Chương 1. Nhiệm vụ của thẩm phán và của viên chức tòa án (Điều 1446 – 1457)
Điều 1446
§1. Tất cả các Ki-tô hữu, và nhất là các Giám mục, phải cố gắng hết mình đế tránh những vụ kiện tụng trong dân Chúa, ngần nào có thể, mà vẫn tôn trọng công lý, và phải dàn xếp cách ôn hòa càng sớm càng hay.
§2. Từ lúc khởi đầu vụ tranh tụng, và ngay cả vào bất cứ lúc nào khác, mỗi khi thấy có hy vọng đem lại kết quả tốt, thẩm phán đừng bỏ qua việc khuyên nhủ và giúp đỡ các bên để họ đồng lòng tìm một giải pháp hợp tình hợp lý cho việc tranh chấp và phải chỉ cho họ những đường lối thích hợp để đạt tới mục đích ấy, kể cả việc nhờ những người có uy tín làm trung gian.
§3. Nếu vụ kiện liên quan đến tư ích của các bên, thẩm phán phải xét xem cuộc tranh chấp có thể được kết thúc ổn thỏa hay không bằng cách điều đình, hoặc nhờ trọng tài phán đoán, chiếu theo quy tắc của các điều 1713-1716.
Điều 1447
Người nào đã tham gia vào một vụ án với tư cách là thẩm phán, công tố viên, bảo hệ viên, đại diện, luật sư, nhân chứng hoặc chuyên viên, thì sau đó không thể xét xử thành sự vụ án ấy ở cấp khác với tư cách là thẩm phán hoặc thi hành nhiệm vụ hội thẩm trong chính vụ án ấy.
Điều 1448
§1. Thẩm phán không được nhận xét xử một vụ án mà trong đó chính mình có một vài lợi ích cá nhân, vì có họ máu hay họ kết bạn trong bất cứ bậc nào theo hàng dọc và cho đến bậc thứ bốn theo hàng ngang, hay vì có sự bảo trợ và có chức quản tài, vì có tương giao thân mật, vì có một sự hận thù dai DẲNG, vì được hưởng một lợi lộc hoặc tránh được một sự thiệt hại.
§2. Trong những trường hợp ấy, công tố viên, bảo hệ viên, hội thẩm và dự thẩm cũng phải tránh thi hành chức vụ.
Điều 1449
§1. Trong những trường hợp nói ở điều 1448, nếu chính thẩm phán không cáo thoái, một bên có thể khước từ thẩm phán.
§2. Vị Đại Diện tư pháp xét xử việc khước từ; nếu chính vị này bị khước từ, thì Giám mục chủ trì tòa án sẽ xét xử.
§3. Nếu Giám mục là thẩm phán và bị khước từ, ngài phải tránh việc xét xử.
§4. Nếu việc khước từ nhằm chống lại công tố viên, bảo hệ viên hoặc các viên chức khác của tòa án, vị chánh án tòa án hiệp đoàn hay chính thẩm phán, nếu là thẩm phán duy nhất, sẽ xét xử sự khước biện này.
Điều 1450
Một khi đã chấp nhận việc khước từ, thì phải thay đổi các nhân sự, nhưng không được thay đổi cấp bậc xét xử.
Điều 1451
§1. Vấn đề khước từ phải được giải quyết hết sức nhanh chóng, sau khi nghe các bên, công tố viên hay bảo hệ viên, nếu họ tham gia vào vụ án và chính họ không bị khước từ.
§2. Những hành vi do thẩm phán thực hiện trước khi bị khước từ vẫn thành sự, nhưng những hành vi được thực hiện sau khi việc khước từ được đưa ra phải bị hủy bỏ, nếu một bên yêu cầu trong thời hạn mười ngày, kể từ lúc việc khước từ được chấp nhận.
Điều 1452
§1. Trong một vụ án chỉ liên quan đến lợi ích riêng, thẩm phán chỉ có thể can thiệp theo sự thỉnh cầu của một bên. Nhưng khi vụ án đã được khởi tố cách hợp pháp, thẩm phán có thể và thậm chí, do chức vụ, phải can thiệp vào những vụ án hình sự hay những vụ án khác liên quan đến công ích của Giáo Hội hoặc phần rỗi các linh hồn.
§2. Ngoài ra, thẩm phán còn có thể bổ khuyết sự sơ xuất của các bên trong việc cung cấp các chứng cớ hoặc đưa ra những khước biện, mỗi khi nhận thấy điều đó là cần thiết để tránh một phán quyết bất công nghiêm trọng, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1600.
Điều 1453
Các thẩm phán và các tòa án phải lo liệu cho tất cả các vụ án được kết thúc càng sớm càng tốt, mà vẫn tôn trọng công lý; các vụ án sẽ không được kéo dài quá một năm ở tòa án cấp một, và không quá sáu tháng ở tòa án cấp hai.
Điều 1454
Tất cả mọi thành viên của tòa án hoặc những người cộng tác vào đó phải thề chu toàn nhiệm vụ một cách chu đáo và trung thành.
Điều 1455
§1. Trong một vụ án hình sự, các thẩm phán và các viên chức tòa án luôn buộc phải giữ bí mật thuộc chức vụ, còn trong một vụ án hộ sự, các vị đó cũng buộc như vậy, nếu sự tiết lộ một án từ tố tụng nào đó có thể gây thiệt hại cho các bên.
§2. Các vị ấy cũng phải luôn luôn giữ bí mật về cuộc tranh luận giữa những thẩm phán trong tòa án hiệp đoàn trước khi phán quyết, cũng như về những lần bỏ phiếu khác nhau và về những ý kiến phát biểu trong cuộc tranh luận, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1609 §4.
§3. Hơn nữa, mỗi khi bản chất của vụ án hay của các chứng cớ có tính cách đặc biệt đến nỗi việc phổ biến các án từ hay các chứng cớ có nguy cơ làm mất thanh danh của người khác, hay làm cớ chia rẽ, gây gương xấu hay những sự bất tiện khác, thẩm phán có thể bắt buộc các nhân chứng, các chuyên viên, các bên, các luật sư hay các người đại diện của mỗi bên, phải thề giữ bí mật.
Điều 1456
Cấm các thẩm phán và tất cả các viên chức của tòa án nhận bất cứ quà tặng nào nhân dịp xét xử vụ án.
Điều 1457
§1. Những thẩm phán nào có thẩm quyền cách chắc chắn và hiển nhiên mà lại từ chối xét xử, hoặc những thẩm phán nào tự xưng mình có thẩm quyền khi không dựa trên một nền tảng nào theo quy định của luật, mà lại xét xử và phán quyết các vụ án, hoặc vi phạm luật giữ bí mật, hoặc gây ra một thiệt hại khác cho những người tranh tụng, do man trá hay do quá lơ đễnh, có thể bị nhà chức trách có thẩm quyền trừng trị bằng những hình phạt thích đáng, kể cả việc bãi nhiệm.
§2. Những viên chức và những cộng tác viên của tòa án cũng phải chịu các chế tài như vậy, nếu họ không chu toàn nhiệm vụ như vừa nói trên đây; thẩm phán cũng có thể phạt tất cả những người ấy.
Chương 2. Trình tự của việc xét xử (Điều 1458 – 1464)
Điều 1458
Các vụ án phải được xét xử theo trình tự đã được đệ trình và đăng ký trong sổ, trừ khi có một vụ án trong số các vụ án đó đòi phải được giải quyết nhanh hơn tất cả các vụ án khác, tuy nhiên điều này phải được ấn định bằng một sắc lệnh riêng có viện dẫn lý do.
Điều 1459
§1. Những hà tỳ khiến cho bản án có thể trở nên vô hiệu, có thể được nêu lên như khước biện trong bất cứ lúc nào hay ở bất cứ cấp nào của việc xét xử, và cũng có thể được thẩm phán công bố chiếu theo chức vụ.
§2. Ngoài những trường hợp nói ở §1, những khước biện trì hoãn, đặc biệt là những khước biện liên quan đến thể nhân và cách thức xét xử, phải được đệ trình trước giai đoạn đối tụng, trừ khi các khước biện ấy xuất hiện sau đó, và chúng phải được giải quyết sớm hết sức.
Điều 1460
§1. Nếu có một khước biện được đưa ra chống lại thẩm quyền của thẩm phán, thì chính thẩm phán phải xét xử khước biện này.
§2. Trong trường hợp có khước biện về sự vô thẩm quyền tương đối, nếu thẩm phán nào tuyên bố mình có thẩm quyền thì quyết định của thẩm phán đó không cho phép kháng cáo, nhưng không cấm tranh luận về tính vô hiệu và không cấm việc phục hồi nguyên trạng.
§3. Nếu thẩm phán tuyên bố mình vô thẩm quyền, bên thấy mình bị thiệt hại có thể chống án lên tòa kháng cáo trong thời hạn mười lăm ngày hữu dụng.
Điều 1461
Trong bất cứ giai đoạn nào của vụ án, thẩm phán nào biết mình vô thẩm quyền tuyệt đối, thì phải công bố sự vô thẩm quyền này.
Điều 1462
§1. Những khước biện về vấn đề quyết tụng, về sự điều đình và về các khước biện thất hiệu khác, được gọi là về tố tụng chấm dứt, phải được viện dẫn và xét xử trước khi đối tụng; sau đó, ai nêu lên các khước biện thì không thể bị bác bỏ, nhưng họ sẽ phải chịu phạt trả án phí, trừ khi chứng minh được rằng mình đã không trì hoãn việc khước biện vì gian ý.
§2. Những khước biện thất hiệu khác được nêu ra trong lúc đối tụng và phải được cứu xét đúng lúc theo những quy luật liên quan đến các vấn đề phụ.
Điều 1463
§1. Những tố quyền phản tố chỉ có thể được đệ trình thành sự trong vòng ba mươi ngày kể từ lúc đối tụng.
§2. Những tố quyền phản tố đó sẽ được xét xử cùng một lúc với tố quyền khởi tố, tức là ở cùng một cấp tòa án, trừ khi cần phải xét xử riêng biệt hoặc khi thẩm phán nhận thấy xét xử riêng biệt là thuận tiện hơn.
Điều 1464
Những vấn đề liên quan đến tiền ký quỹ để trả án phí, hoặc đến việc tòa án bảo trợ miễn phí đã được xin ngay từ đầu, và những vấn đề tương tự khác, bình thường phải được giải quyết trước khi đối tụng.
Chương 3. Các hạn kỳ và triển hạn (Điều 1465 – 1467)
Điều 1465
§1. Hạn kỳ tiên định, tức là thời hạn do luật ấn định để tiêu hủy các quyền lợi, không thể được gia hạn thêm và cũng không thể được rút ngắn lại cách thành sự trừ khi có sự thỉnh cầu của các bên.
§2. Tuy nhiên, với một lý do chính đáng, những hạn kỳ tư pháp và quy ước có thể được thẩm phán gia hạn thêm trước khi chúng hết hạn, sau khi đã nghe các bên hoặc sau khi các bên đã xin, nhưng không bao giờ được rút ngắn lại cách thành sự, nếu không có sự đồng ý của các bên.
§3. Nhưng thẩm phán phải lo liệu đừng để vụ án kéo dài quá đáng do việc gia hạn.
Điều 1466
Khi luật không ấn định những hạn kỳ để thực hiện những hành vi tố tụng, thẩm phán phải ấn định những hạn kỳ ấy, sau khi đã lưu ý tới bản chất của mỗi hành vi.
Điều 1467
Nếu tòa án nghỉ việc vào ngày đã được ấn định để xử án, thì phải hiểu là hạn kỳ được gia hạn thêm đến ngày đầu tiên liền sau đó không phải là ngày nghỉ.
Chương 4. Nơi xét xử (Điều 1468 – 1469)
Điều 1468
Ngần nào có thể được, trụ sở của mỗi tòa án phải cố định và phải mở cửa vào những giờ đã được ấn định.
Điều 1469
§1. Vị thẩm phán nào bị trục xuất ra khỏi địa hạt của mình do bạo lực hay bị ngăn trở thi hành quyền tài phán ở đó, thì có thể thi hành quyền tài phán ấy và tuyên án ngoài địa hạt của mình, nhưng phải thống báo cho Giám mục giáo phận biết việc ấy.
§2. Ngoài trường hợp nói ở §1, vì một lý do chính đáng và sau khi đã nghe các bên, thẩm phán có thể ra khỏi địa hạt của mình để thu thập các chứng cớ, nhưng phải có phép của Giám mục giáo phận nơi đến và phải ở tại nơi do ngài chỉ định.
Chương 5. Những người được nhận vào phòng xử. Cách thức soạn thảo và lưu trữ án từ (Điều 1470 – 1475)
Điều 1470
§1. Nếu luật riêng không dự liệu cách khác, thì đang khi vụ án được xét xử trước tòa, chỉ những người mà luật hoặc thẩm phán ấn định là cần thiết để xúc tiến việc tố tụng mới được có mặt trong phòng xử.
§2. Đối với tất cả những ai có mặt tại phiên xử đã có lỗi nặng do thiếu sự tôn trọng và vâng phục phải có tại tòa án, thẩm phán có thể dùng những hình phạt xứng hợp để nhắc nhở nhiệm vụ của họ; ngoài ra, thẩm phán cũng có thể đình hoãn không cho các luật sư và các người đại diện thi hành chức vụ của họ tại các tòa án của Giáo Hội.
Điều 1471
Nếu một người được thẩm vấn dùng một ngôn ngữ mà thẩm phán hoặc các bên không hiểu, thì phải nhờ đến một thông ngôn đã tuyên thệ do thẩm phán chỉ định. Các lời khai phải được ghi lại bằng nguyên ngữ trên giấy tờ và kèm theo bản dịch. Cũng phải nhờ đến thông ngôn, nếu phải thẩm vấn một người điếc hay một người câm, trừ khi thẩm phán muốn những câu hỏi mình đặt ra được trả lời trên giấy tờ.
Điều 1472
§1. Các án từ tư pháp liên quan đến nội dung vấn đề, tức là những án từ của vụ án, cũng như những án từ liên quan đến tiến trình của thủ tục, tức là những án từ tố tụng, đều phải được soạn thảo trên giấy tờ.
§2. Mỗi tờ án từ phải được ghi số và phải được đóng dấu chứng thực.
Điều 1473
Mỗi khi đòi các bên hoặc các nhân chứng phải ký tên vào những án từ tư pháp, nếu một bên hay một nhân chứng không thể hay không muốn ký, điều đó phải được ghi trong những án từ, đồng thời, thẩm phán và công chứng viên phải chứng thực rằng chính án từ đó đã được đọc từng chữ cho bên đó hoặc cho nhân chứng nghe, và bên đó hoặc nhân chứng đã không thể ký hay không muốn ký.
Điều 1474
§1. Trong trường hợp kháng cáo, bản sao các án từ đã được công chứng viên chứng thực, phải được gửi lên tòa cấp trên.
§2. Nếu các án từ được soạn thảo bằng một ngôn ngữ mà tòa cấp trên không biết, thì phải được dịch ra một ngôn ngữ khác mà tòa đó biết và phải thận trọng để sự trung thực của bản dịch được bảo đảm.
Điều 1475
§1. Sau khi kết thúc việc xét xử, những tài liệu thuộc sở hữu của các tư nhân phải được trả lại cho họ, nhưng phải giữ lại một bản sao.
§2. Nếu không có lệnh của thẩm phán, cấm các công chứng viên và chưởng ấn cấp phát bản sao những án từ tư pháp và những tài liệu đã thu thập được trong vụ tố tụng.