XXII
“GIỜ ĐÂY THỦ LÃNH THẾ GIAN NÀY
SẮP BỊ TỐNG RA NGOÀI”
Thánh sử Luca kết thúc trình thuật về việc Đức Giêsu bị cám dỗ như sau: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.” (Lc 4,13) Thời cơ này là lúc nào, thì chính Đức Kitô đã cho ta thấy khi Ngài nói vào lúc sắp xẩy ra cuộc Khổ Nạn: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài.” (Ga 12,31)
Đó là cách giải thích nhất trí của các tác giả Tân Ước về cái chết của Đức Kitô. Thư Do thái nói Đức Kitô “nhờ cái chết của Người, đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ.” (Dt 2,14)
Chắc chắn cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô không thu gọn vào việc chiến thắng Satan. Nó có ý nghĩa rộng hơn nhiều và tích cực; Ngài phải chết “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Tuy vậy, người ta khiến cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô trở thành tầm thường nếu làm mất đi khía cạnh chiến thắng ma quỷ, ngoài chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Cuộc chiến đấu này còn tiếp tục sau Đức Kitô, trong thân thể Ngài. Sách Khải huyền nói rằng, sau khi bị Đức Kitô đánh bại, con Mãng Xà “nổi giận với người Phụ Nữ, đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà” (Kh 12,17). Vì vậy Tông Đồ Phêrô khuyên các tín hữu: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thé, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1Pr 5,8)
Tất cả những điều trên đây làm cho cuộc sống của người Kitô hữu, xưa cũng như nay, có tính chất của một cuộc chiến đấu nguy hiểm, một cuộc chiến đấu “không phải với phàm nhân, nhưng với những quyền lực thần thiêng…, những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,12). Nghi thức rửa tội phản ánh rõ điều này qua những câu hỏi trước nghi thức để triệt để lựa chọn chiến tuyến: “Con có từ bỏ Satan không?” “Con có tin Đức Kitô không?”
Vậy chẳng lẽ không có gì thay đổi với cái chết của Đức Kitô sao? Tất cả đều như trước sao? Hoàn toàn ngược lại! Quyền lực của Satan không còn có thể tự do hoạt động theo chiều hướng nó mong muốn. Nó nghĩ là hành động theo một mục tiêu rõ ràng, nhưng chính xác chỉ có được điều ngược lại; nó không chủ tâm phục vụ cho sự nghiệp của Đức Kitô và các thánh của Ngài. Nó là thứ “quyền lực luôn muốn điều xấu nhưng lại làm điều tốt[1].”
Thiên Chúa dùng hành động của ma quỷ để giúp cho các người Chúa chọn được thanh tẩy và khiêm tốn. “Và để tôi khỏi tự cao tư đại vì những mạc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi.” (2Cr 12,7). Một bài thánh ca của ngươi da đen (negro spiritual) diễn tả điều này bằng một giọng điệu nhẹ nhàng nhưng đúng về phương diện thần học: “Tên Satan ngày xưa đã bị đánh bại, nó ở trong tình trạng ốm yếu. Nó đã bắn tôi để giết linh hồn tôi. Nhưng nó đã nhầm mục tiêu và đánh trúng tội lỗi của tôi.”
***
Tuy nhiên kể từ đây mọi sự nói trên đã chấm dứt. Sự im lặng đã xuống trên Satan ; cuộc tranh đấu không còn đối tượng là “máu và thịt” nữa, tức là những sự dữ ở trong tầm tay của con người. Người sáng tạo ra thuyết giải thần thiêng hóa đã viết: “Người ta không thể sử dụng ánh sáng điện và máy thu thanh, người ta không thể sử dụng nại tới các phương tiện y tế và lâm sàng trong trường hợp bị bệnh, mà đồng thời còn tin vào thế giới các thần linh[2].” Sẽ không ai hài lòng như ma quỷ bị giải thần thiêng hóa, nếu đúng là – như người ta thường nói – “mánh khóe lớn nhất của nó là làm cho người ta tin rằng nó không hiện hữu”.
Con người hiện nay thực sự dị ứng với luận chứng này. Cuối cùng họ đã chấp nhận một lời giải thích trấn an. Ma quỷ ư? Đó là toàn bộ những sự dữ luân lý của con người. Ma quỷ chỉ là sự hóa thân tượng trưng, một huyền thoại, một con bù nhìn dọa chim. Là sự vô thức tập thể hoặc vong thân tập thể.
Khi Đức Phaolô VI đã dám nhắc lại cho các Kitô hữu “chân lý công giáo” là có ma quỷ (có lần ngài nói sự dữ không chỉ là một sự sự thiếu hụt, mà còn là một hiệu quả, một sinh vật sống, thiêng liêng, biến thái và làm cho người ta biến thái. Một thực tại đáng sợ, mầu nhiệm, làm cho người ta phải kinh hãi[3]”), một bộ phận văn hóa đã phản ứng, cảm thấy bị vấp phạm, vò đầu bứt tóc.
Câu chuyện tương tự xẩy ra mới đây khi một Giám mục lại kêu gọi người ta chú ý đến điểm này của đức tin Kitô giáo. “Phải chăng chúng ta đã quên rằng trong quá khứ người ta đã dùng ma quỷ để bách hại các mụ phù thủy, những người lạc giáo và những người khác tương tự như vậy?” Không, chúng ta đã không quên chuyện đó; nhưng nhằm mục đích này hay những mục đích khác cùng loại, người ta đã sử dụng – thật không may là ngay cả ngày hôm nay – Thiên Chúa thậm chí còn hơn cả ma quỷ. Phải chăng vì vậy mà chúng ta gạt bỏ Ngài?
Thậm chí nhiều tín hữu và một số thần học gia cảm thấy e ngại: Vâng, nhưng có lẽ thực sự là giả thuyết tượng trưng, giải thích thần bí hoặc phân tích là đủ…”. Có người nghĩ rằng chính Giáo Hội đã từ chối sự tin tưởng này, vì Giáo Hội ngày càng ít nói về nó.
Kết quả của sự im lặng này như thế nào? Một chuyện cực kỳ lạ lùng. Satan bị tống ra khỏi cửa ra vào, thì lại qua cửa sổ mà vào lại; bị đức tin xua đuổi, nó trở lại bằng mê tín. Thế giới hiện đại, kỹ thuật và công nghiệp hóa, nhung nhúc những pháp sư, những người thông linh, người đoán số tử vi, làm bán bùa chú và bùa hộ mệnh, những giáo phái Satan thuần túy và cứng rắn.
Tình hình hiện nay không quá khác với tình hình của các thế kỷ XIV-XVI, nổi tiếng chẳng hay ho gì với tầm quan trọng được gán cho những hiện tượng ma quỷ. Người ta không còn đưa lên giàn hỏa những người bị quỷ ám, không còn các cuộc săn lùng phù thủy hay giống như vậy. Các thực hành tập trung vào ma quỷ, cũng như các nạn nhân về thể chất hoặc đạo đức của các thực hành này, không kém thường xuyên hơn khi ấy và không chỉ thấy trong các tầng lớp nghèo khổ và dân chúng. Tất cả điều này đã trở thành một hiện tượng xã hội – và thương mại! – có phạm vi rộng lớn.
Một tuần báo ở Mỹ phổ biến khắp thế giới cách đây không lâu đã dành hẳn một hồ sơ về hiện tượng tin vào ma quỷ ngày nay. Tôi ngạc nhiên về kết luận rút ra từ một trong những nhà trí thức được phỏng vấn. Theo ông, sự lãng quên về ma quỷ không làm cho cuộc sống của con người trên trái đất được bình an và hợp lý hơn, trái lại chỉ làm cho chúng ta trì độn hơn và quen với những điều ghê rợn của sự dữ. Không gì làm chúng ta rùng mình hơn.
***
Những người cho rằng không có ma quỷ, nói đúng ra, là có lý do. Điều họ biết về đề tài này – trường hợp quỷ ám, câu chuyện và phim ảnh trừ quỷ – hầu như luôn có lời giải thích liên quan tới bệnh lý, dễ nhận ra. Điều họ sai lầm là dừng lại ở đó, không biết đến một mức khác trong đó sự giải thích thuộc bệnh lý học là không đủ.
Người ta thấy sự mập mờ được lặp lại mà Freud và nhiều người khác sau ông đã từng rơi vào trong đó: càng xem xét trường hợp bệnh thần kinh tôn giáo (vì trong trường hợp này, người ta nại đến nó) thì cuối cùng đi đến chỗ tin rằng tôn giáo tự thân chỉ là một bệnh thần kinh. Như thể một người nào đó đã có thể xác định một mức độ sức khỏe tinh thần của một thành phố sau khi đi thăm một bệnh viện tâm thần!
Chúng ta tìm ra bằng chứng mạnh nhất về sự hiện hữu của Satan không phải nơi tội nhân, cũng không phải nơi người bị quỷ ám, nhưng nơi các thánh. Đúng là quỷ có mặt và hoạt động trong một số hình thức sự dữ cực độ và “vô nhân đạo”, trên bình diện cá nhân hay tập thể, nhưng đó là nó ở tại nhà nó và có thể ẩn núp sau hàng ngàn người giống hệt và đóng thế. Với Satan, cũng như với một số côn trùng, chiến thuật của nó là đổi mầu cho giống với những vật chung quanh.
Trái lại, trong cuộc đời các vị thánh, quỷ buộc phải lộ diện, phải chịu sấp bóng (contre-jour), hành động của nó như điểm đen nổi lên trên nền trắng. Ngay cả trong Phúc Âm, người ta tìm thấy bằng chứng tốt nhất về sự hiện hữu của quỷ (đôi khi khó chứng tỏ người thời ấy tin thế nào về nguồn gốc của một số bệnh) không phải trong những trình thuật về việc chữa những người bị quỷ ám, nhưng trong câu chuyện Đức Giêsu bị quỷ cám dỗ.
Ít nhiều các vị thánh và các tín hữu lớn (trong đó có người như thánh Gioan Thánh Giá, thuộc vào số những trí thức hàng đầu) đều làm chứng về cuộc tranh đấu của các ngài chống lại quyền lực tối tăm này. Một hôm thánh Phanxicô Assisi tâm sự với người bạn thân tín của mình: “Nếu anh em biết những đau khổ và thử thách ma quỷ đã gây ra cho tôi như thế nào, hẳn không còn ai trong số họ mà không động lòng trắc ẩn và thương hại tôi[4].”
Phanxicô sáng tác Bài Ca Vạn Vật sáng chói cũng chính là Phanxicô đã phải đấu tranh chống lại ma quỷ. Catarina Sienna đã có ảnh hưởng lớn trên lịch sử thậm chí chính trị đương thời cũng chính là Catarina đã bị ma quỷ “hành hạ”, theo lời cha giải tội của ngài[5]. Padre Pio lo toan xây dựng “Ngôi nhà an ủi người sầu khổ” cũng chính là người đêm ngày chiến đấu cật lực với ma quỷ. Chúng ta không thể làm một cuộc giải phẫu tư cách của các ngài, và chỉ giữ lại một phần. Sự lương thiện và một khoa tâm lý lành mạnh hẳn không cho phép làm việc này. Những vị đó đã không đánh nhau với những cối xay gió. Điều thánh Gioan Thánh Giá diễn tả khi ngài kể lại đêm tối của linh hồn, không phải là một cái gì đó vu vơ.
Người ta thấy câu chuyện của Gióp được lặp lại (G 1,6 tt). Thiên Chúa “phó” vào tay Satan những bạn hữu thân thiết nhất của Ngài, để cho họ có cơ hội làm chứng mình không chỉ phục vụ Thiên Chúa vì những ơn lành đang được hưởng và để có thể tự đắc trước kẻ thù. Ngài cho Satan được quyền trên thân xác họ. nhưng đôi khi, một cách mầu nhiệm, cũng được quyền trên linh hồn họ, hoặc ít nhất một phần thuộc linh hồn họ. Năm 1983, Maria Giêsu chịu Đóng Đinh, được gọi là “người Ả rập nhỏ bé”, vì thuộc dân tộc Palestin, được phong thánh. Trong suốt cuộc đời, khi đã tiến xa trên con đường nên thánh, chị đã sống hai thời kỳ bị quỷ ám thật sự và xác thực, được kể lại trong án phong thánh[6]. Trường hợp của chị không phải là ngoại lệ…
***
Vậy tại sao ngay cả trong số các tín hữu, có một số người dường như không để ý tới cuộc chiến ngầm này trong Giáo Hội? Tại sao có quá ít người nghe thấy những tiếng gầm hung dữ của sư tử đang rảo quanh tìm mồi cắn xé? Đơn giản thôi! Những người đó tìm kiếm ma quỷ trong sách vở, trong khi sách vở không làm cho nó hứng thú, nhưng là các linh hồn. Người ta không bao giờ bắt gặp nó lui tới các trường đại học, các thư viện, nhưng là các linh hồn.
Một sự mập mờ khác đôi khi có nơi các tín hữu. Những người này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những con người thuộc văn hóa “thế tục” nghĩ về sự hiện hữu của ma quỷ, như thể đã có một cơ sở đối thoại chung với họ. Những tín hữu ấy không để ý đến việc một văn hóa tuyên bố mình vô thần không thể tin vào sự hiện hữu của ma quỷ. Khi không tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa thì sẽ là bi đát khi tin vào sự hiện hữu của ma quỷ. Trong trường hợp ấy, hẳn có gì đó để tuyệt vọng. Người chưa bao giờ tiếp xúc với Satan, nhưng chỉ biết qua ý tưởng, cách trình bầy và những truyền thống dân tộc học nói về nó, thì có thể biết gì về nó? Những người xem xét các hiện tượng mà báo chí coi là thuộc ma quỷ (bị quỷ ám, giao ước với ma quỷ, săn phù thủy …) để từ đó hãnh tiến kết luận rằng tất cả chỉ là mê tín và rằng ma quỷ không tồn tại, những người đó giống như phi hành gia xô viết, người đã kết luận rằng Thiên Chúa không hiện hữu vì anh ta bay ngang dọc trên bầu trời và không gặp Ngài ở chỗ nào cả. Trong cả hai trường hợp, người ta đã tìm không đúng chỗ.
***
Nói như trên rồi, chúng ta có thể và phải đưa ma quỷ về với những phạm vi chính đáng, Hơn ai hết, người tín hữu sẵn sàng làm việc này. Trong Kitô giáo, Satan không có một tầm quan trọng giống hệt và trái ngược với tầm quan trọng của Đức Kitô. Thiên Chúa và ma quỷ không phải là những nguyên lý song song, vĩnh cửu và độc lập với nhau, như quan niệm của một số tôn giáo nhị nguyên. Theo Kinh Thánh, ma quỷ chỉ là một thụ tạo của Thiên Chúa “đã đi sai đường”; những gì tích cực nơi nó đều do Thiên Chúa, chỉ là nó làm băng hoại, trệch hướng, dùng điều ấy để chống lại Thiên Chúa. Qua đó chúng ta đã cắt nghĩa hết chưa? Chưa đâu. Sự hiện hữu của ma quỷ vẫn còn là một mầu nhiệm, cũng như sự dữ nói chung vẫm còn là một mầu nhiệm, nhưng đó không phải là mầu nhiệm duy nhất của đời sống…
Nói rằng chúng ta tin “vào” ma quỷ cũng không đúng nữa. Chúng ta tin “vào” Thiên Chúa, “vào” Đức Giêsu Kitô, nhưng chúng ta không tin “vào” ma quỷ, nếu tin có nghĩa là tin tưởng vào một ai đó. Chúng ta tin có ma quỷ nhưng không tin “vào” ma quỷ; đó là một đối tượng, hơn nữa lại là đối tượng tiêu cực của đức tin chúng ta, nó không phải là động lực, cũng không phải là cùng đích của đức tin ấy.
Đừng quá sợ hãi nó. Một tác giả xưa đã viết: “Sau khi Đức Kitô đến thế gian, ma quỷ bị cột lại, như con chó bị xích. Nó không thể cắn ai, trừ người nào coi thường nguy hiểm mà đến gần nó…Nó có thể sủa, xúi giục, nhưng không thể cắn, trừ những ai muốn chuyện đó. Quả thực, nóa làm hại ta không phải bằng cách cưỡng bách nhưng bằng cách thuyết phục. Nó không ép ta thỏa thuận, nhưng xúi giục ta làm như thế[7].”
Tin có ma quỷ không làm sút giảm sự tự do của ta. Chỉ cần cẩn thận để không khiến nó phải chịu trách nhiệm về mỗi lỗi lầm của ta hoặc về bất kỳ bất hạnh nào xảy ra cho ta. Nhìn chỗ nào cũng thấy ma quỷ cũng nguy hiểm như không thấy nó ở đâu cả. “Khi bị tố cáo thì ma quỷ chế giễu. Thực ra, nó muốn bạn tố cáo nó, nó vui lòng đón nhận mọi tố cáo, nếu điều đó khiến bạn không thể xưng tội[8]!”
Chúng ta kết thúc bằng cách trở lại với phụng vụ của chúng ta. Một Giáo Phụ mô tả những gì xẩy ra ngày Thứ Sáu Thánh như sau: “Bạn hãy hình dung một cuộc chiến khốc liệt ở thao trường. Một người dũng cảm chiến đấu chống lại một bạo chúa trong thành phố, và với cái giá là những nỗ lực và đau khổ kinh hoàng, anh ta đã thắng. Bạn ngồi trên khán đài, chỉ thuần túy làm khán giả; bạn không phải chiến đấu, không phải mệt nhọc, không bị thương tích. Nhưng, nếu bạn ngưỡng mộ người chiến thắng, nếu bạn vui mừng với cuộc chiến thắng của anh ta, nếu bạn kết cho anh ta một vòng triều thiên, nếu bạn kích thích và đánh thức đám đông ủng hộ anh ta, nếu bạn vui mừng nghiêng mình trước người đã chiến thắng, nếu bạn ôm hôn đầu anh ta và bắt tay; nói tóm lại, nếu bạn cuồng nhiệt với anh, đến mức coi chiến thắng của anh là của bạn, thì tôi sẽ nói với bạn rằng chắc chắn bạn sẽ chia sẻ cái giá của người thắng trận[9].”
Chúng ta hãy nhớ lại những lời này khi mà, ngay sau đây, Đấng chịu đóng đinh sẽ được đưa lên cao giữa chúng ta, và chúng ta đến gần để hôn kính chân Ngài.
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 253-261)
Lm Micae Trần Đình Quảng
[1] W. Goethe, Faust, 1, “Le maitre et Marguerite” Ed, Flammarion.
[2] R, Bultmann, Mythologie et démythologisation, Ed. Seuil, Paris 1968
[3] x. Đức Phaolô VI, “Libère-nous du mal”, Audience du 15 novembre 1972.
[4] Le Miroir de perfection, 99 (Documents, p. 1030).
[5] Raymond de Capoue, Vie de sainte Catherine, §128, 347, 417.
[6] X. P. Estrate, Mariam, sainte palestinienne ou la vie de Marie de Jésus Crucifié, Ed. Téqui, Paris 1999.
[7] Césaire d’Arles, Discours, 121,6.
[8] Augustinô, Sermons, 20, 3.
[9] x. Gioan Kim Khẩu, De coemeterio (PG 49, 396) và Nicola Cabasilas, La vie en Christ, I, 5 (PG 150, 517).