Emmanuen, nghĩa là ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’.
(Mt 1,23)
BÀI ĐỌC I: Gr 23, 5-8
“Ta sẽ gây cho Đavít một mầm giống công chính”.
Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”.
Chúa phán: “Vì thế, đã đến ngày chúng không còn nói được rằng: ‘Chúa hằng sống, Người đã đưa con cái Israel ra khỏi đất Ai-cập’, nhưng chúng nói: ‘Chúa hằng sống, Người đã đưa dòng dõi nhà Israel ra khỏi đất Bắc’; (và) từ các nước chúng bị Ta phân tán, Ta dẫn đưa chúng về quê hương.
ĐÁP CA: Tv 71, 2. 12-13. 18-19
Đáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời (x. c. 7).
1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người xét đoán dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. – Đáp.
2) Người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ. – Đáp.
3) Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Israel, một mình Người làm những việc lạ lùng. Chúc tụng muôn đời vinh danh Chúa, khắp hoàn cầu đầy dẫy vinh quang Người. – Đáp.
TIN MỪNG: Mt 1, 18-24
18Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.
19Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.
20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.
21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”
24Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
GIU-SE NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Ông Giu-se, chồng bà [Ma-ri-a], là người công chính. (Mt 1,19)
Suy niệm: Là người công chính, thánh Giu-se ắt phải làm theo luật là tố giác Đức Ma-ri-a về tội ngoại tình vì “đã có thai trước khi hai ông bà về chung sống”. Nhưng sự công chính của thánh Giu-se vượt lên trên cái nhìn xét đoán theo bề ngoài. Ngài xác quyết cách tuyệt đối sự thánh thiện của Đức Ma-ri-a, không thể phạm tội tày đình đó. Người công chính không thể lên án người vô tội, vì thế, ngài quyết định “lìa bỏ bạn mình cách kín đáo” để chờ đợi thánh ý Chúa thể hiện. Thế nhưng, ‘người tính không bằng Trời tính’, Chúa đã truyền tin cho Ma-ri-a, Ngài cũng truyền tin cho Giu-se: “Người con mà Ma-ri-a cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Sự công chính của thánh Giu-se không dựa trên suy tính của mình nữa, mà là thực thi ý Chúa được tỏ ra qua lời của sứ thần Gáp-ri-en: “Ông đã làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.
Mời Bạn: Không ít lần chúng ta rơi vào những tình huống bất ngờ, mà khi đó dường như Thiên Chúa đến phá vỡ mọi dự tính của chúng ta. Đó là trong đêm tối Đức Tin; như trong giấc chiêm bao mà thánh Giu-se gặp phải. Chúng ta hãy noi gương ngài sống công chính bằng cách từ bỏ ý riêng mình, dù nó có tốt đẹp mấy đi nữa, để tín thác vào Chúa và thi hành thánh ý Ngài.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên suy gẫm Lời Chúa để dễ dàng nhận biết thánh ý Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy thánh Giu-se, ngài là đấng đã luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, và đưa ra những chọn lựa được hướng dẫn bởi sự quan phòng của Người, xin dạy chúng con đừng quá cậy dựa vào các kế hoạch của mình nhưng vào kế hoạch yêu thương của Chúa. Amen.
B/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
ƠN GIẢI THOÁT VÀ CANH TÂN LÀ CỦA CHÚA
Qua Lời Tổng Nguyện của ngày lễ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta đang quằn quại dưới ách nô lệ tội lỗi từ ngàn xưa lưu truyền, xin cho mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Chúa đem lại cho chúng ta ơn giải thoát và canh tân như chúng ta hằng mong đợi.
Chỉ có một mình Chúa mới đem lại cho chúng ta ơn giải thoát và canh tân. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho chúng ta thấy: Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, cả vào giờ phút dân Người ngỡ rằng mình bị bỏ rơi. Thiên Chúa không quên lãng giao ước Người đã thiết lập. Người đang thực hiện kế hoạch Người đã định: Ngày Ta thể hiện đức công chính của Ta đã đến gần, chẳng còn xa nữa đâu; ơn cứu độ của Ta, Ta sẽ không trì hoãn. Ta sẽ ban ơn cứu độ tại Xion, và sẽ cho Ítraen được vinh quang rạng rỡ.
Bài đọc hai của giờ Kinh Sách cũng cho thấy rõ, chỉ một Chúa mới giải thoát chúng ta: Nhờ ai mà chúng ta, những kẻ gian ác và vô đạo, có thể được nên công chính, nếu không phải là nhờ duy mình Con Thiên Chúa? Ôi cuộc trao đổi mới kỳ diệu làm sao, tội ác của muôn người được chôn vùi trong sự công chính của một người, còn sự công chính của một người lại làm cho muôn người bất chính nên công chính! Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mới được cứu độ.
Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia đã tuyên sấm: Đức Chúa sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Thời bấy giờ, Giuđa sẽ được cứu thoát, Ítraen được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.”
Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 71, vịnh gia đã cho thấy triều đại của vị Vua giải thoát Dân Chúa: Triều đại Người, đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị đến muôn đời. Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.
Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay, là lời cầu xin Đấng “Adonaï”, Thiên Chúa của giao ước đến ra tay giải thoát Dân của Người: Lạy Chúa là thủ lãnh nhà Ítraen, Ngài đã ban lề luật cho ông Môsê trên núi Xinai. Xin ngự đến mà ra tay cứu chuộc loài người.
Trong bài Tin Mừng, sứ thần hiện ra báo mộng cho thánh Giuse: Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.
Ơn giải thoát và canh tân là của ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Sự cộng tác của chúng ta là trông cậy vững vàng vào lời hứa cứu độ của Chúa. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, nhưng, Người kiên nhẫn chờ đợi chúng ta, Người muốn cứu độ hết tất cả mọi người. Chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng, nhưng, không phải một ân sủng chung chung, mà là, ân sủng của chính Kitô, Con Một của Thiên Chúa. Chúng ta được cứu độ nhờ đức tin, nhưng, không phải một đức tin chung chung, mà làm, đức tin vào Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta. Ước gì chúng ta biết đặt hết lòng: tin tưởng, cậy trông vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của chúng ta. Ước gì được như thế!
C/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
TRUYỀN TIN CHO ÔNG GIUSE
1.Bài Tin mừng cho chúng ta biết: Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse… Vì cả hai đã khấn giữ mình thanh khiết, nên không chung sống với nhau. Nhưng Maria lại có thai, nên thánh Giuse buồn sầu định lén bỏ đi. Chúa liền sai Thiên thần đến báo cho ông biết: Maria mang thai là do phép Đức Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, phải đặt tên là Giêsu. Đây là Đấng Cứu chuộc nhân loại, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo và gọi là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Thánh Giuse đã làm đúng như lời Thiên thần truyền, ông tiếp nhận Maria và khi bà sinh con thì đặt tên là Giêsu.
2.Mẹ Người là Maria đã đính hôn với Giuse (Mt 1,18)
Chúng ta cần tìm hiểu phong tục cưới hỏi của người Do thái. Luật Do thái phân biệt rõ ràng trong hôn nhân: việc đính hôn và cưới xin. Tuy cũng có lễ hỏi và lễ cưới nhưng giá trị và ý nghĩa khác với Việt Nam chúng ta.
Lễ đính hôn (cũng gọi là lễ hỏi) được diễn ra như sau:
Thời gian đính hôn kéo dài trong một năm. Trong năm đó đôi bạn được kể như vợ chồng, dù họ không có những quyền của vợ chồng. Lễ hỏi Việt Nam chưa làm vợ chồng, còn lễ hỏi Do thái coi như thành vợ chồng. Chứng cớ là theo luật:
– Vị hôn thê bất trung sẽ bị ném đá như vợ chính thức.
– Vị hôn phu có chết thì vị hôn thê trở thành quả phụ.
– Vị hôn thê cũng giống như người vợ chính thức chỉ có thể bỏ nhau bằng tờ ly dị.
– Đứa con cưu mang trong thời gian đính hôn được coi là con chính thức.
Như thế luật cho hai người quyền ăn ở với nhau trong thời gian này.
Giuse và Maria đang ở trong giai đoạn này.
3.Giuse được báo mộng trong giấc mơ về chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua cuộc hôn nhân giữa ông và Maria, việc nàng có thai không phải ý của phàm nhân nhưng dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Vì thế ông đã đón nhận Maria về nhà mình theo sự báo mộng của Thiên Thần, thay vì ý định ruồng bỏ nàng lúc phát hiện người bạn đời có thai (không phải của mình). Giấc mơ của Giuse đã thành hiện thực bởi sự trung tín vào Thiên Chúa với báo mộng về lời phán truyền của tiên tri Isaia về Đấng Thiên Sai sẽ thành hiện thực ở nơi gia đình ông (x.Is 7,14-16). Chính con trẻ này sẽ trở nên ơn cứu độ và bao bọc cho cả nhân loại.
4.Ông Giuse là người công chính
Kinh thánh gọi Giuse là người công chính: “Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).
Chúng ta biết, nơi người Do thái, không phân biệt rõ thời kỳ đính hôn và cưới hỏi. Mặc dù chưa cưới, hai người đã đính hôn cũng có thể ăn ở như vợ chồng mà không có lỗi gì đối với lề luật. Do đó, người ta thấy vị hôn thê có thai, thì chỉ một mình vị hôn phu có thể phán đoán trong việc đó là có tội hay không. Như vậy, thánh Giuse có thể hành động bằng hai cách: hoặc là tuyên bố theo sự hiểu biết tự nhiên của mình là Maria đã phạm tội ngoại tình, và như thế Maria mất thể diện hoàn toàn; hoặc là để mặc cho người ta tin rằng: ngài là cha của đứa bé sắp sinh. Giuse chọn giải pháp nào ?
Đang phân vân lo nghĩ không biết xử trí ra sao thì Thiên Chúa báo mộng cho ông: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về làm vợ mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Ông Giuse được báo mộng và ông yên tâm nhận Maria làm vợ. Việc này thường xảy ra trong Cựu ước khi Thiên Chúa muốn truyền cho ai một điều gì. Vậy hôm nay, việc báo mộng cho Giuse là cách thức Thiên Chúa dùng để tỏ ra thánh ý của Ngài về việc thụ thai đồng trinh của Đức Maria.
5.Hài nhi sinh ra sẽ được gọi là Emmanuel nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thể sống chung với loài người, bất chấp con người xấu xa tội lỗi, nghèo nàn, túng thiếu, khổ sở… Thiên Chúa làm người đã vui lòng chia sẻ thân phận với người trần thế. Ngài muốn cho ngày Giáng sinh trở thành ngày Đấng Tối Cao xa lạ trở thành thân quen, thành bạn hữu con người, để kêu gọi con người hãy nhận nhau là anh em, là bạn hữu.
Truyện: Thiên Chúa nói bằng tiếng nào ?
Ngày xưa có chú bé Phi châu tên là Emmanuel. Chú luôn thắc mắc: “Thiên Chúa nói bằng tiếng nào ?” Chú hỏi thầy giáo thì thầy cũng không biết. Sau đó chú Emmanuel lại đi hỏi các nhà trí thức trong làng cũng như các vùng lân cận, nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.
Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin có người biết được điều ấy.
Một đêm nọ, Emmanuel đến ngôi làng Belem. Chú cố tìm chỗ để nghỉ đêm trong các nhà trọ, nhưng tất cả đều không còn chỗ. Vì thế, chú quyết định tìm cái hang ngoài trời để trú đêm. Quá nửa đêm chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào, chú nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, người mẹ liền nói: “Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng tôi đang mong chờ con”.
Chú bé quá sửng sốt, và người mẹ trẻ nói tiếp: “Đã từ lâu, con đi tìm để hỏi xem Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây cuộc hành trình của con đã có câu trả lời. Ngài nói bằng ngôn ngữ của tình yêu: “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một của Ngài”.