Lịch sử thời Cựu Ước và Tân Ước có thể chia ra làm chín giai đoạn :
I- THỜI TIỀN SỬ
– Vào khoảng 400.000 năm trước công nguyên (thời đại đồ đá cũ) bắt đầu có dấu vết người ở gần hồ Tibêria.
– Vào khoảng năm 9.000 tcn : Người ta bắt đầu biết chăn nuôi và trồng trọt.
– Vào khoảng năm 7.000 tcn : Thời đại đồ đá mới, bắt đầu có thành Giêricô.
– Vào khoảng năm 4.500 tcn : Phát minh đồ gốm.
– Vào khoảng năm 3.500 tcn : Bắt đầu dùng kim khí (đồ đồng).
II- THỜI CÁC TỔ PHỤ
– Tổ tiên của Abraham sống ở miền Lưỡng Hà (Mêsôpôtamia).
– Vào khoảng năm 1.800 tcn : Nhóm của Abraham tách ra, di cư sang miền Palestine.
– Vào khoảng năm 1.700 tcn : Giacóp và con cháu sang Ai Cập
III- THỜI MÔSÊ VÀ GIÔSUÊ
– Vào khoảng năm 1.250 tcn : dưới thời vua Ai Cập là Ramxét II, Môsê đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập. Giao Ước tại núi Sinai. Israel bắt đầu thành một dân.
– Vào khoảng năm 1.220 – 1.200 tcn : Giôsuê đưa dân Israel vào chiếm miền Palestine.
IV- THỜI CÁC THỦ LÃNH VÀ CÁC VUA ĐẦU TIÊN (1.200-931)
– Vào khoảng năm 1.200 tcn: Bắt đầu thời đại đồ sắt. Người Philitinh xâm lăng Ai Cập, nhưng bị đẩy lui và đến định cư ở ven bờ biển Palestine.
– Vào khoảng năm 1.200-1.030 tcn: Thời các Thủ Lãnh (Thẩm Phán)
– Vào khoảng năm 1.030-1.010 tcn : Saolê là vua đầu tiên của Israel. Thắng người Ammôn và Philitinh. Nhưng sau lại thua người Philitinh và tử trận.
– Vào khoảng năm 1.010-970 tcn : Đavít lên làm vua, trước tiên ở Giuđa rồi cả Giuđa và Israel. Chiếm Giêrusalem làm kinh đô. Thắng các dân chung quanh : Philitinh, Môáp, Aram, Ammôn, Êđom.
– Vào khoảng năm 970-931 tcn : Salômôn làm vua. Xây Đền thờ Giêrusalem. Phát triển ngoại giao, mở mang thương mãi. Nền văn chương chớm nở : châm ngôn và sử ký.
V- THỜI HAI VƯƠNG QUỐC GIUĐA VÀ ISRAEL (931-721tcn)
– Năm 931 tcn : Rôbôam lên nối ngôi Salômôn, không biết xử khéo nên các chi tộc Miền Bắc ly khai lập nước Israel và tôn Giêrôbôam làm vua. Rôbôam và dòng họ chỉ còn làm vua nước Giuđa (Miền Nam).
– Thế kỷ IX tcn: Tại Israel, Omri (885-874 tcn) lập một triều đại mới và đặt kinh đô tại Samari. Vua Akháp (874-853 tcn) xây Đền thờ Baal. Do đó ngôn sứ Êlia đứng lên bảo vệ Đạo Giavê. Tiếp đó ngôn sứ Êlisê hoạt động.
– Thế kỷ VIII tcn: Bắt đầu xuất hiện các “ngôn sứ văn sĩ” (là những ngôn sứ có sách mang tên các ông). Tại Israel : Amốt, Hôsê. Tại Giuđa : Isaia, Mica.
– Đế quốc Assyri bành trướng. Năm 721 tcn : kinh đô Samari bị thất thủ, dân bị đưa đi đày, nước Israel bị tiêu diệt.
VI- THỜI TÀN CỦA VƯƠNG QUỐC GIUĐA (722 (721)-587 tcn)
– Thế kỷ VII tcn: Vua Êdêkia (716-687 tcn) cải tổ tôn giáo và cố gắng thoát ly ảnh hưởng của Assyri, nhưng không thành công. Vua Giôsia (640-609 tcn) cũng cải tổ tôn giáo và cố gắng khôi phục nền độc lập. Đế quốc Assyri sụp đổ, đế quốc Babylon bắt đầu bành trướng. Trong thời kỳ này có các ngôn sứ Nahum, Habacúc, Sôphônia và nhất là Giêrêmia hoạt động.
– Thế kỷ VI tcn: Ngôn sứ Giêrêmia tiếp tục, ngôn sứ Êdêkien bắt đầu hoạt động.
– Năm 597 tcn : Nabucôđônoso lấy thành Giêrusalem lần thứ nhất, đưa dân đi đày.
– Năm 587 tcn : Nabucôđônoso lấy thành lần thứ hai, phá thành và Đền thờ, đưa dân đi đày.
– Năm 582 tcn : lưu đày đợt thứ ba.
– Êdêkien và tác giả “Sách Yên Ủi Israel” (Isaia Đệ Nhị) hoạt động giữa những người lưu vong.
VII- THỜI LỆ THUỘC BA TƯ (538-333 tcn)
– Năm 539 tcn : Kyrô, Vua Ba Tư, lấy thành Babylon.
– Năm 538 tcn : Kyrô ra chiếu chỉ cho phép người Do Thái hồi hương.
– Năm 520-515 tcn : Tái thiết Đền thờ Giêrusalem, ngôn sứ Hácgai và Dacaria hoạt động.
– Thế kỷ V tcn : Ét-ra cải tổ tôn giáo, công bố luật (Ngũ Thư). Nêhêmia củng cố mặt hành chánh.
VIII- THỜI LỆ THUỘC HY LẠP (332-63 tcn)
– Năm 336 tcn : Alexandre, vua Macêđônia, bắt đầu thắng đế quốc Ba Tư.
– Năm 332 tcn : Alexandre chiếm Palestine. Sau khi vua chết (323tcn), các tướng lãnh chia nhau đế quốc. Nhà Laghít (Ptôlêmê) chiếm Ai Cập, nhà Sơlucô chiếm Syri và Babilon
– Năm 319-200 tcn : Miền Palestine thuộc quyền các vua Laghít (Ptôlêmê). Tại Ai Cập, sách Cựu Ước được dịch ra tiếng Hy Lạp (Bản Bảy Mươi).
– Năm 200-142 tcn : Miền Palestine thuộc quyền các vua Sơlucô.
– Năm 167 tcn : Vua Antiôcô IV bắt bớ Đạo Do Thái. Mat-ta-thy-a và và các con (Giuđa, Giônathan, Simon) khởi nghĩa.
– Năm 164 tcn : Giuđa lấy lại Đền thờ và làm nghi lễ thanh tẩy.
– Năm 142-63 tcn : Con cháu của Simon làm vua người Do Thái.
IX- THỜI LỆ THUỘC RÔMA (từ năm 63 tcn trở đi)
– Năm 63 tcn : Pompê, tướng của Rôma, chiếm Giêrusalem, Palestine trở nên một tỉnh của đế quốc Rôma.
– Năm 37-4 tcn : Hêrôđê Cả làm vua.
– Năm 27 tcn – năm 14 sau công nguyên : Hoàng đế Augusto trị vì.
– Vào khoảng năm 7-6 tcn : Đức Giêsu ra đời.
– Vào khoảng năm 5-10 sau công nguyên : Phaolô sinh ra tại Tarxê.
– Năm 26-36 scn : Phongxiô Philatô làm Quan Trấn thủ Giuđê và Samari.
– Năm 27 scn : (Mùa thu) Gioan Tẩy Giả ra rao giảng. Đức Giêsu khai mạc sứ vụ.
– Năm 30 scn : Lễ Vượt Qua. Đức Giêsu chịu đóng đinh.
– Vào khoảng năm 36-37 scn : Stêphanô tử đạo. Phaolô trở lại.
– Vào khoảng năm 43-44 : Tông đồ Giacôbê, em của Gioan bị chém đầu.
– Năm 45-47 scn : hành trình truyền giáo thứ nhất của Phaolô.
– Vào khoảng năm 48-49 scn : Công đồng Giêrusalem.
– Năm 50-52 scn : Hành trình truyền giáo thứ hai của Phaolô.
– Năm 53-58 scn : Hành trình truyền giáo thứ ba của Phaolô.
– Năm 58 scn : (Lễ Ngũ Tuần) Phaolô bị bắt tại Giêrusalem.
– Năm 60 scn : Phaolô bị điệu đi Rôma.
– Năm 61-63 scn : Phaolô bị giam ở Rôma.
– Năm 64 hoặc 67scn : Phêrô tử đạo ở Rôma.
– Năm 66 scn : Người Do Thái ở Palestine nổi loạn.
– Năm 67 scn : Phaolô tử đạo tại Rôma.
– Năm 70 scn : Titô, tướng của Rôma chiếm Giêrusalem, đốt Đền thờ.ø
– Năm 95 scn : Hoàng đế Domitiano bắt đạo.
“Nói về Thánh Truyền và Thánh Kinh như nguồn mạch của việc dạy giáo lý, là nhấn mạnh rằng việc dạy giáo lý phải tiêm nhiễm và thấm nhuần tư tưởng, tinh thần và thái độ theo Thánh Kinh và Tin Mừng, nhờ sự tiếp xúc chuyên cần với chính các bản văn …”
( ĐTC Gioan Phaolô II
Tông huấn
Catechesi Tradendae, số 27)