“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39)
“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Nói rõ hơn: Ngươi phải yêu người thân cận như yêu chính mình. Như thế, Chúa Giêsu có dạy các môn đệ “ghét” bản thân họ đâu. Đúng hơn, phải yêu mình, hơn nữa, yêu mình còn là chuẩn mực để so sánh: yêu người thân cận như yêu chính mình. Phải nhấn mạnh như thế vì xem ra một số Kitô hữu hiểu lầm rằng Chúa dạy phải yêu thương tha nhân và phải ghét chính mình!
Lại thêm một hiểu lầm nữa khi nghĩ rằng, tưởng cái gì khó khăn chứ còn yêu mình thì quá dễ! Thực ra suy nghĩ đó chỉ là cái nhìn ở bề mặt chứ không phản ánh hoàn toàn thực tế. Biết bao lần trong cuộc đời, xuất hiện trong tâm trí ta những tiếc nuối: Giá mà mình có được chiều cao lý tưởng của anh chàng kia! Giá mà mình có được nước da trắng hồng của cô hoa khôi nọ! Giá mà mình được sinh ra trong gia đình danh giá đó! Giá mà mình được nổi tiếng như thế!… Rất nhiều và rất nhiều những thứ “giá mà”. Và hàm ẩn bên trong những “giá mà” đó là gì? Lại chẳng phải là sự phủ nhận chính mình, không chấp nhận con người thật của mình hay sao? Rồi từ đó là đủ thứ mặc cảm tự ti xen lẫn tự tôn, rồi ghen tị, giận dỗi, oán hờn, trách móc, có khi cả cuộc đời không thoát ra được.
Vậy phải hiểu thế nào về lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24)? Như đã trình bày trong bài trước, khi trở về trong thinh lặng và cô tịch, chúng ta khám phá và nhìn nhận những hình ảnh giả tạo về bản thân. Khi đó lời mời gọi của Chúa Giêsu cũng được đón nhận trong một ánh sáng mới: Hãy từ bỏ cái tôi ích kỷ, cái tôi xác thịt đi. Sự từ bỏ ấy là đòi hỏi hết sức khó khăn, cho nên được sánh với việc vác thập giá hằng ngày.
Tóm lại, yêu mình, sống hài hòa với chính mình, hóa ra không phải là chuyện dễ dàng và đơn giản. Để thực sự sống hài hòa với bản thân, phải nhận ra sự độc đáo của chính mình, khám phá tình yêu vô điều kiện nơi Thiên Chúa, nhờ đó biết chấp nhận chính mình và yêu chính mình.
1. Nhận ra sự độc đáo của mình
Mỗi người là một nhân vị độc đáo. Đã và sẽ không bao giờ có một người khác giống như bạn hoặc tôi. Chúng ta không cao trọng hơn, cũng chẳng thấp kém hơn bất cứ ai, nhưng mỗi chúng ta là chính mình, một con người độc đáo, không thể thay thế. Mỗi người có một vai trò riêng trong vận hành huyền nhiệm của vũ trụ và kế hoạch của Thiên Chúa. Điều quan trọng không hệ tại ở địa vị lớn hay nhỏ, nhưng là chính mình, trong vai trò của mình.
Trong thực tế của lịch sử, nhân loại thường rơi vào một trong hai thái cực, cả hai thái cực đều phản bội tính độc đáo của nhân vị. Thái cực thứ nhất là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Chủ nghĩa này đề cao tính độc đáo của mỗi cá nhân nhưng lại hiểu tính độc đáo như là sự tách biệt khỏi mọi người và biến mình thành cái rốn của vũ trụ. Từ đó, tha nhân trở thành hỏa ngục, vật cản đường tiến bộ của cái tôi ích kỷ và ngạo mạn. Lối sống đó xem ra đề cao cái gọi là tính độc đáo nhưng thực ra chỉ đề cao cái tôi ích kỷ và hủy diệt tính độc đáo của tha nhân. Thái cực thứ hai là chủ nghĩa tập thể, ở đó người ta hủy diệt sự độc đáo của mỗi cá nhân, biến mọi người thành những con số, nhân danh lợi ích của tập thể và tương lai của một nhân loại mới. Thế nhưng một khi cá nhân không được tôn trọng đúng phẩm giá của họ thì làm sao có được tương lai của nhân loại mới, có chăng là tương lai của nhà tù!
Một câu truyện mang chất thiền có khả năng diễn tả phong phú hơn những lý luận:
“Một vị vua trồng cạnh lâu đài mình đủ thứ cây và vườn cây của nhà vua có cảnh sắc tuyệt đẹp. Cảnh sắc ấy cũng là nguồn vui và thư giãn cho nhà vua mỗi khi đi dạo. Rồi một ngày kia vua phải đi xa. Khi trở về, ông vội vã ra thăm vườn và hết sức đau lòng khi thấy cỏ cây trơ trụi.
Ông đến gần cây hoa hồng vốn cung cấp những cánh hoa nhan sắc tuyệt vời, hỏi xem có chuyện gì đang xảy ra. Cây hoa hồng tâm sự: “Tôi nhìn thấy cây táo kia và tự nhủ chẳng bao giờ mình sinh sản được những trái ngon như thế, rồi tôi chán nản và khô héo”.
Nhà vua lại đến thăm cây táo đang tàn úa và nghe nó kể lể: “Tôi nhìn cánh hồng kiêu sa đang tỏa hương và tự nhủ sẽ chẳng bao giờ tôi được đẹp đẽ và dễ thương như thế, rồi tôi bắt đầu khô héo”.
Thế rồi nhà vua phát hiện một cánh hoa bé bỏng vẫn tràn đầy sức sống. Khi được hỏi thăm, cánh hoa tâm sự: “Tôi cũng sắp úa tàn vì thấy mình không có vẻ đẹp của đóa hồng, cũng chẳng có trái ngon của cây táo, nhưng rồi tôi tự nhủ: Nếu nhà vua, vốn là người giàu có và quyền lực, không muốn tôi có mặt trong cánh vườn này, thì ông đã bứng tôi đi lâu rồi. Còn nếu nhà vua muốn giữ tôi lại, hẳn là vì ông muốn tôi là tôi chứ không là cái gì khác. Kể từ đó, tôi vui tươi và vươn cao sức sống hết sức có thể”.
2. Tình yêu vô điều kiện
Theo kinh nghiệm tự nhiên, tình yêu nơi con người luôn luôn kèm theo điều kiện nào đó: tôi yêu người này vì họ đẹp, tôi yêu người kia vì họ giàu, tôi yêu người nọ vì họ hợp sở thích với mình. Nghĩa là hàm trong cái gọi là tình yêu, vẫn có bóng dáng của cái tôi ích kỷ, cái tôi xác thịt. Khó có thể hình dung một tình yêu hoàn toàn “vô điều kiện”. Khởi đi từ kinh nghiệm cụ thể đó, khi nói đến tình yêu nơi Thiên Chúa, người ta cũng dễ hình dung một thứ tình yêu “có điều kiện”, cho dù miệng vẫn nói đến từ “tình yêu nhưng không”. Cũng vì thế, nhiều khi người ta đến với Chúa bằng những tính toán y như với người thế gian: Xin Chúa nhớ kỹ, con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con đấy! (x. Lc 18,12).
Đàng khác, phải chăng tự thâm sâu tâm hồn, chúng ta vẫn tin rằng có một tình yêu hoàn toàn vị tha và thanh khiết? Phải chăng vì thế chúng ta trầm trồ thán phục Mẹ Têrêxa Calcutta khi thấy bà yêu thương và phục vụ những con người không đáng yêu chút nào! Phải chăng vì thế mà cả thế giới ngỡ ngàng và khâm phục khi thấy Đức giáo hoàng Phanxicô ôm hôn “người mặt quỷ”?
Trực giác đó hoàn toàn chính xác. Vâng, có một tình yêu như thế. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng tình yêu hoàn toàn “cho không”, vô điều kiện. Ngài không yêu thương tôi và bạn với điều kiện là chúng ta phải thế này, thế khác. Chúng ta cũng chẳng chiếm được tình yêu của Chúa bằng cách này, cách khác. Tình yêu của Chúa là tình yêu của Đấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Một bài tình ca ngày xưa diễn tả rất chính xác: “Tình cho không, biếu không. Bạn không bán, cũng chẳng mua được tình yêu”(L’amour, c’est pour rien. Tu ne peux pas le vendre. Tu ne peux l’acheter). Erich Fromm hoàn toàn có lý khi ông phát biểu, “Tình yêu là một thái độ chung nhất đối với mọi người mọi vật, kể cả với chính mình”.
Thiên Chúa yêu thương mỗi người như họ là, dù có tệ hại đến đâu. Thế nên cảm nghiệm của các nhà thần bí về việc Thiên Chúa yêu thương chúng ta hơn chúng ta yêu thương mình là điều hoàn toàn chính xác. Chính tình yêu đó khơi nguồn cho chúng ta để có thể tập sống tình yêu vô điều kiện trong cuộc đời.
3. Chấp nhận và yêu chính mình
Nhận ra sự độc đáo của mình và khám phá tình yêu vô điều kiện nơi Thiên Chúa, đây là những nền tảng giúp ta chấp nhận và yêu thương chính mình như mình là, bằng một tình yêu vô điều kiện.
Trước hết là yêu chính thân xác hiện có của mình. Xem ra hơi lạ, có ai lại không lo cho thân xác mình được khỏe mạnh và đẹp đẽ đâu, chỉ sợ không đủ điều kiện tài chính thôi! Đúng như thế. Nhưng cũng lại có một thực tế khác là nhiều khi chúng ta không chấp nhận thân xác của mình. Không chấp nhận vì nó già nua, xấu xí, tật nguyền, không đạt chuẩn của các hoa hậu! Có khi không chấp nhận vì lý do xem ra rất đạo đức: thân xác này là nguyên cớ gây ra tội lỗi trong đời, làm tôi xa cách Chúa! Ấy là chưa kể đến quan niệm nhị nguyên âm thầm chi phối đời sống thiêng liêng, với ý nghĩ rằng phải hủy diệt thân xác này đi thì linh hồn mới bay bổng lên với Chúa được!
Thế nên vẫn không phải là thừa khi nói rằng con người là một hữu thể toàn diện xác-hồn, thân xác không phải là cái gì tách biệt với tôi nhưng là chính tôi. Vì thế yêu mình là phải yêu thương chính thân xác của mình, chăm sóc và cư xử tốt với thân xác. Tình yêu ấy đòi hỏi ta quan tâm đến sức khỏe thân xác, ăn uống lành mạnh, tập thể thao, biết nghỉ ngơi. Cũng chính tình yêu ấy không cho phép ta hủy hoại thân xác, không những qua hành động tự sát, mà còn qua những thứ nghiện ngập gây hại cho thân xác.
Về mặt tinh thần, cũng phải chấp nhận và yêu thương chính mình như mình là, cho dù trong quá khứ có những lầm lỗi lớn lao đến đâu. Phải học tha thứ cho chính mình. Đôi khi công việc này còn khó khăn hơn cả việc tha thứ cho người khác, vì ta cảm thấy chán nản và thất vọng về chính bản thân mình: Sao tôi lại có thể làm chuyện tệ hại như thế? Sao tôi lại để cho mình ra nông nỗi này? Chính vì thế khoa tâm lý chiều sâu nói đến việc đón nhận những mảng tối của cuộc đời. Đón nhận không có nghĩa là thỏa hiệp với cái xấu đã làm, nhưng là nhìn nhận sự thật về chính mình, rồi chấp nhận sự thật đó bằng tình yêu chứ không bằng thù ghét hoặc bất mãn với bản thân.
Đón nhận như thế giả thiết sự khiêm tốn đích thực. Humilitas veritas est, Khiêm tốn là sự thật. Khiêm tốn không phải là những cử chỉ nhún nhường bên ngoài để “đắc nhân tâm”, nhưng là nhìn nhận sự thật về chính mình. Chính vì thế, có biết mình và yêu mình đúng nghĩa thì mới có thể sống hòa với chính mình. Niềm bình an nội tâm phát xuất từ đây và khơi nguồn cho đời sống hài hòa với Thiên Chúa và với tha nhân.
Thiên Triệu