Điều 756
§1. Trong những gì liên quan đến Giáo Hội phổ quát, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng chủ yếu được ủy thác cho Đức Giáo Hoàng Rô-ma và Giám mục đoàn.
§2. Trong những gì liên quan đến Giáo Hội địa phương đã được trao phó cho mình, mỗi Giám mục thi hành nhiệm vụ ấy trong Giáo Hội địa phương với tư cách là vị điều hành toàn bộ thừa tác vụ Lời Chúa, nhưng đôi khi một số Giám mục cùng nhau thi hành nhiệm vụ ấy cho nhiều giáo phận cùng một lúc, chiếu theo quy tắc của luật.
Điều 757
Việc loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa thuộc về riêng các linh mục, với tư cách là cộng sự viên của các Giám Mục; chủ yếu là các cha sở và các linh mục khác đã nhận lãnh việc coi sóc các linh hồn đều buộc phải giữ bổn phận này đối với đoàn dân đã được trao phó cho mình; các phó tế cũng phục vụ dân Chúa bằng thừa tác vụ Lời Chúa trong sự hiệp thông với Giám mục và linh mục đoàn của ngài.
Điều 758
Các thành viên của các tu hội thánh hiến làm chứng cho Tin Mừng bằng một thể thức riêng, do việc được thánh hiến cho Thiên Chúa, và họ phải được Giám mục chọn làm người trợ giúp theo thể thức thích hợp để loan báo Tin Mừng.
Điều 759
Do bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, giáo dân là những chứng nhân của sứ điệp Tin Mừng bằng lời nói và bằng gương sáng đời sống Ki-tô Giáo; họ cũng có thể được mời gọi cộng tác với Giám mục và các linh mục trong việc thi hành thừa tác vụ Lời Chúa.
Điều 760
Mầu nhiệm Đức Ki-tô phải được trình bày cách nguyên vẹn và trung thành trong thừa tác vụ Lời Chúa, và thừa tác vụ Lời Chúa phải dựa trên Thánh Kinh, Thánh Truyền, phụng vụ, huấn quyền và đời sống của Giáo Hội.
Điều 761
Để loan báo học thuyết Ki-tô Giáo, người ta phải dùng những phương tiện khác nhau sẵn có, trước hết việc giảng thuyết và huấn giáo luôn chiếm vị trí chủ yếu, tiếp đến là việc giảng dạy giáo lý trong các trường học, trong các học viện, trong các buổi thuyết trình và các cuộc hội họp dưới mọi hình thức, cũng như việc phổ biến giáo lý bằng những bản tuyên ngôn công khai do quyền bính hợp pháp thực hiện qua báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội vào dịp xảy ra một biến cố nào đó.
Chương 1. Rao giảng lời Chúa (Điều 762 – 772)
Điều 762
Vì đoàn dân Chúa được quy tụ trước hết nhờ Lời Chúa hằng sống, cho nên việc chờ đợi Lời Chúa từ môi miệng các tư tế là điều chính đáng, và các thừa tác viên có chức thánh phải coi trọng trách nhiệm giảng thuyết, bởi vì việc loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người là một trong những bổn phận chính của các ngài.
Điều 763
Các Giám mục có quyền giảng Lời Chúa khắp mọi nơi, kể cả trong các nhà thờ và nhà nguyện của các hội dòng thuộc luật giáo hoàng, trừ khi Giám mục địa phương đã minh nhiên cấm giảng trong những trường hợp đặc biệt.
Điều 764
Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 765, các linh mục và phó tế có năng quyền giảng khắp mọi nơi, với sự đồng ý, ít là được suy đoán, của cha quản nhiệm nhà thờ, trừ khi Đấng Bản Quyền có thẩm quyền đã hạn chế hoặc đã rút lại năng quyền ấy, hoặc trừ khi luật địa phương đòi phải có phép minh nhiên.
Điều 765
Để giảng cho các tu sĩ trong các nhà thờ hay trong các nhà nguyện của họ, thì phải có phép của Bề Trên có thấm quyền chiếu theo quy tắc của hiến pháp.
Điều 766
Có thể chấp nhận cho giáo dân giảng trong một nhà thờ hay một nhà nguyện, nếu nhu cầu đòi hỏi điều đó trong một số hoàn cảnh nhất định, hoặc nếu điều đó hữu ích trong những trường hợp đặc biệt, theo những quy định của Hội đồng Giám mục, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 767 §1.
Điều 767
§1. Trong các hình thức giảng, bài giảng lễ giữ một vị trí trổi vượt, là một phần của chính phụng vụ và được dành riêng cho tư tế hoặc phó tế, trong suốt năm phụng vụ, phải dựa vào bản văn Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống Ki-tô Giáo trong bài giảng lễ.
§2. Trong mọi Thánh Lễ được cử hành vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc với sự tham dự của dân chúng, thì buộc phải giảng lễ và không được bỏ bài giảng lễ, nếu không có một lý do nghiêm trọng.
§3. Khuyến khích nên giảng lễ, nếu có khá đông dân chúng tham dự, kể cả trong các Thánh Lễ được cử hành trong tuần, nhất là trong Mùa Vọng và Mùa Chay, hoặc vào một dịp lễ, hoặc khi có một biến cố đau thương.
§4. Việc liệu sao cho các quy định này được tuân giữ một cách trang nghiêm thuộc về cha sở hoặc cha quản nhiệm nhà thờ.
Điều 768
§1. Những người giảng Lời Chúa trước hết phải trình bày cho các Ki-tô hữu biết những điều phải tin và những việc phải làm vì vinh quang của Thiên Chúa và phần rỗi loài người.
§2. Họ cũng phải truyền đạt cho các tín hữu biết học thuyết của huấn quyền Giáo Hội về phẩm giá và tự do của con người, về sự duy nhất và sự vững bền cũng như các trách nhiệm của gia đình, về những nghĩa vụ liên quan đến những người được liên kết với nhau trong xã hội, và về việc tổ chức các việc trần thế theo trật tự Thiên Chúa đã thiết lập.
Điều 769
Học thuyết Ki-tô Giáo phải được trình bày một cách thích hợp với hoàn cảnh của các thính giả và phù hợp với các nhu cầu của thời đại.
Điều 770
Vào những thời kỳ nhất định, chiếu theo các quy định của Giám mục giáo phận, các cha sở phải tổ chức những buổi giảng thuyết được gọi là tĩnh tâm và những tuần đại phúc, hay những hình thức giảng thuyết khác phù hợp với nhu cầu.
Điều 771
§1. Các vị chủ chăn các linh hồn, nhất là các Giám mục và các cha sở, phải quan tâm thế nào để Lời Chúa cũng được loan báo cho các tín hữu không được hưởng nhờ đầy đủ sự chăm sóc mục vụ chung và thông thường, hoặc hoàn toàn không được hưởng nhờ sự chăm sóc này, vì hoàn cảnh sinh sống của họ.
§2. Các ngài cũng phải liệu sao để sứ điệp Tin Mừng được truyền đến những người không tin đang ở trong địa hạt mình, bởi vì việc coi sóc các linh hồn phải được nới rộng tới họ cũng như tới các tín hữu.
Điều 772
§1. Về việc giảng thuyết, mọi người còn phải tuân giữ các quy tắc do Giám mục giáo phận thiết lập.
§2. Để giảng học thuyết Ki-tô Giáo trên truyền thanh hoặc truyền hình, thì phải tuân giữ các quy định do Hội Đồng Giám mục thiết lập.
Chương 2. Huấn giáo (Điều 773 – 780)
Điều 773
Nhiệm vụ riêng và quan trọng của các chủ chăn, nhất là những vị coi sóc các linh hồn, là phải bảo đảm việc huấn giáo cho dân Chúa, để đức tin các tín hữu trở nên sống động, sáng suốt và hiệu nghiệm nhờ việc dạy giáo lý và nhờ kinh nghiệm đời sống Ki-tô Giáo.
Điều 774
§1. Việc quan tâm đến huấn giáo, dưới sự điều hành của nhà chức trách Giáo Hội hợp pháp, thuộc về tất cả mọi thành phần của Giáo Hội, mỗi người theo phần mình.
§2. Trước hết, các bậc cha mẹ buộc phải dùng lời nói và gương sáng để đào tạo con cái mình trong đức tin và trong việc thực hành đời sống Ki-tô Giáo; các người thay quyền cha mẹ cũng như các người đỡ đầu đều có cùng một nghĩa vụ như nhau.
Điều 775
§1. Miễn là vẫn giữ nguyên các quy định do Tông Tòa ban hành, Giám mục giáo phận ban hành những quy tắc về việc huấn giáo và liệu sao để có sẵn những phương tiện thích hợp cho việc huấn giáo, kế cả việc soạn sách giáo lý, nếu thấy thuận lợi, cũng như cổ vũ và phối trí các sáng kiến trong lĩnh vực này.
§2. Nếu thấy hữu ích, Hội đồng Giám mục liệu sao để phát hành sách giáo lý trong địa hạt mình, với sự phê chuẩn trước của Tông Tòa.
§3. Hội đồng Giám mục có thể thành lập một văn phòng huấn giáo mà nhiệm vụ chính là phải giúp đỡ mỗi giáo phận trong việc huấn giáo.
Điều 776
Cha sở, do nhiệm vụ mình, buộc phải huấn giáo các người thành niên, thanh thiếu niên và trẻ em; để đạt được mục đích này, ngài phải nhờ đến sự cộng tác của các giáo sĩ thuộc giáo xứ, của các thành viên các tu hội thánh hiến và của các thành viên các tu đoàn tông đồ, nhưng phải lưu ý đến đặc tính của mỗi hội dòng, cũng như phải nhờ đến sự cộng tác của giáo dân, nhất là của các giáo lý viên; mọi người trên đây phải sẵn lòng cộng tác, trừ khi có ngăn trở chính đáng. Cha sở phải giúp đỡ và cổ vũ trách nhiệm của các bậc cha mẹ về việc huấn giáo trong gia đình, được nói đến ở điều 774 §2.
Điều 777
Chiếu theo các quy tắc do Giám mục giáo phận thiết lập, cha sở phải đặc biệt liệu sao để:
1° huấn giáo thích hợp nhằm việc cử hành các bí tích;
2° các trẻ em được chuẩn bị đúng cách về việc xưng tội và rước lễ lần đầu, cũng như việc lãnh nhận bí tích Thêm Sức, nhờ việc giảng dạy giáo lý trong một thời gian thích hợp;
3° các em này được đào tạo về giáo lý một cách dồi dào hơn và thâm sâu hơn, sau khi đã được rước lễ lần đầu;
4° huấn giáo cả những người tàn tật về thể xác hoặc tinh thần, trong mức độ mà hoàn cảnh của họ cho phép;
5° đức tin của thanh thiếu niên và của người thành niên được củng cố, được soi sáng và được phát triển nhờ những thể thức và những sáng kiến khác nhau.
Điều 778
Các Bề Trên của các hội dòng và của các tu đoàn tông đồ phải liệu sao để ân cần thực hiện việc giảng dạy giáo lý trong các nhà thờ, các trường học và các cơ sở khác đã được ủy thác cho mình cách nào đó.
Điều 779
Phải dùng mọi cách thế, mọi phương tiện chuyên môn và mọi phương tiện truyền thông xã hội được xem là hữu hiệu nhất để giảng dạy giáo lý, ngõ hầu các tín hữu có thể học giáo lý Công Giáo cách thấu đáo, theo một phương pháp thích hợp với tính tình, khả năng, tuổi tác và hoàn cảnh sinh sống của họ, và đem ra thực hành cách chu đáo hơn.
Điều 780
Các Đấng Bản Quyền địa phương phải liệu sao cho các giáo lý viên được chuẩn bị kỹ càng để chu toàn nhiệm vụ của mình, nghĩa là họ phải được đào tạo liên tục, phải thông thạo giáo lý của Giáo Hội và phải học hỏi các nguyên tắc riêng của khoa sư phạm, trên lý thuyết cũng như trong thực hành.