GIÁO XỨ TU TRA – ĐƠN DƯƠNG
– Thông Tin Giáo Xứ:
- Tước Hiệu: THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
- Cha Quản xứ: Antôn Lê Xuân
- Tổng số hộ gia đình : 835
- Tổng số nhân danh : 4.020 (Kinh : 650 + Thượng: 3.370)
- Địa Chỉ: 86, Lạc Nghiệp, Tu Tra, Đơn Dương, Lâm Đồng
– Lịch Phụng Vụ:
- Ngày Thường:
- Sáng: 05h00
- Chiều: 17h00 (Lễ trọng)
- Thứ Bảy:
- Chiều: 17h00
- Chúa Nhật:
- Lễ 1: 05h30
- Lễ 2: 07h30
- Lễ 3: 17h00
– Lược sử Giáo xứ:
Vị trí:
Giáo xứ Tu Tra trên bản đồ giáo phận nằm ở phía tây nam. Phía đông giáp giáo xứ Kađơn, phía tây giáp giáo xứ Liên Khương, phía nam giáp xã Tà Năng, phía bắc giáp xứ Suối Thông. Nhà thờ cách TGM Đà Lạt 30 km. Vị trí giáo xứ theo hành chính hiện nay : 68 thôn Lạc Thạch, xã Tutra, huyện Đơn Dương. Kinh tế : chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, ngoài ra khai thác gỗ, trồng ngô khoai, và làm công cho các nông trường chăn nuôi bò sữa : ladomilk, vinamilk, apollo. Văn hóa đặc trưng : người churu đa số nói theo ngôn ngữ Malayô – Pôlinêxia, nhưng vì sống gần người Kơho nên một số cũng nói tiếng Kơho. Trong đời sống gia đình người Churu còn mang tính mẫu hệ, những nhạc cụ đặc sắc của người Churu là : R’tông, Kwao, Tenia, ngoài ra còn có trống, kèn, đồng la.
Sơ Lược Sự Hình Thành Và Phát Triển:
Ngay từ những năm cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, các cha : Cha Francois Darricau, Cha Grison (thuộc Hội Thừa Sai Paris, MEP) từ M’lon, Kađô, Đa Gun (Tà Năng ngày nay), đã tới truyền giáo và lui tới qua lại chăm sóc làm việc với các buôn làng trong vùng Tutra. Năm 1961, khi có sự thỏa thuận của cha Darricau với các cha dòng Vinhsơn, các cha Lazaristes như cha Cartier, cha Lulucq, cha Déthune, cha Jacquees Gros và cha Berset phụ trách vùng nam sông ĐaNhim, trong đó có Tutra.
Trong thời gian 1973 bà con đã cùng với các cha thừa sai dựng nên nhà nguyện để họp nhau cầu nguyện, tham dự thánh lễ. Nhưng sau năm 1975, khi các Cha ngoại quốc phải rời khỏi Việt Nam, thì nhà nguyện này không còn sinh hoạt nữa. Trong suốt thời gian từ 1975 đến 1988, các sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân, hầu như chỉ còn duy trì trong các gia đình. Tới năm 1988, bà con giáo dân Churu bắt dầu ra tham dự các sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Suối Thông mỗi ngày một đông, và Tutra trở thành giáo khu của Suối Thông.
Tới thập niên 1990, số giáo dân cả Kinh lẫn dân tộc thiểu số tăng rất đông. Vì thế giáo xứ Suối Thông đã nghĩ đến việc xây một ngôi nhà nguyện tại thôn Ma Đanh xã Tutra để bà con đỡ phải vất vả đi lễ quá xa, nhất là vào mùa mưa. Công việc chuẩn bị đã được cha Đaminh Đỗ Ngọc Hiếu và tiếp nối là cha Tôma Phạm Quang Hào xúc tiến. Từ năm 1993 trở đi, để tạo điều kiện cho bà con vùng sâu này có thể tham dự những lễ lớn trong năm, Toà Giám Mục đã làm đơn lên Ban Tôn Giáo Tỉnh Lâm Đồng xin tổ chức lễ Giáng Sinh và Phục Sinh tại thôn Ma Đanh và đã được chấp thuận.
Ngày 27.11.2003, Nhà Nước chính thức cấp giấp phép xây dựng nhà thờ Tutra tại địa điểm thôn Lạc Thạch, cách Đamanh 6 km.
Ngày 17.12.2003 gầu đất đầu tiên được múc lên chuẩn bị cho việc đặt móng xây dựng nhà thờ. Ngày 14.05.2004, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã về chủ sự nghi thức làm phép diện tích xây dựng và đặt viên đá đầu tiên. Sau 1 năm 10 tháng thi công, vào ngày 30.03.2006 đã Cung Hiến và Khánh Thành nhà thờ Tutra, với tước hiện Thánh Tâm Chúa Giêsu, trong niềm hân hoan khôn tả của cộng đoàn dân Chúa Tutra.
Ngày 29.05.2009 Đức Cha Phêrô đã quyết định nâng Tutra lên hàng giáo xứ, đặt cha Bartôlômêô Nguyễn văn Gioan làm quản xứ tiên khởi. Khi giáo xứ được thiết lập, số gia đình công giáo cả Kinh lẫn Thượng có khoảng 720 hộ, với khoảng 3800 nhân khẩu. Có thể nói, sau hơn 30 năm kiên trì sống đạo và giữ đạo, bà con giáo dân Tutra mới có được những ngày vui khi tham dự thánh lễ cung hiến nhà thờ và thánh lễ bổ nhiệm Cha xứ tiên khởi. Từ đây giáo xứ Tutra bắt đầu bước vào một giai đoạn mới, các tổ chức và ban ngành đoàn thể dần được hình thành, các lớp giáo lý dành cho thiếu nhi và giới trẻ được quan tâm đặc biệt, đời sống đạo của dân Chúa dần đi vào nề nếp.
Giáo xứ Tutra có được như ngày nay, không thể quên công ơn của những người đã, đang giúp giáo xứ, đó là: Thầy sáu Giuse Nguyễn Văn Quý sau khi được thụ phong linh mục, được cắt cử làm phó xứ Suối Thông kiêm phụ trách giáo họ Tutra. Sau đó được cha Gioan Baotixita Phạm Minh Phụng thay thế. Tiếp đó hai cha thuộc dòng Vinh sơn là cha Augustinô Nguyễn Hữu Gia và cha Giuse Phạm Duy Lân từ Próh đến dâng lễ buổi sáng và trở về cộng đoàn. Đến tháng 10.2008 thầy phó tế Phêrô Vũ Ngọc Hùng được chỉ định đến giáo họ Tutra để trông nom giáo xứ. Và ngày 18.12.2008 cha Bartôlômêô Nguyễn Văn Gioan nhận bài sai phụ trách giáo họ Tutra.
Ngoài ra còn một số thầy thuộc Chủng Viện Minh Hoà khi giúp xứ Suối Thông cũng được sai đến giáo họ Tutra để dạy giáo lý, tập hát trong số đó có thầy : Gioan Baotixita Trần Quang Vũ, thầy Giuse Trần Công Là, thầy Giuse Trần Minh Trí, thầy Phêrô Huỳnh Quang Vũ, và thầy Phanxicô Xaviê Hoàng Đức Tiến. Bên cạnh đó cũng có một số thầy thuộc học viện Don Bosco đến giúp chiều thứ bảy hàng tuần và giúp tháng hè.
Nguồn: Giáo Phận Đà Lạt Kim Khánh 1960-2010
– Bản Đồ: