Bài Giảng Mùa Vọng Thứ Ba Của ĐHY Raniero Cantalamessa
Hôm thứ Sáu 18/12, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa tiếp tục bài giảng thứ ba cũng là bài giảng cuối trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Roma trong Mùa Vọng năm nay. Vị giảng thuyết Phủ Giáo hoàng tập trung vào mầu nhiệm Giáng Sinh và nhấn mạnh sự cần thiết phải khám phá Ngôi Lời Nhập Thể trong người nghèo và người đau khổ trên thế giới, đó là sự khiêm nhường của Thiên Chúa.
Ngọc Yến – Vatican News 19 tháng mười hai 2020
Đức Hồng y nói: Lễ Giáng Sinh cho phép chúng ta mở rộng chân trời: từ biển Galilê đến toàn thế giới, từ các tông đồ đến chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Trong bản dịch Hy Lạp, điều này diễn tả ý tưởng về một hành động đã hoàn thành và không thể đảo ngược.
“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, nghĩa là đứng về phía con người, là bạn và là đồng minh của con người chống lại sức mạnh của sự ác. Chúng ta phải tái khám phá ý nghĩa nguyên thủy và đơn giản trong mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, ngoài tất cả các giải thích thần học và các tín điều được xây dựng trên đó. Thiên Chúa đã đến ở giữa chúng ta! Chúa muốn đặt tên riêng cho sự kiện này: Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Điều mà Isaia đã tiên báo “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7, 14) đã trở thành sự thật.
Sống khiêm nhường để hiểu sự tự hạ của Thiên Chúa
Đức Hồng y nói đến những khó khăn trong việc tin vào mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời của người thời xưa và cả ngày nay, và nói: Thánh Augustinô khám phá ra rằng căn cội của khó khăn mà thánh nhân cảm thấy để có thể tin vào mầu nhiệm nhập thể là sự thiếu khiêm nhường. Như ngài viết trong cuốn Tự Thú: “không khiêm nhường, tôi không thể hiểu được sự khiêm nhường của chính Thiên Chúa”.
Kinh nghiệm của thánh Augustinô cũng chỉ ra cách để vượt qua trở ngại: gạt bỏ lòng kiêu hãnh và đón nhận sự khiêm nhường của Thiên Chúa. “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25): toàn bộ lịch sử bất tín của loài người được giải thích bằng những lời này của Đức Kitô. Sự khiêm nhường cung cấp chìa khóa để hiểu được sự nhập thể. Để phô trương thì cần ít nỗ lực; nhưng cần rất nhiều nỗ lực mới có thể bước sang một bên và tự hủy được. Thiên Chúa quyền năng vô hạn trong sự tự hạ này: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).
Thiên Chúa là tình yêu, vì thế Thiên Chúa khiêm nhường! Tình yêu tạo ra sự phụ thuộc vào người yêu, một thứ lệ thuộc không làm bạn nhục nhã, nhưng khiến bạn hạnh phúc. Hai cụm từ “Thiên Chúa là tình yêu” và “Thiên Chúa là sự khiêm nhường” giống như hai mặt của một đồng tiền. Nhưng, từ ngữ khiêm nhường có nghĩa là gì, khi nó được áp dụng cho Thiên Chúa và đâu là ý nghĩa trong những lời này của Chúa Giêsu: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29)? Lời giải thích về sự khiêm nhường không nhất thiết phải trở nên nhỏ bé vì thực tế người ta có thể nhỏ mà không khiêm nhường; nó không phải là việc coi bản thân mình là nhỏ bé; và cũng không phải là việc tuyên bố mình nhỏ bé; nhưng nó bao gồm việc vì tình yêu mà làm cho bản thân trở nên nhỏ bé. Theo nghĩa này, chỉ có Chúa mới thực sự khiêm nhường.
Ở giữa anh em có một Đấng mà anh em không biết
Vị giảng thuyết Phủ Giáo hoàng mời gọi mọi người quay trở về trọng tâm của mầu nhiệm Nhập Thể: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Chúa ở với chúng ta mãi mãi, không thể thay đổi. Từ nay trở đi, đây là trung tâm của lời tiên tri Kitô.
Dacaria hân hoan tiên báo Vị Tiền Hô là “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 1,76) và Chúa Giêsu nói về ông rằng ông còn “hơn cả một ngôn sứ” (Mt 11, 9). Nhưng Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ theo nghĩa nào? Các vị ngôn sứ trong Kinh Thánh đã loan báo về một sự cứu chuộc trong tương lai; Gioan Tẩy Giả không loan báo về một sự cứu rỗi trong tương lai; trái lại, ông chỉ vào một người đang ở đó trước mặt ông. Các ngôn sứ xưa đã giúp dân chúng vượt qua rào cản của thời gian; Gioan Tẩy Giả giúp dân chúng vượt qua rào cản của vẻ bề ngoài trái ngược.
Đây là một nhiệm vụ ngôn sứ siêu phàm và người ta hiểu tại sao Vị Tiền Hô được định nghĩa “hơn cả một ngôn sứ”. Ông là người chỉ vào một người và thốt ra một lời mời gọi “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1, 29). Thật là một cảm giác run sợ của những người lần đầu tiên đón nhận mặc khải này. Một hành động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần đồng hành với những lời của Vị Tiền Hô và tiết lộ sự thật cho những tấm lòng thiện chí. Quá khứ và tương lai, sự chờ mong và sự thành toàn chạm vào nhau.
Theo Đức Hồng y, Gioan Tẩy Giả đã để lại cho chúng ta nhiệm vụ ngôn sứ: tiếp tục kêu lớn tiếng: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Gioan Tẩy Giả đã khai trương lời ngôn sứ mới, không chỉ loan báo về một ơn cứu độ tương lai, mà là mặc khải sự hiện diện của Chúa Kitô trong lịch sử: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Đức Kitô hiện diện trong lịch sử không vì chỉ Người được viết và nói đến, nhưng vì Người đã sống lại và sống theo Thần Khí. Công cuộc loan báo Tin Mừng bắt đầu từ đây.
Người nghèo của Chúa Kitô và Giáo hội
Sau khi đã nhận thức được Thiên Chúa đã trở thành người phàm, điều quan trọng không kém đó là phải biết được loại người phàm nào Thiên Chúa nhập thể. Đức Hồng y trích lời của thánh Phaolô để xác định điều này: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2, 5); “Chúa Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó” (2 Cr, 8-9).
Đức Hồng y nói tiếp: “Bí tích” của sự nghèo khó! Nếu trong sự kiện nhập thể, theo một nghĩa nào đó, Ngôi Lời đã mặc lấy thân phận con người, theo cách cụ thể, người nghèo khiêm tốn, người đau khổ. Ngài đã “lập” dấu chỉ này, như khi Ngài lập Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, Chúa Giêsu đã tuyên bố trên bánh những lời này “đây là mình Thầy” và sau đó Chúa cũng nói những lời tương tự như vậy dành cho người nghèo trong Tin Mừng Thánh Mathêu chương 25, về ngày Con Người đến trong vinh quang ngự trên ngai phán xét.
Đức Hồng y giải thích: Vì vậy người nghèo của Chúa Kitô không phải vì người nghèo tuyên bố rằng họ thuộc về Chúa, nhưng bởi vì chính Chúa tuyên bố người nghèo thuộc về Ngài, là thân thể Ngài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chỉ cần là người nghèo trong thế giới này là có thể tự động bước vào vương quốc Thiên Chúa. Những lời “Hãy đến hỡi những kẻ được Cha tôi chúc phúc” hướng đến người chăm sóc người nghèo, không nhất thiết chính họ là người nghèo.
Hiểu như vậy, theo vị giảng thuyết Phủ Giáo hoàng, Giáo hội của Chúa Kitô lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta ta biết đến về người nghèo qua con số thống kê. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tất cả những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Anh em bé nhỏ không có nghĩa là những người tin, nhưng là tất cả mọi người.
Thiên Chúa đến với mỗi linh hồn
Tiếp đến, Đức Hồng y nói đến một điều cơ bản khác: Chúa Giêsu “không đến thế gian một cách chung chung, nhưng đến với cá nhân mỗi linh hồn tin Chúa”. Do đó, Chúa “không chỉ hiện diện trên con thuyền của thế giới hay của Giáo hội; nó hiện diện trên con thuyền nhỏ của đời tôi”.
Và như thế, đại dịch có thể là dịp để nhiều người phát hiện ra rằng chúng ta không gặp Chúa chỉ bằng cách đến nhà thờ; chúng ta có thể tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật, và ở với Chúa Giêsu ngay cả khi chúng ta đóng cửa tại nhà, hoặc trong phòng của mình. Tất nhiên, người Kitô hữu sẽ không bao giờ có thể làm được điều gì nếu không có Thánh Thể và cộng đoàn; nhưng khi điều này bị ngăn cản bởi điều kiện bất khả kháng, Kitô hữu không được nghĩ rằng đời sống đức tin của mình bị gián đoạn. Nếu chúng ta chưa bao giờ gặp Đức Kitô trong tâm hồn, chúng ta sẽ không bao giờ gặp Ngài ở nơi khác, theo nghĩa mạnh của từ này. Thánh Elizabeth Chúa Ba Ngôi đã tìm thấy bí quyết về sự thánh thiện ở điều này. Thánh nữ viết cho một người bạn: “Dường như tôi đã tìm thấy thiên đàng của mình trên trái đất, vì thiên đàng là Chúa và Chúa ở trong tâm hồn tôi. Ngày tôi hiểu ra điều này, mọi thứ như bừng sáng”.
Có một lời khẳng định táo bạo về Giáng Sinh đã vang lên từ đời này qua đời khác, trên môi miệng của các tiến sĩ và thầy dạy vĩ đại Giáo hội, như thánh Augustinô, thánh Bernađô và một số vị khác: “Có ích gì cho tôi khi Chúa Kitô đã được Đức Maria sinh ra một lần tại Bêlem, mà bởi đức tin, Người lại không được sinh ra trong lòng tôi?”. Thánh Ambrôsiô viết: “Chúa Kitô được sinh ra ở đâu, theo nghĩa sâu xa nhất, nếu không ở trong trái tim và linh hồn bạn?”.