CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô Phục Sinh
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 10:34a, 37-43; Cl 3:-4; Ga 20:1-9)
Từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến hết mùa Phục Sinh, đề tài làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô Phục Sinh là điểm chủ yếu của Phụng vụ Lời Chúa. Các tông đồ, các môn đệ Chúa và cả chúng ta là những môn đệ hôm nay đều phải bằng cách này hay cách khác làm chứng cho lòng tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay bắt đầu với việc rao giảng Tin Mừng của thánh Phê-rô, vị tông đồ đầu tiên lên đường giảng dạy cho dân ngoại. Trong bài giảng tại nhà ông Co-nê-li-ô, viên đại đội trưởng người Rô-ma, thánh Phê-rô đã nói về cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Ki-tô. Tuy nhiên ngài cũng luôn nhấn mạnh đến bổn phận của ngài và anh em tông đồ là phải làm chứng cho Chúa Giê-su, nhất là làm chứng rằng Người đã sống lại thật từ kẻ chết. Làm chứng nhân cho sự phục sinh của Chúa chính là một điều kiện phải có để được gọi là tông đồ. Đúng vậy, trong bài Tin Mừng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la là người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh, nên mới đây Giáo Hội đã tuyên phong bà là một tông đồ. Hai ông Phê-rô và Gio-an là những người kế tiếp đã nhận ra những chứng tích của việc Phục Sinh. Các tông đồ khác thì được Chúa Phục Sinh hiện ra và sai đi rao giảng Tin Mừng.
1. Những nhân chứng đã gặp gỡ Chúa Ki-tô Phục Sinh. Nhân chứng là người chứng kiến sự việc. Họ đã mắt thấy tai nghe để có thể kể lại đúng những gì đã xảy ra. Vậy trước hết bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu với chúng ta ba nhân chứng, mà người đầu tiên lại là một phụ nữ, bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Người ta thường hay nói đùa rằng sở dĩ Chúa Phục Sinh đã hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la trước tất cả mọi người là để bà nhanh chóng loan báo Tin Mừng, vì công tác loan tin thì nhất định không ai lẹ hơn được các bà! Không phải vậy đâu, các ông cũng thiếu gì những người lắm chuyện! Nhưng lý do bà Ma-ri-a được gặp Chúa Phục Sinh trước tiên là vì bà có lòng yêu mến Chúa hơn các môn đệ khác, có lẽ còn hơn cả các tông đồ nữa. Do lòng yêu mến, bà bất chấp mọi sợ hãi hoặc rủi ro, đến viếng mộ Chúa vào ban sáng, lúc trời còn tối. Bà trông thấy tảng đá lấp cửa mộ đã bị lăn khỏi mộ nên tức tốc chạy về báo tin cho ông Si-môn Phê-rô. Rồi bà theo họ ra mộ trở lại. Sau khi hai ông về nhà, bà vẫn ở lại đó, “đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc”. Những giọt nước mắt đầy thương nhớ đã làm cho bà mờ mắt không nhận ra Chúa đang hiện ra trước mặt bà. Bà nghĩ đó là người làm vườn! Mãi tới lúc Chúa lên tiếng gọi tên bà: “Ma-ri-a”, bà mới nhận ra Người và thốt lời chào thân thương: “Ráp-bu-ni!” nghĩa là “Lạy Thầy!” Bà muốn chuyện trò với Thầy thật nhiều, nhưng Thầy nhắc nhở bà hãy mau mau thi hành bổn phận làm chứng rằng Người đã sống lại: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy đã lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em…” Lập tức bà đi báo cho các môn đệ Chúa, bà chỉ nói vỏn vẹn với họ: “Tôi đã thấy Chúa!” Nhưng quả thực đây là một chứng từ rõ ràng, ngắn gọn, được nói ra với tất cả sức mạnh của lòng tin và lòng yêu mến.
Hai nhân chứng kế tiếp là ông Phê-rô và ông Gio-an, các tông đồ của Chúa. Dù chỉ có mấy dòng thuật lại, nhưng đoạn Tin Mừng có nhiều chi tiết rất sống động và mang tính chất trung thực và xác tín. Vừa nghe bà Ma-ri-a Mác-đa-la nói rằng ai đó đã đem xác Chúa đi khỏi mộ, hai ông vội vã chạy tới mộ. Họ cùng chạy chứ không bước đi, chứng tỏ cả hai đều rất lo lắng. “Môn đệ kia” chạy nhanh hơn và tới mộ trước. Ông cúi xuống nhìn và thấy những băng vải quấn xác còn ở đó. Tiếp đến ông Phê-rô tới và cũng “thấy” những băng vải, thêm tấm khăn che đầu Chúa Giê-su nữa. Các ông đã nhìn tận mắt và không thể lầm lẫn. Nếu chỉ một người thấy, có lẽ chúng ta còn nghi ngờ, nhưng cả hai ông đều “thấy” thì chứng từ của họ phải chắc chắn rồi! Ông Phê-rô không chỉ thấy, mà còn sáng suốt nhận xét vật chứng: khăn che đầu không để lẫn với các băng vải, nhưng “cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”. Có lẽ chi tiết quan trọng này giúp ông tin là chính Chúa đã cuốn lại và để riêng ra. Nếu là ai đó đến lấy đi xác Chúa thì họ cần gì phải mất thì giờ cuốn tấm khăn che đầu lại và để riêng! Do đó ông mới tin là Chúa đã sống lại và Người đích thân cuốn khăn che đầu lại và để riêng ra. Tiếp đến là “môn đệ kia” đi vào mộ. Ông cũng thấy những gì ông Phê-rô đã thấy và ông đã tin. Tuy nhiên cả hai ông vẫn chưa cho những gì họ đã nhìn thấy là đủ để họ tin rằng Chúa đã sống lại, mà họ còn cần tới một chứng cớ khác quan trọng hơn cả, đó là Kinh Thánh. “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.
2. Thi hành sứ vụ làm chứng Chúa Ki-tô đã sống lại từ cõi chết. Khởi đầu lịch sử Giáo Hội, một số tông đồ tản mát đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô. Riêng thánh Gia-cô-bê vẫn ở lại Giê-ru-sa-lem và truyền giáo cho người Do-thái ở đó và các vùng lân cận. Còn thánh Phê-rô thì rảo khắp nơi tại vùng Giu-đê. Tại Gia-phô, thánh Phê-rô làm phép lạ cho bà Ta-bi-tha, nghĩa là Linh Dương, đã chết được sống lại. Cũng tại Gia-phô, ngài được Chúa kêu gọi hãy đi Xê-da-rê là thủ phủ của tỉnh Giu-đê thuộc đế quốc Rô-ma để rao giảng cho gia đình viên đại đội trưởng người Rô-ma. Ban đầu, thánh Phê-rô ngần ngại không muốn đi. Nhưng trong một thị kiến, ngài nhìn thấy một tấm khăn lớn buộc bốn góc từ trời sà xuống, trong đó có các loài vật bốn chân, rắn rết và chim trời. Tiếp đến có tiếng Chúa phán: “Phê-rô, đứng dậy, làm thịt mà ăn”. Phê-rô từ chối vì cho rằng chúng không thanh sạch. Chúa bảo: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế”. Việc ấy xảy ra ba lần, rồi tấm khăn được kéo lên trời. Thánh Phê-rô hiểu ý Chúa sai mình đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và ngài lên đường đi Xê-da-rê tới nhà ông Co-nê-li-ô. Ngài giảng cho ông và cả thân bằng quyến thuộc của ông. Tuy là một bài giảng ngắn, nhưng thánh Phê-rô đã trình bày rất tài tình về cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê-su. Mở đầu, ngài nói: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra”. Vậy biến cố đã xảy ra là gì? Đó là cuộc đời, cuộc Thương Khó và cái Chết của Chúa Giê-su. Tất cả những ai theo dõi đều biết rõ. Họ biết Người xuất thân từ Na-da-rét, được Thánh Thần xức dầu và sai đi rao giảng Tin Mừng, đi tới đâu là thi ân giáng phúc tới đó, chữa lành và giải thoát mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế…
Tuy nhiên, “biết rõ” là một chuyện, còn “tin” lại là chuyện khác. Vậy thì làm sao giúp cho người ta tin vào Chúa Giê-su đây? Thưa, phải có người làm chứng cho Chúa. Vì thế, thánh Phê-rô khẳng định: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem”. Tại toàn vùng dân Do-thái, ông Phê-rô và các tông đồ đi theo Chúa nên đã được nghe và thấy mọi điều Chúa đã nói và đã lảm khi Người thi hành sứ vụ. Tại Giê-ru-sa-lem, các ông đã chứng kiến Chúa bị bắt, bị xử án, chết trên thập giá và được mai táng. Các tông đồ và tất cả những ai theo dõi về Chúa Giê-su đều biết rõ “biến cố Giê-su Na-da-rét”. Nhưng làm chứng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì đó là bổn phận của những người tin, của những người “Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước”. Đó là các vị tông đồ, những người đã được gặp Chúa Phục Sinh hiện ra, “được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”, nhận lệnh truyền của Chúa là phải đi rao giảng cho mọi người và “long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết”. Chúng ta đều biết rõ các tông đồ đã thi hành bổn phận làm chứng cho Chúa Phục Sinh khi các ngài ra đi tứ phương thiên hạ để rao giảng Tin Mừng. Hơn thế nữa, các ngài còn làm chứng hùng hồn nhất bằng cách sẵn sàng lấy cái chết tử vì đạo để tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Còn chúng ta, môn đệ Chúa hôm nay, sẽ làm gì để làm chứng cho đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh? Bằng đời sống, hay nói đúng hơn bằng lối sống Ki-tô hữu của chúng ta. Thánh Phao-lô luôn là thầy dạy tốt, giúp chúng ta có những bài học thực hành rất thực tế. Hôm nay trong đoạn thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, ngài nói: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”. Ngài nhắc nhở chúng ta về cuộc “sống lại” nhờ bí tích Thánh Tẩy. Cuộc sống mới này là cuộc sống hướng về quê hương đích thực là trên trời. Mà muốn tới quê hương đích thực ấy, chúng ta phải tìm kiếm những gì thuộc thượng giới. Lời nhắn nhủ này kêu gọi chúng ta hãy xác tín trạm tới cuối cùng của chúng ta là thiên đàng để chỉ “tìm kiếm” những gì giúp chúng ta đạt tới mục đích. Chúng ta hãy xét lại cuộc “tìm kiếm” hiện thời của chúng ta. Phải chăng chúng ta mải tìm kiếm tiền bạc danh vọng mà quên mất hạnh phúc vĩnh cửu đời sau? Phải chăng chúng ta tìm kiếm mọi phương tiện tốt lẫn xấu để chiếm được những gì là phù vân và chóng qua đời này mà coi thường lối sống dựa trên những quy luật Phúc âm và giá trị Tin Mừng? Chúng ta hãy sống với Chúa Ki-tô Phục Sinh, chứ đừng sống với cái xác chết nằm trong ngôi mộ. Bởi vì Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại thật rồi, Người không còn ở trong mộ nữa đâu!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi