Chương XI. PHỤC HƯNG VÀ CẢI CÁCH |
I. Âu Châu thời Phục Hưng |
II. Các nhà cải cách |
III. Châu Âu của các hệ phái Cải Cách |
Chương XII. CUỘC CANH TÂN CÔNG GIÁO |
I. Canh tân Công giáo ở thế kỉ XVI |
II. Sự triển nở tôn giáo ở thế kỉ XVII |
III. Những tranh chấp và khủng hoảng nội bộ |
Chương XIII. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO |
I. Những vấn đề liên hệ đến việc truyền giáo |
II. Công cuộc truyền giáo ở các nơi trên thế giới |
III. Ảnh hưởng của việc truyền giáo đối với Châu Âu |
Chương XIV. GIÁO HỘI TRONG ÁNH SÁNG VÀ THỜI KÌ CÁCH MẠNG PHÁP |
I. Những biến đổi trong giáo hội Công giáo |
II. Những biến đổi trong các Giáo Hội Cải Cách và Chính Thống |
III. Giáo Hội thời cách mạng Pháp |
Chương XV. GIÁO HỘI VÀ CHỦ THUYẾT TỰ DO |
I. Giáo Hội thời trùng hưng |
II. Giáo Hội trước chủ thuyết tự do chính trị |
III. Công Đồng Vatican I |
Chương XVI. GIÁO HỘI GIỮA THẾ GIỚI TÂN TIẾN |
I. Giáo Hội tại các nước Âu Châu cho tới thế chiến I |
II. Từ thế chiến I tới những năm 30 |
Chương XVII. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO TỪ ĐẦU THẾ KỈ XIX ĐẾN NĂM 1940 |
I. Tổng quát về công cuộc truyền giáo ở thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX |
II. Giáo Hội tại các xứ truyền giáo |
III. Công cuộc truyền giáo từ sau thế chiến I |
Chương XVIII. GIÁO HỘI TRƯỚC VẤN ĐỀ XÃ HỘI TRÍ THỨC VÀ ĐẠI KẾT |
I. Giáo Hội trong xã hội kinh tế mới |
II. Giáo Hội và vấn đề tri thức khoa học mới |
III. Giáo Hội và vấn đề đại kết |
Chương XIX. GIÁO HỘI TỪ THẾ CHIẾN II ĐẾN CÔNG ĐỒNG VATICAN II |
I. Người kitô hữu trong thế chiến II |
II. Giáo Hội sau thế chiến thứ II |
Chương XX . GIÁO HỘI THỜI CÔNG ĐỒNG VATICAN II |
I. Công Đồng Vatican II |
II. Tình hình Giáo Hội sau Công Đồng |
Chương XI
PHỤC HƯNG VÀ CẢI CÁCH
Cuối thế kỷ XV có những Quốc gia tân thời xuất hiện, muốn thoát khỏi quyền lực của quá khứ là quyền Giáo Hoàng và hoàng đế, đồng thời một cuộc canh tân văn hóa sâu xa được gọi là phục hưng. Vào đầu thế kỷ XVI có nhiều cuộc cải cách Giáo Hội. Đáng tiếc là các cuộc cải cách đã làm cho Giáo Hội Tây phuơng đổ vỡ, do những người trong cuộc không hiểu nhau và có những cuộc bạo hành với nhau. Cuối thế kỷ XVI, những nét mới của một địa lý tôn giáo được phác họa và còn tồn tại tới ngày nay.
I. ÂU CHÂU THỜI PHỤC HƯNG
1. Các quốc gia mới và các quyền lực cũ :
– Năm 1453 kết thúc cuộc chiến 100 năm. Xác định được ranh giới lãnh thổ nước Pháp và nước Anh.
* Ở Pháp : các ông vua củng cố uy quyền của mình trong mọi lãnh vực kể cả tôn giáo. Vua FranÌ ois I có quyền lực quan trọng trong Giáo Hội Pháp.
* Ở Anh : nước Anh là vương quốc nhỏ nhưng vua Henry VIII đóng vai trò hàng đầu trong Châu âu về chính trị và tôn giáo.
* Ở Tây Ban Nha : sự hiệp nhất của toàn đất nước.
Các vua Công Giáo rất lưu tâm đến lợi ích của Giáo Hội, họ đồng hóa lợi ích với nhà nước.
– Phía Đông Âu : Ba Lan là một nước rộng về lãnh thổ, yếu về định chế chính trị, tiếp tục phát triển bước tiến Kitô giáo La tinh, trước thế giới Chính thống.
– Thánh đế quốc La-Đức : hoàng đế không có quyền hành trên vô số tiểu quốc. Từ năm 1438 hoàng đế liên tục được lựa chon từ dòng họ Habsburg. Đến năm 1519, hoàng đế Carolo Quinto vừa được thừa kế, ông mơ ước thống trị thế giới. Tuy nhiên, ông vấp phải sự đối đầu với vua nước Pháp của Giáo Hoàng.
– Quyền Giáo Hoàng : từ cuộc đại ly giáo Tây phương, quyền Giáo Hoàng mất đi một phần uy tín : là người Ý, Giáo Hoàng xen vào vụ việc của nước Ý là đối tượng tranh dành của nước Pháp và dòng họ Habsburg. Các Giáo Hoàng làm giàu cho gia đình, con cháu. Thẩm chí Giáo Hoàng có thời là phong cách của một tướng lãnh dùng binh khí tân công kẻ thù. Tuy nhiên, trong vai trò là những người bảo trợ văn nghệ, các ngài cũng là những người góp phần quan trọng vào việc canh tân nghệ thuật và văn chương của thời phục hưng.
2. Canh tân văn chương, nghệ thuật và khoa học :
– Thế kỷ XVI nhận thấy một sự đổi mới kì diệu về văn hóa được thực hiện trong một vài thập niên. Năm 1456 nghành in được phát minh do Gutenberg, tạo ra một cuộc cải cách trong việc truyền bá tư tưởng. Vì thế, nhiều tác phẩm trước đây dành cho một số ưu đãi nay được phổ biến. Người ta in nhiều tác phẩm đời của thời cổ, các sách tôn giáo : sách của các giáo phụ, Kinh Thánh và sách đạo đức…
–Thời phục hưng : nổi bật là các nhà nhân bản. Nếu dựa vào tác phẩm ông hoàng thì phần đông vẫn là những người Kitô hữu muốn dùng công trình của mình để cải thiện Giáo Hội và các tín hữu. Trong đó có Thomas More, thủ tướng Anh, là nhà nhân bản Kitô giáo dễ mến nhất. Nhưng chính Erasmo mới là thủ lãnh của các nhà nhân bản. Ông ấn hành một số tác giả cổ thời, nhất là các giáo phụ. Ông viết các đề tài khác nhau, trong đó ông đả kích hàng giáo sĩ về trình độ học vấn dốt nát. Erasmo chủ định tái sinh con người bằng cách thanh tẩy tôn giáo và rửa tội cho văn hóa. Về chính trị Erasmo muốn xây dựng một chính trị dựa trên Phúc Âm. Ông đã gây ảnh hưởng lớn đối với tất cả những ai muốn có một cuộc cải cách Giáo Hội trong hòa bình, nhưng cuộc cải cách có tính bạo động thắng thế.
3. Tình hình Giáo Hội :
– Cuối thế kỷ XV, người ta dựa vào Khải huyền loan báo ngày tận thế sắp đến. Vì thế người Kitô hữu lo lắng phần rỗi của mình, nên đã nhiều người chạy đến với phù thủy, Giáo Hội lùng bắt các phù thủy trong hai thế kỷ có tới trăm ngàn bị thiêu trên giàn. Dân chúng tìm cách giải tỏa bằng việc tôn kính Đức Mẹ, bằng việc hành hương, kiếm ân xá. Chính Giáo Hội lại không làm cho người ta tin tưởng. Nhiều linh mục không đáp ứng chờ mong của các tín hữu, vì dốt nát. Nhiều Giám mục chỉ quan tâm đến lợi tức, nên kiêm nhiều Tòa Giám mục. Thẩm chí người ta không tin cả Đức Giáo Hoàng, bởi vì Giáo Hội luôn cần tiền để xây cất, để tổ chức các cuộc lễ… Vì thế, các Đức Giáo Hoàng ban phép chuẩn về cư sở cho phép kiêm nhiễm, bán ân xá… Chính vì thế, Erasmo mỉa mai những lạm dụng trong Giáo Hội. Savonarola lớn tiếng tố giác những thói hư của Đức Giáo Hoàng Alex.VI, vì bắt dân Freze sống khắc khổ như đan sĩ.
Vì vậy, thời Giáo Hoàng Giulio II, triệu tập Công Đồng Laterano I. Công Đồng than phiền về những lạm dụng và đề ra cải cách nhưng không tiếp nối. Cũng vào năm bế mạc Công Đồng, Luther cho dán ở Wittenberg, 95 luận đề chống lại bán ân xá.
II. CÁC NHÀ CẢI CÁCH
“Cải cách” đã trở nên đồng nghĩa với đoạn giao trong Giáo Hội Tây phương. Bởi vì người ta thấy trong Giáo Hội có nhiều lạm dụng, nên nhiều người đã rời bỏ Giáo Hội. Trong đó chúng ta thấy có hai nhân vật cải cách lớn đã rời bỏ Giáo Hội : Luther và Calvin.
1. Luther và cuộc cải cách ở Đức
Cuộc cải cách bắt đầu ngày 31-10-1517, nhưng thực ra tiến trình lâu trước đó.
Luther người Đức, sinh 1483. Vào dòng Augustino năm 1505, sống đời đan sĩ và làm linh mục. Trong vụ việc bán ân xá của các tu sĩ Đa minh, thì đây là dịp để Luther công bố khám phá của mình. Hành động này vừa là lời phê phán Giáo Hội, vừa là lời mời gọi tranh luận với các giáo sư đại học. Những luận đề dán ở Wittenberg vang dội trong cả nước Đức và khắp Châu âu. Tháng 6.1520 tông chiếu Exsurge kết án 41 luận đề của ông và đề nghị ông rút lại luận đề đó, nhưng ông công khai đốt tông chiếu này. Năm 1521, ông bị vạ tuyệt thông.
– Đối với Luther không ý thức lập một Giáo Hội mới, ông cho rằng Giáo Hội sẽ tự canh tân khi trở về với Phúc Âm.
– Theo Luther : ý thức mình tự bản chất là một tội nhân, mà con người khám phá trong Kinh Thánh thấy rằng, ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa, do lòng tin. Thiên Chúa làm mọi sự và con người không làm gì cả. Luther chối tất cả truyền thống, chống lại sự tối thượng của Kinh Thánh và tin : chẳng hạn việc tôn kính các thánh, ân xá, khấn dòng, các bí tích không được chứng thực trong Phúc Âm. Ông chỉ nhận chức tư tế phổ quát của các tín hữu.
Trong thực tế, chỉ duy trì hai bí tích, đó là bí tích Rửa tội và Thánh Thể ; nhưng phủ nhận tính chất hy tế của tiệc Thánh Thể, song lại nhận sự hiện diện thực sự của Đức Kitô. Ông phủ nhận quyền của Giáo Hội. Giáo Hội của ông là Giáo Hội quốc gia tùy theo mỗi nước.
2. Calvin
– Với cuộc cải cách ở Pháp và Thủy sĩ. Calvin là một giáo dân ở nước Pháp, giáo lý của Calvin tương tự giáo lý của Luther, nhưng có hệ thống hơn, có nét nhấn mạnh hơn. Calvin đặt nặng vai trò Kinh Thánh và Đức tin, rất nhấn mạnh đến sự hư hoại của con người sau tội nguyên tội. Calvin vừa nói đến Giáo Hội hữu hình, vừa nói đến Giáo Hội vô hình. Theo ông có bốn loại thừa tác trong Giáo Hội : mục tử, tiến sĩ, niên trưởng và phó tế.
Năm 1559, Theodore de Bère lập Hàn Lâm Viện ở Genève, góp phần làm lan tỏa các cuộc cải cách của Calvin. Như vậy, Calvin đã ghi dấu ấn uy quyền và tính phổ quát cuộc cải cách.
– Ngoài hai nhân vật nói trên, cũng vào thời kỳ này còn có cuộc cải cách khác : Bucer, Cecolampade, Zwingli, tất cả đều là linh mục. Riêng cuộc cải cách của nhân vật cuối ảnh hưởng ở Berne và trên toàn Thủy sĩ. Nói chung, tất cả đều đồng quan điểm với Luther về Đức tin và Kinh Thánh, nhưng bất đồng với nhau về Thánh Thể.
III. CHÂU ÂU CỦA CÁC HỆ PHÁI CẢI CÁCH
1. Đức và Bắc âu
– Hoàng đế Corolo Quinto vẫn nuôi hy vọng tái hiệp nhất tôn giáo trong đế quốc. Ông liên tiếp triệu tập hội nghị, giàn xếp, dùng vũ lực… Năm 1526, hội nghị Speyer cho các ông hoàng tự do cải cách. Năm 1529, hội nghị lần thứ hai rút lại nhượng bộ này. Do đó các ông hoàng phe cải cách phản đối. Vì thế, hai bên nhất quyết không đồng quan điểm với nhau, không đem lại bình an và hiệp nhất tôn giáo. Cuối cùng đi đến miền nào đạo nấy. Đạo do các ông hoàng tự do lựa chọn và các thần dân dưới quyền ông phải theo, hoặc phải bỏ đi nơi khác.
– Trên vùng Scandinavi, các ông vua chọn giáo phái Luther. Dân chúng phần đông vẫn duy trì tập tục cũ.
2. Quần đảo Anh
– Nguồn gốc cuộc tranh chấp giừa vương quốc Anh và Rôma là do hôn nhân của vua Henry VIII, ông xin Rôma hủy bỏ cuộc hôn nhân với Catharina d’Aragon, nhưng bị từ chối nên ông đã buộc hàng giáo sĩ Anh thực hiện việc hủy bỏ này và tự coi mình là thủ lãnh Giáo Hội Anh.
Năm 1553, Mari Tudor trở thành nữ hoàng, tái lập Công Giáo trên toàn quốc.
Năm 1558, Elizabeth I lên ngôi nữ hoàng vĩnh viễn thiết lập Giáo Hội Anh. Đây là một Giáo Hội pha trộn, với thần học thì gần với giáo thuyết Calvin nhưng hình thức vẫn duy trì theo Công Giáo.
– Nước Scotland theo giáo phái Calvin. Giáo Hội cải cách ở đây có qui chế chính thức năm 1560. Người tổ chức là Gioan Knox
– Ở Ailen : cương quyết từ chối những gì mà nước Anh áp đặt.
3. Pháp và Hòa lan
– Lúc đầu các vua Pháp trung thành với Giáo Hội Rôma, do đó ngày càng đàn áp dữ dội các người theo lạc giáo. Tuy nhiên, các Giáo Hội cải cách vẫn thiết lập trong nhiều thành phố. Vì vậy, các vua Pháp đã tàn sát rất mạnh, nên đã gây cuộc chiến tranh tôn giáo từ năm 1562-1598. Năm 1598, vua Henri IV ban hành sắc chỉ Nentes, đưa nước Pháp trở lại hòa bình. Vì thế, mọi người được tự do lương tâm, tự do tôn giáo, nhưng với một số hạn chế.
– Ở Hòa Lan : nước này do vua Tây Ban Nha là Philiphe cai trị. Năm 1561 giáo phái Calvin tràn vào, nhưng bị chính quyền đàn áp đẫm máu. Tuy nhiên, ở các tỉnh phía bắc các người theo cải cách, thiết lập quốc giáo tự do lấy giáo thuyết Calvin làm quốc giáo.
Kết : Như vậy Kitô giới Âu châu trước đây đã bị phân chia thành nhiều Giáo Hội đối nghịch với Rôma : các Giáo Hội theo giáo phái Luther hay Giáo Hội Phúc Âm ; các Giáo Hội theo giáo phái Calvin hay là Giáo Hội cải cách. Giáo Hội Rôma bị tổn thương trầm trọng, sẽ phản ứng chủ yếu bằng cách canh tân mình, nhưng cũng có một số ông hoàng Công Giáo dùng vũ lực, để tái chiến những phần đất bị mất. Đôi khi người ta gọi những việc này là chống cải cách.
Chương XII
CUỘC CANH TÂN CÔNG GIÁO
(Thế kỉ XVI-XVII)
Song song với phong trào Tin lành, trong Giáo Hội có một cuộc canh tân sâu xa về mọi mặt. Trước hết, đó là do sáng kiến của các tu sĩ, và đôi khi của các Giám mục. Sau đó, các Giáo Hoàng dù nhiều khó khăn, đã triệu tập Công Đồng chung Trento 1545. Công Đồng kéo dài đến 18 năm, qua nhiều thời kỳ gián đoạn, và được áp dụng chậm chạp. Thế nhưng, Công Đồng đã đưa vào Giáo Hội những đường hướng vững chắc, mặc dầu có nhiều khủng hoảng và xung đột.
I. CANH TÂN CÔNG GIÁO Ở THẾ KỶ XVI
1. Về phía Dân Chúa
Lòng đạo đức và ưu tư tôn giáo đã khiến các nhà cải cách tách khỏi Rôma, thì chúng cũng đã khơi nguồn cho nhiều nỗ lực cải tổ trong lòng Giáo Hội Rôma. Từ dòng Phan sinh phát xuất một ngành mới là Capucins (1562). Hội gồm các giáo dân và linh mục. Các thành viên của hội này cùng nhau cầu nguyện, săn sóc người nghèo và bệnh nhân. Có cả các Giám mục cũng tham gia. Sau đó, một thành viên của hội lập môt hội gồm các linh mục liên kết việc tông đồ hàng ngày với sự điều hòa đời sống tu trì : hoạt động mục vụ với kỷ luật đời tu. Đây là khởi điểm của các giáo sĩ dòng, trong đó nổi bật nhất là Dòng Tên, do Ignatio Loyola (1491-1556) lập, có thêm lời khấn thứ tư là vâng phục Đức Giáo Hoàng.
2. Về phía Giáo quyền
Công Đồng Trento (1545-1563). Dù có nhiều đòi hỏi phải có một Công Đồng chung, trong một thời gian lâu, các Đức Giáo Hoàng vẫn do dự không triệu tập. Có nhiều lí do khách quan cũng như chủ quan : chiến tranh liên miên giữa các hoàng đế và vua Pháp. Phải đợi đến Đức Phaolô III mới có quyết định triệu tập Công Đồng.
Lúc khai mạc chỉ có 34 nghị phụ trong tổng số 500 Giám mục trên thế giới. Số nghị phụ tăng dần tới tối đa là 237 trong những khóa họp cuối cùng. Cũng có vài đại biểu của Thệ phản tới dự. Chủ tọa Công Đồng là đặc sứ của Giáo Hoàng.
Công Đồng xác định nhiều điểm Tín lý : sự công chính hóa, sự cộng tác giữa Thiên Chúa và con người trong việc cứu độ. Công Đồng cũng quyết định nhiều điểm về kỷ luật, trong đó có khoản về việc thiết lập chủng viện.
Sau Công Đồng, Đức Piô IV truyền ấn hành chính thức các văn kiện và thiết lập một ủy vụ thi hành. Đức Piô V (1566-1572) liên tiếp cho ấn hành sách giáo lý Rôma, sách nguyện Rôma, sách lễ Rôma… Đức Gregorio XIII (1572-1583) cải cách niên lịch (bỏ 10 ngày, 4-15/10 của năm 1582 cho trùng với mùa thời tiết) Đức Sixto Quinto (1585-1590) tổ chức giáo triều 15 thánh bộ, đưa con số Hồng Y lên tới 70 vị. Đức Phaolo V (1605-1621) cho ấn hành sách nghi thức Rôma.
3. Canh tân Công Giáo
và chống cải cách sau Công Đồng
Trong thời kỳ này có hai nhân vật góp phần rất lớn vào việc canh tân theo ý hướng Công Đồng : Phêrô Canisio và Carolo Borromeo. Canisio (1521-1597) là một tu sĩ dòng Tên, người Hòa Lan, đi khắp Âu châu, đặc biệt trong nước Đức để thực hiện canh tân Công Giáo. Còn Borromeo (1538-1584) là Giám mục Milano. Ngài sống khắc khổ, triệu tập Công Đồng giáo tỉnh, lập trường học và chủng viện. Các văn thư của Ngài phổ biến trong khắp Âu châu Công Giáo.
Trong thời kỳ này, linh đạo và dòng tu phát triển. Téréxa Avila (1515-1582) lập tu viện Cát minh canh tân đầu tiên ở Avila (1562), và đi khắp Tây Ban Nha để cải tổ tu viện Cát minh nam nữ khác, với sự trợ giúp đắc lực của Gioan thánh giá (1542-1591).
Ở Ý, Philiphe Neri (1515-1585) qui tụ giáo dân và linh mục để cầu cầu nguyện, ca hát, diễn giảng Thánh Kinh, học lịch sử Giáo Hội, phục vụ bệnh nhân… Đó là tu hội Diễn giảng.
Khắp nơi các dòng tu phát triển mạnh mẽ. Dòng Tên đạt tới 10 ngàn tu sĩ năm 1600, và 15 ngàn năm 1650. Dòng Capucin là 20 ngàn đầu thế kỷ XVII. Nói chung, sau Công Đồng Trento, Giáo Hội Công Giáo được ổn định, được tổ chức qui củ, tập trung quanh vị thủ lãnh là Giáo Hoàng.
II. SỰ TRIỂN NỞ TÔN GIÁO Ở THẾ KỶ XVII
1. Tôn giáo và chính trị
Các vua Công Giáo cũng như Thệ phản đều muốn coi mình là chủ của mọi định chế, kể cả Giáo Hội. Tôn giáo phải phục vụ lợi ích của họ. Họ không nhượng bộ dù phải chấp nhận những nghịch lý : ví dụ : nước Pháp liên minh với các ông hoàng Thệ phản và cả Thổ Nhĩ Kỳ, khi chống lại hoàng đế Đức và vua Tây Ban Nha là những người bảo vệ Công Giáo.
2. Những Giám mục và linh mục mới
– Thánh Phanxico Sale (1567-1622), Giám mục Genève và Annécy. Đặc điểm của ngài là lạc quan, giảng thuyết đơn sơ và dựa vào Phúc Âm. Hai tác phẩm của ngài là : “dẫn vào đời sống đạo đức” (1608) và “khảo luận về tình yêu Thiên Chúa” (1616) rất có ảnh hưởng về linh đạo giáo dân, tu sĩ, linh mục.
– Trường phái linh đạo Pháp : Phêrô de Brulle (1575-1629), du nhập dòng Cát minh canh tân vào nước Pháp, lập hội các linh mục tức hội Diễn giảng (1611), để tôn kính chức linh mục của Chúa Giêsu và phục hưng bậc sống của các linh mục. Tất cả lo truyền bá Phúc Âm trong dân chúng và quan tâm tới việc đào tạo các linh mục. Gioan Eudes (1601-1680), lập hội dòng và phát triển việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. Gioan Giacobe Olier (1608-1657) lập hội linh mục Xuân bích, nhằm đào tạo hàng giáo sĩ. Vincente Phaolo (1581-1660), lập hội dòng truyền giáo (Lazaristes), nhắm tới việc rao giảng Tin Mừng cho dân quê. Ngài cũng lập hội Nữ tử bãc ái (1633), phục vụ người nghèo.
Thời ấy, Giáo Hội chưa đặt ra một điều kiện nào để làm linh mục. Những chủng viện đích danh chỉ xuất hiện vào giữa thế kỷ và phải cuối thế kỷ mới được thiết lập trong mỗi giáo phận. Các Giám mục giao trách nhiệm điều hành chủng viện cho các linh mục thuộc hội Diễn giảng, Xuân bích… Thời gian ở chủng viện thay đổi từ vài tháng tới một năm (cuối thế kỷ XVII) rồi hai năm (thế kỷ XVIII).
3. Sự biến đổi trong đời sống dân Chúa
Cuộc cải cách của Thệ phản cũng như cuộc canh tân của Công Đồng Trento là khởi điểm của một cuộc Phúc Âm hóa mọi tín hữu theo chiều sâu.
Trong các giáo xứ, cha xứ cố làm cho giáo dân thực hành đều đặn một số việc : cho Rửa tội 3 ngày sau khi sinh, Thêm sức khi Giám mục đến, rước lễ mùa Phục sinh. Việc dự lễ Chúa nhật cũng nhiệm nhặt hơn. Biểu lộ lòng tôn sùng Thánh Thể bằng việc rước lễ, đặc biệt là kiệu Thánh Thể trong ngày lễ Thánh Thể. Cha xứ củng cố đức tin cho giáo dân bằng việc dạy giáo lý. Cũng có nhiều nhà hảo tâm mở trường học miễn phí trong các giáo xứ.
III. NHỮNG TRANH CHẤP
VÀ KHỦNG HOẢNG NỘI BỘ
Công Đồng Trento đã không giải quyết mọi vấn đề thần học do cuộc cải cách nêu ra. Những cuộc tranh cãi còn kéo dài. Truyền thống Kinh Thánh bắt đầu va chạm với những tìm tòi và khám phá khoa học đầu tiên
1. Cuộc va chạm đầu tiên giữa khoa học
và truyền thống Thánh Kinh
Môt tu sĩ Ba Lan là Kopernik đã khám phá ra rằng, không phải mặt trời quay xung quanh trái đất, nhưng là trái đất quay xung quanh mặt trời và quanh mình nó (1543). Nửa thế kỷ sau, lý thuyết này gây xáo động ở Rôma khi nó được Bruno, rồi Galilei lặp lại. Theo các nhà thần học Công Giáo cũng như Thệ phản, hệ thông Kopernik đi ngược lại những xác quyết của Thánh Kinh (Hc 1,4 ; Yos 10,12-13). Thực ra, từ lý thuyết của Kopernik, Bruno đã rút ra những kết luận xa rời Kitô giáo, và ông đã bỏ những lời khấn dòng. Vụ án kéo dài 7 năm, và kết thúc bằng việc Bruno bị thiêu sống ở Rôma năm 1600. Đến lượt Galilei cho rằng trong Thánh Kinh : “ý định của Chúa Thánh Thần không nhằm cho ta bầu trời xoay chuyển thế nào, nhưng là người ta lên trời thế nào”. Ông bị giam lỏng năm 1633. Đây là bước đầu hiểu lầm giữa Giáo Hội và khoa học.
2. Giáo thuyết Giansenio
Giáo thuyết này bắt nguồn từ cuộc tranh luận thời cải cách : đâu là vai trò ân sủng và tự do trong việc cứu rỗi con người ? Truyền thống Augustin nhấn mạnh ân sủng và sự tiền định, làm phương hại đến tự do của con người. Những luận đề của Baio, nhà thần học ở Louvain, đi theo hướng này và bị kết án (1567). Ngược lại, các cha Dòng Tên nhấn mạnh về tự do (tuy không phủ nhận ân sủng).
Dựa vào Augustino, Giansenio đưa ra một quan niệm thật bi quan về bản tính của con người bị tội nguyên tội làm cho hư hoại. Rôma kết án 5 luận đề rút ra từ cuốn Augustinus. Cuộc tranh cãi còn tiếp tục giữa phe Giansenio và phe Dòng Tên. Nhiều người theo phe Giansenio bị cầm tù. Giáo Hoàng kết án 101 luận đề rút ra từ cuốn sách của Quesnel (1713). Phe Giansenio còn tiếp tục chống đối trong thế kỷ XVIII.
Chương XIII
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
(Thế kỉ XV-XVIII)
I. NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN HỆ ĐẾN VIỆC TRUYỀN GIÁO
1. Điều kiện và động cơ
– Công cuộc Truyền giáo cho toàn thế giới gắn liền với những khám phá lớn, nên tùy thuộc rất nhiều vào những điều kiện vật chất, thương mại và chính trị của các cuộc chinh phục xa xôi. Mặt khác, do phương tiện và thời tiết, các cuộc hải hành vẫn chậm và đầy nguy hiểm gây ra những hệ quả quan trọng cho công tác Truyền giáo.
– Công cuộc Truyền giáo dĩ nhiên có mục tiêu rao giảng Tin Mừng, nhưng không thể không lưu ý tới nhiều động cơ khác, đặc biệt nơi những người khám phá : nào là đi tìm những nguồn vàng, để có thể buôn bán ; nào là đi tìm những gia vị rẻ hơn (hồ tiêu), đất đai trồng trọt và nô lệ. Tất cả những động cơ trên đây đan chéo vào nhau. Người khám phá, kẻ chinh phục, nhà Truyền giáo có những hành xử mà ngày nay chúng ta coi là dường như nghịch lý và gây gương mù : họ vừa cắm Thánh giá, vừa tàn sát người da đỏ.
2. Tổ chức Truyền giáo
– Chế độ bảo trợ : trong thế kỷ XV, Tòa thánh cho các vua Bồ được quyền tài phán cả trong việc trần thế lẫn trong việc thiêng liêng ở những vùng đất mà họ chiếm được hay khám phá ra. Việc ông Christopho Colombo khám phá Châu mỹ (1492) gây ra căng thẳng giữa hai cuốc gia hùng mạnh trên bán đảo Iberic. Đức Giáo Hoàng Alex. VI phải đứng ra làm trọng tài. Ngài chia : Tây thuộc Tây Ban Nha, Đông thuộc Bồ Đào Nha. Trong lãnh thổ thuộc quyền mình, hai vua có trách nhiệm tổ chức Giáo Hội : phân định ranh giới giáo phận, bộ nhiệm Giám mục. Tất cả những ban nhượng này tạo nên cái gọi là chế độ bảo trợ. Chế độ này gây ra nhiều bất tiện nặng nề. Việc Truyền giáo lệ thuộc vào những thăng trầm của chính trị và công cuộc thực dân.
– Thánh bộ Truyền giáo : những khó khăn trên thúc đẩy Tòa thánh nắm giữ việc điều khiển công cuộc Truyền giáo bằng cách lập Thánh bộ Truyền giáo. Tòa thánh không xét lại quyền bảo trợ, do đó những cuộc đụng đổ tranh chấp ngày càng gia tăng.
– Nhân sự Truyền giáo : những vị thừa sai đầu tiên nơi các thế giới mới, tiên vàn là những thành viên của các dòng tu, nhất là Dòng Phan sinh và Đa minh, cùng với Phanxicô Xavie (1540), các tu sĩ Dòng Tên bắt đầu đi Truyền giáo. Hội thừa sai Paris (1663) gồm những linh mục chỉ phục vụ cho công cuộc Truyền giáo và công cuộc thực dân.
II. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
Ở CÁC NƠI TRÊN THẾ GIỚI
1. Châu Phi
Sau khi đánh chiếm Ceuta của người Hồi giáo, Bồ Đào Nha tiếp tục bành trướng dọc theo bờ biển Phi châu cho tới mũi Hảo vọng và tới Mozambique. Việc bành trướng này cũng là nguồn gốc cho công cuộc Truyền giáo ở Phi châu. Ở vương quốc Công gô, nhà vua được Rửa tội, một Giáo Hội Công gô nẩy nở. Con ông là người da đen đầu tiên được làm Giám mục. Nói chung, sự thông đồng giữa công cuộc thực dân được mua bán nô lệ và việc Truyền giáo đã hoàn toàn làm méo mó việc rao giảng Phúc Âm.
2. Châu Mĩ
Chính quyền Tây Ban Nha đã thi hành nghiêm túc nhiệm vụ của một người tổ chức Giáo Hội. Từ 1511-1620, lập được 34 Tòa Giám mục. Công cuộc Truyền giáo đầu tiên thường bằng cách bày tỏ đức tin và bằng cả vũ lực nữa : dựng Thánh giá, lễ nghi lộng lẫy, phá hủy ngẫu tượng. Các thừa sai học tiếng bản xứ, soạn sách giáo lý và giảng bằng tiếng bản xứ.
Ở vùng Paragay, Uragay và Braxin, các cha dòng Tên lập những khu chiêu dân, qui tụ các bộ lạc du mục sống tập trung, lập thành những làng Công Giáo, tránh sự bóc lột của dân. Có tới 30 khu chiêu dân với số người 150 000. Các cha tổ chức đời sống cộng đồng dựa trên nền tảng Kitô giáo, trong đó mọi sự là của chung.
3. Châu Á : Ấn Độ – Nhật Bản
– Ấn Độ : Phanxico Xavie Truyền giáo ở Ấn Độ một thời gian, Rửa tội hàng ngàn người. Nhưng vị thừa sai nổi tiếng nhất ở Ấn là cha Nobili thuộc Dòng tên. Ngài học tiếng bản xứ, sống theo lối các Tu sĩ Ấn giáo, chủ trương để các người trở lại được duy trì tập quán của giai cấp mình. Nhiều thừa sai chống lại phương pháp của Nobili, tố giác tới Rôma. Nhưng Giáo Hoàng nhận một vài kiểu thích nghi của Ngài. Có những thừa sai khác hòa mình vào những giai cấp thấp nhất, sống như họ và để phục vụ họ.
– Nhật bản : trong bước đầu Truyền giáo ở Nhật, không thể không nói đến Phanxicô Xavie. Theo Ngài, ở Nhật rất phức tạp, phải xem xét lại phương pháp Truyền giáo. Muốn hoán cải dân, ngài phải học tiếng nói, biết triết học Nhật rập theo những tập quán địa phương. Phanxicô Xavie được coi là mẫu thừa sai của thời đại mới. Dân trở lại đông : số tín hữu lên tới 300 ngàn, phần lớn ở đảo Cửu châu, cũng như người vùng quanh Kyoto và Tokyo. Về sau các tu sĩ dòng tên cũng theo đường lối của ngài.
4. Trung Quốc – Việt Nam – Triều Tiên
– Trung Quốc : Việc Truyền giáo rất khó khăn vì dân quá sùng đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật, phải được kể là cha Mateo Ricci có công nhất, ngài sống như một nhà sư Phật giáo. Ngài chấp nhận y phục và lối sống của giới Nho sĩ. Ngài lao vào một Tông đồ vũ tri thức, phổ biến các khoa học Tây phương. Ngài trình bày giáo lý Công Giáo trong một tác phẩm bằng tiếng Hoa.
– Việt Nam : các cha dòng tên là những người Truyền giáo đầu tiên. Các ngài có công lớn, hình thành chữ Quốc ngữ mà công lớn nhất là cha Đắc lộ. Theo cha Đắc lộ, điều cơ bản của việc Truyền giáo là biết tiếng địa phương, đào tạo các Thầy giảng, sử dụng văn hóa Việt Nam, hiểu biết tập quán phong tục. Sau các cha dòng tên là các cha thuộc dòng Phan sinh và Đa minh, rồi tiếp là Hội thừa sai Paris, hoạt động theo phương pháp của các cha dòng Tên, kết quả rất khả quan.
– Triều Tiên : vào thế kỷ XVII và XVIII, giới trí thức khám phá ra Kitô giáo trong những sách vở từ Trung Quốc truyền vào. Năm 1784, một nho sĩ trẻ đến Trung Quốc được Rửa tội. Khi trở về Triều Tiên ông Truyền đạo : Rửa tội, giải tội, Thánh lễ. Sau đó, ông xin Trung Quốc gửi đến một linh mục.
III. ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO
ĐỐI VỚI CHÂU ÂU
1. Truyền giáo và dư luận ở Châu Âu
Từ thế kỷ XV đến XVIII, văn chương Truyền giáo thành công lớn giữa các tác phẩm khác. Nhiều tác phẩm viết về Nhật bản và Trung Quốc được xuất bản. Nhiều tập san, ký sự và thư cũng được phổ biến. Một số tác phẩm này, đặc biệt những tác phẩm của các tu sĩ dòng Tên ở Trung Quốc rất có giá trị khoa học, và góp phần mở rộng địa lý của các người Âu châu. Họ được biết có những văn minh rất cổ, một số rất tinh tế, khác hẳn với những văn minh Châu âu. Châu âu và Trung Quốc bù đắp cho nhau để làm hoàn hảo tất cả những gì có ở hai bên.
2. Cơn khủng hoảng lớn của việc Truyền giáo
Những cuộc tranh chấp về quyền tài thẩm ngày càng tăng giữa các Giám mục do Lisboa bổ nhiệm và các đại diện Tông tòa do Thánh bộ Truyền giáo sai đi. Nhưng nghiêm trọng hơn chính là cuộc tranh cãi về lễ nghi, vì nó cáo giác những phương pháp Truyền giáo và thái độ Kitô giáo trước các văn hóa. Chia rẽ nhiều mặt :
– Ngôn ngữ
– Phụng vụ
– Các tập quán truyền thống.
Cuối cùng Tòa thánh cấm dòng Tên và bãi bỏ dòng năm 1773. Nhưng một điều đáng ghi nhận là Giáo Hội đã có mặt trên toàn thế giới.
Chương XIV
GIÁO HỘI TRONG ÁNH SÁNG
VÀ THỜI KỲCÁCH MẠNG PHÁP
Từ cuối thế kỷ XVIII, nhiều người tỏ ra thái độ mới đối với tôn giáo, nhưng đồng thời cung cách sống đạo của thế kỷ XVII còn được duy trì ở thế kỷ XVIII. Tuy vậy, từ giữa thế kỷ này, người ta thấy có những dấu hiệu giảm sút trong Giáo Hội. Có thể cắt nghĩa dấu hiệu này là do sự xuất hiện của Ánh sáng. Và thời kỳ cách mạng Pháp được coi như cuộc chiến thắng của triết học Ánh sáng và của những người thù nghịch với Giáo Hội, nhưng chính sự bền bỉ của một đức tin được tôi luyện qua thử thách buộc chính quyền phải trả lại cho Giáo Hội địa vị của nó trong xã hội.
I. NHỮNG BIẾN ĐỔI TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
1. Tình hình Giáo Hội
* Thế kỷ XVIII tập trung canh tân : đào tạo hàng giáo sĩ, thanh tẩy những việc đạo đức, phát triển truyền giáo nội địa, chuyên cần thực hành đạo…
* Chống chủ thuyết Giansêniô : đâu là vai trò ân sủng và tự do trong việc cứu rỗi con người ? Chủ thuyết này đã gây ra rất nhiều cuộc tranh luận ; một số Giám mục Pháp đã không chấp nhận, đồng thời kết án và kêu gọi triệu tập một Công Đồng chung. Nhóm này (Giansêniô) tuy ít nhưng rất năng nổ, về sau đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo lấy tên : Giáo Hội của những người Công Giáo cựu trào.
* Lòng đạo Pháp (thế kỷ XVIII) tỏ ra nguội lạnh và giảm sút ; Giám mục, linh mục tuy nhiều nhưng thường xuyên bỏ nhiệm sở, nhà dòng bị bãi bỏ…
2. Triết học Ánh sáng tấn công Kitô giáo
Thế kỷ XVIII nổi bật lên những khuôn mặt như : Voltair, Diderot, d’Alembert… Chủ trương triết học này ở Pháp. Họ thường lưu ý tới khía cạnh chống Kitô giáo ; phần đông, họ nghĩ phải có một tôn giáo quần chúng, phù hợp với lý trí, loại trừ mọi mặc khải. Theo họ, các tín điều đi ngược với lý trí và tự nhiên, nên phải chiến đấu tiêu diệt Giáo Hội và Kitô giáo.
3. Giáo Hội trước trào lưu Ánh sáng
Để bảo vệ mình, Giáo Hội cố gắng chống lại các địch thủ bằng những phương tiện truyền thông : kiểm duyệt sách xấu, xin chính quyền can thiệp, viết những tác phẩm Kitô giáo…
II. NHỮNG BIẾN ĐỔI
TRONG CÁC GIÁO HỘI CẢI CÁCH VÀ CHÍNH THỐNG
Trong các Giáo Hội Cải cách, thần học chịu ảnh hưởng của các trào lưu ánh sáng thường đi từ con đường chủ thuyết duy lý và sự tục hóa về văn hóa.
1. Giáo thuyết mộ đạo ở Đức
Giáo thuyết này luôn đề cao giá trị của lòng đạo theo tình cảm và trả lại địa vị cho các việc làm. Phong trào mộ đạo này chi phối phần lớn nước Đức ở thế kỷ XVIII.
2. Những giáo phái phát sinh từ Anh giáo
Những tên tuổi như Fox : ông thường rao giảng về giáo lý Ánh sáng nội tâm, chính Ánh sáng này làm cho các tín điều và cơ cấu Giáo Hội trở thành thứ yếu. Hơn nữa, ông luôn kêu gọi các tín hữu run sợ trước Thiên Chúa và qui tụ thành Hội những người bạn của Thiên Chúa.
Nhưng ở đây, Wesley mới là người đã làm đảo lộn Anh giáo một cách sâu xa. Cùng với em trai, ông qui tụ sinh viên Đại học Oxford thành câu lạc bộ sống thánh, trong đó người ta đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, làm việc bác ái… Họ sống rất chặt chẽ và nghiêm nhặt. Nói chung, Wesley muốn nhấn mạnh vào việc hoán cải và thánh hóa thường xuyên.
3. Các Giáo Hội Đông phương
Các Giáo Hội này lệ thuộc vào chính quyền ; vì tất cả quyền lực của Giáo Hội là do chính quyền nắm giữ : Nga hoàng chỉ định các vị đại diện lãnh đạo Giáo Hội…
III. GIÁO HỘI THỜI CÁCH MẠNG PHÁP
1. Tổ chức lại Giáo Hội Pháp
Để giải quyết những khủng hoảng về tài chính và chính trị. Pháp hoàng triệu tập Quốc dân đại hội, gồm những đại biểu thuộc ba thành phần : giáo sĩ, qúi tộc và thứ dân. Giáo sĩ phần đông là cha xứ, thuộc phe với các đại biểu thứ dân, để lập Quốc hội lập hiến. Do đó, mà có bản Dân hiến giáo sĩ. Năm 1791, Giáo Hoàng Piô VI đã kết án bản Dân hiến và những nguyên tắc mà các nhà làm luật dựa vào.
2. Con đường gian nan của Giáo Hội Pháp
Trong vòng 10 năm thì Giáo Hội Pháp bị xáo trộn cách xâu xa. Những khó khăn bên trong cũng như bên ngoài càng làm gia tăng những biện pháp không chỉ chống những người không thể, nhưng là chống mọi hình thức của đời sống tôn giáo : nhiều giáo sĩ bị giết, và việc khai sinh – tử, hôn nhân trước đây giáo sĩ nắm, nay trao cho dân sự ; chính quyền cho phép ly dị… Hơn nữa, thái độ thù ghét đạo, muốn triệt hạ đạo lên tới tột đỉnh vào thời kỳ khủng bố : phá hủy cơ sở tôn giáo, hội hè trong nhà thờ, tôn thờ thần lý trí…
Khi hạ bệ Robespierre (1794) mới chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, đánh dấu bước đầu giai đoạn tạm ổn cho Giáo Hội. Quốc ước hội hủy bỏ ngân sách cho việc phượng tự và công nhận quyền tự do làm việc phượng tự trong các nhà thờ.
3. Thời Napoléon
Năm 1800, các Hông Y họp tại Venetia bầu lên Giáo Hoàng Piô VII. Hồi còn làm Giám mục, ngài đã quả quyết là hình thức chính quyền dân chủ không phải là không thể dung hòa với Phúc Âm. Còn về phía Napoléon cho rằng : không thể cai trị mà không hòa giải với Giáo Hội, nhưng nhãn quan của ông về tôn giáo hoàn toàn có màu sắc chính trị. Từ đó, hai bên đã đi đến ký kết một thỏa ước năm 1801. Theo thỏa ước : hàng Giám mục của chế độ cũ phải từ nhiệm hết, Giáo Hội không được đòi lại tài sản đã bị tịch thu, chính quyền thì lo chu cấp cho hàng giáo sĩ… Cuộc hòa giải giữa hai bên kéo dài được mấy năm, thì năm1806 lại xẩy ra căng thẳng giữa Giáo Hoàng và hoàng đế. Quân Pháp chiếm Rôma và sát nhập Tòa thánh vào Pháp. Giáo Hoàng ra vạ tuyệt thông, nhưng bị bắt và giam lỏng ở Genoa, sau đó đưa về Pháp và mãi năm 1814 mới trả về Rôma.
Chương XV
GIÁO HỘI VÀ CHỦ THUYẾT TỰ DO
(1815-1870)
Khi Napoléon rời khỏi chính trị, nhiều người coi một phần tư thế kỷ vừa qua cần xóa bỏ, cần phải phục hồi Âu châu và Giáo Hội lại tình trạng trước 1789. Trong thế kỷ XIX có một cuộc canh tân tôn giáo ; không thể để vua chúa hoặc Giáo Hội ngăn cản tự do. Để bảo vệ chân tính mình, Giáo Hội buộc mình chống lại chủ thuyết tự do nơi các người Công Giáo. Để giải quyết vấn đề, Đức Piô IX đã triệu tập Công Đồng Vatican I (1869).
I. GIÁO HỘI THỜI TRÙNG HƯNG
1. Những nguyên tắc trùng hưng
Sau những đảo lộn do cuộc cách mạng và Để nhất đế chính do Pháp gây ra ; hội nghị Vienna muốn tổ chức lại Âu châu, Giáo Hoàng lấy lại nước Tòa thánh. Ba nước Nga, Áo và Phổ lập liên minh thánh nhằm chống lại ý tưởng và các thực hiện cách mạng ; đồng thời đề cao giá trị quá khứ về tôn giáo, luân lý, phẩm trật. Thế nhưng không thể một ngày mà xóa bỏ đươc não trạng 25 năm lịch sử. Những người được thừa hưởng cuộc cách mạng, họ công kích trùng hưng chính trị và Giáo Hội.
2. Ở Pháp
Công Giáo trở thành Quốc giáo : việc phục hồi tôn giáo gặp nhiều thuận lợi ; nhờ đó tăng được các giáo xứ và chủng viện. Các dòng tu được phục hồi và còn được thiết lập các dòng mới cả nam và nữ.
3. Ở các nước Âu châu khác
– Ở Ý : các Giáo Hoàng kế vị Đức Piô VII gặp những khó khăn về nước Tòa thánh. Chủ trương bài giáo sĩ được hộ trở của hội Tam điểm, đảng Carbonari. Tòa thánh đã cứng rắn đối với các hội này. Nước Ý đòi hủy bỏ tiểu quốc để thống nhất một nước Ý.
– Ở Đức và Áo : các ông hoàng của những tiểu quốc thuộc Thệ phản nên cuộc đàm phán giữa nhà nước và Tòa thánh gặp nhiều khó khăn. Phổ là nước có nhiều Thệ phản, nên cũng tìm cách bức bách Công Giáo. Ở Đức Công Giáo phát triển mạnh. Ở nước Áo là một đế quốc lớn. Giáo Hội ở đây ít bị thế tục hóa, Giáo Hội được bảo vệ. Ở Vienna, thánh Hofbauer chấn hưng tinh thần Công Giáo khắp Trung âu.
– Ở quần đảo Anh : sáu triệu dân ở đảo Ailen đa số là Công Giáo. Từ lâu họ bị bách hại, nhưng nhờ O Connell năm 1829 mọi người được giải phóng. Ở đây có Tổng Giám mục Wiseman là người đã gây lại sức sống cho Giáo Hội Anh ; và người là nhân vật sáng lập phong trào Oxford nhằm canh tân Giáo Hội Anh giáo, sau trở lại Công Giáo.
– Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha : Ở Tây Ban Nha, vua Fermando lên ngôi, cố gắng phục hưng Giáo Hội, nhưng 1820, một cuộc cách mạng căm thù Giáo Hội bùng nổ, Pháp phải can thiệp ; tới giữa thế kỷ một thỏa ước giữa Tòa thánh và chính quyền được ký. Ở Bồ Đào Nha người Công Giáo bị bách hại nặng nề.
4. Trong thế giới Thệ phản và Chính thống
Vua phổ cho sát nhập Giáo Hội phái Luther và Giáo Hội phái Calvin thành một Giáo Hội Phúc Âm. Nhiều nhóm Thệ phản gia tăng, người ta nhận ra hai trào lưu : trào lưu thức tỉnh và trào lưu tự do.
Trong thế giới Chính thống giáo : Hy lạp được độc lập, Giáo Hội được tự do. Ở Nga, Giáo Hội Chính thống bị chia rẽ nhiều phe phái.
II. GIÁO HỘI TRƯỚC CHỦ THUYẾT TỰ DO CHÍNH TRỊ
1. Thái độ của Giáo Hội trước trào lưu cách mạng
– Cuộc trùng hưng Công Giáo gây chống đối với giới trưởng giả tự do, đặc biệt là ở Pháp. Có những người Công Giáo liên minh với phái tự do bài giáo sĩ. Ở nước Tòa thánh, dân chúng nổi dậy sau khi Đức Giáo Hoàng Piô VIII qua đời ; Đức Gregoriô nhờ Áo can thiệp, Giáo Hoàng được coi là kẻ thù.
– Ba Lan bị Nga đô hộ cũng vùng dậy (1830) tuyên bố độc lập.
2. Chủ thuyết tự do và quan điểm của Lamennais
Chủ thuyết tự do được phổ biến sau thời cách mạng 1789. Trong lãnh vực chính trị là chống lại chuyên chế, phong kiến, qúi tộc, bảo hoàng, bảo thủ, tìm cách triệt hại Giáo Hội. Trước tình hình đó linh mục Lamennais đề nghị giải pháp tự do tôn giáo, đồng thời ông và các bạn đề nghị canh tân Giáo Hội và xã hội. Ông đã bị các Giám mục và Tòa thánh kết án. Ngày nay khát vọng của Lamennais đã biến thành hiện thực.
3. Tình trạng mong manh của nước Tòa thánh
Thời Đức Gregoriô XVI, Tòa thánh nhờ Áo can thiệp, phải nhượng đất cho Áo. Đức Piô IX lên thay, tổ chức lại nước Tòa thánh. Vì Tòa thánh không tham gia liên minh chống Áo nhằm giải phóng Ý, dân chúng nổi dậy. Giáo Hoàng kêu gọi, Pháp đem quân đến giúp chiếm lại Rôma. Các nhà ái quốc Ý không chấp nhận liên bang do Giáo Hoàng thủ lãnh, nên hướng về Piamonte, miền Lombardia thuộc về Piamonte, đến lượt ba tỉnh phía bắc của nước Tòa thánh cũng sát nhập vào Piamonte. Nước Tòa thánh mất phần lớn, chỉ còn Rôma và vùng phụ cận
III. CÔNG ĐỒNG VATICAN I (1869)
Công Đồng Vatican I được triệu tập thời Đức Piô IX là một sự kiện quan trọng nhất của Giáo Hội.
1. Dư luận Công Giáo trước Công Đồng
Nhiều người Công Giáo muốn Công Đồng xác nhận quyền đạo của Giáo Hoàng ; khẳng định quyền Giáo Hoàng đã định tín (1854) : Đức Mẹ Vô Nhiễm.
2. Diễn tiến của Công Đồng
Công Đồng khai mạc 8.12.1869 : Định tín quyền bất khả ngộ. Công Đồng qui tụ 700 Giám mục, Công Đồng bàn về tương quan đức tin và lí trí, định tín một Thiên Chúa có Ngôi vị, quả quyết mặc khải là cần thiết ; quyền bất khả ngộ của Giáo Hoàng không được chính thức ghi trong dự thảo. Ngày bỏ phiếu, hiến chế chủ yếu xác định quyền tối cao và bất khả của Đức Giáo Hoàng. Do chiến tranh Pháp Phổ, sau khi Pháp đóng ở Rôma bảo vệ Tòa thánh về Pháp, Piamonte xua quân chiếm Rôma. 20-10 Đức Piô IX tuyên bố tạm ngưng Công Đồng.
3 Những hậu quả và ảnh hưởng của Công Đồng
Nói chung, những nghị quyết của Công Đồng đều được đón nhận, kể cả quyền bất khả ngộ cũng được đem ra bàn, chỉ có một vài đại học ở Đức chống đối.
Người ta có cảm nghị Công Đồng chỉ bàn về Giáo Hoàng mà không bàn về Giám mục. Công Đồng thừa nhận Giáo Hoàng có quyền tài thẩm thông thường trên toàn Giáo Hội. Quyền Giáo Hoàng còn cần phải được dung hòa với quyền của các Giám mục. Vat.II sẽ bổ túc điều này khi khẳng định tính tập đoàn của Giám mục.
Những định tín Vat.I đôi khi làm căng thẳng giữa xã hội chính trị và Giáo Hội. Đó là cớ nhiều Quốc gia đã bài Giáo Hội.
Chương XVI
GIÁO HÔI GIỮA THẾ GIỚI TÂN TIẾN
(1870-1939)
Cuối thế kỷ XIX, nhân loại được chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của khoa học kĩ thuật và các khoa học nhân văn. Con người ngày càng ý thức hơn việc làm chủ lịch sử, muốn chủ động đấu tranh cho hạnh phúc của mình và xã hội. Trong bối cảnh đó, nhiều người xem tôn giáo như là sản phẩm của con người dốt nát, như món hàng ế ẩm, và thậm chí còn xem tôn giáo như sức cản đà tiến của nhân loại. Từ thái độ dửng dưng, họ tuyên bố mình vô tôn giáo hoặc chống tôn giáo. Khắp Âu Châu, các chính quyền tách dần các sinh hoạt hằng ngày ra khỏi phạm vi tôn giáo. Giáo Hội gần như chỉ được sinh họat tại nhà thờ, còn trường học, bệnh viện, các công trình xã hội do chính quyền đảm nhiệm. Tuy nhiên, diễn biến và mức độ căng thẳng khác nhau tùy mỗi nước.
I. GIÁO HỘI TẠI
CÁC NƯỚC ÂU CHÂU CHO TỚI THẾ CHIẾN I
1. Tại Giáo Triều Rôma
Đức Piô IX (1846-1878) qua đời, kết thúc triều đại Giáo Hoàng lâu nhất lịch sử. Đức Lêô XIII (1878-1903) lên kế vị được coi là người cởi mở với những vấn đề xã hội, kêu gọi người Công Giáo chấp nhận nền Cộng hòa và đấu tranh chống bất công. Nếu Đức Piô X (1903-1914) luôn ưu tư đến việc mục vụ : cổ võ rước lễ, tổ chức phụng vụ, Công Giáo tiến hành và chủng viện, thì Đức Bênêđíctô XV (1914-1922) và Đức Piô XI (1922-1939) được mệnh danh là những nhà hòa giải qua hàng loạt hòa ước với các quốc gia.
2. Tại Ý
Sau khi chiếm được Rôma và đặt làm thủ đô nước Ý, chính quyền ban hành luật Bảo Đảm, tháng 5-1871 đơn phương giải quyết tình trạng Giáo Hoàng và nước Tòa Thánh. Đức Giáo Hoàng từ chối luật này và cắt đứt bang giao với nước Ý. Các ngài cấm người Công Giáo tham gia chính trị, cấm ứng cử bầu cử. Chính do thái độ này mà chính quyền đã gây nhiều khó khăn cho Giáo Hội như cấm rước kiệu, cấm hành hương, tịch biên tài sản tu viện… Mãi đến năm 1905, nhờ sự đấu tranh của nhiều giáo sĩ, các tín hữu mới được tham gia đời sống chính trị.
3. Tại Đức
Sau chiến thắng Pháp và Áo, đế quốc Đức được thống nhất quanh nước Phổ (1871). Cùng với bộ trưởng Falk, thủ tưởng Bismark phát động mặt trận văn hóa tuyên bố chống lại chính sách ngu dân của giới Công Giáo. Kiểm soát học đường, sa thải các giáo sư tu sĩ. Các giáo sĩ phản đối thì bị bắt và trục xuất. Năm 1878 chỉ còn bốn giám mục Đức tại vị, hàng ngàn giáo xứ không có linh mục. Cũng năm đó đảng Dân Chủ xã hội mưu sát Hoàng đế Wilhelm, và Đức Lêô XIII lên ngôi. Bismark nới rộng luật mặt trận văn hóa và chấm dứt vào năm 1897. Nhưng hôn nhân vẫn phải theo dân sự.
4. Tại Pháp
Chính phủ Đệ Tam cộng hòa (1875-1936) mới đầu tỏ vẻ thân hữu với Giáo Hội. Thế nhưng Quốc Hội chuyển dần sang tay những người cộng hòa vốn cho rằng Giáo Hội gắn bó với nền quân chủ và rao giảng một thứ tôn giáo ngu dân cần dẹp bỏ. Đại học Công Giáo mất quyền phát bằng (1879). Bộ trưởng giáo dục J. Ferry cấm các dòng mở trường, giải tán 261 tu viện. Ông mở trường nữ trung học để đạo tạo nữ đồng chí cộng hòa, cho phép li dị (1884), bãi bỏ ngày nghỉ chủ nhật, cấm dạy giáo lí trong trường học. Từ 1901-1903, Thủ tướng Rousseau ra nhiều đạo luật : đóng cửa gần 10.000 trường tư thục Công Giáo, tịch thu các tu viện, buộc các tu sĩ hoàn tục. Những tín hữu còn giữ đạo sẽ chấm vào sổ đen và bị kiểm soát. Năm 1905, Pháp công bố đạo luật phân li, trao tất cả cơ sở Công Giáo cho hiệp hội các tôn giáo quản trị. Giáo Hội Pháp nghèo hẳn đi, tín hữu phải đóng góp từng xu cho việc phượng tự, nhưng nhờ đó, Giáo Hội được tự do không lệ thuộc các tổ chức.
5. Tại Áo và Thụy Sĩ cũng có các chiến dịch tương tự
Năm 1874, cả hai nước đều ban hành đạo luật cấm liên lạc với Rôma, tục hoá học đường, đảm trách hôn nhân. Nhưng dưới thời Đức Lêô XIII tình hình đổi khác, đại học Fribourg được thiết lập năm 1889.
6. Tại Bỉ và Hà Lan
Cũng có xung đột về trường học, nhưng giới Công Giáo đứng ra mở trường tư, rồi tham gia quốc Hội để cải thiện pháp chế học đường. Các trường tư Công Giáo về sau được chính quyền trợ cấp.
7. Tại bán đảo Ibérique
Các xung đột tôn giáo nhiều khi biến thành bạo động. Tây Ban Nha vẫn coi Công Giáo là quốc giáo. Nhưng dưới thời Cộng hòa (1873-1875 và 1909-1912) đã xảy ra nhiều vụ thảm sát giáo sĩ, cướp phá nhà thờ, tu viện… Tại Bồ Đào Nha, sau khi lật đổ vua Manuel (1810) chính thể Cộng hòa tuyên bố phân li với Giáo Hội, chống giáo sĩ, chống hội dòng và cắt đứt ngoại giao với Vatican năm 1913.
II. TỪ THẾ CHIẾN I TỚI NHỮNG NĂM 30
1. Người kitô hữu trong cuộc chiến
Trong thế chiến I, cả phe đồng minh lẫn phe Đức, Áo, Hung đều nhìn nhận người Công Giáo rất yêu mến tổ quốc. Các giám mục kêu gọi cầu nguyện cho “quân ta” chiến thắng. (Thiên Chúa đứng về phía nào đây ?). Đức Bênêđíctô XV không đứng về phe nào, đã gửi đi nhiều Thông Điệp kêu gọi hòa bình. Tòa Thánh cổ võ những hoạt động nhân đạo như cứu trợ, chăm sóc và trao đổi thương binh. Năm 1917, Đức Thánh Cha tình nguyện làm trung gian cho hai bên gặp gỡ. Nhưng cả hai đều muốn kết thúc xung đột bằng chiến thắng chứ không bằng hòa đàm.
2. Những cố gắng hòa giải sau chiến tranh
Sau chiến tranh, nước Áo Công Giáo bị chia cắt để thành lập nước Tiệp và Hung (1921). Tòa Thánh và các quốc gia kí kết nhiều hòa ước. Riêng Đức Piô XI đã kí 20 hòa ước với các nước Châu Âu, quan trọng nhất là hòa ước Latêranô kí với Moussolini năm 1929. Người nhìn nhận Rôma là thủ đô Ý, còn nước Ý nhận quyền Giáo Hoàng trong lãnh vực tôn giáo, và điều hành nước Vatican nhỏ bé với 44 ha.
Việc phong thánh cho Jeanne d‘Arc năm 1920 xác định lập trường của Giáo Hội cổ vũ người tín hữu yêu nước. Các đảng phái Công Giáo bắt đầu liên hiệp để hoạt động như đảng Bình dân Ý, Mặt trận Bình dân Pháp.
3. Khai sinh phong trào Công Giáo tiến hành
Công Giáo tiến hành là hoạt động chuyên biệt của giáo dân nhằm phục vụ Giáo Hội, giúp đỡ hàng giáo sĩ, rao giảng Tin Mừng hoặc tái rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Những năm 1925-1935, phong trào này mới được tổ chức qui mô và phát triển, mà khởi đầu là tổ chức Thanh Lao Công do linh mục Cardin sáng lập ở Bỉ năm 1925, rồi năm sau được lập ở Pháp tiếp đến là Thanh Nông Công (1929), Thanh Sinh Công (1932), Thanh niên Công Giáo (1935). Đức Piô XI nồng nhiệt đón nhận và cổ vũ các phong trào này, và tự nhận là Giáo Hoàng của Công Giáo tiến hành. Phong trào Công Giáo tiến hành đã làm thay đổi những tương quan giữa Giáo Hội và xã hội, giúp người Công Giáo ý thức được trách nhiệm trong xã hội.
4. Người kitô hữu trước chế độ độc tài đảng trị
Thực tế, khuynh hướng độc tài đảng trị đang có cơ hội phát triển dựa vào tinh thần quốc gia quá khích của dân chúng.
Ở Ý, Moussolini và đảng Phát xít giải tán các đảng khác, nắm toàn quyền năm 1922, muốn ghìm chặt mọi công dân trong nước từ lúc sinh ra tới lúc chết trong các tổ chức đảng.
Ở Đức, Hitler nắm chính quyền năm 1933 như một vị cứu tinh của một dân tộc đang khủng hoảng. Ông giải tán mọi nghiệp đoàn, đảng phái và bộc lộ ý thức hệ của mình trong cuốn “Cuộc chiến đấu của tôi” mà nội dung là bài Dothái và chống Kitô giáo.
Ở Nga, cách mạng Tháng Mười thành công năm 1917, tuyên bố cho tự do tôn giáo, cho phép Chính Thống Nga có giáo chủ Maxcơva là Tykhon (1918). Đồng thời phát triển phong trào tục hóa : tách nhà thờ khỏi trường học, trưng thu các cơ sở tôn giáo vì công ích. Hiến Pháp năm 1939 điều 124 xác định : “Tự do tôn giáo và tự do tuyên truyền chống tôn giáo”. Tiến trình tục hóa ở Nga lúc này không thuận lợi lắm vì những diễn biến thô bạo của các đảng xã hội cầm quyền ở Tây Âu như ở Tây Ban Nha (1931-1936) đã triệt hạ 2000 nhà thờ, thảm sát giáo sĩ… đã để lại một ấn tượng khó quên tạo cơ hội cho Franco giành thắng lợi. Nhiều người Công Giáo đã mạnh dạn tố cáo sự lợi dụng tôn giáo của Franco, thế nhưng chủ nghĩa quốc gia đã khiến dân Tây Ban Nha chấp nhận sự độc tài của ông.
Giáo Triều Rôma đã chống lại các chế độ độc tài đảng trị. Năm 1931, Đức Piô XI ban hành Thông Điệp “Chúng tôi không cần” chống những lạm dụng của Phát xít Ý. Năm 1937, người lại ra hai Thông Điệp cách nhau vài ngày : “Với nỗi lo âu hồi hộp” kết án chủ nghĩa độc chủng, việc bài Dothái và thần thánh hóa Hitler. Còn Thông Điệp “Divini Redemptoris” (19-3-1937) đánh giá chủ nghĩa Cộng sản không thể dung nạp với văn minh Kitô giáo. Nhưng dư luận thời đó lại nhạy cảm hơn với Thông Điệp sau.
Chương XVII
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
TỪ ĐẦU THẾ KỶ XIX ĐẾN NĂM 1940
Đầu thế kỷ XIX, Giáo Hội một đàng trùng hưng lại những gì đã mất mát trong thời gian qua, một đàng cũng lo phát triển thêm công việc truyền giáo ra thế giới. Trong thế kỷ này có nhiều tổ chức giúp đỡ cho việc truyền giáo, nhiều hội dòng thừa sai được thiết lập. Việc truyền giáo phát triển mạnh.
I. TỔNG QUÁT VỀ
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
Ở THẾ KỶ XIX VÀ ĐẦU THẾ KỶ XX
1. Hoàn cảnh mới về chính trị và tôn giáo
Đầu thế kỷ XIX Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã suy thái, chỉ còn Anh và Pháp cạnh tranh nhau trong mọi lãnh vực : hàng hải, thương mại, thuộc địa lẫn trong lãnh vực truyền giáo. Anh ủng hộ việc truyền giáo của Thệ Phản, Pháp ủng hộ cho Công Giáo.
2. Tổ chức việc truyền giáo
Nét độc đáo của thế kỷ XIX là những nỗ lực lớn lao tổ chức việc truyền giáo, kiếm vật lực, nhân lực, đưa ra những cơ cấu kể cả học thuyết về truyền giáo.
– Tìm kiếm vật lực nơi dân chúng : bằng việc tình nguyện đóng góp của cải.
– Nhân sự truyền giáo : đầu thế kỷ, các hội dòng Thừa sai phục hồi (MEP, Lazariste), sau đó là dòng tu lớn : Dòng Tên, Phan Sinh, Đa Minh.
– Những phương pháp truyền giáo : các thừa sai du nhập vào xứ truyền giáo những kinh nghiệm họ đã sống ở Châu Âu. Trường học là phương tiện để tiến tới đức tin và văn minh, nhưng cũng chính trường học chịu trách nhiệm về việc làm hỏng cơ cấu văn hóa địa phương. Thừa sai cũng quan tam đến đời sống của dân bản xứ, đến sức khỏe, tổ chức bác ái.
– Cơ cấu trong việc truyền giáo : suốt thế kỷ, Tòa Thánh thiết lập nhiều hạt Đại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa.
3. Truyền giáo và công cuộc thực dân
Từ nửa sau thế kỷ XIX các cường quốc Châu Âu tranh nhau chinh phục các vùng đất mới. Công cuộc thực dân mở ra một cánh đồng truyền giáo bao la. Cả hai liên kết với nhau trong những trách vụ chung : trường học, nhà thương… Chính sự liên kết này lắm khi gây ra những hàm hồ giữa truyền giáo và thực dân, giữa quyền lợi và chủ đích của hai bên.
II. GIÁO HỘI TẠI CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO
1. Cuộc di cư của người Châu Âu
Cuộc di cư của người Châu Âu tuy đã khởi sự ở những thế kỷ trước, nhưng ở thế kỷ XIX thì lớn hơn. Vì thế mọi hệ phái Kitô giáo đều có mặt khắp nơi trên thế giới.
– Ở Canađa : sinh suất của người Pháp cao ; người Công Giáo gốc Ailen nhiều, cộng đồng Công Giáo phát triển nhanh.
– Ở Mỹ : Hiến pháp Mỹ cho phép mọi tôn giáo được hoạt động. Số người Công Giáo gia tăng nhanh nhờ người Châu  di cư sang, người Ailen, Ý, Đức, Ba Lan. Giáo Hội ở Mỹ đã tổ chức các trường Công Giáo để đề phòng ảnh hưởng của Thệ Phản.
– Ở Châu Mỹ-Latinh : các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều giành được độc lập. Ảnh hưởng của Giáo Hội bị sa sút. Các nhà làm luật muốn loại bỏ ảnh hưởng của Giáo Hội, cấm các giáo sĩ điều khiển các trường học, giới hạn số linh mục.
– Ở nước Úc : đầu thế kỷ XIX có nhiều di dân đến lập nghiệp, trong đó có nhiều người Công Giáo Ailen, đạo Công Giáo phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
2. Đại Dương Châu
Cả Thệ Phản lẫn Công Giáo đua nhau truyền giáo ở các thổ dân các hải đảo Thái Bình Dương này. Thừa sai Công Giáo đến Đại Dương Châu vào năm 1827. Trong đó có Cha Đamiên, tông đồ người cùi ở đảo Molokai.
3. Á Châu
– Ấn Độ : ở Ấn Độ đã hồi sinh các cuộc truyền giáo, trong đó có việc mở trường Công Giáo. Năm 1847 Dòng Tên mở một tập viện cho người bản xứ. Đào tạo giáo sĩ đia phương .
– Ở Trung Quốc : đầu thế kỷ XIX, người Công Giáo Trung Quốc và các thừa sai luôn bị bách hại. Việc truyền giáo gặp nhiều khó khăn.
– Ở Nhật Bản : Nhật có chủ nghĩa quốc gia lại nghi ngờ người Công Giáo, nên việc truyền giáo không thuận lợi.
– Ở Việt Nam : nhờ sự giúp đỡ của Giám mục Pignau de Béhaine, Nguyễn Ánh đã khôi phục ngai vàng của Triều Nguyễn. Giáo Hội được bình yên trong 25 năm đầu thế kỷ. Tiếp theo là cuộc bách hại từ năm 1825 và kéo dài nửa thế kỷ. Tuy vậy hoạt động truyền giáo vẫn không ngưng nghỉ. Việt Nam là nước Đông Nam Á có tỉ lệ Công Giáo khá cao.
4. Ở Phi Châu
Trong những thế kỷ trước, chỉ có những cuộc truyền giáo ở các nước vùng ven biển. Sang thế kỷ XIX, ánh sáng Phúc Âm đã được rao giảng vào sâu trong nội địa. Các thừa sai, mặc dầu còn trẻ nhưng sau một thời gian hoạt động đã chết vì không hợp thủy thổ.
Hậu bán thế kỷ XIX có đức Cha Lavigerie, Tổng Giám Alger, lập hội dòng các cha Trắng truyền giáo riêng cho Châu Phi. Các ngài phải hoàn toàn thích nghi với dân bản xứ từ ăn, ở, ngôn ngữ.
Năm 1902, việc phân chia Châu Phi cho các nước Âu Châu hoàn tất. Công việc truyền giáo được tổ chức trong phạm vi mỗi thuộc địa. Đây là bước đầu tiến mạnh của Giáo Hội Phi Châu.
III. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
TỪ SAU THẾ CHIẾN I
1. Những hệ quả của cuộc chiến
Thế chiến I gây những hậu quả bất lợi cho việc truyền giáo. Các hội dòng mất đi một phần phương tiện, giảm bớt mất một số thừa sai vì phải động viên, cạn vật lực. Các thừa sai người Đức bị đuổi hoặc bị kiểm soát ngặt bởi người Anh và người Pháp.
2. Chính sách tập quyền của Rôma về việc tuyền giáo
Cũng như vị tiền nhiệm, Đức Piô XI khẳng định Giáo Hội và việc truyền giáo đứng trên chính trị. Để khẳng định Giáo Hội không lệ thuộc các chính quyền, ngài cử đi các vị khâm sứ và kinh lí tông tòa không có vai trò ngoại giao. Năm 1922, ngài cho chuyển từ Lyon về Rôma trụ sở của Hội Truyền Bá Đức Tin.
3. Hướng tới việc thiết lập các Giáo Hội địa phương
Theo lời yêu cầu của vị tiền nhiệm là Đức Bênêđíctô, Đức Piô XI rất quan tâm tới việc thiết lập một hàng giáo sĩ địa phương trong các xứ truyền giáo, có thể tự lập được trong trường hợp các thừa sai ngoại quốc phải ra đi. Năm 1923, ngài chỉ định một tu sĩ dòng Tên người Ấn Độ làm giám mục. Năm 1926, ngài tấn phong 6 vị Giám mục đầu tiên người Trung Quốc. Năm 1927, bổ nhiệm Giám mục đầu tiên người Nhật. Năm 1933 bổ nhiệm Giám mục đầu tiên người Việt Nam. Năm 1939 đặt Giám mục đầu tiên người da đen. Cùng năm 1939, có 48 cơ sở truyền giáo được trao cho các Giám mục bản xứ.
Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh việc đào tạo các giáo sĩ bản xứ.
Chương XVIII
GIÁO HỘI TRƯỚC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
TRÍ THỨC VÀ ĐẠI KẾT
(từ giữa thế kỷ XIX-1939)
Trước cách mạnh 1789, Giáo Hội có cảm tưởìng mọi nghành sinh hoạt của xã hội trần thế đều nằm trong khuôn khổ Giáo Hội. Sau cách mạng, một thế giới hình thành bên ngoài Giáo Hội. Thế giới này chống lại Giáo Hội. Trong lúc đó, Giáo Hội lại phải cộng tồn với các giáo phái Kitô khác mà trước đây Giáo Hội không công nhận. Hàng rào ngăn cách xưa nay tỏ ra không hữu hiệu. Giáo Hội phải có bước chuyển mình.
I. GIÁO HỘI TRONG XÃ HỘI KINH TẾ MỚI
1. Giáo Hội, công nhân
và những chủ thuyết xã hội mới
Bàn về thái độ của Giáo Hội đối với các vấn đề xã hội, và hậu quả của thái độ này đối với tầng lớp công nhân phát sinh từ xã hội kỹ nghệ mới, người ta hay trích dẫn lời được gán cho Đức Piô XI : “Giáo Hội đã đánh mất giai cấp công nhân ở thế kỷ XIX”. Sở dĩ thế là vì Giáo Hội liên đới với tầng lớp chủ nhân.
Thật ra vấn đề không hẳn như vậy. Tinh thần Công Giáo bám rễ trong tầng lớp công nhân mỗi nơi mỗi khác ; một số Giám mục thiếu khả năng phân tích lí do dẫn đến đời sống cơ cực của giới thợ thuyền và không tìm được phương dược chữa trị. Một số công nhân trong các môi trường thôn quê khi tiếp xúc với môi trường mới đã không kịp thích nghi và bị tiêm nhiễm bởi các chủ thuyết xã hội mới nên dần dà bỏ Giáo Hội.
Thực sự, những chủ thuyết xã hội thoạt đầu vẫn nại vào Kitô giáo trong chương trình canh tân kinh tế. Nhưng từ giữa thế kỷ XIX, các chủ thuyết có xu hướng xa rời, thậm chí chống lại Giáo Hội. Họ chủ trương thay thế ý niệm tôn giáo bằng ý niệm công bình. Họ cho tôn giáo là thuốc phiện mê dân (Marx).
Giáo Hội đã lên án các chủ thuyết này và kêu gọi sự nhẫn nại Kitô giáo, đồng thời khuyến khích lập những tổ chức bác ái.
2. Những chủ trương và hoạt động xã hội
trong giới Công Giáo
Từ giữa thế kỷ XIX, chỉ có giới Công Giáo bảo thủ quan tâm đến vấn đề xã hội. Họ cho rằng phải tái lập một xã hội có thứ bậc, một hệ thống nghiệp hội trong đó chủ và thợ ràng buộc với nhau như cha mẹ với con cái trong một gia đình.
Ở Đức, giới Công Giáo cho rằng vấn đề xã hội không giản lược vào một tổ chức cứu tế, nhưng đòi hỏi có sự tổ chức lại về kinh tế và cần có sự can thiệp của nhà nước. Đại diện chính cho giới Công Giáo xã hội Đức là Ketteler, Giám mục Mainz.
Ở Áo, một đồ đệ của Ketteler sáng lập một tờ báo làm diễn đàn cho người Công Giáo Áo có khuynh hướng xã hội. Ở Ý, Anh, Mỹ, Úc… có những hoạt động trực tiếp của giáo quyền nhằm bảo vệ giới công nhân.
3. Khai sinh học thuyết xã hội của Giáo Hội
Ngay khi lên làm Giáo Hoàng, Đức Lêô XIII đã lo ngại về trào lưu đang lên của chủ thuyết xã hội và tình trạng rối loạn trong xã hội. Những cuộc đình công đẫm máu và những cuộc mưu sát xảy ra suốt những thập niên cuối thế kỷ. Sáng kiến của các người Công Giáo xã hội vừa gặp sự đối kháng của người Công Giáo muốn tự do kinh tế, lại vừa đi ngược với mọi tổ chức thợ thuyền. Một số người muốn Giáo Hoàng can thiệp, đưa ra đường lối tư tưởng và hành động chung. Trước tình hình đó, Đức Lêô XIII đã ra Thông Điệp Tân Sự (1891) qui định về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Thông Điệp này có ảnh hưởng lớn trong giới Công Giáo và là tiền đề để các Đức Giáo Hoàng kế tiếp khai triển thêm giáo thuyết về vấn đề xã hội như Thông Điệp Tứ Thập Niên của Đức Piô XII (1931), Bát Thập Niên, Bách Chu Niên…
II. GIÁO HỘI VÀ VẤN ĐỀ
TRÍ THỨC KHOA HỌC MỚI
1. Giáo Hội trước tào lưu triết học và khoa học mới
Ngay từ thế kỷ XVII-XVIII, sự tiến bộ của các khoa học khiến cho có những người đòi đặt lại vấn đề về một số dữ kiện Kinh Thánh.
Thế kỷ XX, triết học Kant chủ trương không thể đạt tới Thiên Chúa bằng lí trí. Nhân loại đi tới thời đại của khoa học, của chủ thuyết Duy Thực Nghiệm… Có thể nói, khoa học làm lung lay mọi điều trước đây được coi là chắc chắn.
Trước những lí thuyết trên đây, phản ứng đầu tiên của Giáo Hội là tự vệ, cấm đoán. Khoa học nào đụng chạm đến mặc khải đều là tác phẩm của ma quỉ.
Công Đồng Vatican I cố gắng làm sáng tỏ tương quan giữa lí trí và đức tin. Giáo quyền cũng tìm sự hỗ trợ nơi chính quyền. Các nhà hộ giáo tìm cách biện minh cho những chân lí của đạo bị tấn công.
2. Cuộc khủng hoảng của chủ thuyết Duy Tân :
Là mọi nỗ lực thích đáng hoặc không, nhằm hòa giải những thủ đắc mới của kiến thức với những đòi hỏi thường xuyên của đức tin. Đây là cuộc khủng hoảng trong nội bộ Giáo Hội. Các người bảo thủ cố chấp từ chối bất cứ hình thức sử dụng khoa học hiện đại nào trong cách diễn tả đức tin. Những người cấp tiến lại muốn dùng các bộ môn khoa học để phục vụ tôn giáo mà vẫn bảo vệ những đòi hỏi thường tồn của đức tin. Thậm chí xét lại các vấn đề theo khoa học.
3. Chủ thuyết Duy Tân bị kết án
Tòa Thánh ghi vào danh mục sách cấm hàng loạt sách báo, cấm một số linh mục giảng dạy. Tháng 7-1907 , Bộ Thánh Vụ ra Sắc lệnh tố giác sai lầm được liệt kê thành 65 mệnh đề. Đây là Sắc lệnh chính thức đầu tiên lên án chủ thuyết Duy Tân. Hai tháng sau Đức Piô X ban hành Thông Điệp trình bày đầy đủ và có hệ thống mọi sai lầm của Duy Tân thuyết dưới các khía cạnh triết học, thần học, Thánh Kinh, lịch sử… chủ đích của Thông Điệp là không muốn một lãnh vực nào còn nhiễm ảnh hưởng tai hại của chủ thuyết Duy Tân được coi là “hang ổ của mọi lạc thuyết”. Giáo Hội đòi phải thề chống chủ thuyết Duy Tân với những ai sắp lãnh chức thánh hoặc một chức vụ quan trọng.
4. Hoạt động trí thức Công Giáo
sau việc kết án chủ thuyết Duy Tân
Với hai cuộc thế chiến, con người vỡ mộng và không còn tin tưởng vào khoa học vạn năng nữa. Họ quay về với chủ thuyết Duy Linh và Kitô Giáo. Giữa hai cuộc chiến, các văn sĩ Công Giáo đứng đầu trong sinh hoạt văn chương.
Tuy nhiên do việc lên án chủ thuyết Duy Tân làm cho các nhà chú giải Công Giáo một thời ngưng việc tìm kiếm. Phải đợi tới năm 1943, nhờ một Thông Điệp của Đức Piô XII, các nhà chú giải Kinh Thánh mới thấy được khuyến khích làm công việc mình. Trong lãnh vực lịch sử và thần học tín lí, bầu khí cũng bớt căng thẳng. Giáo Hội không còn buộc phải khẳng định tín điều không có lịch sử.
III. GIÁO HỘI VÀ VẤN ĐỀ ĐẠI KẾT
1. Những Giáo Hội và giáo phái Kitô giáo
cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX
Việc dân chúng thay đổi chỗ ở, những phong trào di cư và sự tự do tôn giáo đưa các giáo phái khác nhau đến chỗ gặp gỡ nhau và chung sống với nhau, từ đó đặt ra những câu hỏi về sự đổ vỡ của Kitô giáo trong một thế giới mà người kitô hữu ngày càng trở nên thiểu số.
– Các Giáo Hội Đông Phương – Chính Thống có 15 Giáo Hội, có Thượng Phụ riêng. Giáo Hội Nga trong những năm cuối của chế độ Sa Hoàng không có được sự tiến triển nào về thể chế, nhưng vẫn sinh sản được các nhà tư tưởng như triết gia Soloviv nỗ lực đưa Chính Thống giáo xích lại gần Công Giáo. Sau cách mạng 1917, Giáo Hội bị bách hại liên tục bởi chế độ Bôn-sê-vích. Những năm ở thế kỷ XIX và XX, các kitô hữu Đông Phương di cư và lập nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới.
– Thế giới Thệ Phản. Đặc tính là có nhiều hệ phái và những lần bừng tỉnh định kì.
Năm 1875 ở Anh thành lập Đạo Quân Cứu Khổ : rao giảng Phúc Âm, cấp phát thực phẩm, chống lầm than, thói hư tật xấu và tội lỗi.
– Ở Mỹ, năm 1876, hệ phái Mê-tô-đích ; 1901, hệ phái Ngũ Tuần.
– Tiền bán thế kỷ XX, nhiều nhà thần học canh tân sâu sắc tư tưởng Thệ Phản như Karl Barth ; khôi phục giá trị lời Chúa và Tín điều như R. Bultmann.
2. Phong trào đại kết ngoài Công Giáo
Đại kết là ý muốn xích lại gần nhau giữa các nhóm kitô hữu khác nhau.
Năm 1910 hội nghị Edinburg qui tụ các đại biểu của những thừa sai Thệ Phản khác nhau. Có cả sự tham gia của đại biểu Á Châu và Phi Châu. Tuy chưa có sự nhất trí hoàn toàn, nhưng qua hội nghị, phong trào Đại Kết đã được khai sinh. Sau thế chiến I, phong trào “sống và hành động” phát xuất từ Thụy Điển, qui tụ các đại biểu Thệ Phản của nhiều quốc gia, có cả đại biểu Chính Thống giáo : nghiên cứu về tương quan giữa các Giáo Hội và xã hội. Ngoài ra còn có phong trào “Đức tin và thể chế” do Anh đề xướng, bàn luận về nhiều điểm thuộc giáo lí, đòi hỏi hiểu biết lẫn nhau. Từ hai phong trào trên, một cơ quan chung được thiết lập là Hội Đồng Đại Kết Các Giáo Hội, nói chung là nhằm hiệp nhất về hành động và giáo lí.
3. Những khó khăn của vấn đề Đại Kết
trong Giáo Hội Công Giáo
Cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, Portal, một tu sĩ Lazariste đã bắt liên lạc với các tín hữu Anh Giáo và có nhiều sáng kiến đại kết nhưng không được Giáo quyền công nhận.
Giáo Hội Công Giáo cho rằng mình là người duy nhất nắm giữ “chân lí”, nên không thể có chuyện Giáo Hoàng đối thoại với các kitô hữu khác trên nguyên tắc bình đẳng. Đức Bênêđíctô XV lịch sự từ chối tham gia các phong trào hiệp nhất đang hình thành. Đức Piô XI còn cấm người Công Giáo tham dự các phong trào này.
Tuy vậy, người Công Giáo cũng tìm được một phương thức khác để đi đến hiệp nhất, đó là cầu nguyện.
Ở Lyon cha Couturier canh tân sâu xa ý nghĩa của tuần cầu nguyện cho hiệp nhất (18-25/1) đã được hai linh mục đề ra năm 1908 : sự hiệp nhất chỉ có thể do Thiên Chúa mà đến và phải là đối tượng của việc cầu nguyện của mọi kitô hữu. Mỗi Giáo Hội phải nhìn nhận những lỗi lầm xúc phạm đến sự hiệp nhất trong các thế kỷ qua. Nếu mỗi Giáo Hội trung thành với truyền thống và với kinh nguyện, thì Thiên Chúa không thể không ban sự hiệp nhất cho các kitô hữu, sự hiệp nhất mà Đức Kitô đã cầu xin. Ngày nay, tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất thực sự có tính cách đại kết.
Chương XIX
Trong Thế chiến II, Giáo Hội trong các nước tham chiến bị liên lụy nhiều. Lương tâm người kitô hữu bị tra vấn nhiều khi phải lực chọn thái độ. Tuy nhiên, chiến tranh cũng là một giai đoạn giúp trưởng thành và suy nghĩ. Giai đoạn canh tân thần học và thử nghiệm độc đáo này có những khó khăn và khủng hoảng trong những năm cuối thời của Đức Piô XII.
I. NGƯỜI KITÔ HỮU TRONG THẾ CHIẾN II
1. Những thảm họa của chiến tranh
Cũng như mọi công dân khác, người kitô hữu phải chịu những hậu quả của cuộc chiến : tàn phá chết chóc trong một Châu Âu mà 3/4 bị Đức Quốc Xã thống trị. Lương tâm Kitô giáo bị đặt trước những lựa chọn khó khăn : thái độ với kẻ chiếm đóng như thế nào ? Có phải tuân phục chính quyền hiện hữu ? Có được thụ động trước việc người Dothái bị hủy diệt ? Bạo động có hợp pháp để giải phóng tổ quốc không ? Các thái độ khác nhau tùy thuộc từng nước và ngay ở trong mọi nước.
Balan : phần phía tây bị sát nhập vào Đức. Tôn giáo bị bách hại. Tại Nga, chính quyền cộng sản thúc đẩy lòng ái quốc của tôn giáo để chống Phát xít, nhưng khi hòa bình lập lại, họ lại trở mặt đàn áp tôn giáo. Ở Hòa Lan, Công Giáo và Tin lành phối hợp chống lại việc đàn áp người Dothái, nên bị quân Đức trả đũa nặng nề. Ở Pháp chính quyền Pétain dành nhiều thuận lợi cho Công Giáo, nhưng một số tín hữu Công Giáo đã sớm đứng về phe kháng chiến.
2. Thái độ thinh lặng của Đức Piô XII
Khác với Đức Bênêđíctô XV, người đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã kêu gọi hòa bình ở Thế Chiến I, Đức Piô XII hồi sinh tiền hầu như được mọi người ca ngợi về thái độ của người trong cuộc chiến. Thế nhưng, sau này người ta lại chỉ trích thái độ im lặng của người. Thật ra người đã nỗ lực ngăn chặn chiến tranh từ 1939-1940, sau đó người đã kêu gọi Moussolini đứng ngoài cuộc chiến, cuối cùng người đã thúc đẩy nhà vua loại trừ Moussolini và phản đối những cuộc oanh tạc.
Thật ra có những lúc người phải im lặng, kể cả trước việc người Dothái bị tiêu diệt. Người cảm thấy bất lực, và với sự khôn ngoan suy đoán, sự im lặng của người có lợi hơn. Thực tế cho thấy đường lối ngoại giao của người đạt kết quả hơn là lên tiếng phản đối. Có những nơi giáo quyền can thiệp thì quân Đức lại tàn sát dữ dội hơn.
II. GIÁO HỘI SAU THẾ CHIẾN THỨ II
1. Hoạt động của một Giáo Hoàng uyên bác
Cũng như vị tiền nhiệm, khi thấy nhiệm vụ cấp bách nhấn mạnh công lí và hòa bình trong một thế giới có chiến tranh, hoặc có nguy cơ đe dọa các vấn đề quốc tế và xã hội, Đức Piô XII vẫn không quên nhiệm vụ chuyên biệt của mình là lãnh đạo, giảng dạy và thánh hóa toàn dân Chúa. Người là vị Giáo Hoàng có nhiều văn kiện giáo huấn nhất. Riêng Thông Điệp đã lên tới con số 43. Người cáo giác phong trào “thần học mới”, người e ngại trước chủ thuyết “hòa đồng”. Các văn kiện của người trải rộng từ các vấn đề thần học rộng lớn nhất đến những vấn đề trần tục thường ngày.
Qua các văn kiện của người, người ta thấy rõ sự uyên bác sâu sắc của một vị tiến sĩ.
Chính Đức Piô XII đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (1950). Thời của người còn là thời Công Giáo Tiến Hành nở rộ và là thời khai sinh Tu Hội đời.
2. Giáo Hội ở một số nước Tây Âu
Sau chiến tranh, Âu Châu chia làm hai khối : khối Đông Âu gồm các nước Cộng sản chịu ảnh hưởng của Liên Xô và khối Tây Âu Tư Bản. Sự phân chia này gây hệ quả quan trọng cho tôn giáo. Ở Tây Âu, người kitô hữu giữ một vai trò khá lớn trong chính trị. Trong nhiều nước, họ trở thành một lực lượng thứ ba chống lại Cộng sản.
– Pháp : Giáo Hội biểu lộ sức sống dồi dào về các mặt chính trị xã hội, mục vụ, tông đồ, thần học, trí thức… Công Giáo Tiến Hành phát triển mạnh. Các hội truyền giáo Pháp và Hội truyền giáo Paris hoạt động mạnh. Phong trào “linh mục thợ” ra đời. Có những nỗ lực nghiên cứu Kinh Thánh và thần học : bản dịch Thánh Kinh Giêrusalem, bộ Lectio Divina gom góp tác phẩm của các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo…
– Ý : năm 1946, chính thể Cộng Hòa nhìn nhận thỏa ước Latêranô. Nhưng Đảng Cộng sản rất mạnh. Đảng Dân chủ Kitô giáo hoạt động rất tích cực, nhưng không chiếm được ưu thế. Giáo Hội rất lo lắng.
– Tây Ban Nha : cuộc nội chiến 1936-1939 chấm dứt, tướng Franco nắm chính quyền, coi Công Giáo là đạo duy nhất của nước Tây Ban Nha. Các hoạt động của Giáo Hội có nhiều thuận lợi.
3. Giáo Hội tại các nước Đông Âu
Cuộc bách hại đạo được thực hiện khắp các nước Đông Âu với những hình thức và cường độ khác nhau.
Ở Liên Xô, chính sách và hành động bài tôn giáo rất mãnh liệt, nhất là ở vùng biển Ban Tích, nhà nước triệt hạ phần lớn hàng giáo sĩ. Trong tất cả các nước Đông Âu, nhà nước đều mở những phiên tòa đại hình xét xử, các nhà lãnh đạo Công Giáo thường bị buộc vào tội thông đồng với kẻ thù và nhiều tội trạng khác : Hồng Y Mindzenty ở Hung, Giám mục Béran ở Tiệp Khắc, Giám mục Stépinac ở Nam Tư, Hồng Y Wyszynski ở Ba Lan…
Ngoài chính sách bách hại nặng nề, các nước Đông Âu còn dựng lên những nhóm giáo hội cấp tiến tự trị trong lãnh thổ của mình.
4. Việc giải thực (décolonisation) và các Giáo Hội trẻ
Trong vòng 20 năm sau Thế chiến II, các Đế quốc thực dân thay nhau sụp đổ. Các nước thuộc địa lần lượt đứng lên giành độc lập. Trong tình huống này, Kitô giáo bị liên hệ và được coi là tôn giáo do thực dân Âu Châu du nhập. Họ đổ lỗi cho Kitô giáo cùng với thực dân làm lu mờ truyền thống văn hóa lâu đời của họ. Cùng lúc giành độc lập chính trị, họ cũng độc lập tôn giáo.
Từ năm 1949, nhà nước Cộng sản Trung Quốc đòi người kitô hữu phải thoát khỏi ảnh hưởng của ngoại bang, giành quyền tự trị trong ba lãnh vực : lãnh đạo, quản trị tài chính và giảng đạo. Do đó, các giáo sĩ ngoại quốc bị trục xuất hoặc hành quyết.
Các quốc gia mới độc lập làm thành thế giới thứ ba qui lỗi cho Tây Phương trong đó có Kitô giáo đã làm cho họ nghèo đói.
Các vị lãnh đạo Giáo Hội phải ra sức lên tiếng phân biệt việc rao giảng Phúc Âm và công cuộc thực dân.
Nhiều vị giám mục các nước thuộc địa khẳng định đấu tranh giành độc lập là hợp pháp.
Các giám mục bản quốc dần dần được thay thế các giám mục Châu Âu. Các xứ truyền giáo trực tiếp tùy thuộc Rôma qua các vị Đại Diện Tông Tòa, nay trở thành các giáo phận tương tự như các giáo phận trong Giáo Hội cũ Âu Châu. Công cuộc giải thực làm phát sinh các Giáo Hội trẻ thật sự tự lập. Phải nói ngay rằng sự tự lập này đã khởi đầu sớm hơn nơi các giáo hội Thệ Phản hải ngoại, vì họ ít hướng về Âu Châu hơn so với các Giáo Hội Công Giáo.
Chương XX
GIÁO HỘI THỜI CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Công Đồng Vatican II có ý nghĩa như là kết quả của khoảng 20 tìm tòi về mục vụ và thần học, đồng thời như một khúc quanh của Giáo Hội đang thấm nhiễm tinh thần Trentô.
Vatican II gợi lên nhiều hi vọng, dường như làm tiêu tan thái độ hiểu lầm giữa Giáo Hội và thế giới. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những khó khăn mà chúng ta sẽ thấy.
I. CÔNG ĐỒNG VATICAN II
1. Thời kì chuẩn bị
Được Đức Thánh Cha Gioan XXIII loan báo ngày 25 tháng 1 năm 1959, Công Đồng được chuẩn bị trong hai thời. Thời tiền chuẩn bị mở đầu hôm 2-5-1959 : thành lập một ủy ban do Đức Hồng Y Tardini trưởng ban, có nhiệm vụ tổ chức và thu thập ý kiến khắp nơi, kết thúc hôm 1-5-1960.
Thời chuẩn bị mở đầu hôm 5-6-1960, từ đây các nhân viên thuộc 10 Ủy Ban, 3 Văn Phòng và Ủy Ban Trung Ương (được triệu tập hôm 14-11-1960) chung sức vạch ra 73 lược đồ. Thời này kết thúc hôm 11-6-1962.
Tuy vậy, nội dung vẫn chưa được rõ ràng, nhưng Đức Thánh Cha chia ra làm 2 mục tiêu lớn là :
– Cập nhật hóa Giáo Hội và tông đồ vụ trong thế giới đang biến chuyển sâu xa.
– Hiệp nhất các kitô hữu.
2. Diễn tiến Công Đồng (bốn kì họp)
– Khóa họp đầu tiên từ (11-10 đến 8-12-1962), có khoảng 2400 nghị phụ hiện diện : có những quan sát viên từ những Giáo Hội khác được mời, có lúc 31 vị, rồi lên tới 93 vị lúc bế mạc Công Đồng. Ngoài ra còn có sự hiện diện của nam nữ dự thính viên giáo dân.
Trong khóa họp này, Công Đồng duyệt xét các lược đồ về : Mạc khải, Phụng Vụ, Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, Đại Kết, Giáo Hội (phần I). Những sự kiện quan trọng trong kì này : Công Đồng quyết định hoãn lại nhiều cuộc bầu chọn vào các Ủy Ban, vì không ưng danh sách do Giáo Triều giới thiệu ; sứ điệp gửi thế giới “như là báo thức Hiến Chế Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay” ; gửi lại cho các ủy ban lược đồ “Hai Nguồn Mạc Khải” để điều chỉnh.
– Khóa hai : Sau khi ra Thông Điệp “Hòa Bình Trên Trái Đất” được vài tháng thì Đức Gioan XXIII từ trần (1963). Đức Phaolô VI lên kế vị và tiếp tay vào công cuộc mà Đức Gioan đã khởi sự. Trong khóa này có đề cập nhiều đề tài : tính tập đoàn của Giám mục, vấn đề đại kết và tự do tôn giáo ; công bố Hiến Chế Phụng Vụ và Sắc lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội. Năm 1964, Đức Thánh Cha ra khỏi nước Ý để hành hương Thánh địa. Đây là cuộc hành hương trở về nguồn, cử chỉ hiệp nhất. Tại đây, người gặp Thượng phụ Constantinôpôli Athênagoras. Tháng 5-1964, thành lập Văn phòng liên lạc với những người ngoài Kitô giáo. Số lược đồ giảm xuống còn 17.
– Khóa họp III : Các nghị phụ bàn thảo về tự do tôn giáo, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, về Các Giáo Hội Đông Phương… Công Đồng đề nghị thành lập một Thượng Hội Đồng Giám Mục, họp định kì. Tháng 12 năm 1964, với chuyến hành hương tới Bombay (Ấn Độ), Đức Giáo Hoàng liên lạc với Thế giới thứ Ba.
– Khóa họp IV : là khóa họp cuối cùng (1965), mọi bản văn được tranh luận trước đây được bỏ phiếu và ban hành.
Ngày 4-10-1965, Đức Phaolô VI lên diễn đàn Liên Hợp Quốc ở New York. Lời Kêu gọi hòa bình của Người gây tiếng vang lớn. Ngày 7-12, Rôma và Constantinôpôli chính thức hủy bỏ vạ tuyệt thông đã ra cho nhau năm 1054. Ngày 8-12-1965, Công Đồng bế mạc.
3. Những nét đặc biệt
trong chiều hướng cởi mở của Công Đồng
Công Đồng muốn mình là Công Đồng mục vụ, nhằm nói với mọi người đương thời. Công Đồng không đưa ra định tín nào, không đưa ra một kết án hay vạ tuyệt thông nào cả.
– Nét chủ yếu trong chiều hướng này là thần học trở về nguồn. Hiến Chế Mạc Khải nhấn mạnh sự duy nhất của Mạc khải, mà không được tách biệt giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Việc trở về với Lời Chúa là công việc quan trọng và cần thiết hàng đầu. Ngoài ra còn nói tới chức tư tế phổ quát của người kitô hữu, Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, tính tập đoàn Giám mục.
– Cởi mở với các kitô hữu và các tôn giáo khác, trong đó đề cao quyền bất khả xâm phạm của con người, quyền tự do theo chân lí… Mọi người đều có quyền đòi hỏi những điều đó. Sắc lệnh về Hiệp Nhất nhấn mạnh là các Giáo Hội Kitô tiên vàn phải nhìn tới yếu tố chung là Đức Kitô và Phúc Âm.
Về phần mình, Giáo Hội cũng phải sám hối về những sai lỗi của mình, và biết nhìn nhận các chân lí nơi các tôn giáo khác, nhất là các tôn giáo độc thần.
– Đối thoại với thế giới hôm nay, Hiến chế Mục Vụ, Công Đồng đưa Giáo Hội vào một cuộc đối thoại mới với thế giới, trong đó vấn đề hôn nhân và gia đình, văn hóa kinh tế, xã hội chính trị, xây dựng hòa bình, thiết lập văn phòng liên lạc với những người vô tín (4-1965)
Vatican II chấm dứt thời kì Công Đồng Trentô. Sinh hoạt của Giáo Hội bắt đầu dựa vào Công Đồng. Tuy nhiên, tất cả không phải là suôn sẻ.
II. TÌNH HÌNH GIÁO HỘI SAU CÔNG ĐỒNG
1. Tòa Thánh thực hiện những chỉ thị của Công Đồng
Theo tinh thần của Đức Phaolô VI, đã đến lúc Giáo Hội đi vào tinh thần Công Đồng và trung thành áp dụng những chỉ thị mà Công Đồng đặt ra. Nhất là hai lãnh vực thay đổi quan trọng là phụng vụ và cơ cấu tổ chức Giáo Hội. Phụng vụ được dùng tiếng bản quốc, đặt lại giá trị phụng vụ lời Chúa, chịu lễ hai hình, đồng tế… ; về cơ cấu Giáo Hội : cải tổ Giáo Triều, bớt những gì không cần thiết…
– Ở cấp cao hơn, việc áp dụng tính tập đoàn Giám mục, hình thức Thượng Hội Đồng Giám Mục và hình thức này nhóm họp đầu tiên vào năm 1967…
2. Những nỗ lực canh tân trong Giáo Hội theo chiều hướng Công Đồng. Tòa Thánh đã làm cho mọi người chú ý những chỉ thị cụ thể, đến lượt toàn thể Giáo Hội nỗ lực canh tân theo những chiều hướng của những chỉ thị này. Những việc canh tân xúc tiến trong mọi lĩnh vực : Tinh thần tập đoàn và cộng tác đối thoại, mục vụ, bí tích, giáo lí, phụng vụ Thánh lễ… canh tân đời sống tu trì, về vấn đề phó tế vĩnh viễn, giáo dân được trao nhiều sinh hoạt trong Giáo Hội và được đề cao… Việc hành hương của vị Cha chung, tiếp xúc gặp gỡ… và nhất là về Thánh Kinh : có bộ Kinh Thánh dịch chung với người Tin Lành lấy tên là TOB.
Ngoài ra, quyền con người cũng được đảm bảo. Một loạt các Thông Điệp : “Hòa Bình Trên Trái Đất”, “Phát Triển Các Dân Tộc”…
3. Những xáo trộn và khủng hoảng
– Lý do ngay trong ý hướng canh tân đã ảnh hưởng lớn trong đời sống Giáo Hội, tâm thức và cách hành xử của người Công Giáo. Trong đó có cơn khủng hoảng về linh mục (riêng năm 1963-1978 có 32.000 đơn xin hồi tục), ơn gọi bị giảm sút… Nhưng có lẽ khủng hoảng trầm trọng nhất liên hệ đến Thông Điệp “Sự Sống Con Người” (Humanae Vitae 7-1968) về vấn đề hôn nhân và kế hoạch gia đình.
Thực ra, khi kể về những khủng hoảng và những hi vọng của Giáo Hội ngày nay hẳn không bao giờ hết. Chúng ta biết rằng yếu tố chủ chốt đưa đến vấn đề là : có một sự căng thẳng nào đó giữa tính phổ quát của Giáo Hội và của sứ điệp Phúc Âm một bên, còn bên kia là Giáo Hội địa phương. Thực tế không phải như thế. Vì mọi khu vực cũng như các Giáo Hội địa phương đều có những quan tâm và những ưu tư của mình, nghĩa là Giáo Hội địa phương vẫn còn nét đặc thù riêng. Do vậy, những cuộc cải cách chính Giáo Triều nhằm đáp ứng một phần những vấn đề trên.
– Nói về lịch sử thì mọi thời có một sự kiện khác nhau. Chúng ta hôm nay có ánh sáng Công Đồng Vatican II soi chiếu và mở lối, nhưng không phải đã đủ hoàn toàn, mà chúng ta có thể gặp khó khăn không kém xưa.
Lm. Micae Trần Đình Quảng