Hôm thứ Sáu, ngày 22.03, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng đã trình bày bài suy niệm cuối cùng trong loạt bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm nay dành cho Giáo triều Rôma. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của Đức Hồng y:
Năm 2024 – Bài 5: TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG
Trong hành trình theo Tin Mừng Thứ Tư để khám phá Chúa Giêsu là ai đối với mình, chúng ta đi đến giai đoạn cuối cùng. Chúng ta bước vào phần thường được gọi là “diễn từ cáo biệt” của Chúa Giêsu dành cho các Tông đồ. Lần này tôi sẽ không cố gắng tóm tắt bối cảnh và làm nổi bật những thành phần và chi tiết khác nhau của bài diễn từ này. Vì khi làm như thế sẽ giống như việc cố gắng vẽ những chiếc hộp và phân biệt các phần trong dòng dung nham chảy xuống từ miệng núi lửa. Do đó, chúng ta hãy đi thẳng vào những lời mà chúng ta dự định suy tư trong bài suy niệm này:
“Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em,thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”. Ông Tôma nói với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Ðức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy(Ga 14,3-6).
“Ta là đường, là sự thật và là sự sống”: đây là lời mà duy chỉ một người trên thế giới mới có thể và đã tuyên bố được. Đức Kitô vừa là đường vừa là đích đến của cuộc hành trình. Là Lời hằng hữu của Chúa Cha, Người là Sự Thật và là Sự Sống; Là Ngôi Lời nhập thể, Người là Đường.
Chúng ta đã có cơ hội suy niệm Đức Kitô là Sự Sống, khi chú giải về lời của Người “Ta là bánh trường sinh”, Đức Kitô là Sự Thật khi chú giải về lời khác của Người “Ta là ánh sáng thế gian”. Vì thế, chúng ta hãy tập trung vào Đức Kitô là Đường. Sau khi chiêm ngắm Đức Kitô như một món quà, chúng ta có cơ hội chiêm ngắm Người như một mẫu mực. Như Kierkegaard viết: “Vì thời Trung cổ ngày càng lạc lối khi nhấn mạnh khía cạnh của Đức Kitô như một mẫu mực, Luther đã nhấn mạnh khía cạnh khác, khi khẳng định rằng Đức Kitô như một món quà và việc chấp nhận món quà này tùy thuộc vào đức tin”. Kierkegaard nói thêm, “nhưng bây giờ chúng ta cũng phải nhấn mạnh đến Đức Kitô như một mẫu mực, nếu chúng ta không muốn giáo lý về đức tin trở thành chiếc lá nhằm che đậy những thiếu sót chống Kitô giáo nhất” [1].
Chúa Giêsu tiếp tục nói với những người mà Ngài gặp gỡ – tức là với chúng ta vào lúc này – những gì Ngài đã nói với các Tông đồ và với những người Ngài đã gặp trong cuộc sống trần thế của mình: “Hãy đến mà theo Ta”, hoặc ngắn gọn hơn “Hãy theo Ta!” Việc đi theo[2] Đức Kitô là một chủ đề vô tận. Cuốn sách được yêu thích nhất và được đọc nhiều nhất trong Giáo hội, sau Kinh thánh, về chủ đề này là cuốn Gương Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ hạn chế nói về từ này nhiều vì chúng ta cần chuyển sang một số ứng dụng thực tế, luôn mang tính chất tâm linh và cá vị, như chúng ta đã đặt ra cho mình trong phần suy niệm này.
Chủ đề đi theo Đức Kitô chiếm một vị trí quan trọng trong Tin Mừng Thứ Tư. Đi theo Chúa Giêsu gần như đồng nghĩa với việc tin vào Người. Tuy nhiên, tin là một thái độ của trí óc và ý chí; hình ảnh “con đường” làm nổi bật một khía cạnh quan trọng của đức tin, đó là “bước đi”, nghĩa là tính năng động phải là đặc điểm của đời sống người Kitô hữu và tác động mà đức tin phải có đối với lối sống của người ấy. Không giống như “tin tưởng” và “yêu mến”, “đi theo” không chỉ biểu thị một thái độ cụ thể của trí óc và con tim, mà còn vạch ra cho người môn đệ một chương trình sống. Đi theo bao hàm sự tham gia hoàn toàn: lối sống, số phận và sứ mạng của Chúa.
* * *
Với sự nhấn mạnh đến tình tiết rửa chân, Thánh Gioan muốn nêu bật một lĩnh vực đặc biệt và ưu tiên của việc theo Đức Kitô, đó là phục vụ (Ga 13, 12-15). Nhưng tôi sẽ không nói về phục vụ. Tôi đã dành bài giảng cuối cùng của Mùa Chay năm 2022 cho chủ đề này rồi và không cần phải lặp lại nữa. Suy cho cùng, tôi là người có ít tư cách nhất để nói về sự phục vụ, vì trong đời tôi hầu như chỉ làm công việc “phục vụ Lời Chúa”, một công việc tuy quan trọng nhưng tương đối dễ dàng và hữu dụng hơn nhiều việc phục vụ khác trong Giáo hội.
Tôi muốn nói về đặc điểm của việc đi theo Đức Kitô và phân biệt sự đi theo này với bất kỳ hình thức đi theo nào khác. Người ta thường nói rằng một nghệ sĩ, một triết gia, một nhà văn được đào tạo trong trường của vị thầy nổi tiếng này hay vị thầy nổi tiếng kia. Ngay cả trong chúng ta, những tu sĩ, người ta cũng nói rằng chúng ta được đào tạo tại trường, một số từ Benedict, một số từ Đa Minh, một số từ Phanxicô, một số từ Ignatius Loyola và một số từ những vị thánh nam, nữ khác. Nhưng có một sự khác biệt cơ bản giữa việc đi theo này và việc đi theo Đức Kitô. Điều này được diễn tả, không thể nào tốt hơn, bằng chính những lời của Thánh Gioan, ở cuối Lời tựa Tin Mừng của ngài: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Ðức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17).
Đối với những tu sĩ chúng ta, điều này có nghĩa là: Luật dòng được ban cho chúng ta qua Đấng Sáng Lập, nhưng ân sủng và sức mạnh để thực thi luật chỉ đến với chúng ta từ Chúa Giêsu Kitô. Đối với chúng ta cũng như đối với tất cả các Kitô hữu, những lời của thánh Gioan còn có ý nghĩa triệt để hơn: đó là Tin Mừng đã được Chúa Giêsu trần thế ban cho chúng ta, nhưng khả năng tuân giữ và thực hành Tin Mừng chỉ đến với chúng ta từ Đức Kitô phục sinh, nhờ Thánh Thần của Người!
Về vấn đề này, Thánh Tôma Aquino đã viết những lời từ miệng của một vị tiến sĩ Giáo hội ít được công nhận hơn ngài sẽ khiến chúng ta bối rối. Khi chú giải về câu nói của Thánh Phaolô “Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6), Thánh Tôma viết: “Qua chữ viết, chúng ta muốn nói đến mọi luật lệ thành văn vẫn còn ở bên ngoài con người, bao gồm cả những luật luân lý chứa đựng trong Phúc âm; Đó là lý do tại sao, ngay cả chữ viết của Phúc Âm cũng có thể giết chết, nếu ân sủng đức tin chữa lành không được thêm vào nó” [3]. Và ngay trước đó, ngài nói rõ rằng “ân sủng chữa lành chúng ta” không gì khác hơn là “ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu” [4]. Thánh Augustinô hiểu điều này từ trải nghiệm cá nhân và do đó đã sáng tác lời cầu nguyện đặc biệt của mình: “Lạy Chúa, Chúa truyền lệnh cho con phải sống khiết tịnh. Vậy thì, xin hãy cho con điều Ngài ra lệnh và sau đó truyền cho con điều Ngài muốn” [5].
Đây là lý do tại sao đa phần bài diễn từ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đều có đối tượng là Đấng Phù Trợ (Paraclete), Đấng mà Người sẽ sai đến với các Tông đồ. Chúng ta hãy nhớ lại một số lời hứa của Chúa Giêsu về vấn đề này:
Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em (16,12-14).
Nếu Chúa Giêsu là “Đường” (trong tiếng Hy Lạp, odòs), thì Chúa Thánh Thần là “Người Dẫn Đường” (trong tiếng Hy Lạp, odegòs, hoặc odegìa). Đây là cách Thánh Gregory thành Nyssa định nghĩa về Chúa Thánh Thần, và đây là cách Giáo hội Latinh kêu cầu Ngài trong kinh Veni Creator. Hai câu “Ductore sic te praevio – vitemus omne noxium”, thực ra có nghĩa là “Được Ngài thương hằng chỉ lối mở đường, là tránh khỏi muôn lỗi lầm nguy hại” [6].
* * *
Trong số các chức năng khác nhau mà Chúa Giêsu gán cho Đấng Phù Trợ trong việc Ngài làm thay cho chúng ta, chức năng mà chúng ta muốn tập trung vào là chức năng của Đấng Nhắc Nhở: “Nhưng khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14,26). “Ngài sẽ làm cho anh em nhớ lại”: bản Vulgate tiếng Latinh được dịch là: Ngài sẽ gợi ý cho anh em.
Trong rạp hát, người nhắc tuồng được giấu bên trong một cái hốc nhỏ và khán giả không nhìn thấy được: giống như Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng mọi sự, nhưng vẫn vô hình, và có thể nói, ở phía sau hậu trường. Người nhắc tuồng phát âm các từ với giọng trầm để khán giả không nghe thấy, và Thánh Thần cũng nói “bằng giọng trầm”, một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, không giống như những người nhắc tuồng phàm nhân, Thánh Thần không nói tới đôi tai người nghe mà nói tới những con tim; Ngài không gợi ý một cách máy móc những lời của Phúc âm, như thể lấy từ một bản văn, nhưng Ngài giải thích, điều chỉnh, và áp dụng Phúc âm vào các tình huống.
Tất nhiên, chúng ta đang nói về “những nguồn cảm hứng của Thánh Thần”, điều được gọi là “những nguồn cảm hứng tốt lành”. Trung thành với các nguồn cảm hứng là lộ trình ngắn nhất và chắc chắn nhất dẫn đến sự thánh thiện. Thoạt đầu, chúng ta không biết Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta nên thánh thiện cụ thể như thế nào; Chỉ có Thiên Chúa mới biết và mạc khải điều đó cho chúng ta khi chúng ta tiến bước trên lộ trình này. Vì vậy, việc có một chương trình hoàn hảo rõ ràng rồi thực hiện dần dần là chưa đủ. Không có một mô hình hoàn hảo giống hệt nhau cho tất cả mọi người. Thiên Chúa không sản xuất hàng loạt các vị thánh, Ngài không thích nhân bản vô tính (cloning). Mỗi vị thánh là một phát minh chưa từng có của Thánh Thần. Thiên Chúa có thể đòi hỏi nơi người này khác hẳn với điều mà Ngài yêu cầu người khác. Theo đó, để đạt tới sự thánh thiện, người ta không thể chỉ giới hạn mình trong việc tuân theo những quy tắc chung áp dụng cho mọi người. Họ cũng phải hiểu những gì Thiên Chúa đòi hỏi đối với mình, và chỉ nơi mình mà thôi.
Giờ đây, điều Thiên Chúa muốn, khác biệt và cụ thể nơi mỗi người, có thể được khám phá qua các biến cố của cuộc sống, qua lời Kinh thánh, và qua sự hướng dẫn của vị linh hướng, nhưng phương thế chính yếu và thông thường là nguồn cảm hứng của ân sủng. Đó là những lời thôi thúc nội tâm của Thánh Thần trong sâu thẳm tâm hồn, qua đó Thiên Chúa không chỉ bày tỏ điều Ngài mong muốn nơi chúng ta, mà còn ban sức mạnh cần thiết, và thường cả niềm vui, để hn thành điều đó, nếu chúng ta ưng thuận.
Chúng ta hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu Mẹ Têrêsa Calcutta kiên trì tuân thủ các quy tắc giáo luật có hiệu lực trong các tu viện thời bấy giờ. Cho đến năm 36 tuổi, Têrêsa là một nữ tu trong Hội dòng, trung thành với ơn gọi và tận tuỵ với công việc của mình, nhưng chẳng có gì gợi lên sự phi thường nơi chị. Trong chuyến đi bằng xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling để dự tĩnh tâm năm, thì một sự kiện làm thay đổi cuộc đời chị đã xảy ra. Chúa Thánh Thần “thì thầm” vào tai chị một lời mời gọi rõ ràng: Hãy rời bỏ dòng, rời bỏ cuộc sống trước đây của con, và sẵn sàng để Ta tùy ý thực hiện công trình mà Ta sẽ chỉ cho con. Đối với các nữ tu của Mẹ Têrêsa, ngày này – tức là ngày 10.09.1946 – được nhớ đến là “Ngày truyền cảm hứng“.
Khi phải đưa ra những quyết định quan trọng cho bản thân hoặc cho người khác, nguồn cảm hứng phải được đệ trình và xác nhận bởi vị có thẩm quyền hoặc cha linh hướng của mình. Trên thực tế, đây là điều mà Mẹ Têrêsa đã làm. Bạn sẽ gặp nguy hiểm nếu chỉ dựa vào nguồn cảm hứng mang tính cá nhân của mình.
Những nguồn cảm hứng tốt lành có điểm chung với nguồn cảm hứng trong Kinh thánh, tất nhiên, ngoài thẩm quyền và phạm vi, về cơ bản là khác nhau. “Thiên Chúa phán với Abraham…”, “Chúa trò chuyện với ông Môsê”: Sự biểu thị này của Chúa, theo quan điểm hiện tượng học, không khác với những gì xảy ra theo nguồn cảm hứng của ân sủng. Tiếng nói của Thiên Chúa, ngay cả ở trên núi Sinai, không vang vọng bên ngoài mà vang vọng bên trong tâm hồn dưới hình thức rõ ràng, thôi thúc, đến từ Chúa Thánh Thần. Mười điều răn không phải được ngón tay của Thiên Chúa khắc trên những tấm đá nhưng là trên trái tim của Môsê, và sau đó ông đã khắc những giới răn này trên những bia đá. “Chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1,21); họ là những người nói nhưng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy; họ lặp lại bằng miệng những gì họ nghe được trong lòng. Tiên tri Giêrêmia nói rằng Thiên Chúa ghi khắc luật pháp của Ngài vào lòng con người (Gr 31,33).
Mọi sự trung thành với nguồn cảm hứng đều được đền đáp bằng những nguồn cảm hứng ngày càng thường xuyên và mạnh mẽ hơn. Như thể linh hồn đang được rèn luyện để đạt được nhận thức ngày càng rõ hơn về ý muốn của Thiên Chúa và dễ dàng thực hiện ý muốn đó hơn.
* * *
Vấn đề tế nhị nhất liên quan đến nguồn cảm hứng luôn là vấn đề phân định những gì đến từ Thần Khí của Thiên Chúa và những gì đến từ tinh thần thế tục, từ những đam mê của chính mình, hoặc từ ác thần. Chủ đề về sự phân định các thần khí đã trải qua tiến trình phát triển đáng kể qua nhiều thế kỷ. Ban đầu, sự phân định được hiểu là đặc sủng dùng để phân biệt – giữa những lời nói, lời cầu nguyện và lời tiên tri được công bố trong cộng đoàn –những lời nào đến từ Thần Khí của Thiên Chúa và những lời nào thì không. Trong việc thực hành phân định cộng đoàn, đối với Thánh Tông Đồ, đặc sủng nói tiên tri phải đi kèm với đặc sủng phân định các thần khí: “Người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí” (1 Cr 12,10).
Ý nghĩa nguyên thủy này của đặc sủng, theo cách hiểu của Thánh Phaolô, dường như rất rõ ràng và được giới hạn. Thánh nhân tập trung vào việc tiếp nhận và đánh giá lời tiên tri bởi một hoặc nhiều thành viên trong hội đồng, vốn là những người cũng được ban cho thần khí nói tiên tri. Tuy nhiên, điều này cũng không được thực hiện dựa trên sự phân tích hợp lý mà dựa trên sự gợi hứng của chính Thánh Thần. Vì thế, cảm thức phân định (diakrisis) dao động giữa việc phân biệt và giải thích: phân biệt xem đó là Thần Khí của Thiên Chúa nói hay một thần khí khác nói, giải thích điều Thánh Thần muốn nói trong một tình huống cụ thể. Lời khuyên nổi tiếng của Thánh Tông đồ cũng đề cập đến ơn phân định này: “Đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5, 19-22).
Nếu phải tính đến trải nghiệm hiện nay của các phong trào Ngũ Tuần và Đặc Sủng, chúng ta phải nghĩ rằng đặc sủng này hệ tại ở thẩm quyền của cộng đoàn, hoặc của một số thành viên trong cộng đoàn, phản ứng cách tích cực trước một lời tiên tri, một câu trích dẫn trong Kinh thánh, hoặc một lời cầu nguyện, bằng cách bày tỏ sự tán thành với sự cảm thán “Tôi xác nhận!”, hoặc bằng những dấu hiệu nhỏ khác của đầu và giọng nói, hoặc ngược lại, bằng sự thinh lặng và chuyển sang việc khác – biểu thị một phán đoán tiêu cực. Bằng cách này, lời tiên tri đúng hay sai sẽ được đánh giá “theo hoa trái” mà nó tạo ra (hoặc không tạo ra) như Chúa Giêsu đã khuyên dạy (x. Mt 7,16). Một cách ngẫu nhiên, ý nghĩa ban đầu này của việc phân định các thần khí, vẫn có thể rất phù hợp ngay cả ngày nay trong các cuộc tranh luận và gặp gỡ, giống như những gì chúng ta đang bắt đầu trải nghiệm trong cuộc đối thoại hiệp hành.
Vào những thời kỳ tiếp theo, trong cả linh đạo Đông phương lẫn Tây phương, đặc sủng phân định thần khí, chủ yếu dùng để phân định nguồn cảm hứng của người môn đệ từ vị trưởng lão (như trong đời sống đan tu), và nói chung hơn, là để phân định nguồn cảm hứng của chính mình. Sự tiến triển này không phải là tùy tiện; thật ra, đó là cùng một ân ban, ngay cả khi nó được áp dụng cho các chủ đề khác nhau và trong bối cảnh khác nhau: bối cảnh cộng đoàn trong trường hợp thứ nhất, và bối cảnh cá nhân trong trường hợp thứ hai.
Có những tiêu chuẩn để phân định mà chúng ta có thể gọi là mục tiêu. Trong lĩnh vực giáo lý, đối với Thánh Phaolô những tiêu chuẩn này được tóm tắt trong việc nhìn nhận Đức Kitô là Chúa: “chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: “Giêsu là đồ khốn kiếp!”; cũng không ai có thể nói rằng: “Ðức Giêsu là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12, 3); đối với thánh Gioan, những tiêu chí này được tóm tắt trong đức tin vào Đức Kitô và sự nhập thể của Người:
Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian. Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Ðấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Ðức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa (1 Ga4,1-3).
Trong lĩnh vực luân lý, tiêu chuẩn căn bản được đưa ra là sự gắn kết giữa Thần Khí của Thiên Chúa với chính Thiên Chúa. Thần Khí của Thiên Chúa không thể đòi hỏi điều gì trái ngược với ý Thiên Chúa, như được diễn tả trong Kinh thánh, trong giáo huấn của Giáo hội và trong các bổn phận theo bậc sống của mỗi người. Nguồn cảm hứng thần linh sẽ không bao giờ yêu cầu chúng ta thực hiện những hành vi mà Giáo hội coi là vô đạo đức, cho dù xác thịt có thể đưa ra những lý lẽ lừa dối trong những trường hợp này; chẳng hạn, Thiên Chúa là tình yêu và do đó mọi việc được thực hiện vì tình yêu đều đến từ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, đôi khi những tiêu chuẩn khách quan này không đủ vì đây không phải là vấn đề chọn lựa giữa điều thiện và điều ác, mà là giữa điều tốt này với điều tốt khác và vấn đề là phải xem đâu là điều Thiên Chúa muốn, trong một hoàn cảnh cụ thể. Trên hết, để đáp ứng nhu cầu này, Thánh Ignatius Loyola đã phát triển học thuyết của mình về sự phân định [7].
Tôi hầu như thấy xấu hổ khi đề cập đến chủ đề này ở đây…, nhưng vẫn cần phải nói một điều gì đó. Thánh Ignatius mời gọi chúng ta tuân theo các ý định – ngài gọi chúng là “các thần khí ” – vốn ẩn giấu đằng sau một lựa chọn và những phản ứng mà các thần khí này khơi lên. Chúng ta biết rằng những gì đến từ Thần Khí của Thiên Chúa đều mang lại niềm vui, sự bình an, yên tĩnh, ngọt ngào, đơn sơ và ánh sáng. Ngược lại, những gì đến từ thần dữ sẽ mang theo sự xáo trộn, kích động, lo lắng, bối rối, và bóng tối. Thánh Phaolô nhấn mạnh điều này bằng cách đối chiếu những hoa quả của xác thịt (hận thù, bất hòa, ghen tương, chia rẽ, bè phái, đố kỵ) với những hoa trái của Thánh Thần, đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5, 22).
Trong thực tế, mọi việc thực sự phức tạp hơn nhiều. Một nguồn cảm hứng có thể đến từ Thiên Chúa nhưng lại gây ra sự xáo trộn lớn. Nhưng điều này không phải do nguồn cảm hứng ngọt ngào và bình an như mọi thứ đến từ Thiên Chúa; đúng hơn, nó phát sinh từ sự kháng cự lại nguồn cảm hứng, hoặc từ việc nó yêu cầu chúng ta điều gì đó mà chúng ta không sẵn lòng làm. Nếu chúng ta đón nhận nguồn cảm hứng, tâm hồn sẽ sớm tìm thấy sự bình an sâu xa. Thiên Chúa ban thưởng cho mỗi chiến thắng nhỏ trong lĩnh vực này, khiến tâm hồn cảm nhận được sự tán thành của Ngài, đó là niềm vui thuần khiết nhất tồn tại trên thế gian.
Một lĩnh vực trong đó điều quan trọng là phải thực hành phân định – ngoài các ý định và quyết định – là lĩnh vực cảm xúc. Không có gì ngấm ngầm hơn tình yêu. Tự nhiên rất khéo léo trong việc coi những gì đến từ thần khí thực sự đến từ xác thịt. Trong lĩnh vực này, hơn bao giờ hết, cần phải thực hành lời khuyên mà nhà thơ Latinh Ovid đưa ra chính xác về những tệ nạn của tình yêu: “Principiis obsta”: “Hãy đối lập với chính mình ngay từ đầu” Sero medicina paratur: “Đã quá muộn để chữa trị, khi bệnh tật do trì hoãn quá lâu nên đã mạnh lên” [8].
* * *
Thành quả cụ thể của việc suy niệm này phải là một quyết định đổi mới để phó thác hoàn toàn bản thân cho sự hướng dẫn nội tâm của Chúa Thánh Thần, như thể đó là một loại “linh hướng” vô hình. Chúng ta phải hoàn toàn phó mình cho vị Thầy nội tâm, Đấng nói với chúng ta mà không cần lời nói ồn ào. Giống như những diễn viên giỏi, chúng ta phải luôn chú ý lắng nghe tiếng nói của “người nhắc tuồng” ẩn mặt này, trong những dịp lớn nhỏ, để trung thành thể hiện vai trò của mình trên sân khấu cuộc đời. Đây chính là ý nghĩa của cụm từ “ngoan nguỳ với Thánh Thần”.
Điều đó dễ dàng hơn chúng ta nghĩ, bởi vì Thánh Thần nói với chúng ta, dạy chúng ta mọi thứ, và hướng dẫn chúng ta mọi sự. Đôi khi chỉ cần một cái nhìn nội tâm đơn giản, một chuyển động của tâm hồn, một khoảnh khắc suy tư và cầu nguyện là đủ. Thánh Gioan viết trong Thư thứ nhất của ngài:
Phần anh em, dầu mà anh em lãnh nhận từ Ðức Kitô ở lại trong anh em,và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa. Nhưng vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá (1 Ga 2,27).
Về những lời này, Thánh Augustinô đã thiết lập một cuộc tranh luận sôi nổi và khác thường với Thánh Tông đồ. Trong bài chú giải về Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan, thánh nhân viết:
Thưa Thánh Gioan, tôi hỏi ngài: “Những người mà ngài nói những lời này đã được xức dầu rồi… Vậy tại sao ngài lại viết thư này cho họ? Tại sao ngài lại hướng dẫn họ?”… Thưa người anh em, ở đây có một mầu nhiệm lớn lao mà chúng ta cần phải suy tư. Âm thanh lời nói của chúng ta lọt vào tai, nhưng vị thầy đích thực lại ở bên trong… Chúng ta có thể khuyên nhủ bằng âm thanh của giọng nói, nhưng nếu không có người dạy bên trong thì đó chỉ là tiếng động vô ích [9].
Nếu việc đón nhận những nguồn cảm hứng là quan trọng đối với mọi Kitô hữu thì nó cũng quan trọng đối với những người nắm vai trò điều hành trong Giáo hội. Chỉ bằng cách này, chính Thần Khí của Đức Kitô mới được phép hướng dẫn Giáo hội của Người thông qua các đại diện nhân loại của Người. Không nhất thiết tất cả hành khách trên tàu đều phải dán tai vào đài phát thanh trên tàu để nhận tín hiệu về tuyến đường, về những tảng băng trôi, và về điều kiện thời tiết, nhưng điều cần thiết là những người có trách nhiệm trên tàu phải làm như vậy. Chính từ một “nguồn cảm hứng thần linh” được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII can đảm đón nhận mà Công đồng Vatican II ra đời. Cũng thế, sau ngài, những cử chỉ mang tính tiên tri khác cũng đã ra đời, mà những người đến sau chúng ta sẽ nhận thấy.
Lễ Phục Sinh sắp đến, xin Chúa Phục Sinh làm vang lên trong tâm hồn chúng ta một trong những lời “Ta là” mang tính thần linh của Người mà chúng ta đã suy niệm trong những bài suy niệm Mùa Chay năm nay! Đặc biệt là lời tuyên bố chiến thắng vượt qua của Người: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26).
Kính chúc Đức Thánh Cha, quý anh chị em: Lễ Phục Sinh vui vẻ và thánh thiện!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (25. 03. 2024)
Nguồn: WHĐGMVN – 29/03/2024