo xứ Đại Lộc chạy dọc theo quốc lộ 55, nối tiếp giáp giữa giáo phận Đà Lạt và giáo phận Phan Thiết. Chiều dài của giáo xứ chạy dài khoảng 40km và chiều ngang khoảng 20km. Đại Lộc phía đông giáp Gx Hòa Nam, phía tây giáp Gx. Suối Mơ, phía nam giáp với giáo họ Đa Tro Phan Thiết và phía bắc giáp với gx Phúc Lộc. Giáo xứ nằm ở trung tâm của xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Giáo dân của giáo xứ thuộc hai xã Lộc Thành và Lộc Nam. Kinh tế : dân cư sống chủ yếu bằng nghe à nông với hai cây công nghiệp chính là chè va cà phê. Một số hộ gia đình sống bằng tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp. Văn hóa : vì có nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Tày, Hoa, Kơho, Châu Mạ, Nùng… dẫn đến sinh hoạt văn hóa khác nhau.
Nguyên Đại Lộc là giáo họ trực thuộc giáo xứ mẹ Phúc Lộc, là vùng đất kinh tế mới được hình thành qua các cuộc di dân từ khắp các miền trên quê hương Việt Nam.Giáo dân giáo xứ Đại Lộc đa số là những gia đình thuộc thành phần trẻ. Đời sống của họ gặp nhiều khó khăn trong bước đầu lập nghiệp, phương tiện đi lại thì khó khăn vì nhiều gia đình cách xa giáo xứ mẹ 20-30km. Tháng 2.1990 dưới sự chỉ đạo của cụ Vinh, một ngôi nhà đòn lợp tranh vách nứa được dựng nên, sau đó biến thành ngôi nhà nguyện. Vào các dịp lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh, cha chính xứ Phúc Lộc đầu tiên là cha Giuse Đinh Chu Tập, sau là cha Phêrô Maria Nguyễn Công Linh được phép để vào đây dâng thánh lễ trọng và Chúa Nhật. Đến ngày 28.07.1998 giáo sở Đại Lộc mới có thánh lễ thường xuyên vào Chúa Nhật và ngày thường. Từ đó Đại Lộc dần trưởng thành.
Từ năm 1993 cha Phêrô Maria Nguyễn Công Linh được bổ nhiệm làm cha xứ Giáo xứ Phúc Lộc. Ngài đã cố gắng từng bước hình thành những hoạt động, để giáo điểm Đại Lộc có được những nhân sự cộng tác làm việc. Cho đến thời điểm này, giáo điểm Đại Lộc đã có một cơ cấu hội đồng mục vụ gồm sáu người đứng đầu điều hành cộng tác trực tiếp với cha xứ Phêrô, và những người đứng đầu cho 15 giáo khu trong giáo điểm. Các đoàn thể cũng được hình thành từng bước như : Hội Hiền Mẫu, Hội Gia Trưởng, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Lễ Sinh, Ban Đọc Sách, Thừa Tác Viên trao Mình Thánh Chúa và các CaĐoàn.
Từ lúc khai sinh, bấy giờ giáo điểm Đại Lộc chỉ có hơn 400 hộ gia đình với chừng 1300 nhân khẩu. Hiện nay, số giáo dân gia tăng rất nhanh trải dài trên địa bàn dài hơn 30Km thuộc hai xã Lộc Thành và Lộc Nam,dân cư tổng số gần 30.000 người, bao gồm 8 dân tộc anh em sinh sống, với ba tôn giáo:Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo và Tin Lành,trong đó số tín hữu Công Giáo gần 8000 người.
Ngày 01.03.2006 ngày ghi đậm trong trang sử của Đại Lộc, với nghị định của Đức Cha giáo phận đã nâng giáo sở Đại Lộc lên hàng giáo xứ đồng thời đặt Cha Phêrô Maria Nguyễn Công Linh làm cha sở tiên khởi. Với tấm lòng của người mục tử, Cha Phêrô vừa cố gắng xây dựng giáo xứ, vừa lo củng cố các ban nghành đoàn thể, quan tâm đến sinh hoạt phụng vụ… Cha đang miệt mài với công việc xây dựng giáo xứ, Cha đã được Chúa gọi về trong sự ngỡ ngàng và thương tiếc của đoàn con giáo xứ.
Năm 2006, Cha Tôma Trần Trung Phát được sai về làm cha sở giáo xứ Đại Lộc tiếp nối sứ vụ của vị tiền nhiệm, xây dựng giáo xứ ngày một đi lên trong tinh thần đoàn kết và yêu thương.
Giáo xứ Đại Lộc có được như ngày hôm nay phải kể đến sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của quý cha : Cha cố Kiêm, Cha cố Hóa, Cha Giuse Đinh Chu Tập, Cha Phêrô Maria Nguyễn Công Linh và Cha Sở đương nhiệm Thômas Trần Trung Phát. Ngoài ra một số giáo dân làm việc ngay từ những ngày đầu cho đến hiện nay cũng góp phần vào việc hình thành giáo xứ. Từ tháng giêng năm 2000, được sự đón nhận của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục giáo phận, Hội dòng Biển Đức đã thành lập cộng đoàn đan tu tại Xã Lộc Nam,thuộc giáo xứ Đại Lộc. Nhân sự hiện thời :10 đến 12 chị em và chọn Lễ Hiển Linh làm Bổn mạng. Cộng đoàn chị em cố gắng sống theo linh đạo và Tu luật Thánh Phụ Biển Đức góp phần xây dựng giáo xứ và giáo phận trong đời sống âm thầm cầu nguyện và lao động. Năm 2008 được sự chấp thuận của Đức Cha giáo phận, cha sở, hội dòng MTG Đà Lạt đã cho xây dựng một cộng đoàn nằm cạnh ngay nhà thờ, gồm 7 nữ tu về mở lớp dạy trẻ, phục vụ cho con em trong giáo xứ. Đồng thời cộng tác trong việc phục vụ nhà thờ hầu làm sáng danh Chúa.Đầu tháng 11.2009 ĐGM giáo phận đã cử cha Giuse Bùi Nguyễn Minh Hoàng mới chịu chức về phụ tá cho cha sở. Đại Lộc tuy mới được nâng lên giáo xứ nhưng đã có được mầm sống ơn gọi dồi dào từ thời gian trước đó 5 nam tu sĩ : 2 dòng Camêlô, 2 dòng Đức Mẹ về Trời và 1 dòng Don Bosco. 4 nữ tu dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Các nữ tu cộng đoàn Mến Thánh Giá Đà Lạt ngoài việc mở các lớp nhà trẻ còn phụ trách các lớp giáo lý từ vỡ lòng – sơ cấp đến các lớp vào đời – sống đạo, đoàn thiếu nhi Thánh Thể theo chương trình của giáo phận. Ngoài ra các lớp giáo lý tân tòng và hôn nhân luôn được quan tâm cách đặc biệt trong hoàn cảnh giáo xứ có đa tôn giáo cùng tồn tại.Giáo xứ với địa bàn rộng, dân cư ở rải rác xen kẽ với người lương, vì thế truyền giáo là thao thức hàng đầu của giáo xứ. Giáo xứ cũng đang nỗ lực xây dựng những giáo điểm ở xa giúp cho người dân có đời sống đạo phù hợp với yêu cầu thực tế. Công việc bác ái của giáo xứ không có một chương trình cụ thể nhưng hàng năm với sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ giúp đỡ cho các gia đình nghèo, neo đơn và người Thượng ở hai xã Lộc Thành, Lộc Nam. Nhà xứ đã được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4 có diện tích sử dụng 50 m2. Bên cạnh đó, những phòng lớp giáo lý cũng được xây dựng cách đơn sơ đáp ứng nhu cầu chỗ cho các em học hỏi giáo lý và sinh hoạt. Và một ao ước của cha sở và giáo xứ là xây dựng một ngôi thánh đường mới tiện nghi hơn cho việc thờ phượng.Trên đây chỉ là vài nét sơ lược về lịch sử của giáo xứ Đại Lộc nhưng là một kỷ niệm đẹp của những chặng đường đã qua, như một dấu hiệu của sự liên kết những con người đã và đang cộng tác với các cha sở qua các thời kỳ. Điều này cũng là để nhắc nhở con người hôm nay và các thế hệ mai sau hãy giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống sẵn có của Giáo xứ.
Nguồn: Giáo Phận Đà Lạt Kim Khánh 1960-2010
– Bản Đồ: