Nhân dịp sắp bước vào năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II và 20 năm xuất bản Sách Giáo Lý Giáo hội Công Giáo, xin chia sẽ với quý độc giả bài viết: ” Công Đồng Vatican II góp phần rất lớn để giải phóng Tin Mừng” bài này nối tiếp bài viết trước đây ” để giải phóng Tin Mừng” nhằm quảng diển những công lao do 5 vị Giáo Hoàng của Công Đồng đã đóng góp để giúp Giáo Hội giải phóng Tin Mừng, đồng thời cũng đã dùng chính bản thân mình xuất phát từ Đức Giêsu Kitô để sống gắn bó với Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Thể và nhờ suy gẫm Lời Chúa trong cầu nguyện, để kêu gọi dân Chúa cũng xuất phát từ Đức Giêsu Kitô để sống gắn bó với Tin Mừng của Ngài.
Dẫn nhập
Dịp lễ Thánh Antôn Pađôva 13.06.2012, tôi nhận được món quà mừng bổn mạng là cuốn sách tiếng Anh “Light of the world” (Ánh sáng thế gian) phát hành năm 2010 của ký giả kỳ cựu Peter Seewald, ghi lại cuộc trao đổi giữa ông với Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI về các vấn đề Giáo hội và thế giới, như gương xấu lạm dụng tình dục, tai họa toàn cầu, loan báo Tin Mừng, cải cách chậm chạp, sứ điệp Fatima … Sách đó giới thiệu cuộc trao đổi lần thứ nhất giữa ông và Đức Hồng y Ratzinger, được ghi lại trong cuốn “Muối Cho Đời”, phát hành năm 1996, được dịch ra tiếng Việt, và Đức Cha Bùi văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin giới thiệu năm 2008. Ký giả Peter Seewald là ngừơi Đức đã ra khỏi Giáo hội Công giáo từ lâu. Ông xin phỏng vấn Đức Hồng y, và sau khi viết cuốn “Muối Cho Đời”, ông đã trở về với Giáo hội. Còn Đức Hồng y Ratzinger cũng là người Đức cho biết rằng “người ta đã chế ra chữ “Hồng y thiết giáp” để gọi tôi, có ý làm cho liên tưởng đến đặc tính cá biệt của người Đức là ‘nguyên tắc một cách quá khích và thiếu linh động”[1] …Cuốn Muối Cho Đời ghi lại cuộc trao đổi về các vấn đề : những sai lầm của Giáo hội; những điệp khúc chỉ trích; độc thân, tái hôn sau khi ly dị; truyền chức cho phái nữ; một công đồng chung mới …. Tổng cộng cả hai cuốn khoảng 538 câu hỏi, được coi là những câu hỏi vừa nóng bỏng nhất, gai góc nhất, vừa nhiều thách thức nhất. Các vấn đề nóng bỏng trên đã được tác giả cuốn “Để Giải Phóng Tin Mừng” (Paul Tihon) đề cập tới, nhưng một cách tế nhị ; còn ký giả và Đức Ratzinger đã trao đổi một cách cụ thể, nói thẳng nói thật thoải mái. Xin đan cử vài ví dụ:
– Ký giả: Giáo hội Công giáo không những chỉ là một thứ gì còn sót lại của quá khứ mà hơn nữa nên cho vào sọt rác. Đối với thế giới trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ III, không có khiêu khích nào lớn hơn sự tồn tại của một Giáo hội phẩm trật
– Đức Hồng y: Dưới nhiều khía cạnh, điều đó nói lên giá trị tốt đẹp của Giáo hội Công giáo, bởi vì Giáo hội này vẫn còn là lực lượng khiêu khích, vẫn là gai nhọn và là sự phản kháng, hay nói như thánh Phaolô, đó là một cớ gây tai tiếng, gây vấp ngã. Nghĩa là Giáo hội Công giáo vẫn còn một ý nghĩa nào đó và không ai có thể gạt bỏ nó qua một bên để thản nhiên vui sống … Nếu như Giáo hội Công giáo là một gai nhọn vì dám bảo vệ những giá trị cơ bản của con người … thì đây lại là một điều hay.
Ký giả đã kể ra nhiều câu hỏi, nào là: điệp khúc hay chuỗi dài các chỉ trích và phàn nàn về Giáo hội, nào là Giáo hội quan liêu, cố chấp, nghiêm khắc, khắt khe … nào là Giáo hội trì trệ, chậm chạp cải cách, Giáo hội nhiều gương xấu như lạm dụng tình dục mà được bao che và làm thinh …
Đức Giáo hoàng lần lượt trả lời : đúng thế, tôi vẫn thường nói chúng ta quá quan liêu … rõ ràng có sự bế tắc cảm thông … rõ ràng Vatican làm việc chậm chạp … đúng, tôi phải nói rằng lạm dụng là một khủng hoảng lớn … nó gây “sốc” cho tôi và làm tôi bối rối sâu xa. Tuy nhiên, Chúa cũng bảo cho chúng ta rằng ở giữa lúa có lẫn cỏ lùng vực, mà lúa vẫn cứ tiếp tục lớn lên.
– Ký giả: Ngài đã có một mối tình với cô nào không? Người ta biết Đức Gioan Phaolô II thời thanh niên cũng rất lãng mạn.
Đức Hồng y: Tôi có thể nói rằng trong tôi đã không có một dự án gia đình nào cả. Nhưng những tình bạn với nhiều xúc động thì dĩ nhiên là có.
Và cũng như tác giả Paul Tihon đã tìm đến cái cốt lõi tinh túy độc đáo của Tin Mừng, đó là Đức Giêsu Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc là Tình yêu, thì ký giả cũng hỏi Đức Giáo hoàng rằng có phải Ngài coi chủ đề Thiên Chúa là Tình yêu như là chìa khóa cho triều Giáo hoàng của ngài không? Đức Giáo hoàng trả lời : hai chủ đề luôn theo tôi trong suối đời tôi, một là Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, luôn yêu thương chúng ta; hai là chủ đề Tình yêu, chủ đề này chiếm địa vị trung tâm trong Tin Mừng thánh Gioan, vì tôi biết rằng Tình Yêu là chìa khóa cho Kitô giáo …
Như thế những trao đổi giữa ký giả với Đức Ratzinger, và những gì tác giả Paul Tihon đã nêu lên trong cuốn “Để Giải Phóng Tin Mừng”, những sự kiện hiển nhiên chẳng hạn nhiều Kitô hữu bỏ đạo, chuỗi dài những chỉ trích Giáo hội và Vatican, những đòi hỏi cải cách … đã là những vấn đề được phổ biến công khai từ lâu trên thế giới, vì truyền thông được tự do. Nên khi ở Việt Nam được dịp nghe biết thì có độc giả sợ đụng chạm đến các Đấng Bậc, nhưng có nhiều sự thật hiển nhiên Kitô hữu cần hiểu biết cho đúng thì mới có ý thức và trách nhiệm góp phần giải phóng Tin Mừng, làm đẹp bộ mặt Giáo hội được. Thái độ dửng dưng hoặc vô cảm vì không biết, làm cho Kitô hữu ở trong Giáo hội mà không “đồng cảm với Giáo hội”. Giáo hội sắp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II (1962 – 2012) và 20 năm xuất bản Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992 – 2012). Đây là cơ hội rất tốt để mọi thành phần trong Giáo hội “đồng cảm với Giáo hội”, đồng cảm với các Đức Giáo hoàng trong mọi biến cố tốt xấu đã xảy ra, để với niềm hy vọng và phấn khởi, tham gia tích cực hơn vào cuộc cải cách giải phóng Tin Mừng mà Công đồng Vatican II đã khởi xướng và Giáo hội đang tiến hành. Vì thế trong bài này tôi muốn tóm lược công lao của năm Đức Giáo hoàng có liên hệ đến Công đồng, để mọi người ý thức được sự góp phần rất lớn của các ngài, và nhờ gương mẫu của mỗi vị, ta có thể noi gương bắt chước hầu góp phần tích cực của mình vào việc làm mới bộ mặt của Giáo hội.
I. CÔNG LAO CỦA NĂM VỊ GIÁO HOÀNG
1. Đức Chân Phước Gioan XXIII (1958 – 1963)
Ngài xuất thân từ giới bình dân, được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 28.10.1958, lúc tuổi đời đã 78, mọi người đều cho rằng ngài chỉ là Giáo hoàng chuyển tiếp, nhưng ngài đã làm nhiều việc phi thường. Trước hết, chỉ sau 3 tháng nhậm chức, ngày 25.01.1959 ngài công bố triệu tập Công đồng chung Vatican II, nối tiếp Công đồng chung Vatican I. Quyết định của ngài làm sửng sốt cả Hồng y đoàn, ngài coi đây là một lễ Hiện Xuống mới, và Công đồng Vatican II này nhằm hai mục đích : thứ nhất cập nhật hóa Giáo hội để quét sạch bụi bậm đã bám vào trong thời gian cả ngàn năm ; thứ hai mở đường cho phong trào Đại kết, tái hợp nhất mọi Kitô hữu đã chia rẽ gần chục thế kỷ. Năm 1960, ngài thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam nhằm chứng tỏ Giáo hội địa phương ở Việt Nam đã trưởng thành như các Giáo hội địa phương khác. Năm 1961 ngài công bố Thông điệp “Mẹ và Thầy”, bàn về vấn đề xã hội, đặc biệt là quan tâm bênh vực người nghèo. Năm 1962, khai mạc phiên khoáng đại đầu tiên của Công đồng Vatican II, thảo luận lược đồ về phụng vụ, được đa số 97% nghị phụ chấp thuận để đổi mới phụng vụ đã “cố định” từ Công đồng Trentô (gần 500 năm), đổi mới bằng đề cao Lời Chúa, dùng ngôn ngữ địa phương, kêu gọi Kitô hữu tham dự tích cực hơn, đồng tế, rước lễ dưới hai hình … Năm 1963 ngài công bố Thông điệp sau chót “Hòa Bình trên Thế Giới” bàn về vấn đề hòa bình, trong lúc thế giới đang có chiến tranh lạnh giữa hai khối tự do và cộng sản, hai bên chạy đua chế tạo vũ khí nguyên tử đe dọa xảy ra chiến tranh lần thứ ba. Trong năm năm triều giáo hoàng của ngài, ngoài việc đơn giản hóa lễ nghi đăng quang giáo hoàng, ngài đã phá lệ thường của Vatican để ra khỏi điện hơn 100 lần, viếng các lao xá, bệnh viện, nhà mồ côi, hành hương Lorettô, Atxidi … Ngài luôn cởi mở với thế giới, tiếp kiến hơn 30 nhà lãnh đạo các quốc gia. Ngài thực là gương mẫu của một chủ chăn nhân hậu, đơn sơ, khiêm tốn, bao dung, có lòng thương người, ăn ở có tình có nghĩa. Ngài qua đời năm 1963, hưởng thọ 82 tuổi, và năm 2000 ngài được phong Chân phước.
2. Đức Phaolô VI (1963 – 1978)
Được bầu làm Giáo hoàng năm 1963, nhận tên hiệu là Phaolô VI vì muốn noi gương thánh Phaolô Tông đồ dân ngoại, mở đường vào thế giới:
– Công lao thứ nhất của ngài là lo cho Công đồng mới khởi sự được tiến hành. Khó khăn đầu tiên ngài gặp là vấn đề bản tính sâu xa của Giáo hội. Trong các nghị phụ có hai khuynh hướng xuất hiện. Khuynh hướng thứ nhất được hình thành từ hàng chục thế kỷ trước, muốn Giáo hội như một xã hội hoàn hảo theo mô hình kim tự tháp, nghĩa là trên đỉnh cao là hàng giáo sĩ các cấp, nắm mọi quyền bính, còn ở dưới chân là giáo dân. Đức Hồng y Gasquet có kể giai thoại là trước Công đồng, có người giáo dân hỏi cha xứ về vị thế của giáo dân trong Giáo hội, cha xứ trả lời ngay là giáo dân có hai vị thế : thứ nhất là quỳ gối trước bàn thờ, thứ hai là ngồi trên ghế …và Đức Hồng y dí dỏm thêm rằng; người ta quên vai trò thứ ba là móc ví lấy tiền để công đức. Còn khuynh hướng thứ hai mới hình thành từ vài thập niên trước Công đồng, muốn Giáo hội như là một Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ; Giáo hội được Thiên Chúa Ba Ngôi thiết lập, Giáo hội xuất phát từ Đức Giêsu Kitô như là tâm điểm của Giáo hội; có thể so sánh với mô hình trong đó các bậc sống giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân là như những vòng tròn đồng tâm, mà Đức Kitô là tâm điểm: “Có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô” (Hiến chế về Giáo hội số 32). Khuynh hướng thứ hai chọn Giáo hội là mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ đã được đa số các nghị phụ chấp nhận, cuối cùng chỉ còn 5 phiếu chống. Đức Phaolô đã can đảm cương quyết vượt qua khó khăn, và “Giáo hội là Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ” đã trở thành tư tưởng chủ đạo chi phối toàn bộ các văn kiện của Công đồng Vatican II, bao gồm 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh, 3 Tuyên ngôn ; và Công đồng được bế mạc năm 1965. (Tư tưởng chủ đạo này đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn để đổi mới bộ mặt Giáo hội tại Việt Nam, từ Năm Thánh 2010).
– Công lao thứ hai là Đức Phaolô VI muốn theo tinh thần cập nhật của Đức Gioan XXIII sống khó nghèo, đơn sơ, khiêm tốn để là giáo hoàng của thời đại mới, với một ý chí cương quyết bằng cách cải tiến nội bộ Giáo triều. Trước hết là đơn giản hóa lễ nghi phong chức Giáo hoàng. Ngài truyền làm một mũ giống như mũ giám mục, thay thế cho mũ ba tầng có nạm kim cương ngọc quý, ám chỉ ba quyền giáo huấn, thánh hóa, quản trị, vốn được dùng suốt 9 thế kỷ. Ngài trao mũ ba tầng quí giá cho Đức Hồng y Spellman đem về Mỹ bán đấu giá lấy tiền giúp người nghèo. Ngài quyết định Đức Hồng y nào đầy 80 tuổi phải nghỉ các chức vụ và không được bầu Giáo hoàng nữa. Các Hồng y và Giám mục nào được 75 tuổi, phải đệ đơn xin từ chức. Và để chứng tỏ Giáo hội là của người nghèo, ngài quyết định các Hồng y và Tổng Giám mục trong giáo triều không sử dụng xe hơi Mercedes, mà dùng xe hơi Fiat 125 ; và cũng không dùng áo đuôi dài 5 thước nữa, để dư luận báo chí khỏi nói thời hiện đại này mà còn có người ăn mặc như thời Trung cổ. Ngài cũng quyết tâm quốc tế hóa giáo triều bằng cách bổ nhiệm các giáo sĩ không phải là người Ý, nêu cao tính cách Công giáo của Giáo hội hoàn vũ. Năm 1976 Đức Giuse Trịnh như Khuê được ngài phong làm Hồng y tiên khởi Việt Nam; và chính ngài thiết lập Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới để bàn về các vấn đề cần cải cách ngay, như giáo lý, giáo luật, truyền giáo.
– Đối với các tôn giáo khác đã ly khai khỏi Giáo hội cả gần chục thế kỷ, ngay đầu năm 1964 ngài đi hành hương Đất thánh, đến Giêrusalem gặp Đức Thượng Phụ Athenagoras và trao hôn bình an cho nhau. Năm 1965 trước ngày bế mạc Công đồng, Giáo hội Rôma và Hy lạp đã dứt bỏ vạ tuyệt thông cho nhau kề từ năm 1054. Năm 1966 ngài đón tiếp Giáo chủ Anh giáo là Tiến sĩ Ramsey.
– Đối với thế giới vào khoảng tháng 10 năm 1965 ngài đến Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước để kêu gọi “các nước không chống đối nhau nữa, không để chiến tranh xảy ra”. Ngài còn tiếp tục công du sang Châu Mỹ Latinh năm 1968, sang Phi Châu năm 1969, Viễn Đông năm 1970. Sau Công đồng, Giáo hội gặp thời kỳ khủng hoảng về vấn đề độc thân linh mục, Đức Phaolô VI đã công bố Thông điệp “Độc Thân Linh Mục” năm 1967, về vấn đề ngừa thai phá thai, ngài đã công bố Thông điệp “Sự Sống Con Người” năm 1968. Năm 1971 ngài ban hành “Chỉ Dẫn Tổng Quát về Dạy Giáo lý”; có nhiều nghị phụ đề nghị soạn sách giáo lý để phổ biến giáo huấn của Công đồng như Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V đã làm, nhưng ngài cho rằng các Văn kiện Công đồng là sách giáo lý tốt nhất, nên chỉ soạn tập chỉ dẫn để lo dạy giáo lý cho các lứa tuổi, chỉ dẫn này là tiền đề cho “Chỉ Dẫn Tổng Quát về Dạy Giáo lý” năm 1977. Năm 1975 ngài tổ chức Năm Thánh “Canh Tân Hòa Giải” và ban hành Tông huấn quan trọng về “Loan Báo Tin Mừng”.
Đức Phaolô VI đã can đảm cương quyết nối tiếp Đức Gioan XXIII để giải phóng Tin Mừng khỏi những cơ chế kềnh càng xa hoa từ thời trung cổ, và cũng ngăn chặn xu hướng tục hóa của thời hiện đại, nên đã bị chống đối mạnh mẽ, nhưng ngài luôn trung thành với truyền thống chính đáng của Giáo hội. Trong triều đại ngài có cuộc ly khai của Đức cha Lefèbvre khỏi Giáo hội để thành lập Huynh đoàn Piô X, không chấp nhận cải cách của Công đồng Vatican II. Đức cha Lefèbvre qua đời năm 1991, nhưng huynh đoàn vẫn còn một nhóm tồn tại. Năm tháng cuối đời của ngài gặp nhiều u ám vì những khủng hoảng. Ngài qua đời 1978.
3. Đức Gioan Phaolô I (1978)
Lên làm giáo hoàng năm 1978 lúc ngài 65 tuổi. Ngài là Giáo hoàng người Ý cuối cùng sau 500 năm, lấy hiệu là Gioan Phaolô I tên từ hai vị tiền nhiệm là Đức Gioan XXIII và Phaolô VI. Từ trước đến nay chưa vị Giáo hoàng nào nhận hai tên, ngài giải thích: không phải tôi có sự khôn ngoan như Đức Gioan XXIII và sự thông thái của Đức Phaolô VI, nhưng tôi quyết tâm theo đường lối Công đồng mà các ngài đã khởi xướng. Trong lễ đăng quang ngài không đội mũ ba tầng, không choàng áo có đuôi dài năm thước và thêm một đổi mới nữa là không ngồi trên kiệu có người khiêng nhưng đi bộ đến ngai tòa để nhận mũ như mọi Giám mục. Đức Gioan Phaolô I thích sống gần gũi với dân chúng và mọi người, ngài luôn có nụ cười nên được gọi là “Giáo hoàng mỉm cười”, ngài mỉm cười thường là để khuyến khích và nâng cao giá trị của người đối thoại với mình. Không lâu trước ngày từ trần, ngài nói với một trong các thư ký: “có thể tuyển chọn một vị khác tốt hơn tôi. Đức Phaolô VI đã chỉ ra kẻ kế vị ngài. Vị ấy từng ngồi ngay trước mặt tôi ở nhà nguyện Sixtine (tức Đức Hồng y Balan Karol Wojtyla). Ngài sẽ đến và tôi sẽ ra đi”. Và sau khi lên ngôi được 33 ngày ngài qua đời. Giáo triều của ngài ngắn nhất từ trước tới nay, nhưng cũng vẫn góp phần cụ thể của mình là tiếp tục Công đồng để giải phóng Tin Mừng trong niềm vui với nụ cười, dù chưa thực hiện được gì nhiều.
4. Đức Chân Phước Gioan Phaolô II (1978-2005)
Là vị Giáo hoàng không phải người Ý sau gần 500 năm, kể từ khi Đức Giáo hoàng Adrianô VI là người Đức qua đời. Ngài cũng là vị Giáo hoàng Ba Lan, gốc dân tộc Slave, đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, lên ngôi lúc tuổi đời mới 58. Trước khi làm Giáo hoàng, ngài đã là Giám mục, rồi Hồng y, tham gia vào Công đồng Vatican II. Ngài biết rõ tình trạng Giáo hội, Giáo triều, những chỉ trích phàn nàn; những Kitô hữu từ bỏ Giáo Hội, những người cộng sản thù ghét Giáo hội…nên ngài càng tích cực thiết tha cải cách Giáo hội hơn. Ngài tiếp tục đơn giản hóa nghi lễ nhậm chức Giáo hoàng như hai vị tiền nhiệm, không mặc áo đuôi dài năm thước, không ngồi kiệu, không đội mũ ba tầng. Ngài cũng phá lệ không ngồi trên ghế bành để các Hồng y lên hôn nhẫn và tuyên hứa trung thành, khi vị đặc trách lễ nghi mời ngồi, ngài nói: “Không! tôi sẽ đứng để tiếp những người anh em của tôi”. Và ngài cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên xưng mình là “tôi”, chứ không là “chúng tôi” hay “Ta” như trước… Bài giảng đầu tiên của ngài nói tới điều cốt lõi của Tin Mừng, đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người. Ngài kêu gọi “Đừng ngại đón Đức Giêsu Kitô, hãy mở toang cửa đến với Giêsu” rồi ngài bắt tay ngay vào việc áp dụng những giáo huấn của Công đồng, tập trung vào Đức Giêsu Kitô , Đấng Cứu Chuộc loài người; và chọn “con người là con đường của Giáo hội”. Triều Giáo hoàng của Ngài là một trong ba giáo triều lâu nhất (26 năm), sau Thánh Phêrô (khoảng 34 đến 37 năm) và Đức Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX ( khoảng 31 năm), nên ngài thực hiện được rất nhiều công việc đặc biệt chưa từng có.
– Trước hết về Hoạt động Mục vụ, ngài đã gặp gỡ 17 triệu 600 ngàn khách hành hương từ khắp thế giới. Chủ sự 147 nghi lễ phong Á thánh cho 1338 vị và 51 nghi lễ phong thánh cho 482 vị trong đó có Chân Phước Anrê Phú Yên và 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhiều hơn tổng số các vị tiền nhiệm đã phong trong 400 năm trước đây, đặc biệt ngài chú ý đến các vị thuộc hàng giáo dân hơn. Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm tất cả 226 Hồng y trong đó có Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh văn Căn (1979), Đức Hồng y Phaolô Maria Phạm Đình Tụng (1994), Đức Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận (2001).
– Về những cuộc tông du, ngài là Giám mục Rôma nên đã đi thăm mục vụ 317 giáo xứ trong tổng số 333 giáo xứ. Trên các lĩnh vực toàn cầu, ngài đã thực hiện 104 chuyến tông du, viếng thăm 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngài tiếp đón 737 lần các nguyên thủ quốc gia và 245 lần gặp gỡ Thủ Tướng các chính phủ. Trong triều ngài, Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao với 174 quốc gia. Tuy nhiên, ngài là vị Giáo Hoàng độc nhất từ xưa đến nay đã sống trong Xã Hội Chủ Nghĩa với những kinh nghiệm bản thân, nhờ đó ngài hiểu biết phải góp phần để giải phóng con người khỏi mọi hình thức tha hóa do bất cứ thế lực nào, dù tư bản hay cộng sản. Ngài góp phần quan trọng trong việc chấm dứt chủ nghĩa cộng sản trước hết ở Balan, rồi Liên Xô và Đông Âu. Những kẻ thù nghịch với ngài đã mưu sát ngài 3 lần: lần thứ nhất bị mưu sát ở quảng trường Thánh Phêrô, vào 13-5-1981, ngài bị bắn và bị thương nặng; nhưng sau ngài nói Đức Mẹ Fatima đã cứu sống; lần thứ 2 ở Fatima ngày 12-5-1982, Ngài bị 1 người đâm, nhưng chỉ bị thương nhẹ; lần thứ 3 khi đến Philippin 1995 dịp Đại Hội Giới Trẻ, 1 tổ chức Al-Qaeda tài trợ âm mưu hại ngài nhưng bị phá vỡ.
– Về những Tác phẩm và Giáo huấn, ngài đã là 1 giáo sư thần học, 1 nhà văn nên gia sản giáo huấn của ngài rất phong phú và đa dạng. Năm 1979 ngài ban hành Tông huấn “Về Dạy Giáo Lý”. Năm 1981 ban hành Tông huấn “Về Hôn nhân và Gia đình”, 1 tài liệu mà Đức Hồng y Ratzinger giới thiệu là “một bản tóm lược những vấn đề thần học và mục vụ, về hôn nhân và gia đình mà từ trước đến nay chúng ta chưa hề có…nó góp phần vào việc canh tân xã hội và canh tân Dân Chúa”. Năm 1985 ngài triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đặc biệt để duyệt lại việc thực thi giáo huấn Công đồng sau 20 năm. Các nghị phụ đều thấy giáo huấn Công đồng chưa thấm nhập vào Dân Chúa, nên ngài dùng các Thượng Hội Đồng Giám Mục tiếp theo để giải thích và đem áp dụng cụ thể vào từng bậc sống cho giáo dân, trong Tông huấn “Kitô Hữu Giáo Dân” 1988, cho giáo sĩ trong Tông huấn “Đào Tạo Linh Mục” 1992, cho tu sĩ trong Tông huấn “Đời Thánh Hiến” 1996 … Ngài còn quan tâm đến vấn đề Hội Nhập Văn Hóa mà trước đây Giáo hội không mấy chú ý, ngài tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục của mỗi châu lục (Âu, Á, Phi, Mỹ, Úc) để đem Tin Mừng hội nhập vào văn hóa mỗi dân tộc, chẳng hạn Tông huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” 1999…. Năm 1984 ngài quyết định cho soạn Sách Giáo Lý Công Giáo để phổ biến giáo huấn của Công đồng, sau 8 năm Sách Giáo Lý được xuất bản 1992. Năm 1997 còn ban hành cuốn “Chỉ Dẫn Tổng Quát Về Dạy Giáo Lý”, bổ túc và hoàn chỉnh tập Chỉ Dẫn 1971, về nội dung giáo lý, về phương pháp dạy các lứa tuổi, về huấn luyện giáo lý viên và Trường đào tạo giáo lý viên. Tổng kết các tác phẩm và giáo huấn gồm 15 Tông Huấn, 702 Tông Hiến, 32 Tông Thư, 33 Tự Sắc, hàng trăm Sứ Điệp. Một việc độc đáo nữa liên quan đến các linh mục là suốt 25 năm giáo triều, năm nào ngài cũng gửi một tâm thư cho các linh mục vào dịp Thứ Năm Tuần Thánh.
– Một vấn đề cũng quan trọng là Đại Kết và Đối Thoại với các tôn giáo khác. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Hội đường Do thái ở Rôma, và Nhà thờ Hồi giáo. Năm 1983, đi thăm Cộng đoàn Tin lành theo Luther. Năm 1986, ngài thiết lập ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Atxidi, với sự có mặt của 130 vị đại diện cho 12 tôn giáo trên thế giới. Năm 1995, Ngài ban hành Thông điệp “Để Họ Nên Một”, đề cập đến sự hiệp nhất, đại kết, đối thoại và cầu nguyện chung với nhau. Năm 2000, ngài mở Đại Năm Thánh và ngài đã thực hiện một hành động sám hối lịch sử chưa từng có, là: “Xin Thiên Chúa thứ tha moi tội lỗi, mà Giáo hội đã phạm trong 2000 năm qua, đặc biệt những tội chống lại sự thật và hiệp nhất, những lầm lỗi trong những liên hệ với dân tộc Do Thái, với vấn đề nhân quyền”. Cũng trong năm 2000, ngài thêm Năm Sự Sáng vào Kinh Mân Côi, để Kinh Mân Côi thực sự đầy đủ là Kinh tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Còn một việc quan trọng cần ghi nhớ như một bước ngoặt là năm 1985, ngài thiết lập Đại hội Giới trẻ Thế Giới, để thu hút giới trẻ các nước về với Giáo hội, cứ 2 năm một lần ở một quốc gia được chọn; đây cũng là biến cố chưa xảy ra bao giờ từ trước tới nay, ký giả Peter Seewald cho rằng “có tới hàng triệu người trên khắp hoàn cầu tới dự, đông hơn cả những buổi trình diễn của các siêu sao nhạc Pop”.
Lược qua những công lao chính yếu và độc đáo của Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, vừa phong phú đa dạng, gây ảnh hưởng đến từng bậc sống giáo sỹ, tu sĩ, giáo dân, giới trẻ; vừa góp phần cải cách Giáo hội và cập nhật hóa Gíáo hội với Thế giới, mặc dù nhiều việc chỉ mới khởi sự gây được ý thức và đang tìm cách áp dụng vào thực tế, chẳng hạn ở Việt nam: việc “sống đạo theo mô hình Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ”; việc đào tạo linh mục theo Tông huấn “Mục tử như lòng Chúa”; việc đổi mới đời sống thánh hiến “xuất phát từ Đức Giêsu Kitô”… Các tác giả lớn trên thế giới đều có chung một nhận định là Đức Gioan Phaolô II có 2 khuynh hướng nổi bật, xét bề ngoài dường như chúng đối nghịch nhau: với tín lý của Giáo hội bao gồm cả những khía cạnh luân lý đạo đức của con người, ngài luôn tỏ ra hết sức bảo thủ, nhưng với những vấn đề xã hội, vị Giáo chủ thế giới Công giáo lại tỏ ra vô cùng cấp tiến, luôn đứng ở vị trí tiên phong trong trận tuyến, chống lại cường quyền bạo lực để bảo vệ phẩm giá, quyền sống, và mọi quyền tự do căn bản của con người. Trên giường bệnh, lời nói sau cùng mà ngài gửi cho các tín hữu Công giáo là: “Cha rất hạnh phúc và các con hãy vui lên. Đừng khóc. Hãy cùng cầu nguyện trong niềm vui và bình an”. Ngài qua đời sáng Chúa nhật lễ kính Lòng Thương Xót Chúa 3-4-2005, hưởng thọ 84 tuổi. Tất cả đều là những dấu chỉ để mọi người chúng ta hy vọng Giáo hội đang có những đổi mới, và thế giới đang nhìn vào Giáo hội với nhiều thiện cảm hơn. Những dấu chỉ đó còn được thể hiện rõ nét trong thánh lễ an táng của ngài: tại quảng trường Thánh Phêrô, có khoảng 300 ngàn người dự, còn ở Rôma khoảng 3 triệu người trên các đường phố, công viên, sân vận động … tham dự qua màn hình. Báo chí thế giới nhận xét: “Đây là một lễ nghi đại kết lớn nhất của lịch sử nhân loại gồm các Giáo chủ của Giáo hội Đông phương, các đại diện của Hồi giáo, Tin lành, Anh giáo, Phật giáo… Đây là hình ảnh của một Liên Hiệp Quốc đúng nghĩa, với cả 200 phái đoàn các nguyên thủ quốc gia không cùng quan điểm, khác biệt đường hướng chính trị, tất cả đã ngồi sát gần nhau mà không có sự tranh cãi…” Và chỉ 5 năm sau, đại lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II đã cử hành vào 1-5-2011, là một dấu chỉ hùng hồn nhất về lòng yêu mến và biết ơn của Giáo hội toàn cầu đối với ngài, một người vừa bảo thủ vừa cấp tiến, một vĩ nhân và một vị Thánh.
5. Đức Bênêđictô XVI (2005 – …)
Được bầu làm Giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Công giáo và là người Đức thứ 9. Ngài lấy tên hiệu là Bênêdictô XVI dựa theo tên của vị sáng lập dòng Biển Đức ở Nursia, đồng thời cũng dựa theo tên của vị tiền nhiệm là Đức Bênêđictô XV, ngài được gọi là Giáo hoàng của hòa bình vì đã đưa ra sáng kiến tái lập hòa bình trong thế chiến thứ nhất.
– Trước khi làm Giáo hoàng, ngài chịu chức linh mục năm 1957, coi xứ 2 năm, làm giáo sư thần học ở nhiều đại học, được đề cử làm nhà thần học chính thức của Công đồng Vatican II. Năm 1977 được Đức Phaolô VI cử làm Tổng Giám mục và nhận tước Hồng y, chọn khẩu hiệu “cộng tác viên vào việc truyền bá sự thật” (3Ga 8). Năm 1978, năm của 3 Giáo hoàng: Phaolô VI qua đời tháng 8, Gioan Phaolô I qua đời tháng 9, Gioan Phaolô II lên làm Giáo hoàng tháng 10. Ngài trở thành bạn của Đức Gioan Phaolô II, và năm 1987, Đức Gioan Phaolô II cử ngài làm Bộ trưởng Giáo Lý Đức Tin. Từ năm 1986-1992, làm trưởng ban soạn thảo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo. Năm 2001, trước sự kiện có nhiều lạm dụng tình dục và sự thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết của các Giám mục và Hội đồng Giám mục, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết và điều tra 3000 trường hợp, tiếp đó Vatican đã đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vụ lạm dụng. Ký giả Peter Seewald cho rằng: “hiếm có ai giàu lòng ý thức về những mất mát và thảm kịch của Giáo hội trong thời hiện đại cho bằng vị Hồng y thông minh, xuất thân từ vùng đồng ruộng bang Bayern này”[2]. Được làm Giám mục rồi Hồng y Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, mà tiền thân của Bộ này là Tòa Thẩm Tra lạc giáo, ngài ý thức rất rõ vai trò ngôn sứ của Giáo hội. Ngài nói “khi thấy tình trạng Giáo hội suy đồi quá hiển nhiên:đức tin mệt mỏi, ơn gọi tu trì sút giảm, luân lý đạo đức xuống cấp ngay cả trong giới tu sĩ, tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng v.v…Lời Chúa trong Kinh Thánh và những lời của các giáo phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng nề của những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Im lặng không phải là bổn phận hàng đầu của người công dân. Theo tôi mũ nỉ che tai là lối lãnh đạo tồi nhất, và riêng tôi khiếp sợ cảnh một giám mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột”[3]. Xem như thế, chẳng lạ gì khi người ta chế ra chữ “Hồng y thiết giáp” (Panzer Kardinal) để gọi ngài, bởi vì nét cá biệt của người Đức là nguyên tắc một cách quá khích, và thiếu linh động[4].
– Khi lên làm Giáo hoàng, cũng như các vị tiền nhiệm ngài tiếp tục theo nghi lễ đăng quang đơn giản, không ngồi kiệu, không đội mũ ba tầng, các vị tiền nhiệm còn giữ hình mũ ba tầng trong huy hiệu Giáo hoàng, nhưng Đức Bênêdictô XVI đã gỡ bỏ hình mũ ba tầng trong huy hiệu Giáo hoàng, thay vào đó là mũ Giám mục. và lần đầu tiên ngài đưa hình khăn choàng vai (Palium) vào huy hiệu Giáo hoàng. Trong lễ nhậm chức, ngài mang Palium theo lối Giáo hội Đông phương nói lên cảm tình với Giáo hội bên Đông và nhắc nhớ tới thời trước năm 1054 là thời hai bên Đông Tây chưa phân cách, và còn hợp nhất dưới các vị kế nhiệm tông đồ Phêrô. Không những thế, ngài còn gạch bỏ tước hiệu “Thượng Phụ Tây Phương” ra khỏi danh mục tước hiệu của Giáo hoàng, có ý tỏ tình đại kết với Đông Phương. Ngài cũng cho biết ngài sẽ dùng “tôi” khi phải nói điều gì thuộc về quan điểm của riêng ngài, nhưng vẫn dùng “chúng tôi” khi muốn nói nhân danh tập thể, nhân danh tính cộng đồng của Giáo hội, “vì thế “chúng tôi” ở đây không phải là từ ngữ số nhiều ra vẻ ta đây”[5]. Đó là ngài điều chỉnh lại những thay đổi sao cho hợp tình hợp lý hơn, chứ không phải đổi mới là bỏ hết những gì cũ xưa mà không cân nhắc. Ngài là giáo sư thần học, có khuynh hướng bảo vệ truyền thống và các giá trị của Giáo lý Công giáo, chống lại khuynh hướng bài Kitô giáo và khuynh hướng vô thần theo chủ nghĩa tục hóa. Tuy ngài chọn danh hiệu là “Bênêđictô” nhưng ngài vẫn tiếp tục theo các vị tiền nhiệm để giải thích và áp dụng thật đúng những giáo huấn của Công đồng. Trong thánh lễ bắt đầu sứ vụ của Phêrô, ngài nhắc lại lời Đức Gioan Phaolô II kêu gọi: “Anh chị em đừng sợ, hãy mở nhưng còn hơn thế nữa mở toang cửa cho Đức Kitô”. Ngài nhấn mạnh đến cái cốt lõi độc đáo của Tin Mừng, đó là Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Và Thông điệp đầu tiên của ngài là “Thiên Chúa là Tình Yêu” (2005), đề cao Tình Yêu như tâm điểm của Kitô giáo. Vào năm 2007 Tông huấn sau Thượng Hội Đồng Giám Mục là “Bí tích Tình Yêu” nói về Thánh Thể là nguồn và cao điểm của đời sống và của sứ mạng của Giáo hội. Giữa năm 2007 ngài đi bước trước gởi thư cho tín hữu Công giáo Trung Hoa, kêu gọi 12 triệu tín hữu của hai phía quốc doanh và hầm trú hợp nhất với Giáo hoàng và yêu cầu Bắc Kinh tái lập ngoại giao với Toà Thánh. Cũng trong năm 2007, ngài cho phép dâng lễ theo nghi thức cũ của Công đồng Trentô mà không cần phải xin phép Giám mục địa phương như trước đây. Dư luận trách ngài là “đi giật lùi về quá khứ”, nhưng ngài giải thích rằng: ngài muốn giữ lại liên quan nội tại của lịch sử Giáo hội “chúng ta không thể nói mọi thứ trước đây là sai, bây giờ mới là đúng; là vì trong một cộng đồng vốn xem cầu nguyện và thánh lễ là điều gì thánh thiêng nhất, nên không thể có một cái gì trước đây là rất thánh mà nay lại hoàn toàn sai”[6]. Cuối năm 2007 ngài ban hành Thông điệp “Được Cứu Trong Hy Vọng”, trước một thế giới tục hóa, chỉ hy vọng vào những cái vật chất nhất thời, ngài nhắc cho thế giới biết rằng hy vọng ở vật chất không đủ, cần phải hy vọng ở cái gì vĩ đại vượt trên mọi hy vọng, đó là chính Thiên Chúa. Sang năm 2008 ngài khai mở Năm Thánh Phaolô để nêu lên cho mọi Kitô hữu gương sống dấn thân cho Tin Mừng, sống gắn bó với Đức Kitô như Thánh Phaolô nói “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Đến năm 2009 ngài giải vạ tuyệt thông cho 4 giám mục thuộc Huynh đoàn Piô X của Tổng Giám mục Pháp Lefèbvre. Bốn Giám mục này bị Đức Gioan Phaolô II ra vạ cho họ vì họ chống lại ưu quyền của Giám mục Rôma. Nhưng về sau các Giám mục này đã viết thư tái phục tùng Đức Giáo hoàng nên ngài đã tha vạ. Ngài dựa vào sự thật để tha vạ, để hòa giải; nhưng dư luận chưa hiểu rõ nên xảy ra chuyện lợi bất cập hại. Vì văn phòng báo chí Vatican đã thiếu sót trong việc giải thích vụ việc, nên dư luận báo chí mau mắn kết án là Đức Giáo hoàng phục hồi cho kẻ phủ nhận vụ diệt chủng Do thái. Bởi lẽ trong 4 giám mục có giám mục Williamson là người cho rằng không có các lò thiêu bằng hơi ngạt của Đức Quốc Xã. Nhưng khi biết được sự thật thì Vatican và Do thái đã hiểu nhau, Đức Bênêđictô đã coi Do thái là những người cha và anh em của mình và Tổng thống Do Thái Perès đã đón tiếp Đức Bênêđictô hết sức thân tình. Tháng 6 năm 2009, ngài khai mở Năm Linh Mục “trong thời điểm mà bí tích Truyền Chức bị vấy bẩn quá lẽ… với mục đích giúp con người tái nhận ra sứ mạng đẹp đẽ không thể nhầm lẫn và có một không hai này, dù phải trải qua mọi đau khổ, mọi kinh hoàng”[7]. Cũng trong năm 2009 ngài ban hành Thông điệp “Bác Ái Trong Chân Lý”, bàn tới khủng hoảng xã hội về tài chính và kinh tế, và nêu lên hai tiêu chuẩn để giải quyết là Công lý và Công ích. Cuối năm 2009 ngài lại ra Tông Hiến về việc Tín hữu Anh giáo muốn trở về Công giáo, ngài cho thành lập một Giáo phận đối nhân, tạo điều kiện cho tín hữu Anh giáo trở về đại kết với Giáo hội Công giáo. Sang năm 2010 ngài ban hành Tông Huấn “Lời Chúa” trình bày việc chú giải Lời Chúa và đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện. Đến cuối năm 2011 ngài ban hành Tự sắc “Cánh Cửa Đức Tin” có ý để loan báo tổ chức Năm Đức Tin bắt đầu từ 11-10-2012, để kỷ niệm 50 năm lễ khai mạc Công đồng Vatican II và 20 năm ban hành Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo. Và sẽ có một Thượng Hội Đồng Giám mục vào tháng 10 năm 2012 với chủ đề là “Tân Phúc Âm Hóa” nhằm giúp Kitô hữu trở về với Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài, khám phá lại Đức Tin để vừa làm chứng cho Đức Kitô cách mới mẻ, vừa chỉ cho mọi người tìm được cửa dẫn vào đức tin.
Tuy nhiên ngài không tránh khỏi những kẻ thù nghịch muốn ám hại ngài. Năm 2007 tại quảng trường Thánh Phêrô, một người đàn ông Đức định leo lên xe hơi của ngài nhưng đã bị chặn lại. Và lần khác khi ngài đang ra làm lễ, một phụ nữ mắc bệnh tâm thần lao vào nắm áo lễ làm ngài té ngã, nhưng ngài chỗi dậy và tiếp tục dâng lễ. Trên đây là tóm lược những sáng kiến liên tục nối tiếp nhau để góp phần giải phóng Tin Mừng và cập nhật Giáo hội về mọi mặt. Tiếp theo sẽ bàn đến việc đại kết, việc đối thoại với các tôn giáo, và đối thoại với thế giới.
– Việc Đại Kết là mối quan tâm hàng đầu của ngài. Ngài hướng về phía Giáo hội Chính thống là mục tiêu chiến lược của ngài, vì Công giáo và Chính thống có cùng một cơ cấu nền tảng nơi Giáo hội cổ xưa. Giáo hội ngày nay phải để cho gương sáng của ngàn năm đầu tiên hướng dẫn. Vì thế Thượng phụ Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Chính thống Hy lạp, Giám mục Tin lành Bayern, cả tín hữu Anh giáo cũng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận ưu quyền danh dự của Giáo hoàng Rôma. Tuy nhiên vẫn còn vô số những khác biệt về lịch sử và văn hóa, những vấn đề thuộc giáo lý và còn cần nhiều bước đi tới của con tim nữa. “Chỗ này Chúa còn phải giúp chúng ta nhiều, chứ chỉ sức con người thì không thể giải quyết được”[8]. Đối với vấn đề hiệp nhất Giáo hội ở Trung Quốc cũng đã có những tiến triển. Sau bức thư của Đức Giáo hoàng gửi tín hữu Trung Quốc, một số lớn Giám mục trước đây được phong chức không có phép Rôma, hiện đã công nhận ưu quyền của Giáo hoàng và vì thế đã bước vào cộng đoàn với Rôma. Đây là điều mà trước đây chẳng ai có thể tưởng tượng được. Chỉ có việc đối thoại với Tin lành là khó khăn, vì một số Giáo hội Tin lành đã bỏ đi nhiều yếu tố Kitô giáo truyền thống, lại có nhiều khác biệt nhau, như Tin lành Lutherô, Tin lành Cải cách, Tin lành Methodist, Tin lành Phục lâm… có phái đã truyền chức cho phụ nữ hoặc công nhận đồng tính sống chung… Riêng về Anh giáo thì Vatican mới có Tông hiến (2009) thành lập Giáo phận đối nhân dành cho các tín hữu Anh giáo muốn trở về Công giáo. Tất cả là nhờ Đức Bênêđictô đã luôn giải thích Công đồng Vatican II một cách đúng đắn, chống lại kiểu giải thích Công đồng như bẻ gãy sự tiếp nối của truyền thống Giáo hội, và nhờ ngài đối thoại với thái độ vừa hiền dịu vừa cương quyết.
– Về đối thoại với Hồi giáo, ngài đã vấp phải một khó khăn khi đụng chạm tới quan niệm bạo lực và lý trí của Hồi giáo, một số đã phản ứng mãnh liệt, nhưng một số tín hữu Hồi giáo cũng chống lại việc lạm dụng Hồi giáo vào chính trị, và đã bắt đầu một cuộc đối thoại với Công giáo, công nhận đức tin và lý trí, tự chúng là bất bạo động, cần tách rời tôn giáo khỏi quyền lực chính trị. Tuy nhiên bên Hồi giáo có nhiều phe phái có lập trường đối nghịch nhau, chẳng hạn phe Sunit chiếm đa số 90% và phe Siit là thiểu số, lại có một Hồi giáo “cao quý” và một Hồi giáo quá khích…Vì thế việc đối thoại với Hồi giáo phức tạp hơn rất nhiều, vì các nước Ả rập có sức mạnh tài chính lớn và căn tính Hồi giáo đang vững chắc hơn [9]
– Về các chuyền tông du, cho tới nay sau 7 năm, ngài đã thực hiện được khoảng 30 chuyến. Ngài can đảm đến với những quốc gia mà dư luận cho rằng ngài sẽ gặp khó khăn, ngay ở nước Đức quê hương ngài, người ta đã gọi ngài là “Hồng y thiết giáp”; ở Úc tình trạng an ninh đáng lo âu; ở Brazil giáo phái Tin lành đang lôi cuốn rất mạnh mẽ các Kitô hữu Công giáo; ở Mỹ có bóng mây mờ của cuộc lạm dụng tình dục; ở Pháp phong trào tục hóa và vô thần rất mạnh; ở Châu Phi có nạn dịch liệt kháng mà ngài đã mạnh dạn tuyên bố rằng không thể giải quyết được nếu chỉ dùng bao cao su… nhưng với lòng can đảm, khiêm tốn ngài đã loan báo Tin Mừng một cách thuyết phục và tươi vui dựa vào sự thật và truyền thống Giáo hội.
Tóm lại Đức Bênêđictô XVI là một nhà thần học, một cha sở, một thợ khiêm tốn trong vườn nho Chúa, luôn bảo vệ truyền thống và các giá trị Kitô giáo, ngài tự chọn là “Cộng Tác Viên vào việc Truyền Bá Chân Lý”(3Ga 8), giúp Kitô hữu hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu cũng như Giáo hội bằng một thái độ khiêm tốn và cương quyết; cho rằng Đức Bênêđictô chỉ là vị Giáo hoàng chuyển tiếp là một nhận xét quá giản lược. Ngài mới ở ngôi Giáo hoàng 7 năm mà tỏ ra ngài là một người dạy giáo lý tuyệt vời, luôn nhắm tới những gì là cốt lõi độc đáo của Kitô giáo, đang hướng dẫn Giáo hội đi vào chiều sâu tận nội tâm để giải phóng Tin Mừng. Chính ngài đã nói: “Giáo hội có thể trở thành hiện đại bằng cách không chạy theo lối sống hiện đại, lên tiếng chống lại trào lưu tư tưởng chung. Giáo hội mang sứ vụ ngôn sứ phản kháng và phải có can đảm đóng đúng vai trò của mình. Chính sự can đảm nói lên sức mạnh của Giáo hội cho dù lúc đầu nó có vẻ tác hại làm mất vẻ thân thiện của Giáo hội, đẩy Giáo hội đến chỗ cô lập. Tuy nhiên Giáo hội luôn tìm cách hành động tích cực để bảo vệ cái cốt yếu của mình. Giáo hội không được phép thu mình vào vai trò đối lập toàn diện, nhưng phải biết cân nhắc kỹ, ở đâu cần phản kháng, ở đâu cần tiếp tay, ở đâu cần tiếp sức và chung vai sát cánh, ở đâu phải nói có và ở đâu nói không”[10].
II. DÂN CHÚA CÓ THỂ GÓP PHẦN GÌ ĐỂ GIẢI PHÓNG TIN MỪNG
Sau khi lược tóm những công lao do năm vị Giáo hoàng của Công đồng Vatican II góp phần mở đường cho việc giải phóng Tin Mừng khỏi những cồng kềnh chồng chất từ quá khứ cũng như những cản trở do khuynh hướng tục hóa hiện đại; đến lượt chúng ta mọi thành phần khác của Dân Chúa cũng phải góp sức với các ngài để tiếp tục giải phóng Tin Mừng khỏi những rác rưởi đủ loại còn tồn tại nơi bản thân, nơi địa phương ta sinh sống, để mọi người có thể thấy được bộ mặt mới của Giáo hội. Mỗi vị Giáo hoàng có một bản lĩnh và những hoạt động riêng, ta sẽ dựa theo đó để xem mình có thể góp phần gì.
1. Đức Chân Phước Gioan XXIII
Là một mục tử nhân hậu, đơn sơ, khiêm tốn, ăn ở có tình có nghĩa, có lòng thương xót đặc biệt với người nghèo khó. Ngài quan niệm Giáo hội như Mẹ và Thầy đối với mọi người, ngài hết sức thông cảm với những âu lo của thế giới, nên quan tâm để cổ võ hòa bình hòa giải, trong lúc thế giới đang có chiến tranh lạnh và lo sợ xảy ra chiến tranh nguyên tử. Còn Kitô hữu hôm nay đang sống giữa một thế giới tuy không có chiến tranh lớn, nhưng vẫn còn chủ trương mạnh được yếu thua, muốn giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực, khủng bố…đối xử với nhau còn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, độc tài, thủ đoạn nhất là những người nắm quyền bính, đáng lý ra là để phục vụ công ích…nhưng chỉ lo củng cố quyền lực, địa vị, không theo lương tri, không phục thiện, chỉ muốn mọi người vâng phục hoàn toàn…Vì thế xã hội hôm nay đang cần đến những con người nhân hậu, biết cảm thông, biết ăn ở có tình có nghĩa như Đức Gioan XXIII. Sau 38 năm lãnh trách nhiệm ngoại giao của Vatican ở Bulgari, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp…ngài về Venise năm 1953, tuổi đã 72, để lo việc mục vụ thực sự. Ngài có thói quen đi bộ ghé thăm dân lao động chài lưới, dân bán hàng trên đường… ai ai cũng cảm nghiệm được nhân cách khiêm tốn, bao dung, phản ánh một tình thương thắm thiết nồng nàn; sau khi được gặp ngài ai cũng tỏ lòng kính yêu. Cha George Lodes, một linh mục của Tổng Giáo phận St Louis bên Mỹ, khi ở Rôma năm 1962, cha được vinh dự yết kiến Đức Gioan XXIII; có khoảng mười linh mục trong sảnh đường; và cha là người sau cùng chào mừng Đức Giáo hoàng. Mỗi linh mục tự giới thiệu công việc mình làm rồi quỳ xuống hôn nhẫn: Con là viện trưởng một đại học, con dạy ở học viện, con là tuyên úy bệnh viện, con là chưởng ấn giáo phận… Cuối cùng đến Cha George Lodes, cha cảm thấy mình thấp kém, so với các vị linh mục kia, cha lí nhí trong miệng : “Thưa Đức Thánh Cha con chỉ là một vị linh mục coi xứ”. Thế nhưng, trước sự rụng rời của cha, Đức Giáo hoàng bái gối trước mặt cha, hôn tay cha, rồi đứng dậy nói : “Đó là công việc cao trọng nhất của linh mục”. Tại sao có chuyện lạ như vậy: Đức Giáo hoàng đặc biệt kính trọng linh mục coi xứ. Bởi vì Đức Giáo hoàng là chủ chăn nhân hậu, là vị chăn chiên tốt lành, hiểu rõ chiên của mình, hiểu rằng linh mục coi xứ là người ở tuyến đầu của Giáo hội, trực tiếp va chạm hằng ngày với Dân Chúa, với thế gian trong tư cách là linh mục coi xứ, dính dáng vào rất nhiều cuộc đời khác nhau, làm đủ thứ việc; sẵn sàng phí thời giờ với Chúa trong kinh nguyện, mất thời giờ và bị quấy rầy vì những đòi hỏi của giáo dân, chăm sóc chiên béo lẫn chiên gầy, chiên ốm lẫn chiên lạc…Vì thế nhiều giám mục nói rằng hàng giáo sĩ giáo phận trước hết và trên hết phải là các linh mục coi xứ, và cũng là các linh mục nhân hậu, hiền lành, khiêm tốn, có tình có nghĩa với mọi người. Vậy đối với các Kitô hữu có trách nhiệm làm cha mẹ, làm thầy cô, làm thủ trưởng…thì sao? Có cần đến các đức tính kể trên không? Chắc chắn ai cũng thấy là cần. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, có được những đức tính trên quả là một thách đố lớn. Nhưng dù gì đi nữa Tin Mừng của Đức Giêsu đã nói rõ ràng là : cây nào trái ấy, muốn có trái tốt thì phải có cây tốt (xem Lc 6, 24)
2. Đức Phaolô VI.
Triều đại Đức Phaolô VI góp hai công lao rất lớn để giải phóng Tin Mừng là: thay thế mô hình Giáo hội kim tự tháp từ cổ xưa bằng hình ảnh Giáo hội là Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ, giống như những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là Đức Giêsu Kitô; công lao thứ hai là cải tổ nội bộ Giáo hội bằng cách quét sạch “virus” phong kiến xa hoa trong giáo triều. Vấn đề sống Giáo hội Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ đã và đang được Giáo hội học hỏi và đem áp dụng cho từng bậc sống trong Dân Chúa; còn vấn đề cải tổ nội bộ giáo triều cũng đã được Đức Phaolô VI thực hiện ngay. Ngài đã phải suy nghĩ và can đảm quyết định:
– Không đội mũ ba tầng của Giáo hoàng để đăng quang nhưng gửi bán đấu giá lấy tiền giúp người nghèo;
– Các Hồng y và Giám mục không mặc áo choàng có đuôi dài 5 thước để dự lễ trọng nữa;
– Các Hồng y và Tổng Giám mục ở Vatican không dùng xe hơi Mercedes mà chỉ dùng xe FIAT 125;
– Các Giám mục phải đệ đơn từ chức khi đủ 75 tuổi;
– Bổ nhiệm thêm nhiều Hồng y vào Vatican không phải là người Ý để quốc tế hóa hay công giáo hóa Giáo hội…Những quyết định trên đụng chạm đến địa vị và quyền lợi vốn đã có từ cả chục thế kỷ trước, nó cũng liên quan cả đến vấn đề nhà cửa, đồ dùng, tiện nghi. Nhất là ngày nay với xu hướng tục hóa, tự do hưởng thụ của thời hiện đại, nhiều người thừa tiền sẵn sàng tiêu xài một cách vô tội vạ.
Tôi liên tưởng đến một sự kiện hiển nhiên cách đây khoảng chục năm. Tôi đi công tác ở Đại Chủng viện Huế, được cha quản lý và một số cha giáo đưa đi thăm “Thành phố ma” mà tôi đã có dịp xem trong báo “Tuổi Trẻ Cuối Tuần”. Đó là một “thành phố” nằm dọc theo dải cát ven biển của phá Tam Giang. Hai bên một con đường nhỏ xe hơi chạy thì nhà cửa lụp xụp của dân lao động chài lưới, nhưng bên ngoài dãy nhà phía bãi cát ra tới biển là các thứ lăng mộ, nhà thờ tổ tiên, cao thấp to nhỏ lẫn lộn nối đuôi nhau cả cây số, được xây cất trang trí công phu như một thành phố. Độc giả chỉ cần mở Google, đánh: “Thành phố ma ở Huế”là được thấy hình màu cận cảnh cũng như toàn cảnh của thành phố ma mới chụp năm 2011. Khi xe đến giáo xứ An Bằng, xứ của cha Lê văn Nghiêm, học Đại Chủng viện Xuân Bích, ngài rất vui mừng đón tiếp chúng tôi và giới thiệu mình tên là Nghiêm nhưng không nghiêm. Ngài cho biết trước đây dân chúng làm nghề chài lưới, dải cát từ đường ra biển được dùng làm nghĩa địa chôn mồ mả từ xưa đến giờ chỉ thấp lè tè. Sau năm 1975, nhiều thuyền đánh cá vượt biên sang Mỹ làm ăn rất thành công. Khoảng gần năm 2000, họ được trở về quê thăm mồ mả và sửa sang lại để làm lễ giỗ. Họ đua nhau mướn thợ xây cất mồ mả đẹp, lớn, cao và trang trí rồng phượng rất tỉ mỉ công phu. Cha xứ chỉ cho tôi mấy cái lăng mộ cao hơn hai chục thước, có hình nóc vòm giống như đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, chi phí cỡ 15 tỷ đồng Việt Nam…Hàng năm họ về làm đám giỗ, mướn ban nhạc nổi tiếng trong nước và đãi tiệc rất linh đình. Giáo dân ở đây chỉ là thiểu số, tôi chỉ thấy bóng ít mộ có thánh giá ở trên nóc. Tuy nhiên cũng có ít đại gia Công giáo trong xứ giúp đỡ cha xứ để có ngôi nhà thờ xây kiên cố, có tháp chuông, ngôi nhà xứ khang trang có tầng lầu, có nhà sinh hoạt giáo lý và nhiều nhà phụ khác đủ tiện nghi. Nhưng ngài gặp khó khăn là các đại gia giành nhau xin sửa cung thánh, đổi bàn thờ, thay tượng ảnh đẹp và nghệ thuật hơn theo ý họ, họ bao hết từ A đến Z…Ngài phải khéo léo vất vả năn nỉ lắm mới từ chối được…
Rồi mới đây, một sự kiện hiển nhiên khác là đầu năm 2012, một giáo xứ ở Sàigòn mới góp công góp của để đại trùng tu nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý…với tháp chuông cao kiểu hiện đại. Được ít năm, có đại gia đến đề nghị cha xứ cho xây lại toàn bộ mới, lớn hơn, gọn hơn…Cha xứ thấy mới sửa xong còn tốt đẹp, nay phá đi xây lại thì không đành, công lao đóng góp của bao nhiêu người, giáo dân, ân nhân…nên ngài khéo léo từ chối. Sau đó cha xứ được đổi đi nơi khác. Cha xứ mới về được hai năm, đại gia lại đến xin xây lại mới theo mô hình Nhà thờ Chánh tòa Sàigòn, nhưng có tầng hầm ở dưới, đại gia bao hết tứ A đến Z, chi phí khoảng 30 tỷ. Cha xứ mới rất mừng vì cơ hội đến tay, liền nhận lời và xin cấp trên đến đặt viên đá đầu tiên vào năm 2012, sau vài tháng đã phá bình địa và đang khởi công.Tôi đem câu chuyện kể lại cho mấy cha trong Nhà Hưu nghe, có cha mừng cho cha xứ “tốt số” có quí nhân giúp đỡ làm sáng danh Chúa mà không vất vả đi xin tiền hay tốn công; có cha khác nói rằng nhà thờ nhà xứ…mới đại tu mà đã phá đi xây lại thì thật uổng phí công lao của giáo dân và cha xứ cũ; giá dùng tiền đó có thể giúp xây được vài chục nhà nguyện cho các họ nhỏ ở xa xôi vùng Tây nguyên hay vùng đồng ruộng heo hút thì tuyệt vời biết mấy…Xin để độc giả suy nghĩ.
Còn một sự kiện hiển nhiên nữa đang nổi lên từ mấy năm nay, rất đáng quan tâm, mà báo chí và trên mạng có đăng: những đại gia tổ chức đám cưới bạc tỷ, hoặc ăn điểm tâm bát phở bò Kobe của Nhật giá 850.000 đồng. Độc giả chỉ cần mở Google và đánh: “đại gia xài tiền”, hoặc “bát phở giá 850 ngàn đồng”, là có đầy đủ chi tiết và bình luận; Google nói: đám cưới bạc tỉ sỉ nhục người nghèo, nhưng người khác lại nói: tôi có bạc tỉ tôi xài, đâu có sỉ nhục ai…Ở đây tôi muốn nêu sự kiện này lên vì trộm nghĩ rằng cứ đà này mà tiến thì sắp tới có thể có những đại gia có lòng tốt sẵn sàng tổ chức lễ phong chức, lễ vinh quy, khấn dòng, lễ ngọc khánh, kim khánh, ngân khánh…cho bà con thân nhân thật long trọng linh đình và độc đáo chưa từng thấy, hoặc có thể bao cho thân nhân bà con đi du lịch hay thư giãn ở những khách sạn năm sao hoặc siêu sao…Về vấn đề xài tiền, Kitô hữu chúng ta đã có Lời Chúa chỉ dạy trong Tin Mừng, đã có gương mẫu của Đức Phaolô VI đi trước, giúp chúng ta có thái độ thích hợp trong lãnh vực y phục, lễ phục, xe cộ, du lịch, nghỉ hè, tiện nghi hiện đại, xài tiền bạc…hay ít ra cũng suy gẫm câu kết luận của Google là : làm ra tiền đã khó, tiêu thế nào cho có văn hóa và đóng góp hảo tâm gây hiệu ứng xã hội một cách tốt đẹp cho tương lai còn khó hơn nhiều.
3. Đức Gioan Phaolô I
Ngài chỉ làm Giáo hoàng vỏn vẹn 33 ngày nhưng đã để lại một nét đặc biệt là ngài thường mỉm cười, nên dân chúng gọi ngài là “Giáo hoàng mỉm cười”. Ngài mỉm cười cốt là để khuyến khích và nâng cao giá trị của người đối thoại với mình. Thường khi bạn mỉm cười với người nào, chín trên mười lần người ấy sẽ mỉm cười lại và bạn đã làm cho những ngày sống của hai người nên sáng tươi tốt đẹp hơn. Nụ cười là hệ thống chiếu sáng của gương mặt và là hệ thống sưởi ấm của con tim. Như thế nụ cười đáng giá hơn ngàn lời nói, và nụ cười là ngôn ngữ của tình yêu. Nhưng tiếc thay, trong thế giới và xã hội hiện đại, nhiều khi lại thiếu vắng nụ cười. Kitô hữu là những người có sứ vụ loan báo Tin Mừng, là một Tin Vui; chúng ta rất cần học bài học của Đức Gioan Phaolô I. Hàng tuần nghe đài Veritas, tôi
thấy có bài hát về khóc và cười. Bài hát như sau:
Con hỏi mẹ:
Mẹ ơi khi sinh ra, sao em bé không cười mà lại khóc ?
Mẹ ơi khi sinh ra, sao em bé cứ khóc mà không Cười ?
Mẹ trả lời:
Con ơi, con không biết sao?
Khi sinh ra ai ai cũng phải khóc.
Nhưng muốn cười thì phải học, con ơi.
Muốn cười thì phải học, học cho thấm nhuần ý nghĩa và giá trị của nụ cười. không học cười ta có thể chỉ quen cười theo thói “gì cũng cười” hoặc cười vô duyên vô ý thức, như thế nụ cười không thể trở thành ngôn ngữ và đại sứ của tình yêu được.
Nhà văn nổi tiếng Saint-Exupéry từng là phi công người Pháp tham gia chống phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến. Ông được coi là một nghệ sĩ của tình nhân loại. Chính từ những năm tháng này ông đã viết ra tác phẩm “Nụ Cười”. Trong truyện, Saint-Exupéry là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt, và ông biết nay mai có thể bị xử bắn như nhiều người khác. Ông viết: “Tôi trở nên người quẩn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chắn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi: “xin lỗi, anh có lửa không?”. Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu vì sao lại làm như thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mặt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người. Anh ta hỏi tôi: “anh có con chứ?”. Tôi đáp: “Có” và lôi từ trong ví ra hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con, và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng thả tôi tự do rồi quay trở về.
Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu thoát chỉ nhờ một nụ cười…
4. Đức Chân Phước Gioan Phaolô II
Triều Giáo hoàng của ngài là một trong ba giáo triều lâu nhất (26 năm), ngài đã thực hiện được rất nhiều công việc đặc biệt, để giải phóng Tin Mừng: từ những hoạt động mục vụ (gặp gỡ dân chúng, phong thánh, cải tổ và bổ nhiệm chức vụ trong giáo triều) đến các cuộc tông du trong Rôma và ngoài thế giới, rồi những tác phẩm và giáo huấn về mọi vấn đề, việc đối thoại đại kết và với các tôn giáo khác… ngài có sức khỏe thật nhưng từ khi bị thương nặng, tuy được chữa khỏi, nhưng hậu quả còn ảnh hưởng suốt đời. Kitô hữu khó mà bắt chước những công việc ngài đã làm, nhưng ngài đã kín múc năng lượng ở đâu để chu toàn ngần ấy công việc? Chính ngài đã chia sẻ và khuyến khích ta là: dành nhiều thời gian thờ phượng trước Bí tích Thánh Thể và sống tận hiến cho Đức Maria.
Trong Thông điệp “Giáo Hội từ Thánh Thể” ngài đã chia sẻ kinh nghiệm quí báu của ngài là: “để thấu hiểu, cảm nghiệm, cảm mến, và để sống được những gì mà Thiên Chúa làm cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, cần phải dành nhiều thời gian thờ phượng trước Bí tích Cực Thánh; đó là kinh nghiệm hàng ngày của bản thân tôi, nhờ đó tôi kín múc được sức mạnh, nguồn an ủi và nâng đỡ” (số 25).
– Và đây là một chứng từ. Khi được Đức Piô XII đề cử ngài làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Krakow, ngài cho Đức Hồng y Wyszinski biết là ngài chấp nhận, rồi trên đường về, ngài vào một tu viện, hỏi nữ tu coi cửa cho biết nhà nguyện, rồi lẳng lặng bước nhanh tới trước bàn thờ, ném mình quỳ gập xuống. Một giờ, hai giờ, rồi ba giờ trôi qua. Các nữ tu lần lượt bước vào nhà nguyện quan sát rồi lặng lẽ bước ra. Đến giờ cơm tối, các nữ tu phát hiện vị linh mục chính là giáo sư Karol Wojtyla, và quyết định mời dùng bữa, nhưng cha từ chối và tiếp tục ở lại nhà nguyện. Sơ bề trên bước vào thấy cha vùi mặt vào hai bàn tay dường như đang chìm sâu vào một cuộc đối thoại trong thinh lặng với Thiên Chúa. Và như thế cha đã cầu nguyện trong suốt 8 tiếng đồng hồ liên tiếp rồi mới rời tu viện.
– Về sau, khi đã làm Giáo hoàng, đức Tổng Giám mục Kabongo, thư ký riêng của ngài có kể lại rằng: một lần khoảng 3 giờ sáng, Đức Hồng y Quốc vụ khanh gọi điện thoại đến văn phòng báo cho Đức Giáo hoàng biết về một tình hình khẩn trương trên thế giới. Đức Kabongo điện thoại vào phòng ngủ Đức Giáo hoàng, không ai trả lời. Lo lắng, ngài đích thân đến phòng ngủ gõ cửa và đi vào không thấy Đức Giáo hoàng. Ngài liền qua nhà nguyện cũng không thấy. Ngài vào bếp, phòng ăn, thư viện riêng vẫn không thấy. Ngài lên khu vườn trên sân thượng chỗ đi dạo cũng không có nốt. Ngài trở lại và lần này nhìn kỹ hơn, ngài thấy trong nhà nguyện Đức Giáo hoàng đang phủ phục sát đất để cầu nguyện…
– Còn đối với Đức Maria, từ tuổi thanh xuân ngài đã biết tác phẩm “Sự thành thực sùng kính Đức Maria” của Cha Louis Maria Grigrion de Mongfort và ngài đã tận hiến cho Đức Mẹ vì hiểu rằng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa là giúp hướng về Đức Kitô và bám rễ sâu xa trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như mầu nhiệm Nhập thể Cứu độ. Cho nên khi làm Giáo hoàng ngài lấy khẩu hiệu là: “Con hoàn toàn thuộc về Mẹ” (Totus tuus sum ego). Khi bị bắn trọng thương ở quảng trường thánh Phêrô hôm 13.05.1981, cha thư ký kể lại: lúc chở ngài đi cấp cứu ngài luôn nhắc lại: “Maria Mẹ của con, Maria Mẹ của con, cặp mắt nhắm nghiền”. Sau khi biết thoát chết, ngài nói: “một người nổ súng và một người khác lại hướng dẫn đường đạn đi”. Năm sau 1892, ngài đi hành hương Fatima để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu sống. Đến năm 1992 ngài lại phải vào bệnh viện để mổ khối u trong ruột, ngài xin đám đông cầu nguyện cho ngài và nhắc lại: “đối với Đức Mẹ Đồng trinh, con hoàn toàn thuộc về Mẹ, với lòng tin tuyệt đối dưới sự che chở của người”.
Cuộc đời của ngài gắn bó với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, và hoàn toàn thuộc về Mẹ Maria. Ngài làm việc 17 giờ một ngày và dành 7 giờ cho việc dâng lễ, cầu nguyện và suy gẫm. Ngài để lại cho Dân Chúa một gương mẫu quí giá tuyệt vời, đó là khám phá và cầu nguyện trên hai đầu gối hoặc phủ phục trong chiêm ngưỡng và tôn thờ trước Bí tích Thành Thể, để kín múc lấy sức mạnh, nguồn an ủi và nâng đỡ. Kitô hữu đang lữ hành trên đường gió bụi, mỗi người một hoàn cảnh, một trách nhiệm, lúc vào đời, lúc phấn đấu, khi bệnh tật, khi già yếu… chúng ta không thể làm được nhiều việc ngài đã làm, nhưng có một việc ai cũng có thể bắt chước ngài là kín múc sức mạnh nơi Bí tích Thánh Thể. Trong giáo phận ta, nhiều nhà thờ đã xây thêm phòng Chầu Thánh Thể để mỗi người có thể đến gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu và lòng Thương Xót của Người, ta hãy đến để được Người bổ sức hầu có thể trở thành “tấm bánh được bẻ ra cho anh chị em mình”[11].
5. Đức Bênêdictô XVI
Ngài là một giáo sư thần học ở nhiều đại học, được chọn làm chuyên viên thần học chính thức của Công đồng Vatican II. Khi lên làm Tổng Giám mục và nhận tước hiệu Hồng y ngài chọn khẩu hiệu “Cộng Tác Viên vào việc Truyền Bá Chân Lý” (3Ga 8). Năm 1981 được Đức Gioan Phaolô II đề cử làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Xem như thế, mối quan tâm chính yếu của bản thân ngài cũng như dư luận bên ngoài đều nhận thấy ngài là người bảo vệ truyền thống Giáo hội và bảo vệ chân lý đức tin. Trước một thế giới hiện đại có xu hướng tự do và thực dụng, coi nhẹ chân lý và chủ trương tương đối hóa, ngài là người rất cần thiết cho Giáo hội, để giải phóng Tin Mừng khỏi những thêm thắt lệch lạc cũng như những phiêu lưu xa rời giáo lý truyền thống. Ngài đã tiếp tục đổi mới những gì chưa được cập nhật, không còn phù hợp chân lý, và đã nêu gương cho Dân Chúa về vai trò của một ngôn sứ, đó là phải tố giác (bá cáo cho người có trách nhiệm biết những gì là xấu xa tội ác chẳng hạn những thảm họa bất công, lạm dụng tình dục, bạo lực đối với trẻ em hoặc người nghèo, hủy hoại môi trường …) và đồng thời loan báo (báo tin rộng rãi cho mọi người) bằng lời nói hay việc làm những gì là lẽ phải, là lương thiện, là chân lý Tin Mừng.
Trước một thế giới và xã hội đảo điên ngày nay, đầy dãy những học giả, bằng giả, hàng giả …Kitô hữu noi gương Đức Bênêđictô, thực thi vai trò ngôn sứ của mình, sẵn sàng vừa tố giác vừa loan báo; mỗi Kitô hữu phải là công tác viên của chân lý, làm chứng cho sự thật. Ngài có nêu lên câu hỏi:”Giáo hội phải làm gì để vừa cởi mở, vừa để khỏi bị xơ cứng như trong dĩ vãng? Giáo hội phải đồng hành với thế giới hiện đại đến mức nào?; đâu là điểm Giáo hội cần tỏ ra can trường để là một ngôn sứ đối lập ?”. Và chính ngài tiếp tục đặt câu hỏi :”Giáo hội là ai hay Giáo hội là gì?”. Và trả lời ngay là :”Dĩ nhiên tất cả những ai có tiếng nói nhân danh Giáo hội, tức là giáo quyền ở mọi cấp, đều phải có can đảm phản kháng”. Nhưng lúc này không nên bỏ qua câu nói:“Chúng tôi là Giáo hội”, trong ý nghĩa đích thực của nó. Không phải chỉ những ai có chức vụ, chỉ giáo quyền mới là Giáo hội. Câu nói trên chỉ hữu hiệu, đáng tin cho thế giới và trở thành câu nói đưa đến hành động, khi nó không chỉ là lời giảng suông, không chỉ xuất hiện trong những văn kiện của Rôma hay trong Thư Mục vụ, nhưng khi lời nói của người giảng dạy là tiếng nói chung của Giáo hội sống động. Vì thế, những lời này không nên chỉ do lệnh từ trên ban xuống, nhưng Kitô hữu phải cùng nhau học biết chính họ là lực lượng phản kháng trong nhiều trường hợp. Theo tôi đó là điểm rất quan trọng”[12]. Như vậy Kitô hữu cần đề phòng chạy theo xu hướng vô cảm, giả điếc làm ngơ, sống chết mặc bay. Và Đức Bênêdictô có suy nghĩ rằng :”Im lặng không phải là bổn phận hàng đầu của người công dân, và riêng tôi, tôi khiếp sợ cảnh một giám mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột. Theo tôi, mũ ni che tai là lối lãnh đạo tồi nhất”[13]. Đó là Đức Giáo hoàng nhắc tới các giám mục, còn đối với các linh mục đã có lạm dụng tình dục thì ký giả Peter Seewald nói với ngài rằng: “người ta phải sửng sốt tự hỏi tại sao những lạm dụng lại được gây ra bởi chính những người hàng ngày đọc Tin Mừng, dâng Thánh lễ, làm các Bí tích?”. Còn ngài cũng muốn hỏi: “Họ nghĩ gì khi mỗi sáng bước lên bàn thờ và dâng Thánh lễ? Họ có đi xưng tội không? Họ đã nói gì trong tòa cáo giải? Đâu là những hệ quả của việc xưng tội đối với họ? Lẽ ra việc xưng tội phải là một dụng cụ lớn, lôi kéo họ ra khỏi vũng lầy và bắt họ phải đổi mới… Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của việc tương trợ và quan tâm đến nhau giữa hàng linh mục; cho thấy tầm quan trọng của trách nhiệm giám mục trong việc chăm sóc và thúc đẩy sự tương trợ đó; cho thấy tầm quan trọng trong việc kêu cầu các giáo dân hãy đồng hành với các linh mục …Các giáo dân nhận ra mặt yếu của linh mục và tự nhân trách nhiệm giúp các linh mục trong những yếu đuối đó”[14]. Chúng tôi là Giáo hội, và “Giáo hội có sứ mạng ngôn sứ phản kháng và phải có can đảm đóng đúng vai trò mình”[15].
ĐỂ KẾT
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, chúng ta có dịp hiểu biết những sự kiện hiển nhiên đang xảy ra trong Giáo hội, có dịp tìm lại bản sắc tinh túy của Tin Mừng, và đối chiếu với thực trạng Giáo hội ngày nay, để nhận ra những rác rưởi, những lỗi thời, những trì trệ, giúp chúng ta đồng cảm với Giáo hội, và tham gia cộng tác tích cực với Giáo hội để giải phóng Tin Mừng. Các Đức Giáo Hoàng của Công đồng là những ngôn sứ đã can đảm mở đường, tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, xuất phát lại từ chính Ngài bằng gắn bó với Ngài trong Bí tích Thánh thể, trong Thánh lễ và các Bí tích, bằng chiêm niệm Lời Chúa trong cầu nguyện hàng ngày để có sức thiêng mà luôn sống nhân hậu, hiền lành, khó nghèo, không sợ chết, không sợ khổ, không an phận, luôn mỉm cười. Bây giờ không còn là thời mà giáo dân thụ động, “dành” cho các Đấng các Bậc lo truyền giáo, lo xây dựng Giáo hội. Công đồng Vatican II đã khai tử mô hình Giáo hội kim tự tháp rồi, Dân Chúa cần ý thức vị trí căn tính của mình trong Giáo hội để cùng với hàng giáo phẩm thi hành nhiệm vụ ngôn sứ cho thế giới. Tình yêu Chúa Giêsu Kitô đã mời gọi chúng ta bước vào Năm Thánh 2010 để đổi mới Giáo hội tại Việt Nam, ước mong Kitô hữu Việt Nam luôn duy trì được nhiệt tình như những Kitô hữu tiên khởi của Giáo hội, luôn cậy dựa vào quyền lực của cùng một Thần Khí đã đổ xuống trong Lễ Ngũ Tuần, để lại lên đường lần nữa bước vào Năm Đức Tin, thực hiện việc tái truyền giảng Tin Mừng, Tân Truyền giáo hay Tân Phúc Âm hóa cho một thế giới hiện đại đang chủ trương tục hóa.
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu Dưỡng Cần Thơ
Tài liệu tham khảo :
1. Để Giải Phóng Tin Mừng, Paul Tihon, Cerf, 2011
2. Muối Cho Đời, Peter Seewald, Phương Đông, 2000
3. Ánh Sáng Thế Gian, Peter Seewald, Tôn giáo, 2011
4. Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, Phêrô Nguyễn thanh Tùng, nhà xuất bản Tôn giáo, 2011
[2] xem Muối Cho Đời, trang 10
[3] xem Muối Cho Đời, trang 82
[4] xem Muối Cho Đời, trang 84
[5] xem Muối Cho Đời trang 115
[6] xem Ánh Sáng Thế Gian trang 141
[7] xem Ánh Sáng Thế Gian, trang 106
[8] xem Ánh Sáng Thế Gian, trang 122, 123
[10] xem Muối Cho Đời, trang 240
[11] xem Sứ điệp Thánh Thể và Truyền Giáo
[12] xem Muối Cho Đời trang 274
[13] xem Muối Cho Đời trang 82