“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.
Bài Ðọc I: Kn 7, 7-11
“Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.
Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết.
Ðáp Ca: Tv 89, 12-13. 14-15. 16-17
Ðáp: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).
Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.
Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những năm chúng con mục kích nạn tai. – Ðáp.
Xướng: Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.
Bài Ðọc II: Dt 4, 12-13
“Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia.
Tin Mừng: Mc 10, 17-27
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
( Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”. )
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
“ĐI ĐẠO” LÀ THEO ĐỨC KITÔ
“Hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21)
Suy niệm: “Đi đạo” Công Giáo hệ tại điều gì? Anh em lương dân nhìn vào các tín hữu Công Giáo đặt ra câu hỏi đó; nhưng chính mỗi người tín hữu cũng phải tự đặt ra cho mình câu hỏi đó. Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng “đi đạo” không hệ tại giữ các điều răn giới luật, làm lành lánh dữ (anh em lương dân cũng giữ những điều ấy); cũng không hệ tại từ bỏ tất cả những gì vốn rất thiết thân với cuộc sống (có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để theo đuổi một lý tưởng); mà “đi đạo” thiết yếu là “đi theo Chúa,” đi theo Đấng là “TẤT CẢ” của đời mình. Đi đạo chính là thiết lập mối tương quan gắn bó mật thiết giữa ta với Chúa. Chỉ có Ngài là trên hết và trước hết mọi sự. Nào chúng ta chẳng đọc: “Thứ nhất: thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” đó sao?
Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta cứ lầm tưởng “đi đạo” là để được ơn này, ơn kia, kể cả để được hưởng phúc thiên đàng. Chúng ta đừng để mình bị chi phối bởi quan niệm “đi đạo” để được lợi lộc vật chất đời này đời sau.
Chia sẻ: Xem lại mỗi khi cầu nguyện, ta thường xin gì với Chúa? Đúng hơn, đừng xin điều này điều nọ, ơn này ơn kia…, mà là xin được chính Chúa.
Sống Lời Chúa: Xác tín như thánh Phao-lô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Chúa luôn là Tất Cả của đời con, Chúa luôn là lời đáp trả đầu tiên và cuối cùng của con trong mọi vấn đề, về mọi sự việc, và với mọi người. Amen.
B/ Lm. Inhaxio Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXVIII Thường Niên năm B này mời gọi chúng ta suy gẫm về vấn đề vinh hoa phú quý trần thế so sánh với Đức Khôn Ngoan (Bài Đọc I) hay Lời Chúa (Bài Đọc II) mà Đức Giê-su là hiện thân: “vì Thầy và vì Tin Mừng” (Tin Mừng).
Kn 7: 7-11
Bài Đọc I, trích từ sách Khôn Ngoan, ca ngợi giá trị khôn sánh của Đức Khôn Ngoan, còn quý hơn mọi vinh hoa phú quý trần thế.
Dt 4: 12-13
Trong đoạn trích thư gửi tín hữu Do thái, Lời Chúa được gợi lên với tất cả quyền năng của nó: ban sự sống, xét xử, xuyên thấu tận cõi thâm sâu nhất của con người.
Mc 10: 17-30
Tin Mừng Mác-cô thuật lại câu chuyện về một người giàu có. Đức Giê-su đề nghị anh từ bỏ của cải mà theo Ngài, nhưng anh không thể. Đức Giê-su nêu lên vấn đề về sự giàu có là một trở ngại trên con đường cứu độ.
BÀI ĐỌC I (Kn 7: 7-11)
Một hiền nhân Do thái sinh trưởng ở A-lê-xan-ri-a đã viết sách Khôn Ngoan bằng Hy-ngữ vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Để đối lại với mối hiểm nguy của việc Hy lạp hóa đang đe dọa Do thái giáo, tác giả tôn vinh những giá trị khôn sánh của Đức Khôn Ngoan Kinh Thánh.
Tác phẩm gồm có 19 chương được chia thành ba phần: phần thứ nhất nói về Đức Khôn Ngoan và số phận con người (ch. 1-5), phần thứ hai nói về bản chất và nguồn gốc của Đức Khôn Ngoan (ch. 6-9) và phần thứ ba nói về hành động của Đức Khôn Ngoan trong lịch sử (ch. 10-19). Trong phần thứ hai tác phẩm của mình, bằng hư cấu văn chương, tác giả đặt lời trên môi miệng của vua Sa-lô-mon, vị vua được truyền tụng là người khôn ngoan bậc nhất. Đoạn văn chúng ta đang đọc được trích dẫn từ diễn từ của vua Sa-lô-mon. Vị quân vương vừa mới nhắc nhở rằng ông không khác với những con người khác, ông chia sẻ thân phận phàm nhân như bao nhiêu người khác. Đức Khôn Ngoan mà vua có được không là một đặc sủng tự nhiên được ban cho vua khi trở thành quân vương, nhưng là thiên ân do vua thành tâm cầu nguyện.
1. Lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon
“Tôi đã nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết; tôi đã kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi”. Việc vua Sa-lô-mon cầu xin Thiên Chúa ban cho mình sự khôn ngoan là một sự kiện truyền thống được kể ra trong sách Các Vua quyển thứ nhất (1V 3: 4-14), được nhắc lại trong sách Sử Biên quyển thứ hai (2Sb 1: 1-12), và từ câu chuyện này tác giả sách Khôn Ngoan sáng tác một đoạn văn (Kn 9: 1-18). Vua Sa-lô-mon cảm kích vì được kế nghiệp thân phụ của mình là vua Đa-vít khi tuổi đời còn quá trẻ; vì thế, nhà vua còn trẻ người non dạ này cầu xin Đức Chúa ban cho mình những đức tính cần thiết để có thể cai trị dân Chúa chọn, một dân tộc quan trọng như thế.
Tác giả sách Khôn Ngoan trình bày lời cầu nguyện của vua Sa-lô-mon không có trong nguyên bản, nhưng theo cách riêng của mình để đánh động độc giả thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Vua Sa-lô-mon biết rõ chẳng có gì phải tự hào tự phụ vì những gì vua có đều là những ân ban của Thiên Chúa. Vua phó thác sự yếu đuối của mình vào chỉ một mình Thiên Chúa đích thật, Đấng phân phát sự khôn ngoan; thái độ này ngược hẳn với các bậc quân vương Hy lạp.
2. Lòng quý chuộng Đức Khôn Ngoan
Vua Sa-lô-mon công bố lòng quý chuộng Đức Khôn Ngoan của mình. Bản văn nhắc lại câu trả lời của Đức Chúa cho vị vua trẻ theo 1V 3: 11, được tô điểm bằng những chủ đề truyền thống minh triết.
“Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng
còn hơn cả vương trượng, ngai vàng” (7:8).
Nói như thế, không có nghĩa vua Sa-lô-mon đã muốn từ chối ngai vàng của vua Đa-vít, nhưng “vì Đức Khôn Ngoan đưa ông lên hàng vương đế”. Tác giả đã khai triển chủ đề này ở trên khi để cho vua Sa-lô-môn ngỏ lời với các bậc đế vương:
“Như vậy, chính lòng khao khát Đức Khôn Ngoan
đưa chúng ta lên hàng vương giả.
Thế nên, hỡi chư vị lãnh đạo các dân,
nếu chư vị quý chuộng ngai báu và vương trượng,
thì hãy tôn trọng Đức Khôn Ngoan,
để chư vị được trị vì mãi mãi ” (Kn 6: 20-21).
Những châm ngôn theo sau là di sản chung mà chúng ta gặp lại trong sách Châm Ngôn, sách Huấn Ca,…chưa nói đến các Thánh Vịnh.
Ví dụ như:
“Khôn ngoan quý hơn cả trân châu,
không bảo vật nào của con so sánh nổi” (Cn 3: 15).
Hay còn:
“Hãy đón nhận lời nghiêm huấn của ta quý hơn cả bạc,
hãy đón nhận tri thức quý hơn cả vàng ròng.
Khôn ngoan quý hơn cả trân châu,
không báu vật nào so sánh nổi” (Cn 8: 10-11).
“Tôi đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng”. Với lời này, vua Sa-lô-môn nhắc nhớ rằng ông đã không cầu xin Thiên Chúa một cuộc sống trường thọ hay sự giàu sang phú quý, nhưng chỉ xin cho mình được khôn ngoan.
3. Thành quả của Đức Khôn Ngoan
Trong sách Các Vua, Đức Chúa ca ngợi phẩm chất lời nguyện xin của vua Sa-lô-mon. Để thưởng cho vua, Đức Chúa ban cho ông không chỉ Đức Khôn Ngoan, nhưng còn mọi vinh hoa phú quý mà nhà vua đã không xin.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một bài học gần như thế. Mến chuộng Đức Giê-su hơn sự giàu sang phú quý là con đường dẫn đến Nước Trời: Những ai từ bỏ mọi sự “vì Đức Ki-tô và vì Tin Mừng”, thì ngay ở đời này sẽ nhận được gấp trăm và ở đời sau sẽ được hưởng sự sống đời đời (10: 29-30).
BÀI ĐỌC II (Dt 4: 12-13)
Thư gửi tín hữu Do thái được viết cho những người Ki-tô hữu gốc Do thái, họ sống xa Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và luyến nhớ các nghi lễ Cựu Ước; hơn nữa, vì những bách hại, vài người mất can đảm đã muốn bỏ rơi niềm tin Ki-tô giáo của mình. Bức Thư này nhằm an ủi họ và tăng cường đức tin của họ.
Đoạn văn hôm nay được trích dẫn từ những lời khuyến dụ dài mời gọi hãy trung tín và kiên tâm bền chí. Tác giả vừa mới gợi lên tấn thảm kịch dành cho những người bất tuân, họ đã không được chấp nhận vào Đất Hứa, nhưng phải vùi thây trong sa mạc. Vì thế, chúng ta hãy giữ mình khỏi tội bất trung nếu chúng ta muốn đi vào Đất Hứa đích thật, vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa: “Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ này, kẻo có ai cũng theo gương bất trung đó mà sa ngã” (4: 11).
1. Nhân cách hóa Lời Chúa
“Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi”. Đây không là lần đầu tiên Kinh Thánh nhân cách hóa Lời Chúa như vậy. Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã mô tả Lời Chúa ngự xuống từ trời để đem lại sự sống cho toàn cõi thế và chỉ trở về với Thiên Chúa một khi sứ mạng đã được hoàn thành (Is 55: 10-11). Sách Đệ Nhị Luật cũng đã trình bày Lời Chúa như một nguồn sống nội tại: “Hãy để tâm vào tất cả những lời mà hôm nay tôi cảnh báo anh em, hãy truyền những lời đó cho con cái anh em, để chúng lo đem ra thực hành tất cả những lời của Luật này. Thật vậy, đó không phải là một lời trống rỗng đối với anh em, mà đó là sự sống của anh em, và nhờ lời ấy, anh em sẽ được sống trên đất mà anh em sắp qua sông để chiếm hữu” (Đnl 32: 46-47).
2. Chức năng xét xử của Lời Chúa
Lời Chúa có chức năng xét xử bởi vì Lời Chúa có chức năng giáo huấn. Tác giả thư gửi tín hữu Do thái chuyển từ Lời Chúa có chức năng giáo huấn sang Lời Chúa có chức năng xét xử. Đây không phải là một ví dụ độc nhất. Thánh Gioan cũng theo cách thức như vậy: “Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết” (Ga 12: 48).
Tác giả thư gửi tín hữu Do thái so sánh Lời Chúa với thanh gươm hai lưỡi; đây không cốt là thanh gươm Công Lý, mà sách Khải Huyền trang bị cho Con Người vào ngày tận thế, vào ngày Chung Thẩm (Kh 1: 16; 19: 15). Tác giả thư gửi tín hữu Do thái so sánh Lời Chúa với một con dao mổ sắc bén của một nhà giải phẫu: Lời Chúa “xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó là lời phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”. Cuối cùng, tác giả đồng hóa Lời Chúa với chính Thiên Chúa: “Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ ra trước lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ”.
Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc được gửi đến các Ki-tô hữu đang chao đảo trong đức tin, nhưng ngay liền sau đó tác giả liên kết vị Thượng Tế biết cảm thương, là Đức Ki-tô, với những nỗi yếu hèn của chúng ta.
TIN MỪNG (Mc 10: 17-30)
Câu chuyện về một người giàu có này đều được cả ba Tin Mừng nhất lãm tường thuật, bởi vì đây là dịp, là cơ hội thuận tiện mà Đức Giê-su lợi dụng để minh họa một bài học kiểu mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều kể lại câu chuyện này một cách xúc động và thống thiết, nét đặc trưng này rất dễ thấy trong câu chuyện của Tin Mừng Mác-cô.
Đức Giê-su vừa mới cất bước lên đường tiến về Giê-ru-sa-lem thì “có một người chạy đến”. Thánh Mác-cô thích làm sinh động những bài trình thuật của mình bằng những động từ chỉ sự chuyển động; ở đây, chi tiết này có giá trị của nó. Câu chuyện bắt đầu với hành động hối hả đầy thành tâm thiện chí của người này và kết thúc với thái độ tương phản sau cùng của anh: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Chúng ta có thể nói đây là một câu chuyện về ơn gọi kết thúc không có hậu.
1. Sự sống đời đời
“Sự sống đời đời” là diễn ngữ then chốt của toàn bộ câu chuyện này; nó được nêu lên ngay từ đầu với câu hỏi của chàng thanh niên này và ở cuối câu chuyện qua câu trả lời của Đức Giê-su với các môn đệ Ngài. Đây không chỉ là một ví dụ điển hình về lối hành văn đóng khung, nhưng còn định vị tấm thảm kịch sắp diễn ra trong chiều kích cốt yếu của nó. Vấn đề về những mối tương quan của người Ki-tô hữu với của cải được đặt ra tùy thuộc vào vấn đề cốt yếu này: cuộc sống mai hậu. Vì thế, các môn đệ xao xuyến tận đáy lòng.
Nỗi ưu tư của người này phù hợp với những nỗi bận lòng của những môi trường đạo hạnh Do thái giáo, ở đó người ta tranh luận về những viễn cảnh cánh chung: sự sống đời đời, chính là gia nghiệp mà Thiên Chúa hứa ban vào thời cánh chung. Phải làm gì để đảm bảo cho mình có được sự sống đời đời?
Người này ca ngợi Chúa Giê-su: “Thưa Thầy nhân lành” kèm theo một hành vi cử chỉ hết mực cung kính: “quỳ xuống trước mặt Người”. Thái độ này làm chứng rằng Đức Giê-su nổi tiếng là một vị kinh sư đặc biệt và người này tin rằng chỉ có Ngài mới có thể ban cho anh những lời khuyên có giá trị.
Tại sao Đức Giê-su thoái thác đức tính “nhân lành” này cho mình, khi mà lòng nhân lành của Ngài thì hiển nhiên, phải chăng là để hướng tâm trí của người đối thoại về Đấng là nguồn mạch của mọi sự nhân lành? Nếu Đức Giê-su có lòng nhân lành, chính vì Ngài đón nhận lòng nhân lành từ Thiên Chúa. Thánh Mác-cô có mối bận tâm là không quên thân phận làm người của Đức Giê-su.
Sau khi đã hiệu đính lời ca ngợi của chàng thanh niên, Đức Giê-su sắp cho anh ta một câu trả lời tích cực qua đó Ngài ngầm hàm ý rằng “Tôi đến không phải để hủy bỏ nhưng kiện toàn Lề Luật”.
2. Lời kêu gọi được gửi đến cho người giàu có này
Thập Giới là nền tảng hàng đầu của Lề Luật. Đức Giê-su chỉ trích dẫn phần thứ hai của Thập Giới, phần liên quan đến những bổn phận của một người với anh em đồng loại của mình. Như thế, đối với Đức Giê-su, thực thi Thập Giới mà Đức Chúa đã truyền dạy là con đường bình thường và đầy đủ để đạt đến “sự sống đời đời”. Chàng thanh niên này mau mắn trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Câu trả lời này chứng tỏ tấm lòng thành tâm thiện chí của anh trên con đường khao khát sự sống đời đời. Câu trả của anh gây ấn tượng mạnh nơi Đức Giê-su. Thánh Mác-cô là thánh ký duy nhất cung cấp chi tiết cảm động này: “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”.
Đối với chàng thanh niên đầy thành tâm thiện chí này, Đức Giê-su đề nghị anh đi xa hơn trên con đường khao khát sự sống đời đời: “Hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Sau đó, hãy đến theo tôi”. Đây không chỉ là tinh thần siêu thoát mà Đức Giê-su đòi hỏi anh, nhưng còn là một sự từ bỏ của cải để đạt cho bằng được: “kho tàng trên trời”. Đối với những ai muốn bước đi trên con đường nhân đức, Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi thêm nữa. Đối với những ai Thiên Chúa đem lòng yêu mến, Ngài không để cho kẻ ấy sống một đời sống tầm thường như bao nhiêu người khác. Thiên Chúa đã xử sự với các ngôn sứ của Ngài như thế nào; Đức Giê-su cũng hành xử với các môn đệ của Ngài cũng theo một cách như vậy. Nhưng “nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Chỉ mãi đến lúc này, chúng ta mới biết được người ấy rất giàu có và chính sự giàu có đã ngăn cản anh tích cực đáp trả tiếng gọi của Đức Giê-su.
Tuy nhiên, lý tưởng của sự nghèo khó không xa lạ gì đối với Do thái giáo. Các ngôn sứ đã ca ngợi lý tưởng này. Họ đã công kích những kẻ giàu có; họ đã công bố ơn cứu độ của Ít-ra-en nhờ một nhóm nhỏ còn lại, nhóm người bị tước đoạt tất cả, chỉ còn lại niềm tin tưởng phó thác vào Đức Chúa. Ấy vậy, chúng ta gặp thấy ở nơi những người Do thái đạo hạnh sống theo lý tưởng Do thái giáo, là lấy Lề Luật làm quy luật sống của mình để hướng tới “sự sống đời đời” là gia nghiệp Thiên Chúa hứa ban cho dân Ngài.
Còn ở đây, Chúa Giê-su được trình bày như là Đấng Mê-si-a đến mặc khải một lý tưởng còn cao hơn lý tưởng của dân Ít-ra-en: “Anh chỉ còn thiếu có một điều”: trung thành với Lề Luật của Thiên Chúa thì chưa đủ, còn phải bước theo Đấng mà Thiên Chúa sai đến. Trọng tâm của câu chuyện này không phải hệ tại ở việc từ bỏ của cải nhưng là gắn bó với Đức Giê-su, yêu mến Ngài trên tất cả mọi sự kể cả mạng sống của mình.
Chúng ta đừng quên rằng câu chuyện về ơn gọi bất thành này được ghi lại trên con đường Đức Giê-su nhất quyết lên Giê-ru-sa-lem, tiến đến cuộc khổ nạn của Ngài. Như vậy, đức tin Ki-tô giáo vừa kiện toàn vừa hoàn tất đức tin Do thái giáo. Người ta không thể trở thành người Ki-tô hữu nếu không xem Đức Giê-su là trung tâm và là cứu cánh cuộc đời của mình được. Như một người gặp được viên ngọc quý hay kho tàng chôn dấu trong ruộng, người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả để sở hữu cho bằng được Ngài như lời của thánh Phao-lô: “Ai có thể tách tôi ra khỏi lòng mến đối với Đức Ki-tô”.
3. Lời mời gọi được gửi đến với mọi người
“Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh”. Đây là một ghi nhận đặc trưng của thánh Mác-cô (3: 5; 5: 32; 9: 8; 10: 23; 11: 11). Đây không là một chi tiết điểm tô cho câu chuyện; ý nghĩa của nó thì rõ ràng: Đức Giê-su ngỏ lời với dân chúng, chắc chắn đám đông đang vây quanh Ngài, nhưng không được kể ra, và cả đám đông vô hình của những Ki-tô hữu thuộc mọi thời: “Những người có của mà vào được Nước Thiên Chúa, thật khó biết bao!”. Vì nhận thấy các môn đệ hết sức kinh ngạc, nên Đức Giê-su lập lại đến hai lần lời cảnh giác của Ngài: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa, thật khó biết bao!”.
Việc sánh ví với con lạc đà chui qua lổ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa là một kiểu nói khoa trương Đông Phương để kích thích sự chú ý: sự giàu có là một trở ngại trên con đường cứu độ. Đức Giê-su đã nói rồi: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6: 24). Sự kiện các môn đệ vừa mới chứng kiến là một bằng chứng tỏ tường. “Thế thì ai có thể được cứu?”, các môn đệ nêu lên câu hỏi này không chỉ vì người gắn bó với của cải thì đầy dẫy chung quanh họ; nhưng còn vì, theo truyền thống của cha ông họ, sự giàu có là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa chúc phúc cho những người trung thành tuân giữ Lề Luật. Đức Giê-su trấn an họ bằng cách khai mở tâm trí của họ để họ thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm ân sủng, mầu nhiệm của lòng xót thương: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì khác, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
Chúng ta đừng quên thánh Lu-ca tường thuật câu chuyện của ông Da-kêu không xa mấy sau câu chuyện này, như vậy cho một ví dụ về ơn cứu độ của một người giàu có. Ông Da-kêu đã không bao giờ nghĩ đến việc bố thí một phần của cải của mình cho những người nghèo, nếu Đức Giê-su đã không viếng thăm gia đình của ông. Vấn đề là con người đáp trả như thế nào trước lời mời gọi chan chứa yêu thương của Thiên Chúa.
4. Phần thưởng dành cho những ai bỏ mọi sự mà theo Chúa Giê-su
Các tông đồ không thể không so sánh thái độ của họ với thái độ của người giàu có này: họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Thánh Phê-rô nhân danh tất cả môn đệ nhắc lại điều đó. Đức Giê-su trả lời bằng cách nêu lên hai loại phần thưởng: phần thưởng được ban cho “bây giờ, ngay ở đời này” và phần thưởng được ban cho trong thế giới tương lai: “sự sống đời đời”.
Có nên hiểu một chuỗi những phần thưởng đầu tiên theo nghĩa đen? Chắc chắn, ai từ bỏ những người thân yêu và của cải quý giá của mình vì Đức Giê-su, người ấy sẽ gặp thấy ở giữa lòng cộng đoàn Ki-tô hữu, một đại gia đình. Nhưng lời giải thích theo nghĩa tinh thần thì có vẻ thật hơn. Thánh Mác-cô xem ra hiểu như vậy bởi vì thánh ký đặt sự bách hại vào giữa những phần thưởng trần thế. Chính ở nơi những phần thưởng tinh thần này mà những Ki-tô hữu đã sở hữu rồi, thánh Phao-lô ám chỉ đến khi thánh nhân viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, kỳ thực chúng tôi vẫn luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 6: 8-10).
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
PHẢI BIẾT LỰA CHỌN
A. DẪN NHẬP
Theo tâm lý chung của con người, ai cũng thích được giầu sang phú quí, của cải dư dật, có kẻ hầu người hạ, nhưng Hội thánh muốn dùng những bài đọc hôm nay để cảnh giác chúng ta : của cải, sự giầu sang có thể là một trở ngại cho đời môn đệ. Cần phải biết cách làm chủ chúng, và chấp nhận sự hy sinh trong việc sử dụng. Tuy nhiên, so với những hy sinh mà đời môn đệ phải có thì phần thưởng được ban cho đời môn đệ thật vô cùng lớn lao.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc một chàng thanh niên giầu có đến xin Đức Giêsu chỉ bảo cho cách thức để chiếm được gia nghiệp đời đời và đi theo Ngài. Đức Giêsu liền đưa ra cho anh một điều kiện tiên quyết là phải bán hết của cải mà phân phát cho người nghèo khó, rồi đến làm môn đệ Ngài. Nhưng tiếc thay, anh ta buồn rầu bỏ đi vì anh ta quá dính bén với của cải vật chất.
Nhân dịp này, Đức Giêsu khuyên các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát đối với của cải vật chất. Hãy dùng nó như phương tiện chứ đừng tôn nó lên làm chúa tể vì Chúa nói :”Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan như Salomon để biết quí trọng sự sống đời đời, biết dùng của cải vật chất cho xứng đáng và luôn có tinh thần chia sẻ với người khác.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1 : Kn 7,7-11
Đoạn văn trích sách Khôn ngoan hôm nay ca tụng Đức Khôn ngoan và coi Đức Khôn ngoan là cao trọng hơn hết. Trong khi người thường quí trọng tiền của và sự giầu sang thì người công chính lại coi Đức Khôn ngoan là cao trọng hơn cả. Tác giả cho biết lý do :
– Khôn ngoan quí trọng hơn vàng bạc châu báu.
– Khôn ngoan quí trọng hơn sức khỏe và sắc đẹp.
– Khôn ngoan sẽ đem đến cho người công chính nhiều sự may lành.
Nhưng muốn được Đức Khôn ngoan phải kêu cầu Chúa, Người sẽ ban cho kẻ kêu xin.
+ Bài đọc 2 : Dt 4,12-13
Tác giả thư gửi tín hữu Do thái nói với chúng ta rằng : như lưỡi gươm sắc bén, Lời Chúa thâm nhập tâm can đến những chốn thẳm sâu để soi cho tâm hồn thấy được chính mình, không ảo tưởng. Lời Chúa lột tẩy những sai trái của con người, không phải là để kết án, nhưng là để soi sáng và mời mọi người điều chỉnh lại bước đường của họ.
+ Bài Tin mừng : Mc 10,17-30
Bài Tin mừng được chia thành hai phần :
a) Thiện chí nửa vời: Một thanh niên muốn tiến cao trên đường nhân đức đã đến xin Đức Giêsu chỉ bảo cách thức để có thể tiến tới đường trọn lành của Nước Trời. Đức Giêsu đã chỉ dẫn cho anh :”Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta”. Nghe thế, anh ta buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều tiền của. Đức Giêsu tiếc rẻ cho anh ta, nhìn chung quanh và nói :”Những kẻ cậy dựa vào của cải khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”.
b) Bài học về sự từ bỏ : Đức Giêsu đưa ra điều kiện tiên quyết cho những người muốn làm môn đệ của Ngài là phải từ bỏ mọi sự. Ngài cũng lợi dụng hoàn cảnh này để cảnh giác các môn đệ cho khỏi quyền lực của trần gian chế ngự. Chúng kềm hãm và chặn đứng những nhiệt tình cao đẹp nhất. Chúng làm khô héo những hoài bão thanh cao nhất của những người thiện chí.
Tuy nhiên, Ngài cũng hứa phần thưởng cho những ai từ bỏ vì Nước Trời :
– Được lãi gấp trăm ở đời này.
– Cùng với sự bắt bớ : nghĩa là được chia sẻ số phận với Ngài.
– Được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Phải biết lựa chọn
I. KHÔN NGOAN TRONG VIỆC LỰA CHỌN.
1. Salomon khôn ngoan lựa chọn.
Bài đọc 1 cho chúng ta biết Salomon là một ông vua có sự khôn ngoan đặc biệt.. Ôâng đã xin Thiên Chúa và Người đã thương ban cho ông, ông cũng biết quí nó hơn hết mọi sự ở trên đời.
Về điểm này, Sách Các Vua quyển I (3,3-14) cho biết : khi mới lên ngôi, Salomon đã đến Gabaon, một thánh điện nổi tiếng thời bấy giờ. Ôâng dâng cả ngàn lễ vật lên Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hiện ra với ông và hỏi ông muốn xin gì ? Ôâng khiêm tốn thú nhận mình còn trẻ trung mà phải cai trị một dân “đông đảo”, nên ông không xin điều gì khác ngoài một lòng trí biết nghe Lời Chúa để trị dân và phân biệt phải trái mà thôi. Điều ông xin đã đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông theo ý sở nguyện.
Đó mới thật là sự khôn ngoan mà phụng vụ hôm nay mượn lời Salomon khuyên nhủ chúng ta hãy ao ước và cầu xin. Đừng quí gì hơn nó vì chỉ có nó là hạnh phúc đầy đủ cho chúng ta.
2. Người thanh niên thiếu khôn ngoan.
a) Xin làm môn đệ Đức Giêsu.
Khi Đức Giêsu đi trên đường thì có một anh thanh niên chạy đến và sụp quì dưới chân Ngài. Có lẽ đây là một người giầu sang, có nhiều cuả cải, có địa vị trong xã hội, được nhiều người kính nể. Anh ta có đầy đủ mọi thứ để được hạnh phúc theo tiêu chuẩn thông thường của người đời.
Nhưng anh ta còn có một ước vọng cao quí hơn nữa, đó là phải làm gì để được sống đời đời làm gia nghiệp. Đức Giêsu rất ưng ý và vạch ra một số việc phải làm như “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Anh ta lanh lẹ trả lời :”Tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thưở nhỏ”(Mc 10,20).
Đây quả là một người ngay thẳng, có lương tâm trong sáng. Anh đã tuân giữ lề lật. Anh ta sống có kỷ cương. Đức Giêsu không phủ nhận sự thành thực của những lời anh ta nói. Ngài có cái nhìn yêu thương trìu mến đối với anh, nhưng Đức Giêsu không ngừng ở đây, Ngài nói tiếp làm cho anh ngỡ ngàng:”Anh chỉ còn thiếu có một điều là : “Hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho trên trời. Rồi hãy đến theo Ta”(Mc 10,21).
b) Từ chối lời mời gọi.
Khi Đức Giêsu nói những lời đó :”Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”(Mc 10,22). Anh ta không ngờ Đức Giêsu đã đưa ra một điều kiện mà anh không thể vượt qua được.
Thái độ này diễn tả rằng lời mời gọi của Đức Giêsu đã khác hẳn với ý nghĩ của anh và vượt quá sức của anh vì anh chưa sẵn sàng từ bỏ của cải, đang khi anh là người giầu có, và vì anh đã không hiểu rằng điều kiện của một cuộc sống theo Chúa là phải có sự độc lập với của cải vật chất và với những trói buộc xã hội. Đàng khác anh cũng chưa nhận ra sự giầu có trói buộc và nô lệ hóa con người cách khắt khe đến như vậy, nên anh “buồn rầu bỏ đi”.
3. Những khó khăn trong việc theo Chúa.
Sau khi người thanh niên bỏ đi, Đức Giêsu nhìn chung quanh nói với một giọng tiếc rẻ :”Những người giầu có vào Nước Thiên Chúa khó biết bao”(Mc 10,23).
Đây là cái nhìn tỏ lòng thương tiếc đối với những tâm hồn đang bị của cải vật chất chi phối đến nỗi không thể vươn mình lên để vào Nước Trời được; vì thế, Chúa mới nói với các môn đệ :”Những người giầu có ở đây là những người có tiền tài, có kho tàng bảo vật, của chìm chủa nổi, động sản hay bất động sản…”. Tất cả những cái đó kìm hãm họ, không cho họ có thể vươn lên tới Nước Trời là thiên đàng.
Truyện : Đạo một mắt.
Bác sĩ A.J. Gordon kể : ngày nọ, có một ông nhà giầu nhưng keo kiệt đến xin chữa mắt. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ cho biết phải chữa cả hai mắt, nếu không, có nguy cơ bị mù. Ông hỏi :
– Nhưng giá bao nhiêu ?
– Chữa mỗi mắt là 100 đô.
Ông nhà giầu phân vân giữa tiền bạc và mù lòa. Rồi ông nói với bác sĩ :
– Tôi chữa một mắt thôi, vì một mắt cũng đủ thấy tiền và đếm tiền. Lại đỡ tốn !
Nhiều người vẫn cầu nguyện :”Xin mở mắt để con thấy kỳ công của Chúa…” Nhưng xem ra nhiều Kitô hữu chỉ muốn mở cho mình một mắt để thấy công trình của Chúa mà thôi, một mắt còn phải để trông coi gia sản !
II. LỰA CHỌN THIÊN CHÚA HAY TIỀN CỦA.
1. Người giầu có và con lạc đà.
Nghe Đức Giêsu cho biết kẻ giầu có khó vào Nước Thiên Chúa khiến các môn đệ kinh ngạc. Vì sao lại kinh ngạc ? Vì tâm trạng người Do thái đinh ninh rằng sự giầu sang là ân huệ của Thiên Chúa. Ý định của Thiên Chúa sáng tạo không phải là để giao cho con người quyền sở hữu và thống trị thế giới này, nhằm xây dựng và làm cho thế giới thêm giá trị sao (St 1,27-31) ?
J. Potin giải thích :”Các môn đệ càng cảm thấy sửng sốt hơn nữa vì theo cách giữ đạo thời đó, thì càng giầu càng có nhiều thuận lợi. Có tiền thì người giầu có thể dâng lễ vật cho Thiên Chúa theo Luật buộc để được xá tội, có thể dâng cúng một phần mười tài sản mà các tư tế đòi, hoặc có thể bố thí cho người nghèo… Dường như có một thỏa thuận ngầm giữa Thiên Chúa và những người giầu. Như vậy, giầu có của cải không phải là dấu chỉ của người đẹp lòng Thiên Chúa sao” (Fiches dominicales, tr 298) ?
Đức Giêsu lại bồi thêm một câu nữa làm cho các ông càng kinh ngạc :”Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Thiên Chúa”(Mc 10,25) Chúng ta phải hiểu câu nói của Đức Giêsu như thế nào ?
Có những người nghĩ rằng : câu nói phóng đại thái quá, muốn làm dịu bớt. Thay vì chữ lạc đà, có người thay vào chữ “Giây cáp”. Người khác giữ chữ lạc đà, nhưng cho rằng cái lỗ kim phải hiểu là tên một trong các cửa thành Giêrusalem. Thực ra phải giữ nguyên cả con lạc đà lẫn lỗ kim. Trong những sách các thầy rabbi viết, cũng đã có những phóng đại như vậy, thí dụ con voi chui qua lỗ kim (sách Talmud). Đức Giêsu cũng đã có lần nói đến, khi trách người biệt phái :”Quân dẫn đàng mù quáng ! Các ngươi gạn lọc con muỗi, nhưng lại nuốt trửng con lạc đà”(Mt 23,24) ? Thực ra so sánh người giầu vào nước Trời với con lạc đà chui qua lỗ kim, không phải Chúa có ý nói người giầu vào Nước Trời khó mà thôi, mà Chúa có ý nói là việc không thể có (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr 324-325).
Đức Giêsu là một nhà giảng thuyết nổi tiếng, đã có nghệ thuật dùng những kiểu nói gây ấn tượng mạnh để dễ nhớ. Chúng ta không nên làm nhẹ những câu nói này, nại cớ là chúng nghịch lý.
Ngay trong văn chương Việt nam chúng ta, người dân quê cũng dùng những kiểu nói ví von phóng đại và nghịch lý tương tự như Đức Giêsu đã nói. Ví dụ :
Lỗ mũi em thì tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo tơ rồng trời cho.
Hoặc câu khác nhẹ hơn :
Cổ tay em trắng như ngà,
Con mắt em sắc như là dao cau.
(Ca dao)
Nghe lời Đức Giêsu nói, các môn đệ kinh ngạc và tỏ ra thất vọng, vì sức con người yếu đuối trước sự trói buộc do tiền của vật chất gây ra, nên đã thốt lên :”Vậy thì ai có thể được cứu độ” ?
Nhưng Đức Giêsu đã khích lệ và nâng đỡ các ông đang kinh ngạc trước sự nguy hiểm của vật chất và Ngài trấn an các ông bằng cách chỉ dẫn cho các ông một chân lý căn bản là sự cần thiết của ơn Chúa :”Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”(Mc 10,27).
3. Chúa không lên án người giầu có.
Thực ra, Đức Giêsu không lên án người giầu co,ù cũng không chúc lành cho người nghèo. Những người “đàn bà thánh thiện”đi theo Chúa, họ là những người giầu có, đem tiền của trợ giúp Ngài và các môn đệ trong công việc truyền giáo, họ đâu bị kết án. Cũng như khi Maria, em của Marta và chị của Lazarô, đem bình thuốc thơm mà Giuđa đánh giá đến 300 đồng (công nhật một người thợ thời ấy là một đồng). Ngài đi dự những bữa ăn sang trọng của người biệt phái giầu có (Lc 7,36-38; Mc 14,3-9), hay những người thu thuế có tiền (Lc 19,1-10). Vậy Chúa lên án những gì ?
Ngài lên án những người không biết dùng tiền của, làm nô lệ cho tiền của. Thật khó cho người giầu có thể trở nên một Kitô hữu chân thật khi họ coi đồng tiền là chúa tể. Điển hình là người thanh niên hôm nay, anh không dám hay không đành dấn thân theo chân Chúa, như Phêrô và các bạn ông đã làm.
4. Tiền của cần thiết cho đời sống.
Ai cũng phải công nhận rằng : của cải cần thiết cho đời sống con người. Của cải sẽ đem lại cho con người nhiều hạnh phúc hơn. Cả Tây phươgn lẫn Đông phương đều có chung một quan niệm – “Manducare priusquam philosophare” : ăn đã rồi hãy triết lý,
– “Dĩ thực vi tiên” : cái ăn phải đứng hàng đầu,
– “Có thực mới vực được đạo”.
Tiền của cần thiết như thế nên Đức Giêsu không bao giờ lên án tiền của hay người có tiền của, tức là người giầu. Ngài biết con người phải có tiền của để sống xứng đáng với cuộc sống của mình. Ngài biết “đồng tiền liền khúc ruột”, cần có tiền để sống, để giữ đạo nữa. Sự túng thiếu bần cùng là một sự dữ, loài người không ai muốn, thì Chúa cũng không muốn con cái Ngài phải vướng mắc vào.
5. Những nguy hại do tiền của.
Tiền của có thể gây nguy hại cho người giầu có vì tiền của có sức mạnh khống chế con người. Vì thế người ta mới nói :
Tiền là tiên là phật,
Là sức bật của lò xo,
Là thước đo của lòng người,
Là nụ cười của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của người già
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân.
Người xưa cũng thường nói :”Hoàng kim hắc thế tâm nhân” :
Đồng tiền không phấn không hồ,
Đồng tiền khéo điểm khéo tô mặt người.
Tiền bạc của cải luôn là con dao hai lưỡi : nó có thể trở nên ông chủ khắc nghiệt hay trở nên một đứa đầy tớ trung tín, tùy theo cách người ta sử dụng nó : nếu nó được sử dụng như một phương tiện, tiền của sẽ giúp cho chúng ta sống đúng với nhân phẩm của mình; trái lại, khi chúng ta chạy theo tiền của như cứu cánh của cuộc đời mà quên đi những giá trị khác trong cuộc sống, nhất là giá trị thiêng liêng, tinh thần thì nó sẽ làm cho chúng ta bị phá sản về vật chất cũng như tinh thần.
Nói khác đi, tiền của tự nó vẫn tốt và giúp ích cho con người. Nó chỉ xấu và có hại khi đem xử dụng vào những mục tiêu xấu. Đúng vậy, vì tiền của mà người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời, có thể làm những điều bất chính, tội lỗi, nhất là vì ham mê tiền của mà quên cả Chúa, quên cả anh em, thì đó chính là thứ lạc đà đứng trước lỗ kim, đó chính là người khó vào Nước Trời.
III. QUYẾT TÂM CỦA CHÚNG TA.
1. Đừng “bắt cá hai tay”.
Đây là một câu tục ngữ người Việt ta thường dùng. Dĩ nhiên, muốn bắt một con cá thì phải dùng cả hai tay thì mới bắt được, nhưng ở đây có ý nói : không phải là hai tay định bắt một con cá mà mỗi tay định bắt một con. Câu này thường dùng để chỉ người mưu một lúc cả hai việc, hy vọng rằng hễ hỏng việc nọ thì được việc kia.
Về vấn đề này, Đức Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo trong suốt thời gian rao giảng Tin mừng :”Các ngươi không thể phục vụ Thiên Chúa và tiền của cùng một lúc”(x.Lc 16,13), hoặc :”Người giầu trở nên điên rồ và phi lý. Người ấy tưởng mình không cần đến Thiên Chúa nữa”(x. Lc 12,16-20). Người giầu từ từ đóng cửa con tim và không còn thấy anh em của mình đang đau khổ bên cạnh mình (Lc 16,19-31). Sự giầu sang bóp nghẹt Lời Chúa (x. Mt 13,22).
Truyện : Con lừa trước sự lựa chọn.
Ông viện trưởng đại học Paris ở thế kỷ 14 đã làm một thí nghiệm như sau : Ông để cho một con lừa nhịn đói, nhịn khát trong mấy ngày. Sau đó, ông đưa nó đến sân ăn, ông đặt nó giữa một thùng nước và một bó cỏ non. Lừa ta tuy đói lắm nhưng hết nhìn đống cỏ này lại ngó thùng nước kia, nó lưỡng lự giữa nước và cỏ, để rồi cuối cùng kiệt lả mà chết (Cử hành Phụng vụ CN, tr 174).
Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn và chọn lúc nào cũng đòi hỏi hy sinh. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn luôn là người thua thiệt nhiều nhất. Hãy nhớ lại Lời Chúa đã phán :”Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”(Mt 6,24).
2. Phải có tinh thần siêu thoát.
Ai muốn làm môn đệ Chúa phải có tinh thần siêu thoát đối với tiền của. Siêu thoát đây không có nghĩa là phải bỏ hết mọi sự để sống một đời sống nghèo nàn tuyệt đối như thánh Phanxicô Assisi. Phanxicô đã nghe bài giảng trong Thánh lễ có câu :”Anh chỉ còn thiếu một điều : hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta”. Phanxicô lập tức thực hiện câu Tin mừng nên đã bán hết những gì mình có, bố thí cho người nghèo và bắt đầu một đời sống theo Chúa : ăn mặc rách rưới, rảo quanh các đường phố vừa rung chuông vừa rao giảng Tin mừng tình thương của Chúa.
Chúa không đòi chúng ta phải sống nghèo khó tuyệt đối như thánh Phanxicô. Ngài chỉ đòi chúng ta phải có tinh thần siêu thoát đối với tiền của, không để cho của cải vật chất chi phối làm cản bước đường tiến tới sự trọn lành mà chỉ dùng của cải như bàn đạp để tiến lên, tiến tới đỉnh trọn lành và đạt tới hạnh phúc Nước Trời.
Truyện : Đứng trên của cải.
Có một người giầu có kia thường xuyên đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Ôâng có nhiều tiền của, có thiện chí, nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa. Thấy ông đã lâu không đến xưng tội, thánh nhân tìm đến nhà ông để gặp ông. Sau một hồi trò truyện, ngài nhìn lên cây Thánh giá trên tường, ngài cân nhắc độ cao của Thánh giá rồi đề nghị với người đàn ông giầu có :”Ôâng là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh giá không”. Ông đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá. Bấy giờ thánh Philipphê dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giầu đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với tới cây Thánh giá. Ôâng làm theo ý thánh nhân và sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Sau đó ngài nói với ông :”Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải”.
Chúa Giêsu bảo chúng ta : hãy dùng tiền của và cư xử cách nào để đem lại ích lợi cho cuộc sống hôm nay và đồng thời cũng đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau nữa.
Một phương thế Chúa dạy chúng ta là : hãy chia sẻ. Chúa không đòi chúng ta phải từ bỏ tất cả để theo Chúa, nhưng Chúa đòi chúng ta phải biết chia sẻ : chúng ta chia sẻ cho người khác một, Chúa sẽ trả lại cho chúng ta gấp nhiều lần.Theo kinh Hòa bình của thánh Phanxicô Assisi thì chính lúc cho đi là lúc được nhận lãnh và được lãnh nhận dồi dào, nhất là lãnh nhận ở đời sau.