LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
Trọng Đức Nam – 09g30 sáng Chúa nhật 11/02/2024
(nhằm mồng 2 tết)
I. DẪN – CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
– Hôm nay, cơ sở Tâm thần Trọng Đức Nam của chúng ta mừng lễ Bổn mạng Đức Mẹ Lộ Đức, cũng là ngày Quốc Tế Bệnh Nhân. Thật an ủi và cảm động khi những bệnh nhân trong mái nhà Trọng Đức này được nghe công bố ý định, và phải nói là cả một kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Thiên Chúa trong bài đọc 1 trích sách Isaia và đặc biệt của Chúa Giêsu trên thập giá trong bài Phúc Âm Gioan 19,25-27: “Đây là Con Bà”; “Đây là Mẹ con”. Trong cô đơn, bệnh tật, và cả cái chết, chúng ta không bị để cô đơn, mà Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ, Chúa trao chúng ta vào vòng tay yêu thương chăm sóc của một người Mẹ là chính Đức Maria, Mẹ của Ngài.
– Điều này giúp chúng ta “ngộ ra” và thấm thía những quan tâm, đôn đáo của Mẹ cho các con cái Mẹ trên khắp thế giới, đặc biệt ở những
nơi con cái Mẹ gặp nhiều khó khăn đau khổ như tại La Vang 1798, Fatima 1917, hay tại Lộ Đức 1858 mà chúng ta gợi nhớ hôm nay.
II. ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
– Năm 1858, tại Lộ Đức, một tỉnh nhỏ ở miền Nam nước Pháp, Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần trong hang động Massabielle với Bernadette Soubirous, một em bé 14 tuổi, không biết đọc, không biết viết, con một gia đình nghèo.
– Hiện ra, Mẹ mang vóc dáng một thiếu nữ diễm lệ, khoảng 16-17 tuổi, mà sau này Mẹ sẽ xưng mình là “Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
– Lần hiện ra đầu tiên, Mẹ chỉ mỉm cười. Những lần sau, Mẹ dặn cô nhiều điều, có thể tóm trong ba lời mời gọi sau đây:
1) Hãy biết chuyển cầu: Khi hiện ra lần thứ nhất, Mẹ dạy Bernadette làm dấu thánh giá và lần hạt sốt sắng. Những lần sau, Mẹ trao cho cô sứ điệp cầu nguyện: hãy cầu nguyện cho kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại.
2) Hãy sám hối: Mẹ lập lại với Bernadette ba lần: “Hãy sám hối”. – Ngày 25/02/1858, Mẹ chỉ cho cô tìm ra một dòng suối, lúc đầu nước
rất đục, sau đó bùn lắng xuống và thành suối nước trong lành. Đó là dấu chỉ của sự sám hối, bùn lắng xuống và suối nên sạch.
3) Hãy rước kiệu và xây nhà nguyện: “Con hãy nói với các linh mục xây nhà nguyện ở đây”; “Mẹ muốn người ta đến đây rước kiệu”. Về sau, tại đây người ta đã xây dựng năm nhà nguyện lớn, kể cả đại thánh đường, nơi dân Chúa tụ họp để lắng nghe lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Người ta đến Lộ Đức đông và cử hành Thánh Thể liên tục đến độ có thể gọi Lộ Đức là “thành phố của Thánh Thể”.
Nhìn dòng người hành hương không ngớt đến Lộ Đức cử hành Thánh Thể và cầu nguyện dưới chân Đức Mẹ, chúng ta cảm nhận ra tại sao trải qua hơn 2000 năm Giáo Hội vẫn vững bền và phát triển, là bởi Mẹ Maria luôn chở che Giáo Hội như Mẹ đã bảo bọc và nâng đỡ các Tông đồ sau lễ Ngũ Tuần, bằng lời Chúa, Thánh Thể, cầu nguyện, sám hối.
III. ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC, MẸ CỦA BỆNH NHÂN
– Đức Mẹ Lộ Đức là Đức Mẹ của tình thương, là “Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn”, mẹ của bệnh nhân.
– ĐTC Phanxicô, trong sứ điệp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân 2024 hôm nay, đã nhắn nhủ tất cả chúng ta, bệnh nhân cũng như người chăm sóc bệnh nhân, khởi đi từ lời Kinh Thánh trong sách Sáng Thế: “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18). Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, với những tương quan đa dạng: với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với thiên nhiên. – Thế nhưng, kinh nghiệm ở đời lại đầy những kinh nghiệm bị bỏ rơi và cô đơn, đặc biệt khi mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng nào đó. Chủ nghĩa cá nhân, văn hóa vứt bỏ, trọng hiệu năng, hiệu quả hơn phẩm giá con người, đẩy con người, đặc biệt bệnh nhân, vào mặc cảm và cô đơn.
– ĐTC mời gọi chúng ta noi gương người Samari nhân hậu trong Phúc Âm Luca để biết nghệ thuật chăm sóc bệnh nhân. Việc chăm sóc đầu tiên mà bất kỳ căn bệnh nào
cũng cần đến, đó là sự gần gũi đầy cảm thương và dịu dàng. Bởi vậy, chăm sóc người bệnh không chỉ là chăm chính bệnh nhân, mà còn là chăm sóc tất cả các mối quan hệ của người ấy: với Thiên Chúa, với tha nhân – bao gồm gia đình, bạn bè, nhân viên y tế, – với thiên nhiên và với chính mình. Người Samari nhân hậu chỉ dạy chúng ta cách sống chậm lại, gần gũi với người khác, với sự dịu dàng, xoa dịu những vết thương của người anh em đang đau khổ.
– Với bệnh nhân, ĐTC nhắn nhủ: đừng ngại nhìn nhận mình cần sự chăm sóc, sự gần gũi, sự dịu dàng; đừng bao giờ mặc cảm nghĩ mình là gánh nặng cho người khác.
– Phần Kitô hữu chúng ta, hãy đón nhận cái nhìn đầy cảm thương của Chúa Giêsu, để đến lượt mình chăm sóc những người đau khổ và cô đơn, bị bỏ rơi. Với tình yêu đón nhận được từ Chúa Kitô trong cầu nguyện, đặc biệt trong Thánh lễ, chúng ta hãy chữa lành những vết thương của cô đơn và cô lập. Và như vậy, chúng ta hợp tác để chống lại nền văn hóa ích
kỷ cá nhân, thờ ơ, vứt bỏ, và phát triển nền văn hóa dịu dàng và nhân ái.
IV. KẾT
– Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng ta phó thác lên Thiên Chúa của tình thương từng bệnh nhân nam nữ đau yếu, những nhân viên chăm sóc họ, trong gia đình hay tại các cơ sở chăm sóc, những trung tâm y tế, bệnh viện. Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi, qua bàn tay từ mẫu của Mẹ, thương bảo bọc, chúc lành và gìn giữ từng người, mỗi ngày.
– Một lần nữa, chúng ta hãy phó thác các bệnh nhân cho Đức Mẹ, thực hiện chính lời Chúa Giêsu: “Đây là Mẹ Con”.