LỄ THÁNH KIM THÔNG
Bổn mạng HĐGX Hạt Bảo Lộc
Nhà thờ Bảo Lộc – 09g45 sáng thứ hai 15/07/2024
I. DẪN
- Chúng ta mới lắng nghe ba bài đọc trích trong sách 2 Mcb (6,18.21.24-31), Thư Ep (4,1-7.11-13), và bài Phúc Âm theo thánh Matthêu (10,17-22).
- Cả ba bài đọc theo cách của mình đều soi sáng cách nào đó những điểm chủ yếu trong cuộc đời của Thánh Anrê Kim Thông, Bổn mạng các HĐGX Giáo hạt Bảo Lộc chúng ta; đó là lòng đạo đức, tinh thần Hội Thánh, và tinh thần hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ.
II. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
- Bài đọc 1: 2 Mcb 6,18.21.24-31
- Trước hết, bài đọc 1 trích sách 2 Mcb cho thấy lòng đạo đức sâu xa của cụ già Êlêazarô: tất cả cho Chúa, cho thánh ý Chúa biểu lộ nơi Lề Luật của Người. Không thỏa hiệp, không giả vờ, chấp nhận ngay cả cái chết.
- Đây, những lời khẳng khái của lòng đạo đức, của lương tâm, uy tín của một chức sắc cao niên Êlêazarô: “Ở tuổi chúng ta, giả vờ là một điều bất xứng, và e rằng bởi tôi giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, mà nhiều thanh niên sẽ bị lầm lạc vì tôi, và tôi sẽ chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già” (câu 24-25). – “Khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện cao quý, vì đã trung thành với các lề luật đáng kính và thánh thiện” (câu 27).
- “Vì các lề luật đáng kính và thánh thiện” có nghĩa là gì nếu không là “vì Đức Chúa” mà ông tôn thờ, và “để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp” là gì nếu không là “tinh thần Dân Chúa”, ý thức về trách nhiệm và sự liên đới thánh thiêng giữa các thành phần dân Chúa.
- Chưa hết. “Khi sắp chết vì đòn vọt, ông vừa rên vừa nói: Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi đau đớn dữ dội trên thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người” (câu 30). Lòng đạo đức thực chất, kiên trung, đáng nêu gương.
- Nơi Êlêazarô, chúng ta thấp thoáng thấy bóng hình của thánh Anrê Kim Thông. Ngài khuyên con cháu khi vận động giảm án cho ngài: “Các con cứ để thánh ý Chúa được thể hiện”.
- Bài Phúc Âm: Mt 10,17-22
- Với bài Phúc Âm theo thánh Matthêu, lòng đạo đức thực chất, kiên trung đối với Đức Chúa giờ đây tập chú vào Đức Kitô, Thiên Chúa làm người: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, đánh đập các con nơi hội đường, các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết” (Mt 10,17-19).
- Vào những thời bách hại, ai chấp nhận thuộc về Đức Kitô cách trọn hảo thì khó tránh khỏi con đường tử đạo. Thánh Anrê Kim Thông đã chịu tù tội và chết khổ nhục nơi đất khách quê người chỉ vì một lý do thuộc về Đức Kitô, vì là Kitô hữu. Với quan đầu tỉnh, vì kính trọng và cảm thông, khuyên can ông “Xin ông nghe tôi, chối đạo âm thầm thôi. Tôi sẽ thả ông về, rồi ông đi xưng tội là xong”, ông trả lời: “Thánh Giá mà tôi tôn thờ hôm qua, thì hôm nay tôi không thể bước lên được”. “Vì Chúa Kitô mà phải chết, đó là điều tôi hằng ước mong. Chứ phải chối Chúa, thì tôi không bao giờ làm”.
- Cuộc tử đạo của Thánh Kim Thông là một lời mời gọi một lần nữa chúng ta ý thức phẩm giá Kitô hữu cao quý của mình, và can đảm làm chứng cho phẩm giá đó ngày càng rực sáng lên qua việc thực hành sống đạo trung kiên, sốt sắng, nhiệt thành.
- Bài đọc 2: Ep 4,1-7.11-13
- Với tình yêu trung kiên dành cho Đức Kitô, thánh Anrê Kim Thông còn thực hiện lời Thư Ephêsô trong bài đọc 2 để một lòng sắt son xây dựng Hội Thánh: “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Kitô ban cho.. Chính Người đã ban cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc, dạy dỗ. Nhờ đó, dân Chúa được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả đạt tới…tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,7.11-13).
- Là một lý trưởng uy tín và đầy công trạng đối với đồng bào địa phương không phân biệt lương giáo, đã từng được ban “sắc phong Cần Nông” của vua Tự Đức do tài khẩn hoang lập ấp, cứu giúp nhiều người, ngài còn là một giáo dân nhiệt thành, đạo hạnh, một gia trưởng gương mẫu, một người giúp việc nhà Chúa, điều hành mục vụ giáo phận một cách khôn ngoan, hiệu quả, nên được thánh Giám mục Stêphanô Thể cắt đặt làm “Trùm Cả Bình Định”. Tất cả nói lên tình yêu dành cho Đức Kitô và lòng yêu mến Hội Thánh được chắt chiu từ những chi tiết nhỏ của việc phục vụ cho đến tình yêu lớn khi hy sinh mạng sống mình vì Đức Kitô.
III. BÀI HỌC CHO CÁC HĐGX, BNĐT
- Bài học cụ thể nào từ gương sáng của thánh Bổn mạng Anrê Kim Thông cho các thành viên HĐGX và Ban ngành đoàn thể chúng ta? Đó là: lòng đạo đức, tinh thần Hội Thánh, và tinh thần hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ.
- Lòng đạo đức: Chúng ta không làm việc như những công chức, mà những công việc giáo xứ, tông đồ, mục vụ của chúng ta phải bắt nguồn từ lòng đạo, lòng yêu mến Chúa khắng khít. Chúng ta phải là những người siêng năng đến nhà thờ, tham dự thánh lễ, yêu mến Thánh Thể, cầu nguyện trước Thánh Thể, có lòng kính mến Đức Mẹ, lần hạt mân côi, duy trì được giờ kinh tối gia đình, để tình yêu Chúa như bao trùm trên con người, gia đình, cuộc sống của chúng ta.
- Tinh thần Hội Thánh: Ý thức “Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô”, chúng ta thực hiện chủ đề Năm Mục vụ 2024 “Tham gia đời sống Giáo Hội” bằng tinh thần tham gia đầy chất Hội Thánh. Mỗi chi thể trong Nhiệm Thể tích cực làm phần trách nhiệm của mình, tích cực chứ không thụ động, kiểu “ì ạch, làm bất đắc dĩ, làm tối thiểu thôi”. Không. Phải tích cực, ai nấy làm hết sức phần trách nhiệm của mình, nhưng hài hòa hợp tác với nhau, và dưới quyền lãnh đạo của cha quản xứ. Bởi có người tích cực, hăng say, nhiệt tình, nhưng lại “quá”, bắt mọi người phải theo ý mình, muốn điều khiển hết mọi người, không nghe tiếng nói nào khác ngoài ý mình. Cuối cùng, không có khả năng nối kết, tạo sự hiệp thông. Điều đau buồn là đôi khi ở một vài nơi, chính những người trong HĐGX, Ban Đại diện lại là người tạo ra sự phân cách, chia rẽ.
- Là HĐGX, Đại diện các ban ngành, anh chị em được giáo dân cũng như cha sở tín nhiệm chọn ra để phục vụ cộng đoàn dân Chúa, và được Đức Giám mục giáo phận phê chuẩn để làm những công việc chung của giáo xứ, nhưng dưới quyền của linh mục quản xứ. Tinh thần Hội Thánh và tinh thần vâng phục là điều rất cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt của chúng ta. Đừng để kiểu cách “dân chủ thế tục”, thu thập chữ ký lấy đa số để áp đảo, thậm chí áp đảo cả cha xứ, đừng để tinh thần dân chủ thế tục này len lỏi vào làm lệch lạc và đen tối tinh thần Hội Thánh của chúng ta.
- Góp ý với cha xứ, được chăng? Tất nhiên là được, và phải. Nhưng cần chân thành, với lòng kính trọng và với tinh thần siêu nhiên, chứ không phải kiểu thế tục, vì ích kỷ cá nhân, vì đặc quyền đặc lợi, lại càng không thể chấp nhận kiểu bè phái, lợi ích nhóm.
- Được bầu chọn để phục vụ giáo xứ, chúng ta phải đặt lợi ích của Giáo Hội, của Giáo xứ lên trên tư lợi của mình. Có những trục trặc xảy ra trong giáo xứ, thậm chí cả trong phụng vụ, ngay trong thánh lễ, là do những cá nhân muốn độc diễn, muốn mình nổi, mình được lợi lộc, khiến xảy ra bao tranh chấp, rối loạn, chia rẽ, bất mãn, thiếu bác ái, gương mù gương xấu… Thì ra, chỉ vì cá nhân, bè nhóm, chứ không vì Giáo Hội.
- Tinh thần hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ: Khi tổ chức những sinh hoạt của đoàn thể mình, cần phối hợp với các sinh hoạt của các đoàn thể khác và của toàn giáo xứ, chứ đừng chỉ nhắm tới những sinh hoạt riêng của đoàn thể mình. Cần cảnh giác trước tinh thần “cục bộ”, để nêu cao tinh thần cộng tác chung và nhắm thăng tiến đời sống giáo xứ.
IV. KẾT
- Thánh Anrê Kim Thông đã một đời sống đức tin kiên trung với Chúa, sống trách nhiệm với gia đình, sống nhiệt thành hết lòng với Hội Thánh. Mừng lễ ngài là Bổn mạng của chúng ta hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người chúng ta và tất cả mọi HĐGX, mọi Đại diện các ban ngành giáo xứ trong Giáo hạt chúng ta, được noi gương ngài: chăm chút lòng đạo đức, thể hiện tinh thần Hội Thánh và tinh thần hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ.
- Rộng hơn, chúng ta cầu nguyện cho sự “bình an và hiệp nhất” của Hội Thánh, của Giáo xứ. Đây là lời cầu nguyện hết sức thánh thiêng trong mỗi Thánh lễ. Trong Giáo Hội, Giáo xứ mà không có sự hiệp nhất, thì chỉ là Giáo Hội trên danh nghĩa, chứ không thực chất. Chúng ta tích cực, tham gia, nhiệt tình, nhưng trong tinh thần cộng tác, trong sự hài hòa, và trên hết, trong sự hiệp nhất.