Chương 1. Việc đào tạo giáo sĩ (Điều 232 – 264)
Điều 232
Giáo Hội có bổn phận, có quyền riêng và độc hữu trong việc đào tạo những nhân sự được chỉ định vào các thừa tác vụ thánh.
Điều 233
§1. Toàn thể cộng đồng Ki-tô Giáo có bổn phận phải cổ động các ơn gọi để đáp ứng đủ những nhu cầu của thừa tác vụ thánh trong toàn thể Giáo Hội; bổn phận này bó buộc cách riêng các gia đình Ki-tô Giáo, các nhà giáo dục, và đặc biệt là các tư tế, nhất là các cha sở. Các Giám mục giáo phận là những người quan tâm hơn cả về việc cổ động các ơn gọi, phải dạy cho giáo dân của mình biết tầm quan trọng của thừa tác vụ thánh và sự cần thiết của các thừa tác viên có chức thánh trong Giáo Hội, các ngài phải khơi dậy và nâng đỡ những sáng kiến cổ động các ơn gọi, nhất là qua các cơ sở đã được thành lập nhằm mục đích ấy.
§2. Ngoài ra, các tư tế, và nhất là các Giám mục giáo phận, phải ân cần dùng lời nói và việc làm để giúp đỡ cách khôn ngoan, và chuẩn bị cách thích đáng cho những người nam đứng tuổi cảm thấy mình được gọi vào thừa tác vụ thánh.
Điều 234
§1. Nơi nào đã có các tiểu chủng viện hoặc các học viện khác tương tự, trong đó việc chuyên đào tạo tôn giáo cũng như giáo dục về mặt nhân bản và khoa học được thực hiện kỹ càng, nhằm cổ vũ các ơn gọi, thì phải được duy trì và khuyến khích; hơn nữa, nơi nào Giám mục giáo phận xét thấy thuận lợi, thì phải dự kiến việc thành lập một tiểu chủng viện hoặc một học viện tương tự.
§2. Ngoại trừ một số trường hợp mà hoàn cảnh khuyên làm cách khác, các thanh niên ước muốn tiến lên chức tư tế cần phải được đào tạo về mặt nhân bản và khoa học, như các thanh niên trong vùng của họ được chuẩn bị theo học các lớp cao đẳng.
Điều 235
§1. Các thanh thiếu niên ước muốn tiến lên chức tư tế phải được đào tạo về mặt thiêng liêng cách xứng hợp và phải được chuẩn bị về các phận vụ riêng tại một đại chủng viện trong suốt thời gian đào tạo, hoặc ít là trong bốn năm, nếu hoàn cảnh đòi hỏi như vậy, theo sự thẩm định của Giám Mục giáo phận.
§2. Những người cư ngụ cách hợp pháp ngoài chủng viện phải được Giám mục giáo phận trao phó cho một tư tế đạo đức và có khả năng xứng hợp, tư tế này phải lo cho họ được đào tạo kỹ lưỡng về đời sống thiêng liêng và về kỷ luật.
Điều 236
Theo những quy định của Hội đồng Giám mục, các ứng sinh lên chức phó tể vĩnh viễn phải được đào tạo để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và phải được hướng dẫn để chu toàn đúng cách các phận vụ riêng của chức thánh ấy:
1° các thanh thiếu niên phải sống ít là ba năm tại một nhà dành riêng, trừ khi Giám mục giáo phận ấn định cách khác, vì những lý do nghiêm trọng;
2° các ứng sinh đứng tuổi, dù độc thân hay đã kết bạn, phải được đào tạo theo một chương trình ba năm do Hội đồng Giám mục ấn định.
Điều 237
§1. Trong mỗi giáo phận, nơi nào có thể và thấy hữu ích, phải có một đại chủng viện; nếu không, phải gửi các chủng sinh đang chuẩn bị lãnh thừa tác vụ thánh vào các chủng viện khác, hoặc phải thành lập một chủng viện liên giáo phận.
§2. Không một chủng viện liên giáo phận nào được thành lập do Hội đồng Giám mục, nếu đó là một chủng viện cho toàn địa hạt, hoặc do các Giám mục liên hệ, nếu không có sự phê chuẩn trước của Tông Tòa về việc thành lập cũng như về những quy chế của chính chủng viện đó.
Điều 238
§1. Các chủng viện đã được thành lập hợp pháp thì đương nhiên được hưởng tư cách pháp nhân trong Giáo Hội.
§2. Vị giám đốc nhân danh chủng viện điều hành tất cả mọi công việc, ngoại trừ những việc rõ ràng đã được nhà chức trách có thẩm quyền ấn định cách khác.
Điều 239
§1. Trong mỗi chủng viện phải có một giám đốc đứng đầu, và nếu cần, phải có một phó giám đốc, một quản lý, và nếu các chủng sinh học ngay trong chủng viện đó, thì phải có các giáo sư giảng dạy những môn học khác nhau được tổ chức theo một chương trình thích hợp.
§2. Trong mỗi chủng viện phải có ít là một vị linh hướng, tuy nhiên, các chủng sinh vẫn được tự do đến với các tư tế khác đã được Giám mục chỉ định vào nhiệm vụ này.
§3. Quy chế chủng viện phải có những phương thức nhờ đó các vị điều hành khác, các giáo sư và ngay cả các chủng sinh đều có thể tham gia vào trách nhiệm của vị giám đốc, nhất là trong việc duy trì kỷ luật.
Điều 240
§1. Ngoài các cha giải tội thường lệ, các cha giải tội khác phải tới chủng viện cách đều đặn, và các chủng sinh luôn luôn có trọn quyền đến với bất kỳ cha giải tội nào trong hoặc ngoài chủng viện, nhưng phải tôn trọng kỷ luật của chủng viện.
§2. Trong việc quyết định chấp nhận các chủng sinh tiến chức hoặc sa thải họ khỏi chủng viện, không bao giờ được hỏi ý kiến của vị linh hướng và các cha giải tội.
Điều 241
§1. Giám mục giáo phận chỉ nên nhận vào đại chủng viện những người được thẩm định là có đủ khả năng hiến thân vĩnh viễn cho các thừa tác vụ thánh, căn cứ vào các đức tính nhân bản và luân lý, tinh thần và trí tuệ, vào sức khoẻ thể lý và tâm lý cũng như vào ý chí ngay lành của họ.
§2. Trước khi được nhận, các chủng sinh phải xuất trình chứng thư rửa tội và thêm sức, cũng như các hồ sơ khác buộc phải có chiếu theo những quy định của chương trình đào tạo tư tế.
§3. Hơn nữa, nếu nhận những người đã bị một chủng viện khác hoặc một hội dòng sa thải, thì cần phải có chứng từ của Bề Trên liên hệ, nhất là về lý do của sự sa thải hoặc của sự rời bỏ.
Điều 242
§1. Trong mỗi quốc gia phải có một chương trình đào tạo tư tế do Hội đồng Giám mục thiết lập, căn cứ trên các quy tắc do Quyền Bính Tối Cao của Giáo Hội ban hành, và được Tông Tòa phê chuẩn, và khi phải thích nghi với những hoàn cảnh mới, chương trình này cũng cần phải có sự phê chuẩn của Tông Tòa; chương trình đào tạo này phải ấn định những nguyên tắc nền tảng về việc đào tạo phải có trong các chủng viện và những quy tắc tổng quát thích nghi với những nhu cầu mục vụ của mỗi miền hoặc mỗi giáo tỉnh.
§2. Những quy định về chương trình được nói đến ở §1 phải được tuân giữ trong tất cả mọi chủng viện thuộc giáo phận cũng như liên giáo phận.
Điều 243
Hơn nữa, mỗi chủng viện phải có nội quy riêng được Giám mục giáo phận phê chuẩn, hoặc được các Giám mục liên hệ phê chuẩn. nếu là chủng viện liên giáo phận; nội quy này phải thích nghi với những quy định của chương trình đào tạo tư tế trong những hoàn cảnh riêng biệt và phải xác định cách rõ ràng nhất là những điểm kỷ luật liên quan đến đời sống hằng ngày của các chủng sinh và đến việc tổ chức của toàn thể chủng viện.
Điều 244
Trong chủng viện, việc đào tạo về mặt thiêng liêng và việc giảng dạy học thuyết cho các chủng sinh phải được kết hợp hài hòa với nhau, và như vậy phải được tổ chức để cho mỗi chủng sinh, tùy theo cá tính riêng của mình, thủ đắc được cùng một lúc sự trưởng thành nhân bản, cần phải có tinh thần Phúc Âm và sự kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô.
Điều 245
§1. Nhờ việc đào tạo thiêng liêng, các chủng sinh phải trở thành những người có đủ năng lực để thi hành có hiệu quả thừa tác vụ mục vụ và phải được đào tạo về tinh thần truyền giáo, họ phải nhận thức rằng thừa tác vụ luôn được thực hiện với một đức tin sống động và với đức ái sẽ góp phần vào việc thánh hóa bản thân mình; ngoài ra, các chủng sinh phải biết vun trồng những nhân đức được quý trọng trong cộng đồng nhân loại, để họ có thể dung hòa những giá trị nhân bản với những giá trị siêu nhiên một cách thích hợp.
§2. Các chủng sinh phải được đào tạo thế nào để sau khi được thấm nhuần lòng yêu mến Giáo Hội Đức Ki-tô, họ liên kết với Đức Giáo Hoàng Rô-ma, Đấng kế vị thánh Phê-rô, với lòng mến khiêm tốn và hiếu thảo, họ gắn bó với Giám Mục của mình như những cộng sự viên trung thành, và cộng tác với các anh em; nhờ đời sống chung trong chủng viện và nhờ mối tương quan bằng hữu và hòa hợp với đồng bạn, họ phải được chuẩn bị để có tình hiệp nhất huynh đệ với linh mục đoàn trong giáo phận mà họ sẽ là thành viên trong việc phục vụ Giáo Hội.
Điều 246
§1. Việc cử hành Thánh Lễ phải là trung tâm của toàn thể đời sống chủng viện, nhờ vậy mà hằng ngày, khi thông phần đức ái của Đức Ki-tô, các chủng sinh múc lấy sức mạnh tâm hồn cần thiết cho hoạt động tông đồ và cho đời sống thiêng liêng của họ từ nguồn mạch rất phong phú này.
§2. Họ phải được đào tạo để cử hành phụng vụ các giờ kinh, nhờ đó, các thừa tác viên của Thiên Chúa, nhân danh Giáo Hội, cầu nguyện Thiên Chúa cho toàn dân đã được trao phó cho họ, và cho toàn thể thế giới nữa.
§3. Phải cổ vũ lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, kể cả việc lần chuỗi Mân Côi, cũng như việc thực hành tâm nguyện và những việc đạo đức khác, để nhờ đó các chủng sinh tập được tinh thần cầu nguyện và được vững mạnh trong ơn gọi của mình.
§4. Các chủng sinh phải có thói quen thường xuyên lãnh nhận bí tích Sám Hối và khuyên mỗi người phải có một vị điều hành do họ tự do lựa chọn cho đời sống thiêng liêng của mình, để họ có thể tin tưởng tỏ bày lương tâm.
§5. Hằng năm, các chủng sinh phải dự những cuộc tĩnh tâm.
Điều 247
§1. Các chủng sinh phải được chuẩn bị bằng nền giáo dục xứng hợp để sống độc thân và phải học biết quý trọng bậc sống ấy như một hồng ân riêng của Thiên Chúa.
§2. Các chủng sinh phải ý thức rõ ràng về những bổn phận và những trọng trách riêng của các thừa tác viên có chức thánh của Giáo Hội, không được giấu giếm họ một khó khăn nào của đời sống tư tế.
Điều 248
Việc đào tạo về đạo lý phải được truyền đạt để giúp các chủng sinh có một nền đạo lý sâu rộng và vững chắc trong các môn học thánh, được kết hợp với một kiến thức tổng quát phù hợp với những nhu cầu của mỗi thời và mỗi nơi; khi đức tin của họ đã có nền tảng và được nuôi dưỡng như thế, họ có thể loan báo giáo huấn Phúc Âm một cách thích hợp cho người đương thời, phù hợp với não trạng của những người này.
Điều 249
Chương trình đào tạo tư tế phải dự liệu để các chủng sinh không những được học hỏi kỹ lưỡng về tiếng mẹ đẻ, mà còn thông thạo tiếng La-tinh cũng như có kiến thức phù hợp về những ngoại ngữ nào xem ra cần thiết hoặc hữu ích cho việc đào tạo họ hoặc cho việc thi hành thừa tác vụ mục vụ.
Điều 250
Các môn triết học và thần học trong chủng viện có thể được giảng dạy kế tiếp nhau hoặc đồng thời với nhau, tùy theo chương trình đào tạo tư tế; những môn này phải kéo dài trong một thời gian tối thiểu là sáu năm trọn; hai năm dành cho các môn triết học và bốn năm dành cho các môn thần học.
Điều 251
Việc đào tạo triết học phải dựa vào di sản triết học có giá trị vĩnh cửu và cũng phải lưu tâm đến những tiến bộ của việc nghiên cứu triết học, việc đào tạo này phải được truyền đạt thế nào để hoàn chỉnh việc đào tạo nhân bản của các chủng sinh, để làm cho trí tuệ của họ được nhạy bén và để chuẩn bị cho họ có khả năng hơn để theo các lớp thần học.
Điều 252
§1. Việc đào tạo thần học phải được truyền đạt thế nào để các chủng sinh, trong ánh sáng đức tin và dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, am tường toàn bộ giáo lý Công Giáo dựa trên mặc khải của Thiên Chúa, tìm được lương thực cho đời sống thiêng liêng của họ ở đó và họ có thể loan truyền và biện hộ cho giáo lý ấy một cách đúng đắn trong khi thi hành thừa tác vụ.
§2. Các chủng sinh phải học Thánh Kinh một cách đặc biệt kỹ lưỡng để có được một cái nhìn về toàn bộ Thánh Kinh.
§3. Phải có các lớp học thần học tín lý, luôn dựa vào Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền, để nhờ đó, với thánh Tô-ma làm tôn sư đặc biệt, các chủng sinh sẽ học biết tường tận hơn các mầu nhiệm cứu độ; ngoài ra, cũng phải có các lớp thần học luân lý và mục vụ, giáo luật, phụng vụ, giáo sử và những môn phụ hoặc chuyên ngành khác, chiếu theo những quy định của chương trình đào tạo tư tế.
Điều 253
§1. Giám mục hoặc các Giám mục liên hệ chỉ nên bổ nhiệm vào chức giáo sư các môn triết học, thần học và giáo luật, những người trổi vượt về nhân đức, có học vị tiến sĩ hoặc cử nhân của một đại học hoặc phân khoa được Tông Tòa công nhận.
§2. Phải liệu bổ nhiệm những giáo sư riêng biệt để dạy Thánh Kinh, thần học tín lý, thần học luân lý, phụng vụ, triết học, giáo luật, giáo sử và các môn khác theo phương pháp riêng.
§3. Giáo sư nào thiếu sót nghiêm trọng trong nhiệm vụ mình sẽ bị nhà chức trách được nói đến ở §1 giải nhiệm.
Điều 254
§1. Khi giảng dạy, các giáo sư luôn phải lưu ý đến tính thống nhất mật thiết và tính hòa hợp của toàn bộ giáo lý đức tin, để các chủng sinh ý thức được mình đang học một khoa học duy nhất; để đạt mục tiêu đó cách tốt đẹp, phải có một vị chịu trách nhiệm điều hành việc tổ chức toàn bộ các môn học trong chủng viện.
§2. Phải đào tạo các chủng sinh thế nào để họ trở thành những người có khả năng tìm hiểu các vấn đề bằng những việc nghiên cứu thích hợp và theo phương pháp khoa học; vì vậy, họ phải có những sinh hoạt thực tập, trong đó họ học làm quen với một vài môn học bằng cách làm việc riêng, dưới sự hướng dần của các giáo sư.
Điều 255
Mặc dù toàn bộ việc đào tạo chủng sinh trong chủng viện đều nhằm mục đích mục vụ, nhưng phải có một chương trình đào tạo chuyên biệt về mục vụ; nhờ đó các chủng sinh học biết các nguyên tắc và phương pháp liên quan tới việc thực hành thừa tác vụ giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo dân Chúa, tuy vẫn phải lưu ý tới các nhu cầu của mỗi thời và mỗi nơi.
Điều 256
§1. Các chủng sinh phải được đào tạo chu đáo trong các lĩnh vực đặc biệt liên quan đến thừa tác vụ thánh, nhất là về việc thực hành huấn giáo và giảng thuyết, về việc thờ phượng Thiên Chúa, cách riêng là việc cử hành các bí tích, về việc giao tiếp với mọi người, kể cả những người ngoài Công Giáo hoặc những người không tin, về việc điều hành giáo xứ và những trách vụ khác phải chu toàn.
§2. Phải dạy cho các chủng sinh biết những nhu cầu của Giáo Hội phổ quát, để họ quan tâm đến việc cổ vũ các ơn gọi, các vấn đề truyền giáo, đại kết và các vấn đề cấp bách khác, kể cả những vấn đề xã hội.
Điều 257
§1. Phải đào tạo các chủng sinh thế nào để họ không những quan tâm đến Giáo Hội địa phương nơi họ nhập tịch để phục vụ, mà còn quan tâm đến Giáo Hội phổ quát nữa, và sẵn sàng hiến thân cho các Giáo Hội địa phương đang có những nhu cầu thiết yếu.
§2. Giám mục giáo phận phải lo liệu cho các giáo sĩ có ý định rời Giáo Hội địa phương của họ để tới một Giáo Hội địa phương thuộc miền khác được chuẩn bị thích đáng để thi hành thừa tác vụ thánh tại đó, cụ thể là học ngôn ngữ địa phương, am tường những định chế, những điều kiện xã hội, những phong tục và tập quán của miền đó.
Điều 258
Để học hỏi nghệ thuật tông đồ bằng việc thực hành trong thời gian học, và đặc biệt trong những kỳ nghỉ, luôn dưới sự hướng dẫn của một tư tế có kinh nghiệm, các chủng sinh phải khởi sự thực tập việc mục vụ bằng những công tác thích hợp và phù hợp với lứa tuổi của họ cũng như với những hoàn cảnh địa phương, được xác định theo sự phán đoán của Đấng Bản Quyền.
Điều 259
§1. Giám mục giáo phận, hoặc các Giám mục liên hệ, nếu là chủng viện liên giáo phận, quyết định về những gì liên quan đến việc chỉ đạo tối cao và việc quản trị chung của chủng viện.
§2. Giám mục giáo phận, hoặc các Giám mục liên hệ, nếu là chủng viện liên giáo phận, phải thường xuyên đích thân đến thăm chủng viện; các ngài phải theo dõi việc đào tạo các chủng sinh của mình, việc giảng dạy triết học và thần học tại chủng viện; các ngài còn phải tìm hiểu về ơn gọi, tính tình, lòng đạo đức và sự tiến bộ của các chủng sinh, nhất là để truyền các chức thánh.
Điều 260
Trong khi chu toàn nhiệm vụ riêng của mình, tất cả mọi người phải vâng lời vị giám đốc là người có trách nhiệm điều hành chủng viện hằng ngày, chiếu theo chương trình đào tạo tư tể và nội quy của chủng viện.
Điều 261
§1. Giám đốc chủng viện, và dưới quyền ngài là các vị điều hành và các giáo sư, mỗi người theo phận sự của mình, phải lo liệu để các chủng sinh giữ đúng mọi quy tắc trong chương trình đào tạo tư tế và nội quy của chủng viện.
§2. Giám đốc chủng viện và giám học phải ân cần lo cho các giáo sư chu toàn đúng phận sự của họ theo những quy định của chương trình đào tạo tư tế và nội quy của chủng viện.
Điều 262
Chủng viện phải được miễn khỏi quyền lãnh đạo của giáo xứ; giám đốc chủng viện hoặc người được ngài ủy quyền phải thi hành chức vụ cha sở đối với hết mọi người trong chủng viện, ngoại trừ vấn đề hôn nhân và miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 985.
Điều 263
Giám mục giáo phận, hoặc các Giám mục liên hệ, nếu là chủng viện liên giáo phận, theo phần đã được các ngài ấn định qua một sự thỏa thuận chung, phải lo cung ứng cho việc xây dựng và bảo trì chủng viện, việc nuôi dưỡng các chủng sinh, thù lao cho các giáo sư và các nhu cầu khác của chủng viện.
Điều 264
§1. Để cung ứng cho các nhu cầu của chủng viện, ngoài tiền quyên góp được nói đến ở điều 1266, Giám mục có thể bổ một khoản đóng góp trong giáo phận.
§2. Tất cả mọi pháp nhân thuộc Giáo Hội, kể cả các pháp nhân tư, có trụ sở trong giáo phận, phải đóng góp cho chủng viện, trừ khi những pháp nhân đó chỉ sống nhờ của bố thí hoặc trong những pháp nhân ấy hiện có một hiệp đoàn giáo sư hay sinh viên nhằm mục đích cổ động cho công ích của Giáo Hội; sự đóng góp này có tính cách phổ quát, tương xứng với hoa lợi của những người đóng góp và được ấn định tùy theo những nhu cầu của chủng viện.
Chương 2. Sự nhập tịch của các giáo sĩ (Điều 265 – 272)
Điều 265
Bất cứ giáo sĩ nào cũng phải nhập tịch hoặc vào một Giáo Hội địa phương hay vào một hạt giám chức tòng nhân, hoặc vào một tu hội thánh hiến hay vào một tu đoàn có năng quyền đó; như vậy, tuyệt đối không chấp nhận các giáo sĩ không có Bề Trên hoặc không có cư sở.
Điều 266
§1. Do việc lãnh chức phó tế, một người trở thành giáo sĩ và được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương hoặc một hạt giám chức tòng nhân mà họ được tiến chức để phục vụ.
§2. Thành viên đã khấn trọn đời trong một hội dòng hoặc đã vĩnh viễn gia nhập một tu đoàn tông đồ giáo sĩ được nhập tịch như một giáo sĩ vào hội dòng hay tu đoàn ấy do việc lãnh chức phó tế, trừ khi hiến pháp của tu đoàn ấn định cách khác.
§3. Do việc lãnh chức phó tế, thành viên của một tu hội đời được nhập tịch vào Giáo Hội địa phương nơi họ được tiến chức để phục vụ, trừ khi được Tông Tòa chuẩn nhượng cho nhập tịch vào chính tu hội.
Điều 267
§1. Để được nhập tịch hữu hiệu vào một Giáo Hội địa phương khác, một giáo sĩ đã nhập tịch rồi cần phải có văn thư xuất tịch của Giám mục giáo phận do chính ngài ký tên; và cũng phải được Giám mục giáo phận của Giáo Hội địa phương tại nơi giáo sĩ ước muốn nhập tịch ban văn thư nhập tịch do chính ngài ký tên.
§2. Như vậy, việc xuất tịch được cấp chỉ có hiệu lực sau khi đã được nhập tịch vào một Giáo Hội địa phương khác.
Điều 268
§1. Giáo sĩ nào đã rời Giáo Hội địa phương của mình sang một Giáo Hội địa phương khác cách hợp pháp, thì chiếu theo luật định sẽ được nhập tịch vào Giáo Hội địa phương đó sau năm năm, nếu đương sự đã viết đơn ngỏ ý với Giám mục giáo phận của Giáo Hội tiếp nhận, cũng như với Giám mục riêng của mình, và nếu không vị nào trong hai vị tỏ ý phản kháng bằng văn thư trong thời gian bốn tháng kể từ ngày nhận được đơn.
§2. Do việc được thâu nhận trọn đời hay vĩnh viễn vào một tu hội thánh hiến hay một tu đoàn tông đồ, giáo sĩ nào, chiếu theo quy tắc của điều 266 §2, đã được nhập tịch vào tu hội hoặc tu đoàn ấy thì được xuất tịch khỏi Giáo Hội địa phương của mình.
Điều 269
Giám mục giáo phận không được cho phép một giáo sĩ nhập tịch trừ khi:
1° nhu cầu hoặc ích lợi của Giáo Hội địa phương đòi hỏi, và phải tuân giữ những quy định của luật liên quan tới việc cấp dưỡng xứng hợp cho các giáo sĩ.
2° ngài biết chắc phép xuất tịch đã được ban qua một văn thư hợp pháp, và ngài còn được Giám mục giáo phận cho xuất tịch cung cấp những chứng từ thích hợp, một cách bí mật nếu cần, về đời sống, tư cách và việc học hành của giáo sĩ.
3° giáo sĩ đã tỏ bày bằng văn thư với chính Giám mục giáo phận rằng mình muốn hiến thân phục vụ Giáo Hội địa phương mới, chiếu theo quy tắc của luật.
Điều 270
Chỉ có thể cho phép xuất tịch một cách hợp pháp khi có những lý do chính đáng, chẳng hạn như lợi ích của Giáo Hội hoặc thiện ích của chính giáo sĩ; tuy nhiên, không được từ chối ban phép xuất tịch, trừ khi có những lý do quan trọng, nhưng giáo sĩ nào thấy mình bị thiệt thòi và tìm được một Giám mục đón nhận thì được phép thượng cầu chống lại quyết định ấy.
Điều 271
§1. Ngoài trường hợp thật sự cần thiết cho Giáo Hội địa phương mình, Giám mục giáo phận không được từ chối cho phép các giáo sĩ mà ngài biết là họ đã sẵn sàng và có đủ khả năng đi tới những miền thiếu giáo sĩ nghiêm trọng để thi hành thừa tác vụ thánh, tuy nhiên, ngài phải liệu sao để các quyền lợi và nhiệm vụ của những giáo sĩ ấy được ấn định qua một văn thư thỏa thuận với Giám mục giáo phận tại nơi họ đến.
§2. Giám mục giáo phận có thể cho phép các giáo sĩ của mình tới một Giáo Hội địa phương khác trong một thời gian nhất định, tuy có thể gia hạn nhiều lần, tuy nhiên, những giáo sĩ đó vẫn nhập tịch tại Giáo Hội địa phương của mình, và khi trở về, họ vẫn được hưởng mọi quyền lợi vốn có, như thể họ đã thi hành thừa tác vụ thánh tại đây.
§3. Giáo sĩ nào đã chuyển sang một Giáo Hội địa phương khác cách hợp lệ, nhưng còn nhập tịch tại Giáo Hội mình, thì vẫn có thể bị Giám mục giáo phận mình triệu hồi vì một lý do chính đáng, miễn là vẫn tôn trọng những thỏa thuận đã ký kết với Giám mục kia, cũng như sự hợp tình hợp lý tự nhiên; cũng thế, một khi đã tuân giữ cùng những điều kiện đó, Giám mục của giáo phận kia có thể từ chối cho phép giáo sĩ lưu lại trong địa hạt của ngài vì một lý do chính đáng.
Điều 272
Giám Quản giáo phận không thể ban phép xuất tịch và nhập tịch, cũng không thể ban phép chuyển sang một Giáo Hội địa phương khác, trừ khi tòa giám mục đã khuyết vị được một năm và có sự đồng ý của ban tư vấn.
Chương 3. Nghĩa vụ và quyền lợi của giáo sĩ (Điều 273 – 289)
Điều 273
Các giáo sĩ có nghĩa vụ đặc biệt phải tỏ lòng kính trọng và vâng phục Đức Giáo Hoàng và Đấng Bản Quyền của mình.
Điều 274
§1. Chỉ các giáo sĩ mới có thể đảm nhận những giáo vụ mà việc thi hành đòi phải có quyền thánh chức hoặc quyền lãnh đạo trong Giáo Hội.
§2. Trừ khi có ngăn trở hợp pháp miễn cho, các giáo sĩ buộc phải lãnh nhận và trung thành chu toàn nhiệm vụ được Đấng Bản Quyền của mình trao phó.
Điều 275
§1. Vì hoạt động của tất cả các giáo sĩ đều nhằm đến việc xây dựng Thân Mình Đức Ki-tô, nên họ phải hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ và lời cầu nguyện, và phải cộng tác với nhau theo những quy định của luật riêng.
§2. Các giáo sĩ phải nhìn nhận và cổ vũ sứ mạng mà các giáo dân thi hành, mỗi người theo phần mình, trong Giáo Hội và trong thế giới.
Điều 276
§1. Trong cuộc sống của mình, các giáo sĩ buộc phải theo đuổi sự thánh thiện vì một lý do đặc biệt, bởi vì do việc lãnh bí tích truyền chức, họ đã được thánh hiến cho Thiên Chúa với một tước hiệu mới, họ là những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa để phục vụ dân Ngài.
§2. Để có thể đạt tới sự trọn lành ấy:
1° trước hết, họ phải chu toàn những nghĩa vụ của thừa tác vụ mục vụ một cách trung thành và không mệt mỏi;
2° họ phải nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình bằng hai bàn tiệc Thánh Kinh và Thánh Thể; vì thế, các tư tế được khẩn khoản mời gọi dâng Thánh Lễ mỗi ngày; còn các phó tế thì phải tham dự hiến lễ ấy hằng ngày;
3° các tư tế cũng như các phó tế chuẩn bị làm linh mục, hằng ngày buộc phải chu toàn các giờ kinh phụng vụ theo những sách phụng vụ riêng đã được phê chuẩn; còn các phó tế vĩnh viễn chỉ buộc chu toàn phần nào đã được Hội đồng Giám mục ấn định;
4° họ cũng buộc tham dự tĩnh tâm, theo những quy định của luật địa phương.
5° họ được khuyến khích thực hành việc tâm nguyện cách đều đặn, siêng năng lãnh nhận bí tích sám hối, tôn sùng Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa cách đặc biệt, và sử dụng các phương thế thánh hóa khác, chung hay riêng.
Điều 277
§1. Các giáo sĩ buộc phải giữ đức khiết tịnh hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời, vì vậy, họ phải sống bậc độc thân là một hồng ân riêng của Thiên Chúa, nhờ đó, các thừa tác viên có chức thánh có thế kết hợp với Đức Ki-tô dễ dàng hơn bằng một con tim không chia sẻ và được thong dong hơn để hiến thân phụng sự Thiên Chúa và nhân loại.
§2. Các giáo sĩ phải hết sức thận trọng khi giao tiếp với những người mà việc năng lui tới có thể gây nguy hại cho nghĩa vụ giữ đức khiết tịnh của mình hoặc sinh gương xấu cho các tín hữu.
§3. Giám mục giáo phận ấn định những quy tắc rõ ràng hơn về vấn đề này, và thẩm định việc tuân giữ nghĩa vụ này trong những trường hợp đặc biệt.
Điều 278
§1. Các giáo sĩ triều có quyền thành lập hiệp hội cùng với những người khác nhằm theo đuổi những mục đích phù hợp với bậc giáo sĩ.
§2. Các giáo sĩ triều phải thấy tầm quan trọng của các hiệp hội, nhất là các hiệp hội mà nội quy đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn, nhằm thúc giục nhau nên thánh trong việc thi hành tác vụ, giúp các giáo sĩ hiệp nhất với nhau và với Giám mục của mình, nhờ có một luật sống thích hợp và được chấp nhận hợp lệ, cũng như nhờ sự tương trợ huynh đệ.
§3. Các giáo sĩ không được thiết lập hay tham gia các hiệp hội mà mục đích cũng như hoạt động không tương hợp với những nghĩa vụ riêng của bậc giáo sĩ, hoặc có thể gây trở ngại cho việc cần mẫn chu toàn các nhiệm vụ do nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội trao phó.
Điều 279
§1. Ngay cả sau khi đã chịu chức tư tế, các giáo sĩ phải tiếp tục học các môn thánh khoa; phải theo sát học thuyết vững chắc dựa trên Thánh Kinh, được tiền nhân truyền lại và đã được tiếp nhận chung trong Giáo Hội, như đã được xác định, nhất là trong những văn kiện của các Công đồng và của các Đức Giáo Hoàng; họ nên tránh những trào lưu thế tục mới lạ và những khoa học giả hiệu.
§2. Dựa theo quy định của luật địa phương, các tư tế phải tham dự những khóa mục vụ được tổ chức sau khi đã chịu chức tư tế; và vào những thời kỳ do luật ấy ấn định, họ cũng phải tham dự những lớp học khác, những buổi hội thảo về thần học hoặc những buổi thuyết trình, nhờ đó, họ có cơ hội thu thập kiến thức sâu rộng hơn về các thánh khoa và về các phương pháp mục vụ.
§3. Các linh mục cũng phải tiếp tục thu thập kiến thức về những khoa học khác, nhất là những khoa học có liên hệ với những thánh khoa, đặc biệt khi kiến thức ấy giúp ích cho việc thi hành thừa tác vụ mục vụ.
Điều 280
Hết sức khuyến khích các giáo sĩ nên có một đời sống chung theo một hình thức nào đó; và ở đâu đã có đời sống chung thì phải duy trì hết sức có thể.
Điều 281
§1. Khi hiến thân cho thừa tác vụ của Giáo Hội, các giáo sĩ đáng được hưởng thù lao tương xứng với địa vị của họ, xét theo bản chất nhiệm vụ đảm trách cũng như các hoàn cảnh mỗi thời và mỗi nơi; nhờ đó họ có thể đáp ứng các nhu cầu cá nhân và trả công xứng đáng cho những người phục vụ họ.
§2. Cũng phải liệu sao để các giáo sĩ được hưởng trợ cấp xã hội, nhờ đó có thể chu cấp thích đáng cho những nhu cầu của họ trong trường hợp đau yếu, tàn tật hoặc cao niên.
§3. Các phó tế đã kết bạn hiến thân trọn vẹn cho tác vụ của Giáo Hội thì đáng được hưởng một khoản thù lao để có thể chu cấp cho những nhu cầu của bản thân và gia đình; còn những vị được hưởng một khoản thù lao hợp tình hợp lý do nghề nghiệp dân sự họ đang làm hay đã làm trước đây, thì hãy dùng lợi tức nghề nghiệp để lo liệu chu cấp cho những nhu cầu của bản thân và gia đình.
Điều 282
§1. Các giáo sĩ phải có một nếp sống giản dị và phải xa lánh tất cả những gì có vẻ hào nhoáng.
§2. Những gì nhận được khi thi hành giáo vụ, sau khi đã chu cấp xứng đáng cho bản thân và cho việc chu toàn mọi bổn phận của bậc mình, các giáo sĩ phải dành phần dư thừa cho lợi ích của Giáo Hội và những công cuộc bác ái.
Điều 283
§1. Dù không có giáo vụ gắn liền với trú sở, các giáo sĩ không được rời khỏi giáo phận trong một thời gian đáng kể, theo sự ấn định của luật địa phương, nếu không có phép Đấng Bản Quyền của mình, ít là được suy đoán.
§2. Tuy nhiên, hằng năm các giáo sĩ được hưởng một kỳ nghỉ phải chăng và vừa đủ, do luật phổ quát hoặc luật địa phương ấn định.
Điều 284
Các giáo sĩ phải mặc tu phục Giáo Hội xứng hợp, theo những quy tắc do Hội đồng Giám mục ban hành và theo tập tục hợp lệ tại địa phương.
Điều 285
§1. Các giáo sĩ phải tuyệt đối xa lánh tất cả những điều bất xứng với bậc mình, theo những quy định của luật địa phương.
§2. Họ phải tránh tất cả những điều, tuy không bất xứng, nhưng xa lạ với bậc giáo sĩ.
§3. Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự.
§4. Không có phép của Đấng Bản Quyền, các giáo sĩ không được quản trị những tài sản thuộc về giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải tường trình sổ sách; cũng không được đứng ra bảo đảm, cho dù dựa vào tài sản riêng mình, nếu không tham khảo ý kiến của Đấng Bản Quyền riêng; cũng thế, họ phải tránh ký kết những thương phiếu tài chính vì đó mà họ buộc phải trả tiền, dù không xác định rõ nguyên do.
Điều 286
Cấm các giáo sĩ đích thân hoặc nhờ người khác kinh doanh hoặc buôn bán nhằm kiếm lợi cho bản thân hoặc cho người khác, khi không có phép của nhà chức trách Giáo Hội hợp pháp.
Điều 287
§1. Các giáo sĩ phải luôn luôn hết sức cố gắng duy trì sự hòa bình và hòa hợp giữa mọi người, dựa trên nền tảng công lý.
§2. Các giáo sĩ không được tích cực tham gia vào các đảng phái chính trị, hoặc lãnh đạo các nghiệp đoàn, trừ khi theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và việc cổ vũ công ích đòi hỏi như vậy.
Điều 288
Các phó tế vĩnh viễn không buộc giữ những quy định của các điều 284, 285 §§3 và 4, 286, 287 §2, trừ khi luật địa phương ấn định cách khác.
Điều 289
§1. Vì nghĩa vụ quân sự hầu như không thích hợp cho bậc giáo sĩ, cho nên các giáo sĩ cũng như các ứng sinh chuẩn bị lãnh chức thánh không được tình nguyện tòng quân, nếu không có phép của Đấng Bản Quyền mình.
§2. Các giáo sĩ phải được hưởng những đặc miễn khỏi thi hành các nhiệm vụ và các chức vụ công quyền không thích hợp với bậc giáo sĩ mà luật dân sự, các hiệp định, hoặc các tập tục dành cho họ, trừ khi Đấng Bản Quyền riêng đã định cách khác trong những trường hợp đặc biệt.
Chương 4. Mất bậc giáo sĩ (Điều 290 – 293)
Điều 290
Việc phong chức thánh, một khi được lãnh nhận hữu hiệu, không bao giờ trở nên vô hiệu. Tuy nhiên, một giáo sĩ có thể mất bậc giáo sĩ;
1° do bản án tại tòa hoặc do sắc lệnh hành chính tuyên bố việc phong chức thánh vô hiệu;
2° do hình phạt sa thải đã được tuyên kết hợp lệ;
3° do phúc chiếu của Tông Tòa; nhưng Tông Tòa chỉ ban phúc chiếu này cho các phó tế khi có lý do nghiêm trọng, và cho các linh mục khi có lý do rất nghiêm trọng mà thôi.
Điều 291
Ngoài trường hợp được nói đến ở điều 290, 1°, sự mất hàng giáo sĩ không bao hàm việc miễn chuẩn nghĩa vụ độc thân, quyền miễn chuẩn này chỉ do một mình Đức Giáo Hoàng Rô-ma ban mà thôi.
Điều 292
Giáo sĩ nào mất bậc giáo sĩ chiếu theo quy tắc của luật, thì đồng thời mất mọi quyền lợi riêng của bậc giáo sĩ và không buộc giữ những nghĩa vụ của bậc giáo sĩ nữa, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 291; đương sự bị cấm thi hành quyền chức thánh, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 976; đương sự cũng bị tước mọi giáo vụ, mọi trọng trách và mọi quyền thừa ủy.
Điều 293
Giáo sĩ nào đã mất bậc giáo sĩ thì không thể tái gia nhập hàng giáo sĩ, nếu không có phúc chiếu của Tông Tòa.