THÁNH LỄ KẾT THÚC KHOÁ TRỢ UÝ TNTT
TTMV- 16g00 TN 09/5/2024
I. DẪN
- Hôm nay chúng ta cử hành Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện đặc biệt cho quý thầy hoàn tất Khóa Trợ Úy Thiếu Nhi Thánh Thể Sa Mạc Stêphanô XII.
- Chúng ta mới lắng nghe hai bài đọc của thứ năm tuần 6 Phục sinh, trích trong sách Công Vụ (18,1-8) và bài Phúc Âm Ga (16,16-20). Trong bối cảnh của THĐGM về hiệp hành (“Cùng nhau bước đi trong sứ vụ loan báo Tin Mừng”), cả hai bài đọc đều soi sáng cho chủ đề hiệp hành truyền giáo mà “trợ úy TNTT” được vinh dự là một thành viên.
II. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
- Bài đọc 1: Cv 18,1-8
- Trước hết, bài đọc 1 trích sách Công Vụ 18 thuật lại việc Phaolô đặt chân đến Corintô, một thành phố của đế quốc Rôma nổi tiếng xa hoa và suy đồi, và ông lập tức bắt tay vào việc làm chứng cho người Do Thái biết Đức Giêsu là Đấng Kitô. Lúc đầu còn bán thời gian, nửa làm công việc dệt lều cùng ông bà Aquila và Priscilla, nửa đến hội đường vào ngày sabat làm chứng. Nhưng về sau, khi Xila và Timôthê từ Macêđônia đến, Phaolô dành toàn thời gian cho việc làm chứng và hiệp hành cùng với các cộng sự viên nhiệt thành này.
- Khi bị chống đối xúc phạm đến nỗi phải chuyển chỗ ở, Phaolô càng được khích lệ làm chứng hơn nữa, không những có bạn hữu đồng hành, mà nhất là còn được thị kiến chính Chúa Phục Sinh hiện ra khích lệ, chúc lành cho khi ông quyết định quay sang giảng cho dân ngoại: “Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh. Không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này” (Cv 18,9-10).
- Bài Phúc Âm Ga 16,16-20
- Với bài Phúc Âm Ga 16, Đức Giêsu đang báo trước về việc sẽ sai Thánh Thần Đấng Bảo Trợ đến, thì Ngài chuyển về chuyện sắp xảy ra bây giờ khiến môn đệ thắc mắc. Chuyện sắp tới bây giờ là: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy…Anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn, vì đã đến giờ. Nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, vì một người con đã sinh ra đời. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,16-23).
- Sứ điệp nào về hiệp hành? Thưa, không chỉ là sứ điệp về hiệp hành, mà còn lên tới tận cội nguồn của hiệp hành là chính cuộc vượt qua của Đức Giêsu, bao gồm chết – sống lại – ban Thánh Thần – và chính thức sai các Tông đồ đi loan báo Tin Mừng khắp tứ phương. Chúng ta lắng nghe chính lời của Đức Giêsu: “Này đến giờ – và giờ ấy đã đến – anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói những điều này để anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,31-33).
III. KHÓA TRỢ ÚY TNTT
- Từ sứ điệp lời Chúa hôm nay, chúng ta nói gì trong bối cảnh tạ ơn kết thúc Khóa Trợ Úy TNTT Sa mạc Stêphanô XII này? Bài Phúc Âm đã đưa chúng ta lên đến tận cội nguồn của hiệp hành và sứ vụ loan báo Tin Mừng; đó là việc Đức Giêsu đi vào cuộc Khổ Nạn để rồi Phục Sinh, hiện ra, ban Thánh Thần, trao sứ vụ, sai đi khắp tứ phương thiên hạ, nhưng không phải riêng lẻ, mà là “Nhóm Mười Hai”, tất cả cùng với nhau. Đó chính là “hạt nhân”, để ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, xuất hiện một Hội Thánh phổ quát, không phân biệt chủng tộc, tiếng nói, văn hóa, truyền thống, nam nữ, già trẻ, giàu nghèo…
- Phong Trào TNTT hoàn toàn nằm trong Hội Thánh phổ quát “hiệp hành” này, để đoàn ngũ hóa và đào luyện thiếu nhi từ nhân cách tự nhiên đến đời sống Kitô hữu, và loan báo Tin Mừng.
- Đâu là bản chất và tầm nhìn của Phong Trào TNTT? Nội Quy thật rõ ràng: là đoàn thể Tông đồ Giáo dân (nghĩa là truyền giáo), dưới quyền của phẩm trật Hội Thánh và luôn kêu gọi “sự cộng tác của quý cha, quý tu sĩ, phụ huynh, các đoàn thể, học đường và những tổ chức liên hệ với môi trường sống của thiếu nhi” (Nội Quy, điều 8).
- Còn TRỢ ÚY? Trợ úy là chủng sinh hay tu sĩ được bề trên cho phép tham gia TNTT để cộng tác với linh mục tuyên úy, “nhất là trong việc huấn luyện tinh thần đạo đức cho đoàn sinh, đồng thời đồng hành, khích lệ, tạo cơ hội và uy tín cho huynh trưởng làm việc” (điều 55).
- Để thấy rõ tính hiệp hành của Phong Trào TNTT, chúng ta tự hỏi thêm: Đâu là tinh thần của TNTT? Thưa là tinh thần “Giáo Hội”, được xác định ở Nội Quy, điều 6: đào tạo cho người trẻ “yêu mến Chúa Giêsu, Đầu Nhiệm Thể và cũng là Thủ lãnh của Phong Trào, qua việc vâng phục Đức Thánh Cha và thực hiện ý cầu nguyện hàng tháng của ngài”.
- Và đâu là phương pháp của Phong Trào TNTT? Phương pháp giáo dục của TNTT đầy chất “Hội Thánh” và “hiệp hành”:– Ngày Thánh Thể (với những việc lành truyền thống là dâng ngày, dâng lễ, rước lễ, đọc Lời Chúa, viếng Thánh Thể, hy sinh, việc bác ái, tông đồ) – Hoa Thiêng (cách kiểm điểm đời sống thiêng liêng hằng ngày) – Khung cảnh thánh kinh và bầu khí thánh kinh – Họp đoàn sinh – Vào sa mạc (phương thế huấn luyện đoàn viên các cấp). Tất cả đều cùng làm, thậm chí còn cùng thi đua.
- Thật tuyệt vời. Và nếu đã tuyệt vời về Phong Trào với việc được HĐGMVN phê chuẩn và cổ vũ, thì làm sao không tuyệt vời việc các chủng sinh của Giáo phận được cổ vũ và đã tham gia Khóa Trợ Úy TNTT Sa Mạc Stêphanô XII này?
IV. KẾT
- Chúa Giêsu đã đặt nền móng cho một Giáo Hội hiệp hành, để dưới tác động của Chúa Thánh Thần mọi thành phần dân Chúa cùng nhau bước đi loan báo Tin Mừng. Ơn gọi là cao cả, sứ vụ là lớn lao; làm sao chu toàn? Chúa Giêsu đã khích lệ và bảo đảm: “Can đàm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
- Thánh Phaolô đã ý thức và tận lực dấn thân cho sứ vụ đến đổ máu; không những hiệp hành cùng với các Tông đồ và những cộng sự viên khác, mà đi đến đâu ngài cũng thiết đặt nền móng cho các giáo đoàn bằng cách đặt những người lãnh đạo và các cộng sự viên.
- Trợ úy TNTT là một dạng cộng sự viên. Các chủng sinh xuất thân từ Đại chủng viện Giáo phận hôm nay kết thúc Khóa Trợ Úy TNTT Sa Mạc Stêphanô XII với Chứng Chỉ Tốt Nghiệp sẽ làm gì nếu không là theo chân Thánh Phaolô, Thánh Stêphanô và cùng Mẹ Maria lên đường “hiệp hành trong sứ vụ”. – Với ai? Với mọi thành phần dân Chúa, nhưng đặc biệt là với linh mục tuyên úy. – Với tinh thần thế nào? Với tất cả trách nhiệm, nhiệt huyết, tự tin, đồng thời khiêm nhường và phó thác cho Đấng đã vượt qua cái chết, phục sinh và đảm bảo với chúng ta: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.