CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN
Vài điều thiết yếu của người làm việc tông đồ
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 6:30-34)
Nhìn vào việc Chúa Giê-su đào tạo các tông đồ, chúng ta học được không biết bao nhiêu điều hay và thực tế. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày hai tình huống đặc trưng của hoạt động tông đồ và đòi hỏi người tông đồ phải biết thích nghi. Trước hết là Chúa Giê-su mời gọi “hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”, và thứ đến, Chúa “thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”.
Lòng nhiệt thành tông đồ là cần thiết. Nhưng khi lòng nhiệt thành đi quá mức độ thì không còn là điều tốt nữa; nó có thể đưa người tông đồ tới thái độ quá khích, cuồng tín và nhất là dễ làm cho họ kiệt quệ tinh thần lẫn thể xác. Có lẽ nhận thấy nguy hiểm ấy đang nhen nhúm nơi Nhóm Mười Hai sau một chuyến truyền giáo hăng say và thành công, Chúa Giê-su đã tế nhị nhắc khéo các ông hãy “nghỉ ngơi một chút”. Nghỉ ngơi đang khi làm việc tông đồ không phải là lãng phí thời gian, nhưng là để bồi dưỡng thể lực cũng như thiêng liêng. Thánh sử Mác-cô đã giải thích tại sao Chúa bảo các môn đệ phải nghỉ ngơi: “Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa”. Cho nên các ông cần ăn uống thư giãn, cần ở lại bên Đấng kêu gọi người ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mát-thêu 11:28).
Nhưng có lẽ các tông đồ vừa nghỉ ngơi được một chút, tình huống lại thay đổi khi dân chúng lũ lượt theo đường bộ đến ngay tại nơi thanh vắng trước khi các ngài tới. Thế là nhu cầu việc tông đồ lại xoay chuyển sang phía dân chúng là “bầy chiên không người chăn dắt”. Họ cũng cần được bồi dưỡng bằng lời giảng của Chúa và của ăn phần xác nữa. Chúa Giê-su đã nêu gương cho các tông đồ trong tình huống này. Người “chạnh lòng thương” dân chúng nên “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Chúa Giê-su đã chọn ưu tiên phục vụ cho dân chúng thay vì cùng với các tông đồ nghỉ ngơi.
Hăng say làm việc tông đồ là một chuyện, nhưng vì những ưu tiên và vì những lợi ích lớn hơn, kẻ làm việc tông đồ phải biết ứng dụng tinh thần tông đồ vào đúng tình huống và có một chọn lựa thích đáng với hoàn cảnh.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Tất cả chúng ta đều được mời gọi và khuyến khích hăng hái tham gia việc tông đồ ngay tại hoàn cảnh sống của mình. Những người thờ ơ với việc tông đồ cần xét lại thái độ là điều dĩ nhiên. Nhưng những người hăng say cũng cần học hỏi nơi Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay.
Không thiếu những anh chị em giáo dân thật đáng khen vì họ luôn có mặt trong mọi công tác tông đồ của giáo xứ hay cả giáo phận nữa. Nhưng cũng không thiếu những phàn nàn về họ, nhất là từ những người thân trong gia đình. Lời phàn nàn thường là: việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Quá hăng say với việc tông đồ rồi quên đi bổn phận gia đình là mất thăng bằng đời sống! Có khi việc tông đồ trở thành cái bệ để người tông đồ đứng trên cao mà coi thường người khác! Có khi việc tông đồ quá bận rộn nên họ không có giờ hay không thích dạy dỗ con cái, do đó thiếu tình yêu cha mẹ thì chúng đi tìm tình yêu không đúng chỗ hoặc lao vào những sa đọa; thế là xảy ra cảnh cha mẹ là thánh, còn con cái là ma quỷ! Công Đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng việc truyền giáo phải bắt đầu từ giáo hội tại gia.
Đời sống của người làm việc tông đồ luôn hài hòa và quân bình. Hài hòa giữa những bổn phận riêng mình với những bổn phận đối với Giáo Hội và xã hội. Quân bình và liên đới giữa đời sống hoạt động và đời sống thiêng liêng. Cầu nguyện để có sức mạnh và khôn ngoan làm việc tông đồ. Đổi lại, làm việc tông đồ để nhận ra mình chỉ là dụng cụ Chúa dùng và mình biết hoàn toàn nương tựa vào Chúa để làm vinh danh Người. Qua cầu nguyện và chiêm ngưỡng Chúa Giê-su, vị Tông Đồ Tiên khởi được Chúa Cha sai đến trần gian, chắc chắn chúng ta học được những bài học tuyệt vời khi theo Người lên đường thi hành sứ mệnh.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi