13
HÃY RA NGOÀI VÀ ĐỨNG TRÊN NÚI
TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA
Đã đến lúc lắng nghe nhiều hơn lời chứng của một số nhân vật vĩ đại đã trở về từ núi Sinai. Trước tiên là các tiên tri.
Sứ mệnh tuyệt vời của các tiên tri là giúp dân chúng sống trước mặt Thiên Chúa hằng sống hiện diện. Công việc này đã không cô lập họ, cũng như không làm cho họ thờ ơ với các nhu cầu cụ thể của người dân, ngay cả về mặt xã hội hoặc chính trị; đúng hơn, ông kích thích họ đối mặt với mọi tình huống phát xuất từ Thiên Chúa. Êlia là một trong những tiên tri rất nhiệt thành đã buộc toàn dân và ngay cả các vua phải thường xuyên chịu sự phán xét của Thiên Chúa. Để hoàn thành một công việc như vậy, trước hết chính ông phải hoán cải và học cách “đứng trước mặt Chúa”. Chúng ta hãy nhớ lại vắn tắt kinh nghiệm của ông: nó có thể giúp chúng ta hiểu điều gì đang chờ đợi chúng ta, nếu chúng ta cũng muốn trở thành chứng nhân của Thiên Chúa hằng sống, trong phạm vi nhỏ bé của mình.
Êlia là con người đang ở giữa cuộc đấu tranh sinh tử giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi của con người. Sau một cuộc đối đầu kinh hoàng không biết lần thứ mấy với các lực lượng dẫn đầu cuộc nổi loạn ở Israel, thì một ngày kia, ông gặp khủng hoảng mệt mỏi và chán nản. Ông cay đắng nhận rằng: “Chỉ sót lại mình tôi là tiên tri của Đức Chúa” (1V 18,22). Khi ấy, ông bị cám dỗ chạy trốn và từ bỏ. Ông tìm nơi trú ẩn vắng vẻ trong sa mạc. Ông “trỗi dậy, ra đi để thoát mạng” (1V 19,3tt). Quá mệt mỏi, ông đến ngồi dưới một cây kim tước, rên rỉ: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ, xin Chúa lấy mạng sống con đi!“
Và này đây, cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống sắp biến đổi giờ phút khủng hoảng này, kinh nghiệm đau buồn về cuộc chạy trốn và thất bại này, thành kinh nghiệm trở lại và chiến thắng trong hân hoan. Một thiên sứ chỉ cho ông thấy một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và nói với ông: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa!” Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi đêm ngày tới Khorép, núi của Thiên Chúa. Đây là núi Sinai.
Nhưng cuộc khủng hoảng vẫn không vì vậy mà được giải quyết. Khi đến Khorép, thì như Kinh Thánh chép, Êlia: “vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó.” Chắc hẳn ông đang nghĩ đến thời gian nghỉ ngơi và tĩnh lặng, và cho nỗ lực của mình được thư giãn. Thấy cuộc chiến đấu của mình rõ ràng là vô ích, ông rơi vào tình trạng chờ đợi thụ động, một loại vô cảm. Ông nghĩ: “Khi Chúa tỏ mình ra lần nữa thì tôi sẽ đứng dậy, tôi sẽ làm…” Một tác giả đã mô tả tâm trạng này, một tâm trạng không phải là hiếm nơi các tôi tớ Thiên Chúa: “Khi linh hồn chúng ta bắt đầu không còn ham muốn những thú vui của thế gian, thì rất thường xảy ra là có tâm trạng vô cảm (acédie: mệt mỏi, buồn nản, chán ngấy) không còn thích phục vụ lời và làm cùn nhụt ước muốn những thiện ích trong tương lai, thậm chí đối với nó, cuộc sống phù du này dường như hoàn toàn không đem lại hứng thú, trong mức độ nó không mang lại bất cứ công việc nhân đức nào xứng với nó… Chúng ta sẽ không còn khó chịu do sự ủ rũ và lạnh nhạt gây ra, nếu chúng ta đặt ra những giới hạn chặt chẽ cho tư tưởng của mình, bằng cách chỉ chăm chăm tưởng nhớ đến Chúa. Chỉ như vậy tâm trí sẽ có thể mau chóng trở lại với sự nhiệt thành của nó và thoát ra khỏi tình trạng rối loạn không lý do này[1]“.
Chúa không để nhà tiên tri của mình ở lâu trong tình trạng này: “Êlia, ngươi làm gì ở đây? Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.” Những lời đó có nghĩa gì? Có nghĩa là: không được phép để cho nỗ lực suy giảm; với Thiên Chúa, không có thời gian chết. Đêm tối của tâm trí không phải là để trốn tránh bằng cách ngủ vùi, nhưng bằng cách canh thức trong tư thế chờ đợi, “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng, để khi chủ về tới và gõ cửa là mở ngay” (Lc 12,35). Phải luôn biết mình không là gì và bất lực, nhưng ở trong thái độ năng động, chứ không thụ động và trơ ỳ. Hướng về phía người đã biến mất nhưng sẽ trở lại.
Chúng ta cũng hãy học lấy một giáo huấn khác được gương của Êlia nêu ra: tầm quan trọng của sự im lặng trong những tình huống như vậy. Nhà tiên tri không còn bận tâm đến những lời nói và tin đồn từ bên ngoài và bên trong chính ông, ông phải thoát ra khỏi bất cứ sự hiện diện nào khác, kể cả của tôi tớ ông, để đứng “trước mặt Thiên Chúa.” Trong thời gian cô đơn chờ đợi trên núi – và điều này cũng giống như mỗi tiên tri –, Elia trước hết nhận thấy gió, lửa, động đất, là biết bao nhiêu hình thức thử thách, lo âu, kinh hoàng, làm cho sự vắng mặt của Thiên Chúa mỗi lúc một nặng nề hơn (“Chúa không ở trong gió, trong lửa, hoặc trong trận động đất…”). Cuối cùng, được thông báo bởi tiếng rì rào của một cơn gió nhẹ, biểu thị sự bình an trong lòng, này đây Thiên Chúa trở lại và cùng với Ngài là sự can đảm và niềm vui của một khởi đầu mới. Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống luôn luôn xảy ra ở cuối con đường thanh tẩy, tước bỏ, hư vô hóa mình. Kinh Thánh nói: “Không ai có thể nhìn thấy Chúa mà sống sót”: phải “chết” trước đã. Một người phụ nữ cùng thời với chúng ta, người đã leo lên Sinai cách thiêng liêng và thực tế, khi nói về những gì xẩy ra trước cuộc hành trình của mình, đã viết: “Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa luôn đi sau những giai đoạn tăm tối của nghi ngờ khiến chúng ta chìm trong bóng đêm, để ánh sáng của Ngài có thể ùa vào mà không lẫn với ánh sáng lừa dối của lý trí chúng ta[2]“.
Kinh Thánh cho biết sự khôn ngoan của Thiên Chúa đào tạo các tiên tri và chứng nhân của Ngài như thế nào: “Ban đầu khôn ngoan sẽ đồng hành với họ qua nẻo đường quanh co, giáng xuống trên họ hãi hùng run rẩy và dùng kỷ luật của mình mà tôi luyện bao lâu chưa tin tưởng họ được; rồi lại thử thách họ qua những phán quyết của mình. Sau đó khôn ngoan sẽ trở lại với họ trên con đường thẳng khiến họ được mừng vui và khôn ngoan mạc khải cho họ những bí nhiệm của mình” (Hc 4,17-18)
Cuộc phiêu lưu của Êlia được lặp lại khá giống như thế trong cuộc đời của một nhà tiên tri vĩ đại khác là Giêrêmia. Chính Giêrêmia cũng bị cuốn vào một cuộc đối đầu khủng khiếp giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự nổi loạn của dân chúng. Quá bực tức, một hôm ông rên rỉ: “Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm gì?” (Gr 15,10tt). Cũng nơi ông, sự cám dỗ len lỏi vào, lần này dưới hình thức một lời than vãn thưa lên với Thiên Chúa: “Con đã chẳng đem thiện chí phục vụ Ngài hay sao?…Phải chăng đối với con, Ngài chỉ là ngọn suối trong ảo mộng?” Đúng vậy, hay nói cách khác: đã biết Ngài và đã trở thành đối tượng để Ngài lựa chọn, đó quả là một việc tồi tệ. Đối với Giêrêmia, chính là cơ hội cho một cuộc hoán cải mới và một kinh nghiệm sâu sắc hơn nhiều về Thiên Chúa hằng sống so với lần kêu gọi đầu tiên. Thiên Chúa đáp lại câu “Thế là đủ” của nhà tiên tri, không phải bằng cách giảm bớt nhưng gia tăng những đòi hỏi của Ngài. Chính nhà tiên tri kể lại: “Đức Chúa phán như sau: Nếu ta đưa ngươi về mà ngươi chịu trở về, thì ngươi sẽ được đứng trước nhan Ta”. Có thể hiểu như thế này: “Nếu ngươi biết phân biệt những gì quý giá trong cuộc đời làm tiên tri của mình – cụ thể là sự đau khổ –, với những gì kém quý giá hơn – cụ thể là những tiếng vỗ tay và thành công – thì ngươi sẽ giống như miệng của Ta”. Một lời hứa gây bàng hoàng: Thiên Chúa thấy giống như miệng của Ngài!
Nhưng nhà tiên tri cần phải thay đổi tấm lòng, từ bỏ thái độ tự thương xót mình và nổi loạn khôn khéo. Thiên Chúa yêu cầu mọi lý do ông đưa ra, dù chính đáng và có thực, một lần nữa phải bị hủy bỏ, để có được một đức tin tinh tuyền hơn, thanh thoát hơn. Qua đó nhà tiên tri trải nghiệm nơi chính mình sự phán xét của Thiên Chúa mà ông phải công bố cho người khác. Từ bên trong ông hiểu ý nghĩa của việc “đứng trước nhan Thiên Chúa các đạo binh” và “ở gần được lửa thiêu” (Is 33,14).
Một tác giả hiện đại đặt lên môi miệng thánh Phanxicô Assisi những lời gợi lại cách nào đó hình ảnh này của Thiên Chúa, một hình ảnh nguy hiểm nếu hiểu cách tuyệt đối, tuy vậy nó lại nói lên một yếu tố của sự thật không nên quên lãng.
Một hôm, Người Nghèo thành Assisi nói với anh Lêô: “Cho đến nay, nhiều từ chỉ phẩm chất đã được sử dụng để tôn vinh Thiên Chúa. Riêng tôi, tôi đã khám phá ra những từ mới. Anh nghe xem tôi sẽ gọi chúng như thế nào: Vực thẳm khôn dò, Đấng không biết chán, Đấng nhẫn tâm, Đấng không mỏi mệt, Đấng chưa hài lòng. Đấng đã không bao giờ nói “đủ rồi” với con người bất hạnh”…
Này anh Lêô, nếu anh muốn biết những gì Thiên Chúa đã nói đi nói lại với tôi suốt ba ngày ba đêm trong hang đá, anh hãy cẩn thận lắng nghe: “Chưa đủ đâu!” Đây là điều Ngài liên tục kêu cứu cho con người bất hạnh: “Chưa đủ đâu!”… “Chưa đủ đâu!” Giọng nói của Phanxicô khàn đi… Tôi thương anh, theo lời anh Lêô thuật lại. Tôi cáu kỉnh nói:
– Ngài còn muốn gì ở anh. Anh không xây lại nhà thờ thánh Đamianô sao?
– Chưa đủ!
– Anh không bỏ cha mẹ anh sao?
– Chưa đủ!
– Anh không hôn người cùi sao?
– Chưa đủ[3]!”
Cho đến nay một tác giả hiện đại lên tiếng nói như vậy. Chắc hẳn Phanxicô đã nhắc cho chúng ta một sự thật liên quan khác: câu nói “Chưa đủ!” mà Thiên Chúa nói không ngừng, cũng là tình yêu và ân sủng, và Thiên Chúa không chỉ sử dụng nó khi Ngài yêu cầu, nhưng còn sử dụng nhiều hơn khi Ngài ban cho.
Chúng ta hãy cầu nguyện như Người Nghèo bé nhỏ cầu nguyện trong lời Ca ngợi của ngài trong mọi Giờ Kinh:
“Lạy Thiên Chúa toàn năng, rất thánh và tối cao, là sự tốt lành rất mực, tối cao, toàn hảo, chỉ một mình Ngài là tốt lành, xin cho chúng con dâng lên Ngài tất cả lời ca ngợi, vinh quang, ân sủng, danh dự, chúc tụng và mọi điều tốt lành. Vâng! Vâng! Chớ gì được như vậy! Amen!”
[1] Diadoque de Photicé, La perfection spirituelle, 58; x. Migne, 1990, p. 41.
[2] M. Basileia Schlink, Dieu dans ma vie (Wie ich Gott erlebte), Darmstadt 1973.
[3] Nikos Kazantzakis, Le Pauvre d’Assise, trad. Prassinos, Paris, Plon, 1970, p. 124.