Lễ Vọng Hai Thánh Phêrô Và Phaolô, Tông Đồ
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện Phêrô tuyên xưng đức tin: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu khen ông Phêrô rồi liền sau đó lại cấm các môn đệ không được nói cho ai biết về Ngài.
Tại sao thế? Tại sao nhiều lần Chúa phiền trách những người Biệt phái và Pharisêu không nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa như Phêrô tuyên xưng hôm nay, thế mà hôm nay Chúa lại cấm các môn đệ không được nói cho ai biết về Ngài. Phải chăng đó là một sự mâu thuẫn nơi Chúa Giêsu? Và đây không phải là lần duy nhất Chúa cấm như thế; sau khi biến hình trên núi Taborê, Chúa cũng đã cấm các môn đệ như thế; lần khác khi ma quỉ tuyên xưng ngài là Đấng Thánh của Israel, ngài cũng cấm chúng nó nói ra Ngài là ai
Theo tôi nghĩ, sở dĩ Chúa cấm như thế vì hai lý do:
- Lý do tôn giáo:chúng ta biết tôn giáo Do Thái là tôn giáo độc thần, không chấp nhận một vị Chúa nào khác ngoài Yavê. Vì thế khi Giêsu nói với Mađalêna: Tội con được tha, người Do Thái lấy làm vấp phạm, vì đối với họ, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Vì thế nếu Chúa Giêsu tự xưng mình là Con Thiên Chúa hay để cho mọi người tuyên xưng như thế sớm quá,thì Chúa sẽ không được các đồng hương chấp nhận
- Lý do thứ hai là lý do tâm lý. Quan niệm người Do Thái về đang Messia rất là trần tục; họ trông đợi một Đấng đến giải thoát họ khỏi ách thoớng trị người của người La mã và đem lại vinh quang và phồn thịnh cho Israel. Sau khi tuyên xưng đức tin, Phêrô nghe Chúa báo tin về cuộc khổ nạn sắp tới liền can ngăn Thầy: Thầy không phải như thế! Và Chúa liền quở trách ông: Satan, lui cho khỏi mắt Ta! Rõ ràng là ông chưa hiểu gì về Chúa cả. Cả các môn đệ khác cũng thế, cũng trông đợi như thế; chúng ta nhớ khi Chúa chết rồi, trên đường Emmau, hai môn đệ còn nói cách thất vọng: Chúng tôi tưởng Ngài đến để đem lại vinh quang cho dân tộc, ai ngờ!… Vì thế, Chúa Giêsu phải có thời gian để chuẩn bị tâm lý, đưa họ đến một quan niệm đúng đắn về Đấng Kitô. Chúa phiền trách Pharisêu và Biệt phái là vì sự chậm tin của họ trước những dấu lạ Chúa làm. Đôi khi Chúa cũng tỏ ra nóng lòng: Ta muốn cho ngọn lửa ấy cháy bùng lên!
Con người luôn là thế, cứ muốn có một Thiên Chúa theo ý mình muốn mình. Thánh Phaolô cũng đã có quan niệm như thế nên mới đi bắt bớ đạo thánh Chúa; đối với ông lúc đầu Thiên Chúa phải là một Thiên Chúa chiến thắng theo nghĩa trần gian. Nhưng một khi trở lại rồi, ông lại tuyên bố: tôi rao giảng một Đức Kitô và một Đức Kitô chịu đóng đinh.
Câu chuyện đức tin của hai thánh Phêrô và Phaolô nói với chúng ta rất nhiều.
Bao lâu chúng ta cứ sống theo quan niệm xác thịt trần gian thì ta không thể nhận ra Chúa được vì trong đời sống, nhiều khi chúng ta thất vọng về Chúa, vì Chúa không đáp ứng những ước trần gian muốn của ta.
Sự bình an, niềm hạnh phúc Chúa hứa cho chúng ta, nhiều khi chúng ta không hiểu. Tuy nhiên nếu chúng ta tin và sống theo lời Chúa thì chúng ta sẽ thấy.
Phải có sự can thiệp của Chúa Thánh Thần như đối với các Tông Đồ sau ngày lễ Hiện Xuống, hay bị té ngựa như Phaolô, khi đó chúng ta mới nhận ra Chúa. Chúa có thể can thiệp bằng nhiều cách: một tai nạn, một cơn bạo bệnh…chẳng hạn nhiều người nhờ ở tù mà được trở lại sau khi đã tiếp xúc với một linh mục hay một người Kitô hữu trong tù. Phải, nhiều khi Chúa đến với chúng ta một cách bất ngờ. Hãy tỉnh thức để nhận ra Chúa hiện diện trong đời.
Để kết thúc tôi xin gửi đến anh chị em câu truyện này:
Vào quãng đầu thế kỷ 19, Napoléon đệ nhất của nước Pháp đã chinh phục hầu hết các nước Châu âu. Năm 1804 ông lên ngôi hoàng đế.
Để được các nước Âu châu thần phục mình, ông đã mời Đức Giáo Hoàng Piô VII đến tấn phong hoàng đế cho ông. Ông cũng cố gắng thuyết phục vị Giáo Hoàng dời tòa thánh về Paris. Nghe những lời vừa đe dọa vừa vuốt ve của Napoléon, Đức Piô VII chỉ mỉm cười và nói:
– Hài kịch của ông thật là xuất sắc.
Bị chạm tự ái, Napôlêôn cầm lấy sơ đồ vương cung thánh đường thánh Phêrô vừa xé nát ra vừa nói:
– Đây là điều mà ta sẽ làm cho Giáo Hội. Ta sẽ dẫm nát Giáo Hội ra từng mảnh.
Nghe thế vị Giáo Hoàng vẫn bình tĩnh nói:
– Bây giờ lại đến lượt bi kịch.
Đúng vậy, Napoléon đã bắt đầu bi kịch bằng cách tống giam vị Giáo Hoàng rồi chiếm lấy những lãnh thổ thuộc về Giáo Hội. Nhưng thảm kịch lại xảy ra cho chính ông. Đúng bốn ngày sau Napôlêôn thất trận lần đầu tiên, từ trong tù, vị Giáo Hoàng cũng thể hiện quyền lãnh đạo của ngài. Ngài đã dứt phép thông công Napôléon, nghĩa không cho ông tham dự vào đời sống của Giáo Hội nữa.
Napoléon gầm thét lên cách giận dữ, ông nói với Đức Giáo Hoàng:
– Đức Giáo Hoàng nghĩ rằng với việc rút phép thông công ấy, binh sĩ của ta sẽ buông súng ư ?
Chỉ vài năm sau, từ những cánh đồng băng giá bên nước Nga, một bản báo cáo được đánh đi: “Các binh sĩ của chúng ta đang buông súng”.
Năm 1812, Napoléon dẫn quân ra khỏi nước Nga, và năm sau đó ông hoàn toàn bị quân đồng minh đánh bại. Tại chính biệt thự Fongtenbơrô nơi ông đang giam giữ Đức Giáo Hoàng Piô VII, hoàng đế của nước Pháp đã ký tên từ chức. Và Đức Piô VII trở lại Rôma giữa tiếng reo hò mừng vui của thế giới công giáo.
Hãy tin vào Chúa Giêsu và quyền năng của Ngài để luôn được sống trong bình an mặc cho những sóng gió phũ phàng nhiều lúc làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng con thuyền Giáo Hội như có vẻ sắp chìm. Hãy nhớ Chúa Giêsu luôn ở với Giáo Hội của Người. Amen.