“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.
Bài Ðọc I: (Năm I) St 32, 22-32 (Gr 23-33)
“Tên ông sẽ được gọi là Israel, vì ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Giacóp chỗi dậy sớm, đem hai vợ, hai người đầy tớ gái, và mười một người con đi sang qua khe suối Giabốc. Sau khi dẫn họ và đem tất cả của cải qua bên kia suối, ông ở lại một mình, và đây, có một người vật lộn với ông cho đến sáng. Người ấy thấy mình không thể vật ngã Giacóp được, nên đá vào gân đùi ông, và lập tức gân ấy khô bại. Người ấy nói với ông rằng: “Hãy buông ta ra, vì đã hừng đông rồi”. Ông trả lời: “Tôi chỉ buông ông ra khi nào ông chúc lành cho tôi”. Vậy người ấy hỏi: “Ông tên gì?” Ông trả lời: “Tôi tên là Giacóp”. Người ấy lại nói: “Tên ông sẽ không còn gọi là Giacóp nữa, nhưng sẽ gọi là Israel, vì nếu ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa, ắt ông sẽ còn mạnh sức thắng được loài người”. Giacóp hỏi người ấy: “Xin ông cho tôi biết ông tên gì?” Người ấy đáp: “Tại sao ông lại hỏi tên ta?” Bấy giờ người ấy chúc lành cho Giacóp chính nơi ấy. Giacóp đặt tên cho nơi ấy là Phanuel, và bảo rằng: “Tôi đã thấy Chúa nhãn tiền mà mạng sống tôi vẫn an toàn”.
Khi ông đã ra khỏi Phanuel, thì mặt trời liền mọc lên, nhưng ông đi khập khễnh một chân. Vì lẽ đó, con cái Israel không ăn gân đùi cho đến ngày nay, vì gân đùi Giacóp bị khô bại: bởi thiên thần đã đá vào gân đùi ông, nên ông bị bại.
Ðáp Ca: Tv 16, 1. 2-3. 6-7. 8b và15
Ðáp: Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan
Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con; xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe con thốt ra từ cặp môi chân thành!
Xướng: Từ cái nhìn của Chúa hãy diễn ra sự phán quyết về con: vì mắt Ngài thấy rõ điều chân chính. Nếu Ngài lục soát lòng con, nếu ban đêm Ngài thăm viếng, nếu Ngài thử con trong lửa, Ngài sẽ không gặp điều gian ác ở nơi con.
Xướng: Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con; lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài.
Xướng: Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan; khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa.
Bài Ðọc I: (Năm II) Hs 8, 4-7. 11-13
“Chúng gieo gió thì sẽ gặt bão”.
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Chúa phán: “Chúng cai trị chớ không phải Ta. Chúng đã làm thủ lãnh, và Ta không nhận biết. Chúng đã lấy vàng bạc mà đúc tượng thần, để Ta tàn phá đi.
“Hỡi Samaria, hãy ném con bê của ngươi đi. Ta đã nổi giận chúng. Chúng không thể thanh tẩy mình đến bao giờ? Con bê này bởi Israel mà ra, người thợ đúc đã làm ra nó, nó đâu phải là thần. Con bê của Samaria sẽ giống như con nhện. Chúng gieo gió thì sẽ gặt bão: lúa mì của chúng chẳng đâm bông, mà nếu có bông cũng chẳng có hạt, và nếu có được hạt, thì người ngoại bang cũng sẽ nuốt hết.
“Ephraim làm thêm bàn thờ để phạm tội, những bàn thờ này đã nên dịp tội cho nó. Vì Ta viết cho nó muôn ngàn lề luật, và nó coi như không can gì đến nó. Chúng sẽ dâng của lễ, sẽ hiến tế thịt thà, chúng cứ việc ăn, Chúa không chấp nhận đâu. Chúa sẽ nhớ lại sự gian ác của chúng và sẽ phạt tội chúng: chúng sẽ hướng về Ai-cập”.
Ðáp Ca: Tv 113B, 3-4. 5-6. 7-8. 9-10
Ðáp: Nhà Israel! cậy tin vào Chúa (c. 9a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Thiên Chúa chúng ta ngự trên trời, phàm điều chi Người ưng ý, Người đã thực thi. Thần tượng của họ bằng bạc với vàng, đó là sự vật do tay người tác tạo.
Xướng: Chúng có miệng mà không nói năng; chúng có mắt mà không nhìn thấy; chúng có tai mà chẳng khá nghe; chúng có mũi mà không biết ngửi.
Xướng: Chúng có tay mà không sờ mó; chúng có chân mà chẳng bước đi. Sẽ nên giống y như chúng, bao nhiêu kẻ làm ra và cậy tin vào chúng.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta”. – Alleluia.
Tin Mừng: Mt 9, 32-38
Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: “Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel”. Nhưng các người biệt phái nói rằng: “Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”.
Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
Giáo dục cái tâm
Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng. (Mt 9,36)
Suy niệm: “Sẽ là sỉ nhục tôi, nếu hỏi tôi định giá Viện Tim là bao nhiêu.” Vâng, chỉ một câu nói thôi, nhưng đã gói ghém cả tấm lòng, tình thương, và trách nhiệm của bác sĩ A. Carpentier, người đã sáng lập Viện Tim ở Sài Gòn. Cũng vậy, chỉ một câu Tin Mừng ngắn gọn (9,36), Mát-thêu đã diễn tả trọn vẹn tấm lòng, tâm tình, và trách nhiệm của Đức Giê-su với đám đông vô danh. Trước tình cảnh cùng khốn của dân chúng, trái tim Ngài thổn thức, xúc động mãnh liệt; lòng trắc ẩn thương cảm sâu đến tận đáy lòng. Đám đông lầm than vất vưởng vì bị hướng dẫn do những nhà lãnh đạo tôn giáo vô tâm, bị cai trị do những quan chức tham lam, tàn bạo. Đó cũng là tình cảnh của đám đông dân chúng ngày nay tại nhiều nơi.
Mời Bạn: Mọi điều đáng tiếc và đáng sợ nơi con người và xã hội thời nay đều phát xuất từ tình trạng thiếu tình yêu hay yêu không đúng đắn. Do đó, liệu pháp cần thiết là giáo dục trái tim hay cái tâm của con người (ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI). Mời bạn chú tâm giáo dục trái tim mình nên giống Trái Tim Chúa qua tâm tình chạnh lòng thương trước nỗi khổ của người khác.
Chia sẻ: Người Ki-tô hữu có thể làm những việc cụ thể nào để giảm nhẹ đau khổ của đám đông dân chúng hiện nay?
Sống Lời Chúa: Tập chạnh lòng thương qua việc không bằng lòng khi mình sở hữu quá nhiều, đang khi người chung quanh quá thiếu thốn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã chạnh lòng thương truớc nỗi khổ của chúng con. Xin cho chúng con biết giáo dục trái tim mình nên giống Trái Tim Chúa hơn. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Đã đến mùa gặt nhưng lại thiếu thợ gặt. Không gì khổ tâm cho bằng phải chứng kiến một cánh đồng lúa chín vàng mà cứ rơi rụng dần vì không gặt kịp.
Trên thế giới ngày nay, có biết bao người đang tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng không có ai dạy cho họ. Giống như đồng lúa chín vàng mà không có người gặt. Chúa Giêsu đã ra sức hoạt động. Tất cả hoạt động của Ngài có thể tóm gọn vào hai việc: Ngài giảng dạy và Ngài chữa lành.
Nhưng Chúa Giêsu phải kêu lên; thợ gặt ít quá, thiếu thợ gặt, thiếu các nhà truyền giáo. Chúa Giêsu ý thức về điều này đến độ khắc khoải. Ngài chờ đợi những cộng sự viên, chờ đợi những người có thể giảng dạy và chữa lành. Trước tình trạng thiếu thợ gặt như vậy, Chúa Giêsu đã kêu gọi các Môn đệ hãy cầu nguyện với chủ ruộng sai thợ gặt đến.
Phải cần đến nhiều thợ gặt, để những con người thời nay biết đối diện với Chúa và sống sự sống của Người. Không phải chỉ có các linh mục, các tu sĩ nam nữ là những người phải nói về Chúa, phải giới thiệu Chúa cho người ta, mà là tất cả những ai đã hưởng ánh sáng và niềm vui mà Chúa đã ban cho. Ta không thể đã được gặp Chúa rồi mà lại sống ích kỷ. Người Kitô hữu là người biết chia sẻ cho người khác điều mình đã thấy, đã biết. Mỗi tín hữu dù nam hay nữ đều phải là thợ gặt trong cánh đồng mênh mông của Chúa. Mỗi người đều có trách nhiệm góp phần lớn nhỏ của mình.
Hợp ý với Chúa Giêsu, chúng ta hãy cố gắng trở nên những Tông đồ truyền giáo theo khả năng của mình. Chúng ta cũng thiết tha cầu xin Cha trên trời lôi kéo, tác động nhiều tâm hồn và chọn gọi họ làm cộng sự viên của Ngài. Bởi vì nhân loại hôm nay vẫn là cánh đồng mênh mông đang còn cần rất nhiều thợ gặt, vẫn còn là đàn chiên đông đảo đang đói khát Tin mừng, vì không có ai rao giảng Tin mừng cho họ.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”
Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ – quỷ câm điếc. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì dân chúng tỏ vẻ kinh ngạc, thốt lên rằng: “Ở Israen, chưa hề thấy thế bao giờ”. Trái lại, những người Pharisêu lại tỏ ra tức tối, dèm pha, xuyên tạc phép lạ Chúa vừa làm: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Tuy nhiên, dù được ca tụng hay bị chống báng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thi hành sứ vụ mục tử: “đi khắp các thành thị, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”.
Trái tim của Chúa là trái tim mục tử luôn “chạnh thương” dân chúng đang bơ vơ “vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt”. Và vì thế, Chúa hối thúc chúng ta cầu xin Chúa Cha ban cho có nhiều mục tử tốt lành để tiếp nối sứ vụ mục tử của Người: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Như thế, Chúa Cha là chủ ruộng lúa, cũng chính Chúa Cha cắt cử và sai thợ đi thu lúa (x. Lc 10, 21.27). Cánh đồng lúa chín vàng là hình ảnh tượng trưng cho các tâm hồn đang khao khát ơn cứu độ. Thợ gặt là mọi Kitô hữu được Chúa tuyển chọn và sai đi qua Bí tích Thanh tẩy để mang ơn cứu độ của Chúa cho nhân loại, qua cuộc sống bác ái vị tha hàng ngày. Thành ra, sứ mệnh truyền giáo là của chính chúng ta -tất cả các Kitô hữu – dù sống ơn gọi thánh hiến: linh mục, tu sĩ hay ơn gọi hôn nhân gia đình, tất cả chúng ta đều có sứ mệnh cao cả “gặt lúa về” cho Chúa. Bản chất của Hội Thánh là truyền giáo: không truyền giáo, Hội thánh không còn ý nghĩa, không còn là Hội Thánh của Chúa. Do đó, mọi Kitô hữu đều có bổn phận phải truyền giáo tùy theo khả năng của mình (x. Lumen gentium, số 17). Các Thánh là những người đã chu toàn sứ mệnh này:
“Vào ngày 10/10/2020, Đức Hồng y Agostino Vallini, Đại diện của Đức Thánh Cha tại các đền thờ Thánh Phanxicô và Đức Mẹ các Thiên Thần ở Assisi, đã chủ sự Thánh lễ phong chân phước cho vị chân phước trẻ Carlo Acutis. Trong bài giảng, Đức Hồng Y Vallini lược thuật lại những nét nổi bật trong cuộc đời vị tân chân phước Carlo Acutis và nhấn mạnh hai nét đặc biệt trong cuộc đời ngài: cầu nguyện và sứ vụ.
Chân phước Carlo Acutis có lòng yêu mến Thánh Thể và gắn bó với Thánh Thể cách đặc biệt. Chúa Giê-su là Bạn, là Thầy, là Đấng Cứu Độ và là sức mạnh cho cuộc sống của ngài và là động lực của mọi việc cậu làm. Từ đó, ngài mong muốn mãnh liệt đưa người khác đến với Chúa và ngài thực hiện điều này trên hết bằng gương mẫu cuộc sống. Carlo dùng mọi cách thức, cả cách thức hiện đại, với tài năng về tin học Chúa ban, để gặp gỡ và loan truyền các giá trị Ki-tô giáo cho người khác.
Hai cột trụ đạo đức của Carlo là lòng sùng kính Thánh Thể mà cậu gặp gỡ hàng ngày ở bàn thờ và nơi người nghèo, và lòng yêu mến Mẹ Maria. Từ khi được rước lễ lần đầu vào năm 7 tuổi, Carlo đã không bỏ Thánh lễ hàng ngày. Trước và sau khi tham dự Thánh lễ, Carlo đã cố gắng đứng trước Nhà Tạm để thờ phượng Chúa Giêsu, Đấng hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Còn Đức Mẹ là người bạn tâm giao tuyệt vời của Carlo và cậu không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tôn vinh Mẹ bằng cách đọc kinh Mân côi hàng ngày. Sự hiện đại và hội nhập của Carlo kết hợp hoàn hảo với đời sống Thánh Thể sâu sắc và lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Những điều này làm cho Carlo trở thành một cậu bé đặc biệt được mọi người ngưỡng mộ và yêu mến.
Carlo thường nói rằng Lời Chúa phải là chiếc la bàn mà chúng ta không ngừng dùng để định hướng cho chính mình. Cần có những phương tiện tuyệt đối để đạt đến một đích đến cao cả như vậy: đó là các bí tích và cầu nguyện. Carlo đặt Bí tích Thánh Thể ở trung tâm cuộc đời mình, và gọi đó là “đường cao tốc của tôi đến thiên đàng”. Cậu luôn cố gắng chầu Thánh Thể và tin rằng “bằng cách đứng trước Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta trở nên thánh thiện”.
Carlo thường tự hỏi tại sao có rất đông người xếp hàng dài cả dặm để xem những buổi nhạc rock hay một bộ phim, nhưng không bao giờ có những hàng người như thế trước Chúa Kitô Thánh Thể. Carlo nói rằng mọi người không nhận ra điều họ đang thiếu, nếu không thì các nhà thờ đã đông chật người. Carlo lặp lại một cách say mê rằng trong Bí tích Thánh Thể – Chúa Giêsu hiện diện cùng một cách như Người đã hiện diện 2000 năm trước vào thời của các Tông đồ” (Vatican News).
Ước chi chúng ta cũng biết nỗ lực sống đức tin như Chân phước Carlo Acutis, và cùng Mẹ Têrêsa cầu nguyện: “Xin hãy cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng cho Tình yêu hoàn toàn đối với Chúa, Đấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con”.
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Chữa người câm bị quỉ ám
1. Người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người câm bị quỉ ám. Chúa trừ quỉ ra và người câm nói được, dân chúng thấy vậy thì khâm phục quyền năng Chúa, tin tưởng Chúa là Đấng Thiên Sai; còn người biệt phái thì không chịu tin Chúa mà lại tin ma quỉ… Và Chúa đi khắp các thành các làng mạc rao giảng Tin Mừng Nước Chúa và chữa lành mọi bệnh tật. Khi thấy dân chúng đông đúc không ai cứu giúp thì Ngài chạnh lòng thương họ. Ngài bảo các môn đệ xin Chúa Cha cho nhiều người đến dìu dắt họ.
2. Mở đầu Tin Mừng là câu chuyện Chúa Giêsu trục xuất một tên quỉ ra khỏi người câm. Toàn dân thì ca tụng, nhưng người biệt phái độc miệng cho rằng : Chúa dùng quyền tướng quỉ mà trừ quỉ. Khi đã không ưa thì dưa có dòi, biệt phái tìm cách để nói xấu Chúa Giêsu, vì giáo lý của Ngài đã vạch trần thái độ kiêu ngạo, dối trá và giả hình của họ. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, sự chống đối không quan trọng khi Ngài không phản kháng, mà điều khẩn thiết hơn cả là Tin Mừng phải được loan báo cho muôn dân.
3. Sự ghen tị của người biệt phái.
Trong ý thức hệ của người Do thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Biệt phái giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Messia giầu sang, chứ không phải hòa đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ. Chính vì thế mà họ gièm pha những lời Chúa Giêsu nói và những việc Ngài làm. Họ tìm cách lèo lái dân thỏa hiệp với họ và xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu, trong khi dân chúng ca tụng công việc của Chúa thì họ lại bóp méo xuyên tạc cho đó là việc của tướng quỉ.
4. “Lúa chìn đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.
Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước hiện trạng của con người vất vưởng lầm than, mà những bậc làm “thầy” Do thái không giải quyết được cho họ. Họ như rắn mất đầu, thiếu vắng đời sống tâm linh. Trong bản tính nhân loại, một mình Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ cùng làm công việc của Ngài như một “mục tử” và “lương y”. Trước sự bao la của hoạt động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giêsu yêu cầu là cầu nguyện :”Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
Chúa Giêsu sai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo hội qua các thời đại trong lịch sử đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn , chứ không do sáng kiến của con người.
5. “Chúa Giêsu chạnh lòng thương”.
Bức tranh nhân loại ngày nay thật tăm tối khi sự nghèo khó lại sánh vai bên cạnh sự giầu có và thừa mứa. Dưới gầm bàn ăn của người phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình là vô số những Lazarô đang lê lết quằn quại trong bệnh tật và đau khổ.
Sự hiện diện của những người đau khổ là một tra vấn cho lương tâm Kitô hữu chúng ta. Chính qua chúng ta mà Chúa Giêsu tiếp tục chạnh lòng thương trước nỗi khốn khổ của con người, nhưng cũng chính qua những người khốn khổ mà Chúa Giêsu đến với chúng ta. Trong ngày sau hết, chúng ta chỉ bị xét xử về một điều, chúng ta có nhận ra và yêu thương Ngài nơi những con người khốn khổ không ?
Có lần Mẹ Têrêsa đã cầu nguyện với Chúa như thế này :”Xin hãy cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng cho Tình Yêu hoàn toàn đối với Chúa, Đấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con”.
Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Hãy tập cho mình biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu, để cùng với Chúa làm cho thế giới chúng ta đang sống được ấm áp tình người hơn.
6. Truyện : Người hành khất bất đắc dĩ.
Cha Anthony de Mello thuật lại một câu chuyện có thật. Chuyện xẩy ra tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường và thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tụy của ông khiến người đi đường ngỡ ông là người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.
Khi thức giấc, người công nhân già hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu, số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.
Trên đường về, ông nhìn thấy nhiều người ăn xin đui mù tàn tật, ông chạnh lòng thương, rồi ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo hèn ấy hiểu : được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.