BÁC ÁI KHÔNG GIẢ HÌNH
Người ta đã quan sát thấy hiện tượng sau đây ở Thánh địa : Sông Giođan theo dòng chảy đã tạo nên hai biển : biển (hồ) Galilê và biển Chết. Tuy vậy, trong khi biển Galilê là một biển đầy sức sống, thuộc vào số những biển hồ có nhiều cá nhất thế giới, thì biển Chết, như tên gọi của nó, lại là một biển “chết”: không có dấu vết sự sống, cả trong biển lẫn ở khu vực chung quanh, mà chỉ có muối và muối. Cả hai biển cũng chỉ là nước của sông Giođan thôi. Người ta giải thích một phần lý do như sau : biển hồ Galilê nhận nước sông Giođan, nhưng không giữ lại cho mình, mà để nó tiếp tục chảy để tưới cho cả vùng thung lũng Giođan. Còn biển Chết, cũng nhận nước ấy, nhưng giữ lại, không có kênh tháo nước.
Đây chính là một biểu tượng. Để nhận được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta phải chuyển đạt cho anh em ta tình yêu ấy, và càng cho đi thì càng nhận được.
Chúng ta muốn suy nghĩ về điều đó trong bài suy niệm này.
1. Yêu người thân cận như chính mình
Chúng ta không nói về tình yêu của Thiên Chúa như một ân huệ, nhưng suy niệm về bổn phận phải yêu, đặc biệt bổn phận yêu người thân cận. Dĩ nhiên hai tình yêu này có liên hệ mật thiết với nhau, như lời Chúa nói rõ: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” (1Ga 4,11)
Lệnh truyền “Ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình ngươi” là một lệnh truyền đã có trước, được ghi trong luật Mosê (Lv 19,18), và được Chúa Giêsu trích lại y nguyên (Lc 10,27). Vậy tại sao Chúa Giêsu lại gọi đó là giới răn “của mình” và là giới răn “mới”? Với Chúa, câu trả lời đã thay đổi đối tượng, chủ thể, và lý do yêu thương người thân cận.
Trước hết, đối tượng, tức người thân cận để yêu, đã thay đổi. Đây không còn phải là người đồng chủng, đồng tôn, đồng bạn, nhưng là mọi người, kể cả người xa lạ (người Samari!), thậm chí kẻ thù nữa.
Đúng là vế sau của lệnh truyền “Yêu người thân cận và ghét kẻ thù nghịch” không gặp thấy nguyên văn trong Cựu ước, nhưng nó cũng tóm tắt định hướng tổng quát của Cựu ước được diễn tả trong luật ăn miếng trả miếng: “mắt đền mắt, răng đền răng” (Lv 24,20), đặc biệt khi người ta đặt nó song song với điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi. Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5, 44-47).
Đối tượng đã vậy, chủ thể của tình yêu này, hay nói khác đi, ý nghĩa của từ “người thân cận”, cũng thay đổi nốt. Người thân cận không ai khác hơn là chính tôi. Không phải người gần gũi, nhưng là người biến mình thành gần gũi. Qua dụ ngôn người Samari nhân hậu, Chúa cho thấy rằng đừng thụ động chờ đợi người thân cận đến với ta trên đường, với những đèn nhấp nháy và còi hụ đi trước. Người thân cận là tôi. Chính tôi có thể trở thành người thân cận. Không có người thân cận lúc xuất phát. Sẽ chỉ có người thân cận nếu người ấy trở thành thân cận với một ai đó.
Cuối cùng, kiểu mẫu hay mức độ yêu người thân cận cũng thay đổi. Trước thời Chúa Giêsu, kiểu mẫu là yêu mình, “như yêu chính mình”. “Như yêu chính mình” quả là một tiêu chuẩn bảo đảm, chắc chắn. Thiên Chúa hẳn sẽ không đạt được mục tiêu, nếu như Ngài nói: “Anh em phải yêu người thân cận như yêu Thiên Chúa của anh em!”. Là vì, con người có thể gian lận khi yêu mến Thiên Chúa, nhưng không thể gian lận khi yêu mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ai nấy đều biết phải yêu mình ra sao. Đó là chiếc gương soi luôn ở trước mặt, không tránh được.
Tuy vậy, để bảo đảm hơn, Thiên Chúa đưa ra một tiêu chuẩn khác. Ngài thay kiểu mẫu “như yêu chính mình” bằng một kiểu mẫu và một mức độ khác. Kiểu mẫu này là chính cách Thiên Chúa yêu. Ngài nói: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12).
Con người ta có thể yêu mình không đúng cách, nói cách khác, ước muốn điều xấu chứ không phải điều tốt, yêu nết xấu chứ không phải nhân đức. Nếu một người như thế yêu người khác như yêu mình, muốn cho người khác những gì mình muốn cho mình, thì người nào được yêu theo cách đó quả là tội nghiệp! Ngược lại, chúng ta đều biết tình yêu của Chúa Giêsu dẫn chúng ta tới đâu : tới sự thật, tới sự thiện, tới Chúa Cha. Ai theo Ngài thì “không đi trong tăm tối”. Ngài đã yêu ta khi chết cho ta, khi ta còn là tội nhân, nghĩa là thù nghịch với Ngài (Rm 5,6tt).
Như vậy, chúng ta hiểu Tông đồ Gioan muốn nói gì khi khẳng định một điều có vẻ mâu thuẫn nhau: “Anh em thân mến, đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe. Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh em” (1Ga 2,7-8).
Điều răn dạy yêu người thân cận, xét theo mặt chữ, là điều răn “cũ”, nhưng xét theo sự mới mẻ của Tin mừng thì lại là điều răn “mới”. Theo cách giải thích của Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI, trong cuốn sách của ngài về Đức Giêsu, nó “mới” vì không chỉ là “lề luật”, mà còn và tiên vàn còn là “ân sủng”. Nó dựa trên sự hiệp thông với Đức Kitô, một sự hiệp thông có thể có được nhờ ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Với Chúa Giêsu, luật ăn miếng trả miếng giữa hai người – “Người khác làm cho anh điều gì, thì hãy làm điều ấy cho người đó” – được thay thế bằng luật chuyển tiếp giữa ba người: “Thiên Chúa làm cho anh điều gì, thì hãy làm điều ấy cho người khác”, hoặc theo hướng ngược lại: “Điều anh làm cho người khác chính là điều Thiên Chúa sẽ làm cho anh”. Không thể kể cho hết những lời của Chúa Giêsu và của các Tông đồ lặp đi lặp lại ý này: “Như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau”. “Nếu anh em không hết lòng tha thứ cho kẻ thù, Cha anh em trên trời cũng sẽ không tha thứ cho anh em”. Không có chỗ để viện cớ : “Nhưng anh ta không yêu tôi. Anh ta xúc phạm đến tôi…”, nên tôi không yêu anh ta. Đó là chuyện của anh ta, không phải của tôi. Điều duy nhất liên hệ tới tôi là điều tôi làm cho người khác, và tôi xử sự ra sao trước những gì người khác làm cho tôi.
Tại sao có sự đổi hướng kỳ cục, từ chỗ yêu Chúa sang chỗ yêu người thân cận? Phải chăng nói thế này thì hợp lý hơn: “Như Thày đã yêu anh em, anh em hãy yêu Thầy, thay vì “Như Thầy đã yêu anh em, anh em hãy yêu nhau”? Ở đây có sự khác biệt giữa tình yêu thuần túy eros và tình yêu có cả eros lẫn agape. Tình yêu thuần túy eros được thực hiện trong một mạch kín: Anh yêu em, em yêu anh. Tình yêu agape được thực hiện trong một mạch mở : từ Thiên Chúa mà đến rồi trở về Ngài, nhưng ngang qua người thân cận. Chính Chúa Giêsu đã khai mào loại tình yêu mới mẻ này khi nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.
Thánh nữ Catarina Sienna đã đưa ra lời giải thích đơn sơ nhưng đầy thuyết phục, khi đặt những lời sau đây vào miệng Thiên Chúa: “Ta đòi con yêu Ta bằng cùng một tình yêu mà Ta đã yêu con. Nhưng con không thể làm điều ấy cho Ta, vì Ta yêu con mà không được yêu lại. Vì vậy, tình yêu con dành cho Ta là một món nợ mà con phải trả, chứ không phải một ơn mà con làm cho Ta. Ngược lại, tình yêu mà Ta dành cho con là một ân sủng Ta ban cho con, chứ không phải một món nợ. Vậy con không thể cho Ta tình yêu mà Ta đòi hỏi. Tuy nhiên, ta ban cho con phương tiện để làm điều đó nơi người thân cận của con: con hãy làm cho người đó điều con không thể làm cho Ta. Ta đã đặt con bên cạnh người thân cận của con, để con có thể làm cho người đó điều con không thể làm cho Ta, tức là yêu người đó cách nhưng không và vô vị lợi, không chờ đợi được lợi lộc gì. Khi ấy, Ta coi điều con làm cho người thân cận như là làm cho Ta” .
2. Yêu thương nhau hết lòng
Sau những suy niệm có tính chất tổng quát về lệnh truyền yêu thương người thân cận, giờ đây chúng ta đề cập những phẩm chất phải có của tình yêu này.
Có hai phẩm chất cơ bản : chân thành và hoạt động, phát xuất từ tấm lòng và thể hiện cách nào đó bằng “đôi tay”, tức bằng hành động. Trong bài này, chúng ta nói đến phẩm chất thứ nhất, dựa vào Phaolô, người có những lời lẽ cao đẹp về tình yêu.
Phần thứ hai của thư Rôma được coi như một chuỗi những lời khuyên về tình yêu đối với nhau trong cộng đồng kitô giáo: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ […], thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình…” (Rm 12,9tt) “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8).
Để có thể hiểu yếu tố liên kết các lời khuyên này, ý tưởng cơ bản, hoặc đúng hơn, “tình cảm” của Phaolô về bác ái, phải đi từ câu đầu tiên: “Lòng bác ái không được giả hình”. Đây không phải là một trong những lời khuyên, nhưng là lời chủ chốt từ đó phát xuất những lời khuyên khác. Nó chứa đựng sự bí mật của bác ái. Với sự giúp đỡ của Thần Khí, chúng ta thử tìm hiểu bí mật này.
Từ anhypokritos được Phaolô sử dụng và được dịch là “không giả hình”. Từ này là một loại đèn báo, hiếm khi được dùng trong Tân ước, và hầu như chỉ để định nghĩa bác ái kitô giáo. Người ta còn bắt gặp nó trong 2 Cr 6,6 và 1 Pr 1,22. Trong bản văn của thư Phêrô, chắc chắn nó có nghĩa như đang bàn, vì nó giải thích nghĩa này bằng một kiểu nói vòng vo. Theo bản văn, tình yêu chân thành hệ tại ở chỗ yêu bằng “tấm lòng trong sạch”.
Như vậy, qua câu khẳng định đơn sơ, Phaolô nhìn tới tận gốc rễ của bác ái là tấm lòng. Tình yêu đòi phải chân thành, chính thực, không giả hình, không bôi bác. Cũng như rượu nho phải ép từ trái nho mới “gin”, tình yêu phải phát xuất từ tấm lòng mới thật. Cũng trong vấn đề này, Phaolô tỏ ra trung thành với tư tưởng của Chúa Giêsu. Quả thực, nhiều lần và một cách mạnh mẽ, Chúa cho thấy tấm lòng là “nơi” quyết định giá trị một việc làm, xem việc ấy là sạch hay không sạch trong đời sống của một người (Mt 15,19).
Người ta có thể thấy một trực giác của Phaolô về bác ái. Đàng sau thế giới hữu hình và bên ngoài của bác ái, qua những lời nói và việc làm, Phaolô cho thấy một thế giới hoàn toàn bên trong, liên hệ với thế giới bên ngoài như linh hồn liên hệ với thân xác. Người ta bắt gặp lại trực giác này nơi bản văn nổi tiếng về bác ái trong thư thứ nhất Corintô (1 Cr 13). Tự nền tảng, những gì Phaolô nói hoàn toàn đưa về bác ái bên trong, về những thái độ và tình cảm bác ái: bác ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không nóng giận, tha thư tất cả, tin tưởng tất cả…Không có gì trực tiếp với việc làm điều thiện, những công trình bác ái, nhưng mọi sự đều đưa về gốc rễ là muốn điều tốt. Muốn điều tốt đi trước làm điều tốt.
Chính thánh Tông đồ còn minh giải sự khác biệt giữa hai lãnh vực bác ái khi quả quyết rằng hành vi bác ái bên ngoài, cho dù lớn lao nhất – tỉ như phân phát của cải cho người nghèo – cũng chẳng giúp gì nếu không có bác ái bên trong (x. 1 Cr 13,3). Đó là ngược với bác ái “chân thành”. Quả thực, bác ái giả hình là làm điều tốt mà không muốn điều tốt, cho người ta thấy bên ngoài một điều không có cái tương ứng trong tâm hồn. Ở đây, chỉ có bác ái ngoài mặt. Nó có thể che giấu một sự ích kỷ, nhằm phục vụ mình, biến người anh em thành dụng cụ, hoặc bác ái chỉ vì một sự hối hận nào đó trong lương tâm.
Chắc chắn là sai lầm khi đối nghịch bác ái trong tâm hồn với bác ái trong hành động, hoặc viện cớ chỉ cần bác ái bên trong để trốn tránh bác ái bên ngoài. Vả lại, nói rằng không có bác ái thì “chẳng giúp gì”, ngay cả phân phát mọi sự cho người nghèo, không có nghĩa là việc đó không giúp gì cho ai và như vậy là vô ích. Đúng ra, điều đó có nghĩa là không ích gì “cho tôi”, nhưng vẫn có thể có ích cho người nhận. Vậy đây không phải là làm giảm nhẹ tầm quan trọng của những công việc bác ái cho bằng bảo đảm cho những công việc này một nền tảng chắc chắn, chống lại tính ích kỷ và vô vàn mưu mẹo. Thánh Phaolô muốn người kitô hữu được “bén rễ sâu và xây dựng trên đức ái” (Ep 3,17), nói khác đi, tình yêu phải là gốc rễ và nền tảng mọi sự.
Yêu thương chân thành là yêu theo chiều sâu này, nơi mà bạn không thể dối trá, vì chỉ có bạn đối diện với bạn, trước lương tâm của bạn và trước mặt Thiên Chúa. Thánh Augustinô viết: “Người yêu người anh em mình là người, trước mặt Thiên Chúa và chỉ có mình Ngài biết, cảm thấy yên tâm mà tự hỏi xem mình có thực sự đã làm như thế vì yêu anh em, và đôi mắt nhìn thấu tận tâm hồn, nơi không ai có thể đạt tới, làm chứng cho người đó”. Phaolô đã có tình yêu chân thành ấy với người Do thái khi viết cho họ: “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì cũng cam lòng” (Rm 9,1-3).
Vậy để trung thực, bác ái kitô giáo phải phát xuất từ bên trong, từ tâm hồn. Những công việc từ thiện phải phát xuất từ “lòng thương cảm” (Cl 3,12). Tuy vậy, chúng ta phải xác định ngay đây là một điều gì đó triệt để hơn là một sự “nội tâm hóa” thuần túy, tức là nhấn mạnh không phải sự thực hành bác ái bên ngoài, nhưng là sự thực hành bên trong. Đây mới chỉ là bước đầu. Sự nội tâm hóa đạt tới sự thần hóa! Theo thánh Phêrô, người kitô hữu là người yêu bằng một quả tim trong sạch. Thế nào là quả tim trong sạch? Đó là quả tim mới và Thần Khí mới lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội.
Khi người kitô hữu yêu như vậy thì chính là Thiên Chúa yêu qua người ấy. Người ấy trở thành máng chuyên tình yêu của Thiên Chúa. Giống như sự an ủi, cũng là một thể thức của tình yêu: “Thiên Chúa an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,4). Chúng ta an ủi bằng chính sự an ủi nhận được từ Thiên Chúa. Chúng ta yêu thương bằng chính tình yêu nhận được từ Thiên Chúa, chứ không bằng tình yêu nào khác.
3. Bác ái xây dựng
Các bản văn thời tông đồ nói về bác ái thì không khi nào nói một cách trừu tượng, khái quát. Căn bản là nhằm xây dựng cộng đồng kitô giáo. Nói khác đi, lãnh vực đầu tiên thể hiện bác ái là Giáo Hội và, cụ thể hơn, là cộng đoàn mình sống, những con người có liên quan với mình trong cuộc sống hàng ngày. Ngày nay cũng phải như vậy.
Vào một thời kỳ nào đó ngày xưa, người ta dùng chữ bác ái (agape) không những để chỉ bữa ăn huynh đệ giữa các người kitô hữu với nhau, mà còn chỉ cả Giáo Hội. Thánh Ignatiô Antiokia tử đạo đã chào chúc Giáo Hội Roma như là “Giáo Hội chủ trì bác ái”, nghĩa là “chủ trì “tình huynh đệ kitô giáo”, chủ trì mọi Giáo Hội. Câu này không những nói lên địa vị đứng đầu của Roma, mà còn cho thấy bản chất của Giáo Hội này hoặc cách thực hành sự đứng đầu này: đó là thực hành trong bác ái.
Giáo Hội đang rất cần một luồng gió bác ái để chữa lành thương tích. Trong một diễn từ, Đức Phaolo VI nói: “Giáo Hội cần cảm thấy một ngọn sóng tình yêu trào dâng một lần nữa qua tất cả các quan năng nhân loại của mình, một tình yêu được gọi là bác ái đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần đã được ban cho ta”. Chỉ tình yêu mới chữa lành. Đó là dầu của người Samari. Phải là dầu, cũng vì nó nổi lên trên mọi sự, như dầu nổi trên bề mặt các chất lỏng. “Trên hết mọi đức tính, anh em hãy có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Trên hết mọi sự, super omnia! Như vậy, cũng trên cả đức tin, đức cậy, kỷ luật, quyền bính, cho dù hiển nhiên là chính kỷ luật và quyền bính có thể là một cách diễn tả bác ái. Không có sự hiệp nhất nếu không có bác ái. Mà nếu có sự hiệp nhất nào không cần bác ái, thì nó cũng không có mấy giá trị đối với Thiên Chúa.
Có một lãnh vực quan trọng phải để ý: việc xét đoán lẫn nhau. Thánh Phaolo viết trong thư Roma: “Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em? Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa” (Rm 14,10.13). Trước Phaolo, Chúa Giêsu cũng đã dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán…Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,1-3).Chúa so sánh tội của người anh em (tội bị xét đoán), dù tội nào đi nữa, với cái rác, còn tội của người xét đoán (tội xét đoán) thì giống như cái xà. Cái xà là chính việc xét đoán, nó là tội nặng trước mắt Thiên Chúa.
Nói về sự xét đoán chắc chắn là điều tế nhị và phức tạp. Sẽ là chuyện thiếu thực tế nếu không nói tới cùng. Quả thực, làm sao có thể sống mà không xét đoán? Sự xét đoán hàm chứa nơi ta, ngay cả qua một cái nhìn. Người ta không thể quan sát, lắng nghe, sống mà không đưa ra những đánh giá, nghĩa là không xét đoán gì cả. Cha mẹ, bề trên, cha giải tội, quan tòa, bất cứ ai có một trách nhiệm nào với người khác, đều phải xét đoán. Đôi khi sự xét đoán chính là một kiểu mẫu phục vụ phải có đối với xã hội hoặc Giáo Hội.
Quả thực, cái phải loại ra khỏi tâm trí ta không phải sự xét đoán cho bằng sự độc địa trong xét đoán, nghĩa là lên án người khác. Trong Phúc âm Luca, ngay sau lệnh truyền “Đừng xét đoán và anh em sẽ không bị xét đoán” là lệnh truyền “Đừng lên án và anh em sẽ không bị lên án” (Lc 6,37). Tự nó, hành vi xét đoán vô thưởng vô phạt. Nó có thể đi đến chỗ lên án hay tha thứ. Chính những xét đoán tiêu cực mới là điều Chúa lên án, tức là vừa lên án tội lỗi lại vừa lên án tội nhân, nhằm trừng phạt hơn là sửa lỗi anh em.
Có một điểm khác nói lên lòng bác ái chân thành, đó là coi trọng anh em. “thương mến nhau với tình huynh đệ, coi trọng người khác hơn mình” (Rm 12,10). Để có thể coi trọng anh em thì đừng quá coi trọng mình: “đừng đi quá mức khi đánh giá mình” (Rm 12,3). Người quá coi trọng mình giống như người đi ban đêm trông thấy một luồng sáng chói chang: người đó sẽ không thấy gì bên ngoài luồng sáng đó, không thấy ánh sáng nơi anh em, những công trạng và giá trị của anh em.
Trong tương quan với anh em, phải biết đánh giá thấp công trạng của mình và khuyết điểm của anh em. Đừng làm ngược lại, tức là đánh giá thấp công trạng của anh em và khuyết điểm của mình, là điều thường hay xẩy ra. Thi sĩ Esope có viết một dụ ngôn, được La Fontaine biến chế lại đại khái như sau: Tạo Hóa đã tạo dựng chúng ta thành những người mang bị theo cùng một cách thức như nhau: bị sau chứa tội lỗi của chúng ta, còn bị trước chứa tội lỗi của người khác.
Đơn giản là phải làm ngược lại: bị sau chứa tội lỗi của người khác, còn bị trước chứa tội lỗi của ta. Thánh Giacôbê cảnh giác: “Anh em đừng nói xấu nhau” (Gc 4,11). Ngày nay, người ta không đặt nặng chuyện ngồi lê đôi mách, mà chỉ coi là chuyện nhảm nhí (gossip), chuyện vô thưởng vô phạt, trong khi trên thực tế, đây lại là điều tác hại cho đời sống chung. Không nói xấu người khác thì chưa đủ, mà còn phải ngăn cản người khác nói xấu trước mặt ta. Phải giúp cho họ hiểu rằng ta không lên tiếng tức là ta đồng lõa. Ở nhiều nơi công cộng, người ta đặt những tấm bảng: “Cấm hút thuốc”, “Cấm đái bậy”… Có lẽ đôi chỗ cũng cần thêm tấm bảng “Cấm nói xấu nhau”.
***
Để kết thúc, chúng ta hãy nghe lời Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Philipphê, phải được coi là lời nói với chính chúng ta ngày hôm nay: “Anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chỉ vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,2-5).
(Lấy ý trong bài giảng Mùa Chay của cha R. Cantalamessa, tại Vatican, 8/4/2011)
Lm Micae Trần Đình Quảng