• Trang Chủ
  • Giới Thiệu
    • Tổng Quan Giáo Phận
      • Lịch Sử Giáo Phận
      • Niên Giám Giáo Phận
      • Bản Đồ Giáo Phận
      • Truyền Giáo - Bác Ái Xã Hội
    • Giám Mục Giáo Phận
      • Tiểu Sử Đức Giám Mục Đương Nhiệm
      • Bài Giảng Đức Giám Mục
      • Các Đức Giám Mục Tiền Nhiệm
    • Danh Sách Linh Mục
    • Đại Chủng Viện Và Dòng Tu
      • Đại Chủng Viện Minh Hoà
      • Tu Đoàn Tông Đồ ICM
      • Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt
      • Dòng Chứng Nhân Đức Tin
      • Đan Viện Cát Minh Têrêsa Đà Lạt
      • Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn
      • Các Dòng Tu Khác
    • Giáo Hạt Và Giáo Xứ
      • Giáo Hạt Đà Lạt
      • Giáo Hạt Bảo Lộc
      • Giáo Hạt Di Linh
      • Giáo Hạt Đạ Tông
      • Giáo Hạt Đơn Dương
      • Giáo Hạt Đức Trọng
      • Giáo Hạt Madaguôi
    • Giờ Lễ
  • Phụng Vụ
    • Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
      • Mùa Thường Niên
      • Mùa Vọng – Giáng Sinh
      • Mùa Chay – Phục Sinh
      • Lễ Ngoại Lịch
    • Chư Thánh
    • Lời Nguyện Tín Hữu
      • Năm A
      • Năm B
      • Năm C
      • Lễ Chung
    • Nghi Thức Và Kinh Nguyện
      • Kinh Nguyện
      • Nghi Thức
    • Giờ Kinh Phụng Vụ
  • Mục Vụ
    • Thiếu Nhi
    • Giới Trẻ
    • Hôn Nhân – Gia Đình
    • Truyền Giáo
    • Caritas
    • Di Dân
    • Truyền Thông
    • Thánh Nhạc
    • Tham Khảo Mục Vụ
  • Tin Tức
    • Tin Tức Giáo Phận
    • Tin Tức Giáo Hội Việt Nam
    • Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ
    • Thông Báo
    • Cáo Phó Và Hiệp Thông
  • Tài Liệu
    • Văn Kiện Giáo Hội Hoàn Vũ
      • Đức Thánh Cha
      • Công Đồng Chung
      • Thượng Hội Đồng Giám Mục
      • Các Bộ Giáo Triều
      • Tài Liệu Khác Toà Thánh
    • Văn Kiện Hội Đồng Giám Mục
      • Thư Chung
      • Thư Mục Vụ Của Các Giám Mục
      • Thư Mục Vụ Của Hội Đồng Giám Mục
      • Tài Liệu Khác HĐGM
    • Văn Kiện Giáo Phận
      • Thư Mục Vụ
      • Sắc Lệnh Và Quy Chế
      • Thường Huấn Linh Mục
      • Tĩnh Tâm Linh Mục
      • Tài Liệu Khác Giáo Phận
    • Kinh Thánh
      • Chia Sẻ Lời Chúa
      • Tìm Hiểu Kinh Thánh
    • Giáo Lý
      • Giáo Lý Dự Tòng
      • Giáo Lý Phổ Thông
      • Giáo Lý Hôn Nhân
      • Tài Liệu Khác
    • Tu Đức – Nhân Bản
    • Triết Học
      • Đông Phương
      • Tây Phương
    • Thần Học
      • Phụng Vụ – Bí Tích
      • Tín Lý
      • Luân Lý
      • Mục Vụ
      • Học Thuyết Xã Hội
      • Giáo Phụ
      • Suy Tư Thần Học
    • Giáo Luật
    • Lịch Sử Giáo Hội
    • Tham Khảo
  • Media
    • Thánh Lễ
    • Bài Giảng
    • Suy Niệm Lời Chúa
    • Chầu Thánh Thể
    • Giáo Lý
    • Nhạc Thánh Ca
    • Giới Thiệu Giáo Xứ
    • Thắng Cảnh Tôn Giáo
    • Video Sinh Hoạt
   
Không Có Kết Quả
Xem Tất Cả
  • Trang Chủ
  • Giới Thiệu
    • Tổng Quan Giáo Phận
      • Lịch Sử Giáo Phận
      • Niên Giám Giáo Phận
      • Bản Đồ Giáo Phận
      • Truyền Giáo - Bác Ái Xã Hội
    • Giám Mục Giáo Phận
      • Tiểu Sử Đức Giám Mục Đương Nhiệm
      • Bài Giảng Đức Giám Mục
      • Các Đức Giám Mục Tiền Nhiệm
    • Danh Sách Linh Mục
    • Đại Chủng Viện Và Dòng Tu
      • Đại Chủng Viện Minh Hoà
      • Tu Đoàn Tông Đồ ICM
      • Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt
      • Dòng Chứng Nhân Đức Tin
      • Đan Viện Cát Minh Têrêsa Đà Lạt
      • Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn
      • Các Dòng Tu Khác
    • Giáo Hạt Và Giáo Xứ
      • Giáo Hạt Đà Lạt
      • Giáo Hạt Bảo Lộc
      • Giáo Hạt Di Linh
      • Giáo Hạt Đạ Tông
      • Giáo Hạt Đơn Dương
      • Giáo Hạt Đức Trọng
      • Giáo Hạt Madaguôi
    • Giờ Lễ
  • Phụng Vụ
    • Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
      • Mùa Thường Niên
      • Mùa Vọng – Giáng Sinh
      • Mùa Chay – Phục Sinh
      • Lễ Ngoại Lịch
    • Chư Thánh
    • Lời Nguyện Tín Hữu
      • Năm A
      • Năm B
      • Năm C
      • Lễ Chung
    • Nghi Thức Và Kinh Nguyện
      • Kinh Nguyện
      • Nghi Thức
    • Giờ Kinh Phụng Vụ
  • Mục Vụ
    • Thiếu Nhi
    • Giới Trẻ
    • Hôn Nhân – Gia Đình
    • Truyền Giáo
    • Caritas
    • Di Dân
    • Truyền Thông
    • Thánh Nhạc
    • Tham Khảo Mục Vụ
  • Tin Tức
    • Tin Tức Giáo Phận
    • Tin Tức Giáo Hội Việt Nam
    • Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ
    • Thông Báo
    • Cáo Phó Và Hiệp Thông
  • Tài Liệu
    • Văn Kiện Giáo Hội Hoàn Vũ
      • Đức Thánh Cha
      • Công Đồng Chung
      • Thượng Hội Đồng Giám Mục
      • Các Bộ Giáo Triều
      • Tài Liệu Khác Toà Thánh
    • Văn Kiện Hội Đồng Giám Mục
      • Thư Chung
      • Thư Mục Vụ Của Các Giám Mục
      • Thư Mục Vụ Của Hội Đồng Giám Mục
      • Tài Liệu Khác HĐGM
    • Văn Kiện Giáo Phận
      • Thư Mục Vụ
      • Sắc Lệnh Và Quy Chế
      • Thường Huấn Linh Mục
      • Tĩnh Tâm Linh Mục
      • Tài Liệu Khác Giáo Phận
    • Kinh Thánh
      • Chia Sẻ Lời Chúa
      • Tìm Hiểu Kinh Thánh
    • Giáo Lý
      • Giáo Lý Dự Tòng
      • Giáo Lý Phổ Thông
      • Giáo Lý Hôn Nhân
      • Tài Liệu Khác
    • Tu Đức – Nhân Bản
    • Triết Học
      • Đông Phương
      • Tây Phương
    • Thần Học
      • Phụng Vụ – Bí Tích
      • Tín Lý
      • Luân Lý
      • Mục Vụ
      • Học Thuyết Xã Hội
      • Giáo Phụ
      • Suy Tư Thần Học
    • Giáo Luật
    • Lịch Sử Giáo Hội
    • Tham Khảo
  • Media
    • Thánh Lễ
    • Bài Giảng
    • Suy Niệm Lời Chúa
    • Chầu Thánh Thể
    • Giáo Lý
    • Nhạc Thánh Ca
    • Giới Thiệu Giáo Xứ
    • Thắng Cảnh Tôn Giáo
    • Video Sinh Hoạt
Giáo Phận Đà Lạt
   
No Result
View All Result

Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm C

Ngày Đăng: 13/04/2023
Trong Mùa Thường Niên

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”

Bài Ðọc I: Hc 3, 19-21. 30-31

“Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa”.

Trích sách Huấn Ca.

Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.

Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.

Ðáp Ca: Tv 67, 4-5ac. 6-7ab. 10-11

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần (x. c. 11b).

Xướng: Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Ðấng ngự giá qua hoang địa.

Xướng: Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần.

Bài Ðọc II: Dt 12, 18-19. 22-24a

“Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu.

Alleluia:1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Tin Mừng: Lc 14, 1. 7-14

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.

SUY NIỆM
A/ 5 phút Lời Chúa
B/ TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CHỌN CHỖ CUỐI

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Lc 14,1.7-14

Sống khiêm tốn là một lời khuyên thường thấy trong kho tàng văn hoá Đông cũng như Tây, kim cũng như cổ. Sống giữa trời đất mênh mông, con người thật nhỏ bé, cần phải thành thật nhận ra sự nhỏ bé ấy. “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa” – người xưa nói thế. Cuộc đời chính là sự tôi luyện để biết học khiêm tốn và tránh xa tự kiêu. Chỉ một chút tự kiêu cũng có thể làm người ta danh bại thân liệt đổ vỡ sự nghiệp không thể cứu vãn. Lão Tử lấy hình ảnh nước để nói về sự khiêm tốn: “Bậc trọn lành giống như nước. Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nền gần Đạo” (Đạo Đức Kinh, chương 8). Bậc thánh nhân cũng phải như vậy, phải sống cuộc đời khiêm cung từ tốn, quên mình vì người, không tự cao tự đại, có như thế mới gần Đạo gần Trời.

Sống khiêm tốn cũng là chủ đề chính của các bài đọc Lời Chúa hôm nay, dù mỗi bài đọc khai thác đề tài này ở một góc nhìn khác nhau. Sách Huấn Ca của người Do Thái là một cuốn sách thuộc thể loại “văn chương khôn ngoan”. Nội dung sách này cũng tựa như những ca dao tục ngữ của người Việt chúng ta. Điều khác biệt ở chỗ đây là Sách Thánh, tức là được Thần Linh Chúa soi sáng cho các tác giả viết ra. Tác giả vừa như một bậc thầy khôn ngoan giáo huấn, vừa như một người cha nhẹ nhàng khuyên răn, với mục đích giúp con cái nên người. Những lời khuyên chân tình này sẽ đi cùng với các con trải dài suốt năm tháng, để góp phần hình thành nhân cách và giúp con nên người hoàn thiện. “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ”. Lời khuyên này sẽ được nhắc lại trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 27). Nét độc đáo được nêu trong sách Huấn Ca, là “Thiên Chúa được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường”. Hãy chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, Người là Thiên Chúa cao sang đã hạ mình sống thân phận con người như chúng ta, và Thiên Chúa đã được tôn vinh qua sự khiêm nhường, nhất là qua cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Người. Khi sống khiêm nhường, chúng ta nên giống Chúa Giêsu, để rồi nhờ Người mà đến cùng Chúa Cha. Thiên Chúa được nhận biết, được yêu mến và được tôn vinh qua sự khiêm nhường của chúng ta là những con cái của Ngài.

Khiêm nhường là gì? thánh Tôma Aquinô trả lời: «Đó là một nhân đức đặc biệt, hệ tại ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác”. Theo Thánh Tôma, cách đối xử với tha nhân chỉ được gọi là khiêm nhường đích thực, khi nó được thực hiện “vì Thiên Chúa”.

Trong truyền thống Kinh Thánh, người khiêm nhường cũng là người khó nghèo và là người công chính. Họ luôn tín thác cậy trông nơi Thiên Chúa. Tác giả Thánh vịnh 67 đã diễn tả niềm vui và hạnh phúc của người công chính (Đáp Ca). Họ là những người được Chúa chúc phúc và nâng đỡ chở che. Cuộc đời họ sẽ luôn thư thái và an bình. Họ sẽ dễ dàng vượt qua những gian nan thử thách, vì có Chúa luôn ở cùng.

Thánh Luca đã kể lại sự việc Chúa Giêsu đi dự tiệc. Nhân dịp này, Chúa giáo huấn các tông đồ về sự khiêm nhường. Trong xã hội Việt Nam, xưa cũng như nay, chỗ ngồi dự tiệc còn quan trọng hơn cả thực phẩm trên bàn tiệc, vì nó khẳng định vị thế của người được mời. Thực ra, Chúa dùng hình ảnh chỗ ngồi trong bữa tiệc để giáo huấn chúng ta về sự khiêm nhường trong cuộc sống. Trong thực tế, đôi khi chúng ta giả bộ khiêm nhường, mà chưa chắc đã thực tâm sống nhân đức ấy.

Trong phần cuối của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu còn dẫn chúng ta đi xa hơn, với lời mời gọi thực thi bác ái và quan tâm đến những người bất hạnh, những người bị lãng quên. Những của cải làm phúc cho người nghèo sẽ không bị rơi vào quên lãng, nhưng được Thiên Chúa ghi nhận và Ngài sẽ thưởng công cho người nào rộng rãi đối với tha nhân.

Khuynh hướng tự nhiên nơi con người bao giờ cũng muốn thể hiện mình. Ngày nay, nhiều người khoe khoang học thức và bằng cấp (nhiều khi lại là bằng cấp mua!). Thực tế, “con người không giá trị ở cái mình có, nhưng giá trị ở điều mình là” (ngạn ngữ Pháp). Giá trị đích thực không ở bằng cấp, nhưng là ở con người có kiến thức và biết sử dụng kiến thức đi liền với bằng cấp ấy. Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tức là còn phải khiêm tốn suốt đời. Cũng vậy, người tín hữu không bao giờ tự cho là đã đạt được sự hoàn hảo nơi bản thân, nhưng còn phải gắng sức phấn đấu để đạt tới mức “hoàn hảo như Cha trên trời” như Chúa Giêsu mời gọi.

Ông John Wooden (1910-2020), huấn luyện viên nổi tiếng môn bóng rổ người Mỹ, đã viết như sau:

Tài năng do Chúa Trời cho, hãy khiêm tốn.
Danh tiếng do người khác cho, hãy biết ơn.
Tính tự phụ do tự ta cho, hãy cẩn thận

“Chọn chỗ cuối” là một cách nói gợi hình, không chỉ là một vị trí hoặc một không gian, nhưng đúng hơn là một thái độ sống trong cuộc đời. Một cách thiết thực, chọn chỗ cuối là biết thu mình lại để Chúa được tôn vinh, và cũng giúp anh chị em được hạnh phúc. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết sống khiêm tốn, để có thể thân thưa với Chúa lời “xin vâng” như Mẹ.

C/ Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

HÃY KHIÊM NHƯỜNG

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối giáo huấn của Đức Giêsu tuần trước. Nếu tuần trước, Đức Giêsu dạy hãy qua “cửa hẹp” mà vào, tức là phải vứt bỏ lại những thứ không cần thiết, phải chiến đấu, sám hối, và uốn nắn đời sống theo những giáo huấn của Tin Mừng, thì tuần này, Đức Giêsu dạy cho những người cùng dự tiệc với Ngài một bài học về đức khiêm nhường: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”(Lc 14,11).

Theo truyền thống của người Dothái, khi đến dự tiệc, mỗi vị khách thường được mời kể một câu chuyện để phục vụ những người cùng bàn với mục đích giúp cho khách ăn ngon miệng. Vì thế, họ thường kể cho nhau nghe những chuyện vui, bông đùa…, đến lượt Đức Giêsu, Ngài không kể chuyện tiếu lâm hay một vài mẩu chuyện vui như những người đồng bàn đã làm, nhưng Ngài quan sát và thấy người ta đi dự tiệc lại cứ thích ngồi chỗ nhất, chỗ danh dự, nên Đức Giêsu đã tập trú vào đề tài khiêm tốn khi được mời đi dự tiệc (x. Lc 12,7-11).

Đây là một đề tài khiến cho những người dự tiệc hôm ấy nhức óc, vì họ thường “đánh lận con đen”, tức là giả vờ khiêm nhường hoặc đòi được trọng vọng nơi đám đông.

Khởi đi từ sự quan sát, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết”. Câu nói này của Đức Giêsu đã soáy sâu vào tận trái tim của những người dự tiệc hôm ấy, và Ngài đã lật tẩy mặt nạ giả bộ giả hình của họ, khiến họ cảm thấy khó chịu khi nghe Đức Giêsu nói.

Tiếp theo, Đức Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn cho tất cả mọi người khi được mời đi dự tiệc: “Khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc”. Đây là quy luật tất yếu trong cuộc sống: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

“Nâng lên” và “hạ xuống” là hai động từ trái ngược nhau. “Nâng lên” chính là muốn khẳng định mình; tự coi mình là nhất. Đây là hành vi của những kẻ kiêu ngạo, mà kiêu ngạo là đầu mối sinh ra những tội khác như: “Hà tiện, ghen tương, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng hay nguội lạnh” (x. GLHTCG. số 1866).

Những người kiêu ngạo thường không biết mình, không biết những giới hạn của mình, họ thường coi mình là “cái rốn vũ trụ”, coi mình là “number one”, là “đệ nhất đế vương…”.

Còn “hạ xuống” là thái độ của người khiêm nhường. Khiêm nhường là khiêm tốn nhìn nhận mình còn thiếu, còn bất toàn để vươn lên, còn yếu đuối để sám hối. Khiêm nhường còn là đón nhận sự thật và lấy sự thật làm căn gốc. Chấp nhận “tôi” là “tôi” với đầy đủ những mặt mạnh và mặt yếu của mình.

Người khiêm nhường thật là người luôn sống trong tinh thần tự hủy, coi mình không là gì cả. Khi bị xúc phạm, họ vẫn cảm thấy thanh thản, khi được khen, họ luôn tạ ơn Chúa và không có thái độ vênh vang tự đắc. Họ coi mọi sự mình có là do Chúa ban, cho nên không hề có thái độ khinh khi những người thấp kém hơn mình.

Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho mỗi chúng ta một bài học căn bản trong cuộc sống chính là sự khiêm nhường. Nếu không khiêm nhường, ta không thể gặp được Chúa. Môsê muốn gặp Chúa, ông phải cởi dép ra, phải trở về với sự trần trụi của mình khi đến trước nhan Chúa; Giakêu muốn được Chúa vào nhà thì ông phải tụt xuống khỏi cây sung; Phêrô và Phaolô muốn trở thành bạn hữu của Chúa và trở thành những kẻ “chung phần” với Thầy thì các ông phải khiêm tốn và vứt bỏ thanh gươm kiêu ngạo, tự phụ và hiếu thắng của mình.

Thật vậy, trong đời sống gia đình, nếu vợ chồng, con cái không có thái độ khiêm nhường, chúng ta không thể đón nhận được sự khác biệt của nhau, không biết lắng nghe nhau, không thông cảm và tôn trọng nhau. Như thế, mỗi người sẽ là một hòn đảo, và chẳng khác chi một con chim én không thể làm nên một mùa xuân.

Trong cuộc họp, ai cũng thi nhau nói và ai cũng bảo vệ lập trường của mình, cho dù biết đó là điều sai, thì cuộc họp ấy thất bại và gây thêm chia rẽ.

Trên giảng đường, và trong trường đời, nếu ta bảo thủ và cho rằng mình biết hết mọi sự và không cần lắng nghe, học hỏi… ấy là lúc họ đang tụt hậu mà không biết, hay đang trong tình trạng “ếch ngồi đáy giếng” mà chẳng hay!

Thật vậy, nhìn ra xã hội hôm nay, chúng ta thấy nhiều người luôn có khuynh hướng “chơi trội”. Nếu người khác có nhà một tầng, ta phải hai tầng; người khác có xe, ta phải có xe tốt hơn; chức tước và học vị cũng là những điều con người thời nay thường khẳng định… thái độ đó cho thấy ta không chịu thua kém người khác. Nhưng có ít ai thấy rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ trở về “sắc sắc, không không” trước mặt Chúa?

Tóm lại, khiêm nhường chính là cái gốc, là nền móng của chúng ta. Có được điều đó, ta sẽ xây dựng được sự chân thành; tình huynh đệ; sự hiệp nhất; lòng bao dung và sự tôn trọng. Hơn nữa, có được đức khiêm nhường là ta đang trở nên giống Chúa, đang được ở trong mối tương quan nghĩa thiết với Ngài.

Mong thay hình ảnh kiêu ngạo của Adong, Eva; những người xây tháp Baben và những khách được mời dự tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay là bài học cho chúng ta nếu chúng ta đang là những người tự phụ, kiêu căng và đang đi tìm những danh vọng ảo tưởng ở đời này…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học cùng Chúa vì Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Amen.

D/ Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

VỀ VIỆC CHỌN CHỖ NGỒI

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM  C

1. Câu khai mào (14,1) nói lên không gian và thời gian câu chuyện, dù rất mơ hồ. Chúa Giêsu là khách được một người biệt phái mời. Chủ đề Chúa Giêsu được mời là nét tiêu biểu, đặc thù của Lc. Ta thường gặp các cảnh tả về bữa ăn, thường đi liền với các cuộc đối thoại đang khi ăn uống, trong phúc âm Lc (7,36tt; 10,38tt; 11,37tt; 14,1tt; 19,1tt; 22,7-38). Vả lại chủ đề yến tiệc là một thể văn Hy lạp, nên các độc giả Lc rất quen. Chúa Giêsu vào nhà “một thủ lãnh biệt phái”. Điều này giả thiết Chúa Giêsu đã được mời, dù không thấy đề cập đến trình thuật. Người biệt phái được gọi là “thủ lãnh” vì ông có nhiệm vụ điều khiển trong nhóm biệt phái. Thực vậy nhóm biệt phái có nhiều vị chỉ huy lãnh đạo (x.Flavius Josèshe, Ant. XV, 10,4). Theo Lc, Chúa Giêsu thường được mời đến nhà các người biệt phái (7,36; 11,37; 14,1). Ông cũng ghi lại việc người biệt phái lưu ý Chúa Giêsu đề phòng các âm mưu của Herôđê (13,31-33). Vì thế có nhiều điểm cho thấy thái độ Chúa Giêsu đối với nhóm biệt phái không nhất thiết là tiêu cực. Chúa Giêsu cũng sẵn sàng ban ơn cứu độ cho họ.

2. Bữa tiệc có kèm một diễn từ dạy khôn ngoan. Chúa Giêsu ngỏ lời với các người được mời dự tiệc bằng một “dụ ngôn”, một bài học rút từ kinh nghiệm sống. Chữ “dụ ngôn” (parabolê, theo bản 70 cùng nghĩa với chữ Hy bá: mashal) chỉ một giáo huấn gián tiếp: so sánh diễn từ dạy khôn ngoan và châm ngôn (sách châm ngôn, mang tựa đề bằng tiếng Hy bá là “mashal de salomon” misheley Shêlômô). Chúa Giêsu nói như sư phụ dạy khôn ngoan.

Khách khứa đến và ngồi vào bàn. Khi ăn đại tiệc, người ta nằm dài dựa trên gối. Chúa Giêsu quan sát khách đến. Họ tìm cách chiếm chỗ nhất. Đó là những người ngồi gần chủ nhà nhất. Gối được xếp hàng ba. Chỗ danh dự thì ở hàng đầu hay ở gối giữa. Thì impafait của động từ (ils choisissaent: họ đang chọn) nói lên toan tính và qua đó diễn tả một ước muốn mãnh liệt và tham lam, tranh đoạt chỗ nhất. Thời Chúa Giêsu, thứ tự chỗ ngồi được xác định căn cứ vào thanh danh của thực khách, mà thanh danh lại tùy thuộc vào chức phận và sự giàu có. Người biệt phái ưa tìm danh lợi: các chỗ nhất trong hội đường (Lc 11,43; 20,46; Mc 12,38) và trong các yến tiệc (Lc 20,46; Mt 23,6; Mc 12,38), thích được chào ở các quảng trường (Lc 12,46 và song song). Họ xác tín là họ có quyền được danh dự: vì danh dự đòi phải phát xuất từ lề luật mà họ là những nhà đại biểu.

Chúa Giêsu ngỏ lời với các người được mời. Ngài trình bày cách khôn khéo không đụng chạm ai, không làm tổn thương hay mất lòng ai, theo kiểu dạy đời, giải thích nghi vấn, theo lối văn chương khôn ngoan: “Khi có ai mời ngươi…”. Chúa Giêsu nói lên một qui luật khôn ngoan. Đi dự tiệc mà chiếm chỗ nhất là không khôn ngoan chút nào, nhỡ có người đến sau trọng vọng hơn thì sao! Các nhân vật quan trọng thường đến vào phút chót! Chủ nhà và người xếp chỗ phải dành chỗ nhất cho nhân vật quan trọng đó. Còn người đã chiếm chỗ nhất cho nhân vật quan trọng đó. Còn người đã chiếm chỗ nhất đó bây giờ phải xuống chỗ rốt hết, vì các chỗ kia đã đầy người rồi. Thật là mất mặt! Vì vậy phải khôn ngoan mà ngồi chỗ chót trước; bấy giờ ngươi mới được hân hạnh trước mắt mọi người biết mấy, nếu chủ nhà chỉ cho ngươi chỗ cao hơn.

Điều Chúa Giêsu nói đây là một qui luật thường tình, một châm ngôn đã có lâu trong nhân gian. Sách châm ngôn viết: “Trước mặt vua, ngươi chớ làm bộ bệ vệ, đừng ngồi vào chỗ các quan lớn; được người ta mời: “Hãy lên đây” tốt hơn là bị hạ xuống trước mặt bá quan” (Cn 25,6-7; Si 7,4; 13,9-100. Các luật sĩ đã chấp nhận luật ngồi bàn đó bằng những lời: “Hãy ngồi tụt xuống hai hay ba cấp dưới chỗ ngươi đáng ngồi, để người ta mời: “hãy ngồi lên” hơn là “đi xuống dưới ngồi” (Lv.r.1,5). Luật Rabbi này, do thày rabbi Shimon ben azzai (khoảng năm 110 sau J.C) chấm dứt bằng một câu tương tự với câu 11: “Và Hillel (năm 20 trước J.C) nói thế này: Khi tôi hạ mình xuống là lúc tôi được nâng lên, lúc tôi tự nâng mình lên là lúc bị hạ xuống”.

Dụ ngôn về việc chọn chỗ ngồi được chú giải bằng một câu được ghi trong truyền thống các phúc âm khi thì ở chỗ này, lúc ở chỗ khác, nên được xem là một “logion lang thang” (Mt 23,12; Lc 18,14), nhưng ở đây câu này cũng rất xác đáng. Đây là một câu có hai vế phát xuất từ môi trường Do thái, ta biết điều đó là nhờ việc tên Thiên Chúa được thay thế bằng thể passif divin (“sẽ bị hạ xuống”, “sẽ được nâng lên”). Câu đó phát xuất từ kinh nghiệm về các hoạt động của Thiên Chúa đối với dân Ngài: “Cái gì thấp sẽ được nâng lên, cái gì cao sẽ bị hạ xuống” (Ez 21,13; x. Lc 1,52, Tv 147,6). Câu đó hứa đảo lộn địa vị, và lượng giá hoàn toàn khác với cách lượng giá của loài người. Trong phúc âm nhất lãm, vì câu này luôn luôn xuất hiện trong các cuộc tranh luận với người biệt phái, nên hình như Chúa Giêsu đã dùng câu đó như là lời đe dọa nhóm biệt phái.

Trong dụ ngôn này, câu đó đưa luật xử thế khôn ngoan mà Chúa Giêsu vừa dạy, lên ngang bình diện lời Chúa Giêsu rao giảng về nước Thiên Chúa. Lời tiên tri loan báo việc hạ xuống và nâng lên sẽ được thực hiện khi Nước Thiên Chúa đến. Cũng như câu thứ hai về bữa ăn (cc. 12-14) chấm dứt bằng một lời hứa cánh chung thì câu thứ nhất cũng muốn qui hướng chúng ta về hoạt động cánh chung của Thiên Chúa.

Luật chọn chỗ ngồi trong bàn ăn dùng để nói lên một điều kiện gia nhập Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng đã quả quyết phải trở nên bé nhỏ, khi Ngài đòi buộc những ai muốn vào Nước Thiên Chúa phải hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ (Mt 18,4). Việc hoán cải đích thực, có khả năng mở nước Thiên Chúa, chỉ có thể có được khi con người tự nhận là hèn kém, bé bỏng trước mặt Thiên Chúa (Lc 17,10; 18,10-14). Thái độ đối nghịch với lòng hoán cải là tự cho mình là người công chính và trổi vượt hơn kẻ khác. Do đó Chúa Giêsu đã dùng một ngạn ngữ có từ thời xưa, được người đồng hương biết, để rao giảng về nước Thiên Chúa.

3. Người mời các thực khách cũng được nhắc đến. Nhưng lời nói của ông ta không còn được gọi là “dụ ngôn” nữa. Chúa Giêsu đề xuất một chân lý dưới dạng thức mệnh lệnh (sous forme d’impératif), nói lên một chỉ dẫn và khuyến cáo về một hoàn cảnh cụ thể. Lời chỉ dẫn cho chủ nhà có tính cách bắt buộc. Còn lời khuyến cáo thì tế nhị hơn. Chúa Giêsu nói cách tổng quát, không nói đến bữa ăn trước mắt, nhưng là một bữa ăn trưa hay bữa ăn tối nào đó không rõ. Quả thực, chủ nhà không chỉ mời bạn hữu, bà con và các người giàu có mà cả Chúa Giêsu, và có lẽ cả các môn đệ Ngài nữa; Chúa Giêsu lại phán dạy như thày dạy khôn ngoan.

Bữa ăn là biểu thức của một tình yêu hào phóng. Chủ nhà không chỉ mời các thân bằng quyến thuộc như bạn bè, bà con, đồng nghiệp. Những người này sẽ có thể mời và sẵn lòng mời lại ông. Tuyệt đối không nên mời và đừng bao mời để được mời lại, cho để được cho lại. Phải cho mà không hy vọng nhận lại (Lc 6,35). Bữa ăn phải biểu hiểu một tình yêu vô vị lợi chứ không phải một tình yêu đòi đáp trả.

Vế tích cực theo liền vế tiêu cực của phép song ngẫu. Phải mời kẻ ta không hy vọng được họ mời lại. Các người được mời do đó sẽ là “người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”; có lẽ các người bệnh tật, què quặt, đui mù là hình ảnh đặc thù của giới nghèo: thực sự họ là những người nghèo khổ. Đó là ba hạng người bị các người “đạo đức” Israel khinh chê. Họ không được tham dự các nghi lễ trong đền thờ (2S 5,8 bản 70; x. Lv 21,18). Luật cấm tế tự này vẫn còn hiệu lực trong cộng đoàn Qumrân.

Chúa Giêsu đã lưu tâm và đặc biệt yêu thương chính những người nghèo hơn hết các người nghèo đó. Họ không thể đáp trả ân huệ đã nhận. Chính Thiên Chúa sẽ đích thân can thiệp họ, khi bắt đầu trât tự mới. Ở đây cũng thế, thể văn thụ động (passif) thay thế tên Thiên Chúa. Ai làm ơn cho những người nghèo không thể đáp trả đó, được gọi là người có phúc, vì Thiên Chúa sẽ trả công cho họ.

Lời khuyến cáo chấm dứt bằng câu nhắc đến các biến cố thế mạt. Trong dụ ngôn các người được mời, việc nâng lên được hứa ban cho những người công chính; ở đây họ được hứa sẽ được sống lại. Trên kia đường phải đi là sự hạ mình xuống, ở đây thì phải tỏ ra bất vụ lợi. Lời hứa chỉ nhắm đến việc “phục sinh các người công chính”. Chính Lc thấy trước mọi người sẽ sống lại: “Các người công chính cũng như các người tội lỗi sẽ sống lại (Cvsđ 24,15). Ông quả quyết “người chết sẽ sống lại” (Lc 20,35). Do đó đừng hiểu kiểu nói: “các người công chính sẽ sống lại” trong nghĩa độc hữu (sens exclusif). Có thể đây là một kiểu nói cựu truyền, liên hệ với niềm hy vọng vào sự phục sinh của các người công chính (Tv Sal.3,11; Hénoch 91,10 Test.XII Benj. 10 et passim)

Qui luật thứ hai về các bữa ăn cũng không phải chỉ là lời chỉ dẫn về việc ăn uống, mà còn nhắm đến thế mạt, đến sự xuất hiện của nước Thiên Chúa và một trong các ân huệ cứu rỗi mà Nước Thiên Chúa đem đến là việc “các người công chính sẽ phục sinh”. Tình yêu mong đáp trả sẽ không hy vọng được tưởng thưởng khi nước Thiên Chúa đến. Lời khuyến cáo được đưa ra ở đây có cùng giáo huấn với diễn từ trên núi (Lc 6,32-35).

KẾT LUẬN

Người biệt phái bị khiển trách vì hai thói xấu: danh vọng và tham lam (x.Lc 20,46-47); chính vì chống họ mà Chúa Giêsu đưa ra các qui luật về ăn uống liên hệ đến đức khiêm nhượng và bác ái vô vị lợi. Danh vọng và tham lam sẽ bị xét xử nghiêm khắc, còn ai sống khiêm nhượng và bác ái có thể mong chờ đến ngày được tham dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Chúa Giêsu, trong bản tính và sứ mạng Ngài, đã sống tinh thần khiêm nhượng tự hạ, là tinh thần mà hôm nay Ngài công khai giảng dạy. Bỏ chỗ nhất để ngồi chỗ rốt hết, đó chính là ý nghĩa việc ngài nhập thể, như ca thi gởi tín hữu Philipphê: “Phận là phận của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài không nghĩ phải phải dành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa, trái lại Ngài đã hủy bỏ chính mình đi, lãnh lấy thân phận tôi đòi… đã tự hạ mình xuống làm một người vâng phục cho đến chết” (Ph 2,6-8). Khi sống như thế, Chúa Giêsu không vong thân; trái lại, đã tự biểu lộ như là “người của mọi người”. Ngài là người của mọi người, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi chiếm chỗ rốt hết bằng việc nhập thể, khi ngồi cùng bàn với các người bị khinh dể, khi bị giết như một tên bất lương, Chúa Giêsu là: tình yêu đối với Chúa Cha và đối với mọi người.

2. Nhưng sự tự hạ mà Chúa Giêsu giảng dạy không bao giờ đồng nghĩa với sự chìu lụy bệnh hoạn vì sợ người khác hay vì ghét mình. Sự tự hạ mình phải là một lựa chọn hoàn toàn tự do, như Chúa Giêsu đã chọn lựa, trong tinh thần phục vụ và yêu thương.

3. “Nhìn kẻ khác như trổi vượt hơn mình” (Ph 2,3) không phải là so sánh với họ, nhưng là xem họ đáng được người đời và Thiên Chúa lưu ý hơn chúng ta. Chính khi quên mình như thế, tình yêu trong chúng ta mới có giá trị và triển nở thực sự. Tình yêu tự nó đã là một phần thưởng.

4. Chướng ngại vật lớn nhất thường ngăn cản chúng ta tiếp nhận kẻ khác, là hàng rào xã hội. Chúng ta tự nhiên có khuynh hướng xem những người nghèo hơn chúng ta như thuộc về một giai cấp xã hội khác. Phúc âm đến làm nổ tung mọi hàng rào chia rẽ người với người; Đức Kitô đã triệt hạ một lần thay cho tất cả “các tường ngăn thành chắn” (Eph 2,14) để rồi “không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do nữa” (Gal 3,28)

5. Tất cả chúng ta đều được mời đến dự tiệc Thánh thể, dù chúng ta không có công trạng gì. Chúng ta đều được mời tất cả, không phân biệt chủng tộc, phái tính, tuổi tác hay địa vị xã hội. Đức Kitô đã hiến thân để trở nên mọi sự cho mọi người.

E/ Những bài suy niệm khác

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG VÀ VÔ VỊ LỢI

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG TRƯỚC MẶT CHÚA VÀ ANH CHỊ EM

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG

TRÁNH GIẢ TRÁ

KHIÊM HẠ PHỤC VỤ NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊSU

ShareTweet

Bài Viết Cùng Chuyên Mục

Thứ Ba, Tuần VIII, Thường Niên, Năm C

Thứ Ba, Tuần VIII, Thường Niên, Năm C

Thứ Hai, Tuần VIII, Thường Niên, Năm C

Thứ Hai, Tuần VIII, Thường Niên, Năm C

Thứ Bảy, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Bảy, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Sáu, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Sáu, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Năm, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Năm, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Tư, Tuần VII, Thường Niên

Thứ Tư, Tuần VII, Thường Niên

Bài Viết Mới

Trường Khiếm Thính Ánh Sao (Bảo Lộc): 25 Năm Hình Thành Và Phát Triển

Trường Khiếm Thính Ánh Sao (Bảo Lộc): 25 Năm Hình Thành Và Phát Triển

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh.

Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh.

Giáo Xứ Đại Lộc (Bảo Lộc) Mừng Kính Thánh Đaminh Saviô – Bổn Mạng Các Em Lễ Sinh

Giáo Xứ Đại Lộc (Bảo Lộc) Mừng Kính Thánh Đaminh Saviô – Bổn Mạng Các Em Lễ Sinh

Thứ Bảy, Tuần III Phục Sinh

Thứ Bảy, Tuần III Phục Sinh

ỦY BAN THÁNH NHẠC: BÀI HÁT “CẦU CHO ĐỨC GIÁO HOÀNG”

ỦY BAN THÁNH NHẠC: BÀI HÁT “CẦU CHO ĐỨC GIÁO HOÀNG”

HĐGMVN-Thông báo về Đức Tân GH Lêô XIV

HĐGMVN-Thông báo về Đức Tân GH Lêô XIV

Giáo Phận Đà Lạt

Thông Tin Liên Hệ
VĂN PHÒNG TRUYỀN THÔNG GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT
– Địa chỉ: 09 Nguyễn Thái Học – Tp. Đà Lạt – Lâm Đồng – Việt Nam
– Điện thoại: 0918.525.019
– Email: giaophandalat1960@gmail.com

  • Trang Chủ
  • Giới Thiệu
    • Tổng Quan Giáo Phận
      • Lịch Sử Giáo Phận
      • Niên Giám Giáo Phận
      • Bản Đồ Giáo Phận
      • Truyền Giáo – Bác Ái Xã Hội
    • Giám Mục Giáo Phận
      • Tiểu Sử Đức Giám Mục Đương Nhiệm
      • Bài Giảng Đức Giám Mục
      • Các Đức Giám Mục Tiền Nhiệm
    • Giáo Hạt và Giáo Xứ
      • Giáo Hạt Đà Lạt
      • Giáo Hạt Bảo Lộc
      • Giáo Hạt Đức Trọng
      • Giáo Hạt Đơn Dương
      • Giáo Hạt Đạ Tông
      • Giáo Hạt Di Linh
      • Giáo Hạt Madaguôi
    • Danh Sách Linh Mục
  • Phụng Vụ
  • Mục Vụ
  • Tin Tức
    • Thông Báo
    • Tin Tức Giáo Phận
    • Tin Tức Giáo Hội Việt Nam
    • Tin Tức Giáo Hội Hoàn Vũ
    • Cáo Phó Và Hiệp Thông
  • Tài Liệu
  • Media
    • Thánh Lễ
    • Bài Giảng
    • Suy Niệm Lời Chúa
    • Giới Thiệu Giáo Xứ

© Giáo Phận Đà Lạt - Ban Truyền Thông

  • Trang Chủ
  • Thông Báo
  • Tin Tức Giáo Phận
  • Báo Lỗi