“Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”.
Bài Ðọc I: Dc 2, 8-14
“Ðây người tôi yêu đến, nhảy qua núi”.
Bài trích sách Diễm Ca.
Tiếng người tôi yêu, đây người đến, nhảy qua núi, băng qua đồi. Người tôi yêu giống như nai rừng, ví tựa hươu con. Ðó, người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song.
Này người tôi yêu nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến! Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta. Thời cắt tỉa đã đến, tiếng chim gáy véo von trên đất chúng ta. Cây vả sinh trái đầu mùa, vườn nho trổ hoa thơm ngát. Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến!
“Bồ câu ta trong hốc đá, trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi”.
Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 11-12. 20-21
Ðáp: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, hãy ca mừng Người bài ca mới!
Xướng: Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, và đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.
Xướng: Ý định của Chúa tồn tại muôn đời; tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Xướng: Linh hồn chúng ta mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng ta. Bởi vậy lòng chúng ta hân hoan trong Chúa, chúng ta tin cậy ở thánh danh Người..
Tin Mừng: Lc 1, 39-45
Ngày ấy, Ma-ri-a chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giu-đê-a. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà I-sa-ve, và khi bà I-sa-ve nghe lời chào của Ma-ri-a, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà; và bà I-sa-ve được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
B/Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
VIẾNG THĂM BÀ Ê-LI-SA-BÉT
1. Vừa mang thai Đức Giê-su, Đức Ma-ri-a đã vội vã đi thăm bà Elizabeth. Đức Mẹ vừa vào nhà thì việc lạ đã xảy ra: hài nhi Gioan đã nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth! Được Chúa Thánh Thần soi sáng bà đã cất tiếng ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Lãnh sứ mạng sinh Chúa Cứu Thế, Đức Ma-ri-a đã nghĩ ngay đến người khác. Mẹ đem Chúa đến cho thân nhân, Mẹ thực thi bác ái trọn hảo. Và theo lời bà Ê-li-sa-bét, Mẹ nêu gương lòng tin tuyệt vời vào Lời Chúa phán hứa. Chính nhờ niềm tin vững mạnh đó mà Mẹ đã được Thiên Chúa chọn sinh Đấng Cứu Thế.
2. Phải có tinh thần biết chia sẻ cho người khác.
Sau khi đón nhận tin cưu mang Đấng Cứu thế, Đức Ma-ri-a đã vội vàng đi thăm gia đình Da-ca-ri-a để chia sẻ niềm vui trong gia tộc. Mẹ ra đi loan truyền niềm vui cho bà chị họ và đem Đấng Cứu Thế đến cho Gio-an Tẩy Giả. Vì thế, thai nhi nhảy mừng trong lòng mẹ như là lời đáp trả được đón nhận niềm vui cứu độ mà Tin Mừng đã trình bày. Ma-ri-a đã đem lại niềm vui cho gia đình bà chị họ và cũng tạo thêm cho chính Mẹ niềm vui, niềm vui chờ đón Con Mẹ khi dấn thân phục vụ mà Mẹ đã biểu lộ qua lời ca Magnificat.
Con người không những cần được cung cấp của ăn thức uống cho thân thể, nhưng còn phải được chia sẻ tâm tình trong cuộc sống. Đúng là: ”Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Chúng ta củng phải theo gương Đức Mẹ mà biết chia sẻ cho ngưới khác vì như người ta nói: ”Niềm vui mà được chia sẻ thì tăng lên gấp bội, còn nỗi buồn mà được chia sẻ thì được giảm đi một nửa”.
3. Ảnh hưởng hỗ tương của việc thăm viếng.
Khi chúng ta thăm viếng một người nào, chúng ta tự nhận thấy là mình đang làm một việc tốt đẹp cho người đó. Đó là sự thật. Nhưng chúng ta cũng được lợi cho mình nữa.
Khi thăm viếng, Ma-ri-a đem đến cho ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét niềm vui và sự phục vụ, đồng thời chính Ngài lại đón nhận được sự nâng đỡ về tinh thần: Ngài thêm xác tín về lời sứ thần khi thấy bà chị họ hiếm muộn mà bây giờ đã có thai. Ngài ngỡ ngàng khi thấy mầu nhiệm được làm Mẹ Đấng Thiên Sai, nay đã được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ biết. Niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của bà Ê-li-sa-bét đã động viên Ngài cất lên lời ngợi khen cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong kinh ngợi khen Magnificat.
4. Đức Ma-ri-a, mẫu gương của bác ái.
“Đức Ma-ri-a đã vội vã ra đi lên miền núi”: điều đó nói lên sự nhiệt tình của Đức Ma-ri-a trong việc đi thăm viếng, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ gia đình bà chị đang bối rối vì mang nặng đẻ đau. Dù phải đi bộ đến ba, bốn ngày đường xa xôi hiểm trở cũng không ngăn cản nổi gót liễu yếu đào tơ đầy lòng thương mến của Ngài.
Dầu Đức Ma-ri-a có nhiều lý do để không ra đi, không tiến hành cuộc hành trình: nào là từ nay phải giữ gìn sức khỏe nhằm lợi ích cho thai nhi. Nào là đường đi xa xôi, nguy hiểm, lại phải mất ba bốn ngày mới tới nơi. Lộ trình này có nhiều rủi ro nguy hiểm, nhất là cho thân gái dậm trường. Trước những trở ngại này và thêm vào đó không có một chỉ thị nào về phía Chúa bảo phải đi, để Ma-ri-a có lý do từ chối.
Những lý do trở ngại ấy không cản bước được Đức Ma-ri-a. Người ta dễ dàng né tránh lời mời gọi của bác ái, nại đến những lý do ít nhiều chính đáng. Nhưng lòng quảng đại của Đức Ma-ri-a phá tan mọi chần chừ, lưỡng lự để vội vã lên đường. Đúng là tình yêu mạnh hơn sự chết.
5. Truyện: Lòng bác ái của bác sĩ Longet.
Bác sĩ Longet là một người Pháp, đã từng phục vụ ở Việt nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Doley, người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc các bệnh nhân bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày lẫn đêm.
Được hỏi tại sao ông quí mến bệnh nhân như thế?
Bá sĩ Longet đáp:
– Vì tôi thấy Chúa Giê-su trong mỗi bệnh nhân.
Chính vì thế, mỗi sáng khi đi dự thánh lễ, bệnh nhân lương hay giáo, ai muốn đi ông đều chở trên xe; mỗi chiều Chúa nhật, ông lại chở các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này nơi nọ. Và mỗi tối ông lần hạt chung với người Công giáo. Ít lâu sau, ông Longet trở về nước Pháp, vào chủng viện dâng mình làm Linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức xong, ông lâm trọng bệnh và qua đời trước khi tới nơi hằng mong ước.
C/ Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Bác ái không chỉ là giúp đỡ về phương diện vật chất, bác ái còn là biết đem Chúa đến cho người khác. Và đây chính là hình thức bác ái cao cả nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đạo của Chúa vẫn được gọi là đạo bác ái. Mở Phúc Âm ra hầu như trang nào con cũng thấy Chúa đề cao đức bác ái. Đối với Chúa, cốt lõi của đạo chính là đức bác ái. Điều răn trọng nhất đối với Chúa chính là điều răn bác ái. Tội nặng nhất đối với Chúa cũng chính là tội lỗi về đức bác ái.
Cuộc sống khó khăn, kinh tế eo hẹp nhiều lúc làm cho con ra ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ nghĩ đến gia đình, ai sống chết mặc ai. Nhiều lúc con dửng dưng, thờ ơ trước những nỗi thống khổ của anh em, nỗi khổ vật chất cũng như nỗi đau tinh thần.
Xin Chúa cho con được mặc lấy tâm tình bác ái của Mẹ Maria, cho con biết mở lòng ra với mọi người, biết chia sẻ cho người bất hạnh, biết cắt nghĩa lành cho người khác, biết tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình.
Lạy Chúa, xin cho con biết lên đường cùng với Mẹ Maria, biết đi bước trước đến với mọi người, không nghĩ đến lợi ích riêng mình, nhưng quan tâm đến hoàn cảnh sống của anh em. Xin cho con biết ra đi với trái tim đầy yêu thương, với đôi tay luôn giang rộng và với đôi chân luôn tiến bước.
Xin Chúa cho con biết bắt chước Mẹ Maria, cưu mang Chúa nhưng không chỉ giữ cho riêng mình, trái lại, biết trao ban, chia sẻ và giới thiệu Chúa cho mọi người. Xin cho con biết sống sạch tội và kết hợp với Chúa, để nhờ có Chúa trong lòng, mọi việc con làm sẽ đem lại hoa trái cứu độ cho người khác.
Lạy Chúa, xin cho gia đình chúng con tâm hồn bác ái như thánh Phan-xi-cô thành Át-si-di. Amen.
Ghi nhớ: “Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”.
D/ Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Đời người là một cuộc hành trình, và cuộc hành trình nào cũng là một cưu mang: mơ ước được gặp gỡ, chia sẻ, sống trong tự do, xây dựng đời sống, do đó cuộc hành trình nào cũng chứa đựng nhiều hăm hở.
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, đon đả ra đi lên miền Sơn Cước. Đức Maria đã chỗi dậy, vì cưu mang con trong lòng. Cưu mang con trong lòng cũng có nghĩa là nuôi dưỡng một niềm vui bất tận: đứa con càng lớn, niềm vui càng tăng.
Niềm vui nào cũng đòi được chia sẻ. Đức Maria đã không cất giữ trong lòng niềm vui vừa cưu mang, nhưng Người đã vội vàng đem niềm vui đến cho người khác.
Đích điểm cuộc hành trình của Đức Maria là một miền núi. Núi cao là nơi trắc trở, nhưng cũng thường là nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người. Và cũng từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, con người mới có thể đến với người khác.
Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Maria và người chị họ Isave là kết thúc của cuộc ra đi. Không ai đi để tiến về cô đơn, để giam mình trong cõi chết, nhưng ra đi là để gặp gỡ, chia sẻ.
Đời người Kitô hữu là một hành trình trong đức tin. Hành trình nào cũng có khởi điểm và đích điểm. Cũng như Đức Maria đã tiến lên đường sau khi cưu mang Chúa Giêsu, người Kitô hữu cũng khởi đầu cuộc hành trình bằng sự sống Thiên Chúa đã được thông ban qua Bí tích Rửa tội.
Cưu mang sự sống mới, người Kitô cũng vội vã ra đi đem niềm vui cho người khác, đó là tất cả sứ mệnh và ý nghĩa của đời sống đức tin. Người cưu mang Đức Kitô phải ý thức rằng đạo của họ là đạo Tin mừng, đường của họ là đường của rộn rã, vui tươi.
Điểm đến của cuộc hành trình dĩ nhiên là cuộc sống vĩnh cửu, nhưng cuộc sống này cũng chỉ là một cuộc gặp gỡ nối dài những gặp gỡ mà con người đã thực hiện trong cuộc sống tại thế. Điểm đến ấy sẽ không đến với những ai đã chối bỏ gặp gỡ người anh em trong cuộc hành trình tại thế.
Mùa vọng là mùa của cưu mang, của cất bước ra đi. Chúng ta hãy để Đức Kitô lớn lên trong tâm tư, suy nghĩ, hành động của chúng ta. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy ra đi đến với người khác. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy biến mọi gặp gỡ hằng ngày thành những trao đổi của yêu thương, phục vụ, quên mình, tha thứ và vui tươi.