16
MỘT DÒNG LỬA TRÀN TRỀ
Những suy nghĩ cuối cùng của chúng ta về “sự hoài nghi” đã dẫn chúng ta đến với một môi trường rất khác với môi trường của chúng ta. Những người quen với núi Sinai cho biết, vào một số mùa trong năm, đôi khi mưa gió dữ dội xảy ra đột ngột khi đang lên núi. Bây giờ cả chúng ta nữa cũng sẽ phải đương đầu với một trong những cơn bão này. Như thường lệ trong những tình huống như vậy, chúng ta sẽ gặp những người đi xuống, vừa đi vừa bảo chúng ta: “Lùi lại! Lùi lại!”
Là vì giờ đây chúng ta đi đến vấn đề mấu chốt. Không thể đi xa hơn trên con đường của chúng ta, như thể Thiên Chúa hằng sống là một niềm tin được mọi người chấp nhận một cách hòa bình trong tinh thần chia sẻ. Như thể con đường dẫn đến Ngài chỉ là một cuộc dạo chơi bình yên hay một cuộc diễu hành khải hoàn. […] Trong cuộc sống cụ thể, chúng ta thường xuyên bị tấn công bởi những tiếng nói mâu thuẫn với những gì đã nghe từ trước đến nay; chúng ta không thể bỏ qua chúng. Vì hai lý do: thứ nhất, vì chúng ta phải “trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta” (1Pr 3,15); thứ hai, vì những lý do mà những người vô tín đưa ra, rốt cuộc cho thấy một hiệu quả khác thường trong việc thanh tẩy lòng tin vào Thiên Chúa của những tín hữu.
Trong bối cảnh này, tôi sẽ phải nói về các học thuyết và các nhà tư tưởng, mà chắc chắn không phải ai cũng quen thuộc. Đừng có ai nản lòng: chúng ta sẽ mau lại được hít thở không khí trong lành hơn. Khi người ta muốn vượt qua một eo biển, điều quan trọng nhất là đừng dừng lại trên bãi biển để xem xét kỹ lưỡng những gì có thể hoặc không thể nhìn thấy ở bờ biển đối diện. Thực tế hơn, là lấy thuyền sang bờ bên kia. Tương tự như vậy đối với chúng ta: điều quan trọng hơn hết không phải là tư biện về Thiên Chúa hằng sống, để cố hiểu những trình bày khác nhau, thuận hay nghịch, của các triết gia về vấn đề, nhưng là ở trong đức tin của Giáo Hội, người đưa chúng ta đến với Thiên Chúa hằng sống. Ngay cả ngày nay, thách đố được đưa ra cho các tín hữu là: “Thiên Chúa ngươi ở đâu? ” (Tv 42,4). Chúng ta hãy nêu ra thách đố đau đớn này, đừng quên rằng chúng ta đạt đến chân lý không phải bằng cách tranh luận với kẻ thù, nhưng bằng cách vun đắp nó, yêu mến, giới thiệu nó vì chính nó.
Trong thế giới hôm nay, một trở ngại về văn hóa có mặt khắp nơi và bén rễ sâu chống lại đức tin và việc loan báo Thiên Chúa hằng sống, đến độ khiến cho những việc đó, ngay từ đầu, là bất khả trong một số trường hợp. Do đó, cần phải vạch mặt chỉ tên và, ngần nào có thể, loại bỏ trở ngại này. Bởi vì đó là một ý nghĩ len lỏi vào tâm trí mọi người như một liều thuốc độc có thể vô hiệu hóa việc loan báo Phúc Âm, ngay cả trước khi nó đến được với trái tim. Một loại “thuốc tránh thai” khủng khiếp giết chết hạt giống Lời Chúa, ngăn không cho nó làm tổ trong tâm trí và sinh ra sự sống vĩnh cửu trong linh hồn. Ngay cả khi nó không hoạt động như một điều chắc chắn trái ngược với đức tin, ý nghĩ này vẫn len lỏi làm cho người ta hoài nghi và không thể xét đoán. Nó mang hỉnh thức một lập luận hấp dẫn do cực kỳ đơn giản. Nó cho người ta có cảm tưởng là cùng một lúc làm rõ mọi sự: “Không phải Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài, chính con người đã tự biến mình thành một Thiên Chúa theo hình ảnh riêng của mình… Khi tôn thờ Thiên Chúa, con người tôn thờ chính mình mà không hay, và càng tôn thờ Thiên Chúa thì con người càng tôn thờ chính mình.”
Phải chăng chúng ta đang đứng trước một loại cách mạng Copernic thuộc trật tự tinh thần? Nếu từ trước đến nay người ta luôn nghĩ rằng vật chất là một dẫn xuất của tinh thần, thì từ đây người ta tuyên bố tinh thần là một dẫn xuất của vật chất. Đây là nhãn quan của Plato về thực tại, nhưng là nhãn quan đảo ngược. Vật chất không còn là sự phóng chiếu, bóng mờ, hình ảnh hư ảo của thế giới thần linh và thiêng liêng; hoàn toàn ngược lại, chính thế giới thần linh mới là sự phóng chiếu của con người lịch sử và của thiên nhiên trong một thế giới tưởng tượng và lý tưởng.
Với giả định này trong tâm trí, bất cứ ai nghe thấy sứ điệp của Kitô giáo về Thiên Chúa, về Đức Giêsu Kitô, về sự sống vĩnh cửu, sẽ phản ứng đúng như chúng ta có thể tưởng tượng Copernic và một vài bạn thân, biết được khám phá của ông, sẽ phản ứng. Nếu trong một bài giảng hoặc một cuộc trò chuyện, họ được nghe lặp đi lặp lại rằng mặt trời xoay quanh trái đất, thì một cái nháy mắt thôi, như giữa những người thực sự biết sự việc, sẽ đặt mọi thứ vào trật tự! Khác biệt duy nhất là ở chỗ các bạn của Copernic có lý, trong khi những “Copernic hiện đại” đã lầm: họ đã vượt quá giới hạn và muốn chúng ta tin rằng không phải mặt trời xoay quanh trái đất, cũng không phải trái đất xoay quanh mặt trời, mà là mặt trời không tồn tại; rằng mặt trời chỉ là sự khách quan hóa một nhu cầu của trái đất. “Không còn thiên đường! Không còn địa ngục! Không có gì khác ngoài trái đất[1]!”
Công việc tôi đang cố gắng mô tả liên quan đặc biệt đến ba tên tuổi lớn trong một số môi trường văn hóa của hai thế kỷ qua: Feuerbach, Marx, Freud. Hai vị sau đã xây dựng công trình của họ – một vị làm công khai, một vị làm ngấm ngầm – dựa trên lý thuyết của vị đầu tiên, là người trình bày phiên bản gốc. Như người ta biết, đối với Feuerbach, yếu tính thần linh là yếu tính của con người được thanh tẩy và giải thoát khỏi những giới hạn của mỗi con người cụ thể, yếu tính ấy được chiêm ngưỡng và tôn kính như thể nó là một yếu tính phân biệt với chính mình, “một loại tinh chất của một số đông người có thực.” “Trong tôn giáo, con người khách quan hóa yếu tính bí ẩn của mình; anh ta được phản ánh trong một hữu thể là hữu thể sâu thẳm của anh ta.” Chính Feuerbach là người đã thay thế quả quyết của Kinh Thánh “Thiên Chúa là tình yêu” bằng quả quyết “tình yêu là Thiên Chúa” (“tình yêu” hiểu theo nghĩa yêu mình)
Nói cách khác, không phải Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh và giống mình, như Kinh Thánh nói, nhưng chính con người đã tạo ra Thiên Chúa như một hình ảnh rút ra từ chính mình, một sản phẩm tuyệt vời do mình tưởng tượng. “Tin vào Thiên Chúa không gì khác hơn là tin vào phẩm giá của con người.” Con người gán cho Thiên Chúa những gì tốt hơn nơi mình. Chính vì vậy nó càng làm cho Thiên Chúa hoàn hảo, thì càng làm cho con người mất hoàn hảo; Thiên Chúa càng giàu lên thì con người càng nghèo đi. “Chỉ có người nghèo mới có một Thiên Chúa giàu có. Thiên Chúa đáp ứng cảm thức về một nhu cầu.”
Tiếp đến, cũng triết gia trên sẽ xác định rõ học thuyết của mình bằng cách đồng hóa Thiên Chúa với yếu tính của thiên nhiên hơn là với yếu tính của con người. “Không phải sự hiện hữu của thiên nhiên dựa trên sự sự hiện hữu của Thiên Chúa, mà ngược lại, sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc đúng hơn, niềm tin vào sự hiện hữu của Ngài dựa trên sự hiện hữu của thiên nhiên[2].” Trên thực tế, vị trí phát xuất vẫn được giữ nguyên.
Điều luôn gây ấn tượng cho tôi, đồng thời khiến tôi có chút nghi ngờ, là lưu ý cách những người […] hình thành một số châm ngôn của họ bằng cách đảo ngược có hệ thống các chân lý nền tảng của Kitô giáo. Kinh Thánh nói: “Đức Giêsu Kitô vốn giầu sang phú quý, nhung đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có” (2Cr 8,9). Theo mạc khải, chính Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó để làm cho con người được giầu có, chứ không phải ngược lại, như Feuerbach quả quyết.
Tên của Feuerbach trong tiếng Đức có nghĩa là “dòng thác lửa”. Theo Marx, nếu chúng ta muốn đạt tới sự thật, thì từ đây chúng ta phải vượt qua dòng thác lửa này. Nó là “lò luyện tư tưởng hiện đại[3]“. Chính Marx đã mang lại cho hoạt động nổi bật này sự thành công như ta biết: ông đã biến nó thành cơ sở lý thuyết cho chủ thuyết […] của mình, nhưng chuyển đổi dấu nhấn. Đối với Feuerbach, Thiên Chúa trước hết là sự khách thể hóa yếu tính của con người, con người là gì, những sự hoàn hảo của con người, và chỉ sau đó mới là sự nghèo nàn và trống rỗng của con người. Vậy con người là ảo tưởng, nhưng là ảo tưởng hoàn toàn, theo cách riêng của nó, bởi vì có một nội dung tích cực. Theo Marx, Thiên Chúa cũng là sự khách thể hóa nhưng không phải ở yếu tính tích cực của con người, ở chỗ con người là gì, cho bằng ở những nhu cầu không được thỏa mãn của nó. Ông viết: “Tôn giáo là tiếng thở dài của thụ tạo bị bất hạnh đè nặng, linh hồn của một thế giới nhẫn tâm. Nó là một thứ thuốc phiện cho dân… Tôn giáo chỉ là mặt trời hư ảo di chuyển xung quanh con người, chừng nào con người không tự di chuyển xung quanh mình[4].”
Điểm nhấn chuyển từ vấn đề Thượng Đế sang vấn đề thế giới bên kia, thiên đường. Thiên đường này được xem là nơi con người chuyển đến những kỳ vọng chưa thành và những giọt “nước mắt” đổ vào thung lũng cuộc đời này. Ý tưởng về Thiên Chúa phát sinh từ ý tưởng về một thế giới bên kia, về một phần thưởng bên ngoài cõi thế. (Sự phát triển của đức tin Kinh Thánh hoàn toàn bác bỏ chủ đề này: trên thực tế, Israel tin vào một Thiên Chúa thánh thiện và toàn năng trong nhiều thế kỷ trước khi chắc chắn về phần thưởng dành cho người công chính ở đời sau, và họ đã duy trì niềm tin vào một Thiên Chúa như vậy, ngay cả khi đã chắc chắn là không có phần thưởng trần gian nào cho họ khác hơn hoặc tốt hơn phần thưởng dành cho những người vô đạo).
Như vậy Thiên Chúa là sự phóng chiếu ảo tưởng vào một thế giới tưởng tượng không phải của một sự sung mãn nhân tính, nhưng của một nhu cầu, một khoảng trống, và do đó, mang tính tiêu cực gấp đôi. Ngài chỉ là “hướng mà con người kêu lên theo hướng đó.” Chính lý thuyết này của Freud có được một màu sắc mới, không còn mang tính kinh tế–xã hội, mà mang tính tâm lý học, nhưng không vì vậy mà bản chất của nó bị thay đổi. Tôn giáo, giống như chính Thiên Chúa, là một “ảo tưởng”, chính là sự khách thể hóa nhu cầu vô thức về sự che chở của người cha và người mẹ mà con người giữ lại sau khi đã qua tuổi thơ. Ông viết: “Chính trong mặc cảm về cha mẹ mà chúng ta nhận ra cội rễ của nhu cầu tôn giáo. Chúng ta coi Thiên Chúa công chính và toàn năng và Thiên Nhiên tốt lành như những thăng hoa vĩ đại của người cha và người mẹ[5].” Một lý thuyết phủ định kép: sự khách thể hóa không phải một thực tại nhưng là một nhu cầu và một khoảng trống.
Ảnh hưởng mà luận đề này tiếp tục gây ra trong thế giới Tây phương trong số những người được giáo dục tốt là khôn lường. Nói chung, ý tưởng này về Thiên Chúa và tôn giáo được giữ lại như một giả định hòa bình và được chứng minh trong cái gọi là “các tạp chí thời sự và văn hóa”, khi các tạp chí này đề cập vấn đề ấy; chúng là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để phổ biến văn hóa thế tục này. Người ta thấy lại ở đó sự nghi ngờ ngăn cản nhiều người tiếp cận đức tin hoặc ngăn cản họ công khai tuyên bố mình là tín hữu khi họ sống trong xã hội.
Như vậy, trên thế giới, hành động của người mà Đức Gioan Phaolô II đã vạch mặt như là “thần ngờ vực trong chân tướng tai ác”, trong thông điệp về Chúa Thánh Thần[6], vẫn còn tiếp tục. Khi người ta muốn đi vào trọng tâm những lập luận được ba tác giả mà chúng ta vừa trích dẫn đưa ra, người ta nhận thấy rằng tất cả những gì vững chắc không tạo ra một bằng chứng mà chỉ là sự nghi ngờ Thiên Chúa hiện hữu. Vì ngay cả khi Thiên Chúa mà chúng ta tin là một sự khách thể hóa con người, một “yếu tính được mong muốn”, thì điều này không liên quan tí nào đến sự hiện hữu hay không hiện hữu thực sự của Ngài. Đừng quên rằng trên cơ sở bình đẳng, người tín hữu có thể gây nghi ngờ cho người vô tín bằng cách nại tới suy tư của triết gia Francois Bacon: “Những người duy nhất dám phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa là những người tin rằng Ngài không hiện hữu thì có lợi[7].”
Hơn nữa, cách tiến hành này hướng sự nghi ngờ về con người ngay cả trước khi hướng nó về Thiên Chúa. Bởi vì chính con người được tuyên bố là đáng ngờ trong những ước muốn sâu xa nhất của anh ta. Freud viết: “Chắc chắn sẽ rất đẹp nếu có một Thiên Chúa sáng tạo ra thế giới và Đấng Quan Phòng đầy lòng nhân từ, một trật tự đạo đức của vũ trụ và một cuộc sống tương lai, nhưng rất lạ là tất cả những điều đó đúng là những điều chúng ta có thể mong ước cho chính chúng ta[8].”Một quả quyết cho thấy sự khinh miệt sâu xa đối với con người: một điều trở thành đáng ngờ chỉ do sự kiện là con người quan niệm nó và ước muốn nó! Như vậy người ta có thể nghi ngờ tình yêu và hôn nhân với lý do chúng đáp ứng một ước muốn phổ quát và một nhu cầu sâu xa của trái tim con người, hoặc người ta có thể phủ nhận sự tồn tại của chân lý và hạnh phúc chỉ vì con người khao khát chúng. […]
Một nhiệm vụ quan trọng là quay lại điểm phát xuất và tố cáo không mệt mỏi công việc tuyệt vời nhưng dối trá, nguồn gốc của tất cả những lý thuyết này. Đây cũng là dịp để hành động theo đường lối của Thiên Chúa: tránh kết án con người cùng với những sai lầm của họ, và lương tâm của họ mà chỉ một mình Thiên Chúa biết. Do đó, không có cuộc thập tự chinh nào, nhưng đúng hơn, tôn trọng người nào ít ra đã chấp nhận coi vấn đề Thiên Chúa là quan trọng. “Trong hai người không có kinh nghiệm về Thiên Chúa, người phủ nhận Ngài có lẽ ở gần Ngài hơn”: đây là nhận xét sáng suốt của Simone Weil.
Nhớ rằng tin vào Thiên Chúa hằng sống, ngay cả trước khi là một cuộc chinh phục, thì đã là một hồng ân Thiên Chúa ban cho, chúng ta hãy cầu xin cho chính mình và cho người khác có được đức tin ấy, bằng cách lấy lại lời cầu nguyện “cho những người không tin vào Thiên Chúa”, mà Giáo Hội đưa ra trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh:
“Lậy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dựng nên con người, để họ hết lòng tìm kiếm Chúa, và để lòng họ được xoa dịu khi tìm thấy Chúa, xin cho mọi người đang sống giữa những khó khăn của thế giới này, có thể nhận ra những dấu chỉ sự tốt lành của Chúa và gặp được nơi chúng con những chứng nhân của tình yêu Chúa: xin cho họ có được hạnh phúc khi nhận ra và tin vào Chúa, là Thiên Chúa duy nhất chân thật duy nhất và là Cha của mọi người. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.”
[1] J.P. Sartre, Le diable et le bon Dieu, Paris, Gallinard, 1951, p. 267 sv.
[2] Feuerbach, L’essence du christianisme; trad. J.Roy, 1864, pp. 27, 52 sv, 92; x. Principes de la philosophie de l’avenir, 1849; La religion, 1864; trad. Roy, p. 192; voir de Lubac, Le drame de l’humanisme athée, Ire partie, ch. I-III, Paris, Spes, 1994, pp. 15-54.
[3] K. Marx, Luther arbitre entre Strauss et Feuerbach, dans Anekdota, 1843, p. 206; trad. A. Marc.
[4] K. Marx, Contribution à là crituque de la philosophie de Hegel, dans Oeuvres philosophiques; trad. Molitor, t,I, p. 83-84.
[5] S. Freud, Un souvenir d’enfance de Léonard de Vinci, V, cf. Gallimard/Folio, 1991, p. 235.
[6] Jean Paul II, Encyclique “Dominum et vivificantem”, n. 37.
[7] F. Bacon, Essais de morale et de politique, XVI – De l’athéisme; cf. Oeuvres, Paris, Delagrave, p. 477.
[8] S. Freud, L’avenir d’une illusion, 1927; Paris, PUF, 1971, p. 47.