Điều 224
Ngoài những nghĩa vụ và những quyền lợi chung cho mọi Ki-tô hữu và những gì được ấn định trong các điều luật khác, giáo dân còn có những nghĩa vụ và quyền lợi được liệt kê trong những điều luật của đề mục này.
Điều 225
§1. Vì các giáo dân cũng như mọi Ki-tô hữu đều được Thiên Chúa ủy nhiệm sứ vụ tông đồ qua phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, cho nên họ có những nghĩa vụ chung và với tính cách cá nhân hay tập hợp thành những hiệp hội, họ có quyền làm cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới nhận biết và đón nhận; nghĩa vụ này càng thúc bách hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ nhờ họ, người ta mới có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Đức Ki-tô.
§2. Tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi người, các giáo dân có bổn phận đặc biệt phải làm cho trật tự các thực tại trần thế được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và được kiện toàn và họ phải làm chứng cho Đức Ki-tô một cách đặc biệt khi điều hành trật tự này, cũng như khi hoàn thành những trách nhiệm trần thế.
Điều 226
§1. Những người sống trong bậc hôn nhân theo ơn gọi riêng có bổn phận đặc biệt phải hoạt động để xây dựng dân Chúa bằng đời sống hôn nhân và gia đình.
§2. Do việc thông ban sự sống cho con cái, cha mẹ có nghĩa vụ nghiêm nhặt giáo dục con cái và có quyền giáo dục con cái; vì thế, việc bảo đảm cho con cái có được một nền giáo dục Ki-tô Giáo theo đạo lý do Giáo Hội truyền lại thuộc về các bậc cha mẹ Ki-tô Giáo trước tiên.
Điều 227
Các giáo dân có quyền được công nhận là mình có tự do trong các lĩnh vực trần thế như mọi công dân; nhưng khi sử dụng quyền tự do này, họ phải liệu sao để mọi hành động của họ được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, và phải lưu tâm đến đạo lý do huấn quyền Giáo Hội đề ra; nhưng họ phải cẩn thận đừng trình bày ý kiến riêng của mình như là giáo huấn của Giáo Hội trong các vấn đề đang còn bỏ ngỏ cho các ý kiến khác nhau.
Điều 228
§1. Những giáo dân nào được nhận thấy có khả năng xứng hợp thì có năng cách được các Chủ Chăn có chức thánh mời đảm nhận các giáo vụ và nhiệm vụ trong Giáo Hội mà họ có thể thi hành chiếu theo quy tắc luật định.
§2. Những giáo dân trổi vượt về kiến thức, khôn ngoan và hạnh kiểm thì có năng cách giúp các chủ chăn của Giáo Hội với tư cách là chuyên viên hoặc cố vấn, kể cả trong các hội đồng chiếu theo quy tắc của luật.
Điều 229
§1. Để có thể sống theo giáo lý Ki-tô Giáo, tự rao giảng và biện hộ cho giáo lý ấy nếu cần, và để có thể góp phần mình vào việc hoạt động tông đồ, các giáo dân có nghĩa vụ và có quyền học hỏi giáo lý hợp với khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.
§2. Họ cũng có quyền thủ đắc một kiến thức chuyên sâu hơn trong những thánh khoa được dạy tại các đại học và các phân khoa giáo sĩ hoặc tại các học viện khoa học tôn giáo, bằng cách dự các khóa học và lấy các bằng cấp đại học.
§3. Cũng vậy, sau khi đã tuân giữ những quy định liên quan đến năng lực cần phải có, những giáo dân có năng cách được nhà chức trách hợp pháp của Giáo Hội ủy nhiệm để giảng dạy các thánh khoa.
Điều 230
§1. Những nam giáo dân nào đủ tuổi và đủ những đức tính cần thiết do sắc lệnh của Hội đồng Giám mục ấn định có thể lãnh những thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cách cố định, trong một nghi thức phụng vụ đã được quy định. Tuy nhiên, việc trao các thừa tác vụ này không ban cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả một khoản thù lao.
§2. Căn cứ vào một sự ủy nhiệm tạm thời, các giáo dân có thể đảm nhận việc đọc sách trong các sinh hoạt phụng vụ; cũng thế, mọi giáo dân đều có thể đảm nhận những công việc của dẫn giải viên, của ca viên hoặc các nhiệm vụ khác chiếu theo quy tắc của luật.
§3. Nơi nào nhu cầu Giáo Hội đòi hỏi vì thiếu thừa tác viên, các giáo dân dù không phải là thừa tác viên đọc sách hay giúp lễ, Cũng có thể thay thế họ để làm một số việc, như thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi cầu nguyện theo phụng vụ, ban phép Rửa Tội và cho rước lễ theo những quy định của luật.
Điều 231
§1. Những giáo dân nào được cử vào công tác đặc biệt của Giáo Hội, cách thường xuyên hay tạm thời, thì buộc phải được đào tạo cách thích hợp và cần thiết để chu toàn nhiệm vụ của mình cách xứng đáng và buộc phải hoàn thành nhiệm vụ này một cách ý thức, tận tâm và cần mẫn.
§2. Miễn là vẫn tôn trọng những quy định của điều 230 §1, các giáo dân có quyền được nhận một khoản thù lao xứng hợp với địa vị của mình; nhờ đó, họ có thể chu cấp các nhu cầu riêng và các nhu cầu của gia đình một cách thích đáng theo những quy tắc của luật dân sự; ngoài ra, họ có quyền được hưởng dự phòng, bảo hiểm xã hội và trợ cấp y tế.