GIÁO XỨ RƠLƠM
– Thông Tin Giáo Xứ:
- Bổn Mạng: MẸ HẰNG CỨU GIÚP (27/6)
- Cha Quản xứ: Gioan Phùng Bá Trung
- Tổng số hộ gia đình : 365
- Tổng số nhân danh : 1.576
- Địa Chỉ : XÃ ĐẠ ĐỜN, LÂM HÀ, LÂM ĐỒNG
– Lịch Phụng Vụ:
- Ngày Thường:
- Sáng: 05h00
- Thứ Bảy:
- Chiều: 17h00
- Chúa Nhật:
- Lễ 1: 06h00
- Lễ 2: 16h00
– Lược Sử Giáo Xứ :
Trước những năm 1958, Rơlơm thuộc xã Tơrlăngtô, nay là xã Đà Đờng là một nơi hoang vu, rừng cây bạt ngàn xanh tốt. Tại nơi đây, rải rác có những làng dân tộc Kơho như Rơlơm nằm ở cây số 25 từ Liêng Khương đi vô về phía tay trái, đi về phía Phisur và Riôngtô, có buôn dân tộc Sre Đà Đờng. Tất cả những con đường dẫn tới các bản làng dân tộc đều là đường mòn do những anh chị em dân tộc đi kiếm củi, hay ra suối múc nước. Rơlơm lúc đó chỉ vỏn vẹn có vài chục gia đình với gần hai trăm nhân khẩu. Người dân tộc ở đây sống về nghề phá rừng, tỉa lúa, trồng bắp, trồng khoai.
Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển
Vào những năm 1954 đến 1962, anh chị em dân tộc ở đây vẫn chưa được nghe nói đến Tin Mừng và họ vẫn sống theo tập tục cha ông để lại. Họ tin nhiều thần và tin vào các thầy cúng, thầy mo. Trước thực trạng ấy, Cha Antôn Lapointe Cssr đã dựng một cây thánh giá thật lớn ở giáo điểm Rơlơm Năm 1962 vì chiến tranh, các Cha Canada đã di tản hơn 4.000 người Dân tộc về các giáo điểm Rơlơm, Đà Nung, Đampău. Tại Rơlơm, Cha Antôn Lapointe đã cho làm một nhà nguyện có nét Dân tộc ngay ở thôn 5 Rơlơm. Nhà nguyện này chỉ chứa tối đa 300 người. Nhà nguyện được khánh thành vào năm 1963. Cha Antôn Lapointe làm quản nhiệm giáo sở Rơlơm. Nhờ có nhà nguyện có nơi qui tụ, người Dân tộc thuộc các buôn Rơlơm, Phull, Khout, Torlơngdơng, Tơrlăngtô, Tơlhồng, Philiêng đã quần tụ ở Rơlơm. Dân chúng Kơho đã sinh hoạt tôn giáo theo sự hướng dẫn của các Cha. Cha Antôn Lapointe dạy dân chúng trồng lúa, trồng bắp, trồng khoai, đậu… Cha Benoit tổ chức hợp tác xã để giúp dân chúng thoát cảnh khó nghèo. Bên cạnh các Cha có các nữ tu thuộc Dòng Thánh Phaolô thành Chartres giáo tỉnh Sài Gòn phụ giúp trong các công tác mục vụ, khám phát thuốc miễn phí và giúp đỡ các em học sinh. Ngoài ra Cha Antôn Lapointe còn nuôi các chị thỉnh nguyện viên độc thân giúp đỡ các Ngài trong việc bếp núc và phân phát lương thực, quần áo cho anh chị em Dân tộc. Tại Rơlơm có chị Têrêsa Nguyễn Thị Mùi, chị Maria Nguyễn Thị Mơ. Các chị đã cộng tác với các Cha trong việc tông đồ và phục vụ.
Cha Antôn Lapointe bị một cơn đau ruột thừa nhưng Ngài không biết, nên khi đưa tới bệnh viện ở Cam Ranh, Ngài đã qua đời vào ngày 08/05/1971 trong sự thương tiếc của nhiều người. Xác của Ngài được đưa về Rơlơm và an táng ngay cạnh hông mặt phía trước nhà nguyện Rơlơm ngày 12.05.1971. Sau khi Cha Antôn Lapointe qua đời, Cha Thomas Côté thay thế Ngài cai quản giáo điểm Rơlơm. Ngày 15.09.1975, Cha Thomas Côté và các cha Canada phải về nước dẫu rằng các Ngài còn đang gắn bó với người Dân tộc Kơho và công việc còn giang giở. Ngày 21.07.1975 Cha Giuse Nguyễn Hưng Lợi được Nhà Dòng Chúa Cứu Thế và Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đặt cai quản Rơlơm và Phú Sơn. Cha Antôn Trần Thế Phiệt coi Đanung và Đampău. Giáo sở Rơlơm vẫn trên đà phát triển về đời sống đạo. Nhưng vào ngày 21.6.1978: Nhà nguyện Rơlơm bị đóng cửa và Cha Giuse trở về quê để sống đời chiêm niệm. Ngày 15.01.1994 với công văn số 40/ CV-UB của UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép mở cửa và sinh hoạt tôn giáo tại Rơlơm. Ngày 07.03.1994 UBND xã Đại Đờn và UBND huyện Lâm Hà đã ký giấy cho phép tu sửa nhà nguyện Rơlơm. Ngày 23.10.1994, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn giám mục giáo phận Đà Lạt đã dâng lễ tạ ơn để nhà nguyện Rơlơm sinh hoạt mục vụ bình thường. Cha Giuse Nguyễn Hưng Lợi tiếp tục phục vụ giáo sở Rơlơm. Nhân Sự Qua Từng Giai Đoạn Từ 1962 – 1971 : Cha Antôn Lapointe Từ 1971 – 1975 : Cha Thomas Côté Từ 1975 – 1978 : Năm 1994 Cha Giuse Nguyễn Hưng Lợi và ngày 27.06/2020, tại nhà thờ Giáo xứ Rơlơm, diễn ra Thánh lễ Thiết lập Giáo xứ R’Lơm và bổ nhiệm tân Quản xứ Gioan Phùng Bá Trung.
Nguồn: Giáo phận Đà Lạt Kim Khánh 1960-2010
– Bản Đồ: