LỄ THÁNH MÔNICA
TTMV – 10g30 Thứ bảy 27/08/2022
I. NGƯỜI MẸ TRONG CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
– Hôm nay Phụng vụ mừng lễ thánh nữ Mônica bổn mạng các bà mẹ. Ba bài đọc lời Chúa chúng ta vừa nghe nói gì về các bà mẹ và nói gì với các bà mẹ chúng ta?
– Về bà mẹ, chúng ta có hình ảnh người đàn bà góa chồng trong Phúc Âm Luca mất đứa con trai duy nhất khóc nức nở đau thương khiến Chúa Giêsu chạnh lòng, đến bảo bà đừng khóc nữa, rồi cứu sống cậu con trai và tận tay trao cho bà. Bà thật sự được thương.
– Cũng về bà mẹ, chúng ta còn có bài đọc 1 trích sách Huấn Ca, ca tụng người phụ nữ với những nét phác họa “thật hút”: nào vợ hiền, vợ đảm đang, vợ duyên dáng, vợ khôn khéo; rồi nào người phụ nữ ít nói, nết na, tiết hạnh… Bà được ca tụng “đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh của Đức Chúa”, nhưng cả câu là thế này: “Người vợ hiền với cửa nhà ngăn nắp đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh của Đức Chúa”. Nét đẹp của người vợ hiền hết tình với chồng con.
– Đấy là nói về bà mẹ, còn nói với bà mẹ, bài đọc 2 trích thư 1 Cr 13 chỉ ra cho các bà mẹ ĐỨC ÁI như con đường trọn hảo nhất và mời gọi bước theo.
II. MÔNICA DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
– Thánh nữ Mônica như hiển hiện nơi những trang lời Chúa đó. Mônica là người phụ nữ đã sống hết tình với chồng con, trong cầu nguyện và đặc biệt với nước mắt. Chúng ta biết những câu chuyện về Mônica là do Augustinô con của bà viết trong quyển “Tự thú” rất hay.
– Thánh Augustinô kể về mẹ mình: “Mẹ tôi là một người đằm thắm, dịu dàng; bà là một người cầu nguyện và đạo đức thực sự. Bố tôi coi thường mẹ tôi, luôn chế giễu, chẳng bao giờ tỏ được một tình cảm dịu dàng yêu thương nào với vợ mình. Thế nhưng, ngay cả những lúc ông nóng giận, ngay cả những lúc ông muốn tỏ thái độ vũ phu lỗ mãng của một người đàn ông, thì ông… nhìn bà và ông sợ; hay nói cách khác, ông sợ kính bà”. Người ta nói: “Đức trọng thì quỉ thần kinh”. Vì cái đức trọng của Mônica mà ông chồng không dám nặng tay hành động vũ phu trên Mônica. Một điều thật diệu kỳ.
– Augustinô cũng kể về bà nội, tức mẹ chồng của Mônica. Mẹ chồng Mônica, khi thấy chồng chế diễu Mônica, bà không nương tay, còn đổ thêm dầu vào lửa, nói những lời chì chiết. Mônica ứng xử thế nào trong hoàn cảnh cay cực này? Bà cư xử dịu dàng. Mỗi lần mẹ chồng nói điều gì không phải, bà không bao giờ tỏ một thái độ nghịch lại, mà luôn luôn dùng một thái độ biết lắng nghe cách trang trọng. Bà để đấy, rồi khi có dịp bà dùng hành động và ngôn ngữ của đức bác ái, và ngôn ngữ bác ái ấy đã chạm tới trái tim của bà mẹ chồng. Lại một điều đẹp diệu kỳ nữa. Đức trọng, giờ là đức bác ái.
– Còn chính Augustinô con bà thì sao? Khi Augustinô lớn lên, nó học tính của bố. “Cha nào con nấy”. Có lần Mônica nói với Augustinô: “Nếu con không đổi tính nết, mẹ sẽ đuổi con ra khỏi nhà”. Và bà đã quyết định đuổi. Nhưng được cha linh hướng khuyên: “Đứa con của nước mắt thì sẽ không bao giờ bị hư mất”, Mônica đã nén lòng, rút lại quyết định. Và sau này bà nói đó là một quyết định khôn ngoan. Ở đây là đức nhẫn nại, chịu đựng.
– Augustinô còn cố tình bỏ đi xa, thoát ra khỏi tầm tay của mẹ mình, nhưng bà không vì vậy mà chịu thua. – Chúa đến một lúc nào đó, và cho bà thấy phần thưởng của mình. Người mẹ chồng khi thấy đứa con dâu đã để lại cho cuộc đời mình biết bao điều tích cực hơn là tiêu cực, cuối cùng trước khi chết, đã gọi người con dâu: “Mônica, mẹ cám ơn con vì con đã đem đến cho mẹ niềm tin”. Và bà đã xin với Mônica để được rửa tội trước khi chết.
– Chồng bà, trước khi lâm bạo bệnh, đã nhận ra tình yêu đằm thắm, dịu dàng, nhẫn nhục của vợ suốt 17 năm trường dù ông đã gây cho bà bao đau khổ và cả ô nhục, ông đã hối lỗi. Thế là trước khi chết, ông xin được quay trở lại, và bà có mặt ở ngay bên giường bệnh để được thấy chồng mình trở thành công giáo.
– Đau khổ nhất là đứa con Augustinô. Đã 30 năm khóc cho con, nhưng là khóc trong niềm hy vọng của ngày hôm nay, chứ không trong ngậm đắng nuốt cay của ngày hôm qua để giận hờn, thất vọng. Bà cộng tác với ơn Chúa để rong ruổi theo con, sang tới Rôma, đến tận Milan. Bà chạy theo đứa con của mình và cuối cùng bà chinh phục được Augustinô. Augustinô được rửa tội đêm Vọng Phục Sinh năm 387, lúc khoảng 33 tuổi. Lúc bấy giờ bà đã 56 tuổi.
– Lâm trọng bệnh, bà nói với Augustinô: “Mẹ chẳng còn trông mong gì trên đời này nữa. Trước đây, lý do duy nhất khiến mẹ ước mong được nán lại thêm một chút trong cuộc sống này là để nhìn thấy con thành một Kitô hữu trong Hội Thánh công giáo trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời. Thiên Chúa đã ban cho mẹ quá lòng mẹ mong ước. Mẹ còn đang được thấy con khinh chê hạnh phúc trần gian mà làm tôi tớ phụng sự Người. Bây giờ mẹ ở đây làm gì nữa?…Mẹ chỉ còn xin con một điều là dù ở đâu, hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa”.
– Con đường đức mến trọn hảo trong bài đọc 2 như từng bước được thể hiện trong cuộc đời người mẹ Mônica đầy nước mắt này. Chúng ta đọc lại bài ca đức mến ở 4 nét cuối mang tính toàn thể: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).
III. NGƯỜI MẸ-KHẢ NĂNG “HY VỌNG TẤT CẢ”
– Năm nay, chúng ta hãy nhấn mạnh nét “hy vọng tất cả” trong câu chuyện cuộc đời Mônica mà chúng ta vừa theo dõi.
– “Hy vọng tất cả” có nghĩa là hy vọng người khác có thể thay đổi; luôn hy vọng người khác một ngày nào đó có thể bất ngờ tỏa ra vẻ đẹp hay những tiềm năng chưa bao giờ thấy. – Niềm hy vọng này đặt nền trên đức hy vọng đối thần: hy vọng rằng Thiên Chúa vẫn có thể hoàn toàn uốn thẳng những đường cong của người đó, và rút ra điều tốt lành nào đó từ sự dữ mà chúng ta phải chịu trong cuộc đời này.
– Ở đây niềm hy vọng đạt tới mức trọn hảo, vì nó vươn tới tận sự sống bên kia cái chết. Con người yếu đuối đời này, trong cõi phục sinh, được ánh sáng của Chúa Kitô Phục sinh biến đổi hoàn toàn. Mọi yếu đuối, bóng tối và bệnh tật của người ấy không còn tồn tại. Niềm hy vọng này cho phép chúng ta hôm nay, giữa những phiền muộn chồng chất của cuộc đời này, biết chiêm ngắm con người ấy bằng một cái nhìn siêu nhiên, trong ánh sáng của đức cậy, và trông đợi sự viên mãn mà một ngày nào đó người ấy sẽ nhận được trong Nước Trời, dù hiện nay chưa thấy.
IV. KẾT
– Nét riêng biệt của người mẹ là sinh con; bản năng tự nhiên của người mẹ là yêu thương chăm sóc con, và nét thiêng liêng cao cả mà cũng vô cùng thâm sâu của người mẹ là hy sinh, hao mòn và sẵn sàng hiến cả mạng sống mình vì con.
– Nếu lời Chúa Giêsu “cho có phúc hơn là nhận”, thì lời này được kiểm chứng nơi các bà mẹ, đặc biệt nơi thánh Mônica. Hạnh phúc của bà là chồng là con. Bà đã hy sinh cả một đời cho chồng cho con, để rồi cuối cùng đạt tới và cảm nhận niềm hạnh phúc bất diệt ngay khi còn ở dưới thế.
– Mong được như vậy cho các bà mẹ Giáo hạt Đà Lạt chúng ta.