CỬ HÀNH THÁNH THỂ: BÀI 33 – TƯỜNG THUẬT THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Sau kinh Khẩn nài Chúa Thánh Thần (Epiclesis), tư tế bắt đầu phần Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể.

Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

 

BÀI 33: TƯỜNG THUẬT THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ

I/ NGHI THỨC

Sau kinh Khẩn nài Chúa Thánh Thần (Epiclesis), tư tế bắt đầu phần Tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể. Ngài đọc: Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN: VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY, SẼ BỊ NỘP VÌ CÁC CON” (Kinh nguyện Thánh Thể II). Linh mục cầm bánh đã truyền phép, nâng lên cho cộng đoàn thấy, đặt lại trên đĩa thánh và cúi mình sâu thờ lạy, rồi ngài đọc tiếp: Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói: TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG: VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI CÁC CON HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ NHỚ ĐẾN THẦY” (Kinh nguyện Thánh Thể II).

II/ LICH SỬ – Ý NGHĨA

Lời tường thuật thiết lập bí tích Thánh thể và việc hiến thánh là tâm điểm, là hồi quan trọng nhất của Thánh lễ nói chung và của Kinh nguyện Thánh Thể nói riêng. Phần trung tâm này có nhiều điểm giống nhau trong mọi gia đình phụng vụ. Tuy nhiên, cần lưu ý 2 điểm. (1) Thứ nhất, đây không phải là một bản tường thuật hay là một bản công bố cho bằng là một lời kinh đang được dâng lên Chúa Cha; (2) Thứ hai, lời nguyện này tưởng nhớ biến cố cứu độ trong mầu nhiệm vượt qua, nhắc chúng ta nhớ lại những gì đã xảy ra cho Đức Giêsu trước khi Ngài ra đi chịu chết (x. QCSL 79d).[1]

Nguồn gốc của Trình thuật thiết lập bí tích Thánh Thể là từ phụng vụ Do Thái, trước hết là bản văn Đnl 8,10. Sau này, Trình thuật thiết lập được Kitô giáo hóa: ngoài bản văn Đnl vừa nêu, Trình thuật thiết lập đưa thêm vào một số bản văn khác nữa (chẳng hạn: Ml 1,11; Is 6,3; 1Cr 11,26) và nhất là tổng hợp Trình thuật thiết lập trong Bữa tiệc cuối cùng từ cả 4 bản văn của Tân Ước (x. Mt 26, 26-28; Mc 14, 22-24; Lc 22, 19-20; 1Cr 11, 23-26).[2]

Bản trình thuật này, ngoài những lời chúng ta quen gọi là truyền phép, mà đúng ra là lời hiến thánh (consecratio)trong phụng vụ Rôma cũng như các nghi điển phụng vụ khác, người ta không lấy lại đúng nguyên văn những lời đã được ghi trong 4 bản văn Thánh Kinh (x. Mt 26, 26-28; Mc 14, 22-24; Lc 22, 19-20; 1Cr 11, 23-26), tức là có một sự khác nhau giữa truyền thống phụng vụ và truyền thống Thánh Kinh. Có hai lý do ở đây. (1) Thứ nhất, lời trong phụng vụ có trước bản văn Tân Ước, vì thế khi các thánh sử ghi lại thánh lễ trong cộng đoàn mình thì chúng ta có các bài tường trình khác nhau. (2) Thứ hai, phụng vụ luôn chú trọng tới vẻ đẹp trong khi Phúc Âm chỉ đơn giản muốn mô tả hành động của Chúa Giêsu và trao gởi một sứ điệp. Chẳng hạn, bản văn Tin Mừng viết: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.”(Mt 26,26), nhưng bản văn của phụng vụ Coptic lại ghi: “Người cầm lấy bánh trong tay ban sự sống, tay ân phúc, thanh sạch và thánh thiện  mà trao cho các tông đồ dấu yêu của Ngài.”[3]hay như bản văn của Lễ quy Rôma hiện nay: “Hôm trước ngày chịu khổ hình,  Người cầm bánh trong tay thánh thiện, khả kính, ngước mắt lên trời, hướng về Chúa là Cha toàn năng của Người, tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì Này là Mình Thầy….”

Như vậy, bản văn phụng vụ chỉ không bỏ sót 4 động từ căn bản trong bản văn Tân Ước là: “tạ ơn – bẻ ra – trao cho – nói” (gratias agens, fregit, dedit, dicens). Còn ngoài ra, mỗi Kinh nguyện Thánh Thể đều có một ít lời thêm bớt, thay đổi. Những lời này, một là lấy từ những nơi khác của cuốn Thánh Kinh, chẳng hạn, Lễ quy Rôma thêm những lời: ngước mắt lên trời (lấy từ Mt 14,19, Mc 6,41; Lc 9,16) [không nhằm nói đến một hành vi phụng vụ mà còn muốn diện tả ý định vâng phục Chúa Cha][4] hay chén quí trọng (lấy từ Tv 22,5); hai là sử dụng những lời chú giải thần học, như: Tối hôm trước ngày chịu khổ hình; hoặc những lời bày tỏ tâm tình kính cẩn, cảm mến, như: trong tay thánh thiện, khả kính. v.v.[5]

Trong những bài tường thuật do 4 bản văn Kinh Thánh ghi lại, chúng ta cũng thấy có hai truyền thống khác biệt, đó là truyền thống Luca-Phaolô (truyền thống của Hội Thánh ở Antiôkia) và truyền thống Matthêu-Mátcô (truyền thống của Hội Thánh ở Palestin/Giêrusalem). Mỗi Kinh nguyện Thánh Thể theo một truyền thống, vì thế cũng có những điểm khác nhau.[6] Tuy nhiên, vì lý do mục vụ mà cả bốn Kinh nguyện Thánh Thể hiện nay của Sách lễ Rôma đều có lời truyền phép như nhau: Hội Thánh muốn duy trì một công thức giống nhau khi truyền phép.[7]

Lời đọc trên bánh là: “TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN: VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY SẼ BỊ NỘP VÌ CÁC CON”. Cụm từ “sẽ bị nộp vì các con” được lấy từ Lc 22,19 và 1Cr 11,24 vốn có trong hầu hết các Anaphora nhưng mới được thêm vào sau Công đồng Vaticanô II nhằm quy chiếu đến mầu nhiệm vượt qua và nhấn mạnh tính cách hy tế của Thánh Thể.[8] Lời đọc trên rượu là: “NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI. CÁC CON HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ NHỚ ĐẾN THẦY”. Những lời này cho chúng ta biết vài điều: (1) Thứ nhất, gợi lên hành động bôi máu của các tư tế lên các góc cong của bàn thờ dâng hương trong Lều Hội ngộ cũng như việc tư tế đổ số máu còn lại xuống chân bàn thờ dâng lễ toàn thiêu đặt ở cửa Lều Hội Ngộ (x. Lv 4,7. 18. 25.30.34); (2) Thứ hai, câu “Máu giao ước mới và vĩnh cửu” âm vang những lời của Môsê khi cử hành nghi lễ toàn thiêu trên núi Sinai nhằm đóng ấn Giao ước Thiên Chúa thiết lập với dân Itraen làm dân Người tuyển chọn (x. Xh 24,1-17); (3) Thứ ba, hướng tới và tưởng niệm cuộc đổ máu của Chúa Giêsu trên thập giá nhằm phản ánh chiều kích hy tế của bí tích Thánh Thể  và hy lễ xá tội của Thánh lễ với giá trị phổ quát cho toàn thể nhân loại (x. GLCG 1365).[9] Khi linh mục lặp lại chính những lời của Chúa Giêsu “NÀY LÀ MÌNH THẦY” và “NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY”, thì Thánh lễ và Bữa tối sau cùng của Chúa Giêsu trở nên đồng thời và được đồng hóa với nhau, nghĩa là chồng lên nhau hoàn toàn.[10]

Sự biến đổi bánh và rượu trong Thánh lễ thành Mình và Máu của Đức Kitô Giêsu bởi những lời hiến thánh trên bánh và rượu hay nói chính xác hơn bởi toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể là một huyền nhiệm. Theo cách hiểu của thời hậu Trung cổ, huyền nhiệm diễn ra lúc này giống như một cuộc hiển linh mới của Đức Kitô Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người.[11] Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã một phần hé mở cánh cửa để chúng ta có thể hiểu biết một chút về mầu nhiệm này qua những lời quyền năng của Chúa Cha khi tạo dựng vũ trụ (x. St 1,3.6), và qua những lời quyền năng của Chúa Giêsu khi chữa lành bệnh nhân hoặc cho kẻ chết trỗi dậy (x. Mt 9,6-7; Mc 5,41-42).[12]

Tuy nhiên, sự biến đổi không chỉ dừng lại ở chỗ biến đổi bánh và rượu trong Thánh lễ thành Mình và Máu Chúa Kitô mà còn biến đổi chính chúng ta nữa hầu “nên giống cũng một hình ảnh của Chúa, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, do tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,18).[13]

Trong các bài tường thuật, chúng ta thường thấy những câu: Người cầm lấy bánh, tạ ơn” (Kinh nguyện Thánh Thể II), Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng” (Kinh nguyện Thánh Thể IV). Như đã nói ở trên, trong Tin Mừng, hoặc trong thư của thánh Phaolô, khi kể lại phép lạ hóa bánh ra nhiều cũng như khi thuật lại biến cố Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể trong Bữa tối cuối cùng, các tác giả đã dùng hai từ Hy ngữ để diễn tả, đó là tạ ơn và chúc tụng và có thể coi chúng đồng nghĩa với nhau. Trong 4 Kinh nguyện Thánh Thể hiện nay, Kinh nguyện Thánh Thể I dùng từ chúc tụng; Kinh nguyện Thánh Thể II dùng từ tạ ơn; Kinh nguyện Thánh Thể III dùng cả hai: dâng lời chúc tụng tạ ơn; Kinh nguyện Thánh Thể IV, một lần dùng từ chúc tụng, một lần dùng từ tạ ơn.[14]

Chúng ta có thể nói rằng, khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể, đặc biệt là những lời thánh hiến bánh và rượu, Hội Thánh dùng thể văn diễn tả trực tiếp để cho thấy chính Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng trên bánh và rượu. Nói cách khác, Hội Thánh tin rằng chính Chúa Kitô đang cử hành qua thừa tác vụ của Hội Thánh. Vì thế, đây là một tác động thần linh và là công việc của chính Chúa. Còn Hội Thánh chỉ được ủy thác để thi hành những gì Đức Kitô đã làm theo lệnh truyền của Ngài.[15] Chính những lời chúc tụng này nâng bánh rượu lên tới Chúa, vì trong Kinh Thánh, chúc tụng cũng có nghĩa là hướng về Chúa. Và đó cũng chính là ý nghĩa của từ oblatio của La ngữ và từ anaphora của Hy ngữ.[16]

Câu “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là lệnh truyền của Chúa Giêsu mong ước các môn đệ và Hội Thánh tiếp tục làm cho mầu nhiệm/bữa tối này tồn tại mãi (QCSL 79d)Tuy nhiên, không chỉ qua việc làm đi làm lại những gì đã diễn ra trong bữa tối cuối cùng hay xảy ra trên đồi Canvê mà còn có nghĩa là Chúa Giêsu mời gọi các chi thể trong Nhiệm Thể của Ngài – Hội Thánh (x. 1Cr 12,27) – biết hiến dâng chính bản thân mình cho Thiên Chúa như Chúa Kitô đã tự hiến thành của lễ dâng lên Chúa Cha.[17]

Việc nâng cao Bánh Thánh sau truyền phép được ghi nhận là bắt đầu từ thế kỷ XI và lan rộng sang thế kỷ XII – XIII. Lúc đó, có rất ít người rước lễ và người ta cảm thấy thỏa mãn khi được trông thấy Bánh được truyền phép. Thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng họ sẽ được gìn giữ khỏi mọi ốm đau, hoạn nạn và tai ương nếu họ có thể chiêm ngắm Bánh Thánh. Mới đầu chỉ giơ cao Bánh Thánh, sau đó, chén thánh sau truyền phép cũng được nâng cho cho mọi người thấy rõ. Việc bái gối sau khi truyền phép bánh và rượu xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV. Những cử chỉ này được toàn thế giới tiếp nhận vào trong Sách lễ của Đức Piô V năm 1570.[18]

Ngoài lý do vừa nêu trên giải thích tại sao cần nâng Bánh Thánh và chén thánh lên sau truyền phép, còn có một lý do khác mang nặng tính thần học hơn. Đó là vào thế kỷ XI, một số tác giả bắt đầu phủ nhận sự hiện diện đích thực của Đức Giêsu dưới hình bánh và rượu, cụ thể như Berengarius thành Tours (-1088). Vì thế, Hội Thánh dùng nghi thức trưng Mình Máu Thánh ra cho các tín hữu tôn kính nhằm mời gọi họ thể hiện hành vi đức tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể. Thời Trung cổ, Berthold ở Ratisbonne đã đưa ra lời giải thích rất sâu sắc về nghi thức nâng cao bánh rượu và được Jungmann trích dẫn để giải thích Thánh lễ như sau: “Qua việc nâng bánh rượu lên, linh mục muốn nhấn mạnh ba điều: Con Thiên Chúa vì chúng ta đã tỏ vết thương của mình cho Cha trên trời; Con Thiên Chúa vì chúng ta đã bị đưa lên cây Thánh giá; Con Thiên Chúa sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”[19] Việc nâng lần đầu tiên Bánh Thánh và chén thánh lên trong Thánh lễ cho dân chúng chiêm ngưỡng nhắc chúng ta nhớ đến những đoạn Thánh Kinh  “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28); “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,13).

III/ MỤC VỤ

1) Chủ tế cử hành phần Tường thuật Thiết lập Bí tích Thánh Thể và Truyền phép với: (1) Tâm tình: sâu lắng bên trong; (2) Mắt: hướng về bánh/chén; (3) Cung giọng: công bố những lời của Chúa Giêsu (= lời truyền phép) một cách trang nghiêm, long trọng, rõ ràng, lớn tiếng, và chậm rãi như lời nguyện dâng lên Chúa Cha chứ không phải đang nói với dân chúng;[20] cũng không công bố theo kiểu diễn xuất bởi vì nếu đang đọc theo kiểu ngâm tụng mà chuyển sang giọng đọc bình thường thì vô hình chung những lời truyền phép vốn được in bằng chữ IN ĐẬM thành ra kém giá trị hơn những lời khác (x. NTTL 89, 102, 110, 119);[21] (4) Cử chỉ/hành động: theo đúng chỉ dẫn của Nghi thức Thánh lễ, nghĩa là: (a) chủ tế cầm lấy một tấm bánh chứ không phải cầm lấy đĩa hay bình thánh;[22] (b) chủ tế tuyệt đối không được phép bẻ bánh đang khi đọc câu: “bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói…” (Redemptionis Sacramentum, số 55).[23]

2) Trước lúc truyền phép một chút, nếu thuận tiện, có thể tùy nghi rung chuông để gợi lên niềm vui cũng như lôi kéo sự chú ý của các tín hữu nhưng tiếng chuông không được lấn át lời kinh của tư tế. Cũng nên rung chuông mỗi lần chủ tế giơ Mình Thánh/Máu Thánh (chén thánh) lên cho cộng đoàn chiêm ngắm (x. QCSL 150).[24]

3) Đang khi đọc lời thánh hiến bánh/rượu, nếu thuận tiện, các vị đồng tế hướng tay phải về chỗ bánh/chén mà chủ tế đang cầm trên tay với lòng bàn tay phải được giữ theo hướng ngang như một hành động chỉ định phù hợp với đại danh từ chỉ định “Này/Hoc/Hic” trong lời truyền phép chứ không phải  úp tay xuống theo phong cách của epiclesis (x. Notitiae 1 [1965], 143: DOL 223, no. 1810, note R8; QCSL 222, 227, 230, 233).[25]

4) Nếu thiếu Mình Thánh cho dân chúng rước lễ, nên bẻ số Bánh Thánh hiện có ra để phân phát. Nếu số bẻ ra cũng chẳng đủ, phải đành chấp nhận chứ không được truyền phép thêm nữa trong cùng một Thánh lễ (x. Bộ Giáo Luật điều 927). Tại những miền truyền giáo xa xôi nơi Thánh lễ và hiệp lễ là những dịp cực kỳ hiếm hoi, tư tế nên dâng một Thánh lễ khác ngay sau Thánh lễ vừa dâng, để mọi người không bị mất cơ hội hiệp lễ trong thời gian dài.[26]

5) Sau khi đã truyền phép bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, chủ tế đưa bánh thánh/chén thánh lên ở mức độ vừa phải (khoảng trên mắt một chút) đồng thời hướng mắt mình về đó nhằm chiêm ngưỡng Thánh Thể cũng như giữ ở mức đó một lát cho cộng đoàn chiêm ngắm nhưng không phải nâng lên rất cao như trong phần vinh tụng ca;[27] nếu có nhóm người ở phía sau lưng thì chủ tế mới nâng bánh thánh/chén thánh trên đầu mình (x. NTTL 89, 102, 110, 119).[28]  Thời gian trưng ra không quá dài, sau đó  từ từ và cung kính, chủ tế hạ thấp bánh thánh/chén thánh xuống bàn thờ, cúi sâu thờ lạy Thánh Thể (x. CHTL 194),[29] rồi xướng lời tung hô tưởng niệm (“Đây là mầu nhiệm đức tin…”).[30] Các hành động có thể tiến hành đang khi chủ tế trưng Mình Thánh/Máu Thánh ra cho cộng đoàn chiêm ngắm là: (1) rung chuông bởi người giúp lễ (QCSL 150); (2) xông hương (3×2) bởi một phó tế/người giúp lễ quỳ trước bàn thờ (x. QCSL 150, 179, 276-277).[31]

6) Các tín hữu quỳ: khi truyền phép Mình Thánh và Máu Thánh, trừ khi bị ngăn trở vì lý do sức khoẻ, vì nơi chốn chật hẹp hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng nào khác. Những ai không quỳ lúc truyền phép, phải cúi mình khi linh mục cúi mình sau truyền phép như các vị đồng tế (x. QCSL 43, 222c, 227c, 230c, 233c). Như vậy, khi chủ tế nâng bánh hoặc chén lên, mọi người phải ngước nhìn, và sau đó mới cùng chủ tế thờ lạy bằng cách: ai đứng thì cúi mình; ai đang quỳ thì không nhất thiết phải cúi đầu lúc này, nhưng nếu thực hành thì cũng tốt vì thể hiện sự tôn kính Thánh Thể.[32] Phó tế cũng quỳ trong lúc truyền phép. Nếu vì một lý do chính đáng, phó tế không thể quỳ gối, thầy sẽ cúi sâu như các linh mục đồng tế (x. QCSL 179).[33]

Nguồn: WHĐGMVN – 28/05/2024

[1] Catholic Bishops’ Conference of England and Wales, Celebrating the Mass (London: Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), 194; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 195.

[2] X. Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1999), 287-88.

[3] Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 79.

[4] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 197.

[5] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001), 133-134; X. Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC:  FDLC, NE, 2003), 85.

[6] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 134.

[7] Phaolô VI, Tông hiến Công bố Sách lễ Roma, ngày 3/4/1969.

[8] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 207.

[9] Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass (West Chester: Ascension Press, 2011), 107-112;  Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 197.

[10] Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist, 289-90.

[11] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 141.

[12] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 127-128.

[13] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại DublinIreland (10 – 17/06/2012), 104.

[14] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 134.

[15] Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 126.

[16] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, 134.

[17] X. Enrico Mazza, The Eucharistic Prayers of the Roman Rite (trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1986/2004), 176.

[18] X. J. D. Crichton, Understanding the Mass, 3rd edition (Londong/New Yord:  Geoffrey Chapman, 1993), 97.

[19] X. Trích lại trong Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, 129-130.

[20] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 137; Paul Turner, Ars Celebrandi (Collegeville: The Liturgical Press, 2021), Kindle, 46.

[21]X. Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, trans. Jane M. A. Burton (Collegeville: The Liturgical Press, 1996), 34.

[22] X. Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 567.

[23] X. Dennis C. Smolarski, sj, How Not to Say Mass (New Jersey: Paulist Press, 1986), 65-66; Edward McNamara, “Breaking of the Host” (5 Oct. 2010), https://www.ewtn.com/catholicism/library/breaking-of-the-host-4546.

[24] X. Notitiae 8 (1972) 343.

[25] Ghi chú của Sách Lễ nghi Giám mục tại số 106; McNamara, “Crucifixes, Bows and Celebrants’ Palms” (1 June 2004), https://www.ewtn.com/catholicism/library/crucifixes-bows-and-celebrants-palms-4564.

[26] McNamara, “Consecrating a “Second Batch” of Hosts” (17 May 2005), acc. 13/01/2024, https://www.ewtn.com/catholicism/library/consecrating-a-second-batch-of-hosts-4948.

[27] X. Keith Pecklers, sj, The Genius of the Roman Rite (London: Burns & Oates, 2010), 75-76.

[28] X. André Mutel et Peter Freeman, 138.

[29] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), nos. 302, 304; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 150; André Mutel et Peter Freeman, 112-114.

[30] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, nos. 301, 304.

[31] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 403; Turner, Let Us Pray, no. 573.

[32] X. Turner, Ars Celebrandi, 134.

[33] X. McNamara, “Deacons Kneeling at the Consecration” (03 June 2014), https://www.ewtn.com/catholicism/library/deacons-kneeling-at-the-consecration-4725; “Bowing While Kneeling” (21 Sep. 2010 & 05 Oct. 2010), https://www.ewtn.com/catholicism/library/bowing-while-kneeling-4544; Turner, Let Us Pray, nos. 574, 577, 587.

Bài Viết Cùng Chuyên Mục

Bài Viết Mới