“NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI THẬT”
Mầu nhiệm Vượt Qua trong lịch sử (II)
1. “Hãy về nói với ông Phêrô”
“Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh, đã trỗi dậy! Xin các bà về nói điều này với ông Phêrô và các môn đệ khác” (x. Mc 15,1-7). Sáng sớm ngày Phục Sinh, Đức Giêsu sai các phụ nữ đi báo tin cho Phêrô và các đồng bạn của ông. Giờ đây, chính tôi là người Ngài sai đi loan báo cùng một sứ điệp ấy cho Đấng kế vị Phêrô và các đồng bạn của ngài: “Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại!” (1).
Tiếp theo, chính Phêrô sẽ đem tin vui này cho toàn thế giới. Chính ngài, mấy ngày sau, trên quảng trường chính ở Giêrusalem, sẽ công khai tuyên bố “urbi et orbi” (cho thành phố và cho thế giới): “Đức Giêsu Nadarét… chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,22.32). Nhưng trước đây, như chúng ta đã nghe, có một ai khác đã được trao nhiệm vụ loan báo tin vui cho ngài, trước khi biến khỏi sân khấu. Hôm nay tôi rất muốn rằng người đưa tin nhỏ bé này chính là tôi. Lúc này, tôi cảm thấy mình như thầy phó tế, khởi đầu đêm canh thức, lúc sắp hát bài Exsultet, có Giám mục hiện diện. Trước hết thầy xin ngài ban phép lành: “Jube, domine, benedicere” (Thưa cha, xin chúc lành cho con). Rồi thầy kêu mời tín hữu cầu khẩn: “Anh chị em đang được ánh sáng kỳ diệu này chiếu soi, xin hãy cùng với tôi khẩn cầu Thiên Chúa toàn năng đầy nhân hậu. Người đã thương chọn tôi vào số những kẻ phục vụ Người, dù tôi không xứng đáng, thì xin Người chiếu tỏa ánh sáng và hoàn tất việc ca tụng nến Phục Sinh này”.
Quả thực, phải có ơn đặc biệt để nói về sự Phục Sinh của Đức Kitô. Phải khiêm tốn, run sợ như những phụ nữ trên, để làm tròn bổn phận như thày phó tế này, và tôi biết rằng đây không phải là trường hợp của tôi. Nhưng không vì vậy mà tôi có thể lẩn tránh nhiệm vụ đã lãnh nhận : Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Thầy đã sống lại, họ đừng buồn, đừng sợ (x.Mc 16,6-7). Hãy nói với Giáo Hội : Đừng khóc nữa. Này đây sư tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi Non của Đavit đã chiến thắng (x. Kh 5,5).
Tôi đã nói là phải có một ơn đặc biệt để có thể nói về sự Phục Sinh. Không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa”, hoặc “Đức Giêsu đã sống lại”, hai lời đó giống nhau, nếu không ở “trong Thần Khí” (x. 1Cr 12,3). Trước sự sống lại, mọi lời nói đều vô ích. Người nào loan báo Thập Giá, rồi loan báo tiếp sự sống lại của Đức Kitô, giống như người chạy trên đất liền tới bờ biển. Anh ta bất ngờ phải dừng lại. Chân anh ta không thể tiếp tục bước đi trên mặt nước. Anh đành đưa mắt nhìn ra xa, trong khi thân xác vẫn ở trên bờ. Ai có thể nói khuôn mặt, những con mắt và cử chỉ của các phụ nữ ra sao, khi họ đi vào phòng gặp Phêrô và các Tông Đồ khác ? Trước khi họ mở miệng nói, Phêrô hiểu có điều gì đó lạ lùng đã xẩy ra. Toàn thân ông run lên. Cũng xẩy ra như vậy nơi các người khác đang hiện diện. Một tình cảm về cái “thần thiêng” (numineux) bất ngờ tác động mạnh trên họ. Cả gian phòng và những người trong đó đều chan chứa tình cảm này.
Vả lại, không khó để hình dung ra tình huống ấy : các phụ nữ cùng nhau mồm năm miệng mười rất sôi nổi và các tông đồ có lẽ phải đua nhau tranh luận để các bà im lặng và nói rõ chuyện gì. Tất cả những gì người ta hiểu điều các bà nói là những tiếng thốt lên rời rạc, kèm theo những cử chỉ : trống rồi! ngôi mộ trống rồi! Có các thiên thần, chúng tôi nhìn thấy các thiên thần! Sống lại rồi, Thầy đã sống lại rồi! Điều tôi mô tả không phải là một lối phóng đại của khoa tu từ do tôi nghĩ ra, ngược lại, phản ánh cách mờ nhạt điều đã xẩy ra trên thực tế. Tin tức vượt quá những gì con người có thể hiểu. Đó là rượu mới làm vỡ bầu da cũ, và chảy tràn ra tứ phía. Người ta phải áp dụng cho sự sống lại của Đức Kitô điều nói về Thánh Thể trong bài thánh thi Lauda Sion : Quantum potes tantum aude, cứ dám đi ngần nào có thể, vì nó vượt lên trên mọi lời ca ngợi, và bạn không bao giờ ca ngợi nó cho đủ. Ước gì chúng ta cũng được một lần run lên vì sự sống lại! Ước gì nhiệm vụ thần thiêng của nó làm chúng ta phải im lặng và choán đầy tâm hồn chúng ta – như trong bản chất của nó – bằng “tình yêu và sợ hãi”, cùng một lúc làm ta “nóng rực và run rẩy”, như thánh Augustinô nói (2).
Trước lời loan báo Phục Sinh, chúng ta hẳn phải dùng lời Thánh Vịnh mà kêu lên cho chính chúng ta: “Thức dậy đi, hồn tôi hỡi, thức dậy đi, hỡi đàn sắt đàn cầm, tôi còn đánh thức cả bình minh” (Tv 57,9). Nhưng người ta sẽ nói : vui thế nào được khi thế giới đang quá rối ren và sôi động, khi “các dân đang xôn xao và các nước đang chao đảo” ? Đúng vậy, nhưng Đức Kitô đã sống lại:
“Dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu, dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục, núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng, ta cũng chẳng sợ gì…Một dòng sông chảy ra bao nhánh đem niềm vui cho thành của Chúa Trời…Đến mà xem công trình của Chúa, Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.” (Tv 46,3tt).
Tất cả những kỳ công Thiên Chúa thực hiện đều được hoàn tất và vượt qua trong sự lạ lùng này là Đức Kitô đã sống lại. Đấng Phục Sinh vào phòng tiệc ly khi “các cửa đều đóng kín”, hôm nay vẫn còn đến khi “các cửa đều đóng kín”. Qua các cửa đóng kín của các tâm hồn, qua các cửa đóng kín của các văn hóa và của các thời kỳ chối bỏ sự Phục Sinh của Ngài, qua các cửa đóng kín của các chế độ vô thần không muốn công nhận Ngài và chiến đấu chống lại Ngài. Mới đây, Ngài đã đi qua nhiều bức tường này, trong đó có bức tường Berlin, biểu tượng cho những thái độ đó. Một trong những người anh em thi sĩ của chúng ta, Paul Claudel, đã dành cho sự Phục Sinh những vần thơ tuyệt vời sau đây :
“Không gì chống lại người chiến thắng này : các cửa đều đóng kín, Người đi qua từ phía bên kia bức tường.
Chính như thế mà qua dòng thời gian, Người đi qua mà không phá vỡ nhịp điệu của nó”
Không gì đã có thể ngăn cản Phục sinh vẫn còn đến năm nay. Không gì sẽ có thể ngăn cản Phục Sinh còn đến năm tới, cho đến khi Chúa trở lại. Không gì có thể ngăn cản Giáo Hội lặp lại mỗi khi cử hành Thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
2. Sự Phục Sinh của Đức Kitô và mầu nhiệm Vượt Qua
Nhưng đã đến lúc định vị việc loan báo Chúa Phục Sinh trong khuôn khổ bài suy niệm của chúng ta về mầu nhiệm Vượt Qua. Sự Phục Sinh của Đức Kitô thuộc về mầu nhiệm Vượt Qua theo nghĩa nào, và nó tạo ra khía cạnh mà chúng ta gọi là khía cạnh “lịch sử” của mầu nhiệm Vượt Qua theo nghĩa nào ?
Chúng ta bắt đầu trả lời cho câu hỏi thứ hai, đơn giản nhất. Chúng ta gọi sự Phục Sinh của Đức Kitô là yếu tố “lịch sử” của cuộc Vượt Qua Kitô giáo, không phải vì đối lập với yếu tố “không lịch sử”, tức không xẩy ra thực sự, cho bằng đối lập với yếu tố “phụng vụ”, “luân lý” và “cánh chung”. Nói khác đi, chúng ta gọi đó là yếu tố lịch sử, vì nó biểu thị một biến cố độc nhất, không thể tái diễn, đối nghịch với bí tích biểu thị yếu tố phụng vụ và tái diễn hàng năm vào lễ Vượt Qua và mọi ngày trong Thánh Thể.
Trả lời cho câu hỏi thứ nhất thì khó hơn : sự Phục Sinh thuộc về mầu nhiệm Vượt Qua theo nghĩa nào, cho dù chúng ta thấy điều đó dường như hiển nhiên. Quả thực, phải biết rằng điều ngày hôm nay chúng ta hiểu là ý nghĩa đầu tiên của chữ Vượt Qua, tức là sự Phục Sinh của Đức Kitô, đã là ý nghĩa sau cùng được khẳng định trong sự thực hành của Giáo Hội. Khi điều đó xẩy ra ở những thế kỷ V và VI, thì nó cũng gợi ra những phản ứng. Như người ta đọc thấy trong một tài liệu của thời kỳ này, “một số người chỉ trích Giáo Hội của Thiên Chúa, vì Giáo Hội dùng danh xưng Vượt Qua để chỉ ngày lễ đáng kính Đức Kitô, Thiên Chúa chúng ta, sống lại từ trong kẻ chết” (4). Cuối cùng, khi thói quen này trở thành phổ biến, vẫn còn có những phản đối. Một tác giả thời Trung cổ viết: “Trong lễ Vượt Qua, nhiều người từ đây chỉ nhìn thấy một điều : đó là Chúa đã sống lại ngày thứ nhất trong tuần, và đó là lý do khiến người ta cũng gọi là ngày Chúa sống lại, mà quên rằng Vượt Qua tiên vàn bao hàm tất cả những gì Đức Kitô đã làm qua thập giá và máu của Ngài” (5).
Lý do gây ra khó khăn này đơn giản thôi. Sự sống lại tạo nên sự mới mẻ tuyệt đối của lễ Vượt Qua Kitô giáo, một điều chưa từng được tiên trưng, một điều bất ngờ. Danh xưng cũ và hình thức cũ của lễ Vượt Qua đã không được chuẩn bị để sáp nhập ngay sự sống lại ấy. Trong Tân Ước, người ta không bao giờ dùng danh xưng Vượt Qua để chỉ sự sống lại của Đức Kitô, nhưng chỉ bữa tối và cuộc sát tế của Ngài. Đúng là sự chết và sống lại được coi như một toàn bộ, tạo nên mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô, được công bố qua khởi giảng. Nhưng mầu nhiệm này hay mầu nhiệm cứu độ không bao giờ được gọi là “mầu nhiệm Vượt Qua”. Đúng hơn là con đường ngược lại. Ở thế kỷ II, người ta bắt đầu nói: “Lễ Vượt Qua là Đức Kitô” hoặc “Mầu nhiệm lễ Vượt Qua là Đức Kitô” (Giustinô, Mêlitô Sarđê). Và vì nơi Đức Kitô, sự chết và sự sống lại không thể tách rời nhau, dần dần người ta bắt đầu hiểu cả sự sống lại của Đức Kitô trong chữ “Vượt Qua”, mà không phải là không gặp những chống đối và khó khăn, như chúng ta đã thấy.
Lễ Vượt Qua là một định chế đã có từ trước, mà người Kitô hữu thừa hưởng từ Cựu Ước. Tất cả hệ thống biểu tượng của nó nhằm chỉ cho thấy sự sát tế, máu, hy lễ. Vì vậy, đối với các Kitô hữu, không khó khi chuyển đổi sang cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Lần đầu tiên danh xưng được sử dụng theo nghĩa Kitô giáo trong thư 1Cr 5,7, nghĩa của nó quả thực là : sát tế hoặc còn là chiên vượt qua : “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”. Khi Kitô giáo tiến vào trong môi trường Hy lạp, chúng ta đã thấy nét giống nhau lạ lùng giữa từ Do thái pascha và động từ Hy lạp pascheia (đau khổ), đã khiến người Kitô hữu mắc bẫy vì ngây thơ tin rằng Vượt Qua có nghĩa là khổ nạn, và đã lặp lại điều đó trong nhiều thế kỷ.
Đúng là từ khởi thủy, hạn từ đó đã được cắt nghĩa là Thiên Chúa “vượt qua ở trên”, bỏ qua, tha thứ cho những nhà người Do Thái (x.Xh 12,11) ; nhưng người ta không thấy nghĩa này có thể áp dụng cho Đức Kitô như thế nào ; hơn nữa, nghĩa này mất hút trong bản dịch Kinh Thánh được phần đông người Kitô hữu biết đến, tức bản Bẩy Mươi. Cũng đúng là vào thời Tân Ước, có người (Philô Alexanđria) đã cắt nghĩa chữ “Vượt Qua” như một sự vượt qua, nhưng đã giải thích sự vượt qua này dựa vào con người vượt qua “từ nết xấu đến nhân đức, từ tội lỗi đến ân sủng”, một điều dĩ nhiên không phù hợp với Đức Kitô.
Trong một thời gian dài, tình huống trong Giáo Hội là thế này : những người cắt nghỉa Vượt Qua là khổ nạn thấy ở đó hình bóng tiên trưng sự chết của Đức Kitô ; những người cắt nghĩa là sự vượt qua thấy ở đó sự quy chiếu về cuộc vượt qua biển Đỏ, không phải như hình bóng sự sống lại của Đức Kitô cho bằng như hình bóng của phép rửa, hoặc như hình bóng sự vượt qua của linh hồn từ tội lỗi đến ân sủng. Phải đợi tới thế kỷ V mới có vài ba ví dụ cho thấy chữ vượt qua chỉ sự sống lại của Đức Kitô (6).
Như chúng ta đã thấy, chính Augustinô đã tìm ra một giải đáp cho khó khăn này. Ngài khám phá ra rằng Gioan đã đưa ra một lối giải thích mới về chữ Vượt Qua : giải thích sự vượt qua của Đức Kitô là “bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13,1), Dựa trên nền tảng này, ngài đã có thể mở rống khái niệm Vượt Qua đến chỗ cho phép nó bao gồm cả sự sống lại của Đức Kitô, và trình bầy mầu nhiệm Vượt Qua như mầu nhiệm gồm toàn bộ Khổ Nạn và Phục Sinh, gồm cả sự chết lẫn sự sống ; chính xác hơn, mầu nhiệm Vượt Qua từ sự chết đến sự sống. “Qua cuộc Khổ Nạn, Chúa đã vượt qua từ cõi chết đến cõi sống, mở đường cho hết thảy chúng ta đang tin vào sự sống lại của Ngài, để chúng ta cũng vượt từ cõi chết đến cõi sống” (7). Ngài còn kêu lên: “Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa, đó là Vượt Qua đích thực” (8). “Lễ Vượt Qua là ngày chúng ta cùng nhau cử hành cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa” (9). Augustinô còn làm hơn thế nữa : trên bình diện đức tin, ngài đặt sự sống lại của Đức Kitô ngay cả trên sự chết của Ngài. Thánh nhân viết: “Đức tin của người Kitô hữu, chính là sự sống lại của Đức Kitô” (10).
Như vậy, Tử Nạn và Phục Sinh từ đây cùng nhau làm nên mầu nhiệm Vượt Qua. Nhưng không phải như hai thực tại hay hai thời điểm đặt gần nhau để bù đắp cho nhau hay nối tiếp nhau, mà đúng hơn, như một chuyển động, một sự vượt qua từ thời điểm này sang thời điểm kia. Có một cái gì đó sinh động, chỉ ra sự năng động sâu sắc của việc cứu chuộc : đưa chúng ta từ cõi chết đến cõi sống, từ đau buồn đến niềm vui. Còn hơn một sự kiện, Vượt Qua là một sự trở nên, một chuyển động không thể dừng lại và chỉ được hoàn tất trong sự Phục Sinh. Vượt Qua chỉ có Khổ Nạn mà không có Phục Sinh sẽ là một câu hỏi không có câu trả lời, một đêm tối không kết thúc trong bình minh của một ngày mới. Đó sẽ là chấm dứt, chứ không phải khởi đầu mọi sự.
Sau khi nói trong chương trước về cái chết của Đức Kitô, bây giờ là lúc nói về sự sống lại của Ngài, để bổ túc cho bài suy niệm về mầu nhiệm Vượt Qua “trong lịch sử”.
3. Sự Phục Sinh của Đức Kitô : cách tiếp cận lịch sử
Như đã chỉ ra ở trên, chúng ta nói về sự Phục Sinh của Đức Kitô như một yếu tố “lịch sử” của cuộc Vượt Qua theo nghĩa nào : theo nghĩa nó tạo nên “biến cố được tưởng niệm”, khác với lễ Vượt Qua phụng vụ hàng năm là “tưởng niệm biến cố”. Nhưng phải chăng chỉ theo nghĩa này mà sự Phục Sinh của Đức Kitô có thể được gọi là một sự kiện “lịch sử”? Chúng ta có thể hay không thể định nghĩa sự sống lại như một biến cố lịch sử theo nghĩa chung nhất của thuật ngữ là “thực sự xẩy ra”, nghĩa mà theo đó lịch sử ngược với không-lịch sử, thần thoại, hoang đường ? Diễn tả bằng những thuật ngữ của cuộc tranh luận hiện nay thì : Có phải Đức Giêsu chỉ sống lại trong khởi giảng và phụng vụ của Giáo Hội, hay Ngài cũng sống lại trong thực tế và trong lịch sử ? Phải chăng Ngài đã sống lại vì Giáo Hội tin và công bố điều đó, hay Ngài đã sống lại, và chính vì thế Giáo Hội công bố điều đó ? Hoặc : Phải chăng Ngài đã sống lại, tức con người Đức Kitô đã sống lại, hay chỉ là sự nghiệp của Ngài đã sống lại, với nghĩa thuần túy ẩn dụ theo đó sự sống lại có nghĩa là tàn tích, hay sự tái xuất hiện vinh thắng của một ý tưởng, sau cái chết của người đã đề ra cái chết đó ?
Câu trả lời có uy tín nhất đã có trong Phúc Âm mà Chúa Thánh Thần đã đặt trước ở đó: “Chúa sống lại thật rồi”, các tông đồ đã nói thế khi gặp lại hai môn đệ Emmau trước khi hai ông kể lại kinh nghiệm của mình (x.Lc 24,34). Vậy Ngài đã sống lại “trong thực tế”, thực sự (ontos). Các Kitô hữu Đông phương dùng câu này làm lời chào mùa phục sinh: “Đức Kitô đã sống lại”, và người được chào đáp lại: “Người đã sống lại thật”.
Chúng ta xem người ta có thể có cách tiếp cận sự sống lại của Đức Kitô về phương diện lịch sử theo nghĩa nào. Không phải vì một người trong chúng ta chưa tin vào điều đó, hoặc phải dùng phương cách này để thuyết phục, nhưng, như Luca nói ở đầu Phúc Âm của mình, “để chúng ta nhận thức được rằng giáo huấn chúng ta học hỏi thật là vững chắc” (x.Lc 1,4).
Với cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, ánh sáng thắp lên trong tâm hồn các môn đệ không chống chọi được thử thách khi cuộc đời của Ngài kết thúc bi đát. Đêm tối hoàn toàn bao phủ mọi sự. Họ đã nhận ra Ngài như là Đấng được Thiên Chúa sai đến, như một người trổi vượt hơn mọi tiên tri khác.. Giờ đây, họ không biết phải nghĩ gì nữa. Tình trạng tâm trí của các môn đệ được Luca mô tả trong đoạn nói về hai môn đệ Emmau: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng, chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa những việc ấy xẩy ra đến nay là ngày thứ ba rồi” (Lc 24,21). Chúng ta ở vào điểm chết của đức tin. Hồ sơ về Đức Giêsu coi như khép lại.
Vẫn trong viễn tượng lịch sử, giờ đây chúng ta bước qua vài năm sau. Chúng ta sẽ gặp thấy gì ? Một nhóm người, nhóm đã sống bên cạnh Đức Giêsu, lặp đi lặp lại bằng lời giảng hay lời viết rằng Đức Giêsu Nadarét là Đấng Mêsia, là Chúa, là Con Thiên Chúa, Ngài đang sống và sẽ đến xét xử thế gian. Không những hồ sơ về Đức Giêsu được mở lại, mà trong một thời gian vắn, nó đã đạt tới một chiều kích sâu xa và phổ quát lạ thường. Con người này không chỉ liên quan đến dân Do Thái, nhưng liên quan đến mọi người và mọi thời. “Viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường” (1Pr 2,7), nghĩa là khởi đầu một nhân loại mới. Từ đó, “dưới gầm trời này, không có một danh hiệu nào khác đã được ban cho nhân loại, để nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,1), nếu đó không phải là danh hiệu Giêsu Nadarét.
Điều gì đã xẩy ra ? Điều gì đã tạo ra sự thay đổi đến nỗi ngay cả những người đã từng chối Đức Giêsu và bỏ trốn, giờ đây công bố những lời trên trước đám đông, thiết lập Giáo Hội nhân danh Đức Giêsu, yên lặng chịu tù ngục, đánh đập và bị giết vì Ngài ? Chính họ đã đồng loạt trả lời: “Ngài đã sống lại!”. Điều cuối cùng mà sử gia có thể làm, trước khi nhường lời cho đức tin, là xem xét câu trả lời này, chính mình phải đi tới mộ như các phụ nữ thánh thiện để thấy tình trạng sự việc.
Phục Sinh là một biến cố lịch sử, theo một nghĩa rất đặc biệt. Nó nằm ở giới hạn lịch sử, như đường phân cách biển và đất liền. Nó vừa ở trong lịch sử vừa ở ngoài lịch sử. Với nó, lịch sử mở ra cho những gì ở bên kia lịch sử, cho cánh chung. Theo một nghĩa nào đó, nó là sự đoạn tuyệt lịch sử, hoàn tất lịch sử, cũng như Tạo Dựng là khởi đầu của lịch sử. Chính điều đó làm cho sự Phục Sinh, tự nó, là một biến cố không thể minh chứng và không thể hiểu bằng những phạm trù tâm trí của chúng ta, vì tất cả những phạm trù liên kết với kinh nghiệm về thời gian và không gian. Thực sự, không ai chứng kiến lúc Đức Giêsu sống lại. Không ai có thể nói mình đã thấy Đức Giêsu sống lại, mà chỉ nói mình thấy Đấng Phục Sinh. Vậy người ta biết sự Phục Sinh cách a posteriori (hậu thiên, sau đó). Chính xác giống như sự Nhập Thể trong lòng Đức Maria. Chính sự hiện diện thể lý của Ngôi Lời trong lòng Đức Maria minh chứng Ngài đã nhập thể. Cũng vậy, chính sự hiện diện tinh thần của Đức Kitô trong cộng đồng, trở thành hữu hình qua các lần Ngài hiện ra, minh chứng Ngài đã sống lại. Điều này cắt nghĩa sự kiện là không một sử gia ngoại giáo nào đề cập sự Phục Sinh. Tacitô, một sử gia có nhắc đến cái chết của một ông Kitô nào đó thời Phongxiô Philatô (11), lại không nói về sự Phục Sinh của Ngài. Biến cố này chỉ thích đáng và có ý nghĩa cho người có kinh nghiệm về những hậu quả của nó, giữa lòng cộng đồng.
Như vậy, chúng ta nói đến một cách tiếp cận sự Phục Sinh về phương diện lịch sử theo nghĩa nào ? Có hai sự kiện giúp cho sử gia xem xét và cho phép ông nói về sự Phục Sinh : trước tiên là đức tin bất chợt và không thể đoán trước của các môn đệ, một đức tin bền bỉ đến nỗi chịu ngay cả thử thách tử đạo ; thứ đến, cách cắt nghĩa mà những người liên hệ, tức các môn đệ, đã để lại cho chúng ta về một đức tin như thế. “Vào lúc quyết định, khi Đức Giêsu bị bắt và bị xét xử, các môn đệ không nuôi một hy vọng nào về một sự sống lại. Họ bỏ trốn và coi hồ sơ về Đức Giêsu thuộc loại xấu. Như vậy phải có một sự gì đó xen vào đến nỗi chỉ trong một thời gian vắn đã làm thay đổi tận căn tình trạng tâm trí của họ, không những vậy mà còn đưa họ đến một hành động hoàn toàn mới mẻ, đến việc thiết lập Giáo Hội. “Điều gì đó” là hạt nhân lịch sử của đức tin Phục Sinh” (12). Chúng ta thử xem xét chứng từ của các tông đồ, để thấy rằng, nhờ chứng từ đó, chúng ta có thể tiếp cận biến cố Phục Sinh tới đâu.
Chứng từ của Thánh Phaolô
Chứng từ xưa nhất là của Phaolô. Ngài nói: “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15,3-8).
Những lời trên đây được viết khoảng năm 56-57. Tuy nhiên, trọng tâm của bản văn lại được cấu tạo bằng một credo cũ hơn, mà Thánh Phaolô nói rằng mình biết được từ những người khác. Nếu để ý là Thánh Phaolô đã được biết những công thức này ngay sau khi hoán cải, chúng ta có thể đưa nó ngược trở lại năm 35, tức 5 hoặc 6 năm sau cái chết của Đức Kitô. Vậy đây là chứng từ cũ nhất.
Nhưng những công thức này cụ thể làm chứng điều gì? Hai sự kiện căn bản : Ngài đã sống lại và Ngài đã hiện ra.
“Ngài đã sống lại” (tiếng Hy lạp là egegertai), theo nghĩa “thức dậy” hoặc “trỗi dậy”, hoặc theo nghĩa thụ động, “Ngài được đánh thức”, “được cho sống lại”, dĩ nhiên bởi Thiên Chúa Cha. Những chữ này chắc chắn không thích hợp. Quả thực, Đức Kitô không sống lại “về phía sau”, trở lại đời sống trước đây như Ladarô, để sẽ chết lần nữa. Nhưng Ngài sống lại “về phía trước”, trong thế giới mới, trong sự sống mới theo Thần Khí. Đây là điều vô đối trong kinh nghiệm của con người, nên phải được diễn tả bằng những thuật ngữ không thích đáng, hiểu theo nghĩa bóng, Sự Phục Sinh của Đức Kitô là một điều gì đó hoàn toàn khác với mọi sự sống lại được biết đến của người đã chết, kể cả sự sống lại được chính Đức Giêsu thực hiện trong suốt cuộc đời của Ngài. Những sự sống lại này chỉ là thời gian hoãn, làm chậm lại cái chết. Còn sự sống lại của Chúa là một sự chiến thắng vĩnh viễn, không thể quay trở lại trước sự chết.
“Ngài đã hiện ra” (tiếng Hy lạp ophthe), theo nghĩa “tỏ mình ra”, “trở nên hữu hình nhờ Thiên Chúa”. Từ thuật ngữ này, người ta chỉ có thể suy ra là các chứng nhân xác tín về căn tính giữa Đấng chịu đóng đinh mà họ đã bỏ lại trên đồi Golgôtha và Đấng sau đó đã hiện ra. Đây là một kinh nghiệm rất mạnh, rất cụ thể, mà họ “không thể không nói ra” (Cv 4,20). Ai có kinh nghiệm này đều chắc chắn mình đã gặp Ngài, Đức Giêsu Nadarét, chứ không phải ma. Phaolô nói rằng phần đông vẫn còn sống, mặc nhiên bảo độc giả muốn chắc ăn thì cứ tìm đến chứng từ của những người ấy. Kinh nghiệm của những người khác được củng cố bằng kinh nghiệm riêng của ngài: “Người cũng đã hiện ra với tôi”
Chứng từ của các Phúc Âm
Các trình thuật Phúc Âm phản ánh một giai đoạn về sau trong suy tư của Giáo Hội, với một vài dị biệt về biên tập và mục tiêu hộ giáo. Tuy nhiên, trọng tâm của chứng từ không thay đổi : Chúa đã sống lại và hiện ra, đang sống. Thêm vào đó là một yếu tố mới : ngôi mộ trống. Gioan rút ra từ đó một bằng chứng gần như thể lý cho việc Đức Giêsu sống lại (Ga 20,3tt) : những băng vải để dưới đất, khăn che đầu cuộn lại để riêng một nơi, như thể thân xác đã bốc hơi vậy. Sự kiện ngôi mộ trống đã có thể có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau, và đã không bao giờ làm nền tảng cho đức tin vào việc Chúa sống lại. Sau này, khi phải đương đầu với cách giải thích là xác Đức Giêsu đã được đem đi, do các kẻ thù tung ra, người ta đưa vào một vài yếu tố mới để bênh vực cho sự kiện này : các thiên thần, chuyện các kỳ mục Do thái hối lộ cho lính canh.
Với các Phúc Âm, những lần hiện ra cũng vẫn là sự kiện quyết định. Tuy nhiên chúng cũng minh chứng chiều kích mới của Đấng Phục Sinh, cách hiện hữu mới “trong Thần Khí” của Ngài, khác với cách hiện hữu trước, “theo xác thịt”. Chẳng hạn, không phải ai trông thấy Ngài cũng có thể nhận ra Ngài, nhưng chỉ người nào được Ngài cho nhận ra Ngài. Tính hữu hình của Ngài khác với tính hữu hình trước đây. Ngài không còn chịu những quy luật vật lý : Ngài ra vào khi mọi của đều đóng kín. Ngài hiện ra và biến đi. Đức Giêsu đã ở đâu khi biến đi và từ đâu mà xuất hiện lại ? Đó là một mầu nhiệm cho chúng ta, cũng mầu nhiệm như sự kiện Ngài ăn sau khi sống lại. Chúng ta không có kinh nghiệm về thế giới tương lai, trong đó Ngài đã đi vào, để có thể nói về nó.
Sự Phục Sinh, yếu tố khách quan hay chỉ là chủ quan?
Một cách cắt nghĩa khác về sự Phục Sinh, do Bultmann đưa ra cách đây chưa lâu, cho đây là những ảo ảnh phát sinh từ tâm lý, tức là những hiện tượng chủ quan. Cứ cho là đúng đi nữa, điều đó cuối cùng sẽ không tạo ra một phép lạ nhỏ hơn so với phép lạ mà người ta muốn tránh phải thừa nhận. Quả thực, ông giả thiết rằng những con người khác nhau, trong những tình huống và địa điểm khác nhau, tất cả đều có cùng một ấn tượng hay ảo giác. Các môn đệ không thể bị lừa : đó là những con người cụ thể, những ngư phủ, không bị ảo tưởng trong bất cứ trường hợp nào. Lúc đầu, họ đã không tin. Đức Giêsu phải vượt qua thái độ ấy của họ: “Ôi, những lòng trí chậm tin!” Họ cũng không thể muốn đánh lừa người khác. Tất cả mối quan tâm của họ chống lại điều ấy : hẳn họ phải là những người đầu tiên bị Đức Giêsu đánh lừa và cảm thấy bị Ngài đánh lừa. Nếu Ngài đã không sống lại, tại sao họ lại chịu bách hại và chịu chết vì Ngài ?
Theo thuyết giải trừ huyền thoại hóa (démythologisation), có một ý kiến căn bản bác bỏ điều mà sự sống lại được đưa ra như các chứng nhân lúc ấy thuật lại : như người ta nói, sự kiện này phản ánh cách suy nghĩ và trình bầy thế giới của thời tiền khoa học, quan niệm thế giới như gồm những tầng chồng lên nhau – tầng của Thiên Chúa, tầng của con người và tầng của Địa Ngục – có thể đi từ tầng này qua tầng khác. Đó là một quan niệm thần thoại về thế giới mà ngày hôm nay nên vượt qua. Sự giải trừ huyền thoại hóa có lý do tồn tại, nhưng không thể áp dụng nó vào trường hợp đặc biệt về sự sống lại, như người ta đã từng làm. Quả thực, sự sống lại từ trong kẻ chết, cứ như Phúc Âm hiểu (nghĩa là bằng xương bằng thịt), đối nghịch với quan niệm cổ đại về thế giới, đặc biệt của người Hy Lạp, và càng đối nghịch với quan niệm hôm nay về thế giới. Nếu các Tông Đồ khăng khăng bảo vệ nó, thì không phải vì nó phù hợp với những cách trình bầy của thời các ông, nhưng vì nó phù hợp với chân lý.
Đàng khác, cũng dễ chứng minh sự thiếu mạch lạc trong cách cắt nghĩa của Bultmann, trong khung cảnh lý thuyết này. Ông chấp nhận Thiên Chúa can thiệp trong trường hợp Đức Giêsu Kitô bằng cách xác thực hóa vụ việc. Rõ ràng là cách này hay cách khác Thiên Chúa đã hành động thật lạ lùng nơi Đức Giêsu Kitô. Nhưng nếu Ngài hành động thật lạ lùng, có khác biệt nào giữa việc thừa nhận rằng đây là một sự sống lại thật và những lần hiện ra thật, thay vì là những sự kiện nội tâm và thuần túy ảo giác ? Tại sao Thiên Chúa lại cần đến một phép lạ bề ngoài, vì Ngài có thể làm một phép lạ đích thật ?
Sự thật là phủ nhận thực tại Nhập Thể nấp dưới phủ nhận thực tại và lịch sử tính của sự sống lại. Theo Bultmann, công thức “Đức Kitô là Thiên Chúa” là sai, nếu Thiên Chúa được coi như một hữu thể mà người ta có thể khách quan hóa ; công thức ấy đúng nếu nó được hiểu như “biến cố hiện tại hóa của Thiên Chúa” (13). Nhưng nếu Nhập Thể không khách quan, rõ ràng Phục Sinh cũng không khách quan. Vấn đề có tính cách triệt để hơn. Tất cả cuộc tranh luận xung quanh sự sống lại dựa trên một dị nghĩa. Vấn đề thực sự, chính là thần tính của Đức Kitô, biết ai là Giêsu Kitô. Những người chối bỏ thực tại Phục Sinh gắn bó chặt chẽ với chính họ, cho dù họ không gắn bó chặt chẽ với Kinh Thánh và tín điều. Luận chứng được dùng để bảo vệ tính bất khả của Phục Sinh cũng có thể được đưa ra chống lại Nhập Thể. Các Giáo Phụ không lầm khi liên kết chặt chẽ Nhập Thể và Phục Sinh, dùng cả hai minh chứng cho nhau. Cũng như sự hiện diện thân xác của Ngôi Lời nơi Đức Maria minh chứng sự Nhập Thể, cũng vậy, sự hiện diện thiêng liêng của Đức Kitô nơi cộng đồng sau-Phục Sinh, trở nên hữu hình nhờ các lần hiện ra, chứng minh sự Phục Sinh của Ngài. Cũng như Ngôi Lời đi vào thế gian mà không làm thiệt hại cho đức đồng trinh của mẹ mình, cũng vậy, Ngài đi vào phòng ăn khi mọi cửa đều đóng kin. Phải chăng người ta có thể chấp nhận một sự Nhập Thể thực sự và một ngôi hiệp thực sự, như đã được định tín qua các công đồng xưa và được các Kitô hữu tuyên xưng trong kinh tin kính, rồi sau đó lại chối bỏ sự Phục Sinh ? Trong trường hợp này, tiến trình sụp đổ đức tin hẳn sẽ không ngừng lại ở Nhập Thể, nhưng chắc chắn cũng liên hệ tới Ba Ngôi, vì chúng ta chỉ biết Chúa Con trên nền tảng Nhập Thể.
Nếu người ta phủ nhận tính chất lịch sử, nghĩa là tính chất khách quan chứ không chỉ chủ quan của sự Phục Sinh, thì sự khai sinh Giáo Hội và đức tin trở thành một mầu nhiệm còn khó cắt nghĩa hơn chính sự Phục Sinh. Cũng tác giả ấy còn phủ nhận mọi tầm quan trọng được gán cho Đức Giêsu lịch sử, và làm cho tất cả Kitô giáo lệ thuộc vào kinh nghiệm Phục Sinh của các tông đồ, tiếp theo là làm cho kinh nghiệm này thành vô ích, khi coi nó như một kinh nghiệm bên trong ít nhiều có tính chất ảo giác. Có người đã ghi nhận một cách chính đáng rằng: “Ý nghĩ là tòa nhà đồ sộ của lịch sử Kitô giáo giống như một kim tự tháp khổng lồ, xây dựng mất thăng bằng trên một sự kiện vô nghĩa, chắc chắn không đáng tin bằng việc quả quyết tất cả biến cố – tức sự kiện được thiết lập cùng với ý nghĩa gắn liền với nó – đã thực sự có một địa vị trong lịch sử có thể sánh được với địa vị mà Tân Ước gán cho nó” (14).
Vậy nghiên cứu lịch sử cố gắng tiếp cận Phục Sinh như thế nào ? Chúng ta có thể hiểu điều đó trong lời các môn đệ Emmau : một vài môn đệ đi ra mộ Chúa sáng ngày Phục Sinh, và đã thấy mọi sự như các phụ nữ đã đến trước và đã thuật lại cho họ, nhưng “Người, thì họ đã không thấy”. Chính lịch sử đi đến tận mộ Đức Giêsu và phải ghi nhận sự việc như các chứng nhân đã thuật lại. Nhưng Ngài, Đấng Phục Sinh, thì lịch sử không thấy. Ghi nhận theo lịch sử thì không đủ, phải nhìn thấy Đấng Phục Sinh ; điều đó, lịch sử không thể làm, duy nhất chỉ đức tin có thể làm (15). Vả lại, cũng chỉ giống như các chứng nhân lúc ấy. Cả đối với những người này, cần phải có sự vượt qua. Từ những lần hiện ra, và có lẽ từ ngôi mộ trống, tức từ những sự kiện lịch sử, họ đi đến chổ quả quyết: “Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại”, một quả quyết của lòng tin. Là quả quyết của lòng tin, nó còn hơn một cuộc chinh phục, một ân ban. Thực tế, trong Phúc Âm chúng ta thấy Đấng Phục Sinh không được mọi người nhìn thấy, nhưng chỉ có những người được Ngài cho nhìn thấy và khi Ngài cho nhìn thấy. Các môn đệ Emmau đồng hành với Ngài nhưng không nhận ra Ngài, cho tới khi Ngài muốn và khi họ mở lòng đón nhận ân sủng, “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài” (Lc 24,30).
4. Sự Phục Sinh của Đức Kitô : cách tiếp cận đức tin
Sự Phục Sinh của Đức Kitô giống như một đường phân thủy, đường chia hai dòng nước : một đàng, nó nhìn về lịch sử và dẫn tới lịch sử ; đàng khác, nó nhìn về đức tin và dẫn tới đức tin. Giờ đây chúng ta hãy trở xuống phía đối nghịch với phía qua đó chúng ta đã tới ; hãy đi theo đường chỏm của đức tin. Đi từ lịch sử tới đức tin, đó cũng là cách nói về sự Phục Sinh, với cung giọng và ngôn ngữ thay đổi. Người ta không viện dẫn chứng cớ xác nhận nữa, không cần đến chúng, vì tiếng của Thần Khí trực tiếp tạo nên sự xác tín trong lòng. Chính là một ngôn ngữ khẳng định, tất yếu. Phaolô nói: “Nhưng không phải thế ! Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết” (1Cr 15,20). Ở đây người ta thực sự đứng trên bình diện đức tin, không phải trên bình diện minh chứng. Chính là khởi giảng. Phụng vụ lễ Phục Sinh ca lên: “Scimus Christum surrexisse a mortuis vere” “Chúng tôi biết rằng Đức Kitô đã thực sự sống lại từ trong cõi chết”. Điều đó cũng thuộc về ngôn ngữ đức tin. Không những chúng ta tin, mà trong khi tin, chúng ta biết rằng thực sự là như thế, chúng ta chắc chắn về điều đó. Sự chắc chắn này có bản chất khác với sự chắc chắn lịch sử, nhưng mạnh hơn, vì dựa vào Thiên Chúa. Chỉ người vô tín hay người theo ngộ đạo thuyết có thể nghĩ rằng đó là diễn từ kiêu hãnh của người tưởng mình nắm được chân lý và thậm chí không chấp nhận tranh luận. Trên thực tế, đó là ngôn ngữ của người hoàn toàn lụy phục, thực hiện điều mà thánh Phaolô gọi là “sự vâng phục của đức tin”.
Sự Phục Sinh của Đức Kitô quan trọng cho đức tin đến nỗi không có Phục Sinh thì, như thánh Phaolô nói, đức tin của chúng ta sẽ trống rỗng, tức là không nghiêm túc, không có nền tảng lịch sử (1Cr 15,14). Chúng ta tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết (Rm 4,24). Lúc này, chúng ta hiểu tại sao thánh Augustinô có thể nói rằng “đức tin của người Kitô hữu là sự Phục Sinh của Đức Kitô”. Mọi người tin rằng Đức Kitô đã chết. Chỉ có người Kitô hữu mới tin Ngài đã sống lại. Ai không tin như thế thì không phải là Kitô hữu (16).
Ý nghĩa hộ giáo của sự Phục Sinh
Nhưng Phục Sinh là gì theo quan điểm đức tin ? Đó là bằng chứng của Thiên Chúa về Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy đọc diễn từ thứ nhất về sự Phục Sinh khi Phêrô nói với dân chúng ở Giêrusalem, ngay sau lễ Ngũ Tuần: “Thưa đồng bào Israel, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. Quả vậy, vua Đavít đã nói về Người rằng : Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để vị thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui mừng tràn trề khi ở trước thánh nhan. Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đavít rằng : người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói : Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác người không phải hư nát. Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,22-32).
Ở đây, người ta thấy cách diễn tả một chứng từ nào đó : chứng từ của các Tông Đồ về sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Tân Ước đầy những chứng từ như vậy. Nhưng cũng có một chứng từ khác : Thiên Chúa làm chứng cho Đức Giêsu Kitô khi cho Ngài sống lại. Thiên Chúa đã làm cho người ta tin vào Đức Giêsu Nadarét, qua các việc lạ lùng trong suốt cuộc đời của Ngài, giờ đây đã đóng một dấu vĩnh viễn giúp nhận ra Ngài : đã cho Ngài sống lại. Trong diễn từ ở Athêna, thánh Phaolô nói: “Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết” (Cv 17,31). Bảo đảm chính xác điều gì ? Chân lý của Đức Giêsu Kitô, tức là sự xác thực của con người và sứ mệnh của Ngài. Thiên Chúa bảo đảm rằng Đức Giêsu Nadarét thực sự là Đấng Người đã nói. Sự Phục Sinh là tiếng nói khẳng định đầy quyền năng của Thiên Chúa, là tiếng “amen” được công bố về cuộc đời Đức Giêsu.
Cái chết của Đức Kitô tự nó lại không phải là bằng chứng đủ sao ? Không. Cái chết không đủ để chứng minh chân lý về sự nghiệp của Ngài. Nhiều người trên thế giới đã chết không phải vì chính nghĩa, thậm chí đôi khi vì những lý do bất công. Cái chết của họ đã không làm cho sự nghiệp của họ là thật ; nó chỉ làm chứng rằng họ tin vào sự thật của nó. Bằng chứng cao đẹp mà Đức Giêsu đã làm trước Phongxiô Philatô (1Tm 6,13) không phải là bằng chứng về chân lý của Ngài ; đó chỉ là bằng chứng về tình yêu của Ngài. Bằng chứng cao cả nhất trong lãnh vực này, vì “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạnh vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Như vậy, chỉ có sự Phục Sinh tạo nên dấu ấn cho sự xác thực thần linh của Đức Kitô. Đó là lý do tại sao chính Đức Giêsu cho thấy nó như một dấu chỉ tuyệt vời. Có một hôm Ngài đã trả lời cho người xin Ngài một dấu chỉ: “Cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Phaolô có lý khi xây dựng tất cả tòa nhà đức tin trên nền tảng là sự Phục Sinh: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng… Chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa… Chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,14-19).
Nhưng việc Đức Kitô sống lại làm chứng cụ thể điều gì ? Trước hết là con người và công trình của Đức Giêsu ở trần gian. Đức Giêsu Nadarét này “đi tới đâu thì thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi người”, đã bị người ta treo lên cây gỗ mà giết đi, nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy (Cv 10,38 tt). Trên thập giá, Chúa Cha dường như chối bỏ Ngài, đến nỗi Ngài đã lo lắng mà kêu lên: “Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của tôi, sao Ngài bỏ tôi” ; nhưng khi làm cho Ngài sống lại, Chúa Cha cho thấy từ đây Người đồng hóa với Đấng chịu đóng đinh cũng như với sự nghiệp của Ngài. Người ta chỉ còn thấy Đấng chịu đóng đinh “trong vinh quang của Chúa Cha”, và vinh quang của Chúa Cha cũng chỉ ở trên khuôn mặt Đấng chịu đóng đinh.
Như vậy, sự Phục Sinh giống như một ngọn đèn pha cho thấy cuộc đời trần thế của Đức Giêsu ở bên kia cuộc Vượt Qua. Dưới ánh sáng của nó, các môn đệ đã nhớ lại, đã hiểu, đã chuyên chú vào những lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu ; nhất là cử chỉ cuối cùng, mầu nhiệm, khi Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho họ mà nói: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em”.
Sự Phục Sinh đưa lên một chiều kích mới những lời Đức Giêsu nói trong suốt cuộc đời Ngài và được thu tập lại trong Giáo Hội. Chúng không lệ thuộc thời gian lịch sử, và được nâng lên mức tuyệt đối phổ quát.. Chúng không chỉ là những lời dạy bảo khôn ngoan hoặc diễn từ có tính chất tiên tri, nhưng chúng thế nào thì thực sự lộ ra thế ấy : đó là “những lời không qua đi”, lời Thiên Chúa. Trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”. Đó là trọng tâm việc loan báo của Ngài. Sự Phục Sinh làm chứng Ngài đã không lầm : cùng với Ngài, chết và sống lại, Nước Thiên Chúa đã đến. Kết cục đã khởi đầu ; nó chấm dứt lúc nào không quan trọng, dù chỉ một vài năm như các chứng nhân đầu tiên đã nghĩ, hoặc hàng nghìn hàng triệu năm nữa.
Ý nghĩa bí nhiệm của Phục Sinh
Nhưng sự Phục Sinh, nhìn theo quan điểm đức tin, không chỉ có thế. Ngoài ý nghĩa có thể gọi là hộ giáo, nhằm chứng minh sự xác thực của sứ mệnh Đức Kitô, sự hợp pháp của ý định thần linh nơi Ngài, cần phải thêm một ý nghĩa hoàn toàn khác, có thể gọi là bí nhiệm (mystérique) hay thuộc về sự cứu độ, chỉ mới đây đã lôi kéo được sự chú ý đáng có. Sự Phục Sinh không chỉ chứng thực chân lý của Kitô giáo, mà còn xây dựng thực tại Kitô giáo. Nó là phần toàn vẹn của mầu nhiệm cứu độ.
Đối với một số người, Phục Sinh không ghi dấu một sự can thiệp mới mẻ và thực sự của Thiên Chúa trong lịch sử, khác với Thập Giá. Ý nghĩa của nó đối với ơn cứu độ chỉ là làm sáng tỏ ý nghĩa của Thập Giá (R. Bultmann). Nhưng chắc chắn điều đó không đủ. Thánh Phaolô làm sáng tỏ ý nghĩa đặc biệt của Phục Sinh khi ngài rút từ đó ra sự công chính hóa (x. Rm 4,25) và ơn tha thứ tội lỗi (1Cr 15,17). Đây không chỉ là điều có tính chất làm gương, theo nghĩa sự chết và sống lại của Đức Kitô là khuôn mẫu, kiểu mẫu cho việc chết cho tội lỗi và sự sống mới trong Thiên Chúa, cho cái chết riêng của ta và sự sống lại. Lược đồ : “như Đức Kitô – chúng ta cũng” (x. Rm 6,4tt) cũng có nghĩa là : “vì Đức Kitô đã – nên chúng ta cũng”. Vì Đức Kitô đã chết, chúng ta cũng chết cho tội lỗi, vì Đức Kitô đã sống lại, chúng ta cũng có thể tiến tới đời sống mới. Đức Kitô đã sống lại để chúng ta được nên công chính, nghĩa là để gây ra chuyện đó, chứ không chỉ chứng minh chuyện đó.
Thánh Augustinô đã diễn tả tất cả những điều trên đây cách hoàn hảo, bằng cách liên kết với hành vi tin vào sự Phục Sinh: “Nhờ cuộc Khổ Nạn của Ngài, Chúa đã đi từ cõi chết đến cõi sống, mở đường cho chúng ta là những người tin vào sự Phục Sinh, để chúng ta cũng đi từ cõi chết đến cõi sống” (17). Ngải chỉ thu góp giáo huấn của Phaolô: “Nếu lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9).
Một sự việc có ý nghĩa : chỉ sau khi sống lại, Đức Giêsu mới gọi các môn đệ là “anh em” : “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17). Không còn là tôi tớ nữa, không còn là bạn hữu nữa (x. Ga 15,15). Không có gì phải xấu hổ khi gọi họ là anh em, vì “Đấng thánh hóa và người được thánh hóa đều do một nguồn gốc” (Dt 2,11-12). Kể từ Nhập Thể, chúng ta có chung với Đức Kitô “cùng một xác thịt” ; kể từ Phục Sinh, chúng ta cũng có chung với Ngài “cùng một Thần Khí”. Với sự Phục Sinh, quả thực Đức Giêsu đã trở nên “thần khí ban sự sống” (1Cr 15,45).
Kết luận : một đức tin tinh tuyền hơn
Tất cả những gì vừa nói chỉ là dùng những thuật ngữ hiện đại hơn để tái khẳng định đức tin truyền thống của Giáo Hội liên hệ đến Phục Sinh. Cuộc tranh luận mới đây do phái phê bình duy lý và lý thuyết giải trừ huyền thoại hóa gây ra phải chăng là vô ích ? Không. Nó đã đưa tới một đức tin tinh tuyền hơn, sự thanh tẩy mà đức tin này cần, để có thể được đề xuất lại ngày hôm nay. Nó đã làm cho niềm tin vào sự Phục Sinh thoát khỏi những cách trình bầy vừa thô thiển vừa mang tính hộ giáo sai lạc. Để nhấn mạnh thực tại và lịch sử tính của sự Phục Sinh, người ta thường cuối cùng là biến nó thành một biến cố ở giữa thế gian, có thể nhận thấy được, một sự kiện thuộc kinh nghiệm hơn là thuộc đức tin, trong khi sự Phục Sinh, cũng như thần tính của Đức Kitô, không bắt nguồn từ một kiến thức trực tiếp, nhưng chỉ gián tiếp, nhờ hành vi tin. Tất cả sự tranh cãi này giúp chúng ta dè dặt hơn trong đứa tin, khiêm tốn và thinh lặng hơn trước sự việc thần linh và cao cả. Nó làm cho đức tin của chúng ta trần trụi hơn, và như vậy tinh tuyền hơn, như một loại “đêm tối của giác quan”, mà đức tin của toàn thể Giáo Hội vượt qua hoặc phải vượt qua đó.
Thế nhưng lợi ích của cuộc tranh cãi này không chỉ tiêu cực. Quả quyết Đức Giêsu đã sống lại “trong khởi giảng”, một khi chúng ta chứng minh Ngài cũng đã sống lại trong lịch sử, bao hàm một khía cạnh an ủi lạ lùng. Nếu Đức Kitô sống lại trong khởi giảng, tức vào lúc Giáo Hội công bố Ngài với lòng tin, khi ấy Ngài luôn đang sống lại. Ngài là Đấng không ngừng sống lại. Ngài chờ đợi chúng ta làm cho Ngài sống lại bằng cách rao giảng sự sống lại của Ngài và rao giảng “trong Thần Khí”.
Có lẽ Ngài đang sống lại lúc này, ngay tại nơi đây, giữa chúng ta, và hạnh phúc cho những ai có thể nói, dù chỉ một lần, lời thánh Phaolô: “Người cũng đã hiện ra với tôi” (1Cr 15,8).
———-
(1) Cũng như những bài suy niệm khác trong tập sách này, bài này được tác giả nói ở Phủ giáo hoàng, có sự hiện diện của Đức Giáo hoàng.
(2) x. St Augustin, Confessions, VII, 16 ; XI, 9.
(3) P. Claudel, “La Nuit de Paques” dans Oeuvres poétiques, Paris, 1967, p. 826.
(4) Chronicon paschalem éd. L. Dindorf, Bonn, 1832, vol. I, p. 424.
(5) Rupert de Deutz, De divinis officiis 6, 26 ; CCLM 7, 1967, p. 207
(6) Cf. St Maxime de Turin, Serm, 54, 1 ; CCL 23, p. 218 ; Ps. Augustin, Sermo Caillau St-Yves I, 30 ; PLS II, p. 962.
(7) St Augustin, Enarr. Ps. 120, 6 ; CCL 40, p. 1791.
(8) St Augustin, Catec. Tud. 23, 41, 3 ; PL 40, 340.
(9) St Augustin, Sermo Denis 7 ; Miscellanea Agostiana I, p. 32.
(10) St Augustin, Enarr, Ps. 120, 6 ; CCL 40, p. 1791
(11) Tacite, Annales, 25.
(12) M. Dibelius, Jésus, Berlin, 1966, p. 117.
(13) Cf. R. Bultmann, Glauben und Verstehen II, Tubingen 1938, p. 258.
(14) C. H. Dodd, History and the Gospel, Londres, 1964, chap. III.
(15) Cf. S. Kierkegaard, Journal X $ A 523.
(16) Cf. St Augustin, Enarr. Ps. 120, 6 ; CCL 40, p. 1791.
(17) St Augustin, Enarr. Ps. 120, 6 ; CCL 40, p. 1791.
(Raniero Cantalamessa, Le Mystère Pascal, éd. Salvator, Paris, 2000, ch. 3, pp. 49-75)
Lm Micae Trần Đình Quảng
chuyển ngữ