BÍ TÍCH GIAO HÒA
ĐGM. Phaolô Bùi Văn Đọc
PHẦN I. LỊCH SỬ BÍ TÍCH GIẢI TỘI TRONG NĂM THẾ KỶ ĐẦU
A. NGUỒN GỐC, CHIỀU RỘNG VÀ SỰ HỮU HIỆU CỦA PHÉP XÁ GIẢI TRONG HỘI THÁNH
Phần lớn các sử gia không Công giáo, khi nghiên cứu lịch sử xá giải trong Giáo Hội, đưa ra những kết luận như sau :
1. Kỷ luật xá giải của Giáo Hội không do ý muốn minh nhiên của Đức Giêsu. Giáo Hội sơ khai tự coi mình là Giáo Hội những người thánh, nên không chấp nhận sự thống hối nào khác ngoài sự thống hối để chịu phép Rửa. Những kitô-hữu có tội, nếu phạm những tội trầm trọng và công khai, thường bị khai trừ khỏi cộng đồng. Về sau, vì số người theo đạo ngày càng đông, nên số kitô-hữu có tội cũng ngày càng đông, sự nghiêm khắc của Giáo Hội giảm bớt dần dần.
2. Trong Giáo Hội lúc ban đầu, không phải mọi tội đều được tha. Mãi cho tới giữa thế kỷ II, Giáo Hội mới chấp nhận cho những tội nhân đã hoán cải trở lại hiệp thông, trừ những người phạm tội “chối đạo”, “giết người” và “ngoại tình”. Chúng ta biết điều này do chứng từ của Pasteur d’Hermas vào khoảng năm 150. Đức Thánh Cha Callixtô chấp nhận xá giải cho những người phạm tội ngoại tình, dù các giáo phụ Hippolyte, Tertullien và Origène phản đối. Thời Cornêliô và Cyprianô, Đức Thánh Cha (251) lại chấp nhận xá giải cho những người chối đạo đã ăn năn thống hối, và do đó có phái ly khai Novatianô. Sau cùng, vào khoảng năm 314 (Công Đồng Ancyre), tội giết người cũng được xá giải.
3. Kỷ luật xá giải không có giá trị bí tích, vì chỉ mang lại sự hòa giải với Giáo Hội, chứ không có sự hòa giải với Thiên Chúa.
Mọi sử gia Công giáo khẳng định là có bí tích giải tội ngay từ những ngày đầu của Hội Thánh, dựa trên chứng từ của Tân Ước. Về chiều rộng của bí tích thì có ý kiến khác nhau :
– Một số người chủ trương rằng Giáo Hội, trong những thế kỷ đầu, ít nữa là đến cuối thế kỷ III, không chấp nhận xá giải cho các tội “chối đạo”, “giết người” và “ngoại tình”, vì lý do mục vụ.
– Đa số cố gắng minh chứng rằng Giáo Hội, ngay từ đầu, đã không từ chối ơn tha thứ và hòa giải đối với những tội nhân thực sự thống hối, dù đã phạm ba thứ tội trầm trọng. Có vài giám mục, trong một số vùng, đã không chấp nhận xá giải cho ba thứ tội này trong một thời gian khá lâu.
B. HÌNH THỨC XÁ GIẢI TRONG GIÁO HỘI SƠ KHAI
Một trong các lý do khiến cho các sử gia không Công giáo chối bỏ sự hữu hiệu của bí tích giải tội trong Giáo Hội sơ khai là nhận thấy mãi đến thế kỷ VI-VII, chưa có hình thức xá giải riêng hay cá nhân như bí tích giải tội sau này.
Các sử gia Công giáo đều nỗ lực tối đa để minh chứng hình thức hiện nay của bí tích Giải tội đã bắt nguồn từ xa xưa. Morin (+1651) cho rằng kỷ luật xá giải công khai chỉ áp dụng cho ba thứ tội trầm trọng, những thứ tội trọng khác, được xá giải riêng. Petavio và Petau thì cho rằng kỷ luật xá giải công khai dành cho những tội trọng công khai, còn việc giải tội riêng dành cho những tội trọng còn kín. Gần đây, Galtier và Grotz (1955) cho rằng từ đầu vẫn có cả hai cách xá giải riêng và công khai song song với nhau, cả hai đều có giá trị bí tích.
Ngày nay, ai ai cũng đều thống nhất rằng kỷ luật xá giải trước đây trong Giáo Hội rất khác với hình thức giải tội hiện nay.
Rất nhiều người đồng ý khẳng định rằng chưa bao giờ có hình thức giải tội riêng được coi là bí tích, khác biệt với sự “xá giải công khai” cho tới thế kỷ VI-VII khi bắt đầu có biểu giá đền tội.
Amman viết : “Trong các xứ đạo có lâu đời, việc rửa tội người lớn là một điều rất hiếm. Bối cảnh này xác định việc thực hành bí tích Giải tội. Chúng ta rất khó tưởng tượng ra các cộng đồng tiên khởi, nơi mà đa số những người chịu phép Rửa đều đã trưởng thành, đôi khi rất lớn tuổi, chính vì thế đòi hỏi sự hoán cải rất chân thật và sâu xa. Nếu chúng ta “thực sự” nghĩ tới đời sống luân lý của những cộng đồng nhỏ như vậy, được quyền bính chăm sóc và hướng dẫn kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy rằng bấy giờ bí tích Giải tội không cần thiết như ngày hôm nay” (DTC [1973], 757).
Vấn đề từ ngữ cũng rất phức tạp. Chữ “công khai” (publique) có thể làm cho ta hiểu rằng người có tội phải “xưng thú lớn tiếng” trước đám đông mọi tội của mình. Thực ra, đã không bao giờ có như thế. Năm 459, Đức thánh cha Lêô Cả đã nghiêm cấm điều này trong Thư gửi các Giám mục xứ Campania : “Đó là một cách hành xử ngược với Truyền thống Tông Đồ, một cách hành xử được bày ra không đúng phép, như tôi vừa được biết, và tôi ra lệnh hủy bỏ. Chúng tôi cấm đọc công khai (trước mặt mọi người) danh sách các tội. Chỉ cần xưng tội với Giám mục trong một cuộc đàm thoại kín” (Epistula 168,2 : PL 54, 1210-1211).
1. Những tội được Giáo Hội xá giải
Nguyên tắc chung là “mọi tội trọng làm tách lìa khỏi Nhiệm Thể Chúa Kitô đều phải đặt dưới kỷ luật xá giải của Giáo Hội”.
Các tội ấy được gọi bằng nhiều tên khác nhau : tội ác (scelera, crimina), tội đầu (peccata capitalia), tội lớn hơn (peccata majora), tội nặng hơn (peccata graviora), tội ác làm đầu (delicta capitalia), tội trọng (peccata mortalia). Còn các tội nhẹ (peccata quotidiana, levia) được tha nhờ lời cầu nguyện riêng hay cộng đồng, nhờ ăn chay bố thí và các việc lành. có khi những lời cầu nguyện hay những việc đền tội, được thi hành dưới sự hướng dẫn của những con người “đạo đức” (thiêng liêng).
Cần lưu ý là trong thời gian này chưa có sự phân biệt thật chắc chắn giữa tội nặng và tội nhẹ.
Theo học giả Vogel, từ đầu đến giữa thế kỷ II, Giáo Hội dựa vào các sách Tân Ước và Giáo phụ Sứ Đồ có lẽ đã sắp xếp theo một thứ tự nặng nhẹ tương đối : 1) tội lỗi đức trong sạch (impureté) : ngoại tình (luxuria), thông dâm (fornication), loạn luân (pédérastie), dục tình, tục tĩu ; 2) tội giết người ; 3) tội thờ quấy ; 4) tội ma thuật ; 5) tội hà tiện ; 6) tội ăn cắp ; 7) tội tham lam : ganh tị, hám lợi, háo danh, ghét ; 8) tội gian dối : làm chứng gian, thề gian, giả hình, vu cáo ; 9) tội xấu nết : nóng giận, phản loạn, tranh cãi, hành vi đồi bại, chửi thề, bất công, lừa gạt ; 10) tội kiêu ngạo : khoác lác, phù vân, tự cao ; 11) tội thiếu kiên trì và thiếu sáng suốt ; 12) tội say rượu, không điều độ.
Nhìn vào danh sách các tội do Vogel đưa ra, chúng ta phải công nhận là sự phân biệt cũng như sắp xếp các tội chưa rõ ràng và chắc chắn.
Theo Vogel, vào thế kỷ VI, có danh sách tội trọng :
a. Tội phạm mười giới răn : phạm thánh, chối đạo, dị đoan, giết người, ngoại tình, thông dâm, tội không thực hành “lịch cấm quan hệ chăn gối”, tội xem trò dâm dật – chết người, tội khiêu vũ, ăn trộm, làm chứng gian, thề gian, cáo gian, phá thai.
b. Các mối tội đầu : tội hà tiện, thù ghét, tham lam, nóng giận, kiêu căng, hay say rượu.
c. Các tội khác : tội bị xử phạt đại hình theo dân luật, tội do nhiều tội nhẹ chồng chất – [quan niệm các tội nhẹ chồng chất thành tội trọng cho thấy thần học về yếu tính của tội còn đang thời kỳ phôi thai].
Danh sách các tội nhẹ cũng đã có :
a. Tội nhẹ phạm đến Thiên Chúa : lo ra khi cầu nguyện, chậm trễ trong việc đọc kinh, lời thề bất cẩn, lời khấn hứa vô trách nhiệm.
b. Tội nhẹ phạm đến tha nhân : Nói xấu, cáo gian, phán đoán vội vã, thinh lặng đồng lõa, cứng cỏi với tha nhân, không tử tế với người ăn xin, không hòa giải, nịnh bợ.
c. Tội nhẹ đối với bản thân : ham ăn, lười biếng, tư tưởng xấu, nhìn không trong sạch, thích nói chuyện tục, quan hệ chăn gối mà không có ý muốn sinh con, nói chuyện nhảm trong nhà thờ.
Theo K. Rahner, mặc dù trên nguyên tắc, chỉ những trọng tội mới giải quyết theo kỷ luật xá giải của Giáo Hội ; trong thực tế, kỷ luật ấy đã ứng dụng rộng rãi, vượt ra ngoài các trường hợp tội phạm trầm trọng (K, Rahner, La Penitenza della Chiesa, Ed. Paoline, Roma 1964, p. 482) .
Chúng ta có thể vẽ ra bối cảnh của vấn đề bằng một số nét chủ yếu. Theo những chứng từ cổ, từ đầu trong Giáo Hội đã có việc thực hành nghi thức hòa giải, do Giám mục điều khiển. Mọi tội được coi là trọng đều phải theo kỷ luật xá giải này. Những khẳng định tổng quát trong thư I Clêmentê là bằng chứng theo chiều hướng đó :
“Các con yêu dấu, thật là một điều xấu hổ quá lớn : người ta kể lại rằng Giáo Hội Côrintô phản loạn chống các trưởng lão vì cớ một hai cá nhân nào đó. Thật là bất xứng với hạnh kiểm cần phải có dưới quyền thủ lãnh của Chúa Kitô. Tiếng đồn không những đến với chúng tôi, mà ngay cả những người không cùng niềm tin với chúng ta, đến nỗi Danh Chúa đã bị xúc phạm vì sự điên rồ của các con, và vì các con tự liều mình nguy hiểm.
Hãy mau tiêu diệt sự dữ ấy và hãy quỳ gối dưới chân Chúa, hãy khóc lóc khẩn cầu Người thương, hòa giải chúng ta và tái lập nơi chúng ta sự thực hành đức ái huynh đệ cách đạo đức và thánh thiện” (S. Clément I, I Ep. c. 47, 6-7 ; 48, 1 : Écrits des Pères Apost. Cerf 1963, p. 97).
Đối với Ignatiô Antiôkia, ngay cả những người lạc giáo hoán cải cũng được ơn hòa giải và đưa vào sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Pasteur d’Hermas cũng chấp nhận hòa giải các tội nhân phạm ba loại tội trầm trọng, dĩ nhiên đòi hỏi đền tội lâu dài. Cả Irênê và Clêmentê thành Alêxandria cũng cho phép hòa giải các tội nhân ngoại tình, giết người, lạc giáo.
Có lẽ Tertullien là người đầu tiên đưa ra danh sách các tội trọng phải tuân theo kỷ luật xá giải của Giáo Hội : tội bỏ đạo, tội thờ bụt thần, tội cáo gian, tội dâm dục, tội ngoại tình, tội thông dâm, tội giết người, tội làm chứng dối, tội lường gạt, tội nói dối, tội xem trò tục tĩu và đổ máu, tội ham mê của cải.
Khi theo phái Montanô, Tertullien mới chủ trương người phạm tội ngoại tình không được hòa giải với Thiên Chúa nhờ Giám mục, nhưng phải nhờ “người đạo đức” (spirituel).
Origène cũng đưa ra danh sách các tội trọng, phần lớn là các tội khai trừ khỏi Nước Thiên Chúa, giống như danh sách của các thư Phaolô. Những tội ấy đều phải được phép xá giải của Hội Thánh.
Thánh Cyprianô, với tư cách là Giám mục, đã đòi hỏi quyền điều khiển kỷ luật xá giải, nại đến Tin Mừng Mt 18,18. Năm 251, ngài quyết định cho những người đã sa ngã bỏ đạo được hòa giải lại với Hội Thánh, vừa chống lại nhóm khắc nghiệt vừa chống lại nhóm buông lỏng. Công Đồng Carthage đã phê chuẩn lập trường của thánh Cyprianô giống như lập trường Đức thánh cha Cornêliô. Người có chứng chỉ chối đạo dễ được chấp nhận hòa giải hơn. Những người đã tế lễ cho bụt thần thường phải đợi đến giờ chết. Khi Cornêliô được bầu làm Giáo hoàng, Nôvatianô, vì chủ trương khắt khe, đã ly khai khỏi Giáo Hội.
2. Phụng vụ xá giải
Có nhiều chứng từ thuộc những thế kỷ đầu cho biết có phụng vụ xá giải trong Giáo Hội, nhưng hình thức cử hành chưa được xác định rõ ràng. Chỉ từ thế kỷ III mới có những nét rõ hơn. Từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI có nhiều chứng từ, phần đông lấy lại phụng vụ thế kỷ III và bổ sung thêm vài yếu tố. Dù mỗi Giáo Hội có sắc thái riêng, vẫn có thể nêu ra những nét lớn chung quanh phụng vụ xá giải từ thế kỷ III-VI. Những nét lớn ấy thường được các Công Đồng xác định : Ancyre (314), Neocesarea (314-325), Nixê (325), Antiôkia (341). Đối với Giáo Hội Đông phương, các thư luân lưu về đền tội của các giáo phụ như Grêgôriô Taumaturgô (+270), Pietro d’Alexandria (+311), Basiliô Magno và Grêgôriô Nissênô đóng vai trò rất quan trọng. Trong Giáo Hội Tây phương thì có Cyprianô, Tertullianô, Ambrôsiô, Augustinô, Lêô Cả.
a. Sự gia nhập đoàn người đền tội và việc đền tội
Chính Giám mục, đôi khi linh mục, quyết định cho một người kitô-hữu gia nhập đoàn người đền tội. Khi có người phạm tội ác tỏ tường, và Giám mục biết trực tiếp hay do ai tố cáo, thì Giám mục ra quyết định đền tội. Nếu tội nhân từ chối, Giám mục có thể ra vạ tuyệt thông và khai trừ khỏi cộng đoàn.
Thường xuyên hơn, nhất là khi tội đã phạm còn kín, tội nhân đến với Giám mục hoặc linh mục để xưng thú tội mình. Giám mục nhận định xem tội ấy có phải chịu kỷ luật đền tội không ; Giám mục cũng xác định cách thức và thời gian theo những quy định hay tập tục của Giáo Hội địa phương. Bấy giờ tội nhân công khai gia nhập đoàn người đền tội.
Tiến trình có thể phân biệt như sau : tội nhân xin đền tội (petere paenitentiam), giám mục ra việc đền tội (imponere paenitentiam), tội nhân lãnh việc đền tội (accipere paenitentiam). Và đó là một nghi thức phụng vụ. Nghi thức này không nhằm hạ nhục tội nhân, nhưng làm nổi bật sự tách lìa thiêng liêng của tội nhân khỏi Giáo Hội và mời gọi cả Cộng đồng dấn thân đồng hành với tội nhân trong hành trình hoán cải và đền tội.
Đôi khi nghi thức phụng vụ bao gồm sự thú nhận công khai và tổng quát tội lỗi của mình, công nhận mình là tội nhân. Nhưng thông thường thì gia nhập đoàn người đền tội đã là tự coi mình như tội nhân. Không bao giờ đòi buộc xưng thú tội lỗi công khai cách chi tiết.
Nghi thức bao gồm việc Giám mục đặt tay, dấu chỉ nhận tội nhân thống hối trở về hiệp thông với Giáo Hội. Một vài nơi, Giám mục còn mặc cho tội nhân “chiếc áo nhặm”, có nơi bắt “cạo đầu”, nơi khác bắt để râu để tóc, v.v.
b. Hành vi đền tội
Theo chứng từ của Tertullianô, vào đầu thế kỷ III, có rất nhiều cách đền tội hoặc riêng hoặc chung.
Đền tội riêng, tội nhân phải ăn chay, ngủ trên giường gồ ghề có rắc tro, khóc lóc và đọc kinh lâu giờ, không tắm rửa.
Đền tội công khai, tội nhân mặc bao bố, xin các thánh Tử Đạo, các tín hữu cầu nguyện, quỳ gối ở tiền đường nhà thờ, sau đó vào chỗ dành riêng cho kẻ có tội, không được hiệp thông Thánh Thể cho tới khi nào được hòa giải.
Trong thời gian từ thế kỷ IV – VI có ba loại bổn phận đền tội :
1. Bổn phận tổng quát : các tội nhân phải sống cuộc đời hãm mình, ăn chay, bố thí, làm các việc minh chứng mình thực sự hoán cải, bằng không sẽ không được lãnh ơn hòa giải. Hãm mình rõ nhất là “kiêng thịt”.
2. Đòi hỏi nghi thức : phụng vụ có những nghi thức dành riêng cho việc thanh tẩy tội lỗi : trong mùa Chay, các trưởng lão đặt tay trên đầu tội nhân ; trong những ngày lễ, tội nhân phải cầu nguyện quỳ gối, đôi khi tội nhân phải đưa xác kẻ chết tới nhà thờ và lo chôn cất.
3. Bổn phận đền tội : đây là những điều cấm làm để đền tội, ngay cả sau khi được hòa giải, ví dụ : cấm buôn bán, cấm làm công chức, cấm tham gia tòa án, cấm chịu chức thánh. Có nơi còn cấm quan hệ vợ chồng, cấm tái giá v.v.
Tổ chức của Giáo Hội phân biệt bốn hạng người đền tội :
1) hạng khóc lóc (flentes) là những tội nhân chỉ được đứng ngoài cửa nhà thờ, mặc áo nhặm, khóc lóc nài xin cộng đoàn cầu nguyện cho mình ;
2) hạng lắng nghe (audientes), đứng ở lối vào nhà thờ, có thể nghe Lời Chúa, nhưng sau đó phải ra ngoài, không được tham dự Thánh lễ ;
3) hạng quỳ (substrati) được phép tham dự Thánh lễ, quỳ gối hay phủ phục ;
4) hạng đứng (consistentes) được đứng tham dự Thánh lễ, nhưng không được dâng của lễ và không được hiệp thông.
Bình thường, tội nhân thống hối phải trải qua cả bốn giai đoạn. Đôi khi, do nhiệt tình và thống hối tích cực, có thể giảm một vài giai đoạn.
Thời gian thực hiện việc đền tội cũng khác biệt tùy nơi và tùy thời. Tác phẩm “Didascalia Apostolorum” ở Syria đòi hỏi từ hai đến bảy tuần. Origène thì đòi hỏi thời gian lâu hơn thời gian dự tòng, nghĩa là hơn ba năm. Đối với tội sát nhân, thánh Basiliô Cả đòi hỏi hai mươi năm chia làm bốn giai đoạn : giai đoạn khóc lóc (4 năm), giai đoạn lắng nghe (5 năm), giai đoạn quỳ (7 năm) và giai đoạn đứng (4 năm).
Sau thế kỷ IV, thời gian đền tội có giảm. Người quyết định thời gian đền tội là Giám mục. Ngài căn cứ vào mức độ trầm trọng của tội và sự dấn thân hoán cải của tội nhân. Giám mục tuân theo quy định của các Công Đồng và không thể tự ý thay đổi những đòi hỏi căn bản dành cho từng giai đoạn.
Tội nhân nào không tuân hành, bỏ dở giai đoạn đền tội, thì bị vạ tuyệt thông vĩnh viễn, được coi như bỏ đạo.
c. Hòa giải và ban ơn xá giải
Sau giai đoạn đền tội, tội nhân thống hối được hòa giải bằng một nghi thức phụng vụ tương đối trọng thể, với sự tham dự của cả cộng đoàn. Nghi thức này gồm việc đặt tay của Giám mục với “lời nguyện tư tế” (prière sacerdotale). Có những bản văn tường thuật tương đối tỉ mỉ : cả cộng đoàn cầu nguyện và đưa tội nhân vào nhà thờ, đến trước bàn thờ tội nhân xin mọi người cầu nguyện và xin Giám mục ban ơn hòa giải ; Giám mục thường giảng một bài, đặt tay lên đầu và đọc lời xá giải. Tất cả nghi thức đều chỉ việc hòa giải với Giáo Hội và lãnh nhận ơn Thánh Thần. Do đó việc hòa giải thường kết thúc bằng hiệp thông Thánh Thể.
3. Đặc điểm của kỷ luật xá giải
a. Một lần duy nhất, không tái diễn. Đặc điểm quan trọng nhất của kỷ luật xá giải trong Giáo Hội thời ban đầu là đặc tính duy nhất, chỉ thực hiện một lần và không được tái diễn. Nguyên tắc này do Pasteur d’Hermas nêu ra đầu tiên. Ông gọi là “rửa tội lần thứ hai”, “hoán cải lần thứ hai”, nhờ đó tội nhân được hoàn toàn tha thứ một lần nữa. Việc sa ngã lại sau khi hòa giải được coi như dấu hiệu chưa hoán cải. Nguyên tắc này được tuân giữ cho đến thế kỷ VI-VII. Dù vậy, cũng không nên quên rằng trước đó Giáo Hội không hoàn toàn bỏ rơi tội nhân sa ngã lại, vẫn cầu nguyện cho họ, cho họ trở lại gia nhập đoàn người đền tội, nhưng thường không xá giải cho họ, trừ khi nguy tử, bấy giờ Giáo Hội mới chấp nhận đưa Của Ăn Đàng đến cho họ.
Nguyên tắc trên không là một quy luật phổ quát và bất biến, vì lịch sử sau này minh chứng. Nhưng dù việc thực hành phép Xá giải có biến chuyển nhiều sau này, ý nghĩa thần học của nguyên tắc này vẫn còn : nếu xét tận thâm sâu trong tâm hồn, phải nhận rằng hoán cải thực sự là “hoán cải hoàn toàn và trọn vẹn”.
b. Lao nhọc và nghiêm khắc. Đặc điểm này minh chứng sự nghiêm túc của việc hoán cải. Hoán cải phải là hành động hữu hiệu tiêu diệt sự dữ mà tội lỗi đã tạo ra. Phải thực hiện và biểu lộ sự hoán cải bằng một chuỗi những hành vi được lập đi lập lại cách kiên trì. Lý do thứ hai là quan điểm coi tội trọng phạm sau phép Rửa còn nặng nề hơn các tội phạm trước phép Rửa. Truyền thống, từ Pasteur dHermas, còn cho rằng phép Rửa tha tội và cả hậu quả của tội ; còn phép Xá giải không xóa những hậu quả của tội nên đòi hỏi lao nhọc vất vả để đền tội và hoán cải thực sự. Việc phạm tội trọng sau phép Rửa được coi là dấu hiệu thiếu kết hiệp với Đức Kitô và Giáo Hội, dấu hiệu cưỡng lại tác động của Chúa Thánh Thần, chống lại năng lực cứu rỗi phát sinh từ phép Rửa.
c. Hiếm hoi hoặc “luật trừ”. Rất ít kitô-hữu nhận lãnh phép Xá giải, có nhiều lý do : Lý do thứ nhất là chưa phân biệt rõ giữa tội trọng và tội nhẹ, và chỉ coi tội trọng và tỏ tường mới phải tuân hành kỷ luật xá giải. Khi các cộng đoàn kitô-hữu còn ít người và sốt sắng, rất ít người phạm tội trọng. Lý do thứ hai là sự nghiêm nhặt và đặc tính duy nhất của phép Xá giải. Sau khi tôn giáo được tự do thời Constantinô, nguyên tắc này vẫn giữ, nhưng xảy ra một tình trạng ngược đời : nhiều Giám mục khuyên giới trẻ đừng nhận phép Xá giải, vì sợ họ không giữ mình được mà tái phạm. Những người có vợ có chồng không thể nhận lãnh phép Xá giải, nếu vợ hay chồng không đồng ý. Giáo sĩ và đan sĩ không được nhận lãnh phép Xá giải. Giáo sĩ phạm tội trọng và tỏ tường thì bị hạ bệ ; nếu hoán cải, chỉ được thông phần bí tích Thánh Thể như giáo dân thường. Như vậy, việc thực hành phép Xá giải dành riêng cho một số người già, chuẩn bị chết lành.
4. Đặc tính bí tích của phép Xá giải
Phải nhớ rằng thời gian đầu trong Giáo Hội, thần học về bí tích chưa phát triển mạnh, định nghĩa về bí tích chưa rõ ràng và chắc chắn. Phải rất cẩn thận và mềm dẻo trong việc phân tích các chứng từ để tìm ra một số yếu tố căn bản.
a. Giá trị của việc hoán cải chủ thể
Các giáo phụ đồng thành khẳng định sự cần thiết phải hoán cải và đền tội để được ơn tha thứ. Để được tha các tội hằng ngày (tội nhẹ), nỗ lực hoán cải cùng với lời cầu nguyện riêng cũng như chung của cộng đoàn, được coi như đủ.
Sự hoán cải giống như ngọn lửa thiêu đốt, do Ngôi Lời thắp lên nơi tâm hồn những người có tội, thanh tẩy họ khỏi các tội lỗi và dấu vết của tội, giúp họ thoát khỏi sự phán xét tương lai của Thiên Chúa. Đau khổ kèm theo nỗ lực hoán cải và đền tội được nhiều tác giả coi như thông phần cái chết của Đức Kitô, cùng chịu đóng đinh với Người. Theo Origène, chính Đức Kitô chịu đau khổ với những tội nhân sám hối, những người thông phần cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh của Người nhờ phép Rửa.
b. Sự can thiệp của Giáo Hội
Sự can thiệp của Giáo Hội được coi là hữu hiệu và trong trường hợp tội trọng, là cần thiết để tội nhân được hòa giải với Thiên Chúa.
Thánh Augustinô viết : “Lòng mến của Hội Thánh, gieo trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần, tha tội lỗi cho những ai thông phần, cầm buộc đối với những ai không đón nhận” (In Joannis ev. Tract. 121,4 : PL 35, 1958).
“Hòa giải với Giáo Hội sẽ mang lại ơn tha tội, không hòa giải với Giáo Hội thì không được tha” (De baptismo contra Donatistas III, 18,23 : PL 43, 151).
Tất cả cộng đồng tham dự cách hữu hiệu vào việc hòa giải tội nhân với Thiên Chúa, mang lại ơn tha các tội nhẹ cũng như tội trọng.
Sự tham dự hay can thiệp của cộng đồng Giáo Hội được diễn tả bằng ba hình thái khác nhau :
– Lời cầu nguyện hướng về Thiên Chúa để xin ơn tha tội cho anh em, để nâng đỡ những người sám hối trong nỗ lực hoán cải, giúp đỡ họ từ bỏ tội lỗi, diệt trừ hậu quả của tội. Lời cầu nguyện này không chỉ là lời cầu bầu có giá trị riêng lẻ, mà là lời kinh phụng vụ của Nhiệm Thể Đức Kitô, chắc chắn mang lại ơn tha tội. Cộng Đồng còn cử hành Thánh Thể để xin ơn tha tội cho anh em.
– Lòng mến, tình huynh đệ mà Cộng Đồng dành cho tội nhân cũng là sự tha thứ của Cộng Đồng, vì tội đã phạm như làm “sứt mẻ” sự thánh thiện của Cộng Đồng. Lòng mến được biểu lộ bằng lời cầu nguyện, còn được biểu lộ bằng gương lành, cuối cùng biểu lộ bằng việc sửa sai huynh đệ.
– Hình thái khác nữa là Cộng Đồng lắng nghe Lời Chúa, cùng sám hối với tội nhân. Lời Chúa có sức mạnh cứu độ, mang lại ơn tha thứ các tội nhẹ và tội trọng.
Trong toàn bộ sự can thiệp của Cộng Đồng Giáo Hội để xin ơn sám hối và hòa giải cho tội nhân, sự can thiệp của Giám mục là điều cần thiết hơn cả. Sự hòa giải chính thức do Giám mục ban cho là một sự hòa giải hữu hiệu. Nhờ việc đặt tay và “lời nguyện tư tế” của Giám mục, tội nhân lãnh nhận ơn Thánh Thần.
Sự hữu hiệu đặc biệt của hành vi xá giải chính thức của Giám mục có nhiều ý nghĩa, và đôi khi được giải thích khác nhau. Có người cho rằng đó là điều kiện tất yếu để được Thiên Chúa tha tội. Cyprianô viết : “Ai không có Giáo Hội là Mẹ thì không có Thiên Chúa là Cha”.
Người khác cho rằng hành vi xá giải của Giám mục có giá trị nguyên nhân : kết hiệp với Đức Kitô, do quyền bính nhận lãnh từ Người, hành vi ấy mang lại ơn cứu độ cho tội nhân. Các giáo phụ thường trích dẫn Mt 16,18-19 và Ga 20,22-23.
Người khác nữa cho rằng hành vi của Giám mục nhằm đưa người anh em đã phạm tội trở lại với Cộng Đồng Giáo Hội để lãnh nhận ơn Thánh Thần.
Sự can thiệp của Giám mục không thể tách rời khỏi sự can thiệp của cả Cộng Đồng Giáo Hội : tính hữu hiệu đặc biệt của sự can thiệp ấy biểu lộ và thực hành trong lòng Giáo Hội. Toàn thể Giáo Hội là trung gian ơn cứu độ, củng cố tình yêu dành cho người anh em đã phạm tội và hòa giải người anh em với Thiên Chúa. Sự can thiệp của Giám mục là cần thiết và bất khả thay thế, vì quyền bính đặc biệt mà ngài đã lãnh nhận từ Chúa Kitô để phục vụ cả Cộng Đồng. Nó làm cho hành vi của cả Cộng Đồng trở nên hữu hiệu. Cũng như nhờ phép Rửa, cả Giáo Hội sinh hạ những người con trong đời sống đức tin : nhờ phép Xá giải, cả Giáo Hội tha thứ cho người anh em đã phạm tội.
c. Kết hợp giữa hai yếu tố : sám hối chủ thể và Giáo Hội can thiệp
Có người, vì quá nhấn mạnh sự sám hối chủ thể, làm cho người khác nghĩ rằng sự hòa giải của Giáo Hội chỉ là “công bố” ơn tha thứ đã được ban.
Nhưng đa số các giáo phụ đều lưu ý chiều kích Giáo Hội của tội : tội lỗi đi ngược chiều với sự thánh thiện của Giáo Hội và năng lực cứu rỗi do phép Rửa. Các ngài coi sự hoán cải của tội nhân là trở về với Giáo Hội. Điều đó làm cho các ngài chủ trương có một quan hệ mật thiết giữa sự sám hối của tội nhân và sự dấn thân của toàn thể Giáo Hội để đưa tới sự hòa giải. Cả hai yếu tố chủ quan và khách quan đều là hoa quả của Thánh Thần.
Thánh Thần của Đức Kitô thúc đẩy tội nhân sám hối, từ bỏ tội lỗi. Cũng Thánh Thần ấy thúc đẩy toàn thể Giáo Hội giúp đỡ tội nhân hoán cải và ban cho họ cách chính thức ơn tha thứ của Thiên Chúa.
C MỘT SỐ THỰC HÀNH SONG SONG VỚI PHÉP XÁ GIẢI CỦA HỘI THÁNH
1. Việc xưng tội, việc sửa đổi và hướng dẫn thiêng liêng
Theo Cyprianô, Origène và một số giáo phụ khác, có một cách sám hối và lãnh nhận ơn tha thứ cho những tội lỗi hằng ngày là thú nhận các tội ấy với một linh mục, để ngài khuyến thiện và chữa lành bằng lời cầu nguyện và những lời khuyên. Trong Giáo Hội Đông phương, thường người ta xưng tội với các vị hướng dẫn thiêng liêng. Vị này xác định tội nào phải chấp nhận kỷ luật xá giải, tội nào có thể được tha thứ bằng lời cầu nguyện.
Từ thế kỷ IV-V, cách xưng tội này được lập đi lập lại nhiều lần, xưng với đan sĩ, có khi với giáo dân ; các đan sĩ cũng xưng tội với nhau. Cách thực hành này ngày càng lan rộng.
Galtier và Grotz coi đó là một hình thái xưng tội riêng như hiện nay. Thực ra không đúng, vì nếu không có tội trọng thì việc xưng tội nhằm mục tiêu sửa đổi đời sống và được hướng dẫn thiêng liêng để chiến thắng các nết xấu. Thánh Augustinô còn nói đến một loại “thuốc chữa” thiêng liêng mà Giám mục có thể dùng để giúp các tín hữu hoán cải và nhận lãnh ơn tha thứ cho các tội nhẹ. Trong trường hợp tội trọng, Giám mục không ban phép Xá giải riêng, nhưng cho tội nhân gia nhập đoàn người đền tội theo kỷ luật xá giải.
2. Hòa giải không cần hành vi đền tội
Từ thế kỷ IV – V, Giáo Hội ban “phép Hòa giải” chính thức cho những người hấp hối có biểu lộ lòng ăn năn, không đòi buộc gia nhập đoàn người đền tội.
Có người cho đó là bí tích Giải tội riêng. Nhưng phần đông các học giả cho rằng đó chỉ là thích nghi và rút vắn kỷ luật xá giải của Giáo Hội. Còn những trường hợp khác, thì Giáo Hội chưa công nhận chính thức là hành vi hữu hiệu để đền tội và mang lại ơn tha thứ. Phúc lành sám hối (benedictio paenitentiae) không là phép Giải tội riêng, mà là một cử chỉ liên đới với tội nhân đã hoán cải ; tội nhân ấy được Giáo Hội nâng đỡ trong đời sống đền tội với tư cách đan sĩ hay một người trở lại.
3. Hiệp thông Thánh Thể cho tội nhân kitô-hữu không có hòa giải trước
Bất cứ ai thuộc về “đoàn người đền tội” thì không được hiệp thông Thánh Thể. Từ thế kỷ IV-V trở đi, có rất nhiều kitô-hữu không muốn gia nhập đoàn người đền tội.
Một số khá đông trong những người này được hiệp thông Thánh Thể. Trường hợp những giáo sĩ phạm tội trọng và tỏ tường, thường không phải chịu kỷ luật xá giải như những người khác, nhưng, nếu thực sự thống hối, được hiệp thông Thánh Thể như giáo dân. Nhiều đan sĩ và những người trở lại cũng thế. Lời khấn đan sĩ được coi như phép Rửa thứ hai, một loại sám hối đền tội. Kẻ đã phạm tội ác, sám hối, đi tu, trở thành đan sĩ, nếu hoán cải thực sự, cũng được hiệp thông Thánh Thể, dù trước đó chưa được hòa giải chính thức.
Những người trở lại cũng vậy, dù không trở thành đan sĩ, nhưng sống đời khổ hạnh vì sám hối.
Những kitô-hữu, khi đã tái phạm sau một lần được xá giải chính thức, cũng có thể được hiệp thông Thánh Thể như Của Ăn Đàng trước khi chết, dù không được chính thức xá giải lại.
Sau thế kỷ IV, vì số kitô-hữu tăng quá nhanh, có những người đến hiệp thông Thánh Thể mà không lưu ý tới đời sống luân lý. Một số giáo phụ như Gioan Kim Khẩu, Hiêrônimô, Augustinô phải ra vạ tuyệt thông đối với một số, cảnh cáo một số khác và khuyên nhủ các kitô-hữu chuẩn bị xứng đáng.
PHẦN II : BIẾN CHUYỂN TỪ THẾ KỶ VI-VII
A. SÁM HỐI THEO GIÁ BIỂU (PENITENZA TARIFFATA)
1. Nguồn gốc và biến chuyển
Hai Công Đồng địa phương Toledo (589) và Châlons-sur-Saone (647-653) đều có nói đến. Nhưng mỗi Công Đồng một kiểu. Công Đồng Toledo thì lên án, đòi phải trở về với cách thực hành của Giáo Hội. Công Đồng Châlons xem ra không những chấp nhận, mà còn khuyến khích : “Phép Giải tội là thuốc chữa linh hồn, chúng tôi tin là rất hữu ích cho mọi người. Mọi linh mục đều đồng tâm khẳng định rằng mỗi lần có ai xưng tội, hãy ra việc đền tội cho họ”.
Cách thực hành mới này có lẽ đã sinh ra và phát triển trong các đan viện thuộc các nước Anglo-saxons. Có lẽ các kitô-hữu ở nước Anh, Ái-nhĩ-lan không biết cách thực hành chính thức của Giáo Hội. Có lẽ thói quen xưng thú tội lỗi của các đan sĩ (manifestatio conscientiae) đã ảnh hưởng nhiều trên đời sống kitô-hữu, từ đó bắt đầu có việc xưng tội riêng, và tái diễn nhiều lần. Việc xưng thú này dần dần ứng dụng cho cả tội trọng.
Điều chắc chắn là cách thực hành mới này được phổ biến trong lục địa châu Âu bởi các đan sĩ Ái-nhĩ-lan. Năm 591, thánh Côlumbanô (543-615) đã vào nước Pháp cùng với 12 đan sĩ.
2. Đặc điểm
Đặc điểm quan trọng hơn cả của hình thái mới là sự “tái diễn” : tội nhân đã được xá giải, nếu sa ngã, được xưng tội và xá giải lại. Bí tích giải tội dần dần trở nên thuốc chữa các tội trọng sau phép Rửa. Từ thế kỷ VIII, bắt đầu có chu kỳ : mỗi năm một lần, trước ngày lễ Phục Sinh, hay vài lần trong năm.
Càng ngày, nghi thức trở thành “riêng tư” hơn : tội nhân đến với linh mục, thú nhận các tội lỗi mình ; không có nghi thức đặt tay cách công khai, cũng không có việc gia nhập đoàn người đền tội. Linh mục ra việc đền tội tùy theo mỗi loại tội, dựa vào một loại “giá biểu” đã được ấn định.
Tội nhân trả lời các câu hỏi của cha giải tội. Ngài hỏi dựa theo “thủ bản giải tội”. Theo một số thủ bản, tội nhân đương nhiên được tha tội sau khi làm xong các việc đền tội. Không có nghi thức hòa giải, nhưng chỉ có đền bù, rồi tha tội. Trên nguyên tắc, sau khi xưng tội và lãnh nhận việc đền tội, tội nhân rút lui để ăn chay cầu nguyện, làm việc đền tội, rồi mới trở lại để lãnh nhận phép Xá giải. Trường hợp đường sá xa xôi hay thời tiết khắc nghiệt, cha giải tội có thể đọc lời xá giải ngay. Ngài xá giải bằng cách đặt tay và đọc một số lời nguyện nhưng không có sự hiện diện của dân chúng, trừ những ngày lễ trọng như thứ Năm Tuần Thánh.
Thừa tác viên giải tội thường xuyên là linh mục. Giám mục chỉ làm những nghi thức xá giải trọng thể, công khai, chính thức theo như kỷ luật xá giải trong Giáo Hội.
3. Kỷ luật mới
Để cho các linh mục được dễ dàng trong công tác giải tội, các Giáo Hội địa phương cho soạn ra những “sách Giải tội” (libri paenitentiales) : sách Giải tội miền Bretagne, sách Giải tội Ái-nhĩ-lan, sách Giải tội Anh, sách Giải tội của lục địa Âu châu.
Theo các sách Giải tội, tuy có giá biểu đền tội khác nhau, nhưng vẫn giữ thói quen làm việc đền tội rất nặng. Giá biểu đền tội cho mỗi tội thường bao gồm những việc hãm mình thể xác, việc thức khuya cầu nguyện, việc đọc thánh vịnh, nhất là việc ăn chay nhiều ngày nhiều tháng, có khi nhiều năm. Trong các việc đền tội, còn có việc bỏ ra một số tiền cho nhà thờ hay tu viện, hy sinh “việc chăn gối” một thời gian lâu dài, hành hương đến mộ các thánh.
Nếu theo giá biểu các sách Giải tội, có khi tổng số các việc đền tội trở thành quá lớn, vượt quá thời gian của một cuộc đời. Để giải quyết vấn đề này, các sách Giải tội tiên liệu một số cách “bù trừ“, “thay thế” hay “chuộc” (compensation, commitation, edemption), thay thế những việc đền tội dài bằng những việc làm ngắn hơn nhưng gắt gao hơn.
Theo dân luật của Đức, có thể chuộc lại tội ác bằng một số tiền tương đương (Wehrgeld). Luật này được mang ra ứng dụng vào việc đền tội trong Giáo Hội.
Một cách khác để giải quyết các việc đền tội là xin cử hành một số lễ. Các sách Giải tội có ấn định giá biểu của lễ đền tội. Cách giải quyết này ảnh hưởng nhiều đến đời sống giáo xứ cũng như đan viện. Khi linh mục ở giáo xứ không làm hết các lễ đền tội, thì chuyển các lễ vào các đan viện. Các lễ đền tội trở thành một nguồn lợi tức cho các linh mục và các đan viện. Nguyên tắc là không được cử hành quá 7 lễ mỗi ngày, nhưng nếu những người “đền tội” xin, có khi một linh mục cử hành 20 lễ một ngày.
Một cách khác nữa là thuê làm việc đền tội. Sách Giải tội Pseudo-Teodoro viết : “Ai không thuộc các thánh vịnh hoặc vì thiếu sức khỏe, không thể nhịn đói, không thể thức đêm, không thể quỳ gối, không thể dang tay cầu nguyện, không thể quỳ mọp xuống đất, người đó hãy chọn một người khác làm việc đền tội thay thế mình và hãy thù lao cho người ấy, vì Sách có chép : “người này hãy mang gánh nặng của người kia”. Phần lớn những người nghèo và những đan sĩ làm việc đền tội thay cho người giàu.
Rõ ràng cách giải quyết như “chuộc”, “bù” hay “thay thế” v.v. rất dễ đưa tới lạm dụng. Trong thực tế, người ta đã lạm dụng quá mức tưởng tượng.
B. NHỮNG HÌNH THÁI ĐỀN TỘI CHÍNH THỨC THỜI TRUNG CỒ
Cuộc canh tân Giáo Hội thời Carolô Đại Đế muốn làm sống lại việc đền tội công khai và chính thức của Giáo Hội. Nguyên tắc được đề ra là “phạm tội công khai thì đền tội công khai, phạm tội kín thì đền tội riêng”.
Trong thực tế, việc đền tội công khai và chính thức giới hạn vào các tội nặng, đặc biệt tạo ra gương mù, như tội giết người, tội ngoại tình. Theo sách “Sacramentaire Gelasien”, thì thường đó là những tội phải đi tù. Cách đền tội công khai này cũng chỉ làm một lần và dành riêng cho giáo dân.
Nghi thức được ghi lại trong “Pontificale Romano Germanicum” diễn tiến làm hai thì :
1) ngày thứ Tư Lễ Tro là ngày bước vào giai đoạn đền tội bằng việc đọc một số kinh, mặc áo nhặm, nhận việc đền tội, có thể kèm thêm việc ở tù ;
2) ngày thứ Năm Tuần Thánh, tội nhân rời bỏ nơi mình đền tội, đến nhà thờ, quỳ sấp xuống đất – phó tế nài xin Giám mục rủ lòng thương xót và tha thứ ; Giám mục lên tiếng huấn dụ, sau cùng đọc lời nguyện hòa giải.
Vào cuối thế kỷ XII và trong những năm đầu thế kỷ XIII, trong Giáo Hội Latinh có sự sắp xếp lại việc đền tội làm ba loại : đền tội riêng, đền tội công khai và trọng thể, đền tội công khai những không trọng thể.
Theo Vogel, hình thái thứ ba này biến chuyển nhiều : “Việc đền tội công khai và không trọng thể đồng hóa với việc hành hương đền tội mà cha sở nào cũng có thể ấn định theo một nghi thức rất đơn giản : trao cho các tội nhân, trước cửa nhà thờ, các dấu hiệu hành trình đền tội : gậy và bị”.
Việc hành hương đền tội có thể lập lại nhiều lần, ứng dụng cho những tội giáo dân phạm tỏ tường, mà mức độ gương mù ít hơn (ăn cắp.) và các tội đặc biệt gây gương mù của giáo sĩ (phó tế, linh mục, giám mục). Những người hành hương đền tội là những tội nhân sám hối, chắc chắn là những kẻ phạm tội ác, phần lớn là các giáo sĩ phạm tội ác. Vì lý do đó, những cuộc hành trình đền tội thường xuyên gây ra những gương xấu trong thời Trung Cổ : có nhiều nhóm hành hương, trên lý thuyết là hành trình từ đền thờ này đến đền thờ khác để đền tội, trong thực tế, trong cuộc hành trình, họ còn nhiều lạm dụng xấu xa ghê tởm hơn nữa.
Khi đến đền thờ được chỉ định, họ tự coi như hoàn toàn được xá giải. Đền thờ Milan là một trong những nơi thời danh nhất. Thánh Địa và mộ các Tông Đồ cũng là những mục tiêu hành hương được ưa chuộng. Các cuộc “thập-tự-chinh” cũng có ý nghĩa hành hương đền tội. Từ năm 1260-1261, đặc biệt là từ năm 1348-1349, những cuộc rước của những người đánh tội dần dần cạnh tranh với những cuộc hành hương đền tội.
Ngoài ra, từ thế kỷ XI, còn có loại “Xá giải chung” do Đức thánh cha và các Giám mục ban, mà ý nghĩa không rõ rệt lắm. Ví dụ : mọi người tham dự “thập-tự-chinh” đều được “toàn xá” (absolution générale), một hình thức đền bù mọi tội lỗi. Có lẽ cách thực hành này là nguồn gốc của những cách thực hành ân xá về sau. Ngay từ thời Trung Cổ, nó đã bị một số Giám mục và thần học gia (ví dụ Abélard) công kích dữ dội, không những vì lạm dụng, mà còn vì sự lẫn lộn các công thức, sự nghèo nàn về thần học bí tích.
C. TỪ GIÁ BIỂU ĐỀN TỘI ĐẾN HÌNH THỨC NHƯ HIỆN NAY
Ban đầu, sau khi xưng tội, hối nhân phải làm việc đền tội rồi mới trở lại với linh mục lãnh phép Xá giải. Nhưng từ thế kỷ IX, có thể lãnh nhận phép Xá giải tức thì trong một số trường hợp, vì những lý do thực tế. Vào cuối thế kỷ XII, điều này trở nên phổ quát. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thay đổi là sự mất ý thức về ý nghĩa tôn giáo của việc đền tội. Cũng vì lý do này, dần dần người ta nhấn mạnh nhiều hơn đến chính việc xưng tội được coi như một việc đền tội tối hảo. Một tác giả thế kỷ XII giải thích sự xấu hổ và sự hạ mình trong việc xưng tội tự nó đã là một việc đền bù đúng nghĩa.
Từ thế kỷ IX, từ ngữ “xưng tội” không những chỉ việc thú nhận các tội lỗi, mà toàn bộ nghi thức hòa giải, giống như cách nói ngày hôm nay. Việc đền tội càng ngày càng giảm, đến mức chỉ còn vài kinh.
Cũng có thay đổi trong chính nghi thức hòa giải hay lời xá giải. Từ thế kỷ XI, thay vì công thức nguyện cầu, người ta dùng “công thức biểu thị” (indicatif).
Lúc ban đầu việc xưng tội cũng như việc hòa giải đều được thực hiện trong nhà thờ linh mục hay đan sĩ. Từ thế kỷ XI, mọi sự đều được diễn ra trong nhà thờ, trước bàn thờ : thừa tác viên ngồi trên một cái ghế thường. Cuối thời Trung Cổ và với Công Đồng Trentô, mới có Tòa Giải tội. Tới thế kỷ XVII, Tòa Giải tội giống như hiện nay. Vì sự ngăn cách giữa hối nhân và linh mục, không còn nghi thức đặt tay ; linh mục chỉ giơ tay ban phép Xá giải như hiện nay.
Từ thế kỷ IX, việc xưng tội thực hiện theo chu kỳ. Đến thế kỷ XII, việc xưng tội hằng năm trở thành bó buộc. Công Đồng Latran IV (1215) ra quyết định bó buộc những kitô-hữu thấy mình có tội trọng phải xưng tội hằng năm.
Cho đến thế kỷ XII-XIII mới chấm dứt sự biến chuyển từ thái độ cổ điển “đền tội công khai theo luật Giáo Hội” sang hình thức đền tội riêng như hiện nay. Sự biến chuyển này có nhiều lúc rất lộn xộn. Có khi những yếu tố đưa tới biến chuyển phát sinh từ dưới, trái với những quyết định của hàng Giáo Phẩm. Phần lớn là những nguyên do xã hội : số người trở lại đạo càng ngày càng đông, sự hình thành của “Kitô-giới” (chrétienté), bối cảnh kinh tế xã hội, chính trị, văn hóa góp phần nhiều vào sự thay đổi.
D. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ VIỆC XÁ TỘI TRONG THỜI TRUNG CỒ
Có hai truyền thống khác nhau :
1. Một đàng, dường như không đòi buộc tuyệt đối những ai phạm tội trọng phải xưng tội rồi mới được rước lễ. Những lời nguyện cũng như nghi thức sám hối lồng trong việc cử hành Thánh Lễ cho thấy Giáo Hội thời bấy giờ coi “ơn tha tội” như hoa quả của việc thông phần xứng đáng vào mầu nhiệm Thánh Thể. Những từ ngữ dùng trong các bản văn thánh lễ như “xá giải”, “ân xá”, “giải thoát”, “thanh tẩy”, “đền tội”, “đền bù”, và những thành ngữ như “khỏi mọi tội ác ” cho thấy rằng bí tích Thánh Thể ban ơn tha tội, không những tha tội nhẹ, mà còn tha cả tội trọng.
2. Đàng khác, theo một số bản văn khá cũ, thì bó buộc những ai phạm tội trọng phải xưng tội trước khi rước lễ. Viện phụ Pirmino và một số tác giả thế kỷ VIII chủ trương như thế, và chủ trương này lan rộng dần từ thế kỷ X. Công Đồng Latran IV (1215) quy định các kitô-hữu phải rước lễ ít là ngày Lễ Phục Sinh, và các kitô-hữu có tội trọng phải xưng tội hằng năm. Nhưng Công Đồng không nói rõ tương quan giữa hai điều quy định này. Sau Công Đồng, phần lớn các nhà thần học cho rằng các kitô-hữu đã phạm tội trọng, phải xưng tội để dọn mình rước lễ. Một vài nhà thần học, trong số đó có thánh Tôma, khẳng định rằng : trong trường hợp cần thiết và không đủ cha giải tội, việc ăn năn tội cách trọn đủ để chuẩn bị rước lễ, dĩ nhiên phải có quyết tâm xưng tội và đền tội khi có thể được.
Trong Giáo Hội Đông phương thuộc mọi nghi lễ, trừ nghi lễ Byzantin, đều có nghi thức sám hối lồng trong thánh lễ. Rõ hơn cả là các Kinh Nguyện Thánh Thể thuộc nghi lễ Copte, Syriaque, Chaldée ; có những nghi thức sám hối và công thức xá giải chung, thường là gần phần kinh Lạy Cha. Từ thế kỷ IV-IX, cả đến thế kỷ XII, trong Kinh Nguyện Thánh Thể, có những lời khẩn cầu xin ơn tha mọi thứ tội, có cả lời tha mọi thứ tội, dĩ nhiên hiểu ngầm là trừ ba thứ tội ác phải đền công khai (chối đạo, giết người, ngoại tình).
Nhiều công thức xá giải trong phụng vụ Thánh Thể được sửa đổi đôi chút, trở thành công thức giải tội dành cho việc xưng tội riêng.
Các Kinh Nguyện Thánh Thể của Giáo Hội Đông phương đặt ra hàng loạt vấn đề thần học liên hệ tới hai bí tích Thánh Thể và Giải tội : – Tương quan giữa bí tích Thánh Thể và bí tích Giải tội, giữa bí tích Thánh Thể và ơn tha tội. Phép Thánh Thể có là bí tích ban ơn tha tội không ? Và theo nghĩa nào ?
Những nghi thức sám hối trong các Kinh Nguyện Thánh Thể ấy có thể được coi như “minh nhiên hóa” giá trị xá tội của bí tích Thánh Thể không ? Chúng có giá trị bí tích theo nghĩa hẹp không ? Chúng có là một hình thái cử hành bí tích Hòa giải không ?
Có ơn tha cả những tội trọng, mà chỉ cần sự xưng thú tổng quát và biểu lộ lòng thống hối (không đòi hỏi sự xưng thú cá nhân và từng tội trọng đã phạm) ?
E. SỰ HÌNH THÀNH THẦN HỌC KINH VIỆN VỀ BÍ TÍCH GIẢI TỘI
1. Bối cảnh lịch sử
Sự hình thành của thần học về bí tích Hòa giải tùy thuộc khá nhiều yếu tố : việc thực hành bí tích vào lúc bấy giờ, bối cảnh xã hội và văn hóa, sự phát triển thần học bí tích đại cương chung quanh ý niệm “dấu chỉ” ứng dụng cho bảy bí tích theo nghĩa hẹp.
Vấn đề cốt yếu vẫn là thời các giáo phụ : nỗ lực sám hối của tội nhân và sự can thiệp của Giáo Hội có giá trị gì ? Nhưng vấn đề lại được lồng trong khung tư tưởng về dấu chỉ bí tích, do đó trở thành : sự sám hối của tội nhân và sự can thiệp của Giáo Hội cấu tạo nên dấu chỉ bí tích như thế nào ?
Dựa vào cách thực hành bí tích Hòa giải thời bấy giờ, suy tư thần học về giá trị của nỗ lực sám hối xoay quanh “ý nghĩa” và “cách thế” xưng thú tội lỗi, được coi như hành vi đền tội hoàn hảo ; còn suy tư thần học về sự can thiệp của Giáo Hội thì xoay quanh giá trị lời Xá giải của linh mục.
Và vì việc xưng tội cũng như giải tội đều thể hiện cách “riêng tư”, nên các nhà thần học không làm sao phân tích hay đào sâu được chiều kích cộng đồng và Giáo Hội của nỗ lực sám hối và sự can thiệp của Giáo Hội đưa tội nhân đến hòa giải với Thiên Chúa.
Thần học có khuynh hướng nhấn mạnh đặc tính “phán xử” của việc xá giải ; còn tương quan giữa sự hòa giải với Giáo Hội và sự hòa giải với Thiên Chúa thì rất mù mờ.
2. Cấu trúc của dấu chỉ bí tích
Đối với nhiều thần học gia kinh viện đầu thế kỷ XII, yếu tố quan trọng mang lại ơn tha thứ của Thiên Chúa là nỗ lực hoán cải của tội nhân. Khi xác định sự cấu tạo của dấu chỉ bí tích, họ khẳng định dấu chỉ ấy bao gồm những hành vi bên ngoài của hối nhân và nỗ lực hoán cải bên trong biểu lộ bằng cách thi hành các việc đền tội, nhất là bằng việc xưng thú các tội, được coi như công việc đền bù chủ yếu và sự biểu lộ quan trọng nhất lòng thống hối. Lời xá giải của linh mục được coi là cần thiết, nhưng không là yếu tố cấu tạo dấu chỉ bí tích. Lời xá giải có giá trị “tuyên bố” công khai trước mặt Giáo Hội ơn tha thứ của Thiên Chúa đã được ban. Theo một số tác giả, lời Xá giải còn có giá trị tha hình phạt đời đời hay một phần hình phạt ở trần gian, giá trị hòa giải với Giáo Hội.
Trong những thập niên đầu thế kỷ XIII, người ta bắt đầu dùng cấu trúc chất thể và mô thức của Aristote để giải thích cấu trúc các dấu chỉ bí tích. Thánh Tôma cho rằng các hành vi của hối nhân thể hiện và biểu lộ lòng thống hối chân thật là “chất thể”, là phần đầu tiên cốt yếu cấu tạo nên bí tích. Đàng khác, dựa trên Mt 16,19 ; 18,18 và Ga 20,22-23, Tôma cho rằng lời xá giải của linh mục mang lại ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng là phần cốt yếu cấu tạo dấu chỉ bí tích, là “mô thức”, là yếu tố xác định, có giá trị khi đã có những hành vi của hối nhân (làm chất thể). Ngược lại, nếu thiếu yếu tố mô thức này, thì những hành vi của hối nhân tự nó cũng không mang lại ơn cứu độ. Nói tóm, không có bí tích Giải tội, nếu không có sự kết hợp giữa các hành vi của hối nhân và lời xá giải của linh mục.
Cách giải thích của thánh Tôma cho thấy quan hệ mật thiết giữa hai thì của việc công chính hóa, thì cá nhân, chủ vị, và thì bí tích. Cũng theo thánh Tôma, ăn năn tội cách trọn đã hòa giải tội nhân với Thiên Chúa rồi, trước cả việc lãnh nhận bí tích, nhưng không phải là không liên hệ gì với việc lãnh nhận bí tích. Ăn năn tội cách trọn bao hàm ước muốn lãnh nhận bí tích (votum sacramenti).
Theo D. Scott, phần chủ yếu cấu tạo dấu chỉ bí tích là lời xá giải của linh mục. Những hành vi của hối nhân chỉ là điều kiện, chứ không là yếu tố cấu tạo dấu chỉ bí tích. Scott chủ trương có hai con đường công chính hóa độc lập với nhau : một con đường ngoài bí tích, rất khó khăn, đòi hỏi sự sám hối trọn vẹn, mang lại ơn công chính nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa (de congruo) ; con đường kia là con đường bí tích, con đường dễ hơn, chỉ đòi sự hoán cải ở mức độ thấp, mang lại ơn công chính cứ-sự (ex opere operato), do sự hữu hiệu của lời Xá giải.
3. Quyền “chìa khóa” và bí tích Giải tội
Ngay cả khi nhấn mạnh giá trị nỗ lực hoán cải của hối nhân, thần học Trung cổ vẫn luôn khẳng định rằng các tội trọng chỉ được tha nhờ “quyền chìa khóa” của Giáo Hội (clavis Ecclesiae), quyền mà Phêrô và các Tông Đồ trao lại cho các Giám mục và linh mục. Điều này ứng dụng cả cho việc đền tội công khai cũng như việc xưng tội riêng.
“Chìa khóa Giáo Hội” là “quyền phán xử” bao gồm hai chức năng : trói và mở. Trói chỉ quyền ra vạ tuyệt thông, khai trừ khỏi Cộng Đồng Giáo Hội, hay chỉ quyền ra các việc đền tội cân xứng. Ý nghĩa thứ hai này càng ngày càng phổ biến hơn. Mở là giải vạ tuyệt thông, tha các việc đền tội, tha hình phạt đời đời và các hình phạt ở trần gian. Đó là quyền xá giải (absolutio). Xá giải còn có nghĩa là hòa giải với Giáo Hội hay là hình thức Giáo Hội nâng đỡ nỗ lực sám hối của tội nhân, để tội nhân có thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Abelardo hiểu “quyền chìa khóa” theo nghĩa thuần túy luật : ra vạ tuyệt thông hay tha vạ tuyệt thông. Còn quyền tha tội thực sự chỉ thuộc về Thiên Chúa. Các tác giả khác nại đến Ga 20,22-23 chủ trương Thiên Chúa đã trao quyền tha tội cho Giáo Hội.
4. Hòa giải với Giáo Hội
Nếu dùng phạm trù kinh viện để diễn tả tư tưởng giáo phụ, chúng ta có thể coi các hành vi của hối nhân, đặc biệt là hành vi xưng tội là “sacramentum tantum”, sự hòa giải với Thiên Chúa hay ơn tha tội là “res sacramenti”, thì “res et sacramentum” là sự hòa giải với Giáo Hội (pax ecclesiae).
Phần đông các thần học gia kinh viện nhấn mạnh các hành vi của hối nhân đến nỗi coi việc thống hối trong lòng (paenitentia interior) là “res et sacramentum”. Dù vậy, vẫn còn giữ lại tư tưởng, dù là yếu ớt, về sự hòa giải với Giáo Hội.
Đối với các thần học gia thế kỷ XI-XII, tội lỗi của kitô-hữu làm sỉ nhục Giáo Hội. Hối nhân, trong bí tích Giải tội, đền bù cả sự xúc phạm đến Giáo Hội. Lời xá giải của linh mục, mặc dầu không hữu hiệu trực tiếp, không mang lại ơn tha tội của Thiên Chúa, có giá trị hòa giải với Giáo Hội, và nhờ sự hòa giải này, làm cho các hối nhân có thể tham dự các bí tích, nâng đỡ sự thống hối của tội nhân bằng lời cầu nguyện.
Sang thế kỷ XIII, chiều kích Giáo Hội được khẳng định rõ ràng hơn. Bonaventura viết : “Phép giải tội được thiết lập để tội nhân được hòa giải với Giáo Hội và nhờ đó được hòa giải với Thiên Chúa”. Theo Bonaventura, sự hòa giải với Giáo Hội là đối tượng đặc thù của “quyền chìa khóa”. Nó là kết quả của lời Xá giải của linh mục (pars indicativa). Còn đối với ơn tha thứ của Thiên Chúa, quyền chìa khóa của Giáo Hội chỉ là nguyên nhân chuẩn bị (causalitas dispositiva). Trong công thức xá giải, phần khẩn cầu (pars deprecativa) mới có liên hệ trực tiếp với tội, xét là hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa.
Theo thánh Tôma, người kitô-hữu đã phạm tội trọng, chỉ thuộc về Giáo Hội trong tiềm thể (potentialiter), cách bất toàn (imperfecte), không xứng đáng (non merito), chỉ theo con số (numero). Một trong những hoa quả của bí tích Giải tội là hòa giải tội nhân với Giáo Hội. Đối với Tôma, “res et sacramentum” của bí tích Giải tội vẫn là “sám hối nội tâm” (paenitentia interior). Nhưng ý tưởng “ước muốn lãnh nhận bí tích” (votum sacramenti) cho thấy sự thống hối chân thật hướng về Giáo Hội và quyền chìa khóa của Giáo Hội. Sám hối nội tâm hiểu ngầm đòi hỏi hòa giải với Giáo Hội.
5. Sự cần thiết của bí tích Giải tội
Bí tích Giải tội luôn được coi là cần thiết để được ơn tha thứ trong trường hợp tội trọng. Dù ý thức điều đó, các thần học gia có khi không đưa ra được những lý lẽ vững chắc để minh chứng. Nếu quan niệm yếu tố nòng cốt của dấu chỉ bí tích là hành vi của hối nhân, không là lời xá giải, thì rất khó giải thích sự cần thiết của lời Xá giải.
Có người cho rằng bí tích Giải tội cần thiết, vì lệnh truyền của Chúa. Duns Scott thì cho rằng mọi kitô-hữu có bổn phận chọn con đường bình thường (nhiệm cục bí tích) để được cứu rỗi.
Cách giải thích của thánh Tôma sâu sắc và hợp lý hơn cả. Theo Tôma, chỉ có một con đường công chính hóa : lòng mến đối với Thiên Chúa và tha nhân. Lòng Mến này có chiều kích Giáo Hội. Hối nhân được hòa giải với Thiên Chúa nhờ Lòng Mến, nhưng luôn trong tương quan hữu thể với hành vi bí tích của Giáo Hội. Nếu hối nhân đến lãnh nhận bí tích Giải tội mà chỉ “hoán cải bất toàn” thì vẫn được hòa giải với Thiên Chúa trong bí tích : sự sám hối bên trong trở nên hoàn hảo nhờ “ơn đức ái” được ban cho.
6. Thừa tác viên bí tích Giải tội
Vì bí tích Giải tội trở nên thông dụng, thừa tác viên bình thường là linh mục. Giám mục chỉ điều khiển kỷ luật xá giải công khai. Nhưng ngay cả trong việc giải tội riêng, linh mục cần có phép của Giám mục. Các Công Đồng Piacenza và Clermont thời Đức thánh cha Urbanô II (1088-1099) quy định : “Không linh mục nào có thể nhận giải tội cho một ai, nếu không có phép của Giám mục”.
Ngoài ra, còn có trường hợp dành riêng cho Giám mục, ví dụ “tội loạn luân” (Thượng Hội Đồng London năm 1102, can. 20) ; trường hợp khác dành riêng cho giáo hoàng, ví dụ “tội đánh giáo sĩ hay đan sĩ” (Thượng Hội Đồng Clermont năm 1130, can. 10 ; Công Đồng Latran II năm 1139, can. 15).
Từ thế kỷ VII – XIV, có việc xưng tội với giáo dân. Đối với kinh viện thời kỳ đầu, điều đó dễ giải thích, vì người ta nhấn mạnh đến hành vi của hối nhân, đặc biệt là hành vi “xưng tội”. Khi thiếu linh mục, có thể xưng tội với một người bạn, một người láng giềng, một người đồng hành. Vài văn bản ghi phó tế có quyền nghe xưng tội, tuy không có quyền đọc lời xá giải. Giá trị của việc xưng tội như thế có là do giá trị mà người ta gán cho hành vi xưng thú để được Thiên Chúa tha tội, mặc dù không có lời xá giải của linh mục.
Có những thần học gia kinh viện công nhận “một loại giá trị bí tích” nào đó của việc xưng tội với giáo dân. Thánh Tôma cho rằng khi nguy tử mà không có linh mục, cần phải xưng tội với giáo dân. Điều đó có lẽ là giáo lý chung thời bấy giờ, dù rất khó dung hòa với học thuyết chất – mô bí tích Giải tội của Tôma.
7. Văn kiện Huấn Quyền
Trong thời gian này, các văn kiện quan trọng hơn cả là của Công Đồng Latran IV (1215) quy định sự bó buộc xưng tội hằng năm và những đòi hỏi nơi các thừa tác viên giải tội. Sắc lệnh “Decretum pro Armenis” của Công Đồng Florence (1439) lấy lại giáo lý của thánh Tôma.
Năm 1140, Abelard bị lên án vì không chấp nhận các Tông Đồ đã trao quyền trói và mở cho những người kế vị.
Năm 1415, Wyclif và năm 1418, nhóm Hussites, vì cả hai không chấp nhận đòi buộc cần thiết phải xưng tội đối với những ai đã thực sự hoán cải.
Năm 1479, Pedro Martinez de Osma bị lên án, vì chối nguồn gốc thần linh của bí tích Giải tội và sự cần thiết của bí tích ấy, khẳng định chỉ có ăn năn tội cách trọn mới lãnh nhận ơn tha thứ các tội và các hình phạt tội trọng.
PHẦN III: PHONG TRÀO CẢI CÁCH VÀ CÔNG ĐỔNG TRENTO
A. GIÁO LÝ TIN LÀNH
1. Giải tội là bí tích
Luther coi phép Giải tội là một “dấu chỉ hữu hiệu” (signum efficax), nhưng không theo nghĩa “cứ-sự” hay “cung cấp ơn cứu độ khách quan”, mà theo nghĩa kích thích mạnh mẽ lòng tin và niêm ấn đức tin, làm cho hối nhân tin chắc chắn tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi Đức Kitô, tình yêu sẵn sàng tha tội và ban ơn nghĩa tử.
Đối với Mélanchton và bản Tuyên tín Ausburg, phép Giải tội quả thực là bí tích thứ ba bên cạnh phép Rửa và bữa tối của Chúa.
Luther, có khi liệt kê phép Giải tội bên cạnh phép Rửa và phép Thánh Thể, khi khác chỉ đề cập đến hai bí tích. Sự do dự có lẽ do hai cách nhìn khác nhau. Theo nghĩa hẹp, Luther cho rằng phép Giải tội không là bí tích như phép Rửa và phép Thánh Thể, vì không là dấu chỉ do Đức Giêsu thiết lập và xác định cụ thể. Nhưng đàng khác, phép Giải tội cũng là một dấu chỉ thánh vì lời xá giải của thừa tác viên có tương quan mật thiết với quyền buộc và mở mà Đức Kitô đã ban cho Giáo Hội : “Đức Kitô đã đặt trên môi miệng của Giáo Hội lời xá giải và ra lệnh giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Khi một tâm hồn nhận ra các tội của mình và khao khát được an ủi, thì gặp nơi đây chỗ trọ vững chãi để nghe lời Thiên Chúa, và biết rằng Thiên Chúa, qua thừa tác vụ của một con người, tháo gỡ và giải thoát nó khỏi tội lỗi” (Grand catéchisme, Oeuvres de M. Luther, Paris 1946, p. 229-230).
Dưới khía cạnh này, Luther coi phép Giải tội là bí tích thực sự bên cạnh phép Rửa và phép Thánh Thể. Luther luôn nhấn mạnh tương quan giữa phép Giải tội với phép Rửa. Ông gọi phép Giải tội là “trở về với phép Rửa” (reditus ad baptismum), vì là hãm dẹp con người cũ, xây dựng con người mới sinh ra trong phép Rửa. Có khi Luther khẳng định phép Giải tội không gì khác hơn là phép Rửa sống lại nhờ đức tin.
Như vậy, đối với Luther, phép Giải tội không là một bí tích toàn vẹn như phép Rửa, phép Thánh Thể, nhưng là bí tích theo nghĩa rộng : dấu chỉ hữu hiệu, hiệu năng phát xuất từ Lời Thiên Chúa hứa với Giáo Hội, ban quyền trói và mở cho Giáo Hội.
Calvin không chấp nhận phép Giải tội là bí tích, vì nó không được Đức Kitô thiết lập, cũng không có lời hứa nào của Thiên Chúa. Lời hứa ban “quyền chìa khóa” chỉ có tương quan với việc rao giảng Tin Mừng, loan báo ơn tha tội được trao ban qua phép Rửa. Phép Giải tội chỉ là tưởng niệm phép Rửa (recordatio baptismi), làm cho sống lại đức tin phép Rửa.
2. Tin vào lời xá giải
Theo Luther, điều không thể chấp nhận nơi phép Giải tội Công giáo là ý tưởng xây dựng ơn tha tội của Thiên Chúa trên những hành vi của hối nhân. Theo ông, đó là lạc giáo Pelagiô. Ăn năn tội cách trọn là điều không thể làm được đối với tội nhân ; còn ăn năn tội cách chẳng trọn, bắt nguồn từ những tâm tình ích kỷ, lại là một tội khác. Việc xưng tội không thể nào toàn vẹn được, vì con người không bao giờ hoàn toàn ý thức về tội lỗi và sự dữ nơi mình ; hơn thế nữa, không gì tự phụ bằng chủ trương có thể làm thỏa mãn sự công chính của Thiên Chúa bằng các việc làm của con người.
Tất cả vấn đề đều xoay quanh học thuyết “công chính hóa”. Luther khẳng định là tội nhân phải than khóc, run rẩy vì các tội của mình, và phải tìm cách xưng thú theo hình thức mình có thể làm được. Nhưng đàng khác, theo chiều hướng của Duns Scott, ông chú trọng tới sự hữu hiệu của lời xá giải được coi là công việc của Thiên Chúa qua thừa tác viên. Luther khuyến khích các kitô-hữu xưng tội, nhưng không nên tự tin ở mình, coi việc xưng tội là một việc công đức ; mục tiêu duy nhất khi xưng tội là nhằm lắng nghe Lời của Thiên Chúa, Đấng ban ơn tha tội.
Luther không chấp nhận đặc tính “xét xử” của lời xá giải. Đó không là lời phán quyết, không đòi hỏi quyền thánh chức và quyền tài phán, cũng không bao hàm quyền ra các việc đền tội.
Tất cả sự hữu hiệu của lời xá giải phát sinh từ niềm tin vào lời xá giải ấy. Lời ấy không hữu hiệu, không mang lại ơn cứu độ, nếu không được đức tin đón nhận, như dấu hiệu và sự loan báo lời hòa giải của Thiên Chúa. Vậy niềm tin vào ơn tha thứ của Thiên Chúa là “cốt lõi” của phép Giải tội.
Trong sách giáo lý toát yếu năm 1529, Luther viết : Phép Giải tội gồm hai điều. Điều đầu tiên là cần phải xưng tội. Điều thứ hai là phải lãnh nhận lời xá giải hay tha tội do người giải tội như là do Thiên Chúa. Thay vì nghi ngờ, phải tin cách mạnh mẽ rằng nhờ phương thế này mà các tội lỗi của chúng ta được tha trước Nhan Thánh Chúa trên trời”.
Tương quan giữa đức tin và sự hữu hiệu của lời xá giải rất rõ trong công thức giải tội do Luther đề ra : “Xin Thiên Chúa ban ơn sủng cho ngươi và củng cố niềm tin của ngươi ! Amen. Ngươi có tin rằng sự tha thứ của ta là sự tha thứ của Thiên Chúa không ? – Thưa thầy có. Ngươi sẽ được như ngươi tin. Và ta, theo lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tha tội cho ngươi nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Hãy ra về bình an”.
Vì chống lại học thuyết “cứ-sự” (ex opere operato) của giáo lý Công giáo, Luther nhấn mạnh đức tin đến độ không cần lời xá giải như một thực tại khách quan. Lý luận này dẫn đến việc chối bỏ bí tích, phủ nhận lời xá giải của Giáo Hội. Luther không duy lý, ông dừng ở giữa đàng, vì khẳng định rằng niềm tin vào ơn tha thứ của Thiên Chúa phải được khơi dậy bởi lời rao giảng. Và lời xá giải là một trong những hình thái của Lời khơi dậy và niêm ấn niềm tin vào ơn tha tội của Thiên Chúa.
Calvin chỉ nhấn mạnh sự hữu hiệu của niềm tin vào lời xá giải, niềm tin vào lời hòa giải của Thiên Chúa làm cho ta chắc chắn về ơn tha thứ của Người.
Luther không chấp nhận đòi buộc xưng tội hằng năm, nhưng chủ trương để hoàn toàn tự do. Ông khuyến khích xưng tội thường xuyên, nhưng phải hoàn toàn tự nguyện. Theo ông, mỗi người, để là kitô-hữu, phải biết tự buộc mình đi xưng tội. Thúc giục xưng tội là thúc giục trở nên kitô-hữu.
Calvin, tuy không coi phép Giải tội là bí tích, vẫn cho đó là một việc bổ ích : nghe lời xá giải để kích thích lòng tin vào ơn tha tội của Thiên Chúa.
Cả Luther và Calvin đều cho rằng có thể xưng tội với giáo dân. Giáo dân có quyền đọc lời xá giải. Nhưng xưng tội với mục sư thì đúng hơn, vì mục sư là người hiểu biết và có kinh nghiệm. Đó cũng là nhiệm vụ của mục sư, người rao giảng Lời, cũng là người loan báo ơn tha thứ qua lời xá giải.
Cách thực hành của các giáo hội Tin lành biến chuyển nhiều theo lịch sử. Phép Giải tội dần dần mai một. Nhưng gần đây nó sống lại nhờ sự đóng góp của một số thần học gia, trong đó có Bonhoffer. Ông coi phép Giải tội là một phương thế hướng dẫn tâm hồn, là gặp gỡ Đức Kitô qua dấu chỉ người anh em.
B. GIÁO LÝ VỀ BÍ TÍCH GIẢI TỘI CỦA CÔNG ĐỔNG TRENTÔ
Giáo lý về bí tích Giải tội và bí tích Xức dầu được Công Đồng Trentô bàn luận trong khóa 14.
1. Có bí tích Giải tội, phân biệt với bí tích Rửa tội
Vấn đề : Truyền Thống Kinh Thánh và giáo phụ gọi phép Rửa tội là “bí tích sám hối” (sacramentum paenitentiae). Ngoài ra, một số giáo phụ giải thích đoạn Tin Mừng Ga 20,22-23 quy chiếu về phép Rửa. Đến thời Trung Cổ, bắt đầu từ lúc phản ứng chống lại Abélard, người ta mới dùng đoạn ấy để minh chứng việc Chúa Giêsu thiết lập phép Giải tội và hơi lãng quên ý nghĩa xá giải của các đoạn Mt 16,19 và 18,18.
Calvin cho rằng Ga 20,22-23 chỉ đề cập đến lệnh Chúa Kitô truyền cho Giáo Hội loan báo ơn tha tội được ban qua phép Rửa. Đối với các tội nhân, đoạn Tin Mừng này chỉ loan báo ơn tha tội đã được ban trong phép Rửa, và được lời Xá giải nhắc nhớ để làm sống lại đức tin phép Rửa. Luther khi thì có vẻ đồng hóa phép Giải tội với phép Rửa, khi thì coi là một bí tích riêng.
Công Đồng Trentô nhằm học thuyết Calvin nhiều hơn là Luther. Để khỏi nghi ngờ sự hiện hữu của bí tích Giải tội, Công Đồng nhấn mạnh sự phân biệt với phép Rửa, hơi để lu mờ tương quan giữa hai bí tích.
Công Đồng định tín phép Giải tội là “bí tích thực sự và đúng nghĩa” (vere et proprie sacramentum : D 1701, can. 1), do Chúa Kitô thiết lập ; là thuốc chữa thiêng liêng, phân biệt với phép Rửa, dành cho các kitô-hữu sa ngã, nô lệ tội lỗi.
Công Đồng khẳng định cần phải lãnh hoán cải để được nên công chính, kể cả những người xin chịu phép Rửa. Nhưng sự hoán cải ấy, trước Chúa Kitô và trước khi chịu phép Rửa, không là một bí tích. Một vài nghị phụ Công Đồng coi đó là hình bóng của bí tích.
Về đoạn Ga 20,22-23, cần lưu ý những điểm sau :
1. Trong can. 3, Công Đồng định tín rằng những lời đó của Chúa Kitô phải hiểu theo nghĩa thiết lập bí tích Giải tội. Nếu ai bóp méo ý nghĩa câu ấy, chối việc thiết lập bí tích, chống lại quyền bính rao giảng Tin Mừng, thì phải vạ tuyệt thông. Công Đồng giữ cả hai yếu tố : thiết lập bí tích (D 1703), rao giảng Tin Mừng ; vì mỗi yếu tố đều có nhiều thần học gia và nghị phụ chủ trương bênh vực.
2. Trong chương I, Công Đồng xác định rằng : với những lời ấy, Đức Giêsu trao cho các Tông Đồ và những người kế vị quyền tha thứ và ràng buộc. Một số nghị phụ yêu cầu thêm chữ “praecipue” (nhất là), để còn có thể tựa vào những đoạn Tin Mừng khác như Mt 16,19 và 18,18.
Trong can. 2, Công Đồng định tín sự phân biệt giữa bí tích Giải tội và bí tích Rửa tội. Công Đồng dùng những chữ mà Calvin chống lại : “secundam post naufragium tabulam” (tấm ván cứu độ thứ hai : D 1702).
Chương II giải thích sự phân biệt giữa hai bí tích : 1) khác biệt về nghi thức ; 2) đặc tính xét xử của phép Giải tội, thừa tác viên là thẩm phán ; 3) có thể tái diễn nhiều lần ; 4) các hậu quả : nơi phép Rửa, kitô-hữu được tái sinh hoàn toàn – nơi phép Giải tội, ơn tha tội chỉ đạt được do nỗ lực của hối nhân (baptismus laboriosus).
Các nghị phụ muốn đề cập đến những tương quan tích cực giữa phép Rửa và phép Giải tội, nhưng vì Công Đồng sợ hiểu giống như Tin lành, nên chỉ giữ lại thành ngữ “baptismus laboriosus”.
Công Đồng khẳng định sự cần thiết của bí tích Giải tội như phương thế cứu rỗi cho những kitô-hữu phạm tội trọng, giống như phép Rửa cần thiết cho những người chưa là kitô-hữu. Cả hai đều cần thiết, ít nhất là trong ước muốn (necessitas in voto).
2. Cấu trúc và hiệu quả của bí tích Giải tội
Can. 4 định tín ba hành vi của hối nhân : ăn năn tội, xưng tội và đền tội là ba thành phần của bí tích, gần giống như chất thể bí tích (quasi-materia, D 1704).
Để chống phong trào Cải-cách, Công Đồng khẳng định trong can. 4 : “Bí tích Giải tội không chỉ bao gồm sự sợ hãi của lương tâm ý thức sự nặng nề của tội lỗi mình, và niềm tin phát xuất từ lời rao giảng và lời xá giải”.
Giáo lý Công Đồng về cấu trúc của bí tích lấy lại của Tôma, nhưng có lưu tâm đến trường phái Scotus, nên không gọi các hành vi của hối nhân là materia, mà chỉ coi là quasi-materia là những phần làm cho bí tích nên nguyên vẹn (ad integritatem sacramenti). Sau Công Đồng Trento, trường phái Scotus chấp nhận chữ quasi-materia, và hiểu đó là điều kiện tất yếu (conditio sine qua non).
3. Ăn năn tội
Vấn đề : học thuyết Luther coi việc ăn năn tội cách trọn của hối nhân là điều bất khả, và việc ăn năn tội cách chẳng trọn là điều giả hình. Chống lại học thuyết ấy, Công Đồng Trentô khẳng định giá trị và ý nghĩa của cả hai.
Để hiểu vấn đề, cần lưu tâm tới những ý kiến của các thần học gia Công giáo thời bấy giờ :
– Trường phái Tôma chủ trương : 1) Không ai được công chính hóa nếu không ăn năn tội cách trọn, thực hiện hành vi sám hối mà động lực là lòng mến. Hành vi ăn năn tội cách trọn là việc chuẩn bị tối hậu để lãnh nhận bí tích ; 2) Nhờ ăn năn tội cách trọn, tội nhân có thể được công chính hóa trước khi nhận lời Xá giải ; 3) Ăn năn tội cách chẳng trọn đủ để lãnh nhận bí tích Giải tội. Và chính nhờ bí tích mà tội nhân hoán cải hoàn toàn (peccator ex attritio fit contritus).
– Trường phái Scotus chủ trương : 1) Có hai con đường công chính hóa : con đường hoàn hảo là ăn năn tội cách trọn (attritio major), có thể thực hiện ngoài bí tích Giải tội ; con đường dễ hơn là ăn năn tội cách chẳng trọn (attritio minor) và lãnh nhận bí tích. 2) Ăn năn tội cách chẳng trọn chẳng những đủ để lãnh nhận bí tích, mà để được công chính hóa nhờ bí tích. Việc ăn năn tội cách chẳng trọn không hướng về lòng mến ; là một con đường công chính hóa khác với con đường ăn năn tội cách trọn. Người ăn năn tội cách chẳng trọn được công-chính-hóa nhờ lời Xá giải, do kết ước của Thiên Chúa (ex pacto divino).
– Giáo lý của Công Đồng : Công Đồng định nghĩa : “Ăn năn tội (contritio) là sau đau đớn trong tâm hồn, ghét bỏ tội lỗi đã phạm với quyết tâm không phạm tội nữa” (Ds 1676).
Có hai yếu tố : quyết tâm thay đổi đời sống và chán ghét lối sống cũ. Không có ăn năn tội thật sự, nếu vẫn còn thích thú tội đã phạm, dù có ý muốn không phạm tội nữa. Phải có ăn năn tội mới được tha tội, ngay cả khi lãnh nhận bí tích Hòa giải.
1. Ăn năn tội cách trọn (contritio caritate perfecta) hòa giải con người lại với Thiên Chúa ngay cả trước khi lãnh nhận bí tích, dĩ nhiên vì đã có ước muốn lãnh nhận bí tích bao hàm trong đó.
Trong phần cuối chương IV và trong can. 5, Công Đồng khẳng định lợi ích và giá trị của việc ăn năn tội cách chẳng trọn chống lại Luther (D 1705). Muốn hiểu giáo lý Công Đồng trong phần này, phải trở lại ý niệm “sợ” được phân biệt làm nhiều loại : trước hết đó là “sự kính sợ” (con cái kính sợ cha mẹ), bao hàm yếu tố yêu thương (timor filialis) ; loại sợ thứ hai là “sợ bị trừng phạt” (timor servilis). Nếu vì sợ tội mà ghét tội và quyết không phạm tội nữa, dù lý do là sợ hình phạt, thì sự sợ hãi này được gọi là timor simpliciter servilis. Nếu sự sợ hãi không loại bỏ được sự ưa thích phạm tội, mà chỉ ngăn phạm tội vì hình phạt, thì sự sợ hãi này thuần túy nô lệ (timor serviliter servilis). Công Đồng loại bỏ sự sợ hãi thuần túy nô lệ này, nó không được gọi là ăn năn tội.
Công Đồng nói tới quyết tâm thay đổi đời sống (propositum melioris vitae) và hy vọng ơn tha thứ : phải có đức tin và một chút lòng mến, dù là mặc nhiên. Nhưng Công Đồng không xác định sự ghét tội phải bao hàm lòng mến Thiên Chúa đến mức nào.
2. Ăn năn tội cách chẳng trọn là một hành vi tốt và hữu ích vì là hồng ân của Thiên Chúa, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy và chuẩn bị, khẩn cầu ơn Chúa xuống qua bí tích Giải tội. Công Đồng dùng hai chữ “chuẩn bị” (disponere) và “sửa soạn” (praeparare) ; không loại trừ, cũng không khẳng định là “ăn năn tội cách chẳng trọn” trở nên trọn (attritus fit contritus). Đàng khác hai chữ “chuẩn bị” và “sửa soạn” cho thấy rằng Công Đồng không coi đó là “đủ” (sufficit) để được công chính hóa. Như vậy Công Đồng không muốn đi vào cuộc tranh luận giữa hai trường phái Tôma và Scotus.
4. Việc xưng tội
Những người Tin lành cho rằng việc xưng tội theo kiểu Công giáo không do Thiên Chúa (de jure divino) ; xưng thú toàn diện mọi tội là điều không cần thiết và bất khả.
Chống lại lập trường ấy, Công Đồng dạy :
1. Sự cần thiết “do ý muốn của Thiên Chúa” (de jure divino) phải xưng mọi tội trọng.
Giáo lý này được định tín trong các can. 6 và 7, dựa vào Mt 16,19 ; 18,18 và Ga 20,23. Đức Giêsu đã đặt các linh mục làm thủ lãnh và thẩm phán. Để thi hành nhiệm vụ và quyền này, các ngài phải biết tường tận tình trạng của hối nhân để ra hình phạt cân xứng.
2. Về “chiều rộng” cũng như khả thể toàn vẹn của việc xưng tội. Trong can. 7 và chương V, Công Đồng dạy phải xưng mọi tội trọng, kể cả những tội kín, cả những hoàn cảnh làm cho thay đổi loại tội. Cần phải xét mình cẩn thận và nhớ được những tội trọng nào thì xưng tất cả. Tội trọng nào quên cũng thuộc về toàn bộ các tội được tha.
Sự toàn vẹn là chủ quan và nguyên tắc (subjectiva et formalis), chứ không là vật chất hay khách quan (materialis vel objectiva) ; do đó, hối nhân có thể làm được. Công Đồng không ngừng lập lại từ ngữ “humano modo“.
Có hai lý do đòi phải xưng tội đầy đủ : 1) là đặc tính xét xử của bí tích Giải tội ; 2) là việc xưng thú mọi tội chứng tỏ quyết tâm từ bỏ mọi hành vi tội ác đã làm cho mình xa Thiên Chúa. Nếu ý thức mà không xưng thú đầy đủ, là chưa quyết tâm dứt khoát.
Xưng thú tất cả là một sự sỉ nhục và nhọc nhằn, và đó là một trong những yếu tố biểu thị sự “khó nhọc” trong việc sám hối và hòa giải nhờ bí tích Giải tội.
Theo can. 7, các tội nhẹ có thể xưng, nhưng không bó buộc, vì chúng có thể được tha nhờ những phương thế khác.
3. Xưng tội cách bí mật riêng với linh mục : có nghị phụ đòi phải định tín việc xưng tội riêng là “de jure divino” ; các nghị phụ khác cho rằng chỉ là “de jure humano” (ecclesiastico).
Công Đồng đưa ra hai kết luận : 1) Đức Kitô không cấm việc xưng tội công khai, cũng không đòi hỏi ; 2) Việc xưng tội cách bí mật không xa lạ với sự thiết lập và lệnh truyền của Đức Kitô (non alienum ab institutione et mandato Christi).
Cách hiểu những lời khẳng định của Công Đồng Trentô :
1) Để đánh giá tín điều về việc xưng tội nguyên vẹn, cần phải lưu ý Công Đồng phân biệt tội trọng với tội nhẹ.
“Tội nhẹ là những tội không làm cho chúng ta xa lìa ân sủng của Thiên Chúa, là những tội chúng ta thường phạm”.
“Bí tích Thánh Thể là thuốc giải độc nhờ đó chúng ta được giải thoát khỏi các lỗi phạm hằng ngày và được gìn giữ khỏi các tội trọng”.
“Sức mạnh cứu độ xóa bỏ các tội chúng ta phạm hằng ngày”.
Theo từ ngữ của Công Đồng Trentô, chỉ có tội nhẹ mới được gọi là tội hằng ngày. Dĩ nhiên Công Đồng coi tội trọng, không những mọi hành vi chống lại giới răn của Thiên Chúa, kể cả hành vi ẩn kín và nội tâm làm cho ta trở nên thù địch cùng Thiên Chúa. Công Đồng không xác định rõ những hành vi nào làm cho chúng ta trở nên thù địch cùng Thiên Chúa, đánh mất đời sống ân sủng. Thời bấy giờ, các thần học gia chắc chắn rằng chỉ có tội trọng khi hành vi tự bản chất là xấu, khi chủ thể hoàn toàn ý thức về sự dữ và hoàn toàn ưng thuận cách tự do.
Nếu chỉ chú trọng bình diện khách quan, không lưu ý khía cạnh chủ quan, thì không thể nại tới Công Đồng. Nếu nói theo Công Đồng rằng tội trọng làm cho chúng ta trở nên thù địch cùng Thiên Chúa, đối tượng của sự phẫn nộ của Người, phải kết luận rằng tội trọng bao hàm một thay đổi sâu xa trong tâm lý con người, giống như sự hoán cải (dù đó là hai hướng đi ngược chiều). Một hành vi nhân linh chỉ có tác dụng ghê gớm như vậy, khi có “chiều sâu bản vị” đến mức làm cho đời sống đối ngược với Thiên Chúa, hay ít nữa là không thể dung hòa với tình yêu của Người.
2) Điều thứ hai cần lưu ý là “đặc tính xét xử” của việc giải tội, theo Công Đồng, không cứng rắn như một số người thường nghĩ. Ở đây, chúng ta có thể trích dẫn tư tưởng của K. Rahner : “Hãy luôn luôn nhớ rằng chỉ phải xưng những điều mà lương tâm chủ quan coi là tội đã phạm. Sự dữ vô ý thức không mang trách nhiệm. Chỉ điều gì chúng ta trách nhiệm, chúng ta mới xưng thú. Tòa án Xá giải không là tòa điều tra (inquisitio). Chỉ xưng ra thể loại và các hoàn cảnh thay đổi thể loại, khi chủ thể ý thức rõ ràng và có trách nhiệm chủ động về những hoàn cảnh ấy ; chứ không chỉ là những hoàn cảnh gắn liền với chất thể khách quan của hành vi“.
3) Một trong những chướng ngại cho việc canh tân mục vụ bí tích Hòa Giải là quan niệm về sự xưng thú nguyên vẹn các tội. Để tránh những khó khăn do hiểu sai hay hiểu quá mức đòi buộc của Công Đồng, cần lưu ý rằng : dù đòi buộc ấy là một chân lý mạc khải, vẫn luôn được coi là một đòi buộc có điều kiện, chứ không tuyệt đối. Thần học cổ điển cũng công nhận rằng có những hoàn cảnh làm cho việc xưng thú mọi tội trở nên “bất khả”, ví dụ khi hấp hối, trong thời chiến.
5. Thừa tác viên giải tội
Có ba mệnh đề của phong trào cải cách bị Công Đồng Trentô lên án :
Mệnh đề 1 : “Lời xá giải của linh mục không là một hành vi phán xét, mà chỉ là thừa tác vụ loan báo cho người xưng tội rằng họ đã được tha, miễn là họ tin rằng mình được xá giải, dù linh mục ban lời đùa cợt, không nghiêm túc ; hơn thế nữa, linh mục còn có thể giải tội mà không cần tội nhân xưng thú”
Mệnh đề 2 : chối quyền thánh chức và quyền tài phán của thừa tác viên (giáo dân giải tội cũng được) ; Giám mục không có quyền dành riêng cho mình một số trường hợp đặc biệt.
Mệnh đề 3 : không công nhận linh mục có quyền ra việc đền tội.
Để chống lại những sai lầm đó,
1. Chương VI và can. 10 dạy rằng : chỉ có Giám mục và linh mục là thừa tác viên bí tích Giải tội, dựa vào Mt 18,18 và Ga 20,23. Các linh mục, dù có tội trọng, vẫn có quyền chìa khóa : “Họ thi hành, với tư cách là thừa tác viên của Đức Kitô, chức năng tha tội do việc truyền chức, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần”
2. Chương VII dạy rằng linh mục ban phép Giải tội cần phải có quyền tài phán. Canon 11 ấn định quyền Giám mục dành riêng một số trường hợp nghiêm trọng trong giáo phận mình, vì chính các ngài là những người trao cho các linh mục quyền tài phán và giải tội.
Đặc tính xét xử của việc giải tội. Can. 9 định tín : việc giải tội của linh mục là một hành vi xét xử. Muốn hiểu đúng nghĩa điều Công Đồng dạy, trước hết phải lưu ý một số điều :
1) Đặc tính xét xử của việc giải tội tùy thuộc ý niệm về quyền xét xử thời bấy giờ, không hoàn toàn giống như ngày nay.
2) Công Đồng vẫn cho đó là một hình ảnh, dù hữu ích để diễn tả một số yếu tố chủ chốt của thừa tác vụ hòa giải.
Sau khi lưu ý hai điều nói trên, chúng ta có thể nhận ra khá rõ giáo huấn của Công Đồng :
– Lời xá giải của linh mục hữu hiệu, ban ơn tha tội thực sự, chứ không chỉ loan báo ơn tha tội đã được ban.
– Lời xá giải là một lời phán quyết đối với những người thuộc hạ (Ds 1685). Lời phán quyết ấy được tuyên bố bởi quyền bính mà Giám mục hay linh mục lãnh nhận từ Đức Kitô. Quyền ấy vừa là quyền thánh chức, vừa là quyền tài phán.
– Việc giải tội đòi hỏi phải biết tình trạng của tội nhân, do việc xưng các tội trọng mà tội nhân ý thức ; việc giải tội còn bao hàm quyền giao các việc đền tội ; các việc đền tội có giá trị khi hối nhân kết hiệp với Đức Kitô đã chịu chết để chuộc tội.
Về hiểu biết tình trạng tội nhân qua việc xưng tội, nói chung, các thần học gia không gắt gao như Cano chủ trương (không thể giải tội cho người hấp hối). Họ cho rằng lời phán quyết trong tòa giải tội là “phán quyết ân xá” (judicium gratiosum), chứ không là lời phán quyết kết tội (judicium criminale).
Ý niệm “xét xử” biến chuyển khá nhiều. Từ Cách mạng Pháp trở đi, người ta phân biệt rõ “tư pháp” và “hành pháp”. Tư pháp là xét xử theo nghĩa hẹp, là tòa án.
Có người cho rằng quyền xét xử thời Công Đồng Trentô hiểu theo nghĩa hẹp, nghĩa là linh mục có quyền tha tội hay không tha tùy ý, và quyền ấy, ông lãnh nhận từ Đức Kitô. Ngày nay, phần đông các thần học gia hiểu theo nghĩa rộng : Xá giải giống như “chấp nhận tha” với vài điều kiện (được đề ra và kiểm chứng). Lập trường này có nhiều lý chứng : 1) trên bình diện chú giải Kinh Thánh, “buộc” không hiểu theo nghĩa “không tha” đối ngược với tha ; 2) Công Đồng Trentô hiểu “buộc” là ấn định việc đền tội ; 3) Phong trào Cải Cách chống lại quyền ra việc đền tội của Giám mục, linh mục, mà họ gọi đó là quyền tài phán.
Như vậy đặc tính xét xử của phép Giải tội phải hiểu theo nghĩa loại suy, vì Giáo Hội là một tổ chức siêu nhiên, quyền tha tội phát sinh từ việc truyền chức. Nếu so sánh với tòa án đời, chúng ta thấy có nhiều khác biệt. Nơi tòa đời, vị thẩm phán phải tìm cách nhận ra bị cáo có tội hay vô tội để kết án hay tha theo luật pháp ; nơi tòa giải tội, linh mục đối diện với tội nhân tự nhận mình có tội, và phải tha nếu tội nhân thống hối. Việc xét xử ở tòa án tuyên bố bị cáo vô tội hay có tội đáng để trừng phạt ; còn việc giải tội nhằm công chính hóa người có tội và đã nhận biết mình có tội. Trong phiên tòa, bị cáo có quyền tự bào chữa ; nơi tòa giải tội, hối nhân phải tự thú, và không được tha nếu tìm cách tự bào chữa, không nhận mình thực sự có tội.
6. Đền tội
Những người “Cải Cách” không chấp nhận rằng có thể có hình phạt sau khi đã có ơn tha thứ, vì như vậy là cho rằng các công trạng của Đức Giêsu không đủ mang lại ơn tha thứ. Việc đền tội chân thực là niềm tin vào Đức Giêsu và một đời sống tốt đẹp. Các hình phạt và các việc đền tội được đề ra trong lịch sử Giáo Hội không có giá trị tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ là những truyền thống nhân loại, tối đa có giá trị kỷ luật chứ không ảnh hưởng gì trên việc tha tội.
Chống lại phong trào Cải Cách, Công Đồng khẳng định :
1) Hình phạt không được tha hoàn toàn cùng với tội lỗi (D 1689).
2) Các việc đền tội có hai vai trò : thuyên chữa (đó là những liều thuốc chữa các dấu vết tội còn để lại nơi con người), và đền bù (vindicativa).
3) Không những các hình phạt tự ý, mà cả những hình phạt mà linh mục đề ra và những hình phạt mà trong thực tế con người đang chịu đựng gắn liền với đời sống thường nhật, đều có giá trị đền tội. Giá trị ấy phát xuất từ thập giá Chúa Kitô, mà kitô-hữu kết hiệp với trong việc đền tội của mình. Do đó, việc đền tội là hành vi tôn thờ Thiên Chúa, không làm lu mờ các công trạng của Đức Giêsu.
4) Quyền chìa khóa được trao cho linh mục không những để tha, mà còn để buộc, nghĩa là ra việc đền tội phù hợp với từng tội nhân, làm cho đạt hai mục tiêu chữa lành và đền bù.
7. Bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể
Khóa 13 Công Đồng chống lại các sai lầm sau đây :
1. Bí tích Thánh Thể được thiết lập duy nhất để ban ơn tha tội.
2. Chỉ cần đức tin đủ để chuẩn bị hiệp thông Thánh Thể, không đòi buộc xưng tội trước.
1) Bí tích Thánh Thể và ơn tha tội.
Công Đồng khẳng định phép Thánh Thể cũng là một liều thuốc giải độc, cứu chúng ta khỏi các tội hằng ngày và gìn giữ ta khỏi tội trọng (can. 2).
Công Đồng lên án chủ trương phép Thánh Thể chỉ có mục tiêu mang lại ơn tha tội.
2) Việc chuẩn bị cần thiết để hiệp thông Thánh Thể
Vấn đề bó buộc xưng tội trước khi rước lễ được tranh luận dữ dội, và có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Ngày 11.10.1551, Công Đồng gút lại thành hai điểm :
– Canon 11 lên án chủ trương chỉ cần đức tin để hiệp thông Thánh Thể. Công Đồng lập lại cách thực hành của Giáo Hội, coi việc xưng tội trước khi rước lễ, trong trường hợp ý thức mình phạm tội trọng, là điều cần thiết.
– Chương 7 thì nói rõ hơn, đó là “tập tục của Giáo Hội” (ecclesiastica consuetudo) và thêm rằng trường hợp khẩn cấp, linh mục có tội trọng phải cử hành thánh lễ dù chưa xưng tội được, nhưng sau đó phải xưng tội (x. D 1647).
Trong khóa 22, Công Đồng đề cập đến giá trị “xá tội và tha vạ” của Thánh lễ, dành cho cả những người sống lẫn người đã qua đời. Giá trị xá tội được giải thích : khi con người đến gần Thiên Chúa trong Hy Tế Thánh Thể với tâm hồn chân thật, đức tin ngay thẳng, với lòng kính sợ, ăn năn và thống hối, thì Chúa tha các tội ác, kể cả các tội nặng vì Người ban cho ơn sủng và ơn thống hối. Ơn này hướng người kitô-hữu đến bí tích Giải tội, vì đó là ơn ăn năn tội cách trọn bao hàm ước muốn lãnh nhận bí tích Giải tội.
PHẦN IV: BÍ TÍCH GIẢI TỘI SAU CÔNG ĐỔNG TRENTÔ
A. BÍ TÍCH HÒA GIẢI TRONG ĐỜI SỐNG MỤC VỤ CỦA GIÁO HỘI SAU CÔNG ĐỔNG TRENTÔ
Sau nỗ lực canh tân Giáo Hội của Công Đồng Trentô, công việc mục vụ trong Giáo Hội dần dần phân biệt rõ làm hai loại : một loại cho đám đông, một loại dành cho thiểu số ưu tú.
Mục vụ bí tích Hòa giải cũng theo chiều hướng này :
Đối với đám đông, các cha hay giảng về luân lý và về tội, thúc giục dân chúng đi xưng tội. Điều các ngài nhắm là người dân biết ăn năn tội, cách chẳng trọn cũng được, để rồi lãnh nhận bí tích và cố gắng chừa bớt tội. Khoa thần học luân lý phục vụ tòa giải tội, nghiêng chiều về việc giải “nố”.
Mục vụ dành cho đám đông không đủ, còn cần mục vụ cho hạng người ưu tú có vai trò trong xã hội cũng như Giáo Hội. Dòng Tên chú trọng đặc biệt đến loại mục vụ này. Trong việc giáo dục những người trẻ, những người quý tộc, các cha dòng Tên chú trọng nhiều đến việc giáo dục lương tâm, việc xét mình và xưng tội hàng tháng. Các ngài nhấn mạnh sự xấu xa của tội, sự chiến đấu để vượt thắng tội lỗi và được tự do ; nhấn mạnh nhiều đến sự “trong sạch tâm hồn”, cần thiết ngay cả đối với đời sống trí thức.
Các nhà thần nhiệm Tây-ban-nha cũng ảnh hưởng nhiều trên mục vụ dành cho giới ưu tú. Thánh Têrêxa d’Avila nhấn mạnh nhiều các đức tính mà các cha giải tội cho tu sĩ phải có. Thánh nữ đặt nặng việc “linh hướng”, coi đó là phương thế đưa tới sự trọn lành nhờ bí tích Hòa giải. Thánh Phanxicô Salêsiô mở rộng công việc này ra cho mọi tâm hồn ao ước nên thánh.
Mục vụ cho giới ưu tú ngày càng phát triển, và nhiều tác phẩm tu đức về đời sống thiêng liêng ra đời, giúp ích cho nhiều người. Trong việc mục vụ này, thánh Têrêxa cũng như thánh Phanxicô đều nhấn mạnh sự vâng lời và cởi mở đối với cha giải tội. Cha giải tội phải biết tư tưởng, tình cảm, những đam mê, cả cuộc sống của con linh hướng.
Mục vụ loại này vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Nhưng xét về một phương diện, cả hai loại mục vụ đều khiếm khuyết, vì thiếu chiều kích Giáo Hội, hơi nặng về từng cá nhân. Người giáo dân thường, và cả người giáo dân ưu tú hay tu sĩ, không còn nhớ chiều kích Giáo Hội và xã hội của tội lỗi. Việc sám hối cũng như việc cử hành bí tích Hòa giải mất hẳn chiều kích Giáo Hội của thuở ban đầu.
Vào thế kỷ XIX, ngoài những yếu tố trên, trong Giáo Hội xuất hiện một số cha giải tội thời danh như cha sở họ Ars chẳng hạn. Rõ ràng đây là “đặc sủng” giúp cho nhiều người trong Giáo Hội vượt khỏi óc vụ luật, duy luân lý của thời đó.
Thượng bán thế kỷ XX, với Sắc lệnh năm 1905 về việc rước lễ thường xuyên, tạo ra được thói quen xưng tội thường xuyên trong Giáo Hội, đặc biệt là nơi giới ưu tú ; họ xưng tội hàng tháng, có khi hằng tuần. Cách thực hành này đã đóng góp rất nhiều trong việc đào tạo các thành phần dân Chúa, nhưng cũng có một số điểm tiêu cực như “máy móc”, “hình thức”. mà dần dần với thời gian, càng thấy rõ.
Sự biến chuyển nhanh chóng của thế giới ngày càng cho thấy rõ cách thực hành đó đến thời kỳ khủng hoảng, cần được xét lại rất nhiều ; chỉ giữ lại những gì cốt yếu, làm nổi bật đặc tính “dấu chỉ” của bí tích, để con người hiện nay hiểu và chấp nhận.
B. THẦN HỌC VỀ BÍ TÍCH GIẢI TỘI SAU CÔNG ĐỔNG TRENTÔ
Điều đắc thủ quan trọng của Công Đồng Trentô là coi những hành vi của hối nhân như lành thành phần của bí tích Hòa giải.
Khẳng định rõ ràng sự hữu hiệu của bí tích mang lại ơn tha tội làm cho lý thuyết về “giá trị tuyên bố” của lời xá giải trở nên hoàn toàn lỗi thời.
Đà canh tân của Công Đồng đã thúc đẩy nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, đặc biệt bắt đầu từ học giả Morin (1681). Đầu thế kỷ XX, nhiều tác giả Công giáo đã có những công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh về bí tích Hòa giải.
Công Đồng Trentô đã không đưa ra một giải đáp đầy đủ về tương quan giữa hối nhân và hành vi của Giáo Hội. Vấn đề này được các thần học gia sau Công Đồng chú trọng nhiều hơn. Trong thực tế, suy tư thần học tập trung vào hối nhân, vào cách thức ăn năn tội đòi hỏi phải có để được công chính hóa, trong và ngoài bí tích.
Để được công chính hóa mà không có bí tích, các thần học gia đều đòi hỏi phải ăn năn tội cách trọn với lòng ao ước lãnh nhận bí tích. Nhưng có người đòi hỏi lòng thống hối mãnh liệt và không ngơi phát xuất từ lòng mến ; người khác chủ trương không bó buộc phải có lòng mến trọn vẹn theo “nghĩa hẹp”, thống hối có thể bắt nguồn từ những lý do khác như biết ơn, sự công bằng, miễn là nhằm mục đích cuối cùng là Thiên Chúa. Có người chủ trương dung hòa hai giải đáp này.
Về sự công chính hóa nhờ bí tích, có tranh luận dữ dội về bản chất của sự ăn năn tội chẳng trọn cần thiết để lãnh nhận ân sủng bí tích.
Trong các thế kỷ XVII-XVIII hầu như mọi người nhận rằng sự ăn năn tội chẳng trọn mà có đức tin và dốc lòng chừa với hy vọng được ơn tha thứ, thì đủ để chuẩn bị cho hối nhân lãnh nhận ơn bí tích. Nhưng vẫn còn những vấn nạn đặt ra như sau : sự ăn năn chỉ do sợ hình phạt hay phải có một chút lòng mến Chúa nào đó ? Nếu có thì lòng yêu mến đó thuộc loại nào ?
Các giải đáp có thể quy về ba loại :
1) chủ trương “ái hối cực đoan” (contritionisme rigide), đòi hỏi phải có lòng ăn năn phát xuất từ đức ái, được gọi là ăn năn không trọn nhưng hoàn toàn khác với ăn năn vì sợ (Morin, Berti, Bazzanigni)
2) chủ trương “ái hối trung dung” (contritionisme mitigé), đòi hỏi nơi hối nhân một tình yêu khởi đầu, chưa phải là lòng mến, là tình bằng hữu, vì chưa mạnh đủ. Lòng mến này không đủ để công chính hóa ngài bí tích (Billuart)
3) chủ trương “úy hối” (attritionisme) chỉ đòi hỏi “ăn năn tội chẳng trọn” theo “nghĩa hẹp” : chỉ cần “dục ái” (amor concupiscentiae erga Deum). Có người cho rằng tình yêu này phải minh nhiên được biểu lộ ; người khác nghĩ rằng chỉ cần mặc nhiên. Nhưng tất cả đều công nhận phải có “dốc lòng chừa” và “hy vọng được ơn tha thứ”. Lập trường này là của Alphongse de Liguori và rất nhiều tác giả. Theo Đức thánh cha Alexandre VII, thì đây là “ý kiến chung” (sententia communior).
Đầu thế kỷ XX, cuộc tranh luận sôi động trở lại. Người ta trở lại các lập trường của Tôma và Duns Scott. Nhưng phần đông chủ trương “úy hối”, vì phái “ái hối trung dung” không giải thích được thế nào là thứ tình yêu ở giữa tình yêu tự nhiên và lòng mến siêu nhiên. Còn thuyết “ái hối cực đoan” thì không giải thích được vai trò của lời xá giải. Gần đây lại có một chuyển hướng tích cực khác. Người ta suy nghĩ nhiều hơn về tội và hậu quả của tội.
Mỗi tội trọng đều tạo ra một sức phá hoại, đưa con người tới chỗ xa lìa Thiên Chúa và chống lại Thiên Chúa. Chính vì thế, sự hoán cải không thể nào có được nếu không có ân sủng ; đồng thời là một hành trình dứt bỏ rất đau đớn thân phận tội lỗi của mình, quy hướng về Thiên Chúa tự trong thâm sâu. Dứt bỏ quá khứ là điều rất khó khăn ; tạo cho mình một “hướng đi cơ bản” quy về Thiên Chúa cũng là đòi hỏi không kém gắt gao.
Quan điểm sống động và thực tiễn này có được là nhờ những đóng góp của khoa Kinh Thánh đào sâu quan niệm hoán cải trong Mạc Khải, của các khoa nhân học và tâm lý học giúp hiểu biết về con người tường tận hơn. Quan điểm này có vẻ như trở lại chủ trương trung dung giữa thuyết “úy hối” và thuyết “ái hối cực đoan”. Nhiều tác giả khẳng định rằng ăn năn tội cách chẳng trọn đủ để lãnh nhận ơn bí tích. Lòng úy hối này luôn luôn kèm theo niềm hy vọng được ơn tha thứ, do đó đòi hỏi phải từ bỏ tội lỗi, thực tâm hướng về Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo (amor concupiscentiae : dục ái). Những tác giả này cũng đưa ra thêm hai khẳng định :
Khẳng định 1 là chỉ có một con đường công chính hóa, đó là hoán cải trọn vẹn phát xuất từ lòng mến. Sự hoán cải trọn vẹn này không loại trừ mọi lý do úy hối. Trong thực tế, các lý do ái hối và lý do úy hối không tách rời nhau, dục ái và bác ái cũng không thể tách rời. Ngay từ đầu, sự ăn năn tội chẳng trọn, tự nó, đã hướng về hoán cải trọn vẹn.
Khẳng định 2 là khi lãnh nhận bí tích Hòa giải, lòng thống hối chưa trọn của tội nhân trở thành trọn vẹn, nhờ tác động hữu hiệu của lời xá giải bí tích. Đó là những tác giả lớn như Dondaine, Flick, K. Rahner, Schmaus, Anciaux, Alszeghy, Martimort.
C. HUẤN QUYỀN SAU CÔNG ĐỔNG TRENTÔ
Thời Đức thánh cha Alexandre VII, Sắc lệnh của Bộ Thánh Vụ ngày 05.05.1667 tìm cách chấm dứt những tranh luận gay gắt giữa các phe chủ trương ái hối và phe úy hối. Sắc lệnh cho rằng chủ trương úy hối là “ý kiến chung” (sententia communior, D 2070).
Triều đại Giáo hoàng Alexandre VIII, Sắc lệnh của Bộ Thánh Vụ ngày 07.12.1690 lên án những sai lầm của phái Jansénistes, trong đó có những sai lầm về bí tích giải tội, ví dụ : “Ăn năn tội chẳng trọn, do sợ hỏa ngục và hình phạt, mà không có tình yêu Thiên Chúa vì chính mình Người, thì không là một hành vi tốt và siêu nhiên” (D 2315)
Tông huấn “Unigenitus Dei Filius” của Đức giáo hoàng Clément XI ngày 18.9.1713, lên án những sai lầm của Paschase Quesnell (thuộc phái Jansénistes) : “Nếu chỉ có sự sợ hãi hình phạt làm cho sám hối, thì càng sám hối mãnh liệt bao nhiêu, càng dẫn đến tuyệt vọng bấy nhiêu” (D 2460) – “Ai từ bỏ sự dữ chỉ vì sợ hình phạt, thì đã phạm điều ác ấy trong lòng và đã có tội trước mặt Thiên Chúa” (D 2462).
Tông huấn “Auctor Fidei” của Giáo hoàng Piô VI ngày 28.8.1794 lên án những sai lầm của Thượng Hội Đồng Pistoia :
– Chủ trương có hai loại tình yêu : bác ái và dục ái ; bất cứ điều gì do dục ái đều xấu và có tội (D 2623).
– Chủ trương sự sợ hình phạt hoàn toàn là xấu và đáng luận phạt (D 2625)
– Chủ trương phải có “bác ái” trước khi lãnh nhận phép Xá giải.
Năm 1907, Sắc lệnh “Lamentabili” của Bộ Thánh Vụ lên án các sai lầm của phái Duy tân, trong đó có mấy mệnh đề về bí tích Hòa giải :
“Trong Giáo Hội sơ khai, không có tư tưởng hòa giải tội nhân do quyền bính của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội mất rất nhiều thời gian để làm quen với quan niệm này. Hơn thế nữa, sau khi việc “hòa giải” được nhận là do Giáo Hội thiết lập, nó vẫn không được gọi là bí tích, lý do là vì nó được coi như một dấu chỉ nhục mạ” (D 3446).
“Lời Chúa trong Ga 20,22-23 không có liên hệ gì tới bí tích Giải tội, dù các nghị phụ Công Đồng Trentô đã khẳng định là có” (D 3447)
Đức Thánh Cha Piô XII, trong thông điệp “Mystici Corporis” (1943) bênh vực giá trị và lợi ích của việc xưng tội thường xuyên các tội nhẹ (D 3818).
Hiến chế về Phụng vụ thánh của Công Đồng Vaticanô II đòi hỏi phải canh tân việc cử hành bí tích Hòa giải : “Nghi lễ và công thức bí tích Giải tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của bí tích này” (PV 72).
Hiến chế tín lý về Giáo Hội có những suy tư phong phú và mới mẻ hơn về bí tích Hòa giải, có thể làm nền tảng vững chắc cho việc canh tân sau này. Việc cử hành bí tích Hòa giải được coi như một hành vi phụng tự do cả Giáo Hội cử hành với chức tư tế công đồng, kết hợp với chức tư tế thừa tác. Lumen Gentium là văn kiện Huấn Quyền đầu tiên sau Trentô coi hậu quả của bí tích Hòa giải vừa là hòa giải tội nhân với Thiên Chúa, vừa hòa giải tội nhân với Giáo Hội. Công Đồng chưa xác định tương quan giữa hai điều đó. Quan điểm của Vaticanô II đương nhiên khiến Công Đồng nói đến sự cộng tác của cả Giáo Hội trong việc sám hối của tội nhân, bằng đức ái, bằng gương sáng và bằng lời cầu nguyện : “Những ai đến lãnh nhận bí tích Cáo Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Những Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện để hoán cải họ” (GH 11).
Ordo Paenitentiae
1. Mầu nhiệm hòa giải trong lịch sử Cứu Độ
Chúa Cha biểu lộ lòng thương xót, hòa giải thế gian lại với mình nhờ Đức Kitô, nhờ máu đã đổ ra trên thập giá, mang lại bình an cho mọi loài trên trời dưới đất.
Con Thiên Chúa làm người, ở giữa loài người để giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi, và mời gọi họ rời bỏ tối tăm, đi vào thế giới ánh sáng huyền diệu. Vì lý do đó, Con Thiên Chúa đã khởi đầu sứ vụ bằng việc rao giảng thống hối : “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Sự mời gọi hoán cải ấy, mà các tiên tri đã nhiều lần gióng lên, giờ đây chuẩn bị tâm hồn con người cho Nước Thiên Chúa đến qua lời nói của Gioan Tẩy-giả “rao giảng phép Rửa sám hối để cầu ơn tha tội” (Mc 1,4).
Đức Giêsu không những kêu gọi con người thống hối, từ bỏ tội lỗi và hướng tâm hồn họ lên với Thiên Chúa, mà còn đón tiếp các tội nhân và giao hòa họ với Thiên Chúa. Ngoài ra, Ngài đã chữa lành các bệnh nhân để biểu lộ dấu chỉ quyền tha tội. Hơn thế nữa, Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta và sống lại để chúng ta được công chính. Chính vì thế, trong đêm Ngài bị nộp, khi bắt đầu cuộc khổ nạn hồng phúc, Ngài đã thiết lập lễ hy tế Giao Ước Mới nhờ Máu Ngài đổ ra để tha tội. Sau khi sống lại, Ngài đã sai Thánh Thần xuống với các Tông Đồ, ban cho họ quyền tháo gỡ và cầm buộc. Họ lãnh nhận nhiệm vụ rao giảng nhân danh Ngài, sự “thống hối” và ơn tha tội khắp muôn dân.
Tuân theo lệnh truyền của Chúa, trong ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã rao giảng ơn tha tội nhờ phép Rửa : “Anh em hãy sám hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội” (Cv 2,38). Vì lý do đó, Giáo Hội không bao giờ quên kêu gọi mọi người hoán cải và bày tỏ việc Đức Kitô chiến thắng tội lỗi nhờ cử hành bí tích Hòa giải.
Chiến thắng tội lỗi tiên vàn nơi phép Rửa tội. Nơi đây, con người cũ cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô để thân xác tội lỗi bị hủy đi và chúng ta không còn làm tôi cho tội nữa, nhưng nhờ phục sinh với Đức Kitô, chúng ta được sống. Vì lý do đó, Hội Thánh tuyên xưng đức tin “có một phép Rửa để tha tội”.
Trong hy tế Thánh Thể, cuộc khổ nạn của Chúa được cử hành : Thân Mình Ngài chịu nộp vì chúng ta và Máu Ngài đã đổ ra cho chúng ta được tha tội lại được Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa để cả thế giới được cứu rỗi. Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô hiện diện và được hiến dâng làm “của lễ hòa giải chúng ta”, để chúng ta, nhờ Thánh Thần của Ngài “được hợp nhất cùng nhau”.
Nhưng ngoài ra, Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, khi đã trao cho các Tông Đồ và những người kế vị các ngài quyền tha tội, đã thiết lập bí tích Hòa giải, để các tín hữu lỡ sa ngã phạm tội sau phép Rửa, được hòa giải với Thiên Chúa nhờ ân sủng được đổi mới. Giáo Hội “có nước và nước mắt : nước phép Rửa và nước mắt thống hối”.
2. Giao hòa các hối nhân trong đời sống Hội Thánh
Giáo Hội thánh thiện đồng thời phải thanh luyện không ngừng
Đức Kitô “đã yêu mến Giáo Hội và đã nộp mình vì Giáo Hội để thánh hóa Giáo Hội” (Ep 5,25-26) kết hiệp với Giáo Hội như hôn thê. Ngài đổ tràn trên Giáo Hội là Thân Mình và sự Viên Mãn của Ngài, đầy những hồng ân của Ngài, và nhờ Giáo Hội, Ngài ban bố chân lý và ân sủng cho mọi người.
Nhưng các chi thể trong Giáo Hội vẫn bị cám dỗ và thường sa ngã phạm tội cách đáng thương. Đức Kitô là “Đấng thánh thiện, vô tội, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi” (Dt 7,26), “Đấng không biết đến tội” (2 Cr 5,21), nhưng đến để đền tội của dân (x. Dt 2,17) ; còn Giáo Hội thì bao gồm những tội nhân trong lòng của chính mình, vừa thánh thiện, nhưng phải thanh luyện không ngừng.
Sám hối trong đời sống và phụng vụ của Giáo Hội
Dân Chúa thực hành sám hối không ngừng và bằng nhiều cách. Có thể, bằng sự kiên nhẫn chịu đựng, hiệp thông với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, thực hành những việc nhân lành và bác ái, mỗi ngày một hoán cải, sống theo Tin Mừng Đức Kitô nhiều hơn, là dấu chỉ sự trở về cùng Thiên Chúa trong thế giới này. Điều đó, Giáo Hội sống, diễn tả và cử hành trong phụng vụ, khi các tín hữu tự nhận mình có tội, khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa và anh em, như thực hành trong các buổi thống hối, trong việc loan báo Lời Chúa, trong cầu nguyện và trong những phần sám hối của thánh lễ.
Trong bí tích Hòa giải, các tín hữu “nhận được, do lòng thương xót của Thiên Chúa, ơn tha tội phạm đến Người, đồng thời được hòa giải với Giáo Hội, mà, khi phạm tội, họ đã làm cho bị thương tổn. Giáo Hội cộng tác vào việc sám hối của họ bằng đức ái, gương sáng và lời cầu nguyện” .
Hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội
Vì tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, làm đổ vỡ tình bằng hữu với Người, nên “việc thống hối phải nhằm mục tiêu cuối cùng là yêu mến Thiên Chúa và hoàn toàn tin tưởng phó thác cho Người”. Tội nhân, nhờ ân sủng lòng thương xót của Thiên Chúa, đi vào con đường sám hối, trở về với Chúa Cha là “Đấng đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19), trở về với Chúa Kitô đã tự phó nộp vì chúng ta, và trở về cùng Chúa Thánh Thần được đổ tràn đầy trên chúng ta.
Vì mầu nhiệm cứu độ cao cả và tốt lành, loài người nên một với nhau trong sự liên đới siêu nhiên. Vì sự liên đới ấy mà tội của một người làm hại cả những người khác, cũng như sự thánh thiện của một người mang lại ơn ích cho những người khác. Cũng vậy, việc sám hối luôn kèm theo sự hòa giải với anh em mà tội lỗi đã làm tổn thương.
Loài người, khi làm những điều bất công, thường hành động chung với nhau ; thì cũng thế, khi thực hành sám hối, họ phải giúp đỡ nhau, để được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ ân sủng của Đức Kitô ; cùng với mọi người thiện tâm, mang lại công chính và hòa bình cho thế giới.
Bí tích Hòa giải và các phần khác nhau
Người môn đệ của Đức Kitô, sau khi phạm tội, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đến lãnh nhận bí tích Hòa giải, trước tiên phải “thật lòng trở về” với Thiên Chúa. Sự hoán cải sâu xa của trái tim bao hàm việc ăn năn tội và quyết tâm thay đổi đời sống. Sự hoán cải ấy được diễn tả bằng việc xưng tội với Hội Thánh, việc phải đền tội cân xứng và việc sửa đổi đời sống. Chính Thiên Chúa ban ơn tha tội nhờ Giáo Hội, và Giáo Hội hành động qua thừa tác vụ các linh mục.
1. Ăn năn tội. Trong các hành vi của hối nhân, đầu tiên có việc ăn năn tội là “sự đau đớn và ghét tội đã phạm, với quyết tâm không phạm tội nữa”. Chúng ta chỉ có thể vào Nước Trời nhờ sám hối, nghĩa là sự biến đổi sâu xa toàn diện con người, tư tưởng, phán đoán và cách sống, được đánh động bởi sự thánh thiện và lòng mến của Thiên Chúa, biểu lộ vào những ngày sau hết nơi người Con và được hoàn toàn ban phát cho chúng ta (x. Dt 1,2 ; Cl 1,19 ; Ep 1,23). Sám hối thực sự tùy thuộc vào việc ăn năn trong lòng. Sự hoán cải phải động tới con người cách thâm sâu, để mỗi ngày soi sáng người ấy và làm cho người ấy ngày càng nên giống Đức Kitô.
2. Xưng tội. Việc xưng tội là thành phần của bí tích Hòa giải, do nhận biết tội mình trước mặt Thiên Chúa và lòng thống hối ăn năn. Việc xét mình nội tâm và xưng tội bên ngoài phải được thực hiện dưới ánh sáng của lòng Chúa thương xót. Việc xưng tội đòi hỏi nơi hối nhân phải có ý cởi mở tâm hồn mình với thừa tác viên của Thiên Chúa. Hành động thay mặt Đức Kitô, do “quyền chìa khóa”, ngài phán quyết tha hay buộc tội.
3. Đền tội. Sám hối thực sự hoàn tất nhờ việc đền tội, thay đổi đời sống và sửa chữa thiệt hại. Việc làm và mức độ đền tội phải phù hợp cho mỗi hối nhân, để mỗi người xây dựng lại trật tự mà họ đã phá đổ, được chữa lành bằng vị thuốc chữa bệnh đúng đắn. Hình phạt phải là vị thuốc chữa tội và đổi mới cách nào đó cuộc sống. Hối nhân “khi quên đi những gì ở phía sau để nhìn về phía trước” (Pl 3,13), lại tháp nhập vào mầu nhiệm cứu rỗi và hướng về những sự đời sau.
4. Giải tội. Thiên Chúa ban ân huệ của Người cho ai biểu lộ lòng sám hối trong bí tích Giải tội, qua dấu chỉ xá giải, và như thế, bí tích Hòa giải được hoàn tất. Theo nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa, lòng nhân đạo và nhân lành của Thiên Chúa chúng ta là Đấng Cứu Thế, đã xuất hiện hữu hình cho loài người, Thiên Chúa muốn nhờ những dấu chỉ hữu hình ban ơn cứu độ cho chúng ta và giao ước lại với chúng ta.
Nhờ bí tích Hòa giải, Chúa Cha đón nhận người con trở về với mình, Đức Kitô mang chiên lạc trên vai và đưa về đàn chiên, và Chúa Thánh Thần hiến thánh đền thờ trở lại hay cư ngụ cách viên mãn hơn. Điều kiện này cuối cùng biểu lộ qua việc tham dự đổi mới và sốt sắng hơn vào bàn tiệc của Chúa, nơi, vì người con từ xa trở về, có niềm vui lớn cho khách dự tiệc trong Giáo Hội của Thiên Chúa.
Sự cần thiết và ích lợi của bí tích
Vết thương do tội lỗi thì khác nhau, đa dạng tùy cuộc sống của cá nhân và cộng đoàn, phương dược mà bí tích Hòa giải mang lại cho chúng ta cũng phải khác nhau. Những ai không được hiệp thông với tình yêu Thiên Chúa nữa, do phạm tội trọng, nhờ bí tích Hòa giải, được có lại sự sống đã mất ; còn ai phạm tội nhẹ, hằng ngày kinh nghiệm sự yếu đuối của mình, lấy lại được sức mạnh nhờ cử hành sám hối, để đạt được sự tự do trọn vẹn của con cái Thiên Chúa.
1. Để nhận lãnh phương dược cứu rỗi của bí tích Hòa giải, theo sự sắp đặt của lòng nhân hậu Chúa, tín hữu phải xưng ra với linh mục mọi tội trọng và từng tội trọng mà mình nhớ được khi đã xét mình.
2. Ngoài ra, việc xưng tội thường xuyên và siêng năng các tội nhẹ cũng rất hữu ích. Không là một sự lập đi lập lại thuần túy nghi thức hay một sự tập luyện tâm lý, nhưng là nỗ lực làm cho viên mãn ơn phép Rửa, để, khi chúng ta mang trong thân xác cái chết của Đức Kitô, thì càng ngày sự sống của Ngài càng biểu lộ trong chúng ta. Trong những lần xưng tội như thế, khi hối nhân thú nhận các tội nhẹ, họ cố gắng trở nên giống Chúa Kitô và vâng nghe Chúa Thánh Thần cách chăm chú hơn.
Để bí tích sinh ơn cứu độ này có ảnh hưởng thật sự trên người kitô-hữu, nó phải tác động trên cả cuộc sống như những rễ cây và phải thúc đẩy phục vụ Thiên Chúa và anh em sốt sắng hơn.
Việc cử hành bí tích luôn là hành vi nhờ đó Giáo Hội tuyên xưng đức tin của mình, cảm tạ Thiên Chúa vì tự do mà Đức Kitô ban cho, và hiến dâng cuộc sống làm của lễ thiêng liêng để làm vinh danh Thiên Chúa.
PHẦN V: SUY TƯ THẦN HỌC VÀ MỤC VỤ
A. Ý NGHĨA KITÔ-HỌC VÀ THẦN HỌC CỦA BÍ TÍCH HÒA GIẢI
1. Bí tích Hòa giải và mầu nhiệm Vượt Qua
Không nên coi bí tích Hòa giải như một hành vi biệt lập, riêng lẻ, mà coi đó là một hành vi, một sự kiện, một biến cố xảy ra trong lịch sử cuộc đời một con người hay một tập thể. Nhất là không nên để bí tích trở thành một hành vi máy móc, theo thói quen, nhàm chán, tầm thường, không mang lại lợi ích và không có ý nghĩa gì.
Phải coi đó là một hành vi ý thức và tự do, đánh dấu một giai đoạn trong cuộc đời kitô-hữu, và vì thế, không những góp phần xây dựng con người kitô-hữu, mà còn xây dựng cả Nhiệm Thể Chúa Kitô. Bí tích chỉ có thể có ý nghĩa và tác dụng ấy, nếu là một hành vi cứu độ, dấu chỉ hữu hiệu của hành vi cứu thế của Chúa Kitô. Bí tích thuộc về nhiệm cục cứu độ, nằm trong lịch sử cứu độ mà trọng tâm là Đức Kitô. Vì lý do đó, phải làm nổi bật sáng kiến của Thiên Chúa.
Lịch sử cứu độ phát xuất từ chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa và là hành vi can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử loài người. Hành vi này phát xuất từ tình yêu bao la và nhưng không của Thiên Chúa. Đó là hành vi của lòng thương xót. Thiên Chúa mong muốn và kêu gọi mọi người hiệp thông với Ngài và với anh em, nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Ngài chờ đợi sự đáp trả tự do của con người.
Bí tích Hòa giải, cũng như mọi bí tích, tiên vàn không là một hành vi tâm lý nhằm giải tỏa gánh nặng lương tâm, cũng không là một hành vi luân lý sửa chữa sự đổ vỡ do điều ác gây ra. Trước hết, đó là một hành vi siêu nhiên, một hành vi tôn giáo ; là đáp trả tình yêu của Thiên Chúa nhập thể trong lịch sử loài người. Và chính sự đáp trả ấy bắt nguồn từ sáng kiến của Thiên Chúa, thể hiện trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội, do Thánh Thần của Chúa Kitô thúc đẩy. Giáo Hội loan báo cho các kitô-hữu đã sa ngã phạm tội Lời yêu thương, sứ điệp hòa giải và ơn tha tội. Sứ điệp này đánh động và thay đổi chiều sâu tâm hồn của tội nhân. Chính Thiên Chúa đưa tội nhân từng bước trên con đường hoán cải, ban cho hoặc củng cố đức tin và niềm hy vọng vào lòng thương xót của Ngài. Ngài thúc đẩy tội nhân bày tỏ nỗ lực hoán cải, xin lãnh nhận bí tích. Cuối cùng, qua dấu chỉ bí tích, Thiên Chúa ban cho hối nhân ơn hòa giải trọn vẹn, chấp nhận cho họ trở về sống thân mật với Ngài, nhờ hiệp thông với Đức Kitô và Giáo Hội.
Kitô-hữu chỉ gặp gỡ Thiên Chúa nơi Đức Kitô Tử Nạn – Phục Sinh, biến cố trọng tâm của lịch sử cứu độ. Ơn tha tội của Thiên Chúa được ban cho nhân loại một lần duy nhất nơi thập giá Đức Kitô. Tất cả đều do hành vi hòa giải ấy của Thiên Chúa nơi Đức Kitô.
Biến cố Vượt Qua của Đức Kitô là biến cố duy nhất bao gồm Tử Nạn – Phục Sinh và Lên Trời. Đức Kitô rời bỏ thế gian về cùng Cha. Trong biến cố này, có “Hồng Ân Cao Cả” nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người, và “Đáp Trả trọn vẹn” nhất của loài người dâng lên Thiên Chúa nơi Đức Kitô vâng phục và chết trên thập giá. Vì Đức Kitô đã dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã tôn vinh Người, đặt Người làm Chúa. Cái chết của Đức Giêsu là một cái chết lịch sử nhưng vượt qua lịch sử, đưa con người đến chỗ hoàn tất viên mãn. Chính vì thế, đã trở thành bất diệt, có giá trị hiện đại cho mọi thời và mọi nơi.
Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, sự chiến thắng tội lỗi và hoàn tất cánh chung của Người, vẫn hiện diện cách huyền nhiệm nơi Giáo Hội là Bí Tích của Đức Kitô Phục Sinh. Sự hiện diện này là động lực làm cho Giáo Hội luôn hướng về sự Hoàn Tất Cánh Chung.
Mỗi bí tích đều là hành vi Giáo Hội biểu lộ cách đặc biệt sự hiện diện tác động của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong lịch sử loài người, biểu lộ tình yêu thần linh của Đức Kitô đối với loài người, và tình yêu nhân loại của Đức Kitô đối với Thiên Chúa. Mỗi bí tích đều là một biến cố vượt qua, biểu lộ và thể hiện “cơ cấu bí tích” của Giáo Hội đối với từng người trong những hoàn cảnh cơ bản nhất của họ, nhờ đó họ được liên kết với biến cố vượt qua của Đức Kitô và được cứu độ.
Đặc tính hiện tại của bí tích phải luôn luôn gắn liền với quá khứ và tương lai. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá mang lại ơn cứu độ đời đời, cho mọi thời đại. Đức Giêsu vâng phục và vâng phục cho đến chết. Cả lịch sử cứu độ trước đó đều hướng về thập giá cứu độ. Tương lai cũng đã được mở ra, vì biến cố cứu độ là một Tạo Dựng Mới ; một trật tự mới hình thành và xây dựng dần trong hiện tại. Mỗi bí tích đều “tưởng nhớ” (signum commemorativum), “minh chứng” (signum demonstrativum) và “tiên báo” (signum prognosticum).
Trong đời sống kitô-hữu, không phải mọi bí tích đều quan trọng như nhau. Chóp đỉnh và trọng tâm mà mọi bí tích quy về vẫn là bí tích Thánh Thể. Điều này không làm cho mỗi bí tích mất giá trị riêng. Mỗi bí tích đều làm cho mầu nhiệm vượt qua hiện diện và tác động theo cách riêng của mình, theo dấu chỉ bên ngoài của chính bí tích ấy.
Chiều kích vượt qua của bí tích Hòa giải
Nơi bí tích Hòa giải, tội nhân được gặp gỡ tiếp xúc với Thiên Chúa trong chính mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, được cứu độ, được tha thứ, được ban cho sự sống mới.
Để giải thích chiều kích vượt qua của bí tích Hòa giải, một số thần học gia khởi đầu từ đặc tính “phán xử“. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là bản án của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã kết án tội lỗi, kết án Satan là đầu mục của thế gian này. Nhưng bản án của Đức Giêsu đã trở thành bản án ân xá, đưa tội nhân đi từ cõi chết đến cõi sống.
Bí tích Giải tội là dấu chỉ tưởng nhớ sự phán xử của Thiên Chúa, kết án tội lỗi, thể hiện qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Là dấu chỉ minh chứng, vì khía cạnh phán xử của mầu nhiệm Vượt Qua được biểu lộ hữu hình qua sự phán xét của Giáo Hội. Trên bình diện này, lời Xá giải của thừa tác viên phản ánh sự phán xét của Chúa Thánh Thần đối với tội lỗi trần gian (x. Ga 16,8-11). Đó là lý do giải thích tại sao ơn tha tội trong bí tích Hòa giải không hoàn toàn nhưng không như trong bí tích Rửa tội, nhưng phải là “lao nhọc và gánh nặng” ; đòi phải chấp nhận bản án của tội trong cái chết của Đức Kitô. Và cũng vì lý do đó mà bí tích Hòa giải là dấu hiệu tiên báo “phán xét cánh chung”. Sự phán xét này, một phần nào được thể hiện trước trong bí tích Hòa giải, dưới hình thái phán quyết ân xá, vượt trên sự kết án, vì tội nhân đã chấp nhận lời kết án trong cái chết của Đức Kitô.
Cách giải thích trên đây là nỗ lực đầu tiên phân tích ý nghĩa thần học của bí tích Hòa giải theo chiều hướng mầu nhiệm Vượt Qua ; nhờ đó chúng ta hiểu được “đặc tính mầu nhiệm” của lời Xá giải, đặc tính loại suy (vì là “cứu độ”) của “Tòa” giải tội, so với các tòa án trong xã hội.
Nhưng cách giải thích này không phù hợp với khoa chú giải hôm nay. Theo khoa Kinh Thánh hôm nay, sự công chính của Thiên Chúa biểu lộ và thể hiện qua cái chết của Đức Kitô không phải là “công lý báo thù” (justitia vindicativa), trừng phạt kẻ có tội, nhưng là sự công chính cứu độ, là sự trung thành, là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn công chính hóa những kẻ có tội, đón nhận sự vâng phục cho đến chết của Đức Kitô, sự vâng phục đã chiến thắng tội lỗi của toàn thể nhân loại.
Sự kết án của Chúa Thánh Thần trong Ga 16,8-11 cũng không phải là lời phán quyết của Giáo Hội trong bí tích Hòa giải. Đó là sự đoạn tuyệt của Chúa Thánh Thần với những ai không tin. Sự đoạn tuyệt này tách biệt những người tin vào Đức Kitô và những kẻ không tin.
Phán xử chỉ là một khía cạnh của bí tích Hòa giải, chỉ là một hình ảnh biểu lộ một phương diện của dấu chỉ bí tích, chứ không là toàn bộ cơ cấu của bí tích.
Dưới bất cứ hình thái nào, bí tích Hòa giải là một hành vi hoán cải và hòa giải có chiều kích Giáo Hội, giữa kitô-hữu tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội. Sự hòa giải thể hiện trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội, do một chức năng đặc biệt Đức Kitô trao phó. Dấu chỉ bên ngoài vừa bao gồm các hành vi của hối nhân biểu lộ trong Giáo Hội và trước mặt Giáo Hội nỗ lực hoán cải và đền tội. Lời xá giải là lời hữu hiệu ban ơn tha tội, biểu lộ và “nhập thể” trong Giáo Hội, lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lòng thương xót của Thiên Chúa gặp gỡ hành vi hoán cải của hối nhân, nâng hành vi ấy lên thành yếu tố hòa giải hữu hiệu với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với tha nhân. Bí tích Hòa giải vừa là dấu chỉ sự hoán cải của toàn thể Giáo Hội (Dân Chúa), vừa là dấu chỉ ơn thánh hóa. Toàn thể Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chiến đấu hữu hiệu chống lại tội lỗi của các chi thể trong cơ chế nội bộ, cũng như trong lòng xã hội. Giáo Hội luôn cộng tác tích cực vào sự hoán cải của con người, sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa và với nhau, nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
Từ ý nghĩa đầu tiên và cơ bản này của bí tích Hòa giải, chúng ta sẽ thấy được tương quan mật thiết giữa kitô-hữu tội nhân với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, thể hiện trong bí tích Giải tội.
Bí tích Hòa giải là dấu chỉ tưởng nhớ biến cố Vượt Qua của Đức Kitô : con người Đức Giêsu đón nhận thập giá như dấu chỉ cao nhất của tình yêu và sự vâng phục Thiên Chúa để cứu độ nhân loại, dấu chỉ của tình yêu và sự định hướng toàn diện, sự hoán cải cơ bản và quyết liệt nhất của con người hướng về Thiên Chúa và tha nhân. Sự hoán cải chiến thắng và vượt qua tội lỗi, vì tội lỗi tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa và anh em, còn hoán cải đưa chúng ta trở về gần gũi với Thiên Chúa và với anh em. Bí tích Hòa giải còn là dấu chỉ tưởng nhớ biến cố Vượt Qua của Đức Kitô vì là sự hòa giải được tặng không giữa những con người tội lỗi với Thiên Chúa và với nhau, là sự biểu lộ hữu hiệu và cao cả tình yêu trung thành của Thiên Chúa, Đấng, qua cuộc Tử Nạn – Phục Sinh của người Con Yêu Dấu, đã niêm ấn Giao Ước mới và vĩnh cửu, đã hòa giải họ với chính mình và với nhau.
Bí tích Hòa giải con là dấu chỉ minh chứng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Việc đón nhận thập giá chiến thắng sự từ khước của nhân loại đối với chương trình của Thiên Chúa, biểu lộ hữu hình trong việc chấp nhận đền tội và nỗ lực hoán cải của Giáo Hội cũng như của hối nhân. Hối nhân chấp nhận thánh giá, rời bỏ con người cũ, con người ích kỷ, đóng kín đối với tình yêu của Thiên Chúa và của tha nhân. Lòng thương xót của Thiên Chúa biểu lộ qua lời rao giảng và đời sống bác ái của Giáo Hội. Chính vì đời sống bác ái mà Hội Thánh giúp đỡ, sửa dạy, tha thứ cho các chi thể đã phạm tội. Giáo Hội tiếp tục hoán cải và tự canh tân không ngừng. Mọi sự đều biểu lộ và tập trung cách đặc biệt vào lời hữu hiệu ban ơn tha tội và hòa giải.
Bí tích Hòa giải còn là dấu hiệu tiên báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Đó là bước khởi đầu, dù chưa trọn vẹn và tối hậu, khai trương chiến thắng sau cùng và trọn vẹn trên tội lỗi, mở đầu cho sự hoán cải cánh chung và dứt khoát của các hối nhân, sự hòa giải trọn vẹn giữa con người với Thiên Chúa và với nhau. Khi cử hành bí tích Hòa giải, hối nhân và toàn thể Giáo Hội được giải thoát khỏi tội lỗi, được hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân, do đó phải dấn thân hoàn tất sự hoán cải và hòa giải cánh chung, dần dần và từng bước trong hiện tại. Việc cử hành bí tích Hòa giải đóng góp xây dựng đời sống người kitô-hữu, đời sống của Giáo Hội và thế giới. Đó là giây phút quan trọng trong cuộc chiến chống tội lỗi nơi chính mình, nơi tha nhân, trong các cơ chế Giáo Hội và trong lòng thế giới. Đó cũng là giây phút đặc biệt để xây dựng tình yêu và sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa và với nhau.
Bí tích Hòa giải ban ơn tha tội, biến đổi người kitô-hữu, canh tân sức lực, thúc đẩy họ thi hành sứ vụ của mình trong Giáo Hội và thế giới. Là một sự can thiệp tự do và nhưng không của tình yêu Thiên Chúa vào lịch sử đặc thù của người kitô-hữu và của Giáo Hội, để xây dựng – với sự cộng tác của con người – Vương Quốc cánh chung của Thiên Chúa, bằng cách giải thoát tạo thành khỏi “gông cùm của tội lỗi”, nâng cao và phát triển các giá trị tạo thành, bằng cách tháp nhập chúng vào trong năng động thanh tẩy, và biến hình của mầu nhiệm Vượt Qua, cho tới khi mọi sự được thâu hồi trọn vẹn trong Đức Kitô.
2. Bí tích Hòa giải và mầu nhiệm Ba Ngôi
Bí tích Hòa giải làm cho chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn tha tội trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Bước thêm một bước, chúng ta đi sâu vào gốc rễ của mầu nhiệm vượt qua là mầu nhiệm Ba Ngôi, mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng từ bất cứ góc cạnh nào.
Chúng ta bắt đầu từ Cứu-chuộc-học, vì mục tiêu của mọi bí tích là mang lại ơn cứu chuộc cho chúng ta. Ơn cứu chuộc ấy cũng chính là ơn tha tội mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Hòa giải.
Đôi khi, vì thiếu chiều sâu, thiếu lòng đạo, chúng ta hiểu chưa đúng mức giá trị ơn cứu chuộc, chúng ta coi thường, không trân trọng, không thiết tha với ơn cứu chuộc.
Chúng ta nên trở lại tư tưởng của Phaolô về giá cứu chuộc. Chúng ta đã được cứu chuộc, giá cả hẳn hoi (1 Cr 6,20). Ơn cứu độ không phải là một món hàng rẻ tiền, nhưng đã phải trả bằng giá cao nhất, là mạng sống. Giá này, chính Chúa Giêsu đã trả. Sự trả giá là một hành vi tự nguyện, phát xuất từ tình yêu. Nói theo Tin Mừng Gioan, “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh tính mạng vì người mình yêu” (15,13). Giá ở đây không phải là giá trả cho ma quỷ, vì ma quỷ không có quyền gì trên loài người chúng ta ; cũng không phải là giá trả cho Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không phải là một người Cha độc ác đòi Con mình trả giá máu để cứu chuộc Hội Thánh. Nhưng giá ấy là giá của tình yêu. Giá càng cao, tình yêu càng nhiều. Nói theo kiểu thư I Phêrô, “tình yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi” (4,8). Tình yêu không chấp nhất gì cả, mà tha thứ tất cả (x. 1 Cr 13,7).
Trong bí tích Giải tội, chúng ta đón nhận tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống cho những người mình yêu. Vì lý do này mà bí tích Giải tội có tương quan mật thiết với bí tích Thánh Thể. Nhưng trong bí tích Giải tội, chúng ta đón nhận tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu dưới một dạng khác. Dạng này giống như điều mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Rửa tội : chúng ta được sạch tội, được giải thoát, được trở lại làm con của Thiên Chúa, làm chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Có điều khác biệt là chúng ta không lãnh nhận ấn tín mà chúng ta đã một lần lãnh nhận trong phép Rửa, vì ấn tín ấy chỉ ghi khắc có một lần. Sự khác biệt thứ hai là chúng ta phải đền tội, vì tình yêu của Chúa muốn chúng ta chứng tỏ là chúng ta đã thật sự hoán cải. Vả lại, tội phạm sau khi chịu phép Rửa, đã biết Chúa và tin Chúa, thì nặng nề hơn các tội phạm trước khi chịu phép Rửa.
Qua bí tích Giải tội, chúng ta được phục hồi sự sống mà chúng ta đã làm mất hay giảm thiểu. Sự sống của chúng ta được phục hồi nhờ việc tiếp xúc với Đức Kitô Phục Sinh, nhận lãnh Thánh Thần từ Đức Kitô Phục Sinh. Trong bí tích Giải tội, chúng ta như đón nhận nước và máu chảy ra từ cạnh sườn của Chúa.
Ơn tha tội trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong Tân Ước, cũng chính là ơn cứu độ. Tha tội có nghĩa là cho thông phần, cho hưởng hạnh phúc, là đón nhận người con hoang đàng trở về.
Tha tội là hành vi của Chúa Cha giàu lòng thương xót, Đấng luôn luôn yêu dấu chúng ta, dù chúng ta bất trung, Đấng hằng ngày chờ đợi chúng ta trở về. Thậm chí Người còn là Đấng không ngừng đi tìm chúng ta. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Đối với tội nhân, tình yêu biểu lộ cụ thể nhất qua ơn tha thứ. Tha thứ là bảo chứng của tình yêu quảng đại, tình yêu không nghĩ đến bản thân, không nghĩ tới sự xúc phạm. Tình yêu luôn tha thứ là một tình yêu không tự ái.
Nói như thánh Phaolô, mặc dù chúng ta phạm tội, xa rời Thiên Chúa, xúc phạm đến Người, mặc dù lỗi tại chúng ta hoàn toàn, chính Thiên Chúa muốn hòa giải chúng ta lại với Người, nhờ bửu huyết Con Yêu Dấu của Người (x. Cl 1,20).
Sự bất hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa mang lại đau khổ và sự chết cho chúng ta, vì chúng ta phải xa lìa Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Gốc và Cùng Đích của mọi sự, Thiên Chúa là Hạnh Phúc, là Gia Nghiệp đời ta. Mất Người là mất tất cả. Có Người là có tất cả.
Trong sự tự hiến của Chúa Kitô, chính Chúa Cha đã tự hiến cho chúng ta. Sự tự hiến ấy biểu lộ trọn vẹn qua thập giá Đức Kitô và thể hiện hằng ngày trong bí tích Thánh Thể. Chúa Cha tự hiến cho chúng ta bằng cách ban Con Một Người cho chúng ta. Trong bí tích Hòa giải, chúng ta đón nhận tình yêu tự hiến của Chúa Cha một cách khác. Tình yêu ấy biểu lộ bằng sự tha thứ, sự quên mình hoàn toàn của Thiên Chúa. Điều quan trọng là nhân loại và cả vũ trụ vạn vật được giao hòa trở lại với Đấng là Tác Giả sáng tạo nên chúng. Sự giao hòa ấy thể hiện nơi Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, vì Đức Kitô vừa là Con Một Thiên Chúa vừa là người anh em với chúng ta. Máu Đức Kitô là Máu Tân Ước vĩnh cửu đổ ra cho chúng ta và nhiều người được tha tội.
Công tác giao hòa cũng là công tác của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng nối kết. Ơn thông hiệp là ơn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta lại với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa. Tiên vàn Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta hoán cải, hồi đầu trở lại với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần, chính là tình yêu mà Chúa Cha ban cho chúng ta, là Lòng Mến của chính Thiên Chúa ở trong chúng ta, để nhờ đó, chúng ta yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Chúa Kitô và yêu mến anh em.
Chúa Thánh Thần còn là Đấng thánh hóa, thanh luyện tâm hồn chúng ta, cho chúng ta được trong sạch. Chúa Thánh Thần là Đấng tẩy xóa tội lỗi, là Sức Mạnh của Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi và sự dữ. Do đó, để tha tội cho chúng ta, Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta. Chính Đức Kitô, trước khi ban “quyền chìa khóa” cho các Tông Đồ, đã thổi hơi trên họ và ban Thánh Thần cho họ (Ga 20,22). Thừa tác vụ tha tội mà họ lãnh nhận là thừa tác vụ của Chúa Thánh Thần.
Khi lãnh nhận bí tích Hòa giải, chúng ta lãnh nhận ơn tha tội cũng là ơn cứu độ, và cũng là ơn Thánh Thần, là chính Thánh Thần như một Hồng Ân.
Trong bí tích Giải tội, có lãnh nhận Thánh Thần, chúng ta mới được ơn thánh hóa, chúng ta mới trở nên giống Đức Kitô và trở nên con cái tự do của Thiên Chúa. Nhờ Thánh Thần, chúng ta cùng chết với Đức Kitô để cùng sống lại với Người. Thánh Thần đã tái sinh chúng ta trong phép Rửa, làm cho chúng ta nên con người mới ; giờ đây canh tân đổi mới chúng ta trong bí tích Hòa giải. Mỗi lần lãnh nhận bí tích Giải tội là một lần rũ bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới, cùng với Chúa Kitô trở thành Ađam-mới. Cứu chuộc là một công trình tạo dựng mới, trên một bình diện cao hơn và bình diện ấy là bình diện của Thánh Thần, không còn là bình diện xác thịt hay máu huyết nữa.
B. CHIỀU KÍCH GIÁO HỘI CỦA BÍ TÍCH HÒA GIẢI
Khi đi xưng tội, nhiều tín hữu nghĩ rằng họ đến với Thiên Chúa, với Đức Kitô để xin ơn tha tội. Điều đó đúng, nhưng đôi khi họ quên hẳn vai trò của Giáo Hội. Bí tích luôn luôn là hành vi của Giáo Hội. Mỗi bí tích đều khai triển và ứng dụng cơ cấu bí tích của Giáo Hội, Nhiệm Thể hữu hình và tại thế của Đức Kitô vinh hiển.
Kitô-hữu tội nhân gặp gỡ Thiên Chúa trong bí tích Hòa giải khi tiếp xúc với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, nhờ sự trung gian của Giáo Hội. Giáo Hội luôn thực hiện vai trò trung gian hai chiều của mình trong mỗi bí tích : 1) từ trên xuống : Giáo Hội cống hiến cho chúng ta ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa ; 2) từ dưới lên : Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa việc phụng tự của loài người chúng ta.
1. Hòa giải với Thiên Chúa qua sự hòa giải với Giáo Hội
Công Đồng Trentô đã định tín : bí tích Giải tội làm cho tội nhân hối cải được giao hòa với Thiên Chúa và được ơn tha tội.
Hiến chế Lumen Gentium và Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis đều khẳng định vừa sự hòa giải với Thiên Chúa, vừa sự hòa giải với Giáo Hội (GH 11b ; LM 5a). Tương quan giữa hai sự hòa giải chưa được các Công Đồng khai triển. Nhưng, ngày nay, nhiều nhà thần học dựa trên các dữ kiện Kinh Thánh và giáo phụ đã làm công việc này, và cho rằng sự hòa giải với Giáo Hội là dấu chỉ bên ngoài, nhờ đó mà hối nhân được hòa giải với Thiên Chúa.
Sự hòa giải với Thiên Chúa trong bí tích Giải tội làm cho con người có tội trở về với tình bằng hữu của Thiên Chúa. Đó là hồng ân tặng không của Chúa Thánh Thần, Đấng ban ơn tha tội cho hối nhân, nâng đỡ hối nhân trong nỗ lực hoán cải nhờ “lời Xá giải hữu hiệu”. Chúa Thánh Thần nâng hối nhân chỗi dậy và đưa vào trật tự cứu độ, gắn liền với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
Hòa giải với Giáo Hội là xóa bỏ sự tách lìa với Giáo Hội mà tội trọng của người kitô-hữu đã tạo ra. Phạm tội trọng là từ khước tình yêu, từ chối Thánh Thần, Đấng linh hoạt Giáo Hội. Xa rời Thiên Chúa cũng là xa lìa Giáo Hội, không theo nghĩa hữu hình và toàn diện, vì nhờ ấn tín phép Rửa, kitô-hữu tội nhân vẫn tiếp tục thuộc về Giáo Hội ; nhưng có một sự tách lìa vô hình khỏi tình yêu cứu độ trong Giáo Hội, Hồng Ân mà Thánh Thần ban cho Giáo Hội.
Hòa giải với Giáo Hội có nghĩa là xóa bỏ khoảng cách vô hình và nhận người kitô-hữu trở lại môi trường tình yêu của Giáo Hội. Hòa giải là sự bình an của Giáo Hội (pax Ecclesiae). Trở về sự bình an trong Giáo Hội là nhận lãnh ơn tha tội, nhận lãnh tình yêu của Thiên Chúa và Giáo Hội, nhận lãnh ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, kết hiệp chúng ta lại với Giáo Hội, với Chúa Kitô và Chúa Cha.
Người kitô-hữu có tội đã chống lại và tách rời Thiên Chúa và anh em, được tha tội, tìm lại được tình yêu của Thiên Chúa nơi tình yêu của anh em. Tình yêu huynh đệ này là hiện thân hữu hình và lịch sử của tình yêu Thiên Chúa. Sự trở về và hòa giải của người kitô-hữu với Thiên Chúa thể hiện qua sự trở về và hòa giải với Giáo Hội.
Nếu dùng ngôn ngữ của thần học kinh viện, thì sự hòa giải với Giáo Hội (pax cum Ecclesia) là “res et sacramentum” của bí tích Hòa giải. Đó là hậu quả trực tiếp của dấu chỉ bên ngoài, đồng thời là dấu chỉ hữu hiệu của sự hòa giải với Thiên Chúa. Nhưng dùng ngôn ngữ này thì hơi gượng ép, vì sự hòa giải với Giáo Hội không là một hậu quả trung gian giữa dấu chỉ bí tích và sự hòa giải với Thiên Chúa. Hòa giải với Giáo Hội là giao hòa với tình yêu của Giáo Hội, là trở về mầu nhiệm hiệp thông nối kết mọi tín hữu với Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, và do đó không thể tách biệt với sự hòa giải với Thiên Chúa.
2. Sự thể hiện “chức tư tế” của Giáo Hội
a. Thể hiện “chức tư tế cộng đồng” trong bí tích Hòa giải
Trước hết, chính hối nhân thể hiện chức tư tế cộng đồng của mình. Hối nhân không lãnh nhận bí tích cách thụ động, nhưng luôn có phần chủ động trong dấu chỉ bí tích, các hành vi thống hối của tội nhân diễn tả và thể hiện ấn tín phép Rửa, biểu lộ tương quan hữu hình việc họ thuộc về Giáo Hội. Chúng có giá trị dấu chỉ biểu lộ ân sủng mới của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Theo thánh Tôma, kitô-hữu góp phần vào cử chỉ hay nghi thức bí tích, do đó cộng tác như một nguyên nhân dụng cụ mang lại ơn hòa giải. Cũng có thể nói như Karl Rahner : “Vì cử hành bí tích là phụng vụ đúng nghĩa, hối nhân, khi xưng tội, thực hiện chức năng của mình trong phụng vụ của Giáo Hội. Hối nhân không chỉ lãnh nhận hậu quả của hành vi phụng vụ. Nơi chính hối nhân, Giáo Hội hành động và cử hành các mầu nhiệm. Phụng vụ thật là cảm động, vì là phụng vụ của Giáo Hội gồm những tội nhân” (La Paenitenzia della Chiesa, ed. Paoline, Roma 1964, p. 86).
Ngoài vai trò của hối nhân, toàn thể Giáo Hội đều thi hành chức tư tế cộng đồng của mình : “Giáo Hội hằng lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải” (GH 11b).
Ngoài chứng từ gương sáng, lời cầu nguyện của Giáo Hội (đi đôi với đức ái do Thánh Thần) là lời cầu nguyện hữu hiệu, là hiện thân hữu hình và lịch sử của lời cầu nguyện của Đức Kitô. Lời cầu nguyện này không những đưa tới ơn thống hối cho tội nhân, mà còn mang lại sự hòa giải và ơn tha thứ. Lòng bác ái của cộng đoàn đối với người anh em có tội không những làm cho người anh em đó hoán cải, nhờ sửa đổi nhẹ nhàng và với tình yêu, giúp đỡ người anh em trong nỗ lực sám hối, mà còn cộng tác vào sự hòa giải bằng việc tha thứ và đưa tội nhân trở lại môi trường yêu thương của Giáo Hội.
b. Thể hiện “chức tư tế thừa tác”
Sự thể hiện chức tư tế cộng đồng của toàn thể Giáo Hội trong việc cử hành bí tích Hòa giải không miễn trừ, trái lại còn đòi hỏi việc thi hành chức tư tế thừa tác. Theo ý muốn của Đức Kitô, thừa tác viên bí tích Hòa giải, người duy nhất có thể đọc lời Xá giải thành sự, là Giám mục hay là linh mục được thông phần chức tư tế của Giám mục.
Các thừa tác viên hành động không những nhân danh Đức Kitô, mà còn nhân danh Giáo Hội. Chức tư tế phẩm trật của họ nhằm phục vụ chức tư tế cộng đồng, vì thực hiện hữu hiệu cách khách quan mục tiêu phụng thờ Thiên Chúa và cứu độ loài người mà chức tư tế cộng đồng hướng về.
Kitô-hữu hối nhân nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa nhờ gia nhập lại Cộng Đồng Huynh Đệ. Trong giai đoạn hiện tại của lịch sử cứu độ, Cộng Đồng ấy vừa thánh thiện vừa tội lỗi. Tình yêu của Thiên Chúa vừa được biểu lộ, vừa bị che khuất bởi đời sống của Giáo Hội. Chi thể đã phạm tội làm sao có thể chắc chắn rằng trong tình thương huynh đệ có lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện cách hữu hình và hữu hiệu ? Không có người anh em nào, cũng không có cộng đồng nào trong cụ thể dám coi mình là đại diện, là trung gian hoàn hảo đưa tới chiến thắng cuối cùng của lòng thương xót của Thiên Chúa, đã thể hiện trong Đức Kitô và sẽ hoàn tất trong ngày cánh chung.
Để Giáo Hội có thể trở thành hiện thân hữu hình và hữu hiệu cho tình yêu cánh chung của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã lập chức tư tế thừa tác với những chức năng đặc biệt do Người trao cho qua bí tích Truyền Chức.
Sự hòa giải bí tích của kitô-hữu tội nhân là hành vi của toàn thể Giáo Hội, chứ không là hành vi cơ chế, phẩm trật. Nhưng sự can thiệp của thừa tác viên tuyệt đối cần thiết, để làm cho tội nhân tiếp xúc được với lòng thương xót của Thiên Chúa, tình huynh đệ của Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nhờ biến cố Tử Nạn – Phục Sinh. Nhờ sự can thiệp của thừa tác viên, tình yêu và lời cầu nguyện của Cộng Đồng Giáo Hội cũng hiện diện, dù là rất kín đáo.
Cần lưu ý rằng thừa tác viên không làm điều gì hoàn toàn khác biệt với hành vi của Cộng đoàn Giáo Hội, mà chỉ phục vụ Cộng đoàn, nhờ nâng cao hành vi cộng đồng lên bình diện bí tích, với sự hữu hiệu cứ-sự riêng cho bảy bí tích.
Trong Giáo Hội mà hối nhân xưng thú tội lỗi, một người anh em đã nhận lãnh từ Chúa Kitô sứ mạng làm cho việc xưng tội ấy có giá trị bí tích, dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu mang lại ơn cứu độ.
c. Lời Xá giải là lời tha tội hữu hiệu ngỏ với người kitô-hữu tội nhân thật lòng thống hối
Lời Xá giải là lời tha tội hữu hiệu, chứ không chỉ là lời tuyên bố. Đó là “lời đức tin”, do thừa tác viên đọc với quyền bính đã lãnh nhận từ Chúa Kitô. Đó là lời biểu lộ hữu hiệu ơn tha tội của Thiên Chúa. Giáo Hội, qua thừa tác viên của mình, đọc lên lời ấy, kết hiệp mật thiết với Đức Kitô và Thánh Thần của Người. Lời ấy hữu hiệu do quyền thánh chức (potestas ordinis) và quyền tài phán (potestas jurisdictionis) của thừa tác viên. Công Đồng Trentô không xác định tương quan giữa hai quyền ấy. Trong giới thần học hiện nay có ba ý kiến :
1) Phân biệt rõ rệt giữa hai quyền : quyền thánh chức do ấn tín linh mục, quyền tài phán do hành vi trao quyền của cấp bậc có Thẩm quyền (= Giám mục). Cả hai thứ quyền đều cần, vì bí tích Giải tội hòa giải tội nhân với Thiên Chúa, cần quyền thánh chức ; đồng thời hòa giải tội nhân với Giáo Hội nên cần quyền tài phán. Hai sự hòa giải này đi đôi với nhau, gắn liền với nhau, nên đòi hỏi phải có cả hai quyền để lời Xá giải thành sự.
2) Bí tích Truyền Chức đã ban cho đầy đủ quyền cần thiết để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội. Quyền tài phán được ban thêm, cần đọc lời Xá giải thành sự, như một điều kiện : xác định những đối tượng mà linh mục có quyền ban ơn tha tội, quyền mà ngài đã lãnh nhận khi chịu chức.
3) Ý kiến thứ ba công nhận bí tích Truyền Chức ban quyền tha tội. Nhưng quyền ấy do Giáo Hội ràng buộc, và không thực hiện thành sự nếu không có quyết định của Giáo Hội. Việc trao quyền tài phán cần thiết để giải tội thành sự, nhưng không là trao một quyền mới, mà chỉ là giải tỏa ràng buộc của Giáo Hội.
Cả ba ý kiến đều không giải thích được cách trọn vẹn tại sao một người, sau khi đã lãnh nhận chức linh mục, còn phải nhận lãnh quyền giải tội do Đấng Bản Quyền Giám mục thì mới giải tội thành sự.
Cả ba cách giải thích, tuy có nói đến Giáo Hội, nhưng chưa làm nổi bật tối đa chiều kích Giáo Hội. Dĩ nhiên bí tích nào cũng là hành vi của Giáo Hội. Nhưng trong lịch sử bí tích Hòa giải cho thấy vai trò của Giáo Hội, ngay cả trên bình diện hữu hình và xã hội, là một vai trò chủ chốt. Dù cách cử hành bí tích có biến chuyển đến mức nào đi nữa, ví dụ vào thời Trung cổ, kỷ luật xá giải vẫn luôn luôn do Giám mục, do lãnh đạo Giáo Hội. Không thể nói đến bí tích Hòa giải mà không nói đến Giám mục. Giám mục nhận, đó là Đức Kitô nhận, là Thiên Chúa nhận người con hoang đàng trở về.
Việc lãnh nhận quyền giải tội từ Giám mục không chỉ mang tính pháp lý, mà còn có ý nghĩa thần học sâu xa, nhất là ý nghĩa Giáo-hội-học.
3. Công việc mục vụ của Giáo Hội
Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, khi mục vụ bí tích Hòa giải đang gặp khó khăn, khủng hoảng, nhất là đối với giới trẻ, phải làm thế nào để ý nghĩa Giáo Hội được nổi bật khi cử hành bí tích. Những nơi nào có thể được, nên đề cao vai trò của Giám mục như người Hướng dẫn dân Chúa trên con đường hoán cải.
Với Công Đồng Vaticanô II, vai trò của Dân Chúa được đề cao trong việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Dân Chúa đóng vai trò tích cực. Cùng với linh mục là người đứng đầu, Dân Chúa cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Khi cử hành thánh lễ, rõ ràng cả Giáo Hội hiện diện, cả Giáo Hội đón nhận Đức Kitô đến để cùng vượt qua với Chúa. Nhưng vai trò của Dân Chúa trong việc cử hành bí tích Hòa giải chưa được nhấn mạnh đủ, dù có được nói tới. Công Đồng chỉ nói đến việc hối nhân hòa giải không những với Thiên Chúa, mà cả Giáo Hội. Thực ra, hơn mọi bí tích khác, vai trò của Dân Chúa, của Nhiệm Thể Chúa Kitô phải nổi bật nơi bí tích Hòa giải. Khi một chi thể của Nhiệm Thể hư mất, cả Nhiệm Thể phải đau đớn, phải than vãn khóc lóc, ăn chay cầu nguyện, làm mọi cách để chi thể ấy sống lại. Cả Dân Chúa phải nâng đỡ tội nhân trong nỗ lực hoán cải. Cùng với tội nhân, mọi thành phần Dân Chúa đều phải thú nhận thân phận tội lỗi của mình. Cả Dân Chúa cũng phải đền tội cho tội nhân và với tội nhân. Chúa Kitô vô cùng sung sướng khi thấy cả Giáo Hội nỗ lực hoán cải, vì trong nội bộ còn nhiều tội nhân. Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội như yêu một người hôn thê xinh đẹp, nhưng càng yêu thắm thiết khi người hôn thê yêu dấu khiêm nhường, nhận ra sự bất xứng của mình.
Có lẽ chúng ta cần suy nghĩ lại về việc xưng tội quá máy móc của trẻ con, thậm chí của cả người lớn, trong nhiều giáo xứ hiện nay.
Chúng ta không nên lạm dụng việc giải tội tập thể, cũng không nên để các buổi thống hối cộng đồng lấn át việc xưng tội cá nhân. Nhưng cũng đừng quên rằng việc cử hành bí tích Hòa giải cho cá nhân phải làm cho cá nhân tiếp xúc thực sự với lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ sự chân thành hoán cải, qua sự thú nhận thật tình và sự đền bù xứng đáng. Đừng quên rằng bí tích Hòa giải cho cá nhân là dấu chỉ sự thống hối của cả Cộng Đồng.
Trong một giáo xứ với hai ngàn bổn đạo, nếu giáo dân xưng tội hằng tuần, cách máy móc, theo thói quen và không tiến bộ gì sau khi xưng tội, thì chắc chắn cha sở sẽ đuối sức, mà không mang lại kết quả nào cho đàn chiên. Trái lại, nếu giáo dân xưng tội ba tháng một lần, việc giải tội sẽ thưa hơn và cha giải tội sẽ có thời giờ đối thoại với hối nhân, nâng đỡ hối nhân, chữa lành các vết thương cho hối nhân. Cha giải tội sẽ thực hiện được hình thức giải tội cho cá nhân mà Bộ Phụng tự đã đề ra trong Ordo Paenitentiae, công bố ngày 02.12.1973 (caput I : Ordo ad reconciliandos singulos paenitentes ; Ordo Paenitentiae, editio typica, typis polyglottis vaticanis, 1974, pp. 26-28).
Không nên lạm dụng hiệu năng “cứ-sự” (ex opere operato) trong việc cử hành bí tích Hòa giải. Vả lại hiệu năng cứ-sự của bí tích Hòa giải không giống trường hợp bí tích Thánh Thể (bánh rượu – lời truyền phép – thừa tác viên có ý hướng). Phải có ăn năn tội và đền tội, thì bí tích mới hoàn tất.
Trong việc mục vụ bí tích Hòa giải hiện nay, có lẽ yếu tố “đền tội” chưa được đặt nặng đủ. Linh mục không nên chất gánh nặng lên vai giáo dân, nhưng cũng không nên coi thường việc đền tội, nại vào lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Nếu không khéo, chính sự coi thường việc đền tội sẽ làm cho người giáo dân dần dần mất ý thức tội lỗi. Nếu trở về với lịch sử Giáo Hội, thì việc đền tội là một yếu tố quan trọng trong việc cử hành bí tích Hòa giải. Việc đền tội không được nhìn với cái nhìn pháp lý, nhưng phải có quan điểm đức tin. Đền tội biểu lộ ước muốn sâu xa của tội nhân bù đắp lại tình yêu mà họ đã làm đổ vỡ. Ai ý thức sự trầm trọng của tội lỗi mình, thật lòng thống hối, và tâm hồn thực sự có tình yêu đối với Thiên Chúa và Giáo Hội, sẽ không ngại, không tính toán trong việc đền tội.
Giáo Hội hôm nay, hơn bao giờ hết, nên khơi lại ý thức đền tội, dường như đã mai một nơi rất nhiều người giáo dân, đặc biệt nơi người trẻ, bằng việc tổ chức những ngày đền tội chung cho giáo xứ hoặc cho các giới trong giáo xứ dưới nhiều hình thức, như : hành hương, chia sẻ và bố thí, lao động phục vụ những người nghèo hay phục vụ một chương trình công ích trong Giáo Hội hay xã hội.
Việc xưng các tội nhẹ cũng rất có ích, nhưng không nên quên rằng bí tích Thánh Thể là phương dược hoàn hảo chữa lành các vết thương của linh hồn và tăng cường sức lực cho người kitô-hữu. Mục tiêu của người kitô-hữu khi xưng tội là được “hồi sinh”. Bí tích Thánh Thể ban cho họ sự sống của Chúa Kitô, để nhờ đó họ nên vững mạnh chờ ngày Chúa đến.