Ngày 13 tháng 1
Thánh Hilariô
Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
1. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Hilariô cất tiếng khóc chào đời năm 315 tại Aquitaine nước Pháp, trong một gia đình thế giá. Ngay từ nhỏ cậu đã hấp thụ một nền giáo dục đầy đủ. Nhờ đó cậu đã vượt trội hơn bạn hữu về đức tính ngay thẳng và trong sạch. Trong thời niên thiếu, Hilariô đã say mê văn chương và triết lý. Nhờ những giây phút đắm chìm trong suy tưởng, ngài đã tìm thấy Ðấng Tối Cao duy nhất đáng tôn thờ, đúng như lời Giavê đã phán trong Cựu Ước: “Ta là Ðấng tự hữu”. Bằng một niềm xác tín sâu xa, ngài đã trở lại Công Giáo và lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Với tính cách nhân đức và tài hùng biện, ngài đã là chứng nhân sống động của Chúa Giêsu.
Năm 350, ngài được chọn làm Giám Mục Poitiers. Nhiệt thành chu toàn chức vụ Chúa đã trao phó, ngài đã trở thành ánh đuốc hướng dẫn dân Chúa những ngày tháng đen tối do bè rối Ariô gây nên. Lúc bấy giờ Ariô vì kiêu ngạo đã không chấp nhận quyền bính Giáo Hội, chối bỏ Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Lý thuyết sai lạc của Ariô được một số Giám Mục nghe theo và được hoàng đế Constance trợ giúp. Trước nguy cơ đó, ngài đã triệu tập công đồng các Giám Mục để ra vạ tuyệt thông cho Ursace và Valens. Nhưng chính bọn lạc giáo đã dùng mưu để nhà vua đày ngài sang Phrygie.
Trong suốt thời gian lao tù, ngài vẫn luôn hướng về địa phận qua thư từ giáo huấn tín hữu. Ngài đã viết bộ tổng luận 12 cuốn, trình bày về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chống lại bè rối Ariô.
Bốn năm trôi qua, hoàng đế Constance triệu tập công đồng tại Séleucide và ngài cũng được mời tham dự. Tại đây ngài đã hăng say bênh vực lập trường của Giáo Hội và đã thuyết phục được toàn thể các Giám Mục. Bọn lạc giáo sợ bị thất bại chua cay nên đã bàn với hoàng đế cho ngài được hồi hương.
Ngày trở về Poitiers của ngài đã đem cho nước Pháp niềm vui mừng trọng đại và ngày ấy còn được ghi dấu bằng một phép lạ: ngài đã làm cho một em bé chết chưa kịp Rửa Tội sống lại.
Với tuổi già sức yếu ngài vẫn luôn làm tròn sứ mạng giảng giáo và tiếp tục viết nhiều sách có giá trị. Sau cùng Chúa đã gọi ngài về trời ngày 13/01/369.
Ngày 10/1/1852, thể theo lời thỉnh cầu của nhiều vị Tổng Giám mục, Giám mục kế vị Ngài, và nhiều Giám mục khác thuộc toàn thể nước Pháp, Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX đã long trọng truy tặng Ngài danh hiệu là vô địch quán quân anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ đức tin và đồng thời tôn phong ngài lên bậc Thánh Tiến sĩ. Ngày nay Giáo Hội mừng lễ ngài vào ngày 13 tháng giêng.
2.BÀI HỌC
Thánh Hilario đã để lại cho chúng ta hai bài học quí giá này:
a. Lòng hăng say trong việc học hỏi Lời Chúa.
Lịch sử còn ghi lại: Lần đầu tiên Hilariô đọc Kinh Thánh. Và khi đọc tới truyện ông Môisê và bụi gai bốc cháy, Hilariô đã xúc động bởi danh xưng Thiên Chúa mạc khải: “Ta là Đấng Tự Hữu”. Hilariô cũng đọc những sách tiên tri. Rồi ngài đọc trọn bộ Kinh Thánh Tân Ước. Khi đọc xong, Hilariô đã hoàn toàn trở lại Công giáo và được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy.
Như vậy thánh Hilariô được trở thành người “có đạo” chính là vì Ngài đã tiếp xúc với Lời Chúa trước.
Chúng ta hãy tập cho mình thói quen đọc và suy gẫm Lời Chúa. Chính Lời Chúa sẽ hướng dẫn cuộc đời của chúng ta
Tokichi lshi-1, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi.
Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han trò chuyện của họ cũng không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ tợn như một hung thú.
Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”, đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại: “Đọc đên câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài ? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin”.
b. Lòng can đảm bảo vệ Giáo Hội trước những sai lạc do bè rối tạo nên.
Lịch sử còn ghi lại: Lúc ấy lạc giáo Ariô nổi lên như vũ bão trong Giáo hội. Vua Constantino ủng hộ lạc giáo và tiếp tay cho cuộc bách hại. Thánh Athanasiô bị bắt đi lưu đày. Thánh Hilariô đứng lên lãnh đạo công cuộc bảo vệ đức tin chân chính. Ngài triệu tập một công đồng để lên án hai giám mục theo lạc giáo. Cộng đồng còn cử Ngài đi thương thuyết với nhà vua. Nhưng lòng can đảm của Ngài đã bị trừng phạt bằng cuộc lưu đày năm 356, chấp nhận gian khổ, Ngài tuyên bố:
– “Người ta có thể bắt các giám mục lưu đày, nhưng có thể trục xuất chân lý được không ?
Vâng Ngài đã rất can đảm và lòng can đảm của Ngài đã được đền đáp sau này.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội của Người như thánh Hilariô, một điều mà xã hội hôm nay đang rất cần.
Con chó Hareiko tiết nghĩa của bác sĩ Nhật bản Hildesaduro Ibeno, nay vẫn thường được kể trong các lớp học ở Nhật.
Hằng ngày bác sĩ ra ga đi tàu đến nơi làm việc rồi chiều về. Con chó ngày nào cũng tiễn chủ ra ga rồi chiều đón chủ về.
Và bác sĩ đột ngột qua đời. Con chó không biết, chiều rồi tối nó vẫn ra ga đón chủ như thế trong suốt 11 năm trời, mong chờ chủ nó về.
Rồi nó già đi và chết. Mọi người đều thương xót con chó nghĩa tình đó. 16 vị hòa thượng và hàng nghìn người đã đi đưa đám ma con chó. Người ta đã dựng một tượng đồng ở trước nhà ga để tưởng nhớ con chó trung tín đã 11 năm chờ đón chủ trở về.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý