GIÁO XỨ KALA
– Thông Tin Giáo Xứ:
- Bổn Mạng: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
- Cha Quản xứ: Phaolô Lê Đức Huân
- Tổng số hộ gia đình : 1.658
- Tổng số nhân danh : 8.334 (Kinh: 106; Thượng: 8.174)
- Địa Chỉ: 102 Kala Tơnggu – Bảo Thuận – Di Linh
– Lịch Phụng Vụ:
- Ngày Thường:
- Sáng: 05h00
- Chiều: 17h00
- Thứ Bảy:
- Chiều: 16h00 (Nhà Thờ Họ) – 17h00
- Chúa Nhật:
- Lễ 1: 05h00
- Lễ 2: 07h00
- Lễ 3: 17h00
– Lược Sử Giáo Xứ KaLa:
Kala là một giáo xứ gồm toàn người Dân Tộc và bao gồm nhiều buôn làng Dân Tộc mang tên khác nhau. Sở dĩ giáo xứ mang tên Kala vì nhà thờ và nhà xứ tọa lạc tại buôn Kala. Giáo xứ này là một trong những giáo xứ kỳ cựu của giáo phận và có một lịch sử lâu đời.
Công đầu lập nền móng cho giáo xứ thuộc về Đức Cố Giám Mục Jean Cassaigne lúc ấy đang là cha xứ Di Linh và đã rửa tội cho nhiều người Dân Tộc miền Di Linh. Sự kiện đầu tiên đáng ghi nhớ xảy ra vào ngày 30/01/1939, khi cha đến thăm các làng miền Kala theo lời xin của các đại diện làng và cất một nhà tranh nhỏ, bắt đầu công việc dạy giáo lý cho dân chúng.
Thời gian này có cha Chauvel phụ giúp cha. Kala bắt đầu trở thành một trung tâm truyền giáo từ đó, và có nhiều thay đổi tốt đẹp đến nay vẫn tồn tại.
Ngày -4/03/1940, cha Cassaigne khởi công mở đường xe vào Kala, đường này hiện vẫn còn, trước đó, mỗi khi đi lại, dân chỉ có các đường mòn băng đồi, băng ruộng.
Ngày 25/04/1940, cha mua đất lập khu nhà thờ, nhà xứ, trường học như hiện có. Cha Chauvel đi lại làm nhà xứ và cất một nhà nguyện nhỏ trên đất mới mua để làm lễ và dạy giáo lý.
Ngày 01/12/1941, cha Chauvel chính thức làm cha xứ đầu tiên tại Kala và khởi công làm nhà thờ gỗ hiện còn. Cha cũng xây cất một trường sơ cấp của xứ, cạnh nhà thờ, bắt đầu khai giảng niên khóa 1942-1943.
Năm 1947, Cha Jacques Dournes tới Kala và vào ngày thứ bảy Tuần Thánh năm sau (27/03/1948) cha đã rửa tội và ghi sổ rửa tội số 1 trong sổ họ Kala, trước đó chỉ ghi tại sổ bộ giáo xứ Di Linh.
Đến ngày 28/04/1951, cha Fr. Rubat vào Kala với cha Dournes. Tháng 09/1952, cha Grelier được cử đến làm cha xứ. Cha Rubat phụ, còn cha Dournes lo riêng về văn hóa. Thời gian này các chị Tiểu Muội đến thăm, chọn địa điểm và năm 1953, các chị chính thức tới làm nhà và sống giữa anh em thượng làng Krot, cách nhà xứ gần 2 cây số về phía trong.
Năm 1954, sau khi cha Dournes về Pháp nghỉ bệnh và cha Grelier nhận nhiệm vụ mới, thì cha Rubat làm cha xứ. Cha Daricau tới phụ, làm thêm nhà ở và sau đó (1956) các nữ tu Vinh Sơn cũng tới ở, giúp việc giáo dục tại chỗ và coi sóc bệnh nhân làng cùi.
Năm 1961, cha Daricau về Đà Lạt, cha Desplanque tới Kala phụ với cha Rubat. Năm 1963, cha Desplanque về Sài Gòn. Tháng 6 năm 1965 cha Rubat về Đà Lạt.
Sau thời kỳ này, xứ Kala bắt đầu được các cha Việt Nam đến coi sóc. Ngày 18/07/1965, cha Phêrô Trần Văn Khoa về Kala, tiếp nhận những giáo dân tình nguyện, huấn luyện họ nên những tông đồ đi vào cánh đồng truyền giáo. Đến ngày 07/07/1969, cha Đaminh Nguyễn Huy Trọng tới phụ tá cha Khoa. Trong thời gian này, cha Khoa thường xuyên lui tới cây số 16. Cha Trọng được Đức Giám Mục Giáo Phận đặt làm cha xứ Kala. Hôm ấy được đánh dâu bằng sự hiện diện của Đức Cha, Cha Bề Trên và các cha trong giáo hạt (gồm Di Linh và Bảo Lộc) về Kala dự tĩnh tâm tháng.
Từ cuối năm 1970, vì sức khỏe yếu kém, Đức Cha Cassaigne đã nhờ cha xứ Kala thường xuyên lên làm các nghi lễ tôn giáo tại làng cùi.
Năm 2018 Cha Phaolô Lê Đức Huân về nhận nhiệm vụ mới tại giáo xứ Kala, cha Phaolô làm Ðại diện Giám mục đặc trách công tác người dân tộc thiểu số – hơn 137.000 người, chiếm khoảng 1/3 số giáo dân giáo phận Ðà Lạt.
Nguồn: Lịch sử giáo phận Dalat, 1991
– Bản Đồ: