IV
KHỞI ĐI LẠI TỪ ĐẦU
Đợt sóng Phúc Âm hóa hiện hành
1. Lớp người mới tiếp nhận lời loan báo
Cho đến lúc này, tôi đã tìm cách tái dựng ba đợt sóng truyền giáo lớn trong lịch sử Giáo Hội. Chắc chắn chúng ta có thể nhớ lại những công cuộc truyền giáo vĩ đại khác, chẳng hạn công trình do thánh Phanxicô Xaviê khởi xướng ở thế kỷ 16 tại phương Đông, công cuộc Phúc Âm hóa ở lục địa châu Phi thế kỷ XIX của Daniele Comboni, Hồng y Guglielmo Massaia. và rất nhiều công trình khác. Tuy nhiên, có một lý do khiến tôi phải lựa chọn, và tôi hy vọng những suy tư của tôi sẽ cho thấy điều đó. Điều làm thay đổi và tạo nên sự khác biệt giữa các đợt sóng Phúc Âm hoá khác nhau được nhắc tới, không phải là đối tượng của việc loan báo – “đức tin, được truyền đạt cho dân thánh chỉ một lần là đủ[1]” -, nhưng là những người tiếp nhận nó, lần lượt là thế giới Hy Lạp và Rôma, thế giới man di và Tân Thế giới, tức là lục địa Châu Mỹ.
Vì vậy, chúng ta tự hỏi: ai là người tiếp nhận mới cho phép chúng ta nói về đợt sóng Phúc Âm hóa hôm nay, đợt sóng thứ tư? Chính là thế giới tục hóa phương Tây và, ở một số khía cạnh, là thế giới hậu Kitô giáo. Sự chính xác này, vốn đã xuất hiện trong các văn kiện của Đức Gioan Phaolô II, đã trở nên minh nhiên trong Huấn quyền của Đức Bênêđíctô XVI. Tự sắc Ubicumque et semper, trong đó ngài thiết lập “Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc Âm hóa”, nói về việc có “nhiều quốc gia theo truyền thống Kitô giáo xa xưa, mà nay dường như đặc biệt chống lại nhiều khía cạnh của sứ điệp Kitô giáo[2]”.
Cùng lúc với một thế giới mới được Phúc Âm hóa đang xuất hiện, chúng ta thấy xuất hiện song song một hạng người loan báo mới: các giám mục trong ba thế kỷ đầu (đặc biệt là thế kỷ III), các đan sĩ trong đợt sóng thứ hai và các tu sĩ trong đợt sóng thứ ba. Ngày nay, chúng ta cũng đang thấy xuất hiện một hạng người mới truyền bá Phúc Âm: giáo dân. Hiển nhiên đây không phải là một hạng người thay thế một hạng người khác nhưng là một lực lượng mới của dân Chúa thêm vào những hạng người khác, vì các giám mục, cùng với vị thủ lãnh là Đức Giáo Hoàng, vẫn là những vị hướng dẫn có thẩm quyền và là những người chịu trách nhiệm cuối cùng về nhiệm vụ truyền giáo của Giáo Hội.
2. Giống như lằn rẽ sóng của một con tàu đẹp
Tôi đã nói rằng qua nhiều thế kỷ, các người đón nhận lời loan báo đã thay đổi, nhưng chính lời loan báo thì không. Tuy nhiên, tôi phải làm rõ câu quả quyết cuối cùng này. Đúng là điều cốt yếu của lời loan báo thì không thể thay đổi, nhưng cách trình bày, những ưu tiên, điểm phát xuất của chúng ta trong việc loan báo này, có thể và phải thay đổi.
Chúng ta hãy tóm tắt con đường loan báo Phúc Âm đã đi qua, để đến với chúng ta hôm nay. Đầu tiên là lời loan báo của Đức Giêsu, với đối tượng trọng tâm là tin vui này: “Triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28). Tiếp theo pha độc nhất này, mà chúng ta gọi là “thời của Đức Giêsu”, là “thời của Giáo Hội”, kể từ biến cố Phục Sinh. Đức Giêsu không còn là người loan báo, nhưng là Đấng được loan báo; ngoại trừ trong bốn sách Phúc Âm, thuật ngữ “Phúc Âm” không còn có nghĩa là tin mừng do Đức Giêsu đem đến, nhưng là tin mừng về Đức Giêsu, nghĩa là có Đức Giêsu là đối tượng, đặc biệt là sự chết và sự sống lại của Ngài. Thánh Phaolô luôn hiểu “Phúc Âm” theo nghĩa đó.
Nhưng phải cẩn thận để không tách biệt quá đáng hai thời kỳ và hai việc loan báo, thời của Đức Giêsu và thời của Giáo Hội, hoặc, như người ta đã quen nói, tách “Đức Giêsu của lịch sử” với “Đức Kitô của lòng tin”. Đức Giêsu không chỉ là đối tượng của lời Giáo Hội loan báo, sự việc được Giáo Hội loan báo. Hãy cẩn thận đừng giản lược Ngài như chỉ có vậy mà thôi! Làm như thế là quên đi sự phục sinh của Ngài. Trong lời loan báo của Giáo Hội, chính Đức Kitô Phục Sinh tiếp tục nói qua Thần Khí của Ngài; Ngài vẫn còn là chủ thể loan báo. Như một bản văn của Công đồng nói:
“Đức Kitô hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Sách Thánh trong Giáo Hội[3]“.
Khởi đi từ lời loan báo ban đầu của Giáo Hội, chúng ta có thể tóm tắt dưới dạng hình ảnh diễn tiến liên tục của việc rao giảng trong Giáo Hội, hình ảnh được dùng cho tựa đề cuốn sách này[4]. Hãy tưởng tượng lằn rẽ sóng của một con tàu. Lằn rẽ bắt đầu bằng một điểm là mũi tàu, điểm này mở rộng dần dần, cho đến khi mất hút ở chân trời và cuối cùng chạm vào hai bờ biển đối diện nhau. Đấy là điều đã xảy ra trong lời loan báo của Giáo Hội: lời loan báo này bắt đầu bằng một điểm là khởi giảng (kerygma): “Đức Giêsu đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (x. Rm 4,25; 1Cr 15,1-3); hay bằng một cách tổng hợp hơn: “Đức Giêsu là Chúa!” (Cv 2,36; Rm 10,9).
Bước mở rộng đầu tiên của điểm này xuất hiện với sự ra đời của bốn sách Phúc Âm, được viết ra để giải thích hạt nhân ban đầu này, và với phần còn lại của Tân Ước; rồi đến truyền thống của Giáo Hội với Huấn quyền, phụng vụ, thần học, các định chế, luật lệ, linh đạo của mình. Kết quả cuối cùng là một di sản khổng lồ gợi nhớ chính xác đến lằn rẽ sóng của một con tàu ở mức mở rộng lớn nhất của nó.
Giờ đây, nếu muốn Phúc Âm hóa thế giới tục hóa, phải biết lựa chọn. Khởi đi từ đâu? Từ bất cứ điểm nào của lằn rẽ nước, hay từ đầu nhọn? Sự phong phú lớn lao về giáo lý và định chế có thể trở thành một bất lợi, nếu chúng ta sử dụng nó để giới thiệu bản thân cho những con người đã hoàn toàn mất liên lạc với Giáo Hội, không còn biết Đức Giêsu là ai. Hẳn giống như mặc cho đứa trẻ một trong những bộ đồ gấm vóc rộng thùng thình và nặng nề mà các giám mục và linh mục mặc trong một số dịp nào đó. Bộ đồ sẽ làm đứa trẻ bị ngộp.
Phải giúp những con người này tiếp xúc với Đức Giêsu; làm cho họ những gì Phêrô đã làm cho ba ngàn người vào ngày Lễ Ngũ Tuần: nói cho họ về Đức Giêsu, Đấng mà chúng ta đã đóng đinh trên thập giá và Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết, đưa họ đến chỗ cuối cùng sẽ đau đớn trong lòng mà hỏi: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,37) và chính chúng ta sẽ trả lời, như Phêrô đã trả lời: “Anh em hãy ăn năn sám hối, hãy chịu phép rửa” (x. Cv 2,38), hoặc: “Hãy xưng thú tội lỗi, nếu anh em đã được rửa tội”.
Cách thức và thời gian tùy thuộc vào sáng kiến của chúng ta và có thể thay đổi, như đã xảy ra trong Tân Ước, từ diễn từ của Phêrô trước đám đông vào ngày Lễ Ngũ Tuần cho đến diễn từ của cá nhân Philípphê trước quan thái giám của nữ hoàng Canđakê (Cv 8,27). Những người hưởng ứng lời loan báo hôm nay sẽ hợp nhất, cũng như ngày hôm đó, với cộng đồng tín hữu, họ sẽ lắng nghe lời giảng dạy của các tông đồ và sẽ tham dự vào việc bẻ bánh; tùy theo ân sủng và đáp ứng của mỗi người, dần dần họ sẽ có thể làm thành của riêng tất cả di sản lớn lao này, phát sinh từ khởi giảng. Người ta không chấp nhận Đức Giêsu dựa vào lời của Giáo Hội, nhưng chấp nhận Giáo Hội dựa vào lời của Đức Giêsu.
Trong nỗ lực này, chúng ta có một đồng minh: sự thất bại của mọi mưu toan do thế giới tục hóa tạo ra nhằm thay thế khởi giảng của Kitô giáo bằng những “tiếng kêu” khác và những “tuyên ngôn” khác. Tôi thường nêu ví dụ về bức tranh nổi tiếng “Tiếng thét” của họa sĩ người Na Uy Edvard Munch. Họa sĩ đã vẽ một người đàn ông đứng trên cầu – nền bức tranh là bầu trời đỏ như máu – người này đưa hai bàn tay làm loa trước miệng mở rộng và kêu lớn tiếng. Người ta hiểu ngay đó là tiếng kêu khắc khoải, tiếng kêu trống rỗng, không thành lời, chỉ có âm thanh. Vì quên đi tiếng kêu đầy ắp nội dung là khởi giảng, con người hiện đại phải thét lên để trút vào khoảng không nỗi khắc khoải hiện sinh của mình.
3. Đức Kitô, người đương thời với chúng ta
Bây giờ tôi muốn cố giải thích tại sao trong Kitô giáo người ta có thể khởi đầu lại từ mũi tàu bất cứ lúc nào, không coi đó là một tưởng tượng của tâm trí, hay một hoạt động khảo cổ thuần túy. Lý do rất đơn giản: con tàu này vẫn lao ra biển và lằn rẽ sóng bắt đầu lại từ mũi tầu!
Mặc dù triết gia Kierkegaard đã nói những điều rất hay về đức tin và về Đức Giêsu, nhưng có một điểm tôi không đồng ý với ông. Một trong những chủ đề yêu thích của ông là tính đồng thời (contemporanéité) của Đức Kitô. Nhưng ông quan niệm tính đồng thời này như thể chúng ta phải trở thành những người đương thời với Đức Kitô. Ông viết: “Ai tin vào Đức Kitô thì buộc phải trở thành đương thời với Ngài trong sự hạ mình[5]“. Ý tưởng là để thực sự tin, với cùng đức tin mà Chúa đã đòi hỏi nơi các tông đồ, chúng ta phải bỏ qua 2000 năm lịch sử và những xác nhận về Đức Giêsu Kitô, và đặt mình vào vị trí của những người mà Đức Giêsu đã nói với: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồ dưỡng” (Mt 11,28). Liệu người ta có đủ can đảm để tin vào một lời hứa như vậy, khi mà chính người đưa ra lời hứa đó không có một viên đá nào để gối đầu?
Không, tôi nghĩ rằng tính đồng thời đích thực của Đức Kitô là một điều gì đó khác: chính Ngài trở thành người đồng thời với chúng ta, vì sau khi sống lại, Ngài sống trong Thần Khí và trong Giáo Hội. Nếu chúng ta tự cho mình là những người đồng thời với Đức Kitô, thì sự đồng thời này sẽ chỉ là trong ý hướng; còn nếu chính Đức Kitô tự biến mình thành người đồng thời với chúng ta, thì sự đồng thời này là có thật. Theo một tư tưởng táo bạo của tu đức Chính thống giáo, “tưởng niệm (anamnèse) là một ký ức vui vẻ làm cho quá khứ trở nên hiện tại hơn so với lúc người ta sống nó.” Đây không phải là kiểu nói phóng đại. Trong cử hành phụng vụ Thánh lễ, biến cố Đức Kitô chết và sống lại đối với tôi trở nên hiện thực hơn là đối với những ai trước đây đã tham dự cách cụ thể và bằng thân xác, vì vào thời đó, chính là một sự hiện diện “theo xác thịt”, còn bây giờ đó là một sự hiện diện “theo Thần Khí”.
Cũng xảy ra như vậy đối với những ai lấy lòng tin mà công bố rằng: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi của tôi, Ngài đã sống lại để làm cho tôi được nên công chinh, Ngài là Chúa”. Một tác giả ở thế kỷ thứ tư đã viết:
“Đối với mỗi người, khởi đầu cuộc sống là khi Đức Kitô bị sát tế cho anh ta. Nhưng Đức Kitô bị sát tế cho anh ta ngay lúc anh nhận ra ân sủng và ý thức về những hiệu quả mà việc sát tế này mang lại cho anh[6]”.
Tôi nhận ra rằng quả là không dễ, nếu không muốn nói là không thể, để nói những điều này cho người ta, phương chi nói cho thế giới tục hóa ngày nay; nhưng đây là điều mà chúng ta, những người rao giảng Phúc Âm, phải thấy rõ trong trí, để từ đó mà có lòng can đảm và tin vào lời của thánh sử Gioan: “Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian” (1Ga 4,4).
4. Giáo dân, những diễn viên chính của công cuộc Phúc Âm hóa
Ngay từ đầu tôi đã nói rằng, trong giai đoạn Phúc Âm hóa hiện nay, giáo dân là những diễn viên chính mới. Công đồng đã bàn về vai trò này trong Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, Đức Phaolô VI trong Tông huấn Evangelii nuntiandi, và Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn Christifideles laici.
Những tiền đề của lời kêu gọi phổ quát truyền giáo này đã có trong Phúc Âm. Sau lần đầu tiên sai các Tông Đồ đi truyền giáo, như thấy trong Phúc Âm Luca, “Đức Giêsu chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1). Bảy mươi hai môn đệ này có lẽ là tất cả những người Ngài đã quy tụ được cho đến lúc đó, hoặc ít nhất là tất cả những người sẵn sàng dấn thân cách nghiêm túc với Ngài. Vậy Đức Giêsu sai “tất cả” các môn đệ của mình.
Tôi đã gặp ở Hoa Kỳ, một người giáo dân là cha của một gia đình, một người mà, ngoài nghề nghiệp của mình, còn hăng hái hoạt động Phúc Âm hóa. Đó là một con người có óc hài hước, truyền giáo bằng những tràng cười sảng khoái, mà chỉ người Mỹ mới có thể làm được như vậy. Khi đến một nơi mới, ông luôn bắt đầu bằng cách nói rất nghiêm túc: “Hai nghìn năm trăm giám mục tập trung tại Vatican, đã yêu cầu tôi đến để loan báo Phúc Âm cho các bạn.” Mọi người tự nhiên cảm thấy tò mò. Khi đó ông giải thích rằng hai ngàn năm trăm giám mục đã tham dự Công đồng Vatican II và đã soạn thảo sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam actuositatem), trong đó mỗi Kitô hữu giáo dân được kêu gọi tham gia vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Ông ta đã hoàn toàn có lý khi nói “các ngài đã xin tôi.” Những lời này không phải là lời nói vu vơ, được nói với tất cả mọi người và với từng người: chúng được gửi đến cho mỗi giáo dân công giáo.
Ngày nay người ta biết năng lượng hạt nhân thoát ra từ sự “phân hạch” của nguyên tử. Một nguyên tử uranium bị bắn phá và “vỡ” làm đôi do tác động của một hạt gọi là neutron, giải phóng năng lượng trong tiến trình này. Khi đó bắt đầu một phản ứng dây chuyền. Hai nguyên tố mới trải qua một “sự phân hạch”, nghĩa là lần lượt chúng phá vỡ hai nguyên tử khác, hai nguyên tử này thành bốn nguyên tử khác, và cứ như vậy cho hàng tỷ nguyên tử, đến nỗi cuối cùng năng lượng “được giải phóng” là vô hạn. Và không nhất thiết đó là năng lượng hủy diệt, vì năng lượng hạt nhân cũng có thể được sử dụng cho mục đích hòa bình, vì lợi ích của con người.
Theo ý nghĩa đó, chúng ta có thể nói giáo dân là một loại năng lượng hạt nhân của Giáo Hội, trên bình diện tâm linh. Một người giáo dân được Phúc Âm chạm vào, có nhiều người sống chung quanh, có thể làm Phúc Âm “lây lan” sang hai người khác, và cùng với hai người này là bốn người khác, và cứ như vậy, theo cấp số nhân, vì Kitô hữu giáo dân không chỉ có hàng chục ngàn như giáo sĩ, nhưng là hàng trăm triệu người, họ thực sự có thể đóng vai trò quyết định trong việc làm lan tỏa ánh sáng hữu ích của Phúc Âm trên thế giới. Điều làm cho việc Phúc Âm hóa của giáo dân có giá trị hơn nữa, chính là vì họ tham gia miễn phí vào việc đó, và thường họ bỏ tiền túi ra trả.
Không phải chỉ từ Công đồng Vatican II, người ta mới bắt đầu nói về việc tông đồ giáo dân; người ta đã nói về nó từ lâu. Nhưng điều mới mẻ mà Công đồng mang lại trong lãnh vực này, là tước hiệu mà với tư cách đó giáo dân góp phần vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm. Họ không phải là những cộng tác viên thuần túy được mời gọi đóng góp về chuyên môn, thời gian và nguồn lực của họ; họ là những người lãnh nhận các đặc sủng, nhờ đó, như Lumen Gentium nói, họ có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân và phát triển Giáo Hội[7]”.
Đức Giêsu muốn các Tồng Đồ làm người chăn chiên và đánh cá người. Đối với chúng ta là các giáo sĩ, làm mục tử thì dễ hơn làm ngư phủ; có nghĩa là dùng lời Chúa và các bí tích nuôi dưỡng những ai đến với Giáo Hội thì dễ hơn là đi tìm kiếm những người ở xa, trong những môi trường tạp nham nhất của cuộc sống. Dụ ngôn con chiên đi lạc ngày nay bị đảo lộn: chín mươi chín con đã đi xa và chỉ còn một con ở lại trong chuồng. Mối nguy hiểm là dành tất cả thời giờ của mình để nuôi con duy nhất còn lại và không có thời giờ, nếu chỉ vì thiếu linh mục, để đi tìm những con đã lạc đàn. Trong việc này, sự đóng góp của giáo dân dường như là do Thiên Chúa quan phòng cho chúng ta.
Các phong trào của Giáo Hội đi tiên phong nhất trong lãnh vực này. Đóng góp cụ thể của họ vào công cuộc Phúc Âm hóa là cho người lớn có cơ hội khám phá lại phép rửa của mình và trở thành những thành viên tích cực và dấn thân của Giáo Hội. Người ta thấy có nhiều người vô tín trở lại đạo và nhiều Kitô hữu hiện nay quay về với việc thực hành tôn giáo trong khuôn khổ những phong trào này.
Đức Bênêđíctô XVI trở lại với đề tài về tầm quan trọng của gia đình, khi ngài nói về một “vai trò hàng đầu” của các gia đình Kitô giáo trong lãnh vực này. “Cũng giống như sự vắng bóng của Thiên Chúa có liên hệ với cuộc khủng hoảng của gia đình, cũng vậy công cuộc tân Phúc Âm hóa không thể tách rời khỏi gia đình Kitô giáo[8]”.
Bình giải đoạn văn của Luca nói về việc Đức Giêsu “chỉ định bẩy mươi hai môn đệ và sai các ông cứ từng hai người một đi trước vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1), thánh Grêgôriô Cả viết rằng Ngài sai từng hai người một, “vì nếu ít hơn hai người, thì không thể có tình yêu”, và tình yêu sẽ giúp người ta có thể nhận ra rằng chúng ta là môn đệ Đức Kitô. Điều này áp dụng cho mọi người, nhưng đặc biệt đối với những người làm cha mẹ. Nếu họ không thể làm gì hơn để giúp con cái trong đức tin, họ hẳn đã làm rất nhiều nếu khi nhìn vào họ, con cái có thể nói với nhau: “Nhìn bố mẹ mình kìa, yêu nhau biết bao!” Kinh Thánh nói: “Tình yêu từ Thiên Chúa mà đến” (1Ga 4,7) và điều này giải thích tại sao ở bất cứ nơi nào có một chút tình yêu đích thực, thì ở đó Thiên Chúa luôn được loan báo.
Công cuộc Phúc Âm hóa đầu tiên bắt đầu giữa các bức tường nhà. Một hôm, có một thanh niên hỏi Chúa phải làm gì để được cứu, Ngài trả lời: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo…, rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21); nhưng một thanh niên khác muốn bỏ mọi sự mà theo Ngài, thì Ngài lại không cho phép và nói với anh: “Anh cứ về nhà với thân nhân và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh và Người đã thương anh như thế nào” (Mc 5,19).
Có một thánh ca của người Mỹ da đen (Negro spiritual), rất nổi tiếng, có tựa đề như sau: “There is a balm in Gilead” – “Có một loại dầu thơm ở vùng Gilead” –. Một số lời của bài có thể khuyến khích giáo dân, nhưng không chỉ họ mà thôi, trong nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm từ người này sang người khác. Bài hát nói: “Nếu bạn không thể giảng như Phêrô, nếu bạn không thể giảng như Phaolô, hãy về nhà và nói với hàng xóm rằng: Ngài đã chết để cứu tất cả chúng ta[9]“.
Thật an ủi cho các anh chị em giáo dân khi nhớ rằng trong đêm Giáng Sinh, xung quanh nôi của Hài Nhi Giêsu, bên cạnh Đức Mẹ và Thánh Giuse, chỉ có những người đại diện họ là các mục đồng và các hiền sĩ. Lễ Giáng sinh đưa chúng ta trở lại đỉểm nhọn của lằn rẽ sóng của con tàu, vì tất cả bắt đầu từ đó, từ Hài nhi nằm trong máng cỏ. “Cuộc đản sinh của Đức Kitô đánh dấu nguồn gốc của dân Kitô giáo. Sinh Nhật của Đầu là Sinh Nhật của thân[10]”. Trong phụng vụ Giáng Sinh, chúng ta được nghe công bố “Hôm nay Đức Kitô đã sinh ra, hôm nay Đấng Cứu Thế đã xuất hiện”. Khi nghe lời công bố này, hãy nghĩ lại những gì chúng ta đã nói về tưởng niệm hiện tại hóa biến cố quá khứ thậm chí còn hơn so với lúc nó xảy ra lần đầu tiên. ”Đúng vậy, hôm nay Đức Kitô đã sinh ra, vì Ngài thực sự được sinh ra cho tôi vào lúc tôi nhận ra mầu nhiệm, vào lúc tôi tin vào mầu nhiệm này. “Ích gì cho tôi khi Đức Kitô đã được Đức Maria sinh ra một lần tại Belem, nếu Ngài lại không được sinh trong lòng tôi, nhờ đức tin?”; những lời này đã được Origen thốt lên[11] và được thánh Augustinô và thánh Bênađô lặp lại. Chúng cũng có giá trị cho chúng ta.
[1] Theo kiểu nói của thư Giuđa (1,3).
[2] Ubicumque et semper, 21.12.2010.
[3] Sacrosanctum Concilium, no 7.
[4] Cf. Ch. Péguy, Le Mystère des Saints Innocents, Gallimard, Paris 1975, 697.
[5] S. Kierkegaard, Exercice en christianisme, Ed. Du Félin, Paris 2006.
[6] Homélie pascale de l’an 387 (SCh 36, 59s).
[7] Lumen Gentium no 12.
[8] Đức Bênêđictô XVI, Discours à l’Assemblée Plénière du Conseil Pontifical pour la famille, 1.12.2011.
[9] If you cannot preach like Peter, if you cannot preach like Paul, go home and tell your neighbor: He died to save us all.
[10] Lêô Cả, Sermons de Noel, 6, 2 (PL 54, 213s).
[11] Origen, Homélies sur saint Luc, SCh 87, 302.