BÀI CHÍN :
LỜI CHÚA VÀ CÔNG CUỘC RAO GIẢNG TIN MỪNG
Lm. Giuse Nguyễn Đức Cường
DẪN NHẬP
Lời Chúa và công cuộc rao giảng Tin Mừng có một tương quan hữu cơ.
– Rao giảng Tin Mừng là làm vang lên một lời kêu gọi để những thế hệ Kitô hữu mới bước đi một cách sáng suốt, vui tươi, nhờ Thánh Thần dẫn dắt, theo con đường của Đức Kitô dẫn họ tới Cha Ngài. Như thế, người rao giảng Tin Mừng “không tự mình mà nói nhưng chính là làm vang lên một lời kêu gọi đến từ xa”.[1] Lời kêu gọi từ xa ấy chính là Lời Chúa.
– Tuy nhiên, Lời Chúa sẽ chẳng vang vọng lên được nếu không có người rao giảng như Thánh Phaolô nói : “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi ? (Rm 10,14-15).
Chúng ta sẽ tìm hiểu mối tương quan hữu cơ này.
I. LỜI CHÚA VÀ NGUỒN GỐC CỦA CÔNG CUỘC RAO GIẢNG TIN MỪNG
Hiến Chế Mạc Khải viết : “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết Mầu nhiệm Thánh ý Ngài (x. Ep 1,9)… Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau”.[2] Tuy nhiên, Thiên Chúa không trực tiếp nói với hết mọi người nhưng Ngài “nói với những người được đặc ân và qua họ, Ngài nói với Dân Ngài và với tất cả mọi người”.[3]
Chính Thiên Chúa đã chọn một số người và trao cho họ sứ mạng chuyển đạt Lời Ngài cho người khác. “Những người này theo nghĩa rộng của từ ngữ là những sứ ngôn như ngôn sứ Isaia, Giêrêmia …”.[4]
Cũng vậy, “khi muốn dẫn đưa con người đạt tới sự sống vĩnh cửu nhờ việc tuân giữ huấn lệnh của Người, Chúa Giêsu Kitô chỉ dùng một phương thế duy nhất : đó là lời giảng dậy của những người lãnh trách nhiệm loan báo cho toàn thể thế giới những điều phải tin, những việc phải làm để được ơn cứu sống…
Vậy Người đã tuyển chọn các Tông đồ, và sau khi đã nhờ Thánh Linh tác động, ban cho các ông tràn đầy ơn tương xứng, Người đã truyền lệnh : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).[5]
Do đó, chính việc rao giảng Tin Mừng là một tác động của Thiên Chúa. Nhờ tác động của Thiên Chúa trên người đi rao giảng mà lời của con người biến đổi thành Lời của Thiên Chúa như Thánh Phaolô nói : “Anh em đã đón nhận Lời của Thiên Chúa mà tôi rao giảng cho anh em không như lời con người nhưng đúng là Lời của Thiên Chúa, vì thật sự là như vậy” (1Tx 2,13) hay “Thiên Chúa huấn dụ qua chúng tôi” (2Cr 5,20).[6]
Như vậy, nguồn gốc của công cuộc rao giảng Tin Mừng phát xuất từ chính Lời Chúa.
II. LỜI CHÚA VÀ NỘI DUNG CỦA LỜI RAO GIẢNG
1. Giáo huấn của Đức Kitô :
Giáo Hội là thừa sai. Giáo Hội sinh ra thừa sai. Đức Kitô đã ban cho Giáo Hội lệnh truyền không bao giờ hết hiệu lực : “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dậy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20) hay “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là những chứng nhân của những điều này” (Lc 24,45-48).
Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần thúc đẩy các tông đồ ra khỏi nhà tiệc ly, Thánh Phêrô nói :
“Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”. (Cv 2,32).
Vậy, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, nội dung mà các tông đồ phải rao giảng và làm chứng là :
– Những điều Chúa Giêsu đã truyền,
– Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu.
Như thế, nội dung của lời rao giảng chính là Lời Chúa.
2. Giáo huấn của Giáo Hội :
Trung thành với giáo huấn của Đức Giêsu, trải qua mọi thời đại, Giáo Hội luôn nhắc nhở con cái mình về nội dung của lời rao giảng chính là Lời Chúa.
a. Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XV :
“Nội dung rao giảng : Chúa Kitô và tất cả những mầu nhiệm về Người”.
Khi nói về nội dung của lời rao giảng, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XV đã viết : “Nếu thử tìm xem Thánh Phaolô vốn quen giảng dậy những đề tài nào, chúng ta sẽ thấy rằng chính Ngài đã đem tất cả chủ đề giảng dậy của Ngài vào trong câu này : “Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Phải làm sao cho mọi người nhận biết Đức Giêsu Kitô hơn, và nhờ đó, họ biết không những điều phải tin, mà còn cách thế phải sống ở đời nữa”.[7]
b. Công đồng Vatican II :
Hiến chế Tín lý về Mạc Khải : Việc rao giảng phải được nuôi dưỡng nhờ Lời Chúa.
“Thừa tác vụ Lời Chúa – nghĩa là việc rao giảng thuộc mục vụ, dạy giáo lý và huấn dụ Kitô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ phải chiếm một chỗ quan trọng – phải được nuôi dưỡng cách an lành và gia tăng sinh lực cách thánh thiện, nhờ Lời Kinh Thánh”.[8]
c. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI :
Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng : Nội dung của việc rao giảng là Lời Chúa.
“Giáo Hội được giao cho giữ gìn Tin Mừng phải loan báo. Những lời hứa Giao ước mới nơi Đức Giêsu Kitô, giáo huấn của Chúa và các tông đồ. Lời ban sự sống, những nguồn ân sủng, con đường cứu độ, tất cả được ủy thác cho Giáo Hội. Đó là nội dung của Tin Mừng, nên cũng là nội dung của việc Tin Mừng hóa mà Giáo Hội gìn giữ như một ký thác sống động và quý báu, không phải để giấu kín nhưng để truyền đạt…
Đã được sai đi và đã được Tin Mừng hóa, chính Giáo Hội lại sai phái những kẻ loan báo Tin Mừng… không phải con người hay tư tưởng cá nhân của họ, nhưng truyền giảng một Tin Mừng mà cả họ lẫn Giáo Hội đều không phải là chủ hay sở hữu chủ tuyệt đối để tùy tiện sử dụng, vì họ chỉ là những thừa tác viên để truyền đạt một cách hết sức trung thành thôi”.[9]
d. Sứ điệp gửi cho Dân Chúa của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ V (1977) về việc huấn giáo :
“Do sứ mạng của mình, Giáo Hội có nhiệm vụ truyền bá không ngơi nghỉ và một cách sống động Lời Thiên Chúa, không ngừng đào sâu sự hiểu biết về con người, về sứ điệp cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”.[10]
e. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II :
Tông Huấn Dậy Giáo Lý : Nội dung của việc dạy Giáo lý là Lời Chúa.
“Việc dạy giáo lý là một giai đọan của việc Tin Mừng hóa…. Do đó, việc dạy giáo lý bao giờ cũng lấy nội dung ở nguồn mạch sống động là Lời Chúa, thông truyền trong Thánh Kinh và Thánh Truyền vì Thánh Kinh và Thánh Truyền họp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng Lời Chúa và được giao phó cho Giáo Hội”.[11]
Tóm lại, Giáo Hội luôn trung thành với giáo huấn của Chúa khi không ngừng nhắc nhở con cái mình rằng nội dung của việc rao giảng Tin Mừng là chính Lời Chúa.
III. LỜI CHÚA VÀ CÁC HÌNH THỨC RAO GIẢNG TIN MỪNG
Để thấy rõ tương quan hữu cơ giữa Lời Chúa và công cuộc rao giảng Tin Mừng, chúng ta cần phải có cái nhìn về các hình thức rao giảng Tin Mừng trải qua các thế kỷ hầu có thể nhận ra cái gì là bất biến và cái gì cần phải thay đổi.
1. Ý nghĩa của cụm từ “rao giảng Tin Mừng”
Cụm từ “Rao Giảng Tin Mừng” không mang một ý nghĩa bất biến trong dòng lịch sử. Ý nghĩa của nó chuyển biến theo không gian, thời gian và các hoàn cảnh mục vụ.
Thật vậy, từ ban đầu, rao giảng Tin Mừng (euangelizesthai) có nghĩa là “loan báo biến cố cứu độ hay việc công bố long trọng sự kiện : Đức Giêsu là Chúa và là Đấng cứu độ khởi đi từ Tin Mừng Phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Người đã chiến thắng sự chết (kerygma)”.[12]
Tiếp theo, việc rao giảng Tin Mừng trở thành việc giảng dậy (didaskein), khuyến dụ (parakalein) bắt đầu từ Mầu Nhiệm Phục Sinh, đã được tóm tắt thành tín thức mà Thánh Phaolô đã lãnh nhận : “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như Lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như Lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3-4). Chính Thánh Phaolô đã soạn thảo việc giảng dậy của Ngài bắt đầu từ Mầu Nhiệm Phục Sinh như khi ngài giảng về sự khôn ngoan của thập giá (1Cr 1,23) hay về Phép Rửa là tham dự vào sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu (Rm 6,1-8).
Vào thế kỷ thứ 16, một tên gọi mới liên hệ tới việc rao giảng Tin Mừng, đó là “Giáo lý”. Rồi vào thập niên 1950-1960 lại xuất hiện một từ khác : “Huấn giáo”. Ngày nay, cụm từ Rao Giảng Tin Mừng bao gồm các ý nghĩa : loan báo biến cố cứu độ, khuyến dụ, giảng dậy, giáo lý hay huấn giáo. Người ta phân biệt :
– Kerygma : Loan báo Tin Mừng cho người chưa tin.
– Pré-catéchèse : Tiền giáo lý hay tiền huấn giáo : trình bày Kitô giáo cho người dự tòng.
– Catéchèse : Giáo lý hay huấn giáo : Đào sâu đức tin cho người tín hữu.
Trong thực tế, vì các em được Rửa tội ngay từ bé nên việc rao giảng Tin Mừng bao gồm cả 3 việc trên.[13]
2. Các hình thức rao giảng Tin Mừng
Trải qua các thời đại, Giáo Hội đã dùng nhiều hình thức để thực hiện lệnh truyền rao giảng Tin Mừng của Chúa : thuyết giáo, nghiên cứu thần học, huấn giáo, cử hành Lời Chúa, các bí tích…
a. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI :
Trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, ngài đã đưa ra một số hình thức rao giảng Tin Mừng sau đây :
1) Làm chứng bằng đời sống : Phương thế Tin Mừng hóa thứ nhất là làm chứng bằng một đời sống Kitô hữu đích thực : phó thác cho Thiên Chúa trong niềm hiệp thông không gì cắt đứt được và hiến thân cho tha nhân bằng một lòng nhiệt thành không giới hạn. “Người đương thời sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là những thầy dậy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính các thầy dậy cũng là những chứng nhân”.[14]
2) Phụng vụ Lời : Bài giảng lễ, bài giảng khi cử hành các bí tích và á bí tích : Họp nhau thành một Giáo hội Vượt Qua để cử hành lễ mừng Chúa hiện diện giữa họ, các tín hữu chờ đợi nhiều ở việc giảng giải Tin Mừng. Bài giảng này phải giản dị, sáng sủa, thích hợp, gắn bó sâu xa với lời dạy của Tin Mừng và trung thành với giáo huấn của Giáo Hội. Ngoài ra, với cuộc canh tân phụng vụ, khi cử hành các bí tích và á bí tích, Lời Chúa được đề cao, nên bài giảng trong lúc này sẽ là một cơ hội quý báu để truyền đạt Lời Chúa.[15]
3) Huấn giáo (dạy giáo lý) : Một đường lối không thể xao lãng trong công cuộc rao giảng Tin Mừng là dạy giáo lý. Trí khôn thiếu nhi, thiếu niên cần tới việc dạy đạo có hệ thống để học biết những điều căn bản, nội dung sống động của chân lý mà Thiên Chúa muốn truyền lại cho chúng ta. Việc dạy giáo lý này phải nhằm giáo dục nếp sống Kitô hữu chứ không phải chỉ là kiến thức mà thôi. Việc dạy giáo lý cần thích nghi với lứa tuổi, với văn hóa, với khả năng của học sinh. Luôn cố ghi vào trí nhớ các chân lý chủ yếu. Cần đào tạo những người dạy tốt : giáo lý viên giáo xứ, cha mẹ.[16]
4) Vai trò của các bí tích : Việc Tin Mừng hóa chứng tỏ tất cả sự phong phú của mình khi thực hiện mối liên lạc thâm sâu nhất giữa Lời Chúa và các bí tích. Vai trò của Tin Mừng hóa là giáo dục các tín hữu biết sống, chứ không phải lãnh nhận một cách thụ động các bí tích.[17]
5) Lòng đạo đức bình dân : Lòng đạo đức bình dân nếu được định hướng một cách đúng đắn, nhất là bằng một đường lối sư phạm Tin Mừng hóa, nó sẽ mang lại nhiều kết quả tốt. Nó biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới có được. Nó khiến người ta có thể đại độ và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin…[18]
b. Tân Tin Mừng hóa hay tái truyền giáo (La nouvelle évangélisation) [19]
Đức Hồng Y Martini kể rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với các Đức Giám Mục vùng Lombardie, nhân dịp các vị này sang Roma thực hiện cuộc viếng ad limina ngày 2.2.1991, như sau : “C’est l’heure de la nouvelle évangélisation” (Đây là giờ khắc của cuộc tân Tin Mừng hóa).[20] Từ lời dẫn nhập này, Đức Hồng y đã đề nghị cách thức thực hiện cuộc tân Tin Mừng hóa như sau :
1) Đối tượng : Những người đã được rửa tội nhưng hiện đã mất đức tin.
2) Nhân sự : Linh mục, tu sĩ và giáo dân. Hiện nay, trong những vùng, những giáo xứ vẫn có những người sống đạo tốt nhưng cũng không thiếu những người đã mất đức tin. Vì thế, cần thiết phải thăng tiến hoạt động mục vụ và truyền giáo của những tu sĩ và giáo dân.
3) Cách thế : Những cách thế khác nhau của việc Tin Mừng hóa trong Tân Ước :
– Cách thứ nhất : Rao giảng. Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15).
– Cách thứ hai : Mời gọi. Mời gọi mọi người đến dự tiệc cưới (x. Mt 22,1-10). Chúng ta thực hiện các thức này khi kêu gọi các tín hữu đến với Giáo Hội.
– Cách thứ ba : Lôi cuốn. Cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi không gửi các sứ giả đi loan báo Tin Mừng, nhưng vẫn có nhiều người gia nhập Giáo Hội vì họ bị cách sống của cộng đoàn lôi cuốn.
– Cách thứ tư : Tỏa sáng. Tin Mừng hóa bằng đời sống gương mẫu như đèn đặt trên giá (Mt 5,16).
– Cách thứ năm : Gây ảnh hưởng. Thánh Phêrô đã chỉ cho các bà vợ có chồng không tin Lời Chúa cách chinh phục chồng mình đến với đức tin như sau : “Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em” (1Pr 3,1-2).
– Cách thứ sáu : Men trong bột. Tân Ước có nói tới cách này khi nói về một người phụ nữ bỏ men vào bột để cả thúng bột dậy men.
Các giáo dân khó có thể sử dụng các phương thế rao giảng hay mời gọi như các linh mục, nhưng họ có thể Tin Mừng hóa bằng cách tỏa sáng, gây ảnh hưởng, men trong bột. Cộng đoàn giáo xứ phải tìm ra những cách thế để lôi kéo người mất đức tin, nhất là những cách thế tôn kính Tin Mừng cách cụ thể.
3. Sự biến đổi của hình thức rao giảng Tin Mừng.
Theo ý nghĩa của cụm từ “rao giảng Tin Mừng”, chúng ta thấy ý nghĩa của nó được mở rộng ra tùy theo sự biến đổi của hình thức rao giảng Tin Mừng. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự biến đổi của một hình thức rao giảng Tin Mừng là “Huấn Giáo”.
Việc huấn giáo là một trong các cách biểu hiện của việc rao giảng Tin Mừng. Nó cần được hiểu trong mối liên hệ và trong tính cách bổ túc với các hình thức loan báo khác. Trong tính cách là một hành vi truyền thông, nó có các quy tắc riêng, theo đúng như kinh nghiệm của các Kitô hữu xuyên qua các thế kỷ đã sáng chế ra nó. Vì thế, nó có một lịch sử riêng trải dài từ thế kỷ đầu của Giáo Hội cho tới ngày nay.
Trải qua các thế kỷ, do thách thức của xã hội, nền văn hóa, Giáo hội đã đưa ra nhiều kiểu mẫu huấn giáo khác nhau như khai tâm, tập luyện, giáo hóa, thực nghiệm…
a. Các thế kỷ đầu tiên :
Trong các thế kỷ đầu, Giáo Hội đưa ra đường lối khai tâm. Để chuẩn bị cho những người chịu Bí tích Rửa Tội, Giáo Hội đề nghị một thời gian khai tâm nằm trong giai đoạn của thời kỳ dự tòng : một thời gian dài để lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Giáo Phụ Hippolite de Rome, trong cuốn “Truyền thống các tông đồ”, được biên soạn năm 215, đã viết về việc chuẩn bị và cử hành Phép Rửa như sau :[21]
– Sau khi kiểm tra về lý do theo đạo và thực hành hoán cải, người theo đạo được công nhận là dự tòng, nghĩa là có khả năng nghe Lời Chúa.
– Người dự tòng nghe Lời Chúa trong 3 năm.
– Tiếp theo, người dự tòng chính thức được chấp nhận cho nghe Tin Mừng, tứclà khai tâm về Mầu nhiệm cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô.
– Sau một đêm canh thức với những bài đọc Kinh Thánh và những lời chỉ giáo. Người dự tòng được chịu Bí tích Rửa tội vào rạng đông ngày Chúa Nhật. Sang thế kỷ thứ IV, sau khi chịu Bí tích Rửa tội vào ngày Lễ Phục Sinh, người dự tòng còn trải qua thời kỳ huấn giáo về các mầu nhiệm, danh từ được dùng để chỉ các bí tích, trong suốt tuần lễ Phục sinh.[22]
b. Thời thế giới Kitô giáo toàn tòng (Thế kỷ VI-XV) :
Trong thế giới Kitô giáo toàn tòng này, khuôn mẫu dự tòng rơi vào quên lãng, trong khi việc rửa tội cho trẻ em được phổ biến. Vì thế, lúc này Giáo Hội nắm vai trò của người mẹ và của người giáo dục. Cộng đoàn giáo xứ bắt đầu xuất hiện, Ngôi nhà thờ giáo xứ, nhà của Thiên Chúa, cũng là nhà của dân chúng. Đức tin là tài sản chung mà mọi người cùng chia sẻ. Trong khuôn khổ giáo xứ, việc huấn giáo tập trung vào việc tập tành sống theo các tập quán và phong cách Kitô giáo : một nghệ thuật sống cho đáng sống và chết cho đáng chết.[23]
c. Sự xuất hiện của các sách giáo lý (Tk XVI-XIX) :
Vào thời này, Châu Âu xảy ra hai cuộc cải cách lớn của Công giáo và Tin Lành. Trước tình trạng mù tôn giáo, cả hai đáp ứng bằng sách giáo lý. Sự hiểu biết chi tiết các mầu nhiệm đức tin chiếm một chỗ quyết định trong nền huấn giáo Kitô giáo. Việc huấn giáo có hệ thống cần thiết giúp mỗi người biết được điều gì cần thiết cho ơn cứu độ. Dạy giáo lý cho trẻ em là trọng tâm mục vụ của thời cận đại này. Các sách giáo lý đầu tiên :
– Tin Lành : Cuốn đại giáo lý Đức Quốc của M. Luther (4.1529), dành cho người lớn và trẻ em. Cuốn tiểu giáo lý thư, viết theo lối hỏi thưa (7.1529), dành cho các mục sư và các giảng viên.
– Công giáo : Sách giáo lý Công đồng Trentô hay Giáo lý Roma (1566). Nội dung rút từ Kinh Thánh và các giáo phụ, dành cho trẻ em và người lớn ít học.[24]
d. Thế kỷ XX : Canh tân giáo lý
Cuộc canh tân giáo lý đã khởi sự trong Giáo Hội trong thế kỷ XX.[25] Nhiều lý do thúc đẩy cuộc canh tân này :
– Trước tình trạng suy thoái ở nhiều nơi trong Giáo Hội.
– Ảnh hưởng của những cuộc canh tân trong Giáo Hội : Thánh kinh, Thần học, Phụng vụ…
– Sự tiến triển của các khoa tâm lý và sư phạm.
– Đặc biệt, do ảnh hưởng của Công đồng Vatican II, “Tông huấn Loan báo Tin Mừng” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn “dậy giáo lý” của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Cuộc canh tân này trải qua 3 giai đoạn : Phương pháp – Nội dung – Chủ đích.
– Phương pháp : đáp ứng nhu cầu của mỗi lứa tuổi.
– Nội dung : Tin Mừng, một sứ điệp tràn đầy niềm vui. Trung tâm của Tin Mừng là Đức Giêsu Kitô.
– Chủ đích : giáo dục đức tin trưởng thành và dấn thân.
IV. CÁI BỀN VỮNG VÀ CÁI THAY ĐỔI
Đọc lại các hình thức rao giảng Tin Mừng trải dài qua các thế kỷ, đặc biệt là lịch sử huấn giáo, chúng ta nhận thấy :
– Cái bền vững, không thay đổi : Lời Chúa.
– Cái thay đổi : hình thức rao giảng Tin Mừng.
Mỗi miền, mỗi thời đại có nền văn hóa khác nhau, não trạng khác nhau,cách hiểu khác nhau… nên người rao giảng Lời Chúa phải tìm kiếm những hình thức thích ứng để làm cho Lời Chúa được người ở vùng đất đó, thời đại đó hiểu và đón nhận. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng đã nói như sau : “…Các hình thức Tin Mừng hóa thay đổi tùy theo những hoàn cảnh khác nhau về thời gian, không gian, văn hóa, do đó chúng như thách thức khả năng khám phá và thích ứng của chúng ta”.[26]
KẾT LUẬN :
Linh mục và công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Có thể nói linh mục là một chuyên viên rao giảng Tin Mừng. Có nhiều phương cách rao giảng Tin Mừng. Đức Hồng Y Martini đề nghị linh mục chúng ta lưu ý đặc biệt tới ba phương cách sau đây :[27]
– Suy niệm Lời Chúa : Mọi tín hữu đều phải suy niệm Lời Chúa, nhưng người có thẩm quyền giúp người tín hữu suy niệm Lời Chúa chính thức là linh mục. Linh mục là người có thẩm quyền không những vì đã được học Kinh Thánh ở chủng viện, mà còn vì Lời Chúa là sự việc của ngài, thuộc về ngài, là quà tặng Thiên Chúa đã ban cho ngài. Linh mục trở thành người trung gian giúp người khác đón nhận Lời Chúa. Vì thế linh mục phải chuyên cần suy niệm Lời Chúa : “Hãy lo gắn bó với Thánh Kinh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng ; nếu không, sẽ có người trong họ thành kẻ rao giảng Lời Thiên Chúa bên ngoài uổng công, bởi vì họ không lắng nghe Lời Chúa đó trong lòng”.[28]
– Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và tột đỉnh của công cuộc rao giảng Tin Mừng. Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao của các bí tích : tổng hợp các bí tích khác và là lời khẩn cầu trợ giúp lớn lao cho thế giới. Thế giới sẽ được cứu độ nhờ ân sủng của Bí tích Thánh Thể và nhờ niềm tin của linh mục chúng ta vào Bí tích này. Vì thế, linh mục phải tìm thấy nơi Bí tích Thánh Thể trung tâm của đời sống mình, trung tâm và tột đỉnh của công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình.
– Hướng dẫn cộng đoàn : Uy quyền và lòng thương xót. Việc hướng dẫn cộng đoàn phải bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể. Do đó, việc hướng dẫn cộng đoàn luôn có hai yếu tố : uy quyền và lòng thương xót, uy quyền luôn đi đôi với lòng thương xót.
Khi điều khiển cộng đoàn, linh mục cần tới uy quyền, nhưng phải lấy uy quyền này từ uy quyền của Chúa Kitô qua việc hiệp thông không mệt mỏi với Chúa Giêsu Thánh Thể, hiệp thông với Giám Mục và vói linh mục đoàn. Uy quyền của linh mục biểu lộ qua việc khôn ngoan hướng dẫn cộng đoàn, nhất là luôn phản chiếu lòng thương xót của Chúa : khoan dung, kiên nhẫn, đòi hỏi nhưng gần gũi.
[1] Thabor – L’encyclopédie des catéchistes – Bản dịch Việt ngữ – Xb năm 2005 – trang 188.
[2] HCMK số 2.
[3] HCMK số 2.
[4] ĐNTHTK từ LỜI CHÚA.
[5] TĐ HUMANI GENERIS, của ĐGH Bênêđictô XV.
[6] x. ĐNTHTK từ RAO GIẢNG.
[7] TĐ HUMANI GENERIS, của ĐGH Bênêđictô XV
[8] HCMK số 24.
[9] THLBTM số 15.
[10] Lời mở đầu Sứ điệp cho Dân Chúa,1977.
[11] THDGL số 26-27.
[12] ĐNTHTK từ RAO GIẢNG.
[13] Lm. Nguyễn văn Tuyên-Sư phạm giáo lý – Xb năm 1995-trang 12.
[14] THLBTM số 41.
[15] THLBTM số 43.
[16] THLBTM số 44.
[17] THLBTM số 47.
[18] THLBTM số 48.
[19] x.M.Martini-Miettes de la Parole, Editions Saint-Augustin 1998, trang 37-43.
[20] Sđd, trang 37.
[21] Thabor, trang 29-30.
[22] Thabor, trang 34.
[23] Thabor, trang 42.
[24] x.Thabor, trang 53-78.
[25] x.Thabor, trang 101-153.
x. Lm J. Nguyễn văn Tuyên – Sư phạm giáo lý, trang 17-30.
[26] THLBTM số 40.
[27] x. M. Martini – Miettes de la Parole – trang 41-43.
[28] HCMK số 25 và TMV 2005 của HĐGMVN số 9.