Chủ đề : Ngày của Chúa
– Bài đọc I : Khi Ngày của Chúa đến, những kẻ gian ác sẽ bị tiêu diệt, còn những người công chính sẽ được vinh quang.
– Đáp ca : Chúa ngự đến xét xử muôn dân theo lẽ công bình.
– Bài đọc II : Trong khi đón chờ Ngày đó, tín hữu không được lười biếng mà trái lại càng phải tích cực làm việc.
– Tin Mừng : Chúa Giêsu tiên báo – bằng cách diễn tả khải huyền – về ngày thành Giêrusalem bị tàn phá và về những điều xảy ra trước khi Ngày của Chúa đến.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Sống theo năm Phụng vụ giống như làm một cuộc hành trình. Hôm nay đã gần hết năm Phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta nghĩ đến lúc tận cùng của thời gian, còn được gọi là ngày tận thế.
Chúng ta thường nghe người ta bàn tán về ngày tận thế, với những hiện tượng khủng khiếp và những tai ương rất đáng sợ. Nhưng thực ra ngày đó có khủng khiếp không, khi nào nó đến và chúng ta phải chuẩn bị đón ngày đó ra sao ? Đó là những vấn đề mà Lời Chúa hôm nay sẽ giải thích cho chúng ta.
Nhưng trước hết, như thường lệ, chúng ta hãy bắt đầu Thánh lễ bằng tâm tình sám hối lội lỗi chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
– Chúng ta sống như đám lục bình trôi, nghĩa là không nghĩ đến chặng cuối của cuộc hành trình đời mình.
– Nhìn lại một năm phụng vụ sắp hết, chúng ta thấy mình đã có rất nhiều thiếu sót.
– Trước những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đã chán nản và hầu như mất lòng tin.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Ml 3,19-20a)
Trích đoạn này nói về “Ngày của Chúa”. Thuật ngữ này được Thánh Kinh dùng khá nhiều, với ý nghĩa là lúc Thiên Chúa chính thức ngự trị. Thánh Kinh mô tả ngày đó bằng những hình ảnh của văn thể khải huyền với ý nghĩa ám chỉ, nên ta không nên hiểu theo nghĩa đen. Ý nghĩa chính của những hình ảnh đó là :
– Khi đó Thiên Chúa sẽ tiêu diệt những thế lực gian tà.
– Và Khi đó Ngài sẽ cho những người công chính được vinh quang.
2. Đáp ca (Tv 97)
Tv này cũng nói tới Ngày Thiên Chúa đến. Đó không phải là một ngày khủng khiếp – có khủng khiếp chăng là chỉ đối với những kẻ gian ác – mà là một ngày hân hoan. Bởi đó tác giả Thánh vịnh kêu mời mọi người – và cả vũ trụ vạn vật – hãy đàn hát lên để mừng đón Chúa.
3. Tin Mừng (Lc 21,5-19)
Đoạn này mở đầu một đơn vị văn chương được gọi là “diễn từ chung luận” (Lc 21,5-36), trong đó Chúa Giêsu bàn đến những vấn đề “chung kết” của lịch sử là : sự sụp đổ của thành Giêrusalem, ngày tận thế, và ngày Đức Kitô quang lâm. Diễn từ này khó hiểu, một phần vì được viết theo văn thể khải huyền, phần khác vì 3 biến cố trên được nhắc đến xen lẫn nhau khiến người đọc không biết rõ những câu nào nói đến biến cố nào.
– các câu 5-6 : Chúa Giêsu tiên báo thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá.
– câu 7 : thính giả liên tưởng tới ngày tận thế nên hỏi Chúa Giêsu khi nào thì tận thế và có dấu nào báo trước không.
– câu 8-11 : Chúa Giêsu không muốn cho biết những dấu chỉ rõ ràng về ngày tận thế. Bởi đó trước tiên Ngài khuyên người ta chớ tin vào những dấu chỉ mà người này người nọ đưa ra cho rằng sắp tận thế. Kế đó Ngài dùng những hình ảnh khải huyền khó hiểu để nói một cách úp úp mở mở rằng khi tận thế thì những gì xưa nay người ta cho là chắc chắn đều sẽ lung lay.
– các câu 12-19 : Chúa Giêsu báo trước cho môn đệ mình biết rằng có một thời kỳ Giáo Hội sẽ bị bắt bớ. Rồi Ngài dạy họ phải sống thế nào trong thời kỳ đó : hãy coi những khốn khó đó là dịp để ta làm chứng cho Chúa (câu 13) ; đừng sợ phải bào chữa thế nào, vì Ngài sẽ ban cho họ sự khôn ngoan mà kẻ thù không thể nào thắng được (cc 14-15) ; đừng sợ khi bị bắt bớ và thù ghét, vì vẫn có Chúa quan phòng trong tất cả những hoàn cảnh éo le đó (cc 16-18) ; phải kiên trì (câu 19).
4. Bài đọc II (2 Tx 3,7-12)
Nhiều tín hữu trong giáo đoàn Thêxalônica nghĩ rằng sắp đến ngày tận thế, cho nên họ lười biếng không muốn làm gì nữa cả.
Thánh Phaolô khiển trách điều đó. Ngài lấy chính bản thân ngài ra làm gương : không bao giờ sống vô kỷ luật, không ăn bám vào ai, trái lại luôn làm lụng vất vả. Phaolô đã nói một câu rất nặng : “Ai không làm việc thì đừng ăn”
IV. Gợi ý giảng
1. Thời gian
Trong kho tàng văn hóa phong phú của Trung Quốc, người ta đọc thấy một câu truyện răn đời sau đây : Ngày xửa ngày xưa có một vị hoàng đế, tuổi đã quá bát tuần, mà vẫn chưa đọc được một quyển sách nào của các bậc thánh hiền. Bộ sách mà nhà vua thèm khát được đọc là Bộ Sách Lịch Sử Loài Người
Nhưng khốn nỗi cuộc đời nhà vua, từ mái đầu xanh đến lúc tóc đã bạc phơ, răng đã long, không lúc nào được rảnh rỗi thư nhàn. Cuộc đời nhà vua luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương gối tuyết trên bãi chiến trường của thời chinh chiến loạn lạc. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Đôi mắt của nhà vua chỉ nhìn thấy có gươm giáo và máu lửa. Nhà vua rất ân hận vì trong suốt cuộc đời chưa có hân hạnh được đọc một trang sách của các bậc thánh hiền.
Nay chiến tranh đã tạm yên, đất nước đã thanh bình. Nhà vua muốn dành thời gian còn lại để đọc cho kỳ được Bộ Sách Lịch Sử Loài Người, để tìm hiểu xưa nay con người sống để làm gì, chết đi về đâu ? ! Nhưng phiền một nỗi, tuổi của nhà vua đã quá cao, mà bộ sách lại quá dầy. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, nhà vua ra lệnh cho viên quan ngự sử làm thay mình công việc khó khăn ấy. Với sự giúp đỡ của một ủy ban 50 ngườiø, viên quan ngự sử bắt đầu miệt mài đọc sách.
Sau 10 năm cắm cúi đọc, viên quan ngự sử và ủy ban đã có thể tóm tắt Bộ Sách Lịch Sử Loài Người thành 10 cuốn và mang vào triều đình dâng lên nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 cuốn sách và đo lường tuổi tác sức khỏe của mình, nhà vua lại cảm thấy không còn đủ sức đọc hết bộ sách, dù đã được rút ngắn thành 10 cuốn ! ! Nhà vua bèn ra lệnh cho viên quan ngự sử và ủy ban tiếp tục làm việc thêm một thời gian nữa.
Sau 5 năm làm việc thêm, viên quan ngự sử và ủy ban đã tóm lược Bộ Sách Lịch Sử Loài Người thành 5 cuốn. Nhưng khi ủy ban và viên quan ngự sử mang 5 cuốn sách vào cung ra mắt nhà vua thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không còn sống bao lâu, cũng không thể nào đọc được dù chỉ một trang sách, nhà vua mới thều thào nói với viên quan ngự sử hãy tóm tắt Bộ Sách Lịch Sử Loài Người chỉ trong một câu thôi.
Lúc đó viên quan trưởng ban tu sử mới tâu trình nhà vua như sau : ” Hạ thần xin vâng mệnh. Lịch Sử Loài Người từ khai thiên lập địa đến giờ là con người sinh ra để khổ rồi chết ! ! ” Nhà vua gật đầu. Đôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở một nụ cười mãn nguyện rồi tắt thở ! ! Giữa lúc ấy, viên quan ngự sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng ! !
Nhìn lại một năm sắp qua, với biết bao nhiêu biến cố vì khổ đau, bệnh tật, tai nạn, động đất, lũ lụt, chiến tranh, chết chóc đã xảy ra với loài người cũng như cho gia đình và bản thân, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng muốn đi đến kết luận bi quan như viên quan ngự sử của nhà vua trong câu truyện răn đời trên đây :” Con người sinh ra để khổ rồi chết ! “.
Chúng ta có bi quan nhìn đời như viên quan ngự sử không ? Hoàn toàn không ! ! Chúng ta không chối bỏ thực tại của khổ đau, của bệnh tật, của chết chóc. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới, tạo nên chúng ta là để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Cho nên hướng đi lịch sử của loài người không phải là ngõ cụt của sự chết mà là sự sống. Bên kia của thất bại khổ đau, bên kia của bệnh tật chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Vì thế không có tâm tình nào thích hợp cho chúng ta trong những ngày cuối năm này cho bằng Cảm Tạ và Phó Thác. Cảm Tạ và Phó Thác tất cả cho Thượng Đế, vì Ngài là Cha của chúng ta, luôn yêu thương và quan phòng cuộc đời chúng ta. Cảm Tạ và Phó Thác vì Ngài là Thượng Đế của Tình Thương, của sự Sống. Cảm Tạ và Phó Thác vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng ta. Cảm Tạ và Phó Thác cho Thượng Đế, vì nhờ Ngài cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Trong muôn vàn khổ đau của cuộc sống, chúng ta hãy hân hoan lập lại : Thượng Đế Yêu Thương Tôi Như Chỉ Có Một Mình Tôi Trên Cõi Đời Này. Đừng bao giờ chúng ta quên một chân lý căn bản soi sáng cho đời ta : ” Chúng ta không chỉ sinh ra cho cuộc sống đời tạm này mà cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau “. Đó chính là Niềm Tin của Bạn, của tôi và của mọi người. (Linh mục Trần quý Thiện)
2. Trắc nghiệm đức tin
Một hôm vua Ai Cập đang đứng chiêm ngưỡng những công trình mà ông cho xây dựng tại thành phố Êliôpôli, bỗng có cụ già râu tóc bạc phơ không biết từ đâu tới đã cười ngạo nghễ và thách thức nhà vua :
– Hãy bỏ lại tất cả và cút đi !
Nhà vua giận tím gan, nhưng ông ta đã nén giận và hỏi :
– Hỡi lão già, ngươi là ai mà dám ra lệnh cho ta cách hỗn xược như thế ? Không lẽ ngươi quyền thế hơn ta ?
Ông lão quả quyết :
– Đúng thế ! Vì ta là thời gian.
Nghe đến tên thời gian, vua Ai Cập tái mặt, té nhào khỏi ngai vàng. Cùng với ông, cả đế quốc Ai Cập cũng sụp đổ.
Lão già Thời Gian cũng rảo qua khắp các đế quốc trên địa cầu. Lão đi đến đâu, các đế quốc đều rơi như sung rụng.
Nhưng ngày kia, người ta bỗng thấy xuất hiện tại đồi Vatican một cụ già khác. Lão già Thời Gian cũng một giọng điệu vô cùng hách dịch đến trước thành Vatican gầm lớn :
– Ta là Thời Gian đây !
Tiếng gầm thét đó làm rung chuyển trái đất, nhưng lại không làm cho cụ già trên đồi Vatican mảy may lo sợ. Cụ bình tĩnh đáp :
– Còn ta, ta chính là Vĩnh Cửu ! Xuyên qua các thế hệ ta phải đại diện cho lòng chung thuỷ của Thiên Chúa đối với con người.
Không có gì là vĩnh cửu dưới bầu trời này. Nhiều người Do thái nhìn ngắm và khen ngợi đền thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ, được xây cất bằng đá cẩm thạch nguyên khối, mỗi cây cột cao hơn 12 mét. Đền thờ được trang trí với cây nho lớn bằng vàng ròng, quyên góp từ các tín hữu (2 Mcb 2,13). Mặt tiền đền thờ được dát bằng vàng lá, mỗi khi mặt trời lên, nó phản chiếu ánh sáng chói loà rực rỡ. Nhìn từ xa, đền thờ trông như một núi tuyết khổng lồ vì màu trắng toát của đá cẩm thạch. Chính vẻ huy hoàng lộng lẫy của đền thờ mà người ta tưởng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Đức Giêsu đã đánh đổ quan niệm sai lầm đó. Người loan báo đền thờ sẽ bị tàn phá một cách thảm hại, không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Quả thật, tiên báo này đã hoàn toàn ứng nghiệm năm 70 sau Công nguyên, khi vua Titô đem quân bao vây, tàn sát dân chúng, bắt những tù binh, và thiêu huỷ đền thờ thành ra hoang vu tiêu điều.
Mọi người kinh hoàng sợ hãi khi nghe đức Giêsu loan báo việc đền thờ bị phá huỷ. Họ xin Người cho biết thời gian và điềm báo trước. Nhưng Người không cho biết gì thêm lại còn dựa vào lời tiên báo trên để nói về ngày tận thế. Trước ngày đó, sẽ có những thử thách đức tin.
Có thể có những ngôn sứ giả hiệu, mạo danh Chúa để mê hoặc tín hữu, hay loan báo thời gian đã đến gần để làm mất niềm hy vọng nơi những kẻ tin.
Có thể có những cuộc bách hại các tín hữu, thậm chí cả sự chia rẽ trong các gia đình.
Nhưng Người khuyên họ : “Đừng sợ”. Hãy tin tưởng trong phó thác và bền đỗ trong đức tin, vì Thiên Chúa luôn quan phòng chở che cho những ai cậy trông nơi Người.
Đối với Đức Giêsu, bách hại và thử thách không phải là điều đáng sợ mà là một cơ may, để người tin hữu có dịp “làm chứng” : để cho kẻ bách hại hiểu biết đức tin của người tín hữu, và để người tín hữu chứng tỏ lòng tin vào Thiên Chúa trong cơn thử thách.
Quả thật, Thiên Chúa muốn niềm tin phải là một hành động tín nhiệm sâu xa nơi Người, một biểu lộ tín thác tuyệt đối vào Người, cho dù có phải chịu thử thách đớn đau nhất, kể cả sự chết. Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen có viết : “Để trắc nghiệm đức tin của ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc thuận buồm xuôi gió”.
Lạy Chúa, đức tin không giữ cho chúng con khôi chết, cũng không cứu chúng con thoát đau khổ, nhưng đức tin chính là hiến dâng mạng sống.
Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con vẫn luôn kiên trì giữ vững niềm tin vào Chúa. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”, năm C)
3. Làm chứng trong gian khổ
a. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói đến nhiều cảnh gian truân khổ sở như chiến tranh, bắt bớ, thiên tai, chia rẻ v.v. Nhưng cái đáng chú ý là Chúa Giêsu nói rằng “Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy”. Tại sao ? Thưa vì :
Trong lúc tối tăm người ta mới cần ánh sáng hơn
Trong thời buổi đầy dối gian, người ta mới cần sự thật hơn
Trong xã hội đầy hận thù, người ta mới cần tình thương hơn
Trong chiến tranh người ta mới cần đến hòa bình hơn.
Thời đại chúng ta ngày nay là thời văn minh hưởng thụ, người ta chạy theo vật chất, người ta chỉ quan tâm đến đời này. Một bầu không khí thờ ơ với tôn giáo bao trùm khắp nơi. Có thể nói, đây là thời kỳ khủng hoảng đức tin. Nhưng chính trong thời kỳ này, từ tận thâm tâm, con người mới cần đức tin hơn. Vì thế đây là thời gian tốt để tín hữu chúng ta làm chứng về đức tin của mình.
b. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nói đến sự sụp đổ của thành Giêrusalem. Ngày nay cũng có nhiều sụp đổ : không chỉ là sụp đổ một ngôi nhà mà sụp đổ rất nhiều thứ. Chỉ có một điều bền vững không bao giờ sụp đổ thôi, đó là tình thương của Chúa. Vì vậy, đây cũng là cơ hội cho tín hữu chúng ta làm chứng về tình thương của Thiên Chúa.
4. Kiên trì
Cuối bài Tin Mừng này, sau khi nói đến những gian truân thử thách, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy kiên trì : “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
Kiên trì là gì ? Thưa là dù gặp phải gian truân thử thách, ta không lùi bước, không nản lòng, không bỏ cuộc nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin và lý tưởng sống của mình.
Anne Frank là một cô bé do thái bị bọn Đức quốc xã bắt giam trong trại tập trung. Nơi đó cô bé đã chứng kiến biết bao cảnh khổ, cô đã thấy rất nhiều người vì quá khổ mà trở thành mất nhân phẩm, mất lý tưởng, mất đức tin. Chính cô cũng khổ và nhiều lần hoang mang tự hỏi : có công lý thật không, có Thiên Chúa không ? Nhưng sau những lúc giao động ấy, cô cương quyết giữ vững niềm tin của mình : cô tin rằng dù biểu hiện bên ngoài của con người có gian ác thế nào đi nữa thì trong thâm tâm con người vẫn tốt ; dù hiện tại có xấu xa đến đâu đi nữa nhưng cuối cùng sự thiện sẽ chiến thắng sự ác ; dù hiện nay xem ra Thiên Chúa vắng mặt, nhưng chính Thiên Chúa là người có tiếng nói cuối cùng. Những suy nghĩ ấy được cô ghi lại trong một quyển nhật ký. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, quyển “Nhật ký Anne Frank” đã được xuất bản, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, và nổi tiếng khắp thế giới.
Điều gì giúp người ta kiên trì ? Trước hết đó là xác tín về lẽ phải của mình ; thứ hai là gương can đảm chịu đựng của những người khác ; và thứ ba, nhưng quan trọng nhất, là đức tin tôn giáo. Gandhi nói : “Người nào tin vào Thiên Chúa thì không bao giờ thất vọng, bởi vì người đó biết rằng cuối cùng thì sự thật sẽ chiến thắng”.
Chúa Giêsu bảo các môn đệ “Anh em đừng sợ”. “Đừng sợ” không có nghĩa là không có cảm giác sợ, mà là không để cho cảm giác ấy đè bẹp mình, nhưng mình phải làm chủ cảm giác ấy và chiến thắng nó. “Anh hùng không phải là người không biết sợ mà là người chiến thắng nỗi sợ” (Solzhenitsyn)
5. Chuyện minh họa
a/ Thời gian
Người kia rất tham việc, không dám lãng phí một phút nào.
Trên đường ra phố, ông dự định xem sẽ mua sắm ở cửa hiệu nào. Trong cửa hiệu, ông dự định nơi ông sẽ đi dạo. Trong lúc đi dạo, ông dự định nơi ông sẽ đến ăn. Trong khi ăn món chính, ông dự định sẽ ăn món tráng miệng gì. Trong khi tráng miệng, ông nhìn bảng danh mục để chọn xe buýt về nhà.
Ông chẳng bao giờ chú ý đến những gì ông đang làm. Ông luôn chuẩn bị cho những sự việc kế tiếp.
Một ngày kia ông phải đối đầu với điều mà ông không chuẩn bị là cái chết. Khi sắp chết, ông kinh ngạc về cuộc đời trống rỗng và vô nghĩa của mình. Ông chẳng bao giờ sống với hiện tại.
b/ Ngã lòng
Nếu bạn cậy vào sức riêng của mình thì chẳng lạ gì bạn sẽ sớm ngã lòng. Kẻ khiêm nhường thực thì không ngã lòng, kẻ ngã lòng không phải là người khiêm nhường thật bởi vì người ấy cậy dựa vào một cái gì đó ngoài Chúa” (J.N.D.”Scripture Truth”)
c/ Kiên trì
Một người đưa tin đến một lâu đài cũ kỹ và anh lấy búa gõ cửa. Không ai trả lời. Anh lại gõ và chỉ có tiếng vang dội lại. Nhưng anh biết có người trong nhà, anh nhìn thấy họ qua cửa sổ. Giận sôi lên, anh cầm búa và lấy hết sức giáng mạnh vào cửa hai ba chục lần.
Một khuôn mặt cau có ngó qua lỗ then cửa và lịch sự hỏi xem người khách muốn vào không.
Vị khách nói như mê sảng : “Này ông, tôi vào được không ? Chẳng lẽ ai muốn vào cũng phải gõ như tôi ?”.
– Ổ, ông biết đấy : Có nhiều trẻ ở xung quanh đến đây, chúng gõ cửa một vài lần rồi bỏ chạy, nên chúng tôi biết là không cần để ý đến chúng. Nhưng khi nghe ông gõ cửa, tôi thực sự thấy ông muốn vào. Vì thế tôi ra mở cửa.
V. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Dù chúng ta đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng chúng ta vẫn an lòng, vì chúng ta biết có Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với Ngài :
VI. Giải tán
Hôm nay chúng ta đã biết cuộc hành trình dương thế sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Vậy chúng ta hãy can đảm tiếp tục cuộc hành trình, với sự đồng hành yêu thương của Chúa.
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái