Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trong cuộc sống, rất nhiều người sợ lâm vào khó khăn, nghịch cảnh. Vì thế, họ luôn đặt ra cho mình những câu hỏi như: “Sao mọi thứ lại không trôi chảy?”; “Sao cuộc đời lại đầy rẫy khó khăn, trở ngại?”; “Tại sao điều này lại xảy ra với mình?”; “Tại sao đời bất công đến vậy?”; hay “Tôi đã làm gì để ra nông nỗi này?”. Nhưng nếu suy tư một chút, chúng ta sẽ thấy: nghịch cảnh cuộc đời là điều không thể tránh. Không ai tránh được những bất trắc trong cuộc sống. Thật thế, người thì bị mất việc, kinh doanh thất bại, mất đi người thân, khủng hoảng tài chính, người thì đổ vỡ trong các mối quan hệ, hoặc thậm chí sức khỏe sa sút. Đôi khi những thử thách đó lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, nên dù cố gắng đến mấy, nó vẫn tan thành mây khói.
Điều đáng bàn ở đây là: chúng ta sẽ phải ứng xử với những nghịch cảnh đó như thế nào cho đúng mực, hầu đem lại hiệu quả tối ưu!
1. Những thái độ khác nhau khi gặp nghịch cảnh
Thật ra, mỗi khi thử thách đến trong đời, chúng ta thấy có rất nhiều thái độ khác nhau, mỗi người đối diện và phản ứng một kiểu, chẳng ai giống ai. Có người thì quay lưng lại với chúng. Có người lại không dám tiến lên vì sợ thất bại. Lại có người không bao giờ hành động… vì lo không đạt được mục tiêu.Tuy nhiên, cũng có những người khi thất bại đến, họ coi đó như là một điều kiện cần để tiến đến thành công. Lại có những người coi việc thất bại như là một phần của cuộc sống để làm cho cuộc đời này ý nghĩa, giá trị hơn. Những người đó, họ coi thất bại như là chút mắm, muối, gia vị… để làm cho “tô phở cuộc đời” được mặn mà, thơm ngon hơn. Ralph Waldo Emerson đã nói: “Vinh quang lớn nhất của chúng tôi không phải là không bao giờ thất bại, nhưng tăng lên mỗi khi chúng tôi thất bại”; “Chẳng ai trở nên hoàn hảo và tốt đẹp mà chưa từng mắc lỗi lầm nào cả” (William E. Gladstone).
Thật thế, những người có thái độ tích cực đối với thất bại thì trong đầu họ luôn nghĩ: “Nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân bạn. Hãy xem đó như một thềm đá nâng bạn bước cao hơn” (Fanco Molinary).
“Thất bại chỉ là cách chúng ta học hỏi qua phương pháp thử và sai. Chúng ta không chỉ cần chấm dứt ngay nỗi sợ hãi thất bại mà còn cần sẵn sàng chấp nhận thất bại – thậm chí hào hứng đón nhận thất bại. Họ gọi phương pháp đón nhận thất bại này là ‘thất bại để tiến lên’. Bạn chỉ cần bắt tay thực hiện, phạm sai lầm và tiếp tục tiến về phía mục tiêu của mình. Tất cả những kinh nghiệm thu được đều là những thông tin hữu ích bạn có thể sử dụng cho những lần sau” (Jack Canfield – trích trong “những nguyên tắc thành công”). Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng nếu nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ nhận ra những món quà quý giá bạn đang tận hưởng trong hiện tại lại “đâm chồi nảy lộc” từ nơi nghịch cảnh bạn phải hứng chịu trong quá khứ.
Tại sao thế? Thưa vì: “Bạn không thể học được ít hơn, bạn chỉ có thể học được nhiều hơn. Tôi có kiến thức sâu rộng chính là bởi tôi đã phạm rất nhiều sai lầm” (Buckínter Fuller – Nhà toán học và triết gia). Thất bại là chậm trễ, nhưng không đánh bại. Đó là một đường vòng tạm thời, không phải là một ngõ cụt.
Tuy nhiên, “nghịch cảnh chỉ mang đến lợi ích trong tương lai nếu bạn giữ được thái độ tích cực, chủ động tìm kiếm những cơ hội mới và không ngừng bước tới. Nếu bạn cho phép nghịch cảnh nhấn chìm bạn vào những suy nghĩ tiêu cực và thôi không phấn đấu thì đương nhiên, chẳng điều tốt đẹp nào đến với bạn cả” (trích trong “3 món quà đến từ nghịch cảnh” đăng trên: http://www.hoclamgiau.vn/skill/1641/mon-qua-den-tu-nghich-canh)
2. Câu chuyện thành công từ những nghịch cảnh
Có một câu chuyện kể rằng:
Những nông dân ở miền Nam Alabama đã quen trồng chỉ mỗi một thứ là cây bông (dùng để se chỉ, dệt vải).
Một năm kia, những con sâu bọ đã tàn phá cả vùng. Năm sau những người nông dân đem nhà cửa của họ đi cầm cố để có tiền và lại tiếp tục trồng cây bông, hy vọng vào một kỳ gặt hái tốt đẹp. Thế nhưng, khi những cây bông bắt đầu mọc, những con sâu bọ đó lại đến và phá sạch hầu hết các cánh đồng.
Một số ít những người “sống sót” qua 2 năm đó đã quyết định trồng thử một thứ mà trước đây họ chưa bao giờ trồng, đó là cây lạc (đậu phộng). Và kết quả là cây lạc của họ nhanh chóng được thị trường ưa chuộng, đến nỗi lợi tức của năm đó đủ để họ trả hết nợ của 2 năm trước. Kể từ đó họ trồng cây lạc và rất phát đạt.
Và rồi bạn biết những người nông dân đó làm gì không? Họ trích một phần trong tài sản của mình để dựng một đài kỷ niệm ngay giữa trung tâm thành phố để ghi công “những con sâu bọ”. Bởi nếu không vì những con sâu đó họ sẽ không bao giờ khám phá ra cây lạc. Họ sẽ mãi mãi đủ ăn với nghề trồng cây bông từ thế hệ này qua thế hệ khác.
3. Đứng trước nghịch cảnh, người Công Giáo cần có thái độ nào?
Khởi đi từ nguyên tắc cứu độ của Đức Giêsu trong nguyên lý của hạt lúa mì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24); rồi chính Đức Giêsu đã đi trên con đường tự hủy đó để cứu độ con người. Đỉnh cao của mầu nhiệm này là cái chết trên thập giá như Ngài đã tiên báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8, 31). Tinh thần này đã được thánh Phanxicô Assisi lựa chọn và sống, ngài viết: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Quả thật, con đường này là con đường nghịch lý của thập giá mà chính Đức Giêsu đã lựa chọn. Tuy nhiên, đằng sau sự mục nát của hạt lúa, chúng ta thấy trổ sinh nhiều cây và bông hạt khác. Cũng vậy, nếu không có thập giá hôm nào thì không có sự phục sinh của Đức Giêsu và niềm hy vọng của chúng ta. Chính Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận cũng đã nói: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Xem gương Đức Giêsu trên thánh giá”; “ Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời” (ĐHV., số 41. 43).
“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Trong hành trình sống đạo, hẳn không thiếu những nghịch cảnh. Tuy nhiên, khi đối diện với chúng, mỗi người chúng ta hãy kiên trì và trung thành với ơn gọi mà mình đã khám phá và cảm nghiệm. Mỗi khi khó khăn thử thách đến với chúng ta, đừng vì thất vọng mà buông xuôi. Nhưng hãy trung thành đến cùng. Nếu bỏ cuộc, chúng ta đã làm việc này việc nọ vì hứng chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.
Tuy nhiên, lòng yêu mến Chúa thì không phải là hứng mà làm, nhưng là vì cảm nghiệm. Khi đã cảm nghiệm thì không còn chuyện bàn tán nên hay không nên, mà tất cả đều có ích cho những người yêu mến Chúa.
Hình ảnh người trộm lành cho chúng ta thấy, anh ta hạnh phúc ngay trong sự thất bại. Anh ta được hạnh phúc là vì anh ta tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Còn Giuđa thì thất vọng khi đang sống trong tình yêu nhưng lại nghi ngờ, nên ông đã là người thất bại thê thảm.
Nếu không bền chí thì không phải là người tài đức song toàn. Người tài là người được lớn lên trong thử thách. Người có đức là người bền chí, trung thành và can đảm. Bền chí là dấu hiệu của người đang dồi dào ân sủng.
Nếu thiếu đi hai yếu tố trên thì không phải là mình “hiền” như mình vẫn lầm tưởng, mà là “hèn”. Cần hiểu và phân định rõ rằng: “hiền” và “hèn” là hai lối sống và biểu hiện khác nhau.
Nếu không có lòng yêu mến Chúa, thì không thể kiên trì, trung thành được, bởi vì, họ sẽ không thể tìm ra ý nghĩa của đau khổ, thất bại. Họ sẽ không thấy sự sống trổ sinh từ cây thập giá chết. Họ sẽ không thể hy vọng về một tương lai tươi sáng khi đang phải đối diện với tối tăm mù mịt.
Giuđa và Gioan chỉ khác nhau ở lòng mến mà thôi. Trong tâm hồn chúng ta cũng vẫn còn đó hai hình ảnh và hai lối sống lẫn lộn: Gioan và Giuđa. Bao lâu chúng ta còn kiên trung, bền chí, và hy vọng, ấy là dấu chỉ ta theo Gioan để đi trọn con đường tình yêu dưới chân thập giá. Còn giờ phút nào chúng ta nhát đảm, sợ sệt, ham tiền, ham danh, ấy là lúc chúng ta đã chọn Giuđa làm quan thầy và thắp hương tôn thờ vị “quan thầy phản bội”.
Bạn thân mến,
Chúng ta thường than oán mỗi khi rơi vào nghịch cảnh. Thế nhưng, chúng ta quên rằng Chúa là Cha của chúng ta ở trên trời, Chúa luôn yêu thương chúng ta, Ngài biết trước những gì chúng ta cần, vì thế chúng ta nên phó thác trong tay Ngài. Hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng (x. Mt 6,25-34). Mỗi khi gặp nghịch cảnh , khó khăn xảy đến, chúng ta đừng quá bận tâm cho câu hỏi tại sao? Mà hãy chú tâm và khám phá ra ý định của Thiên Chúa trong nghịch cảnh đó.
Khi thinh lặng nội tâm, Ngài sẽ cho biết lý do tại sao, hay cần làm gì để chúng ta nhận biết được những hồng ân quý báu Chúa ban cho trong nghịch cảnh đó.
Thật vậy, mọi sự đều trở nên ích lợi cho những người yêu mến Chúa. Vì thế, không còn chuyện than thân trách phận hay buồn bực, chán nản và thất vọng vì những điều không hợp với ý của ta nữa. Các thánh là những người đã sống mầu nhiệm thập giá qua những nghịch cảnh cách xuất sắc. Có những đấng đã xin Chúa cho chịu thật nhiều đau khổ để đến vì tội mình. Lại có đấng sẵn lòng chịu khổ cực thay cho người khác. Và cũng có những đấng đón nhận mọi khổ cực đắng cay, hiểu lầm vì lòng yêu mến Chúa. Các thánh là những người phải chiến đấu với sự yếu đuối bản thân, với những nghịch cảnh từng ngày từng giờ, từng phút, từng giây trong cuộc sống.
Xin hãy nhớ rằng: những điều tốt đẹp ngày hôm nay là kết quả của những thử thách ngày hôm qua.
Để kết thúc, xin bạn cùng với tôi, chúng ta cùng nhau suy ngẫm câu nói sau: ” ‘Khổ’. Đúng vậy. Thương khó, bỏ dễ. Khó mới quí, bỏ là quỉ” (ĐHV., số 60).
Vậy bạn và tôi, chúng ta muốn làm thánh hay là quỷ???