GIÁO XỨ THANH BÌNH
– Thông Tin Giáo Xứ:
- Bổn Mạng: ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI (15/8)
- Cha Quản xứ: Đaminh Nguyễn Mạnh Tuyên
- Tổng số hộ gia đình : 1.284
- Tổng số nhân danh : 4. 712
- Địa Chỉ: 224A, Xã Bình Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng
– Lịch Phụng Vụ:
- Ngày Thường:
- Sáng: 05h00
- Chiều: 17h00
- Thứ Bảy:
- Sáng: 05h00
- Chiều: 17h00
- Chúa Nhật:
- Lễ 1: 05h00
- Lễ 2: 08h00
- Lễ 3: 17h00
– Lược Sử Giáo Xứ Thanh Bình:
Thanh Bình, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng hiện nay, là một giáo xứ nằm vào quãng cây số 15 của quốc lộ 27 nối liền Liên Khương với Phú Sơn rồi Buôn Mê Thuột. Giáo xứ này hình thành trên miền đất ngày xưa thuộc các buôn Dân Tộc sắc tộc K’Ho vào thời điểm cách đây trên 30 năm.
Lịch sử của giáo xứ bắt đầu vào ngày 15-8-1956, khi cha Augustinô Phạm Văn Nguyện cùng với các ông Trần Văn Minh, Vũ Đức Tuyên và Nguyễn Bá Kế từ trại định cư Thanh Hóa Hố Nai lên Đức Trọng để xem đất và đã tìm được khu đất này để xây dựng tương lai.
Ngày 20-11-1956 đoàn xe đầu tiên chở 300 người từ trại Thanh Hóa Hố Nai lên Thanh Bình. Đúng một tháng sau, đoàn xe thứ hai lại chở thêm một số người tương đương lên. Đại đa số họ đều là người thuộc Điền Hộ, Nga Sơn (Thanh Hóa). Ba tháng đầu trên miền đất mới, mọi sự đều có tính cách tạm bợ: dân chúng dựng bạt làm nhà, nhà nguyện cũng là một tấm bạt lớn được dựng lên ngay bên cầu Cam Ly ngày nay. Nhà xứ lúc đó có cha Phạm Văn Nguyện, cha Nguyễn Minh Luân và Thầy Trần Văn Cảnh. Có điều là ngay lúc mới mẻ đó, giáo xứ đã được phân chia ra 7 họ – giống như các họ có sẵn ở xứ Điền Hộ ngoài Bắc – để làm việc.
Sau những tháng tạm bợ đó, các cơ sở chính của giáo xứ được dựng lên: Nhà nguyện bằng gỗ lợp tôn (dựng ngày 1-2-1957) rồi nhà trường gỗ gồm 6 lớp học. Tháng 8-1957, các nữ tu MTG Thanh Hóa đến và cùng với các thầy địa phương dạy học cũng như phục vụ ở đây.
Tháng 8-1959, cha Phạm Văn Nguyện từ giã giáo xứ ra Sông Mao, nhường quyền coi sóc xứ cho cha Giuse Nguyễn Minh Luân. Cha Giuse Luân cũng đổi địa sở đúng một năm sau đó. Nối tiếp các cha là cha Bênêdictô Nguyễn Dũng về coi xứ. Có thầy Anphongsô Nguyễn Văn Luận giúp xứ. Ba năm sau, vào ngày 18-7-1963, cha Dũng qua đời tại Sàigòn, xứ không có linh mục coi sóc trong ba tháng, chỉ các ngày Chúa Nhật mới có cha Tâm từ xứ Kim Phát bên cạnh sang làm lễ.
Tháng 10-1963 cha Laurensô Đỗ Ngọc Giá về nhận xứ với số giáo dân đã lên đến 1900 người.
Ngày 15-8-1967 là ngày đăt viên đá đầu tiên xây nhà thờ mới thay cho ngôi nhà thờ cũ mái tôn vách ván. Sau 4 tháng ngưng trệ, vào quãng từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1968, công việc đã hoàn tất vào tháng 2-1969 với phí tổn tổng cộng trên 5 triệu đồng. Bổn mạng của nhà thờ là Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong thời gian cha Laurensô Giá làm cha xứ, có 3 cha lần lượt được gởi đến làm phó xứ cộng tác với cha. Đó là cha :
– Đỗ Ngọc Thuần: từ 1968 đến 17-2-1969, qua đời
– Dương Ngọc Châu: Từ 1970 đến 1972
– Nguyễn Nam Bắc: Từ 1972 đến 1974
Thời gian sau năm 1970, kinh tế địa phương khá ổn định và phát triển, chủ yếu là trồng hoa màu, lúa, bắp, đậu và chăn nuôi heo bò. Tới năm 1975, số giáo dân lên đến gần 3000. Năm 1975, cha Laurensô Giá đổi xứ.
Ngày 11-5-1975 các cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giuse Nguyễn Tiến Mỹ và hai thầy Phạm Ngọc Chính, Lê Quang Anh thuộc Dòng Don Bosco được Đức Giám Mục Giáo Phận cử về phục vụ giáo xứ.
Năm 1994, vì thiếu nhân sự, Hội dòng Don Bosco đã trao giáo xứ lại cho Giáo phận. Toà Giám Mục đã cử cha Mathêu Đinh Viết Hoàng về làm quản xứ, và cha Micae Hà Diên Tố làm phó xứ.
Ngày 30 tháng 7 năm 2017, Cha Tân Quản Xứ Đaminh Nguyễn Mạnh Tuyên về tiếp quản giáo xứ cho đến nay.
Nguồn: Lịch sử giáo phận Dalat, 1991
– Bản Đồ: