Đề mục 1. Tố tụng hôn nhân (Điều 1671 – 1707)
Chương 1. Những vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành (Điều 1671 – 1691)
Tiết 1. Tòa án có thẩm quyền (Điều 1671 – 1673)
Điều 1671
Do luật riêng, các vụ án hôn nhân của những người đã được rửa tội, thuộc quyền thẩm phán Giáo Hội.
Điều 1672
Các vụ án liên quan đến những hiệu lực thuần túy dân sự của hôn nhân thuộc quyền thẩm phán dân sự, trừ khi luật địa phương ấn định rằng thẩm phán Giáo Hội có thể cứu xét và giải quyết chính các vụ án đó, nếu các vụ án ấy được giải quyết như là vấn đề phụ và tùy tòng.
Điều 1673
Đối với những vụ án về tính bất thành của hôn nhận mà Tông Tòa không dành riêng cho mình, thì tòa án có thẩm quyền là:
1° tòa án tại nơi hôn nhân đã được cử hành;
2° tòa án tại nơi bị cáo có cư sở hay bán cư sở;
3° tòa án tại nơi nguyên cáo có cư sở, miễn là cả hai bên đều cư ngụ trong địa hạt của cùng một Hội đồng Giám mục, và miễn là có sự đồng ý của vị Đại Diện tư pháp tại nơi bị cáo có cư sở, sau khi bị cáo đã được hỏi ý kiến;
4° tòa án tại nơi mà trong thực tế đã thu thập được hầu hết các chứng cớ, miễn là có sự đồng ý của vị Đại Diện tư pháp tại nơi bị cáo có cư sở, sau khi đã hỏi bị cáo có khước biện hay không.
Tiết 2. Quyền kháng nghị hôn nhân (Điều 1674 – 1675)
Điều 1674
Những người có năng cách kháng nghị hôn nhân là:
1° những người phối ngẫu;
2° công tố viên, khi sự bất thành của hôn nhân đã trở thành công khai, nếu không thể thành sự hóa, hoặc không có lợi nếu thành sự hóa.
Điều 1675
§1. Hôn nhân nào đã không bị tố cáo khi hai người phối ngẫu còn sống, thì cũng không thế bị tố cáo khi một trong hai hay cả hai đã chết, trừ khi vấn đề thành sự của hôn nhân là vấn đề tiên quyết để giải quyết một cuộc tranh tụng khác hoặc ở tòa án Giáo Hội hoặc ở tòa án dân sự.
§2. Nhưng nếu một người phối ngẫu chết trong khi vụ án chưa ngã ngũ, thì phải giữ điều 1518.
Tiết 3. Nhiệm vụ thẩm phán (Điều 1676 – 1677)
Điều 1676
Trước khi nhận xử một vụ án và mỗi khi có hy vọng đạt kết quả tốt, thẩm phán phải dùng các phương tiện mục vụ để khuyên nhủ hai người phối ngẫu nên thành sự hóa hôn nhân và nên tái lập đời sống chung vợ chồng, nếu có thể được.
Điều 1677
§1. Khi đã nhận đơn, chánh án hay báo cáo viên phải thông báo sắc lệnh triệu tập ra tòa chiếu theo quy tắc của điều 1508.
§2. Quá thời hạn mười lăm ngày kể từ khi thông báo, trừ khi một bên yêu cầu mở một phiên tòa để đối tụng, chánh án hay báo cáo viên phải ra sắc lệnh ấn định thể thức nghi vấn hoặc những nghi vấn trong thời hạn mười ngày chiếu theo chức vụ, và phải thông báo cho các bên biết sắc lệnh này.
§3. Việc ấn định thể thức nghi vấn không những phải đặt vấn đề xem hôn nhân có chắc chắn bất thành trong trường hợp này hay không, mà còn phải xác định xem hôn nhân thành sự đã bị kháng nghị vì lý do nào hoặc vì những lý do nào.
§4. Sau mười ngày kể từ khi thông báo sắc lệnh đó, nếu các bên không phản đối gì, chánh án hay báo cáo viên phải ra một sắc lệnh mới để quyết định thẩm cứu vụ án.
Tiết 4. Những chứng cớ (Điều 1678 – 1680)
Điều 1678
§1. Bảo hệ viên, các luật sư của các bên và cả công tố viên, nếu vị này tham gia tố tụng, đều:
1° có mặt trong lúc thẩm vấn các bên, các người làm chứng và các giám định viên, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1559;
2° xem các án từ tư pháp, ngay cả khi những án từ đó chưa được công bố, và nghiên cứu các tài liệu do các bên cung cấp.
§2. Các bên không được tham dự cuộc thẩm vấn được nói đến ở §1,1°.
Điều 1679
Trừ khi những chứng cớ có đầy đủ giá trị thuyết phục từ nguồn khác, để đánh giá những lời khai của các bên, chiếu theo quy tắc của điều 1536, thẩm phán phải nại đến những nhân chứng, nếu có thể được, để xem chính các bên có đáng tin hay không, ngoài những dấu hiệu và những yếu tố có tính thuyết phục khác.
Điều 1680
Trong những vụ án về sự bất lực hay về sự thiếu ưng thuận do bệnh tâm thần, thẩm phán phải nhờ đến sự giúp đỡ của một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ là việc giám định không cần thiết; còn trong những vụ án khác, phải giữ những quy định của điều 1574.
Tiết 5. Bản án và kháng cáo (Điều 1681 – 1685)
Điều 1681
Mỗi khi thẩm cứu vụ án mà thấy có một nghi vấn rất hữu lý về hôn nhân bất hoàn hợp, tòa án có thể đình hoãn vụ án về hôn nhân bất thành, với sự đồng ý của các bên, bổ túc việc thẩm cứu để xin miền chuẩn hôn nhân thành nhận, và sau đó chuyển những án từ đến Tông Tòa, kèm theo đơn xin chuẩn của một hay của hai người phối ngẫu, cùng với ý kiến của tòa án và của Giám mục.
Điều 1682
§1. Bản án đã tuyên bố trước tiên là hôn nhân không thành, những đơn kháng cáo, nếu có, cũng như những án từ khác, phải được chuyển lên tòa kháng cáo, chiếu theo chức vụ, trong vòng hai mươi ngày kể từ khi công bố bản án.
§2. Nếu một bản án tuyên bố là hôn nhân không thành được công bố ở tòa án cấp một, thì tòa kháng cáo phải nghiên cứu những nhận xét của bảo hệ viên và của cả các bên nếu có, và phải ra một sắc lệnh hoặc để xác nhận ngay quyết định hoặc để nghiên cứu vụ án theo cách thông thường ở cấp bậc mới.
Điều 1683
Nếu ở cấp kháng cáo người ta đưa ra một lý do mới khiến hôn nhân không thành, thì tòa án có thể chấp nhận lý do đó ở cấp một và xét xử như ở tòa cấp một.
Điều 1684
§1. Sau khi bản án tuyên bố là hôn nhân bất thành được xác nhận ở cấp kháng cáo bằng một sắc lệnh hay bằng một bản án thứ nhì, thì những người mà hôn nhân của họ được tuyên bố là bất thành có thể tái hôn ngay sau khi sắc lệnh hay bản án thứ hai được thông báo cho họ biết, trừ khi lệnh cấm tái hôn được kèm theo bản án hay sắc lệnh, hoặc trừ khi Đấng Bản Quyền địa phương ra lệnh cấm tái hôn.
§2. Phải giữ những quy định của điều 1644, ngay cả khi bản án tuyên bố là hôn nhân không thành đã được xác nhận, không phải bằng một bản án thứ nhì, nhưng bằng một sắc lệnh.
Điều 1685
Ngay sau khi bản án có hiệu lực để được thi hành, vị Đại Diện tư pháp phải thông báo bản án đó cho Đấng Bản Quyền địa phương nơi hôn nhân đã được cử hành. Vị này phải quan tâm ghi chú việc công bố hôn nhân không thành và những lệnh cấm kèm theo, nếu có, vào sổ hôn phối và sổ rửa tội, sớm hết sức có thể.
Tiết 6. Tố tụng dựa trên tài liệu (Điều 1686 – 1688)
Điều 1686
Sau khi đã nhận một đơn thỉnh cầu chiếu theo quy tắc của điều 1677, vị Đại Diện tư pháp hay thẩm phán do ngài chỉ định, có thể tuyên bố hôn nhân bất thành bằng một bản án, nếu có một tài liệu không thể bị phản đối hay khước biện chứng minh rằng chắc chắn có một ngăn trở tiêu hôn hay thiếu hình thức hợp lệ, miễn là tài liệu này phải hiển nhiên và phải xác tín rằng ngăn trở đã không được miễn chuẩn hoặc người đại diện đã không có ủy nhiệm thư hữu hiệu. Trong những vụ án này, những thể thức pháp lý của một vụ án thông thường được bỏ qua, trừ việc triệu tập các bên ra tòa và sự can thiệp của bảo hệ viên.
Điều 1687
§1. Nếu bảo hệ viên nhận định cách khôn ngoan rằng những hà tỳ được nói đến ở điều 1686 hoặc việc thiếu phép chuẩn là điều không chắc chắn, thì phải kháng án lên thẩm phán tòa án cấp hai để chống lại lời tuyên bố đó. Các án từ phải được chuyển lên thẩm phán tòa án cấp hai, và phải thông báo bằng văn bản cho vị này biết đó là một vụ tố tụng dựa trên tài liệu.
§2. Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hại, thì bên đó có toàn quyền kháng cáo.
Điều 1688
Với sự can thiệp của bảo hệ viên và sau khi nghe các bên, thẩm phán tòa án cấp hai phải quyết định cũng một cách thức nói ở điều 1686, xem có phải xác nhận bản án hay không hoặc có phải giải quyết vụ án theo cách thông thường của luật hay không; trong trường hợp này, thẩm phán gửi trả vụ án về tòa án cấp một.
Tiết 7. Những quy tắc tổng quát (Điều 1689 – 1691)
Điều 1689
Trong bản án, phải nhắc nhở cho các bên biết những nghĩa vụ luân lý hay cả những nghĩa vụ dân sự mà bên này phải có đối với bên kia và đối với con cái họ trong việc cấp dưỡng và giáo dục.
Điều 1690
Không thể áp dụng việc xử án hộ sự khẩu biện cho những vụ án tuyên bố hôn nhân bất thành.
Điều 1691
Trong những vấn đề khác liên quan đến thủ tục, phải áp dụng những điều luật về những việc xử án nói chung và về việc xử án hộ sự thông thường, trừ khi bản chất sự việc không cho phép, miễn là vẫn giữ nguyên những quy tắc đặc biệt liên quan đến những vụ án về tình trạng nhân thân và những vụ án có dính dáng tới công ích.
Chương 2. Các vụ án vợ chồng ly thân (Điều 1692 – 1696)
Điều 1692
§1. Trừ khi luật đã dự liệu cách khác cho các địa phương một cách hợp pháp, việc ly thân giữa vợ chồng đã được rửa tội có thể được giải quyết bằng một sắc lệnh của Giám mục giáo phận hoặc bằng một bản án của thẩm phán, chiếu theo quy tắc của những điều khoản sau đây.
§2. Ở nơi nào mà quyết định của nhà chức trách Giáo Hội không có hiệu lực dân sự, hoặc nếu thấy bản án dân sự không nghịch với luật Thiên Chúa, thì Giám mục giáo phận tại nơi cư trú của hai vợ chồng có thể cho phép họ nại đến tòa án dân sự, sau khi đã cân nhắc những hoàn cảnh riêng biệt.
§3. Nếu vụ án cũng liên quan đến những hiệu lực thuần túy dân sự của hôn nhân, thẩm phán phải liệu sao cho vụ án được chuyển sang tòa án dân sự ngay từ đầu, miễn là vẫn giữ những quy định của §2.
Điều 1693
§1. Phải áp dụng cách xử án hộ sự khẩu biện, trừ khi một bên hay công tố viên yêu cầu áp dụng việc xử án hộ sự thông thường.
§2. Nếu đã áp dụng cách xử án hộ sự thông thường và nếu có kháng án, thì tòa án cấp hai phải tiến hành chiếu theo quy tắc của điều 1682 §2, miễn là vẫn giữ những gì luật định.
Điều 1694
Phải giữ những quy định của điều 1673 trong những điều liên quan đến thẩm quyền của tòa án.
Điều 1695
Trước khi nhận xử một vụ án và mỗi khi có hy vọng đạt kết quả tốt, thẩm phán phải dùng các phương thế mang tính cách mục vụ để hòa giải các người phối ngẫu và để khuyên nhủ họ tái lập đời sống chung vợ chồng.
Điều 1696
Các vụ án vợ chồng ly thân cũng liên quan đến công ích; vì thế, công tố viên luôn luôn phải can thiệp, chiếu theo quy tắc của điều 1433.
Chương 3. Tố tụng để miễn chuẩn hôn nhân thành nhận và bất hoàn hợp (Điều 1697 – 1706)
Điều 1697
Chỉ hai vợ chồng hoặc một trong hai, mặc dầu người kia không muốn, mới có quyền xin phép chuẩn hôn nhân thành nhận và bất hoàn hợp.
Điều 1698
§1. Chỉ một mình Tông Tòa xét xử sự kiện bất hoàn hợp của hôn nhân và sự hiện hữu của một lý do chính đáng để ban phép chuẩn.
§2. Chỉ một mình Đức Giáo Hoàng Rô-ma ban phép chuẩn.
Điều 1699
§1. Giám mục giáo phận tại nơi đương sự có cư sở hay bán cư sở có thẩm quyền nhận đơn xin phép chuẩn và ra lệnh tiến hành thẩm cứu vụ án, nếu xét thấy đơn thỉnh nguyện có cơ sở.
§2. Tuy nhiên, nếu trường hợp đề ra có những khó khăn đặc biệt thuộc lĩnh vực pháp lý hay luân lý, Giám mục giáo phận phải xin ý kiến Tông Tòa.
§3. Nếu Giám mục ra sắc lệnh bác đơn thỉnh nguyện, thì có thể kháng án lên Tông Tòa để chống lại sắc lệnh này.
Điều 1700
§1. Giám mục phải trao việc thẩm cứu những vụ án đó cho tòa án giáo phận mình, hoặc cho tòa án giáo phận khác, hoặc cho một tư tế có khả năng, cách thường xuyên hay cho từng trường hợp một, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1681.
§2. Nhưng nếu đã nộp một lá đơn có tính cách pháp lý để xin tòa tuyên bố là chính hôn nhân đó bất thành, thì việc thẩm cứu phải được trao cho cùng một tòa án.
Điều 1701
§1. Bảo hệ viên luôn phải can thiệp vào các vụ này.
§2. Không chấp nhận có luật sư, nhưng Giám mục có thể cho phép nguyên cáo hay bị cáo nhờ một chuyên viên luật giúp đỡ trong trường hợp khó khăn.
Điều 1702
Trong khi thẩm cứu phải nghe cả hai người phối ngẫu và trong mức độ có thể, phải giữ các điều luật liên quan đến việc thu thập chứng cớ trong vụ án hộ sự thông thường và trong những vụ án hôn nhân bất thành, miễn là những điều luật đó có thể được thích nghi với bản chất của các vụ án này.
Điều 1703
§1. Các án từ không được công bố; tuy nhiên, nếu thẩm phán thấy có một trở ngại nghiêm trọng cho lời thỉnh cầu của nguyên cáo hay cho lời khước biện của bị cáo, vì những chứng cớ được viện dẫn, thì thẩm phán phải khôn ngoan báo cho đương sự liên hệ biết.
§2. Thẩm phán có thể chỉ cho đương sự nào yêu cầu xem một tài liệu đã được đệ nạp hay một chứng cớ đã được thu thập và ấn định một thời hạn để đương sự ấy đưa ra những nhận định.
Điều 1704
§1. Sau khi đã thẩm cứu, người thẩm cứu phải chuyển tất cả mọi án từ cùng với một bản tường trình thích hợp cho Giám mục, Giám mục phải soạn thảo ý kiến của mình dựa trên sự thật của sự kiện hôn nhân bất hoàn hợp, cũng như lý do chính đáng để miễn chuẩn, và sự thích hợp của phép chuẩn.
§2. Nếu việc thẩm cứu đã được trao cho một tòa án khác, chiếu theo quy tắc của điều 1700, thì những lời nhận xét bênh vực dây hôn nhân phải do cùng một tòa soạn thảo, nhưng ý kiến được nói ở §1 thuộc về Giám mục đã ủy quyền, và người thẩm cứu phải trao cho ngài một bản tường trình thích hợp cùng với những án từ.
Điều 1705
§1. Giám mục phải chuyển lên Tông Tòa tất cả các án từ cùng với ý kiến của mình và những nhận xét của bảo hệ viên.
§2. Nếu xét thấy cần phải bổ túc việc thẩm cứu, thì Tông Tòa sẽ thông báo cho Giám mục biết điều ấy và sẽ chỉ rõ những điểm cần phải thẩm cứu thêm.
§3. Nếu Tông Tòa phúc đáp rằng sự kiện hôn nhân bất hoàn hợp không được xác định qua những tài liệu được viện dẫn, thì chuyên viên luật được nói đến ở điều 1701 §2, có thể tham khảo những án từ của vụ án ở tòa án, ngoại trừ ý kiến của Giám mục, để nhận định xem có thể thêm một điều gì hệ trọng hay không, hầu đệ nạp một đơn thỉnh cầu mới.
Điều 1706
Phúc chiếu ban phép chuẩn được Tông Tòa chuyển đến Giám mục; vị này phải thông báo cho các bên biết phúc chiếu đó, ngoài ra ngài phải truyền lệnh cho cha sở tại nơi đã cử hành hôn nhân, cũng như cho cha sở tại nơi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, càng sớm càng tốt, để ghi phép chuẩn đã ban vào sổ hôn nhân và sổ rửa tội.
Chương 4. Tố tụng suy đoán người phối ngẫu đã chết (Điều 1707)
Điều 1707
§1. Mỗi khi cái chết của một người phối ngẫu không thể được chứng minh bằng một tài liệu chính thức của nhà chức trách Giáo Hội hay của chính quyền, thì người phối ngẫu kia không được quyền tháo bỏ dây hôn nhân, trừ khi Giám mục giáo phận đã tuyên bố là người phối ngẫu đó được suy đoán là đã chết.
§2. Như đã nói ở §1, Giám mục giáo phận chỉ có thể tuyên bố là ngài có được sự xác tín luân lý về cái chết của người phối ngẫu, sau khi đã nghiên cứu cẩn thận, dựa vào những lời khai của các nhân chứng, dựa vào dư luận hoặc dựa vào những dấu chỉ khác. Chỉ nguyên sự vắng mặt của người phối ngẫu mà thôi, tuy đã lâu ngày, thì không đủ.
§3. Trong những trường hợp không chắc chắn và phức tạp, Giám mục phải xin ý kiến Tông Tòa.