Câu nói của Thánh Augustinô thành Hippô “luôn luôn cũ mà luôn luôn mới” diễn tả việc người ta lại chú tâm đến phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh đang tái xuất hiện trong Hội Thánh ngày nay. Khắp nước, các nhóm học hỏi Thánh Kinh ở các Giáo Xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, và những nhóm chia sẻ Đức Tin khác đã tái khám phá ra một phương thức đơn giản nhưng sâu sắc để cùng nhau nghe và cảm nghiệm Lời Chúa qua hình thức cầu nguyện cổ xưa, là lectio divina.
“Việc đọc Lời Chúa mỗi Giờ . . . và việc đọc sách các giáo phụ và các bậc thầy linh đạo trong một số Giờ cho thấy rõ hơn ý nghĩa của mầu nhiệm đang cử hành, giúp thấu hiểu các Thánh Vịnh và dọn đường cho tĩnh nguyện. Như thế lectio divina, nghĩa là vừa đọc vừa suy niệm Lời Chúa để cầu nguyện, bắt nguồn từ việc cử hành Phụng Vụ.” (GLCG 1177)
“Việc suy niệm cần phải vận dụng tư tưởng, trí tưởng tượng, xúc cảm và ước muốn. Việc vận động các khả năng là điều cần thiết để đào sâu xác tín về Đức Tin của chúng ta, khơi dậy lòng hoán cải và củng cố quyết tâm theo Đức Kitô. Các Kitô hữu cố gắng trên hết mọi sự là suy gẫm về các mầu nhiệm của Ðức Kitô như trong lectio divina hay kinh Mân Côi. Hình thức “miệng đọc lòng suy” này có giá trị rất lớn, nhưng kinh nguyện Kitô giáo còn phải vươn xa hơn nữa: vươn tới việc nhận biết tình yêu Chúa Giêsu và kết hiệp với Người.” (GLCG 2708).
Lectio divina là một hình thức suy niệm bắt nguồn từ việc cử hành Phụng Vụ được khởi đầu từ những cộng đồng tu viện sơ khai. Đó là phương pháp thực hành của các cha và các thầy dòng khi các ngài chuẩn bị cho Thánh Lễ và khi cầu nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh. Việc sử dụng phương pháp này được tiếp tục trong các dòng tu vào thời Trung Cổ như các dòng Bênêđictô và Carmêlô, là những dòng không những thực hành lectio divina hằng ngày mà còn truyền kho tàng này lại cho các thế hệ tương lai. Viêc thực hành lectio divina ngày nay lại tái xuất hiện như một cách tuyệt vời để suy niệm Lời Chúa.
Từ Latinh (Lectio Divina) có nghĩa gì?
Từ Latinh “lectio divina” có thể được dịch là “đọc điều thuộc về Thiên Chúa”. Lectio divina là một phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Khi một người đọc và mời Lời Chúa trở nên một lăng kính biến đổi có thể làm cho chúng ta chú tâm đến những biến cố của đời sống hằng ngày, người ấy có thể sống cách sâu xa hơn và dễ dàng tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa hơn trong những biến cố thường nhật. Phương pháp lectio divina được thực hành theo bốn bước: lectio (đọc), meditatio (suy niệm), contemplatio (chiêm niệm), và oratio (cầu nguyện).
“Lectio” hay “đọc” là bước đầu tiên trong tiến trình cầu nguyện. Các cha và thầy dòng thời sơ khai hiểu rằng thành quả của các ngài như những tu sĩ tùy thuộc vào sự đơn giản, kính cẩn, và mở lòng của các ngài ra với Chúa Thánh Thần là Đấng đưa “người đọc” đến gần Lời Thiên Chúa. Mục tiêu của việc đọc này là không đọc vội vàng cho hết vài chương Thánh Kinh. Người đọc, thay vì cố gắng đọc hết một phần lớn của Thánh Kinh, thì áp dụng một thái độ suy niệm đối với một đoạn Thánh Kinh ngắn, ngừng lại ở từng chữ hay cụm từ làm cho tâm trí họ rung động.
Việc “đọc đưa đến “bước thứ nhì”, được gọi là “meditatio”, có nghĩa là suy niệm, là bước mời gọi người ta suy niệm về điều vừa đọc. Các Cha, các thầy dòng ngày xưa cắt nghĩa tiến trình này là một sự suy nghĩ sâu xa, và chậm rãi về Lời Chúa mà người ta vừa đọc, một sự suy đi nghĩ lại, gần giống như cách con bò (nhai lại khi) ăn cỏ. Khi mà Lời Chúa được đọc trong bước này, tiến trình suy đi nghĩ lại dần dần kéo sự chú tâm của người suy niệm từ những quan tâm của trí khôn đến những quan tâm của tâm hồn.
Lời Chúa đánh động một người cách sâu xa hơn với bước thứ ba, mà người xưa gọi là “comtemplatio” hay “chiêm niệm”. Đặc tính của chiêm niệm là mở tâm hồn ra, nhờ đó người đọc cảm nghiệm được Thiên Chúa như Đấng cầu nguyện trong nội tâm, Đấng cho phép người đang chiêm niệm nhận biết Lời Chúa mà không cần lời hay hình ảnh. Nhờ ơn Chúa, contemplatio cho người ta một khả năng đặc biệt để liên kết những hiểu biết mới được khám phá ra với những kinh nghiệm hằng ngày trong đời sống, bằng một sự hứng khởi đến từ Lời Chúa, và nhờ ân sủng điều ấy có khả năng làm tươi mát tâm hồn và trí khôn.
Bước thứ tư và cuối cùng là “oratio”, có nghĩa là “cầu nguyện”, mời người ta đáp lại tiếng Thiên Chúa. Lời đáp trả này có tính cách đối thoại và có thể được hiểu như là “một cuộc đàm đạo giữa bằng hữu”, như Thánh Têrêxa Avila định nghĩa cầu nguyện. Người ta bỏ giờ ra để thưa với Chúa về điều vừa đọc, vừa nghe, hay vừa cảm nghiệm, hoặc về những thắc mắc nảy sinh tận vực thẳm của cuộc đời. Câu trả lời này có thể có khả năng đổi đời khi một người đón nhận những sự thúc đẩy của Lời Chúa đi đến chấp nhận tất cả những gì mà cuộc đời hiện thời đang có. Một người có thể tìm thấy Thiên Chúa trong những thăng trầm của cuộc đời, khi vui cũng như khi đau buồn, và trong những giây phút bình thường của cuộc sống hằng ngày.
Lectio Divina Phong Phú Hóa Đời Sống Giáo Xứ Thế Nào?
Trong Hội Thánh ngày nay, lectio divina có thể cung cấp một phương pháp đơn giản nhưng mãnh liệt để chia sẻ Đức Tin giữa các Kitô hữu trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Thí dụ, sơ Diane Simons, IHM, trưởng ban Giáo Lý (DRE) và phụ tá về mục vụ tại Giáo Xứ Annunciation ở Bellmawr, New Jersey, đón chào giáo dân của Giáo Xứ mỗi tối thứ tư.
Họ bỏ ra một tiếng đồng hồ để cầu nguyện, và kết thúc bằng một giai đoạn lectio divina dựa vào một trong những bài đọc của Chúa Nhật tới. Đó là thời gian linh thánh cho các giáo dân của Giáo Xứ, cả về tính cách cộng đồng lẫn cá nhân. Như một tham dự viên nói với sơ Simons rằng: “Đến ngày Chúa Nhật thì tôi đã quen thuộc với bài đọc. Tôi nghe Lời Chúa bằng tâm hồn tôi và tìm thấy ý nghĩa thâm sâu đối với Chúa Giêsu trong đời tôi”.
Sơ Rosemary Quigg, IHM, phục vụ tại Giáo Xứ Rose of Lima ở Miami, Florida, tổ chức một lớp học hỏi Thánh Kinh vào giữa tuần cho dân chúng thuộc nhiều lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Trong số các tham dự viên có những y tá vừa về nhà sau khi làm việc ca đêm, và các chiêu đãi viên hàng không trong ngày nghỉ. Các tham dự viên thực hành lectio divina trong khi suy niệm và chuẩn bị cho việc công bố Lời Chúa vào Thánh Lễ Chúa Nhật tới. Có lần sơ Quigg nghe thấy một tham dự viên nói: “Đây là điều quan trọng nhất mà chúng tôi làm ở đây”.
Lectio Divina có Dành Cho Giáo Lý Viên không?
Khoảng thời gian của đầu thiên niên mới, tôi có dịp họp với các vị lãnh đạo về Giáo Lý của 11 Giáo Phận khắp nơi trong nước. Chúng tôi đã tham dự những khoá hội thảo một tuần lễ mỗi mùa hè tại một đại học Công Giáo khác nhau. Được tuyển chọn như những Học Giả Quốc Gia về Giáo Lý, chúng tôi được Hội Giáo Dục Công Giáo Quốc Gia (National Catholic Educational Associatiom [NAEA]) và những nhà xuất bản các tài liệu Giáo Lý lớn bảo trợ. Mỗi người trong chúng tôi phải theo đuổi một dự án Giáo Lý dưới sự lãnh đạo của ông Robert Colbert, giám đốc văn phòng tôn giáo của NCEA.
Trong những khóa này, một đồng nghiệp, sơ Finnuola Quinn, OP, đã thảo ra một dự án cho các Giáo Lý viên trong Giáo Phận của sơ ở Louisiana, trong đó họ dùng lectio divina để cổ võ việc hiểu biết trong cầu nguyện về những đề tài công lý được tìm thấy trong các bài đọc trong Thánh Lễ của năm Phụng Vụ. Khi các Giáo Lý viên thực hành lectio divina, sơ Quinn hy vọng rằng họ sẽ đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về quan niệm công lý như được bày tỏ trong các bài đọc thánh. Không cần phải nói, sơ Quinn đã trở lại vào mùa hè năm sau với những câu chuyện tuyệt vời về các Giáo Lý viên và lectio divina.
Trong Giáo Phận Camden, New Jersey, nơi mà tôi thường phục vụ như huấn luyện viên Giáo Lý, các khoá đào luyện Giáo Lý viên luôn luôn bao gồm lectio divina. “Việc “đọc Lời Thiên Chúa” này cung cấp cho chúng tôi nhiều phương pháp mà các Giáo Lý viên có thể dùng trong Giáo Xứ đối với những người mà họ dạy Giáo Lý, dù là những người phục vụ trong các trường Công Giáo hay trong chương trình giáo dục của Giáo Xứ.
Các Giáo Lý viên có thể tìm thấy rằng lectio divina nâng đỡ họ khi họ đảm nhận thừa tác vụ dạy Lời Chúa. Khi các Giáo Lý viên cầu nguyện bằng Thánh Kinh qua lectio divina, việc thực hành thường xuyên của họ không những đặt nền móng cho việc chia sẻ Đức Tin chân chính, mà còn phục vụ như một tài nguyên giúp cộng đồng chú tâm đến giáo huấn của Chúa Giêsu được tìm thấy trong các Sách Tin Mừng. Lectio divina liên hệ với sứ vụ Phúc Âm hóa của các Giáo Lý viên, cũng là sứ vụ truyền giáo của Tin Mừng, sứ vụ của Chúa Giêsu.
Một Cách Đơn Giản để Thực Hành Lectio Divina
Khi các Giáo Lý viên và các thầy cô các trường Công Giáo họp lại để soạn thảo chương trình hay trong những buổi họp thầy cô, họ có thể dành thì giờ ra để cầu nguyện bằng lectio divina. Trong một khung cảnh yên tĩnh, họ có thể bắt đầu bằng cầu nguyện trước khi bắt tay vào những công việc của buổi họp. Bài đọc được chọn có thể là bài Tin Mừng của Chúa Nhật Giáo Lý 2009 (Chúa Nhật Thứ 25 Thường Niên), Marcô 9:30-37. Trước hết đọc lớn tiếng đoạn Thánh Kinh. Sau một vài giây phút thinh lặng để suy niệm, đọc lại cùng bản văn Thánh Kinh ấy. Sau khi đọc và nghe lần thứ hai, mỗi người trong những người họp lại được mời để nói lên một chữ hay một câu mà họ nghe được trong bài đọc. Mỗi người nói lên một câu, như là “Người đang dạy các môn đệ” hay “Con Người sẽ sống lại” hoặc “đón nhận một đứa trẻ như đứa trẻ này” hay “làm đầy tớ mọi người.” Tất cả mọi người có mặt nói lên những lời hay những câu đã đánh động họ hay họ đã nghe cách mới mẻ mà không chú thích hay cắt nghĩa gì cả.
Sau đó, đọc lại bài này cho cả nhóm lần thứ ba, cũng kèm theo bằng một thời gian ngắn để suy niệm. Bây giờ các Giáo Lý viên được mời chia sẻ bất cứ phần nào của bài đọc mà họ cảm thấy có ý nghĩa, giáo hóa, và đào luyện. Thêm vào việc nhắc lại những lời của Tin Mừng, các cá nhân có thể nói về đời sống gia đình, đưa ra những cái nhìn Giáo Lý về năm tới, hoặc nhắc lại “sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa họ” (x. Mt 18:20). Khi mọi người bắt đầu chia sẻ điều họ đã nghe trong bài đọc và lắng nghe những tư tưởng của nhau, một mối liên hệ thiêng liêng có thể bắt đầu được hình thành, và mối dây này có thể giúp mỗi Giáo Lý viên đào sâu sự liên hệ với Thiên Chúa, là Đấng hiện diện giữa cộng đoàn đang tụ họp.
Ở thời điểm này của buổi họp, trong lòng các Giáo Lý viên có thể nảy ra những câu hỏi khác: Chúa muốn nói gì với chúng ta qua Lời Ngài? Bài đọc này nói riêng với tôi điều gì? Điều đó có ý nghĩa gì đối với các Giáo Lý viên tụ họp nơi đây, hay cho toàn thể Giáo Xứ? Lời Chúa có thực sự hoạt động như “thanh gươm hai lưỡi” (DT 4:12) không? Nó có cắt tâm hồn không? Lời Chúa giúp chúng ta thay đổi tâm hồn thế nào? Làm sao để chúng ta chuyển sứ điệp này của Thiên Chúa vào đời sống chúng ta tuần này cách êm ái và biết ơn?
Khi một người trở thành quen thuộc với lectio divina, người ấy có thể thích ứng phương pháp này để dùng với bất cứ nhóm nào trong Giáo Xứ, dù là nhóm trẻ, các thừa tác viên hoặc các vị cao niên. Lectio divina có thể trở nên một hình thức cầu nguyện hữu dụng cho mỗi giai đoạn của việc đào luyện Đức tin suốt đời.
Sơ Antoine Lawlor, IHM, DMin.
Trong Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2009 của HĐGMHK
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ