Bài 3:
Hội Thánh Tại Gia Trong Thư Phaolô
L.m G.B. Ngô Đình Tiến
Qua các trang thư của ngài, thánh Phaolô có một cái nhìn rất phong phú về Hội thánh tại gia. Đây là một hình ảnh Kinh Thánh về Hội thánh sơ khai.
Hội thánh tại gia (house churches)[1] là một hình ảnh Kinh Thánh về Hội thánh sơ khai, có những nét đặc trưng về văn hoá và tôn giáo của những thế kỷ đầu Kitô giáo cũng như mang những dấu ấn đặc biệt của Phaolô. Vì thế, đề tài được chọn để tìm hiểu chủ đề “Phaolô, nhà giáo dục đức tin”. Bài trình bày gồm hai phần: – Những nét tổng quát về Hội thánh tại gia trong các Thư Phaolô, – một số nhận xét về Hội thánh tại gia nhằm rút ra những áp dụng cho Giáo hội ngày nay.
Các tín hữu đầu tiên vẫn tiếp tục tự nhận mình là những người Do Thái đạo đức. Là những kitô hữu gốc Do Thái họ vẫn gắn bó với đền thờ và các thực hành cầu nguyện Do Thái giáo. Nhưng niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh và cảm nghiệm sự hiệp nhất trong Thánh Thần khiến họ dần dần khai triển một hình thức và một địa điểm mới để cùng họp nhau cầu nguyện. Đó là qui tụ cầu nguyện tại tư gia của các kitô hữu, nhất là tại nhà các tín hữu có thế giá trong cộng đoàn, vì không có nơi nào thích hợp hơn. Công vụ Tông đồ nhắc đến các buối cầu nguyện tại tư gia nơi Cv 2, 46 và 5, 42, và đặc biệt là tại nhà của bà Maria, mẹ của Gioan Marcô (Cv 12, 12). Đó là nguồn gốc của Hội thánh họp tại tư gia (house church/oikos ekklesia) vào thời điểm những năm 50 – 60 của Kitô giáo, nổi bật là “Hội thánh tại gia” được trình thuật nơi các thư của thánh Phaolô.
Lý do của sự hình thành Hội thánh tại gia được giải thích như sau. Trong các thế kỷ đầu, nhất là vào thế kỷ 1, Kitô giáo chưa phải là một tôn giáo được chính thức nhìn nhận. Các kitô hữu sơ khai không có nghi thức dâng lễ vật như Do Thái giáo nên không có nhu cầu về đền thờ cũng như chưa có các “linh mục/tư tế” để dâng hy lễ. Họ không có nơi gặp gỡ cầu nguyện chung như hội đường Do Thái giáo, cũng chưa phát triển đủ số lượng cần thiết để xây dựng những nhà thờ riêng biệt. Hơn nữa, số các kitô hữu gốc dân ngoại phát triển mạnh ở một số thành phố nhưng họ lại là tân tòng nên không thể đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng nhà thờ. Vì thế, để qui tụ lại với nhau các kitô hữu trong cùng một vùng đã tổ chức cộng đoàn/hội thánh một cách tương tự như những tổ chức hiện có trong xã hội Hy Lạp – La Mã thời đó (các câu lạc bộ, các hiệp hội tự nguyện) hay tổ chức hội đường Do Thái (synagogue trước hết có nghĩa là sự qui tụ, sau này mới có nghĩa là hội đường tức toà nhà/nơi qui tụ). Các tín hữu sơ khai gọi việc qui tụ hay nhóm họp của họ là ekklesia, có lẽ là để phân biệt với việc qui tụ (synagoge) của người Do Thái. Sử dụng từ Hy Lạp, ekklesia[2] nhưng từ này không còn mang mầu sắc chính trị của nguyên ngữ, trái lại mang ý nghĩa tôn giáo, nghĩa là dân được Chúa chọn gọi/qui tụ để ra khỏi bóng tối và để sống theo ánh sáng của Đức Kitô cũng như của người môn đệ Chúa (x. 1 Pr 2,9-11). Như thế, từ “ekklesia” diễn tả ý thức của các kitô hữu đầu tiên về việc được Thiên Chúa tuyển chọn và về sứ mạng của họ.
Các tín hữu sơ khai qui tụ tại tư gia (house/home) hay theo hộ gia đình (household) vì trong thế giới Hy – La, hộ gia đình (oikos) là tổ chức và tế bào cơ bản của xã hội, tuy nó vượt ra ngoài phạm vi của gia đình hạt nhân. Tiếng Do Thái và Hy lạp không có từ “gia đình” (family) theo nghĩa của ngày nay. Hộ gia đình (Do Thái và Hy Lạp) thường bao gồm: (1) gia đình mở rộng của chủ hộ/chủ gia đình (cha, mẹ, con, cháu, bà con), (2) đầy tớ và nô lệ làm việc cũng như những công dân tự do có liên hệ gắn bó hay có quan hệ nghề nghiệp, buôn bán với hộ gia đình, (3) và tài sản của gia đình. Hộ gia đình khá giả thường có khu vực phòng ăn và sân[3] khá rộng rãi là nơi tiếp đón được một số đông người. Ngoài ra, hộ gia đình là một cơ cấu mang tính gia trưởng nghĩa là chủ hộ là nam giới (paterfamilias), tuy nhiên phụ nữ cũng có quyền hành trong một vài lãnh vực của cuộc sống hộ gia đình (x. Cn 31). Cách riêng, hộ gia đình Do Thái nổi bật với việc cầu nguyện (sáng, tối, trước bữa ăn) và dạy giáo lý trong gia đình. Chính tầm quan trọng của hộ gia đình trong xã hội Hy – La giúp giải thích việc đưa qui luật gia đình vào đời sống Hội thánh như thấy trong Thư Côlôsê, Êphêsô, các Thư Mục vụ và 1 Phêrô. Việc áp dụng các qui luật gia đình này một đàng giúp các kitô hữu không coi nhẹ những bổn phận chính đáng của đời sống xã hội, đàng khác cũng giúp giảm bớt nghi ngờ của giới cầm quyền xã hội đối với Kitô giáo nói chung và Hội thánh tại gia nói riêng. Cách chung, giới cầm quyền vẫn coi Kitô giáo là tôn giáo ngoại lai, có thể gây bất ổn cho xã hội. Tuy nhiên, qui luật/chỉ thị về gia đình này được mô tả và áp dụng theo tinh thần Kitô giáo vào cuộc sống và tương quan giữa các thành viên gia đình (x. Cl 3,18-4,1; Ep 5,21 – 6,9, 1 Pr 3).[4] Hội thánh tại gia như một địa điểm hội họp, cầu nguyện tồn tại suốt 3 thế kỷ đầu nhưng như một cơ cấu tổ chức thì Hội thánh tại gia chấm dứt khoảng gần cuối thế kỷ 1.
Trong khoảng thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo tư gia của một vài kitô hữu (khu vực phòng ăn và sân ngay trước phòng ăn) là khung cảnh diễn ra các sinh hoạt của cộng đoàn, là nơi tín hữu gặp gỡ, hội họp, cầu nguyện.[5] Các ngôi nhà của các hộ gia đình này là nơi chia sẻ và cung cấp nguồn tài nguyên kinh tế cho cộng đoàn và thành viên, là cơ sở hoạt động truyền giáo, là cơ cấu thích hợp cho đời sống người môn đệ Chúa cũng như cho việc lãnh đạo cộng đoàn. Như thế, có thể nói rằng nhà của chủ hộ gia đình vừa là nơi sinh sống của gia đình vừa là nơi hội họp cầu nguyện của cộng đoàn. Nơi ở của gia đình, nhất là khu vực phòng ăn, cung cấp khung cảnh rất thích hợp cho mối quan tâm chính yếu của cộng đoàn tiên khởi. Mối quan tâm này phản ánh việc Chúa Giêsu chọn tầng trên của ngôi nhà để cử hành bữa tiệc ly với các môn đệ, cũng như việc Chúa chọn lựa một “không gian đời thường” làm bối cảnh cho sứ vụ của Ngài và thường xuyên đề cập đến mối liên hệ gia đình với các môn đệ.[6]
Từ hậu bán thế kỷ thứ 2 bắt đầu có sự thay đổi quan trọng. Đó là việc các kitô hữu dành riêng nhà ở của mình để làm nơi hội họp của cộng đoàn, không còn việc sử dụng chung tức là vừa làm nhà ở vừa làm nơi hội họp cầu nguyện. Khu vực phòng ăn được nới rộng hơn để thành phòng hội chung khá lớn, còn các phòng nhỏ thì được dùng cho những sinh hoạt khác của cộng đoàn. Mặc dù cấu trúc bên ngoài vẫn còn rất giống nhà ở nhưng ngôi nhà đã trở thành “nhà thờ”. Dần dần chính quyền cho phép tín hữu xây mới nhà ở của họ và như thế những ngôi nhà mới này phù hợp hơn cho sinh hoạt tôn giáo. Vào năm 314, một năm sau sắc chỉ
Kiểu nói “Hội thánh tại gia” cần được hiểu trong bối cảnh của khái niệm ekklesia và oikos ở trên.[7] Cách cụ thể, trong Thư Phaolô người ta gặp thấy kiểu nói “Hội thánh họp tại nhà…” (he kat’ oikon + [đại danh từ sở hữu] ekklesia), chẳng hạn, tại nhà
Mỗi nhóm họp tại một tư gia, dưới quyền điều hành của chủ hộ, thông thường là nam giới nhưng cũng có thể là nữ giới. Thánh Phaolô thường được xem là người thành lập các Hội thánh tại gia, nhưng chủ nhân lại là giáo dân và đôi khi chính họ có sáng kiến thành lập cộng đoàn.[9] Họ thường hội họp hằng tuần giống như Do Thái giáo (x. 1 Cr 16,2). Đây là Hội thánh tại gia, mà điển hình là gia đình của những người Do Thái làm nghề tự do hay buôn bán nhỏ, sinh sống tại các thành phố Hy Lạp.
Có 2 hình thức Hội thánh tại gia: toàn tòng khi toàn thể thành viên một đại gia đình trở lại và được rửa tội do ảnh hưởng của chủ gia đình (Stephanas: 1 Cr 1,16; Cornelius: Cv 10,24.44-48; viên cai ngục: Cv 16,15.33), và không toàn tòng khi chỉ một số thành viên trong gia đình đón nhận đức tin và được rửa tội. Hình thức thứ nhất tạo nhiều thuận lợi cho việc tổ chức, lãnh đạo Hội thánh tại gia vì có sự thống nhất, hoà hợp giữa gia đình và Hội thánh, tuy cách đón nhận đức tin của mỗi thành viên có thể khác nhau. Nếu số thành viên gia đình (chủ hộ) nhiều thì tự nó đã đủ số làm thành Hội thánh tại gia hay sẽ có thêm vài người ngoài gia đình đến tham dự nếu nhà còn đủ chỗ để hội họp. Hình thức thứ hai là do sự trở lại từng cá nhân (1 Cr 1, 14-15; 7,12-16), hay nói cách khác là các thành viên gia đình có thể theo các tôn giáo khác nhau. Khi đó Hội thánh tại gia tạo thành từ một số thành viên gia đình chủ hộ trở lại cộng với sự tham gia của những người khác ngoài gia đình hoặc từ những người trở lại riêng rẽ đến nhập với gia đình chủ hộ có nhiều thành viên là kitô hữu. Trong trường hợp này những người ngoài đến tham dự phải tùy thuộc quyền điều hành hay những qui định của chủ gia đình nơi hội họp cầu nguyện, và như thế có thể có xung khắc về quyền bính, quyền lợi, tuy cũng có có thể mang lại một số lợi ích như phá bỏ dần những ngăn cách về xã hội, kinh tế. Hơn nữa, sự không đồng nhất về tôn giáo giữa các thành viên gia đình và Hội thánh tại gia cũng tạo nên thái độ cởi mở/tiếp đón đối với người ngoài kitô giáo.
Việc các Hội thánh tại gia họp riêng rẽ nhau và không gian tương đối nhỏ của hộ gia đình cũng có thể tạo nên một số vấn đề. Những Hội thánh tại gia tạo thành một mạng liên kết trong một vùng (chẳng hạn Hội thánh tại Corintô) nhưng thường hội họp riêng rẽ, vì khó có thể hội họp chung tại một nhà, nên từ đó có thể tạo ra tình trạng mỗi nơi phát triển một đường lối (thần học/tu đức) riêng. Không gian và bầu khí gia đình tạo nên sự gắn bó thân mật nhưng cũng có thể tạo nên sự phân nhóm (1 Cr 1,11-13) trong phạm vi rộng lớn hơn của toàn thể Hội thánh tại một vùng (Hội thánh địa phương). Không gian không lớn lắm của phòng ăn trong nhà và sân ngoài trời buộc phải phân chia các tín hữu đến hội họp thành nhiều nhóm khác nhau, chẳng hạn nhóm trong nhà (ăn với tư thế nằm, x. 1 Cr 8,10), nhóm ngoài sân (ăn ngồi, 1 Cr 14,30), nhóm quen thân với chủ gia đình, nhóm người xa lạ, nhóm khá giả, nhóm nghèo túng… (x. 1 Cr 11,17-34).
Không phải bất kỳ cuộc hội họp tại nhà chủ hộ gia đình đều được gọi là Hội thánh tại gia, nhưng để được nhìn nhận là “hội thánh” cuộc qui tụ phải có bốn đặc tính sau đây: koinonia (cộng đoàn), diakonia (phục vụ/sứ vụ), kerygma (rao giảng Tin mừng) và leiturgia (tiệc Thánh thể).[10] Các thành viên của Hội thánh tại gia tạo thành một cộng đoàn nơi đó mọi người đều quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của kẻ khác; tất cả đều có ý thức cùng thuộc về nhau và nối kết với các Hội thánh tại gia ở các nơi khác. Thật vậy, Hội thánh tại gia cổ vũ một ý thức mạnh mẽ về cộng đoàn cũng như các sinh hoạt đều nhấn mạnh tình cộng đoàn (x. Rm 10,12.16; 16,16; Gl 5,13; 6,2) và như thế làm tan vỡ những ranh giới về văn hoá xã hội. Người chủ hộ gia đình và mọi thành viên Hội thánh tại gia phục vụ nhu cầu vật chất-xã hội của nhau vì họ đều là anh chị em trong Chúa Kitô. Tình anh chị em trong Chúa thôi thúc họ phục vụ cả những người ngoài Hội thánh, trong đời sống xã hội. Trong các buổi hội họp họ công bố Lời Chúa, chia sẻ với nhau giáo huấn của Chúa và kinh nghiệm về Ngài cũng như cử hành việc bẻ bánh hay bữa tiệc của Chúa.
Từ những đặc tính trên có thể nói đến hai sinh hoạt chính yếu của Hội thánh tại gia: truyền giáo và dạy giáo lý. Theo Công vụ Tông đồ thì Phaolô trước hết rao giảng cho người Do Thái trong các hội đường, nhưng vì ít thành công nên ngài chuyển cách thức hoạt động và đến ở tại các gia đình có thế giá trong vùng rồi dần dần tìm cách rửa tội họ. Gia đình trở lại này trở thành căn cứ để khai triển sứ mạng truyền giáo. Có thể gọi đây là chiến lược truyền giáo từ nhà này đến nhà khác (Cv 16,13-34; 17,2-9; 18,1-11). Vì thế, Hội thánh tại gia nồng hậu tiếp đón các nhà truyền giáo lưu động (Rm 16,1-2; Pl 2,27-29), là nơi trao đổi thư từ liên lạc (1 Tx 5,27; 2 Cr 1,1; Cl 4,16)và giúp đỡ tài chính cho nhau (Rm 15,25-28; 1 Cr 16,1-4; 2 Cr 8-9).
Gia đình cũng là nơi thuận tiện để cha mẹ giảng dạy, cắt nghĩa giáo lý cho con cái. Đức Giêsu thường cắt nghĩa thêm giáo lý cho các môn đệ khi họ về đến nhà (Mc 7,17; 9,28). Chính nơi khung cảnh gia đình của Hội thánh tại gia mà giáo lý được giảng dạy dễ dàng, đức tin được đón nhận và đào sâu.
Đây chính là yếu tố cho thấy Hội thánh tại gia của các tín hữu sơ khai rất gần với đời sống tôn giáo của gia đình Do Thái. Thông thường chủ hộ (kitô hữu) sẽ điều hành việc hội họp cầu nguyện của Hội thánh tại gia, gồm: hát thánh ca, thánh vịnh, đọc Kinh Thánh Cựu Ước, cầu nguyện chúc tụng, hôn chúc bình an và cử hành bữa tiệc của Chúa (1 Cr 11). Nói chung, hình thức cầu nguyện và giáo lý gia đình bổ túc cho nhau trong khung cảnh Hội thánh tại gia. Có thể nêu lên vài nét đặc trưng của các buổi cầu nguyện tại tư gia như sau. Đó là việc giảng dạy của các Tông đồ, có thể dưới hình thức nhắc hay ôn lại và thảo luận về các lời giảng dạy của Chúa Giêsu (Cv 2,42; 5,42; 11,26; 13,1), hoặc có thể là suy niệm và cố gắng giải thích Kinh thánh của Do Thái (Cựu ước) dưới ánh sáng của biến cố Đức Kitô rao giảng, tử nạn và phục sinh (Lc 24,25-27; 44-45; Cv 8,32; 17,2-3.11). Cầu nguyện cũng đóng vai trò quan trọng trong các hội họp tại gia, đặc biệt là Kinh Lạy Cha (như nơi Mt 6,9-13 và Lc 11,2-4). Các cách xưng hô như Abba (Gl 4,6; Rm 8,15) hay lời đáp Amen (1 Cr 14,16) cũng được sử dụng trong buổi cầu nguyện. Ngoài các hình thức cầu nguyện cố định này còn có những lời cầu nguyện ứng khẩu (Cv 4,24-30; 12,5; 13,3). Nói chung, hình thức cầu nguyện của các tín hữu sơ khai mang tính cầu nguyện thánh linh/tự phát (charismatic) và bày tỏ lòng sốt sắng nhiệt thành (enthusiastic) hơn là những lời cầu nguyện/lời kinh đã hình thành cố định (structured).
Thành viên của “Hội thánh họp tại nhà…” không chỉ bao gồm thành viên của chính hộ gia đình được nhắc tên mà còn có sự tham dự của những thành phần khác nữa, như những người làm ăn buôn bán, những người tân tòng được sát nhập vào gia đình cùng họp nhau cầu nguyện. Thông thường, buổi hội họp cầu nguyện của Hội thánh tại gia, được diễn ra nơi khu vực phòng ăn, gồm thành viên trong gia đình, người làm công phục vụ và bạn bè lân cận. Con số người này có thể lên tới 50 người trong mỗi lần hội họp vì những bằng chứng khảo cổ cho thấy khu vực phòng ăn và sân của những gia đình có thế giá vào thế kỷ 1 có thể dung nạp số người này. Trong số thành viên của hộ gia đình Kitô cũng có thể có những người chưa rửa tội (trường hợp Ôsênimô, Plm 10) hoặc cũng có trường hợp chủ hộ không phải là kitô hữu trong khi các thành viên gia đình đã là kitô hữu (x. Rm 16,11). Như thế, thành phần của Hội thánh tại gia rất đa dạng: Do Thái, Hy Lạp, nô lệ, tự do, giàu, nghèo…Nhưng với số lượng tương đối nhỏ nên mối liên hệ giữa họ sẽ dễ dàng phát triển. Ngoài ra, cơ cấu của buổi cầu nguyện tại gia cũng thuận lợi để phát huy tình hiệp thông.
Tổ chức lãnh đạo của Hội thánh những năm 50 – 60 tức là thời thánh Phaolô, gồm: các Tông đồ (theo nghĩa rộng, như Phaolô, Barnaba, Andronicô và Junia; x. Rm 16,7), các thừa sai phụ tá (như Sylvanô, Titô, Timôtê,
Phaolô coi trọng các phụ nữ trong công việc tham gia điều hành Hội thánh cũng như rao giảng Tin mừng (Rm 16, 1.3.6.12). Ngài tập họp được một số đông phụ nữ cho công việc truyền giáo và tận dụng đặc sủng của phụ nữ để rao giảng Tin Mừng. Ngài không ngại khẳng định điều này trong các thư. Một số cặp vợ chồng hay các phụ nữ được nhắc đến là những người cộng tác đắc lực trong Hội thánh (Phêrô và vợ: 1 Cr 9,5;
Kiểu nói “Hội thánh tại gia” có thể ít gặp thấy nhưng những từ ngữ diễn tả Hội thánh trong mối tương quan hay hình ảnh gia đình lại rất phong phú trong các thư của Phaolô. Các kitô hữu được xem là thành phần của gia đình Thiên Chúa, trong đó Thiên Chúa là Cha (1 Tx 1,1; 3,11; 13,2; 2 Tx 1, 1-2;2,16) và Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhờ đó các kitô hữu là dưỡng tử, đồng thừa tự với Đức Kitô và được phép gọi Thiên Chúa là Abba (Gl 4,4-6; Rm 8,16-17; x. 1 Tx 1,10). Thánh Phaolô áp dụng quan hệ Thiên Chúa, Chúa Giêsu và kitô hữu trong đời sống Hội thánh nên mọi kitô hữu phải đối xử với nhau và phục vụ lợi ích lẫn nhau như trong một gia đình, gia đình đức tin – gia đình Thiên Chúa (Gl 6,10; Ep 2,18-19). Phaolô còn sử dụng những từ ngữ liên hệ đến tổ chức gia đình như người quản lý (oikonomos), tôi tớ, kẻ phục vụ (1 Cr 4,1-2; 9,17; Cl 1,25; 4,7; Ep 3,2; 2; 6,6; Cr 4,5; Rm 1,1), anh em (adelphoi), anh em yêu quý (Gl 1,2; 1 Cr 15,58; 16,20; 2 Cr 9,3; Ep 6,21). Ngài còn tự xưng mình là cha, mẹ, anh em với các kitô hữu và họ là anh chị em hay con cái của ngài (Plm 2,10; Cl 4,9; Pl 2,12. 22; 1 Tx 3,22, Rm 16,13).
Hội thánh vào những năm 70-80 (như trình bày trong Thư Timôthêô, Titô và 1 Phêrô) bắt đầu được củng cố và cơ cấu hoá với thành phần lãnh đạo như giám quản, trợ tá. Hội thánh được tổ chức có qui củ, trong đó vai trò nam giới lãnh đạo được nhấn mạnh và phát triển. Một hình ảnh Hội thánh nổi bật của thời kỳ này có liên quan đến vấn đề đang tìm hiểu, đó là “Hội thánh là gia đình Thiên Chúa” (1 Tm 3,15; 1 Pr 4,17). Để điều hành tốt Hội thánh các giám quản và trợ tá phải có những tiêu chuẩn như biết điều khiển tốt gia đình, biết dạy dỗ con cái…(1 Tm 3, 4-5.12). Kiểu nói Hội thánh gia đình Thiên Chúa gợi lên hình ảnh thành phần làm nên gia đình cũng như Hội thánh là cha, mẹ, con cái, ông bà cũng như người phục vụ gia đình. Từ “Thiên Chúa” trong cách nói “Hội thánh gia đình Thiên Chúa” làm tương đối hoá tầm quan trọng của liên hệ gia đình nhân loại (rất mạnh trong xã hội La-Hy đương thời) đồng thời đề cao hình ảnh “gia đình mới của Chúa Giêsu” trong Tân ước (x. Mc 3,33-35) nơi đó mọi kitô hữu không còn ngăn cách huyết thống, xã hội, kinh tế nhưng là anh chị em với nhau cùng một Cha trên trời.
Tìm hiểu kỹ về Hội thánh tại gia cho thấy mô hình này của Giáo hội sơ khai có những vấn đề cần lưu tâm cũng như có những khả năng gợi lên những áp dụng cho Giáo hội và con người hôm nay. Thật vậy, “Hội thánh tại gia” có thể bị chất vấn nếu áp dụng cách máy móc. Hình mẫu Hội thánh này vẫn lôi cuốn nhiều Giáo hội tại châu Mỹ La Tinh, châu Phi và châu Á, cách riêng tại Việt Nam, vì thích hợp với các nền văn hoá này.[13] Việc tìm hiểu, học hỏi kỹ lưỡng hình ảnh Kinh Thánh “Giáo hội tại gia” và “Giáo hội là gia đình Thiên Chúa” trong các Thư Phaolô sẽ giúp chúng ta thấy được những điểm tích cực để ứng dụng và phát huy cũng như những điểm tiêu cực để hạn chế và tìm cách vượt qua hầu xây dựng và phát triển Giáo hội là Gia đình Thiên Chúa.
-Cwiekowski, F.J., The Beginnings of the Church.
-Banks, Robert, Paul’s Idea of Community. Rev. ed.
-Doohan, H., Paul’s Vision of Church.
-Harrington, Daniel J., The Church According to the New Testament.
-Hendrickx, Herman, The Household of God.
-Lee, B.J. and M.A. Cowan, Dangerous Memories.
-Meeks, Wayne A., The First Urban Christians.
-Lohfink, G., Jesus and Community.
-Murphy-O’Connor, J. St. Paul’s Corinth.
-Schneider, H., “Women in Early Christianity and the Institutionalization of Charisma,” EAPR 44, no.2 (2007), http://eapi.admu.edu.ph/eapr007/eapr007.htm
-Theissen, G., The Social Setting of Pauline Christianity.
———————————————–[1] “Hội thánh tại gia” (house churches) trong Thư Phaolô chỉ một hình thức/địa điểm hội họp cũng như một cơ cấu của Giáo hội sơ khai khác với hình ảnh “gia đình là Hội thánh tại gia” (domestic church/Ecclesia domestica) như được Công đồng Vaticanô II đề cập (LG 11; FC 21). Có thể nói Hội thánh tại gia nhắm đến “tính cách gia đình” của Hội thánh (mối tương quan gia đình như là mẫu mực cho các thành phần Hội thánh) còn gia đình là hội thánh tại gia nhấn mạnh đến tính cách “giáo hội” của gia đình (Giáo hội như là mẫu mực cho gia đình).
[13] Xem CELAM, Puebla Document (1979); Tông huấn Giáo hội tại Phi Châu (1995), 63; FABC VIII (2004), The Asian Family Towards a Culture of Integral Life, 50; Acta Synodalia Sacrosancti Concilii Oecumenici Vaticani II, vol. II, pars II (Rome: Typis Polyglotis Vaticanis, 1972), 44. Tham luận của Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền tại kỳ họp Công đồng Vaticano II (khoá 2) như sau: “Quan niệm Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Cách trình bày mầu nhiệm Giáo Hội bằng những từ ngữ về gia đình rất quen thuộc và dễ hiểu đối với mọi người… Trình bày Giáo hội như gia đình của Thiên Chúa giúp các Kitô hữu trở về với Tin Mừng, trở về với cách giảng dạy đơn sơ của Ðức Giêsu (Ðức Giêsu dùng rất nhiều hình ảnh về gia đình); nhờ đó dễ hiểu và thấm nhuần Tin Mừng hơn”; Bản trả lời các câu hỏi – Phụ trương của Lineamenta và Bản Góp ý của HĐGM Việt Nam cho THĐGM Á Châu (1997). Các Giám mục Việt Nam nhấn mạnh cần phải “xây dựng một Hội thánh như một gia đình con cái Thiên Chúa” thay vì “một phẩm trật với những cơ chế và luật pháp kiện toàn. Một Hội thánh như một cộng đồng gia đình sẽ dễ hội nhập vào trong xã hội Á châu”.